Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 79 – Lệnh Hồ Xung thóa mạ vương gia

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Bỗng nghe có tiếng vó ngựa dồn dập, mấy người kỵ mã lướt qua bên mình Lệnh Hồ Xung.

Một người ngồi trên ngựa quát:

– Tránh ra! tránh ra!

Y vung roi ngựa quất bọn vô lại chạy tán loạn.

Lệnh Hồ Xung ngã lăn ra, hắn lồm cồm bò mãi không sao bò dậy được.

Bỗng thanh âm một thiếu nữ la lên:

– Trời ơi! đây có phải là đại sư ca không?

Chính là thanh âm của Nhạc Linh San. Một người khác nói:

– Ðể tiểu đệ coi lại xem.

Ðó chính là Lâm Bình Chi.

Lâm Bình Chi nhảy xuống ngựa trở lại bên Lệnh Hồ Xung, giật mình kinh hãi hỏi:

– Ðại sư ca! … Ðại sư ca sao thế?

Lệnh Hồ Xung lắc đầu nhăn nhó cười đáp:

– Uống rượu say!… Ðánh bạc thua! …

Lâm Bình Chi ôm hắn dậy đặt lên lưng ngựa.

Bọn kỵ mã này ngoài Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San còn bốn người nữa là hai con gái Vương Bá Phấn và hai con trai Vương Trọng Cường tức là anh chị em với Lâm Bình Chi.

Bọn sáu người này sáng dậy đi du ngoạn các chùa chiền ở Lạc Dương cho đến bây giờ mới trở về.

Không ngờ vào trong ngõ hẻm này lại gặp Lệnh Hồ Xung bị người ta đánh cho tàn tạ.

Bốn người kia trong lòng rất đỗi ngạc nhiên nghĩ thầm:

– Phái Hoa Sơn đứng vào hàng Ngũ nhạc kiếm phái. Bình nhật tổ phụ mình đề cập tới phái này nức nở khen ngợi. Mấy bữa trước mình còn bọn đệ tử phái họ rèn luyện võ công thì quả nhiên chúng đều có bản lĩnh đáng kể. Gã Lệnh Hồ Xung này là đại đồ đệ phái Hoa Sơn mà sao để mấy tên lưu manh đánh cho tồi tàn đến thế? Rõ ràng mũi miệng ứa máu chứ không phải chuyện giả trá mới thật là kỳ!

Lệnh Hồ Xung về vương phủ Vương Nguyên Bá điều dưỡng mấy ngày mới hồi phục.

Vợ chồng Nhạc Bất Quần nghe nói Lệnh Hồ Xung cờ bạc bê bối với bọn vô lại và bị chúng đánh đau thì trong lòng phẫn hận vô cùng, không buồn đến thăm hỏi.

Ðến ngày thứ năm con trai Vương Trọng Cường là Vương Gia Câu sấn sổ vào phòng nói:

– Lệnh Hồ đại ca! Bữa nay tiểu đệ rửa hờn cho đại ca rồi. Bẩy tên vô lại bữa trước đã đánh đại ca, tiểu đệ tìm được đủ hết đánh cho một trận nhừ tử.

Lệnh Hồ Xung thực ra chẳng để tâm gì đến chuyện đó, hờ hững đáp:

– Cái đó bất tất phải thế. Hôm ấy tại hạ say rượu, chính mình có lỗi…

Vương Gia Câu nói:

– Như vậy không được. Ðại ca là tân khách của nhà tiểu đệ. Người ta thường nói: “Vị thần phải nể cây đa”. Tân khách của Kim Ðao Vương gia là một nhà quyền thế nhất trong võ lâm.

Thực ra trong thâm tâm Lệnh Hồ Xung chẳng có thiện cảm gì với Kim Ðao Vương gia, mấy ngày nay trong lòng hắn lại không vui nên buột miệng đáp:

– Ðối phó với hạng lưu manh đê tiện đó phải cần đến Kim Ðao Vương gia!

Câu nói vừa ra khỏi cửa miệng, hắn có ý hối hận, muốn tìm lời bào chữa thì Vương Gia Câu đã sầm nét mặt hỏi:

– Lệnh Hồ huynh! Lệnh Hồ huynh! Mỉa mai làm chi vậy? Hôm ấy mà không có anh em tại hạ dùng roi ngựa quất bẩy tên lưu manh đê tiện kia thì liệu Lệnh Hồ huynh có toàn mạng được không?

Lệnh Hồ Xung cười mát đáp:

– Vậy tại hạ xin cám ơn hai vị đã cứu mạng cho.

Vương Gia Câu nghe giọng lưỡi của hắn ra vẻ diễu cợt, tức quá lớn tiếng hỏi:

– Ðại đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn mà không đối phó nổi với mấy tên lưu manh đê tiện trong thành Lạc Dương thì ha ha! Người ta sẽ bảo Lệnh Hồ huynh chỉ có hư danh mà thôi.

Lệnh Hồ Xung trong lòng đã chán ngán sự đời, chẳng để tâm một chuyện gì, hững hờ đáp:

– Hư danh tại hạ cũng chẳng có, chẳng cần phải nói đến làm gì.

Giữa lúc ấy, ngoài cửa sổ có người hỏi vọng vào.

– Hiền đệ! Hiền đệ nói chuyện với Lệnh Hồ huynh đấy ư?

Tấm rèm vén lên, một người tiến vào.

Gã chính là Vương Gia Thuần, trưởng tử của Vương Trọng Cường.

Vương Gia Câu hậm hực đáp:

– Ca ca ơi! Tiểu đệ vì lòng tốt mà rửa hận cho hắn: bắt bẩy tên vô lại đánh cho mỗi đứa một chập.

Không ngờ… Lệnh Hồ đại hiệp lại trách tiểu đệ là đa sự.

Vương Gia Thuần nói:

– Hiền đệ có chỗ chưa rõ thôi. Vừa rồi ta nghe Nhạc sư muội nói thì Lệnh Hồ huynh là một nhân vật phi thường, nhưng không lộ bản tướng. Bữa trước ở ngoài miếu Dược Vương. Lệnh Hồ huynh với một chiêu kiếm đã đâm mù mắt 15 tay cao thủ hạng nhất. Kiếm thuật y xuất quỉ nhập thần, thiên hạ hiếm có. Ha ha!

Tiếng cười của gã có ý mỉa mai. Gã nói tiếp:

– Thì ra 15 vị cao thủ hạng nhất so với bọn lưu manh ở thành Lạc Dương bản lãnh còn cách xa một trời một vực. Ha ha!

Lệnh Hồ Xung cũng không nổi nóng. Hắn cười hì hì hai tay ôm đầu gối lắc lư tựa hồ coi anh em họ Vương chẳng vào đâu.

Vương Gia Thuần vâng mệnh bá phụ cùng phụ thân đến thăm Lệnh Hồ Xung.

Vương Bá Phấn và Vương Trọng Cường đã dặn gã phải lựa lời hỏi han đừng để mất lòng khách. Nhưng gã thấy Lệnh Hồ Xung ra chiều ngạo mạn thì khí tức từ từ đưa lên.

Gã nói:

– Lệnh Hồ huynh! Tiểu đệ có lời thỉnh giáo.

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Không dám!

Vương Gia Thuần nói:

– Tiểu đệ thấy Bình Chi biểu đệ nói là lúc tệ cô trượng cô mẫu qua đời, chỉ có một mình Lệnh Hồ huynh ở bên mình hai vị để tống chung.

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Ðúng thế!

Vương Gia Thuần hỏi:

– Cô trượng và cô mẫu tiểu đệ có di ngôn cho Bình Chi biểu đệ phải không?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Phải!

Vương Gia Thuần hỏi:

– Vậy pho “Tịch Tà kiếm phổ” của tệ cô trượng ở đâu?

Lệnh Hồ Xung đứng phắt dậy lớn tiếng hỏi lại:

– Vương huynh bảo sao?

Vương Gia Thuần đề phòng hắn động thủ bất giác lùi lại một bước đáp:

– Cô trượng tại hạ có pho “Tịch Tà kiếm phổ” gửi Lệnh Hồ giao lại cho Bình Chi biểu đệ mà sao đến nay vẫn chưa đưa ra?

Lệnh Hồ Xung thấy gã đặt lời nói vu thì cả giận toàn thân run bần bật, hỏi lại:

– Ai có “Tịch Tà kiếm phổ” gửi tại hạ giao cho Lâm sư đệ?

Vương Gia Thuần cười đáp:

– Nếu quả không có việc đó thì sao Lệnh Hồ huynh lại chột dạ nói năng ra chiều lúng túng!

Lệnh Hồ Xung cố dằn cơn giận hỏi:

– Hai vị Vương huynh! Lệnh Hồ Xung này là khách trong tôn phủ. Hai vị nói vậy là ý kiến của lệnh tổ, lệnh tôn hay chỉ là chính hai vị tự ý nói ra?

Vương Gia Thuần đáp:

– Cái đó tiểu đệ buột miệng hỏi vậy, có chuyện gì trọng đại đâu? Câu hỏi này không có liên can gì đến gia gia cùng tổ phụ tiểu đệ cả. Có điều “Tịch Tà kiếm phổ” kiếm phổ của nhà họ Lâm ở Phúc Châu lẫy lừng thiên hạ, võ lâm đều biết tiếng. Ðột nhiên Lâm cô trượng qua đời, pho “Tịch Tà kiếm phổ” là vật báu tùy thân của người không biết đi đâu mất. Bọn tiểu đệ là người chí thân muốn tra hỏi cho ra.

Lệnh Hồ Xung lại hỏi:

– Có phải tiểu Lâm tử bảo Vương huynh hỏi không? Sao gã không hỏi thắng tại hạ mà phải nhờ đến Vương huynh? …

Giả tỷ gặp lúc bình thường thì Lệnh Hồ Xung đã mắng lại ngay nhưng hiện giờ hắn đang ở vào tình thế bị hoài nghi. “Kim đao Vương gia” hay “Vương thị huynh đệ” gì gì hắn chẳng thèm bận tâm, nhưng hắn nghĩ tới sư phụ, sư nương và sư muội nên nhượng bộ.

Hắn ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Lệnh Hồ Xung này chưa từng thấy được “Tịch Tà kiếm phổ”. Lâm tổng tiêu đầu ở Phúc Châu có di ngôn lại thì tại hạ đã nói lại từng chữ cho Lâm sư đệ biết rồi. Nếu Lệnh Hồ Xung này có lòng lừa gạt man trá thì tội đáng muôn thác, trời đất không dung.

Hắn nói rồi bắt chéo tay mà đứng, vẻ mặt hiên ngang.

Vương Gia Thuần mỉm cười nói:

– Một pho bí lục quan hệ rất trọng đại mà chỉ thề một câu mà che lấp hết được ư? Nếu vậy Lệnh Hồ huynh coi người ta là hạng ngốc cả.

Lệnh Hồ Xung vẫn cố nén giận hỏi lại:

– Theo ý Vương huynh thì phải làm thế nào?

Vương Gia Thuần đáp:

– Tiểu đệ lớn mật xin lục tìm trong mình Lệnh Hồ huynh….

Hắn ngừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Giả tỷ bữa trước Lệnh Hồ huynh bị bẩy tên lưu manh bắt giữ không nhúc nhích được thì tất bọn chúng cũng lục soát cả trong lẫn ngoài Lệnh Hồ huynh rồi.

Lệnh Hồ Xung cười nhạt hỏi:

– Các vị xục tìm trong người Lệnh Hồ Xung này… Chà chà! Vậy ra các vị coi tại hạ là một tên tiểu tặc hay sao?

Vương Gia Thuần đáp:

– Không dám. Lệnh Hồ huynh đã bảo là không lấy “Tịch Tà kiếm phổ” thì sao lại sợ người ta lục soát? Lục soát mà không thấy kiếm phổ tức là rửa sạch mối hiềm nghi có phải hay hơn không?

Lệnh Hồ Xung gật đầu nói:

– Ðược rồi! Vương huynh đi kêu Lâm sư đệ cùng Nhạc sư muội tới đây để bọn họ chứng kiến.

Vương Gia Thuần sợ mình bỏ đi để một mình bảo đệ ở lại sẽ bị Lệnh Hồ Xung thừa cơ kiềm chế, mà hai người đi cả thì dĩ nhiên hắn dấu cuốn “Tịch Tà kiếm phổ” đi mất không tìm thấy được.

Gã tính vậy liền hỏi:

– Nếu Lệnh Hồ huynh không có tính giật mình thì hà tất phải kiếm đường thoái thác?

Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:

– Nếu mình để chúng xục tìm trong người thì phải ở trước mặt sư phụ, sư nương và sư muội để chứng minh lòng thanh bạch cho mình. Còn hai gã này tin mình hay là không tin cũng vậy, mình gây lộn với chúng làm chi? Nếu không có tiểu sư muội thì để hai bàn tay con chó này mó vào mình thế nào được.

Hắn nghĩ vậy liền đáp:

– Nếu chỉ có một mình Vương huynh thì e rằng không dám lục soát Lệnh Hồ Xung này.

Anh em họ Vương càng thấy Lệnh Hồ Xung không chịu cho mình xục tìm lại càng tin chắc “Tịch Tà kiếm phổ” dấu ở trong người hắn. Một là hai gã muốn tâng công với sư phụ sư bá, hai là chúng đã nghe tiếng “Tịch Tà kiếm phổ” cực kỳ lợi hại. Chúng mà tìm được kiếm phổ thì dĩ nhiên biểu đệ Lâm Bình Chi phải cho chúng mượn coi.

Vương Gia Thuần đua mắt ra hiệu cho em rồi nói:

– Lệnh Hồ huynh! Lệnh Hồ huynh đừng giở thói nhẹ không ưa lại ưa nặng. Nếu chúng ta để tổn thương đến cảm tình thì chẳng còn ra thế nào.

Hai anh em gã vừa nói vừa tiến lại gần. Vương Gia Câu phưỡn ngực xông tới.

Lệnh Hồ Xung giơ tay ra ngăn cản.

Vương Gia Câu la lên:

– Trời ơi! Ngươi định đánh ta chăng?

Gã chụp lấy cổ tay Lệnh Hồ Xung dúi xuống. Gã sợ Lệnh Hồ Xung học “Tịch Tà kiếm phổ” rồi, kiếm pháp ghê gớm thật sự thì hai anh em gã không chống nổi, nên thi triển cầm nã thủ pháp gia truyền và vận dụng đến mười thành công lực.

Lệnh Hồ Xung rất giàu kinh nghiệm lâm địch. Hắn thấy Vương Gia Công phưỡn ngực tiến lại thì biết ngay có ý không tốt. Hắn đưa tay phải ra ngăn cản là đã tàng ẩn những chiêu sau. Hắn để đối phương nắm lấy cổ tay, định xoay cánh tay hất chéo lên chuyển thế thủ thành thế công ngờ đâu nội lực hắn đã mất hết, tuy hắn xoay tay mà không phát huy được chút khí lực nào.

Bỗng nghe thấy tiếng lách cách vang lên. Những đốt xương tay phải tê dại đau không chịu nổi vì đã bị trật khớp xương.

Vương Gia Câu hạ thủ cực kỳ tàn độc. Gã đã đánh trật xương tay Lệnh Hồ Xung lại còn vặn đi một cái khiến cho khớp xương cánh tay trái ở đầu vai bị trật khớp luôn.

Gã giục Vương Gia Thuần:

– Ca ca lục soát mau đi!

Vương Gia Câu lại đưa chân trái ra để chặn phía trước hai chân Lệnh Hồ Xung đề phòng hắn co giò đả thương.

Vương Gia Thuần thò tay vào bọc Lệnh Hồ Xung móc hết đồ vặt vãnh ra. Ðột nhiên gã sờ thấy một cuốn sách mỏng liền rút lấy.

Hai gã đồng thanh la:

– Ðây rồi! Tìm được “Tịch Tà kiếm phổ” của Lâm cô trượng đây rồi.

Hai gã hối hả mở cuốn sách ra coi thì trang đầu viết sáu chữ “Tiếu ngạo giang hồ chi khúc” theo lối chữ triện.

Vương thị huynh đệ chữ nghĩa nông cạn. Giả tỷ sáu chữ này viết theo lối chân phương thì còn đọc được, nhưng lại còn viết theo lối chữ triện thì chẳng biết một chữ nào.

Hai gã mở xuống trang dưới thấy toàn những văn tự kỳ lạ. Chúng không biết “cầm phổ” là gì, trong lòng yên chí đây là “Tịch Tà kiếm phổ” nên không nghi ngờ gì nữa, đồng thanh lớn tiếng reo:

– “Tịch Tà kiếm phổ”! Ðúng là “Tịch Tà kiếm phổ”!

Vương Gia Thuần lại nói:

– Ðem vào cho gia gia coi.

Rồi gã cầm cuốn nhạc phổ lật đật ra khỏi phòng.

Vương Gia Câu đá mạnh một cước vào lưng Lệnh Hồ Xung đồng thời cả tiếng mắng nhiếc:

– Quân tiểu tặc mặt dầy!

Ðoạn gã nhổ một bãi nước miếng vào mặt Lệnh Hồ Xung.

Lệnh Hồ Xung ban đầu tức như bể, ngực nhưng rồi hắn tự nhủ:

– Hai thằng nhóc này không biết gì, song tổ phụ và phụ thân chúng chắc không đến nỗi thô bỉ như vậy. Khi họ hiểu đây là cầm phổ tiêu phổ, tất đến xin lỗi ta.

Có điều hai cánh tay trật khớp đau nhói lên từng cơn. Hắn lẩm bẩm:

– Mình mất hết nội công lại gặp phải bọn lưu manh vô lại ngoài đường đánh đập, không còn chút hơi sức để chống đỡ, biến thành phế nhân rồi. Có sống ở đời cũng bằng vô dụng.

Hắn nằm duỗi dài trên giường, mồ hôi trán toát ra không ngừng.

Hồi lâu bỗng nghe có tiếng bước chân. Vương thị huynh đệ rảo bước quay trở lại.

Vương Gia Thuần cười lạt nói:

– Ði gặp gia gia ta!

Lệnh Hồ Xung tức giận đáp:

– Ta không đi! Gia gia các người đến xin lỗi ta thì thôi, ta đi gặp y làm chi.

Vương Gia Thuần và Vương Gia Câu bật lên tràng cười ha hả.

Vương Gia câu nói:

– Gia gia ta mà phải xin lỗi thằng tiểu tặc ư? Ngươi đừng có mơ mộng nữa! Ði đi!

Hai gã nắm lấy vạt áo sau lưng Lệnh Hồ Xung, nhấc bổng hắn lên đi ra khỏi phòng.

Lệnh Hồ Xung lớn tiếng thóa mạ:

– “Kim Ðao Vương gia” còn tự khoe là nghĩa hiệp nữa thôi? Các người cuồng ngạo khinh người như vậy, thật là quân hèn mạt!

Vương Gia Thuần xoay tay đánh Lệnh Hồ Xung một chưởng hộc máu miệng ra.

Lệnh Hồ Xung rất đỗi quật cường, hắn vẫn thóa mạ không ngớt miệng. Hắn bị Vương thị huynh đệ xách vào nhà hoa sảnh ở phía sau.

Tại đây vợ chồng Nhạc Bất Quần cùng Vương Nguyên Bá chia ngôi chủ khách mà ngồi.

Vương Bá Phấn và Vương Trọng Cường ngồi ở mé dưới Vương Nguyên Bá.

Lệnh Hồ Xung vẫn lớn tiếng mắng nhiếc:

– “Kim đao Vương gia” là hạng đê hèn vô liêm sỉ ! Trong võ lâm chưa từng thấy ai đê mạt bẩn thỉu thế này.

Nhạc Bất Quần sa sầm nét mặt quát lớn:

– Xung nhi câm miệng đi!

Lệnh Hồ Xung nghe tiếng sư phụ quát tháo mới im tiếng không chửi bới nữa. Hắn trợn mắt lên nhìn Vương Nguyên Bá.

Vương Nguyên Bá tay cầm cuốn nhạc phổ cất tiếng hỏi:

– Lệnh Hồ hiền đệ! Pho “Tịch Tà kiếm phổ” này hiền đệ lấy được ở đâu?

Lệnh Hồ Xung ngửa mặt lên trời cười rộ. Hắn cười hoài không ngớt.

Nhạc Bất Quần liền trách mắng:

– Xung nhi! Bậc tôn trưởng hỏi ngươi, ngươi cứ thực trình bày, sao dám vô lễ thế thì còn ra thể thống gì nữa?

Lệnh Hồ Xung nói:

– Bẩm sư phụ! Sau khi đệ tử bị trọng thương, toàn thân bất lực. Hai thằng nhỏ này đối đãi với ta tử tế thế nào? Hà hà! Phép khách đãi khách trên giang hồ là thế đó!

Vương Trọng Cường lên tiếng:

– Nếu là tân khách tử tế thì nhà họ Vương chúng ta khi nào dám đắc tội? Nhưng ngươi chịu lời ủy thác của người mà lại chiếm lấy “Tịch Tà kiếm phổ” làm của mình. Ðó là hành vi của quân trộm cướp.

“Kim Ðao Vương gia” ta là một nhà thanh bạch ở Lạc Dương làm bằng hữu của ngươi thế nào được?

Lệnh Hồ Xung nói ;

– Tổ tôn tam đại nhà ngươi người nào cũng mồm năm miệng mười đây là “Tịch Tà kiếm phổ”. Vậy các người đã thấy qua “Tịch Tà kiếm phổ” bao giờ chưa? Sao các ngươi biết cuốn này là “Tịch Tà kiếm phổ”? Vương Trọng Cường chưng hửng đáp:

– Cuốn sách này xục tìm thấy trong mình ngươi. Nhạc sư huynh lại bảo đây không phải là võ công thư phổ của phái Hoa Sơn. Vậy nó không phải là “Tịch Tà kiếm phổ” thì còn là cái gì?

Lệnh Hồ Xung tức quá lại phì cười nói:

– Ngươi cho nó là “Tịch Tà kiếm phổ” thì nó là “Tịch Tà kiếm phổ”. Ta mong rằng “Kim Ðao Vương gia” nhà ngươi theo trong đó để luyện thành một thứ kiếm pháp thiên hạ vô địch. Từ đây nhà họ Vương ở Lạc Dương nên đổi hiệu là Ðao kiếm song tuyệt trong võ lâm ha! ha! ha! …

Vương Nguyên Bá nói:

– Lệnh Hồ hiền đệ! Tiểu tôn trong lúc nhất thời đắc tội với hiền đệ, hiền đệ bất tất để ý làm chi.

Người ta ai mà chẳng có lỗi lầm. Nhưng biết lỗi để mà sửa đổi cũng là hay lắm. Hiền đệ đã đưa kiếm phổ ra lại ở trước mặt lệnh sư phụ chúng ta truy cứu gì nữa? Vụ này không nên nhắc tới làm chi. Ðể ta tiếp xương cánh tay cho hiền đệ rồi sẽ nói chuyện.

Lão nói xong rời khỏi chỗ ngồi đi về phía Lệnh Hồ Xung toan cầm lấy tay trái hắn.

Lệnh Hồ Xung lùi lại hai bước lớn tiếng:

– Khoan đã! Lệnh Hồ Xung này không để cho lão mua chuộc đâu.

Vương Nguyên Bá ngạc nhiên hỏi:

– Ta mua chuộc hiền đệ cái gì?

Lệnh Hồ Xung đáp

– Lệnh Hồ Xung này không phải là người gỗ để các người muốn bẻ thì bẻ, muốn tiếp thì tiếp.

Ðoạn hắn đi sang mé tả hai bước đến trước mặt Nhạc phu nhân nói:

– Sư nương! Cánh tay đệ tử… …

Hắn chưa dứt lời Nhạc phu nhân đã hiểu ý. Bà buông tiếng thở dài rồi kéo tay gã để cho những đốt xương từ khớp lại.

Lệnh Hồ Xung hai tay chỉ bị trật khớp chứ chưa bị gãy. Phàm người nào đã học phép cầm nã đều có thể tiếp cốt được. Nhạc phu nhân tiếp cốt cho Lệnh Hồ Xung không phí một chút hơi sức.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Thưa sư nương! Ðó rõ ràng là cuốn “Thất huyền cầm phổ” và “Ðộng tiêu tiêu phổ”. Vậy mà họ Vương mắt nhìn không thấy cứ khăng khăng một mực là “Tịch Tà kiếm phổ”. Trong thiên hạ có chuyện buồn cười đến thế mới thật là kỳ!

Nhạc phu nhân hỏi Vương Nguyên Bá:

– Vương lão gia tử! Có thể cho tiểu phụ coi cuốn sách đó một chút được chăng?

Vương Nguyên Bá đáp:

– Mời Nhạc phu nhân coi đi!

Lão cầm cuốn sách đưa lại cho Nhạc phu nhân.

Nhạc phu nhân lật mấy trang coi nhưng cũng chẳng hiểu liền nói:

– Tiểu phụ chẳng hiểu gì về tiêu phổ, cầm phổ. Chỉ có kiếm phổ thì biết đôi chút. Cuốn sách này chẳng giống kiếm phổ tí nào. Vương lão gia tử! Trong tôn phủ có ai biết gảy đàn thổi tiêu thì mới tới coi là biết đích xác.

Vương Nguyên Bá có ý do dự lão chỉ sợ đúng là cầm phổ tiêu phổ thực thì nhà mình bị một phen bẽ mặt.

Vương Gia Câu ruột để ngoài da nói ngay:

– Gia gia! Trong phòng quản gia có Dịch sư gia biết thổi tiêu, mời y tới coi sẽ rõ. Ðây đúng là “Tịch Tà kiếm phổ” sao lại bảo là cầm phổ, tiêu phổ được?

Vương Nguyên Bá nói:

– Trong võ lâm rất nhiều loại bí lục. Có khi người ta muốn giữ bí mật sợ kẻ khác dòm lén nên cố ý đem võ công viết theo lối khúc phổ cũng là chuyện thường chẳng có chi kỳ dị.

Nhạc phu nhân nói:

– Trong tôn phủ đã có một vị sư gia biết thổi tiêu, vậy mời y ra coi xem đây là kiếm phổ hay tiêu phổ, tất y biết rõ.

Vương Nguyên Bá không sao được đành sai Vương Gia Câu đi mời Dịch sư gia.

Dịch sư gia người gầy nhom mà bé loát choắt. Y tuổi ngoại 50. Dưới cằm lơ thơ một túm râu.

Cách ăn mặc rất chỉnh đốn.

Vương Nguyên Bá hỏi:

– Dịch sư gia! Nhờ sư gia coi xem đây có phải là cuốn cầm phổ tiêu phổ gì không?

Dịch sư gia mở mấy trang cầm phổ ra coi, lắc đầu đáp:

– Cái này vãn sinh chẳng hiểu gì hết.

Lúc y coi đến phần tiêu phổ bỗng mắt sáng lên. Miệng y cất giọng khè khè tay trái y không ngừng gõ xuống mặt bàn để đánh nhịp.

Y lẩm nhẩm một lúc rồi lắc đầu nói:

– Không được! không được!

Ðoạn y đọc xuống dưới, đột nhiên tiếng cao vọt lên rồi câm tịt. Y chau mày nói:

– Trên đời quyết không có chuyện này. Cái này… cái này vãn sinh thật khó mà hiểu được.

Vương Nguyên Bá hỏi:

– Phải chăng cuốn sách này có chỗ khả nghi? Nó khác hắn với tiêu phổ thông thường hay sao?

Dịch sư gia lại lật trang đầu phần tiêu phổ đáp:

– Mời Ðông ông coi! Cung điệu chỗ này biến sang điệu chủy một cách đột ngột, rất trái với nhạc lý. Chỗ này lại chuyển sang điệu Vũ. Không có khúc nhạc này mà cách chuyển điệu lại đột ngột như vậy. Thế này thì tất nhạc cho ra thanh điệu thế nào được?

Lệnh Hồ Xung cười nói:

– Sư gia không biết thổi, biết đâu lại có người thổi được?

Dịch sư gia lắc đầu nói:

– Các hạ nói thế cũng phải. Nhưng nếu trên đời có người tấu được khúc điệu này thì vãn sinh phục sát đất, phục hết chỗ nói, trừ phi ở Ðông Thành …

Vương Nguyên Bá ngắt lời:

– Sư gia bảo đây không phải là tiêu phổ thông thường hay sao? Trong thanh điệu có chỗ ống tiêu thổi không ra tiếng chứ gì?

Dịch gia gật đầu đáp:

– Ðúng thế! Tiêu phổ này rất khác thường, vãn sinh quyết không thổi được, Trừ phi ở Ðông Thành …

Nhạc phu nhân ngắt lời:

– – Ðông Thành có vị danh sư cao thủ thổi được khúc phổ này chăng?

Dịch gia sư đáp:

– Cái đó vãn sinh không dám bảo đảm … ở Ðông Thành có Lục Trúc Ông đã biết gẩy đàn lại giỏi thổi tiêu so với vãn sinh còn cao hơn nhiều, cao hơn không biết đến đâu mà nói. Vãn sinh chỉ biết thế thôi.

Vương Nguyên Bá xen vào:

– Ðã là thứ tiêu khác thường thì bên trong tất có nhiều điều ngoắt nghéo.

Vương Bá Phấn ngồi yên từ nãy đến giờ chỉ lặng thinh, đột nhiên hỏi xen vào:

– Gia gia! Phe Bát quái đao ở Trịnh Châu có một bộ “Tứ môn lục hợp quốc” chẳng ghi vào một khúc phổ đấy ư?

Vương Nguyên Bá ngẩn người một chút rồi hiểu ý con cố tình đặt nên lời. Chưởng môn Trịnh Châu Bát quái đao là Mạc Tinh đã mấy đời kết thân với Kim Ðao gia Vương ở Lạc Dương. Trong “Bát quái đao” chẳng có “tứ môn lục hợp cước” chi hết. Lão cũng cho là phái Hoa Sơn chuyên nghiên cứu về kiếm pháp thì các phe phái khác ghi vào nhạc phổ là chuyện thông thường chẳng có chi kỳ lạ, vậy xin thỉnh giáo Vương lão gia tử. Kiếm pháp ghi trong hai bộ kiếm nhạc phổ này là loại kiếm pháp gì?

Vương Nguyên Bá ngập ngừng:

– Cái đó… hỡi ôi! Chàng rể ta đã qua đời, những chỗ bí mật huyền diệu trong khúc phổ này ở trên đời hiện nay ngoài lão đệ ra, e không còn người thứ hai nào hiểu được.

Vương Nguyên Bá chẳng những võ công trác tuyệt, đao pháp tinh kỳ mà cách nói năng xử thế cũng là tay đáo để. Câu nói này của lão vặn ngược lại có ý khép Lệnh Hồ Xung vào tội đã học lén những yếu quyết về “Tịch Tà kiếm phổ”.

Giả tỷ Lệnh Hồ Xung muốn biện bạch chỉ cần nói huỵch toẹt ra lai lịch khúc “Tiếu Ngạo giang hồ” này, nhưng nếu tiết lộ bí mật đó thì không khỏi dính líu đến nhiều chuyện trọng đại. Vụ Mạc Ðại tiên sinh đã hạ sát Ðại tung dương thủ Phí Bân thế nào cũng phải nói ra. Sư phụ hắn mà biết khúc này có liên quan đến trưởng lão Ma giáo Khúc Dương tất bắt hủy đi. Như vậy hắn không giữ trung thành được với lời ủy thác của người ta.

Hắn tính vậy liền nói:

– Dịch sư gia đây đã bảo Lục Trúc Ông ở Ðông Thành tinh thông âm luật, sao không đem khúc này nhờ lão bình phẩm chớ?

Vương Nguyên Bá lắc đầu đáp:

– Lục Trúc Ông tính tình rất là cổ quái dở điên dở khùng chẳng ai muốn lý luận với lão. Lời nói của hạng người đó mình tin sao được?

Nhạc phu nhân nói:

– Vụ này cần phải đìều tra cho ra gốc ngọn. Xung nhi là đệ tử tệ phái mà Bình Chi cũng là đệ tử tệ phái. Bọn tại hạ không thể thiên lệch được. Vậy xin cứ đưa đến Lục Trúc Ông bình luận cho rõ ai phải ai quấy.

Bà không tiện nói rõ Lệnh Hồ Xung tranh chấp Kim Ðao Sư Vương mà đổi ra mối tranh chấp Lệnh Hồ Xung và Lâm Bình Chi.

Nhạc Bất Quần cũng nói theo:

– Phải đó! Dịch sư gia! Phiền Dịch sư gia cho người đem kiệu đi rước Lục Trúc Ông đến được chăng?

Dịch sư gia đáp:

– Lão nhân gia này tính tình cổ quái, mình không đến tận nơi đập đầu thì đừng hòng lão nhìn nhỏi đến, nhưng khi lão muốn dúng tay vào việc gì thì muốn đẩy ra cũng không được.

Nhạc phu nhân gật đầu nói:

– Nếu vậy thì lão cũng là người trong bọn ta rồi. Chắc Lục Trúc Ông phải là tiền bối trong võ lâm. Sư ca!

chúng ta thật là hạng người cô lậu không biết đến lão.

Vương Nguyên Bá cười nói:

– Lục Trúc Ông là tay thợ khéo. Lão chỉ biết đan giỏ dệt chiếu, có phải người võ lâm đâu. Có điều lão đánh đàn rất giỏi thổi tiêu rất hay lại biết nghề thi họa. rất nhiều người bỏ tiền ra mua tranh vẽ của lão.

Nên người địa phương rất kính trọng.

Chọn tập
Bình luận