Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 207 – Ngỡ bóng ma, hào kiệt kinh hồn

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Nghi Lâm lại kể tiếp.

Tiểu ni hỏi gia gia:

– Về sau gia gia có lấy má má không?

Gia gia đáp:

– Dĩ nhiên là ta lấy nàng! Nếu không thì sao lại sinh ra ngươi được? Không ngờ sau khi sinh ngươi được ba tháng, một hôm ta bồng ngươi ra cửa sưởi nắng mặt trời mà xẩy chuyện rắc rối.

Tiểu ni hỏi:

– Sưởi ấm thì có điều chi rắc rối?.

Gia gia đáp:

– Câu chuyện không may là giữa lúc đó gặp một thiếu phụ xinh đẹp cưỡi ngựa đi qua. Y thấy ta là một nhà sư lại bồng một đứa nhỏ không khỏi lấy làm kỳ liền liếc mắt nhìn mấy lần rồi cất tiếng khen “Con nhỏ xinh quá nhỉ!”. Dĩ nhiên câu đó y khen ngươi. Ta cũng thấy vui lòng liền nói: “Nương tử mới thật là đẹp”. Thiếu phụ nhìn ta trừng mắt lên hỏi: “Lão đi ăn cắp ở đâu được đứa nhỏ này đem về?”. Ta đáp: “Cái gì mà ăn cắp với không ăn cắp? Ðứa nhỏ này chính là con ruột của bản hòa thượng”. Thiếu phụ lông mày dựng ngược nổi nóng cất tiếng thóa mạ: “Ta hỏi lão một điều tử tế mà lão lại đôi ba phen diễu cợt với ta, phải chăng lão không muốn sống nữa?”. Ta liền hỏi lại: “Bản hòa thượng làm gì mà nương tử bảo là diễu cợt? Chẳng lẽ bản hòa thượng không phải là người và không thể sinh con được ư? Nương tử không tin thì rồi bản hòa thượng sinh con nữa cho mà coi”. Ngờ đâu thiếu phụ này tính khí cực kỳ nóng nẩy, y rút ngay gươm ở sau lưng ra nhằm đâm vào mi mắt ta, như thế có vô lý không?”.

Lệnh Hồ Xung nghe Nghi Lâm kể tới đây bụng bảo dạ:

– Bất Giới hòa thượng là người thẳng thắn có điều gì cũng nói huỵch toẹt ra không hề úy kỵ. Lão nói đây đều là sự thực nhưng người nghe không khỏi cho lão có ý giễu cợt vô lễ. Có điều lão đã lấy vợ sinh con thì sao lại không hoàn tục? Nhà sư mà bồng con thì thật là một chuyện đáng tức cười.

Nghi Lâm lại kể tiếp.

Tiểu ni nói:

– Bà nào đó mà hung dữ thế? Hài nhi đúng là gia gia sinh ra có phải lừa gạt bà ta đâu? Tại sao bà không hỏi nếp tẻ gì đã phóng kiếm đâm liền?

Gia gia đáp:

– Ðúng thế! Khi đó ta né tránh đồng thời cãi lại: “Sao nương tử không phân rõ trắng đen đã động đao kiếm? Con nhỏ này đúng là bản hòa thượng sinh ra, nó không phải là con của bản hòa thượng thì dễ thường nương tử sinh ra nó chăng?”. Thiếu phụ kia càng tức giận, y đâm liền ba chiêu liên hoàn, ta xem ra thì là kiếm pháp phái Hoa Sơn”.

Lệnh Hồ Xung sửng sốt tự hỏi:

– Tại sao lại là kiếm pháp phái Hoa Sơn được?

Nghi Lâm kể tiếp.

Tiểu ni vừa nghe gia gia nói là kiếm pháp của phái Hoa Sơn liền tự hỏi:

– Chẳng lẽ thiếu phụ đó lại là Nhạc cô nương, tiểu muội của Lệnh Hồ đại ca? Tính khí cô như vậy thật là nóng nảy nhưng tiểu ni lại nghĩ ngay là không phải Nhạc cô nương vì Nhạc cô nương cũng xấp xỉ với tuổi tiểu ni mà thôi.

Gia gia nói:

– Y đâm mấy nhát không trúng càng phóng kiếm rất mau. Dĩ nhiên ta không sợ y mà chỉ sợ đả thương đến ngươi. Y đâm đến chiêu thứ tám, ta phóng cước đá trúng y làm y ngã lăn long lóc. Y đứng dậy rồi lớn tiếng thóa mạ: “Thằng trọc thối tha mặt dầy kia! Thật là quân vô sỉ hạ lưu! Chỉ tính bề trêu cợt phụ nữ!”. Giữa lúc ấy má má ngươi ra bờ sông giặt áo trở về. Nàng đứng một bên để nghe chuyện. Thiếu phụ kia thóa mạ mấy câu rồi hằn học lên ngựa ra đi. Thanh trường kiếm rớt xuống đất y cũng không buồn lượm lấy nữa. Ta quay lại nói chuyện với má má ngươi nhưng má má ngươi chẳng trả lời câu nào. Nàng chỉ thổn thức khóc. Ta hỏi nàng vì sao mà khóc nhưng nàng vẫn không trả lời. Sáng sớm hôm sau không biết má má ngươi đi đâu mất. Ta chỉ thấy trên bàn còn để lại mảnh giấy viết tám chữ, ngươi thử đoán xem là những chứ gì?”.

Tiểu ni đáp:

– Hài nhi biết thế nào mà đoán được?

Gia gia nói:

– Tám chữ đó là “tham dâm hiếu sắc vô tình bạc nghĩa”. Ta bồng ngươi đi tìm nàng khắp chỗ mà chẳng thấy đâu”.

Tiểu ni hỏi:

– Có phải má má nghe thiếu phụ kia nói vậy thì cho là gia gia quả có ý muốn trêu cợt y thiệt?

Gia gia đáp:

– Ðúng thế! Như vậy có oan uổng không? Nhưng sau ta nghĩ lại thì không phải là hoàn toàn oan uổng. Vì lúc ta thấy thiếu phụ kia xinh đẹp trong lòng không khỏi có ý muốn lần khân. Ngươi thử nghĩ coi ta đã lấy má má ngươi làm vợ mà còn khen thầm trong bụng một thiếu phụ xinh đẹp, chẳng những khen thầm trong bụng mà nói ra ngoài miệng. Như vậy chẳng phải tham dâm hiếu sắc vô tình bạc nghĩa là gì?

Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

– Té ra má má của Nghi Lâm tiểu sư muội cũng ăn phải dấm chua. Dĩ nhiên trong vụ này có chuyện hiểu lầm, giả tỷ bà hỏi rõ đầu đuôi thì đâu đến nỗi xẩy chuyện phân ly?

Nghi Lâm kể tiếp.

Tiểu ni hỏi:

– Về sau gia gia có kiếm thấy má má không?

Gia gia đáp:

– Ta đi kiếm khắp nơi mà nào có thấy? Ta nghĩ tới má má ngươi là ni cô thì nhất định tìm tới ở một ni am nào đó. Ta liền đi hỏi hết khắp am đường mà cũng chẳng thấy tông tích má má ngươi đâu. Sau ta tới Vô Sắc am ở núi Hằng Sơn thì sư phụ ngươi là Ðịnh Dật sư thái thấy ngươi ngộ nghĩnh dễ thương, người rất vui lòng. Hồi đó ngươi lại đang mắc bệnh, sư thái bảo ta gửi lại am cho ngươi nuôi dưỡng để khỏi đem ngươi đi bôn ba sóng gió có khi làm cho ngươi phải uổng mạng.

Nghi Lâm nhắc tới Ðịnh Dật sư thái vừa thổn thức vừa nói:

– Tiểu ni không có má má từ thuở nhỏ đã được sư phụ nuôi dưỡng đến ngày khôn lớn. Nay sư phụ của tiểu ni lại bị hạ sát tại chùa Thiếu Lâm rồi như vậy có đau đớn không? Bà bà có biết ai là hung thủ đã gia hại ân sư của tiểu ni?

Lệnh Hồ Xung đã giả làm mụ bộc phụ câm điếc dĩ nhiên chàng không mở miệng.

Nghi Lâm lại nói tiếp:

– Người giết chết ân sư của tiểu ni lại chính là sư phụ của Lệnh Hồ đại sư ca. Vụ này thật nan giải. Số là hoàn cảnh Lệnh Hồ đại ca cũng tương tự hoàn cảnh của tiểu ni. Y không có má má từ thuở nhỏ và được sư phụ nuôi dưỡng cho tới khi trưởng thành. So với tiểu ni Lệnh Hồ đại ca còn đau khổ hơn một tầng vì chẳng những y không má má mà gia gia cũng chẳng có nữa. Dĩ nhiên y hết lòng kính ái sư phụ. Nếu tiểu ni giết sư phụ y để báo thù cho gia sư tức là khiến y phải thương tâm đến cùng cực.

Nghi Lâm ngừng lại một chút rồi nói:

– Gia gia của tiểu ni còn cho hay rằng sau khi lão gia gửi được tiểu ni vào vô sắc am, lại đi tới khắp ni am trong thiên hạ để kiếm má má, lão gia chẳng quản đường xa muôn dặm sang Mông Cổ qua Tây Tạng xuống Tây Vực ra đến ngoài quan ải, những nơi thâm sơn cùng cốc đều có vết chân của gia gia mà thủy chung không được chút âm hạp nào về má má. Tiểu ni nghĩ rằng má má buồn phiền gia gia về tội trêu cợt đàn bà rồi chắc hôm sau người đã tự vẫn nên đi kiếm đâu cũng không thấy.

Nghi Lâm thở dài nói tiếp:

– Á bà bà ơi! Má má tiểu ni lúc xuất gia đã thề nguyền trước Ðức Bồ Tát là sau khi gửi mình vào chốn cửa Không, quyết chẳng để mắc mưu vào đường tình lụy thế mà người quá nể gia gia hợp duyên phu phụ. Ngờ đâu má má mới sinh hạ tiểu ni lại thấy gia gia trêu cợt đàn bà để họ mắng cho là quân vô sỉ hèn hạ nên sinh lòng buồn bực. Má má tiểu ni là một người đàn bà cương liệt lại hối hận là mình lầm lỗi đến mấy lần nên chắc người tự vận rồi.

Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

– Té ra trong vụ này lại có nhiều điều bí ẩn như vậy.

Nghi Lâm lại kể.

Tiểu ni hỏi gia gia:

– Người đàn bà ác ôn ở phái Hoa Sơn đó là ai, gia gia có biết không?

Gia gia đáp

– Người đó đã có tên tuổi trên võ lâm không ngờ khí độ lại hẹp hòi, mụ chính là vợ Nhạc Bất Quần tên gọi Ninh Trung Tắc. Ta lượm thanh kiếm của mụ bỏ rơi lên coi thấy chuôi kiếm có khắc năm chữ “Hoa Sơn Ninh Trung Tắc”. Ta kiếm má má ngươi không thấy trong lòng uất ức liền lên núi Hoa Sơn định kiếm Nhạc phu nhân giết đi cho hả giận nhưng khi tới nơi thấy mụ đang bồng một con nhỏ và hát cho con nghe. Ta nhìn con nhỏ rất khả ái liền nhớ tới ngươi nên không nỡ hạ thủ và tha thứ cho mụ.

Nghi Lâm ngừng lại thở dài nói:

– Á bà bà! Ðứa con nhỏ đó tức là Nhạc Linh San cô nương, tiểu sư muội của Lệnh Hồ đại ca. Lệnh Hồ đại ca yêu thương cô tiểu sư muội này lắm thì dĩ nhiên cô phải là con người rất khả ái.

Lệnh Hồ Xung nghe Nghi Lâm nói tới đây không khỏi chấn động tâm thần. Chàng nghĩ đến Nhạc phu nhân và Nhạc Linh San lúc này đều đã yên giấc ngàn thu ở chốn hang thẳm non xanh thì lòng chàng lại đau nhói lên.

Nghi Lâm nói tiếp:

– Gia gia nói rõ đầu đuôi tiểu ni mới hiểu sở dĩ câu “Tham dâm hiếu sắc, vô tình bạc hãnh nhất thiên hạ” làm cho gia gia đau khổ vô cùng là vì lẽ đó.

Tiểu ni lại hỏi:

– Má má viết tám chữ để lại mắng nhiếc gia gia. Gia gia có đưa cho ai coi không mà sao có người lại biết rồi viết vào giải lụa này?

Gia gia đáp:

– Nhất định là không. Ta chẳng nói với một ai. Ðem chuyện này tiết lộ với người ngoài thì còn ra thể thống gì nữa? Ta ngờ rằng có ma quỷ đưa lối đem đường. Nhất định linh hồn của má má ngươi sai quỷ tìm đến báo thù. Má má ngươi hận ta đã làm ô uế tấm thân trong trắng của nàng lại còn trêu cợt đàn bà khác nữa không thì giải lụa này thiếu gì chữ viết lại viết đúng tám chữ kia? Ta biết đây là nàng muốn đòi mạng ta nhưng như thế cũng hay! Ở trên thế gian tìm đâu cũng chẳng thấy nàng thì xuống âm cung hội diện là một điều ta hằng mong ước. Ngờ đâu thân thể ta nặng quá vừa treo lên đã đứt dây rớt xuống. Ta treo mình lần thứ hai cũng lại đứt dây.Ta muốn dùng dao đâm cổ tự vẫn thì lạ thay hiển nhiên thanh đao lúc nào ta cũng đeo bên mình mà đột nhiên tìm không thấy nữa. Thế mới biết muốn chết cũng không phải chuyện dễ dàng.

Tiểu ni nói:

– Gia gia ơi! Thế là gia gia nghĩ sai rồi! Ðức Bồ Tát bảo vệ không để gia gia tự tận nên treo người lên hai lần đều bị đứt dây tìm đến đao đao cũng chẳng thấy nếu không thì thì hài nhi chạy tới nơi gia gia đã lìa trần rồi.

Gia gia nói:

– Ngươi nói vậy cũng có lý một phần nhưng ta chắc không phải đức Bồ Tát bảo vệ cho ta sống lâu mà đức Bồ Tát bắt ta phải sống ở thế gian để chịu tội cho biết đường sám hối.

Tiểu ni nói:

– Thoạt tiên hài nhi tưởng là giải lụa Ðiền Bá Quang giắt lộn vào người gia gia khiến gia gia tức giận mà liều mình…

Gia gia ngắt lời:

– Còn lầm lộn gì nữa? Trước kia Ðiền Bá Quang đã vô lễ với ngươi như thế chẳng phải lớn mật làm càn là gì? Ta sai gã đi kiếm tên tiểu tử Lệnh Hồ Xung về cùng ngươi kết hôn thì gã viện hết lẽ này lẽ nọ để từ chối và sau chẳng làm nên cơm cháo gì như vậy há chẳng phải hành động bất lực ư? Tám chữ “Lớn mật làm càn, hành động bất lực” buộc vào người Ðiền Bá Quang là đúng quá rồi, chẳng có chỗ nào sai trật.

Tiểu ni nói:

– Gia gia ơi! Gia gia sai Ðiền Bá Quang đi lo cái vụ vô vị này làm chi? Hài nhi không khỏi buồn phiền về chuyện vô ý thức đó. Lệnh Hồ đại ca trước thương yêu Nhạc cô nương sau lại say mê Nhậm tiểu thư thì còn nghĩ gì đến hài nhi?

Lệnh Hồ Xung nghe Nghi Lâm nói vậy thì trong lòng không khỏi hối hận. Nghi Lâm đối với chàng một dạ si tình, ban đầu chàng không hay dần dần chàng mới biết rõ. Nhưng quá đúng như lời Nghi Lâm đã nói thoạt tiên chàng yêu thương Nhạc tiểu thư về sau bao nhiêu tình ý của chàng chuyển cả sang người Doanh Doanh. Những lúc chàng phải bôn tẩu giang hồ ít khi chàng nhớ tới Nghi Lâm.

Nghi Lâm lại nói tiếp:

– Gia gia nghe tiểu ni nói vậy đột nhiên lão gia nổi nóng lớn tiếng thóa mạ Lệnh Hồ đại ca. Gia gia bảo: “Gã tiểu tử Lệnh Hồ Xung có mắt không tròng, gã thua cả Ðiền Bá Quang. Ðiền Bá Quang còn biết con gái ta xinh đẹp, Lệnh Hồ Xung là một đứa ngu nhất thiên hạ”.

Nghi Lâm ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Gia gia thóa mạ Lệnh Hồ đại ca bằng những lời thô tục rất khó nghe, tiểu ni không muốn nhắc lại. Gia gia hỏi: “Tên đui mắt đệ nhất thiên hạ là ai? Ðừng tưởng là Tả Lãnh Thiền mà Lệnh Hồ Xung đó. Tả Lãnh Thiền tuy bị người ta đâm đui mắt nhưng hắn còn sáng suốt hơn Lệnh Hồ Xung”.

Nàng thở dài nói tiếp:

– Á bà bà ơi! Gia gia nói vậy là không đúng. Không hiểu sao lão gia lại mắng Lệnh Hồ đại ca tàn nhẫn đến thế?

Tiểu ni đã giải bầy:

– Nhạc tiểu thư cùng Nhậm đại tiểu thư còn đẹp hơn hài nhi đến trăm ngàn lần, hài nhi bằng người ta thế nào được? Hơn nữa hài nhi đã gửi mình vào chốn am mây nên chỉ biết cảm kích Lệnh Hồ đại ca ở chỗ y đã liều mạng cứu hài nhi đồng thời y đối với sư phụ của hài nhi cũng tận tình nên hài nhi thường nghĩ tới y. Má má đã nói sau khi quy y vào cửa Phật phải để lục căn thanh tịnh nếu còn vương víu vào chỗ tình riêng tất bị đức Bồ Tát quở phạt là phải lắm.

Gia gia hỏi:

– Những người gửi thân vào chốn không môn sao lại chẳng được lấy chồng? Nếu bao nhiêu đàn bà con gái vào am tu hành không còn ai lấy chồng sinh con thì trên thế giới còn đâu có người? Má má ngươi là ni cô nếu nàng không lấy ta thì sao sinh ra ngươi được?

Tiểu ni đáp:

– Gia gia ơi! Gia gia đừng nói chuyện này nữa… chẳng thà má má đừng sinh ra hài nhi lại hay hơn.

Nghi Lâm nói tới đây nàng nghẹn ngào không thốt ra lời, sau một lúc nàng kể tiếp:

– Gia gia nói: “Nhất định ta đi kiếm Lệnh Hồ Xung và bắt gã phải lấy ngươi.” Tiểu ni bồn chồn liền đáp: “Nếu gia gia đem chuyện này nói với Lệnh Hồ đại ca thì hài nhi vĩnh viễn không nói với y một câu nào nữa. Dù y có lên ngọn Kiến Tính tiểu ni cũng không nhìn đến y. Còn Ðiền Bá Quang mà nhắc tới chuyện này với Lệnh Hồ đại ca thì hài nhi sẽ nói với các vị sư tỷ Nghi Thanh, Nghi Hòa vĩnh viễn không cho gã đặt chân lên núi Hằng Sơn nữa”. Gia gia biết tiểu ni nói sao làm vậy, lão ngẩn mặt ra hồi lâu buông tiếng thở dài rồi bỏ đi. Á bà bà! Gia gia đi chuyến này không biết đến bao giờ lão gia gia mới trở lại để gặp hài nhi? Tiểu ni cũng không hiểu lão gia còn tự vận nữa không? Chuyện này thật khiến cho tiểu ni phiền não vô cùng! Sau tiểu ni bảo Ðiền Bá Quang đi theo gia gia để coi sóc gia gia.

Nghi Lâm ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Sau khi hai cha con tiểu ni từ biệt thấy nhiều người lén lút đến ngoài hang Thông Nguyên ẩn vào trong những bụi cỏ rậm không hiểu họ làm gì. Tiểu ni liền ngấm ngầm theo họ xem sao thì gặp bà bà. Á bà bà ơi! Bà bà không biết võ công lại không nghe rõ người ta nói gì mà cũng đến ẩn nấp tại đấy nếu có người ngó thấy thì thật là nguy hiểm vô cùng. Từ nay bà bà chớ có theo người ta mà ẩn nấp vào những bụi cỏ rậm người ta sẽ bảo bà bà làm gian tế cho địch.

Lệnh Hồ Xung nghe tới đây suýt nữa bật cười.

Chàng nghĩ thầm trong bụng:

– Cô tiểu sư muội này tính nết còn trẻ con quá! Thật chẳng khác chi đứa con nít nhà người ta.

Nghi Lâm lại nói:

– Mấy bữa nay hai vị sư tỷ Nghi Hòa và Nghi Thanh đốc thúc tiểu ni luyện kiếm. Tần Quyên tiểu sư muội cho tiểu ni hay là y có nghe nói mấy vị sư tỷ thương nghị ai cũng bảo rồi đây Lệnh Hồ đại ca nhất quyết không làm chưởng môn phái Hằng Sơn nữa. Nhạc Bất Quần có mối đại thù hạ sát sư phụ, phái Hằng Sơn dĩ nhiên chẳng thể hợp vào với Ngũ nhạc phái để tôn thờ lão làm chưởng môn cho quần đệ tử phái này được. Vì thế mà các vị bảo tiểu ni lên làm chưởng môn. Á bà bà ơi! Tần Quyên tiểu sư muội nói vậy song tiểu ni không thể tin được, nhưng Tần Quyên lại thề rằng y không nói dối. Y còn bảo trong những vị sư tỷ ở phái Hằng Sơn thì bọn ni cô vào hàng chữ Nghi được Lệnh Hồ đại ca coi trọng hơn cả, nếu tiểu ni lên làm chưởng môn tất nhiên rất vừa lòng đại ca nên bọn họ ngấm ngầm tiến cử tiểu ni cũng là theo ý Lệnh Hồ đại ca.

Nghi Lâm ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Các vị sư tỷ mong cho tiểu ni mau luyện thành kiếm thuật để giết Nhạc Bất Quần. Khi ấy tiểu ni lên làm chưởng môn phái Hằng Sơn thì không còn ai có điều dị nghị nữa. Ðó là những lời mà Tần Quyên giải thích cho tiểu ni nghe nên tiểu ni mới tin được vài phần. Nhưng chức chưởng môn phái Hằng Sơn giao cho tiểu ni làm thế nào được? Kiếm pháp của tiểu ni dù có luyện tới mười năm cũng không thể bằng các vị sư tỷ Nghi Hòa, Nghi Thanh được còn nói tới việc muốn hạ sát Nhạc Bất Quần thì nhất định tiểu ni chẳng bao giờ làm nổi. Á bà bà ơi! Không biết tiểu ni làm thế nào cho phải?

Lệnh Hồ Xung nghe Nghi Lâm nói tới đây mới tỉnh ngộ nghĩ thầm:

– Té ra bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh sở dĩ đôn đốc Nghi Lâm luyện kiếm gấp rút không kể ngày đêm là cốt để nàng lên cầm quyền chưởng môn thay ta. Chỗ dụng tâm của họ cực nhọc như vậy cũng chỉ vì có hậu ý với ta mà ra.

Nghi Lâm buồn rầu nói tiếp:

– Á bà bà ơi! Tiểu ni thường nói với bà bà là tiểu ni ngày đêm nhớ tới Lệnh Hồ đại ca. Cả lúc nằm ngủ cũng mơ thấy y. Tiểu ni nhớ tới y vì y cứu mạng cho tiểu ni mà không nghĩ đến sống chết. Tiểu ni lại nghĩ tới khi y bị thương tiểu ni bồng y mà chạy, ngoài ra tiểu ni còn nhớ lại những lúc cùng y trò chuyện vui cười cùng những khi y bảo tiểu ni kể chuyện cổ tích cho y nghe. Nhất là hôm ở viện Quần Ngọc thuộc huyện Hành Sơn tiểu ni cùng y… ngủ chung một giường đắp chung một chăn…

Nàng thở dài nói tiếp:

– Á bà bà ơi! Tiểu ni biết rõ bà bà không nghe thấy gì nên mới nói rõ những câu chuyện này mà không sợ mắc cỡ nếu cứ để nó chứa chất trong lòng tiểu ni hết ngày này sang ngày khác thì không chừng tiểu ni đến phải phát điên mất. Tiểu ni có nói ra được với bà bà hay khẽ gọi đến tên Lệnh Hồ đại ca thì nỗi uất ức trong lòng mới vơi đi được một vài phần và tâm thần cảm thấy nhẹ nhàng một chút.

Nàng ngừng lại thở hơi rồi khẽ cất tiếng gọi:

– Lệnh Hồ đại ca! Lệnh Hồ đại ca!

Nàng gọi hai câu này đầy vẻ quyến luyến tỏ ra nàng tương tư chàng đến ghi lòng tạc dạ.

Lệnh Hồ Xung nghe nàng gọi không khỏi chấn động tâm thần. Chàng biết cô tiểu sư muội này đối với chàng rất tử tế nhưng chàng cũng không ngờ nàng lại có mối thâm tình tha thiết đến thế. Mối tình này khiến chàng không khỏi kinh tâm động phách.

Lệnh Hồ Xung cầm lòng không đậu than thầm trong bụng:

– Giả tỷ trong lòng ta chưa có hình ảnh Doanh Doanh thì chẳng khi nào ta nỡ phụ tình mà không lấy cô tiểu sư muội này. Nàng đối với ta bằng một mối tình thâm trọng như vậy ta biết làm thế nào được? Lệnh Hồ Xung hỡi Lệnh Hồ Xung! Ngươi lấy chi để đền đáp mối tình nồng nhiệt của Nghi Lâm tiểu sư muội?

Nghi Lâm khẽ buông tiếng thở dài nói tiếp:

– Á bà bà ơi! Gia gia không hiểu lòng tiểu ni! Các vị sư tỷ Nghi Hòa, nghi Thanh cũng đều không hiểu lòng tiểu ni! Tiểu ni nghĩ tới Lệnh Hồ đại ca mà dạ bồn chồn chẳng lúc nào khuây. Tiểu ni cũng biết rằng mình không nên có những ý nghĩ này. Một người đàn bà con gái đã gửi mình vào chốn không môn, xuất gia tu hành thì đâu có thể đêm ngày lúc nào cũng nghĩ tới một chàng trai được? Huống chi chàng trai này lại là chưởng môn bản phái. Hằng ngày tiểu ni ngấm ngầm cầu khẩn Quan Thế Âm Bồ Tát ám trợ cho tinh thần mình quên được Lệnh Hồ đại ca.

Nàng ngừng lại một chút hít một hơi chân khí nói tiếp:

– Sáng sớm tiểu ni gõ mõ tụng kinh chiều hôm lại gõ mõ tụng kinh. Trong kinh nói kẻ tu hành phải khám phá ra bài chữ sắc không ở thế gian. Phải mặt ngọc da ngà, hồng nhan tuổi trẻ, tối hậu cung biên thành đống xương trắng. Vinh hoa phú quý vui thú ngày đêm cũng chỉ là một trường xuân mộng. Lời kinh đã dạy dĩ nhiên rất đúng nhưng tiểu ni không biết làm thế nào? Giả tỷ sư phụ còn sống ở thế gian thì tiểu ni cầu xin lão nhân gia chỉ điểm cho con đường sáng sủa. Sáng sớm hôm nay tiểu ni niệm kinh cầu đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn thì trong lòng tiểu ni chợt nhớ tới Lệnh Hồ đại ca liền cầu đức Bồ Tát bảo vệ cho y tai qua nạn khỏi, gặp dữ hóa lành, cùng ám trợ y cùng Nhậm đại tiểu thư nên duyên Tần Tấn, vẹn đạo xướng tùy cho đến thuở răng long đầu bạc suốt đời hưởng thú thanh nhàn. Tiểu ni chỉ mong Lệnh Hồ đại ca sung sướng suốt đời là hay lắm rồi. Tiểu ni lại nghĩ tới mình cầu đức Bồ Tát hết điều nọ đến điều kia cũng thật phiền, không hiểu đức Bồ Tát ưng cho điều gì? Từ nay trở đi tiểu ni chỉ cầu đức Bồ Tát bảo trợ cho Lệnh Hồ đại ca một đời tiêu giao nhàn nhã. Bản tính đại ca chỉ ưa mùi khoái lạc thảnh thơi không muốn có điều chi ràng buộc vậy mong Nhậm đại tiểu thư đừng câu thúc y.

Nghi Lâm nói bằng một giọng rất thành khẩn. Nàng hết lòng hết ý mong cho Lệnh Hồ Xung được khoái lạc ung dung.

Ðoạn nàng kéo tay áo Lệnh Hồ Xung ngưng đầu trông vừng trăng tỏ rồi nói:

– Tiểu ni phải về am còn bà bà cũng về chùa nghỉ đi thôi.

Nàng lấy trong bọc ra hai tấm bánh bao nhét vào tay Lệnh Hồ Xung nói:

– Á bà bà! Tiểu ni đem món này tặng cho bà bà, bây giờ tiểu ni xin cáo từ.

Nghi Lâm dứt lời đứng dậy.

Bỗng nàng nhìn thẳng vào mặt Lệnh Hồ Xung hỏi:

– Á bà bà ơi sao bữa nay bà bà lại không nhìn tiểu ni mà ngoảnh mặt nhìn ra chỗ khác? Phải chăng trong tâm bà bà có điều chi không được thảnh thơi?

Nghi Lâm chờ một lúc không thấy Lệnh Hồ Xung trả lời nàng nói như để mình nghe:

– Bà bà có nghe thấy gì đâu mà ta cứ hỏi hoài mới thật là ngu xuẩn.

Ðoạn nàng từ từ cất bước.

Lệnh Hồ Xung ngồi trên hòn đá ngẩn ngơ nhìn bóng sau lưng Nghi Lâm cho tới khi nàng mất hút vào trong bóng tối. Chàng bần thần ôn lại những lời mà Nghi Lâm vừa nói cho chàng nghe. Lần lần từng câu một lướt qua trong đầu óc chàng. Bất giác chàng thuộn mặt ra. Lòng chàng ôm một mối tư tưởng bâng khuâng như buồn rầu như hối hận lại như luyến tiếc. Chính chàng cũng không phân tích được hiện giờ chàng đang nghĩ gì.

Lệnh Hồ Xung ngơ ngẩn xuất thần không biết bao nhiêu lâu.

Bỗng chàng quay lại nhìn xuống dòng nước trong vắt trong khe suối.

Bất giác chàng giật mình kinh hãi vì dưới nước hiện ra hai bóng người sóng vai mà ngồi trên một phiến đá lộn đầu xuống.

Lệnh Hồ Xung tưởng mình hoa mắt chàng định thần nhìn kỹ lại thì rõ ràng là hai bóng người chứ không phải một.

Trong khoảng thời gian chớp nhoáng lưng chàng toát mồ hôi lạnh ngắt. Chàng sợ quá đến nỗi không dám ngoảnh đầu nhìn lại.

Chọn tập
Bình luận