Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 182 – Bị đuối lí, Ngọc Cơ nổi nóng

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Ðào Chi Tiên chờ quần hùng dứt tiếng cười rồi nói:

– Theo lời Nhạc tiên sinh thì việc hợp nhất năm phái là mưu sự công ích cho võ lâm chứ không phải vì tư lợi. Do đó nhân vật làm chưởng môn Ngũ nhạc phái cực kỳ hệ trọng. Anh em Ðào mỗ sẽ tận tâm vui lòng đứng ra gánh vác lấy công việc nặng nề này để cho khỏi phụ lòng tin cậy của quần hùng.

Ðào Căn Tiên buông tiếng thở dài nói:

– Toàn thể bạn hữu giang hồ đã đồng một chí hướng có lý nào anh em tại hạ lại tự thủ bàng quang mà không góp sức để mưu việc chấn chỉnh lại đạo nghĩa giang hồ?

Sáu anh em Ðào Cốc lục tiên kẻ tung người hứng, nghị luận rất hùng hồn tưởng chừng như bọn họ đã được cống hiến đề cử lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái.

Ðột nhiên một lão già mình mặc áo vải trong phái Tung Sơn lớn tiếng hỏi:

– Những quái vật điên khùng kia! Có ai lựa chọn các ngươi lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái đâu mà các ngươi huênh hoang khoác lác! Thật là những quân mặt dầy, nói không biết ngượng miệng.

Lập tức bọn đệ tử Tung Sơn lớn tiếng reo hò.

Một người nói:

– Bữa nay là một thịnh sự vui mừng cho cuộc hợp phái. Nếu không thì ta đã chặt mười hai cái chân của sáu tên điên khùng này rồi.

Một người khác hỏi Lệnh Hồ Xung:

– Lệnh Hồ chưởng môn! Sáu tên quái vật này cùng phe với chưởng môn ăn càn nói rỡ đủ điều mà chưởng môn không ngó tới ư?

Ðào Hoa Tiên liền tóm lấy cơ hội lớn tiếng la:

– Vừa rồi Tả Lãnh Thiền đã tuyên bố năm phái ở Ngũ nhạc hợp thành Ngũ nhạc phái thì những tên phái Hằng Sơn, phái Hoa Sơn… gì gì không còn tồn tại trong võ lâm nữa. Thế mà ngươi kêu Lệnh Hồ Xung một điều chưởng môn hai điều chưởng môn thì thành ra ngươi đã mặc nhiên thừa nhận y làm chưởng môn Ngũ nhạc phái rồi ư?

Ðào Thực Tiên nói theo:

– Theo ý tiểu đệ thì Lệnh Hồ Xung mà được suy tôn làm chưởng môn Ngũ nhạc phái tuy có kém sáu anh em ta phần nào nhưng dù sao cũng còn tạm được hơn là lựa chọn kẻ khác.

Ðào Căn Tiên dõng dạc cất tiếng hỏi:

– Nay bọn Tung Sơn đề cử Lệnh Hồ Xung làm chưởng môn Ngũ nhạc phái thì toàn thể quý vị vó ý kiến gì không?

Quần hùng các phái chưa biết trả lời thế nào thì mấy trăm nữ đệ tử của phái Hằng Sơn đồng thanh đáp:

– Phải đó!

Lão già phái Tung Sơn thấy mình buột miệng kêu Lệnh Hồ Xung bằng chưởng môn mà bị Ðào Cốc lục tiên chụp lấy để đổ tội lên đầu thì mặt thẹn đỏ bừng không biết làm thế nào, ấp úng mãi mới thốt ra lời:

– Không… không phải tại hạ… suy tôn Lệnh Hồ Xung…

Ðào Căn Tiên liền nói:

– Nếu ngươi không có ý định như vậy thì chắc là thừa nhận chức chưởng môn Ngũ nhạc phái phải dành cho Ðào Cốc lục tiên. Hay lắm! Các hạ quả là con người hiểu thời vụ, nhất tâm lựa chọn Ðào Cốc lục tiên. Bọn Ðào mỗ khước từ là trốn trành trách nhiệm mà nhận lấy cũng không khỏi e thẹn.

Ðào Chi Tiên nói theo:

– Thôi bây giờ đành thế này vậy. Chúng ta cố gắng đứng ra làm chưởng môn Ngũ nhạc phái trong vòng năm bảy tháng hay một năm để sắp đặt đại cuộc cho ổn định rồi sẽ rút lui, nhường ngôi cho một nhân vật anh hùng nào khác, chứ quyết chẳng tham quyền cố vị làm chi.

Ðào Cốc lục tiên đồng thanh nói:

– Hay lắm! Hay lắm! Thật là một cách ứng biến rất thích hợp.

Bọn Ðào Cốc lục tiên vừa dứt lời, Tả Lãnh Thiền cất tiếng lạnh lùng:

– Sáu vị nói hoài mà không sợ quá đa ngôn ư? Bữa nay ở trên đỉnh Tung Sơn này tụ hội biết bao nhiêu anh hùng thiên hạ mà các vị ba hoa không ngớt, chẳng để ai góp ý kiến thì ra các vị khinh rẻ quần hùng quá.

Ðào Hoa Tiên đáp:

– Ðược chứ! Sao lại không được? Ai muốn nói gì thì nói, hay có hơi thúi cũng cứ việc phun ra.

Quần hùng nghe Ðào Hoa Tiên nói vậy đều lặng yên vì ai cũng sợ mang tai tiếng là mình nói thúi.

Sau một lúc lâu Tả Lãnh Thiền lại lên tiếng:

– Liệt vị anh hùng dĩ nhiên chẳng thiếu chi lời cao kiến xin hãy đưa ra cho hội cùng thảo luận. Chúng ta chẳng cần đếm xỉa đến sáu tên điên khùng kia cho hội nghị mất cả hào hứng.

Lập tức Ðào Cốc lục tiên dương sáu cái mũi ra như kiểu đánh hơi.

Sáu lão vừa ngửi vừa xua tay nói:

– Thúi quá! Thúi quá! Không hiểu trung tiện ở đâu phát ra mà thúi thế?

Lại một lão già trong phái Tung Sơn cất giọng oang oang:

– Ngũ nhạc kiếm phái như cây liền cành đã kết minh với nhau do Tả chưởng môn đứng ra làm minh chủ. Tả minh chủ từng thống lãnh năm phái đã lâu, oai danh hiển hách võ lâm, nay năm phái đã hợp nhất thành Ngũ nhạc phái thì lý đương nhiên chức chưởng môn lại phải về tay Tả minh chủ chấp chưởng. Nếu để người khác e rằng không ai chịu phục.

Ðào Hoa Tiên lớn tiếng bài xích:

– Vô lý! Vô lý! Việc hợp nhất năm phái là một cuộc cách mạng đổi cũ thay mới thì chức chưởng môn cũng phải là một nhân vật mới.

Ðào Thực Tiên theo hùa:

– Ngũ ca nói phải lắm! Nếu lại để chức chưởng môn cho Tả Lãnh Thiền thì chỉ là thay vỏ chứ không đổi ruột. Ðã chẳng có chút gì mới mẻ thì hà tất phải hợp năm phái lại làm một?

Ðào Chi Tiên nói:

– Trong quần hùng có mặt tại đây ai làm chưởng môn Ngũ nhạc phái cũng còn tạm được chỉ không thể để cho Tả Lãnh Thiền mà thôi.

Ðào Thực Tiên lớn tiếng:

– Tại hạ đề nghị: nếu ai cũng có thể làm được chưởng môn Ngũ nhạc phái thì chúng ta thay phiên nhau mỗi người làm một ngày. Bữa nay người này, bữa mai người khác. Có thế mới là công bằng. Bất luận già trẻ lớn bé ai cũng có phân không ai bị bỏ rơi hết thảy đều vui lòng hởi dạ.

Ðào Căn Tiên nói:

– Phải! Phải! Làm kiểu này hay lắm! Lão phu là hạng già nua xin đề nghị một vị cô nương nhỏ tuổi nhất, người bé nhất lên làm chưởng môn trước tiên. Cô bé này là Tần Quyên, nữ đệ tử phái Hằng Sơn. Bữa nay để cô lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái là khỏi mang tiếng ỷ già hiếp trẻ, ỷ lớn hiếp bé.

Bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn đã biết rõ Ðào Cốc lục tiên đưa ra những đề nghị tức cười này chẳng qua là để phá quấy Tả Lãnh Thiền mà thôi, các cô rất lấy làm đắc ý nên đồng thanh lớn tiếng la:

– Sáu vị anh hùng đưa ra ý kiến đó thật là phải lắm!

Hơn ngàn người trong bọn quần hùng thấy công cuộc này không liên quan gì đến mình nhưng họ vốn chán ghét Tả Lãnh Thiền nên mong cho công cuộc này rồi chừng nào hay chừng ấy. Họ cũng theo hùa kéo gân cổ lên mà hưởng ứng Ðào Cốc lục tiên. Lúc này trên đỉnh núi Tung Sơn mạnh ai nấy nói thật là một cuộc hỗn loạn xà ngầu.

Một lão đạo phái Thái Sơn cất giọng oang oang:

– Chúng ta phải lựa chọn một nhân vật tài đức song toàn oai danh lừng lẫy đồng thời là một bậc tiền bối cao nhân lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái. Có lý đâu lại mỗi người luân phiên lên làm một ngày được?

Thanh âm lão này rất chói chang.

Giữa những tiếng huyên náo om sòm mà cũng lọt vào tai nghe rất rõ.

Ðào Chi Tiên liền đáp lại:

– Nhân vật võ lâm hiện nay xứng đáng với tám chữ: “Tài đức song toàn, oai danh lừng lẫy” thì ngoại trừ Ðào Cốc lục tiên tại hạ xem ra chỉ có Phương Chứng đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm chứ không còn ai nữa.

Mọi khi hễ Ðào Cốc lục tiên lên tiếng nghị luận là quần hào lại phì cười nhưng lần này Ðào Cốc lục tiên đưa danh hiệu Phương Chứng đại sư không ai dám cười đùa chớt nhả nữa. Chỉ trong khoảnh khắc hàng mấy ngàn người tụ hội trên ngọn tuyệt đỉnh núi Tung Sơn yên lặng như tờ.

Nên biết Phương Chứng đại sư võ công cao cường tính tình lại chính trưc. Mấy chục năm trời ai cũng đem lòng ngưỡng mộ. Phái Thiếu Lâm là một môn phái lớn nhất võ lâm, thanh thế cực kỳ hưng thịnh. Vì thế tám chữ “tài đức song toàn, oai danh lừng lẫy” khoác lên Phương Chứng đại sư không ai có điều gì dị nghị nữa.

Ðào Căn Tiên lớn tiếng:

– Phương Chứng, phương trượng chùa Thiếu Lâm liệu có đáng kể là một nhân vật tài đức song toàn, oai danh lừng lẫy không?

Mấy ngàn người đồng thanh đáp:

– Ðáng lắm! Ðáng lắm!

Ðào Căn Tiên nói:

– Thế là các vị đã chứng khẩu đồng từ công nhận lòng ngưỡng vọng của toàn thể anh hùng đối với bọn Phương Chứng đại sư so với lòng ngưỡng vọng của mọi người đối với bọn Ðào mỗ hãy còn có phần hơn. Như vậy phải thỉnh Phương Chứng đại sư lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái rồi.

Một số đông đồ đệ phái Tung Sơn và Thái Sơn liền la hét:

– Sao các ngươi nói càn? Phương Chứng đại sư là chưởng môn phái Thiếu Lâm có liên can gì đến Ngũ nhạc phái?

Ðào Căn Tiên nói:

– Vừa rồi một vị lão đạo đã tuyên bố phải thỉnh một nhân vật tài đức song toàn, oai danh lừng lẫy và là một bậc tiền bối cao nhân lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái. Bọn ta lựa chọn được một nhân vật đâu phải chuyện dễ dàng? Chẳng lẽ Phương Chứng đại sư không phải là nhân vật tài đức song toàn oai danh lừng lẫy? Chẳng lẽ Phương Chứng đại sư cũng không phải là một bậc tiền bối cao nhân? Theo lời ngươi thì Phương Chứng đại sư là một người hậu bối đê nhân hay sao? Có lý nào thế được? Kẻ nào lớn mật dám bảo Phương Chứng đại sư là hậu bối đê nhân không đáng làm chức chưởng môn thì bọn Ðào Cốc lục tiên này quyết liều mạng với hắn.

Ðào Căn Tiên hỏi:

– Phương Chứng đại sư đã làm chưởng môn phái Thiếu Lâm mấy chục năm còm được thì sao lại không thể làm chưởng môn Ngũ nhạc phái? Chỉ những tên cuồng đồ lớn mật mới dám bảo Phương Chứng đại sư không biết làm chưởng môn hay không xứng đáng làm chưởng môn mà thôi.

Ngọc Cơ Tử ở phái Thái Sơn chau mày nói:

– Dĩ nhiên Phương Chứng đại sư là một nhân vật đức cao vọng trọng chẳng ai là không kính ngưỡng. Nhưng công cuộc bữa nay của chúng ta là tuyển lựa chức chưởng môn cho Ngũ nhạc phái mà Phương Chứng đại sư tới đây tham dự với địa vị tân khách sao lại kéo lão gia vào công cuộc này được?

Ðào Các Tiên hỏi:

– Theo lời các hạ thì chúng ta không thể tuyển lựa Phương Chứng đại sư làm chưởng môn Ngũ nhạc phái chỉ vì Thiếu Lâm và Ngũ nhạc phái không có liên quan gì với nhau phải không?

Ngọc Cơ Tử đáp:

– Chính là thế đó!

Ðào Các Tiên hỏi:

– Sao lại bảo phái Thiếu Lâm không có liên quan gì đến Ngũ nhạc phái? Ðào mỗ cho rằng quan hệ rất lớn. Xin hỏi Ngũ nhạc phái là những phái nào?

Ngọc Cơ Tử đáp:

– Các hạ đã biết rõ sao còn cố ý hỏi vặn? Ngũ nhạc phái tức là năm phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn.

Ðào Hoa Tiên và Ðào Thực Tiên đồng thanh lớn tiếng:

– Trật rồi! Trật rồi! Tả Lãnh Thiền vừa mới nói: Sau khi Ngũ nhạc kiếm phái nhập làm một thì những tên phái Tung Sơn, Thái Sơn gì gì cũng không còn tồn tại nữa mà sao các hạ lại nhắc đến hoài?

Ðào Căn Tiên nói theo:

– Xem thế đủ biết lão vẫn say mê về chuyện phe phái, không bao giờ quên được ý niệm phe phái trong đầu óc. Chỉ còn chờ cơ hội là mưu đồ khôi phục lại oai phong cho phái Thái Sơn, vãn hồi thanh thế của Nhật Quang Phong.

Bây giờ quần hùng lại có nhiều người bật lên tiếng cười, bụng bảo dạ:

– Ðừng tưởng Ðào Cốc lục tiên là bọn dở điên dở khùng hễ ai nói lộn nửa câu là lập tức mấy lão nắm lấy để xoay cho hết đường mở miệng.

Nên biết Ðào Cốc lục tiên ngay từ thuở nhỏ còn là những đứa con nít lên ba vừa tập nói đã bắt đầu cãi vã nhau. Họ chỉ rình những chỗ sơ hở của anh em để đả kích. Mấy chục năm trời họ cãi lộn nhau, tranh luận với nhau như cơm bữa. Bây giờ cả sáu bộ óc cùng đem ra sử dụng vào một phe với nhau để chống đối người ngoài thì sáu cái mồm loa mép giải kia còn ai cãi lại được với họ nữa?

Ngọc Cơ Tử bị bọn Ðào Cốc lục tiên bắt bẻ tức giận vô cùng mà không biết nói thế nào. Mặt lão lúc đỏ bừng lúc tái xanh.

Sau lão tức quá văng cùn:

– Ta không nói với các ngươi nữa. Ngũ nhạc phái gặp phải sáu cái quái thai này thật là vô phước.

Ðào Hoa Tiên nghe Ngọc Cơ Tử nói vậy liền bắt bẻ:

– Ngươi bảo Ngũ nhạc phái gặp chuyện vô phước thì ra ngươi coi khinh rẻ phái này và không muốn đưa mình vào đó rồi!

Ðào Thực Tiên nói theo:

– Bữa nay là ngày đầu tiên khai sơn lập phái ngươi đã có quyền rủa Ngũ nhạc phái vô phườc thì còn mong gì cho bản phái mở mang rộng lớn để cùng hai phái Thiếu Lâm, Võ Ðương chia ba chân vạc khiến cho người giang hồ kính ngưỡng nữa? Ngọc Cơ Tử! Sao lại có ác ý thốt ra những lời bất tường như vậy?

Ðào Diệp Tiên cũng lên tiếng:

– Ngọc Cơ Tử thốt ra những lời xúi quẩy đủ hiểu người hắn tuy người ở Ngũ nhạc phái mà lòng còn quyến luyến phái Thái Sơn. Hắn chỉ mong cho việc hợp phái không thành, ngay ngày đâu tiên đã bị lật nhào. Vậy Ngũ nhạc phái chúng ta dùng thứ chỗ dụng tâm khinh bạc như vậy của hắn thế nào được?

Nhưng con nhà võ trên chốn giang hồ hàng ngày trải qua những cuộc đua gươm máu chảy nên rất kiêng kỵ những triệu chứng bất thường. Quần hùng nghe Ðào Cốc lục tiên nói vậy đều nhận thấy rất có lý. Bữa nay mà Ngọc Cơ Tử thốt ra lời Ngũ nhạc phái vô phước thật là điều không nên.

Chính Ngọc Cơ Tử cũng biết lỡ lời không dám nói gì nữa mà chỉ ngấm ngầm uất hận Ðào Cốc lục tiên.

Ðào Căn Tiên cất tiếng chất vấn:

– Ta bảo phái Thiếu Lâm và phái Tung Sơn có liên quan với nhau mà Ngọc Cơ Tử lại bảo chẳng có liên quan gì. Bây giờ ta hỏi lại hai phái đó có liên quan không? Ngươi nói đúng hay là ta nói đúng?

Ngọc Cơ Tử hậm hực đáp:

– Ngươi thích cái đó có liên quan với nhau thì liên quan chứ sao?

Ðào Căn Tiên cười ha hả nói:

– Việc thiên hạ khôn không qua lẽ, khỏe chẳng qua lời. Vậy ta xin hỏi chùa Thiếu Lâm ở trên núi gì? Phái Tung Sơn ở ngọn núi nào?

Ðào Hoa Tiên nói ngay:

– Chùa Thiếu Lâm ở trên ngọn Thiếu Thất còn phái Tung Sơn ở trên ngọn Thái Thất. Cả Thái Thất lẫn Thiếu Thất đều thuộc về núi Tung Sơn có đúng thế không? Tại sao lại bảo phái Thiếu Lâm không liên quan với Tung Sơn? Cái này thật danh chính ngôn thuận chứ không phải chuyện cãi chầy cãi cối.

Quần hùng nghe đều vừa ý gật đầu.

Ðào Chi Tiên nói:

– Vừa rồi Nhạc tiên sinh đã nói là cuộc hợp phái mục đính để giảm bớt những chuyện tranh chấp trên chốn giang hồ. Vì thế nên tiên sinh tán thành. Tiên sinh còn nói những môn phái có võ công tương tự hoặc ở khu vực gần nhau thì nên hợp lại. Kể khu vực gần nhau thì chẳng có trường hợp nào thuận tiện hơn là Thiếu Lâm và Tung Sơn vì hai môn phái lớn này ở cùng trong một dãy núi. Nếu Thiếu Lâm và Tung Sơn không hợp phái thì e rằng lời nói của Nhạc tiên sinh chỉ như một phát… một phát… hơi xì khó ngửi.

Quần hùng thấy Ðào Chi Tiên muốn tránh chữ “Phá trung tiện” mà phải loanh quanh lựa chữ hoài thì không khỏi nổi lên tràng cười ha hả.

Sự thực ai cũng hiểu rằng phái Thiếu Lâm và Tung Sơn hợp nhất là việc chẳng bao giờ xảy ra được song Ðào Cốc lục tiên nói rất đúng lý chứ không phải tầm bậy.

Ðào Căn Tiên nói:

– Phương Chứng đại sư là một nhân vật ai cũng kính phục hầu hết quần hùng đều muốn mời lão nhân gia lên làm chưởng môn Ngũ nhạc phái nhưng vì có người nên ra vấn đề đại sư không ở trong Ngũ nhạc phái. Bây giờ chỉ cần phái Thiếu Lâm và Ngũ nhạc phái hợp nhất kêu bằng “Thiếu Lâm Ngũ nhạc phái” thì Phương Chứng đại sư liền trở nên chưởng môn nhân của phái mới dựng này.

Ðào Căn Tiên nói:

– Ðúng thế! Hiện nay ở trên cõi đời này mà đòi kiếm một nhân vật hợp đức hơn Phương Chứng đại sư để cử làm chưởng môn thì chẳng thể nào có được.

Ðào Thực Tiên nói:

– Bọn Ðào Cốc lục tiên chúng ta đã khâm phục Phương Chứng đại sư thì còn ai là không phục nữa?

Ðào Hoa Tiên nói:

– Nếu có người bất phục thì cứ việc đứng ra tỷ đấu với bọn Ðào mỗ. Nếu người đó thắng Ðào mỗ thì lại tỷ đấu với Phương Chứng đại sư. Thắng Phương Chứng đại sư sẽ tỷ đấu với những đại sư cao thủ ở Ðạt Ma đường, La Hán đường, Giới luật viện, Tàng kinh các trong chùa Thiếu Lâm. Hễ thắng được các vị đại sư cao thủ ở Ðạt Ma đường, La Hán đường, Giới luật đường, Tàng kinh các trong chùa Thiếu Lâm sẽ đến tỷ đấu với Xung Hư đạo trưởng phái Võ Ðương.

Ðào Thực Tiên ngắt lời:

– Ngũ ca! Sao lại phải tỷ đấu với Xung Hư đạo trưởng ở phái Võ Ðương?

Ðào Hoa Tiên đáp:

– Hai vị chưởng môn phái Thiếu Lâm và Võ Ðương đã có mối giao tình đồng sinh cộng tử, chia sẻ vinh nhục mà Phương Chứng đại sư chùa Thiếu Lâm bị kẻ khác đả bại thì có lý do nào Xung Hư đạo trưởng phái Võ Ðương lại chịu bỏ qua mà không ra mặt?

Ðào Thực Tiên nói:

– Phải rồi! Ngũ ca nói thế thật là hợp lý. Như vậy là sau khi hạ thắng Xung Hư đạo trưởng, chưởng môn phái Võ Ðương còn phải tỷ đấu với bọn Ðào Cốc lục tiên lần nữa.

Ðào Căn Tiên hỏi:

– Ô hay! Họ tỷ đấu với Ðào Cốc lục tiên chúng ta rồi sao còn phải tỷ đấu keo thứ hai làm chi?

Ðào Thực Tiên đáp:

– Lần đầu chúng ta bị thua chẳng lẽ cam tâm chịu hàng? Dĩ nhiên chúng ta phải đấu cho đến một sống một còn như những âm hồn chẳng bao giờ tiêu tan với quân khốn kiếp đó.

Quần hùng vốn có ác cảm với Ngọc Cơ Tử nghe Ðào Cốc lục tiên nói liền cười ầm lên. Thậm chí có người thét lên những tiếng quái dị để phá rối.

Ngọc Cơ Tử tức giận không bút nào tả xiết liền nhảy vọt ra thét lớn:

– Ðào Cốc lục quái! Lão gia Ngọc Cơ Tử không lý luận với bọn điên khùng các ngươi nữa. Các ngươi có giỏi lại đây đấu sức với lão gia.

Ðào Căn Tiên thủng thẳng hỏi:

– Nay chúng ta đã thành môn hạ trong Ngũ nhạc phái với nhau nếu xảy cuộc xung đột động thủ thì thành ra huynh đệ tương tàn hay sao?

Ngọc Cơ Tử đáp:

– Các ngươi đã nhiều lời lại nói toàn những điều huyênh hoang vô lý, đến quỷ thần cũng chén ghét thì ai mà chịu được? Ngũ nhạc phái không còn các ngươi mới khỏi dơ tay bẩn mắt.

Ðào Căn Tiên la lên:

– À ra người đã động sát khí, muốn hạ sát anh em Ðào mỗ rồi.

Ngọc Cơ Tử chỉ hừ một tiếng chứ không trả lời.

Ðào Chi Tiên chậm rãi nói:

– Bữa nay là ngày hợp nhất năm phái chúng ta mà bọn các ngươi ở phái Thái Sơn lại muốn ra tay hạ sát sáu vị cao thủ của phái Hằng Sơn thì ra các ngươi vẫn nặng đầu óc phe phái. Hành động của các ngươi như vậy mà bảo là Ngũ nhạc phái đồng tâm hiệp lực cứu khốn phò nguy đấy ư?

Ngọc Cơ Tử bụng bảo dạ:

– Thằng cha này nói nghe cũng có lý. Nếu bữa nay mình ngang nhiên giết sáu anh em bọn chúng thì e rằng rồi đây đại cuộc tất sẽ xảy nhiều chuyện rắc rối. Phái Hằng Sơn cũng có nhiều tay cao thủ tất họ sẽ ra mắt trả thù cho chúng.

Lão nghĩ vậy liền cố nén cơn tức giận đáp:

– Các ngươi đã hiểu đại nghĩa cần phải đồng tâm hiệp lực cứu khốn phò nguy thì đừng tuôn ra luận điệu càn rỡ làm trở ngại đại cuộc nữa.

Ðào Diệp Tiên hỏi:

– Còn những lời có tính cách xây dựng làm rạng rỡ tiền đồ Ngũ nhạc phái, bổ ích cho toàn thể võ lâm đưa ra được không?

Ngọc Cơ Tử cười lạt đáp:

– Chà các ngươi đừng lý luận nữa! Khi nào ở miệng các ngươi lại thốt ra được những lời hợp lý và bổ ích?

Ðào Hoa Tiên nói:

– Việc đề cử chức chưởng môn cho Ngũ nhạc phái chẳng những rất quan hệ cho tiền đồ bản phái mà còn có liên quan đến phúc họa tương lai của toàn thể võ lâm. Sáu anh em Ðào mỗ tận tâm suy nghĩ lựa chọn một nhân vật tiền bối đức cao vọng trọng đứng ra đảm trách là vì công tâm. Thế mà nhà ngươi lại vì óc lợi kỷ muốn đưa ra một hạng lưu manh vì hắn đút lót cho ngươi 3 ngàn lạng vàng, bốn cô hầu xinh đẹp để lũ ngươi công kênh hắn lên làm chưởng môn.

Ngọc Cơ Tử mặt giận hầm hầm, quát hỏi:

– Ngươi dựng đứng lên những điều vu vơ như vậy mà bảo là không ăn càn nói rỡ ư? Câu chuyện có người đút lót cho ta ba ngàn lạng vàng và bốn cô gái đẹp ở đâu mà ra?

Ðào Hoa Tiên đáp:

– Oà! Có khi ta nói lầm về số mục thật. Nếu không ba ngàn thì là bốn ngàn lạng. Còn gái đẹp chẳng đúng bốn cô thì cũng ba cô hoặc năm cô chứ sao? Cái đó tự ngươi biết rồi. Kẻ nào được ngươi ủng hộ trong cuộc lựa chọn làm chưởng môn tức người đã cho ngươi ăn của đút.

Ngọc Cơ Tử rút trường kiếm đánh soạt một tiếng rồi thét lớn:

– Từ giờ trở đi bọn mi ăn nói càn rỡ là máu loang mặt đất đó!

Ðào Căn Tiên nổi lên tràng cười rộ. Hắn phưỡng ngực xông ra nói:

– Ngươi đã dùng hành động đốn mạt để hạ sát Thiên Môn đạo nhân, chưởng môn phái Thái Sơn nhà ngươi còn muốn kéo bè để giết người chăng? Ngươi có giỏi thì cứ làm cho ta máu loang mặt đất đi! Ngươi đã hạ sát Thiên Môn đạo nhân là người cùng phe, bây giờ ngươi thử tái diễn cái trò quen thuộc đó vào mình ta để quần hùng coi cho rõ mặt bọn đê hèn.

Hắn vừa nói vừa cất bước tiến về phía trước mặt Ngọc Cơ Tử.

Ngọc Cơ Tử vung trường kiếm lên thét:

– Ðứng lại ngay! Nếu mi còn tiến thêm bước nữa đừng trách ta.

Ðào Hoa Tiên cười sằng sặc đáp:

– Ngươi nói rỡn với ta đó chứ? ngọn tuyệt đỉnh núi Tung Sơn này há phải là đất riêng của nhà ngươi mà ngươi cấm được ta? Ta muốn thả bước từ từ hay chạy lui chạy tới là quyền của ta. Ngươi lấy gì mà cản ta được?

Ðào Hoa Tiên tiếp tục tiến về phía trước mấy bước.

Ngọc Cơ Tử còn cách hắn không xa mấy nên đã nhìn rõ bộ mặt cổ quái, hàm răng vàng khè của Ðào Hoa Tiên nhe ra mà cười trông càng ghê tởm.

Lão tức giận đầy ruột lại thấy thái độ bướng bỉnh của Ðào Hoa Tiên thì còn nhịn thế nào được liền vung kiếm đâm thẳng vào trước ngực đối phương.

Ðào Hoa Tiên vội né tránh, đồng thời lớn tiếng thóa mạ:

– Quân đạo tặc thối tha kia! Ngươi muốn động thủ thật chăng?

Nên biết kiếm thuật của Ngọc Cơ Tử đã luyện đến trình độ xuất thần nhập hóa. Lão vung kiếm phóng ra một chiêu rồi lập tức hai chiêu liên hoàn. Chiêu thức đã thần tốc phi thường lại cực kỳ chuẩn đích.

Ðào Hoa Tiên vừa thóa mạ vừa né tránh được bốn chiêu kiếm của đối phương. Song Ngọc Cơ Tử càng đánh chiêu thức càng mau lẹ hơn. Ðào Hoa Tiên muốn rút đoản kiếm ở sau lưng ra đỡ gạt mà không sao kịp được.

Bỗng kiếm quang lóe lên rồi nghe đánh sột một tiếng.

Mũi kiếm của Ngọc Cơ Tử đã đâm trúng vai Ðào Hoa Tiên.

Giữa lúc ấy diễn biến đột ngột lại xảy ra: thanh trường kiếm của Ngọc Cơ Tử bị tuột tay hất tung lên cao. Tiếp theo người lão bị nhấc bổng khỏi mặt đất. Bốn chân tay lão bị bọn Ðào Căn Tiên, Ðào Cán Tiên, Ðào Chi Tiên, Ðào Diệp Tiên bốn bên chia nhau nắm lấy.

Trong khoảng thời gian chớp nhoáng này, bỗng thấy kiếm quang lấp loáng một lưỡi gươm nhằm đỉnh đầu Ðào Chi Tiên chém xuống.

Nhưng Ðào Thực Tiên đã đứng chờ sẵn bên cạnh để hộ vệ cho đồng bọn. Ðào Thực Tiên vừa giơ kiếm lên gạt được lưỡi kiếm bổ xuống đầu Ðào Chi Tiên thì người kia lại thay đổi thế kiếm nhằm đâm vào trước ngực Ðào Căn Tiên.

Ðào Chi Tiên vội rút kiếm ra đỡ gạt. Hắn quay lại nhìn người vừa phóng kiếm đâm Ðào Căn Tiên và Ðào Chi Tiên là ai, chính là Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn…

Chọn tập
Bình luận
× sticky