Hôm ấy toàn thể đều dùng cơm chay.
Ăn uống xong, Phương Chứng đại sư nói:
– Lệnh Hồ chưởng môn! Lão tăng cùng Xung Hư đạo huynh muốn thương nghị cùng chưởng môn một việc.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Tại hạ xin tuân lời.
Chàng nghĩ bụng:
– Chưởng môn hai phái lớn trong võ lâm đều thân hành đến núi Hằng Sơn tức là có việc trọng yếu muốn đem ra thương nghị. Ngọn Kiến Tính này rắn rồng hỗn tạp, bất cứ chỗ nào cũng tai vách mạch rừng.
Chàng liền dặn dò bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh chia nhau mời mọc tân khách rồi chàng quay lại nói với Phương Chứng, Xung Hư:
– Dưới ngọn núi này bên cửa Từ Diêu có ngọn Thúy Bình Sơn. Vách núi dựng đứng, nhẵn bóng như gương. Trên núi có chùa Huyền Không. Ðó là một nơi thắng cảnh. Nếu hai vị tiền bối có nhã hứng thì Lệnh Hồ Xung này dẫn các vị đi chơi một lát nên chăng?
Xung Hư đạo nhân đáp:
– Bần đạo từng nghe chùa Huyền Không trên núi Thúy Bình Sơn dựng lên đời Bắc Ngụy. Nơi đây cực kỳ hiểm trở, khỉ vượn cũng không thể trèo lên tới nơi được, thế mà có người kiến tạo nên ngôi chùa. Bần đạo đang muốn đến coi cho mở rộng tầm mắt.
Lệnh Hồ Xung liền dẫn hai người xuống núi Kiến Tính, qua cửa Từ Diêu đi đến chân núi Thúy Bình. Mấy người ngửng đầu trông lên thấy hai tòa lâu các cao chót vót trên đỉnh núi, thật giống lâu các của người tiên mọc ra ở giữa đám mây.
Phương Chứng đại sư thở dài nói:
– Người dựng ra lâu đài các này thật có ý muốn lên mở cửa nhà trời. Thế mới biết trong thiên hạ chẳng có việc gì khó, chỉ sợ người không có chí mà thôi.
Ba người liền thi triển khinh công cất bước lên núi, đến chùa Huyền Không.
Chùa Huyền Không gồm hai tòa lâu các đều cao ba tầng chĩa lên không gian mấy chục trượng. Giữa hai tòa nhà lầu cách nhau chừng mấy chục thước nối vào nhau bằng một cây cầu treo lơ lửng.
Trong chùa có một mụ già trông nom quét tước.
Mụ thấy ba người tới nơi đã không chào hỏi lại không hành lễ, chỉ giương mắt lên mà nhìn.
Mười mấy bữa trước đây, Lệnh Hồ Xung cùng bọn Nghi Hòa, Nghi Lâm lên chùa nên biết rõ mụ bộc phụ này vừa câm, vừa điếc, chẳng hiểu chút gì.
Lệnh Hồ Xung không lý gì đến mụ, liền cùng Phương Chứng, Xung Hư bước lên cầu.
Cây cầu treo này rộng chừng vài thước. Nếu là người thường trèo lên nhìn ra bốn mặt đều là cõi mênh mông bát ngát, mây quẩn dưới chân thì tưởng chừng như mình đang lên trời, không khỏi dao động tâm thần, chân tay luống cuống. Nhưng ba người này đều là những tay cao thủ hạng nhất lên chỗ thắng cảnh này lại cảm thấy trong lòng khoan khoái.
Phương Chứng va Xung Hư nhìn về phương Bắc thấy ẩn hiện một tòa thành quách giữa đám khói mây.
Mọi người còn nhìn thấy giữa hai ngọn núi có giòng nước chảy về phía đông. Hình thế cực kỳ hùng vĩ hiểm trở.
Phương Chứng nói:
– Người xưa có câu: “Một người đóng lại, muôn người không mở ra được”. Hình như thế nơi đây đúng là thế đó.
Xung Hư nói:
– Về đời Bắc Tống, Dương lão linh công giữ cửa tam quan đóng binh ở đây. Chốn này là nơi trọng yếu nên các binh gia đều muốn tranh đoạt. Vì vậy họ tới đây mới nhận thấy chùa Huyền Không là một công trình quỷ khốc, thần kinh, đáng ghê cho nghị lực người xưa. Nhưng khi coi tới quãng đường sơn đạo thẳng tắp dài năm trăm dặm thì công khai phá còn ghê gớm hơn nhiều. Việc kiến tạo chùa Huyền Không này chưa đáng kể vào đâu.
Lệnh Hồ Xung lấy làm kỳ hỏi:
– Thưa đạo trưởng! Quãng đường sơn đạo năm trăm dặm mà đạo trưởng nói đây đều do nhân công khai thác ư?
Xung Hư đáp:
– Sử chép rằng: Ðời Ngụy Võ Ðế, năm đầu niên hiệu Thiên Hưng, đánh dẹp nước Yên đưa quân từ núi Trung Sơn về Bình Thành đã điều động mấy vạn sĩ tốt khai phá núi Hằng Lĩnh làm một đường giao thông năm trăm dặm thẳng từ cửa Từ Diêu này. Cửa Từ Diêu là đầu đường phía Bắc con đường thẳng đó.
Phương Chứng nói:
– Con đường thẳng ngoài năm trăm dặm này dĩ nhiên phần lớn là đường thiên nhiên. Bắc Ngụy hoàng đế phát mấy vạn sĩ tốt chỉ là để phá mấy ngọn núi ngăn trở trung gian mà thôi. Tuy nhiên đó cũng là một công trình cực kỳ hiện đại khiến người nghe đến phải lắc đầu lè lưỡi.
Lệnh Hồ Xung cười nói:
– Không trách có nhiều người muốn làm hoàng đế. Chỉ cần hô lên một tiếng là mấy vạn sĩ tốt phải khai sơn phá thạch bạt thành đường thẳng.
Xung Hư nói:
– Tự cổ chí kim biết bao anh hùng hào kiệt khó lòng bước qua được quan ải “quyền thế”. Ðừng nói chuyện làm hoàng đế mà ngay trong võ lâm hiện nay sỏ dĩ nỗi trận phong ba, gây cuộc phân tranh không dứt cũng chỉ vì hai chữ “quyền thế” mà ra.
Lệnh Hồ Xung run lên nghĩ thầm:
– Lão đưa vào chính đề rồi đây.
Chàng liền nói:
– Vãn bối thật chưa hiểu rõ, mong rằng hai vị tiền bối chỉ điểm thêm cho.
Phương Chứng nói:
– Lệnh Hồ chưởng môn! Bữa nay phái Tung Sơn sai Lâm lão sư dẫn một đoàn người tới đây vì mục đích gì?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Y truyền đạt hiệu lịnh của Tả minh chủ không cho vãn bối tiếp nhiệm chức chưởng môn phái Hằng Sơn.
Phương Chứng lại hỏi:
– Tại sao Tả minh chủ lại không muốn cho thí chủ lên ngôi chưởng môn phái Hằng Sơn?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Lúc còn ở Thiếu Lâm bảo tự, vãn bối đã đắc tội với y, nên y thống hận vãn bối không biết đến đâu mà nói…
Lệnh Hồ Xung nói tiếp:
– Tả minh chủ còn muốn đem Ngũ nhạc kiếm phái hợp vào làm một mà vãn bối đã mấy lần phá rối kế hoạch của y.
Phương Chứng lại hỏi:
– Tại sao chưởng môn lại ngăn cản kế hoạch của y?
Lệnh Hồ Xung ngẩn người một lúc không biết trả lời thế nào.
Phương Chứng lại hỏi:
– Phải chăng chưởng môn cho việc hợp Ngũ nhạc kiếm phái vào làm một là không ổn?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Khi đó vãn bối không nghĩ tới việc này có ổn hay không, chỉ vì thấy phái Tung Sơn muốn uy hiếp phái Hằng Sơn lại giả làm giáo chúng Ma giáo cướp bắt đệ tử phái Hằng Sơn, vây đánh Ðịnh Tĩnh sư thái bằng những thủ đoạn hèn mạt. Vãn bối gặp việc bất bình nên ra tay viện trợ. Vãn bối nghĩ rằng: việc hợp nhất Ngũ nhạc kiếm phái nếu là mỹ sự thì sao phái Tung Sơn không mời chưởng môn các phái đến thương nghị một cách đường hoàng mà lại giở trò ném đá dấu tay?
Xung Hư gật đầu nói:
– Chưởng môn nghĩ thế là phải. Tả Lãnh Thiền trong lòng hoài bão chí lớn, muốn làm người thứ nhất trong võ lâm. Nhưng y tự biết khó lòng khiến cho mọi người khâm phục nên phải sử dụng âm mưu.
Phương Chứng thở dài nói:
– Tả minh chủ quả là một nhân tài kiệt xuất trong võ lâm. Trong Ngũ nhạc kiếm phái không có người thứ hai nào so sánh với y được. Có điều hoài bão của y quá lớn, nóng lòng áp đảo hai phái Võ Ðương và Thiếu Lâm nên dùng thủ đoạn chẳng cần lựa chọn, miễn sao cho đạt được mục đích.
Xung Hư nói:
– Phái Thiếu Lâm nguyên là lãnh tụ võ lâm. Trải mấy trăm năm ai cũng công nhận như vậy. Sau phái Thiếu Lâm là đến Võ Ðương. Dưới nữa là những phái Côn Luân, Nga My, Không Ðộng… Lệnh Hồ hiền đệ! Mỗi một môn phái sáng tạo nên danh là do tâm huyết của biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt hàng mấy trăm năm tích lũy mới thành. Gia số võ công cũng phải từng phân từng ly trăm ngàn lần rèn đi luyện lại mới có, chứ không phải công trình một sớm một chiều mà được. Ngũ nhạc kiếm phái quật khởi về sau góp mặt với võ lâm, đại khái mới sáu bảy chục năm nay. Tuy những phái này vươn lên rất mau, nhưng đa số vẫn chưa kịp những phái Côn Luân, Nga My… chứ đừng nói đến phái Thiếu Lâm võ công bác đại tinh thâm với bảy mươi hai tuyệt nghệ. Ngũ nhạc kiếm phái bì thế nào được?
Lệnh Hồ Xung gật đầu khen phải.
Xung Hư lại nói:
– Trong các phái ngẫu nhiên nảy ra một vài nhân vật tài trí kiêu hùng một thời, nhưng sức một người chẳng tài nào áp đảo được những bậc hào kiệt các nhà các phái khác. Lúc Tả Lãnh Thiền lên làm chức minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái, Phương Chứng đại sư đã liệu trước trong võ lâm sẽ xảy ra lắm chuyện. Mấy năm gần đây họ đã có những hành động quả đúng như tiên kiến của Phương Chứng đại sư.
Phương Chứng đại sư cất tiếng niệm:
– A Di Ðà Phật!
Xung Hư lại nói:
– Bước đầu của Tả Lãnh Thiền là lên làm minh chủ Ngũ nhạc kiếm phái. Bước thứ hai là hợp cả năm phái vào làm một để y làm chưởng môn. Sau khi Ngũ phái thống nhất, lực lượng hùng hậu, thế là ngấm ngầm phái này sẽ cùng hai phái Thiếu Lâm, Võ Ðương thành thế chia ba chân vạc. Khi ấy Tả Lãnh Thiền tiến thêm bước nữa như tằm giữ lấy cành, hắn sẽ thôn tính những phái Côn Luân, Nga My, Không Ðộng, Thanh Thành hợp vào làm một. Ðó là bước thứ ba. Sau nữa hắn quay lại gây hấn với Triều Dương thần giáo, đứng ra thống lãnh các phái Thiếu Lâm, Võ Ðương để đè bẹp Triều Dương thần giáo. Ðó là bước thứ tư.
Lệnh Hồ Xung ngấm ngầm cảm thấy trong lòng lo sợ liền hỏi:
– Những chuyện này khó mà làm được. Sao hắn lại hao tâm tổn lực như vậy?
Xung Hư đáp:
– Lòng người như biển khôn dò. Trên đời thiếu gì việc khó lòng làm được mà vẫn có người cố gắng thử làm. Hiền đệ thử coi con đường năm trăm dặm thẳng tắp chẳng đã có người khai phá được rồi đó ư? Chùa Huyền Không này cũng chẳng có người dựng lên được là gì? Tả Lãnh Thiền mà diệt xong Triều Dương thần giáo thì hắn sẽ thành thế “Duy ngã độc tôn” trong võ lâm. Lúc đó hắn muốn thôn tính phái Võ Ðương, thu thập phái Thiếu Lâm không còn là chuyện khó nữa.
Phương Chứng đại sư lại miệng niệm một câu:
– A Di Ðà Phật!
Lệnh Hồ Xung nói:
– Té ra Tả Lãnh Thiền muốn bao nhiêu hào sĩ võ lâm trong thiên hạ đều phải tuân theo mệnh lệnh của y?
Xung Hư đạo trưởng cười khanh khách đáp:
– Chính là thế đó! Khi ấy e rằng hắn còn muốn làm hoàng đế. Sau khi làm hoàng đế rồi hắn còn muốn trường sinh bất lão, vạn thọ vô cương! Cho nên mới có câu: “Lòng người chẳng biết thế nào cho thỏa mãn như rắn muốn nuốt voi”. Từ cổ chí kim đều thế cả. Những anh hùng hào kiệt rất ít người tránh thoát được cửa quan “quyền vị”.
Lệnh Hồ Xung lẳng lặng không nói gì.
Ngọn gió heo vi vút thổi tới, bất giác chàng rét run lên, rồi cất tiếng hỏi:
– Con người ở đời sống mấy chục năm, tưởng nên thích chí là hơn, sao họ lại khổ công theo đuổi những việc tày trời như vậy? Tả Lãnh Thiền mà muốn tiêu diệt Triều Dương thần giáo cùng thôn tính những phái Thiếu Lâm, Võ Ðương thì không hiểu phải mất đến bao nhiêu người mà kể, máu chảy biết đến đâu mà nói.
Xung Hư vỗ hai tay nói:
– Phải vậy a! Ba người chúng ta đây phải gánh lấy trách nhiệm đứng ra ngăn cản Tả Lãnh Thiền, không thể để dã tâm của hắn sinh cường được. Có như thế thì trên chốn giang hồ mới tránh được nạn máu tanh đầy đất.
Lệnh Hồ Xung rùng mình nói:
– Ðạo trưởng nói thế khiến cho vãn bối phải kinh hồn. Vãn bối kiến thức hẹp hòi, chỉ biết nghe lời giáo hối của nhị vị tiền bối mà thôi.
Xung Hư nói:
– Hôm ấy Lệnh Hồ chưởng môn thống lĩnh quần hào đến chùa Thiếu Lâm để nghênh đón Nhậm đại tiểu thư mà không làm tổn hại đến một gốc cây ngọn cỏ trong chùa. Phương trượng đại sư vẫn giữ mối tình cảm nồng hậu với chưởng môn.
Lệnh Hồ Xung đỏ mặt lên nói:
– Vãn bối mỗi khi nhớ tới vụ lộn xộn này rất là sợ hãi.
Xung Hư nói:
– Sau khi chưởng môn đi rồi, Tả Lãnh Thiền cùng đồng bọn cũng cáo biệt trở về hết, bần đạo còn ở lại chùa Thiếu Lâm bảy ngày đêm, bàn luận cùng phương trượng đại sư, rất lấy làm lo lắng về dã tâm bồng bột của bọn Tả Lãnh Thiền. Sau chúng ta được tin Lệnh Hồ lão đệ lên tiếp nhiệm chưởng môn phái Hằng Sơn liền quyết định thân hành đến đây một là để chúc mừng lão đệ hai là cùng nhau thương nghị đại sự.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Hai vị đề cao vãn bối như vậy, vãn bối thật không dám.
Xung Hư nói:
– Vụ Lâm Hậu truyền hiệu lệnh của Tả Lãnh Thiền nói là đến sáng sớm ngày rằm tháng ba Ngũ nhạc kiếm phái từ trên xuống dưới phải đến tập họp ở núi Tung Sơn để lựa chọn và suy cử vị chưởng môn cho Ngũ Nhạc phái đã ở trong sự tiên liệu của phương trượng đại sư rồi. Có điều bọn ta không ngờ Tả Lãnh Thiền lại nóng nảy đến thế. Hắn nói suy tôn chức chưởng môn Ngũ nhạc phái tức là hợp nhất Ngũ nhạc kiếm phái đã thành định cục. Theo chỗ phỏng đoán của bần đạo thì Mạc Ðại tiên sinh tính tình quái gở, tất không phụ họa với Tả Lãnh Thiền. Thiên Môn đạo huynh phái Thái Sơn cũng cương trực nóng nảy quyết chẳng chịu khuất thân dưới quyền kẻ khác. Lệnh sư là Nhạc tiên sinh bề ngoài nhũn nhặn mà bề trong lại có góc cạnh. Tiên sinh coi địa vị chưởng môn phái Hoa Sơn rất quan trọng. Tả Lãnh Thiền muốn thủ tiêu phái Hoa Sơn chắc cũng giở lý sự để tranh giành. Chỉ có phái Hằng Sơn thì ba vị tiền bối sư thái viên tịch cả rồi, bọn nữ đệ tử đứng trước sự thể lúc đó của Tả Lãnh Thiền thì không chừng họ đành chịu khuất phục. Chẳng ngờ Ðịnh Nhàn sư thái lại là một vị nữ trung anh kiệt. Lúc lâm tử sư thái đã tính toán cả rồi, liền phá lệ đem chức chưởng môn ủy thác vào tay lão đệ. Chỉ cần sao bốn phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn, Hằng Sơn liên thủ với nhau, không chịu ưng thuận hợp năm phái vào làm một Ngũ nhạc phái thì âm mưu của Tả Lãnh Thiền định làm bá chủ võ lâm, gây tai họa trên chốn giang hồ, không thể sinh cường được.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Nhưng vãn bối coi thanh thế Lậm Hậu bữa nay đến truyền lệnh thì dường như ba phái Thái Sơn, Hành Sơn và Hoa Sơn đều bị Tả Lãnh Thiền uy hiếp rồi.
Xung Hư đạo trưởng gật đầu đáp:
– Ðúng thế! Và sự xoay chiều của lệnh sư là Nhạc tiên sinh cũng khiến cho phương trượng đại sư cùng bần đạo sinh lòng nghi hoặc, không sao hiểu được.
Xung Hư lại hỏi:
– Bần đạo còn nghe nói một kẻ đệ tử nhà họ Lâm ở Phúc Châu đã đến bái lệnh sư vào làm môn hạ có đúng thế không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Ðúng thế! Sư đệ của vãn bối tên gọi Lâm Bình Chi.
Xung Hư hỏi:
– Y có pho Tịch tà kiếm phổ tổ truyền mà giang hồ đồn đại đã lâu. Ai cũng nói kiếm pháp trong pho này uy lực ghê gớm, lão đệ có nghe thấy không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Vãn bối có biết việc đó.
Rồi chàng đem chuyện tìm thấy chiếc áo cà sa ở trong ngõ Hướng Dương thành Phúc Châu thế nào, bị người phái Tung Sơn mưu đồ cướp đoạt ra sao, rồi chàng bị thương ngất xỉu trong trường hợp nào thuật lại.
Xung Hư trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
– Theo tình lý này mà xét đoán thì lệnh sư thấy chiếc áo cà sa kia rồi liền đem giao lại cho lệnh sư đệ.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Nhưng sau đó sư muội vãn bối lại rượt theo vãn bối để đòi Tịch tà kiếm phổ. Hôm ấy trong chùa Thiếu Lâm, Tả Lãnh Thiền cùng Nhậm giáo chủ tỷ thí võ nghệ. Lúc lão lấy ngón tay làm kiếm thì Hướng Vấn Thiên đại ca hô lên đó là Tịch tà kiếm pháp. Vãn bối kiếm thức hẹp hòi, thực tình không thể hiểu được chiêu thức của Tả Lãnh Thiền thi triển đó có phải là Tịch tà kiếm pháp hay không? Vãn bối muốn thỉnh giáo nhị vị tiền bối về vụ này.
Xung Hư đưa mắt nhìn Phương Chứng nói:
– Phương trượng đại sư nguyên thủy vụ này ra sao xin đại sư giải thích cho Lệnh Hồ lão đệ.
Phương Chứng gật đầu đáp:
– Lệnh Hồ chưởng môn! Chưởng môn đã nghe ai nói tới danh từ “Quỳ hoa bảo điển” bao giờ chưa?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Sư phụ vãn bối đã nhắc tới Quỳ Hoa bảo điển là một pho bí lục trong đó chép những môn võ học tối cao vô thượng. Nhưng pho này thất truyền đã lâu, không hiểu lạc lõng nơi đâu. Sau vãn bối nghe Nhậm giáo chủ nói là đã đem Quỳ hoa bảo điển truyền cho Ðông Phương Bất Bại. Thế thì Quỳ hoa bảo điển hiện giờ ở trong tay bên Triều Dương thần giáo.
Phương Chứng lắc đầu nói:
– Ðó mới có nửa bộ chứ không phải toàn pho.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Dạ!
Chàng nghĩ thầm:
– Nếu trong võ lâm quả có những việc trọng đại mà hai vị tiền bối này còn không hay gì thì người khác hiểu thế nào được. Chắc chắn trong võ lâm có đại sự gì sắp do miệng Phương Chứng đại sư tiết lộ ra.
Phương Chứng ngửng đầu lên nhìn đám mây bạc lơ lửng lưng trời nói:
– Phái Hoa Sơn chia làm hai phe: phe Khí tông và phe Kiếm tông mà rấy động can qua, tàn sát lẫn nhau. Lệnh Hồ chưởng môn có biết vụ này không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Vãn bối có biết qua nhưng gia sư không nói một cách tường tận.
Phương Chứng gật đầu nói:
– Giữa các vị sư huynh sư đệ đồng môn mà xẩy cuộc tương tàn thiệt không phải là việc tốt đẹp, nên Nhạc tiên sinh không muốn nói nhiều là phải. Sở dĩ phái Hoa Sơn mà có việc phân chia làm Khí Tông và Kiếm Tông cũng chỉ vì pho Quỳ hoa bảo điển này mà ra.
Lão ngừng lại một chút rồi chậm rãi nói tiếp:
– Trong võ lâm thường đồn đại pho Quỳ hoa bảo điển của một cặp vợ chồng hợp tác, nhưng hai vị cao nhân tiền bối này họ tên gì thì không khảo cứu và đâu mà biết rõ được. Có thuyết nói họ tên người đàn ông có chữ Quỳ và người đàn bà có chữ Hoa. Vì thế mà kêu bằng Quỳ hoa bảo điển. Nhưng chỉ là lời phỏng đoán. Có điều ai nấy đều nói đôi vợ chồng này ban đầu mối ân ái rất mật thiết. Sau vì sáng tác bí lục này mà thành ra xích mích. Hai vợ chồng nhà này soạn bộ Quỳ hoa bảo điển vào hồi tráng niên cường lực. Võ công đang độ tối cao như vầng thái dương lên tới giữa trời. Sau khi xảy chuyện xích mích rồi cả hai ông bà đi ẩn lánh, không thấy đâu nữa. Pho bí lục võ công cũng chia làm hai bộ. Bộ của ông chồng gọi là Càn kinh. Bộ của bà vợ kêu bằng Khôn kinh.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Té ra Quỳ hoa bảo điển chia làm hai bộ Càn , Khôn. Ðến nay vẫn bối mới được nghe lão tiền bối nói là lần đầu.
Phương Chứng nói:
– Pho kinh chia làm Càn, Khôn là do một số người trong võ lâm nói vậy. Nhưng thuyết khác lại bảo Quỳ hoa bảo điển chia làm hai bộ là “Thiên thư” và “Ðịa thư”. Lại có người kêu bằng “Dương lục” và “Âm lục”. Nói tóm lại nguyên bản sách này không có nhan đề rõ rệt mà người sau tự ý đặt ra tên gọi. Hơn hai trăm năm nay, vụ này kể ra cũng kỳ ở chỗ thủy chung chưa một người nào được đọc cả hai bộ Càn kinh và Khôn kinh này để dung hợp những võ công trong bảo điển. Nếu bảo là không có cơ duyên thì cũng không đúng hẳn, vì hơn trăm năm trước đây cả hai bộ Càn, Khôn đều lọt vào tay hạ viện chùa Thiếu Lâm ở xã Bồ Ðiền tỉnh Phúc Kiến. Khi đó phương trượng chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền là Hồng Diệp thiền sư, một nhân vật đại trí tuệ không ai bì kịp. Theo chỗ hiểu biết võ công của lão nhân gia thì lão nên chú giải hai phi kinh Càn, Khôn mới phải. Nhưng theo lời đệ tử của Hồng Diệp thiền sư thì lão nhân gia vẫn chưa chú giải toàn pho.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Chắc nội dung pho bảo điển này sâu xa và ảo diệu vô cùng, nên Hồng Diệp thiền sư dù là nhân sĩ thông minh tài trí cũng khó lòng lĩnh hội được toàn pho.
Phương Chứng gật đầu đáp:
– Ðúng thế! Lão tăng cùng Xung Hư đạo huynh đều vô duyên chẳng có phước lấy được bảo điển vào tay. Nếu không thì dù chẳng dám nói đến luyện tập công pho trong bảo điển nhưng ít ra cũng coi cho biết những bí quyết cao thâm khôn lường trong sách thế nào đặng thỏa lòng mong ước.
Xung Hư tủm tỉm cười nói:
– Ðại sư lại động lòng trần tục rồi! Chúng ta là những người học võ không lấy được bảo điển chẳng nói làm chi, khi nó đã lọt vào tay thì nhất định bỏ ngủ quên ăn để nghiên cứu xem may ra có lãnh hội được chút nào chăng. Trường hợp này sẽ đưa chúng ta đến chỗ lầm lỡ của thanh tu mà chuốc lấy sự phiền não vào người. Chúng ta vô duyên không được thấy nó mà thực ra là phước cho mình đó.
Phương Chứng cười ha hả nói:
– Ðạo huynh nói phải lắm! Lão tăng chưa hết lòng trần tục, thật mắc cỡ quá.
Nhà sư quay lại bảo Lệnh Hồ Xung:
– Theo lời tương truyền của những bậc cố lão thì những võ công về cơ bản chép trong Càn kinh và Khôn kinh theo một đường lối khác lạ. Chẳng những khác nhau mà còn phản lại nhau nữa. Người ta còn đồn hai vị sư huynh, sư đệ phái Hoa Sơn ngày trước đã có cơ duyên đến làm tân khách chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền. Không hiểu trong trường hợp nào, hai vị đã được coi Quỳ hoa bảo điển.
Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:
– Quỳ hoa bảo điển đã thuộc quyền sở hữu của chùa Thiếu Lâm ở Bồ Ðiền thì dĩ nhiên người ta giữ kín chẳng khi nào để hở ra cho người ngoài thấy. Vậy mà hai vị sư huynh, sư đệ tiền bối phái Hoa Sơn coi được, tức là coi lén. Có điều Phương Chứng muốn dùng lời lẽ lịch sự nên không đụng đến chữ coi lén.
Phương Chứng lại nói:
– Hai vị trong lúc thảng thốt không kịp đồng thời coi toàn pho, liền chia ra mỗi vị đọc một bộ. Sau trở về Hoa Sơn hai vị mới tham khảo nghiên cứu.
Nhà sư dừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Không ngờ hai vị đem yếu quyết trong bảo điển ra chứng nghiệm thì lại thành đầu ngô mình sở, chẳng ăn nhập gì với nhau hết. Hai vị càng nói càng như kèo đục vênh, chẳng vào ngàm với nhau chút nào.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Như vậy rồi hai vị đi đến kết quả thế nào?
Phương Chứng đáp:
– Cả hai vị đều cho là đối phương đọc lộn sách, chỉ có mình mới được coi đúng chân kinh. Hai vị đi tới chỗ mỗi lúc một xa nhau rồi mỗi vị tự luyện lấy những yếu quyết mà mình coi được. Do đó phái Hoa Sơn chia làm hai phe Khí tông và Kiếm tông.
Phương Chứng thở dài nói tiếp:
– Hai vị nguyên là sư huynh, sư đệ chẳng khác tình cốt nhục đồng bào, sau biến thành thù nghịch.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Có phải hai vị sư huynh, sư đệ phái Hoa Sơn đó là Mẫn Túc và Chu Tử Phong tiền bối không?