Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 219 – Cuộc ra mắt của Triều Dương thần giáo

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Nhậm Ngã Hành mỉm cười nói:

– Lệnh Hồ chưởng môn! Mời chưởng môn an tọa đi!

Lệnh Hồ Xung thấy mé tây Tiên nhân chưởng đã bầy năm cỗ ghế, ghế nào cũng phủ gấm đoạn. Có điều mỗi ghế một mầu chia đủ ngũ sắc: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen. Trên nền gấm mỗi ghế thêu một trái núi. Phái Hằng Sơn là Bắc nhạc thuộc sắc đen, trên tâm đoạn sắc đen thêu ngọn Kiến Tính bằng chỉ màu trắng. Ðường thêu rất tinh vi. Nguyên một cách thêu này cũng đủ tỏ cách bố trí của Triêu Dương thần giáo rất công phu.

Theo lẽ trong Ngũ nhạc kiếm phái thì phái Tung Sơn tại Trung nhạc đứng đầu mà phái Hằng Sơn là Bắc nhạc ở cuối cùng nhưng họ đã đặt ngược lại: ghế chưởng môn phái Hằng Sơn lại để lên thủ vị tiếp đến phái Hoa Sơn ở Tây nhạc… Tung Sơn ở trung nhạc lại bị đặt xuống sau cùng.

Lệnh Hồ Xung thấy vậy biết ngay Nhậm Ngã Hành muốn cất nhắc chàng lên cao và có ý sỉ nhục Tả Lãnh Thiền. Nay Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Mạc Ðại tiên sinh cả ba người đều đã qua đời, Lệnh Hồ Xung không cần phải khiêm nhượng chàng khom lưng nói:

– Vãn bối xin tạ ơn!

Rồi ngồi vào ghế phủ đoạn đen.

Mọi người trên ngọn Triều Dương phong yên lặng chờ đợi.

Sau một lúc lâu Hướng Vân Thiên lại chỉ huy tám lão già mặc áo hoàng bào hô hoán lần nữa mà vẫn không thấy có người lên.

Hướng Vân Thiên nói:

– Những tân khách này thật không biết điều. Chẳng hiểu họ trùng trình làm gì mà không thấy lên tham kiến giáo chủ. Bây giờ các vị hãy kêu những người phe mình lên trước.

Tám lão mặc áo hoàng bào lại đồng thanh hô lớn:

– Mời các vị ở ngũ hồ tứ hải, các đảo, các động, các bang các trại lên Triều Dương phong tham kiến giáo chủ!

Tám lão vừa dứt lời thì xung quanh nổi lên tiếng đáp lại:

– Xin tuân mệnh!

Tiếng hô của người quá đông đảo nổi lên như sấm dậy vang động cả vùng sơn cốc.

Lệnh Hồ Xung nghe tiếng hô không khỏi giật mình vì thanh âm này ít ra là đến hàng mấy vạn người đã phát ra. Chàng không hiểu họ ẩn ở trong bóng tối không để lộ hình tích.

Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:

– Chắc Nhậm Ngã Hành có ý chờ bọn Ngũ Nhạc kiếm phái đến đông đủ rồi mới hô mấy vạn thuộc hạ tiến ra một cách đột ngột. Lão muốn dùng thanh thế để uy hiếp khiến cho Ngũ nhạc kiếm phái không còn ai có ý nghĩ phản kháng.

Chỉ trong nháy mắt không biết bao nhiêu là người từ bốn mặt tám phương kéo lên Triều Dương phong.

Hàng mấy vạn con người lục đục kéo đến mà chẳng huyên náo chút nào.

Mọi người chia ra thị lập các nơi dường như họ đã nhận chỗ từ trước và đã được tập dượt rất thuần thục nên hàng ngũ rất tề chỉnh hiệu lệnh rất nghiêm minh.

Số người lên ngọn núi cũng đã đến hai ba ngàn. Họ toàn là bang chúa, động chúa, trại chủ cùng thủ lãnh những phe tả đạo ở rừng sâu, núi thẳm còn bọn thuộc hạ đều đứng ở sườn núi.

Bao nhiêu người này hoặc ở dưới quản hạt ở Triều Dương thần giáo hoặc là chỗ đi lại thân tình với nhau. Ngày Lệnh Hồ Xung thống lãnh quần hào lên đánh chùa Thiếu Lâm một số đông bọn này đã tham dự. Chàng liếc mắt trông ra thấy bọn Lam Phượng Hoàng, Tổ Thiên Thu, Lão Ðầu Tử, Kế Vô Thi cũng đều ở đó.

Bọn người quen biết Lệnh Hồ Xung chỉ tiếp xúc với chàng bằng cặp mắt và nụ cười trên môi không một ai cất tiếng hô hoán. Ngoài tiếng chân sột soạt của mấy ngàn người tiến lên ngọn núi ngoài ra không một thanh âm nào khác.

Hướng Vân Thiên giơ tay mặt lên cao rồi khoanh một vòng tròn. Lập tức mấy ngàn người quỳ cả xuống đồng thanh tung hô:

– Bọn hậu bối trên chốn giang hồ tham kiến Thánh giáo chủ Triều Dương thần giáo, văn thành võ đức, ơn khắp lê dân! Ngửa trông thánh giáo chủ muôn năm trường trị nhất thống giang hồ.

Mấy ngàn người này toàn là kẻ sĩ võ công cao cường lại vận nội lực ra sức tung hô thành tiếng vang kinh thiên động địa.

Nhất là những câu sau cùng “Thánh giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” thì cả bọn giáo chúng thần giáo và quần hào đứng ở sườn núi cũng đồng thanh hô theo nên tiếng dội lại càng khủng khiếp.

Nhậm Ngã Hành ngồi cao chót vót nghiêm như tượng đá.

Lão chờ mọi người tung hô xong mới giơ tay ra hiệu rồi lên tiếng:

– Các vị lại một phen tân khổ! Mời các vị đứng lên!

Mấy ngàn người lại đồng thanh:

– Tạ ơn thánh giáo chủ!

Rồi đứng cả dậy.

Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

– Ngày trước ta lên Hắc Mộc Nhai đã nghe bọn giáo chúng tâng bốc Ðông Phương Bất Bại bằng những câu ngứa ruột đến buồn nôn. Không ngờ Nhậm Ngã Hành lên làm giáo chủ lại còn biến đổi tồi tệ hơn. Trên chữ giáo chủ thêm vào chữ “Thánh” thành ra “Thánh giáo chủ”. Tưởng văn võ bá quan trong triều vào bái yết đức hoàng đế cũng chỉ hô câu: “Bái chúc Ngô hoàng vạn tuế, vạn vạn tuế” không đến nỗi khom lưng uốn gối như thế này. Bọn mình đã là con nhà võ phải cư xử cho ra anh hùng hào kiệt nếu còn khuất phục người ta thì sao phải hảo hán đội trời đạp đất ở đời?

Chàng nghĩ tới đây bất giác tức khí xông lên.

Ðột nhiên chàng cảm thấy huyệt đan điền nổi cơn đau kịch liệt, mắt chàng tối sầm lại, cơ hồ té xỉu.

Lệnh Hồ Xung hai tay nắm chặt thành ghế chàng nghiến răng môi chảy máu ra.

Chàng lẩm bẩm:

– Ngày trước ta vô tình học được môn Hấp tinh đại pháp tuy ta đã tự thề với mình không dùng đến nhưng lúc ở trong sơn động tối tăm bị sư phụ quăng lưới bắt, trường hợp mạng sống treo đầu sợi tóc đã bắt buộc ta phải thi triển tà pháp này để tự cứu ngờ đâu chính ta cũng bị hại rất lớn.

Lệnh Hồ Xung tuy cố nhịn đau miệng không bật tiếng rên la nhưng đầu chàng ướt đẫm mồ hôi toàn thân run bần bật. Da mặt chàng co rúm lộ vẻ đau khổ đến cùng cực khiến mọi người ai cũng nhìn rõ.

Bọn Tổ Thiên Thu đưa mắt ngó tình hình chàng trong lòng rất đỗi băn khoăn.

Doanh Doanh tiến lại phía sau chàng khẽ cất tiếng gọi:

– Xung lang! Tiểu muội ở đây!

Giả tỷ là chỗ không người thì nàng đã nắm tay Lệnh Hồ Xung để an ủi chàng nhưng nơi đây hàng mấy ngàn cặp mắt của quần hào chăm chú nhìn vào nàng chỉ nói được vậy mà thôi.

Lệnh Hồ Xung ngoảnh đầu lại ngó thấy Doanh Doanh thì trong lòng cũng dịu lại một chút.

Chàng nghĩ thầm trong bụng:

– Ta nhớ lại ngày trước Nhậm Ngã Hành bị cầm tù ở dưới đáy Tây hồ gần thành Hàng Châu. Lão đã nói là sau khi học môn Hấp tinh đại pháp hút được chân khí của người ngoài vào trong mình rồi có một ngày những luồng chân khí đó phát tác. Khi nó đã bắt đầu phát tác thì những lần về sau càng ghê gớm hơn. Sở dĩ Nhậm Ngã Hành để cho Ðông Phương Bất Bại thoán đoạt ngôi giáo chủ cũng chỉ vì những luồng chân khí dị chủng tụ hội trong người lão. Lão cố nghĩ cách hóa giải đến nỗi bỏ hết mọi việc nên mới bị Ðông Phương Bất Bại thừa cơ cướp ngôi. Trong thời gian bị giam cầm ở dưới đáy Tây hồ mười mấy năm lão đã để tâm nghiên cứu và tìm ra được phép hóa giải.

Lệnh Hồ Xung còn nhớ cả Nhậm Ngã Hành bảo chàng phải gia nhập Triều Dương thần giáo lão mới chịu truyền thụ phép này cho.

Khi ấy Lệnh Hồ Xung cương quyết không thuận vì từ thuở nhỏ chàng đã thấm nhuần giáo huấn của sư môn và mãnh liệt tin tưởng hai phe chính tà chẳng thể đội trời chung nên chàng không chịu hòa mình với bọn Ma giáo.

Ít lâu nay Lệnh Hồ Xung đã nhìn rõ những hành vi của Tả Lãnh Thiền và sư phụ chàng nhận ra nhiều chỗ gian trá nguy hiểm so với Ma giáo cũng chẳng kém gì. Ðến khi chàng cùng Doanh Doanh chỉ thề hẹn biển đính ước hôn nhân chàng lại càng nhạt nhẽo chuyện phân chia kẻ chính người tà.

Có lúc chàng đã tự nhủ:

– Giả tỷ Nhậm giáo chủ nhất định bắt ta phải gia nhập Triều Dương thần giáo mới chịu gả Doanh Doanh cho thì ta cũng cứ gia nhập là xong.

Bản tính chàng gặp sao hay vậy, chẳng cho việc gì là quan trọng. Nhập giáo cũng vậy mà không gia nhập thì thôi chẳng có chi đáng kể là việc lớn.

Nhưng ngày Lệnh Hồ Xung lên Hắc Mộc Nhai thấy quần hào, hảo hán đối với hai vị giáo chủ là Ðông Phương Bất Bại và Nhậm Ngã Hành phải chịu cực kỳ khuất phục đê hèn. Miệng nói toàn những câu tâng bốc ngứa tai chứ không phải là lời thành thực phát ra tự đáy lòng bất giác chàng nảy ra cảm giác trái ngược bụng bảo dạ:

– Sau khi ta gia nhập Triều Dương thần giáo cũng phải chịu những ngày làm nô lệ thì thật uổng phí tấm thân nam tử. Bậc đại trượng phu coi sự sinh tử là do định mệnh, nếu phải van xin mới sống thì thà rằng chết đi còn hơn, ta nhất định không gia nhập Ma giáo.

Bây giờ Lệnh Hồ Xung lại thấy Nhậm Ngã Hành làm oai làm phước bày đặt ra cuộc ra mắt quần hào so với hoàng đế còn có phần hống hách hơn bất giác chàng lẩm bẩm:

– Ngày trước lão ở trong ngục tối dưới đáy Tây hồ thì tình trạng ra sao mà bây giờ lại khuất phục anh hùng thiên hạ làm mất nhân phẩm của kẻ khác thì thật là vô liêm sỉ đến cùng cực.

Lệnh Hồ Xung còn đang ngẫm nghĩ bỗng nghe có tiếng người dõng dạc hô:

– Khai bẩm giáo chủ! Quần đệ tử phái Hằng Sơn đã tới!

Bỗng thấy bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh, Nghi Lâm và quần đệ tử phái Hằng Sơn dìu dắt nhau lên núi.

Vợ chồng Bất Giới hòa thượng và Ðiền Bá Quang cũng đi theo sau.

Một vị trưởng lão Triêu Dương thần giáo lên tiếng:

– Mời các vị bằng hữu lên tham kiếm giáo chủ!

Bọn Nghi Thanh thấy Lệnh Hồ Xung ngồi một bên thì biết chàng là rể tương lai của lão liền bụng bảo dạ:

– Tuy hai bên chính tà khác nhau nhưng phải nể mặt Lệnh Hồ Xung chưởng môn mà dùng lễ của kẻ hậu bối tham kiến này.

Họ liền tiến đến trước tiên nhân chưởng khom lưng thi lễ nói:

– Bọn vãn bối là đệ tử phái Hằng Sơn xin tham kiến Nhậm giáo chủ!

Vị trưởng lão kia liền quát lên:

– Phải quỳ xuống dập đầu!

Nghi Thanh dõng dạc đáp:

– Bọn tiểu ni là kẻ xuất gia chỉ lạy phật Bồ tát hay sư phụ chứ không lạy người thường bao giờ.

Vị trưởng lão lại lớn tiếng nói:

– Thánh giáo chủ không phải là người thường. Lão nhân gia là thần tiên thánh hiền là Phật là Bồ Tát.

Nghi Thanh đưa mắt nhìn Lệnh Hồ Xung thấy chàng chỉ lắc đầu liền đáp:

– Muốn giết thì giết chứ đệ tử phái Hằng Sơn không lạy người thường!

Bất Giới hòa thượng cười ha hả nói:

– Phải lắm! Phải lắm!

Hướng Vân Thiên hỏi:

– Tôn giá ở môn phái nào? Ðến đây có việc gì?

Hắn đưa mắt nhìn bọn đệ tử phái Hằng Sơn thấy họ vẫn không chịu quỳ lạy Nhậm Ngã Hành tình thế trở nên trơ trẽn. Hắn cho là nếu mình làm khó dễ với bọn đệ tử phái Hằng Sơn thì mất vẻ thân tình với Lệnh Hồ Xung.

Hướng Vân Thiên tính vậy liền quay ra đối phó với Bất Giới hòa thượng để Nhậm Ngã Hành lờ vụ này đi không nhắc tới chuyện sụp lạy hay không sụp lạy nữa là xong.

Bất Giới hòa thượng cười đáp:

– Bản hòa thượng chùa lớn không chịu thu nạp chùa nhỏ cũng chẳng ruồng rẫy chẳng có môn phái nào hết nhân tiện qua đây thấy đám đông người tụ hội liền vào coi náo nhiệt mà thôi.

Hướng Vân Thiên nói:

– Bữa nay Triêu Dương thần giáo hội kiến Ngũ nhạc kiếm phái ở đây những người phức tạp không được vào làm nhốn nháo. Hòa thượng xuống núi đi thôi!

Hướng Vân Thiên nói vậy là nể mặt Lệnh Hồ Xung. Hắn thấy Bất Giới hòa thượng cùng đi với quần ni phái Hằng Sơn lên núi thì đoán là như sư có liên quan tới phái này nên hắn không làm cho lão phải khó chịu.

Bất Giới hòa thượng cười đáp:

– Núi Hoa Sơn đây không phải là nhà của bọn Ma giáo các người. Bản hòa thượng muốn đến thì đến, muốn đi là đi. Trừ thầy trò phái Hoa Sơn chẳng ai ngăn cấm được bản hòa thượng.

Nhà sư nói đến hai chữ “Ma giáo” là phạm vào điều tối kỵ trong Triêu Dương thần giáo. Mọi người trong võ lâm tuy thường nhắc tới Ma giáo nhưng chỉ là nói lúc vắng họ còn trừ phi là cừu địch với Triêu Dương thần giáo không ai lại công nhiên xưng hô như vậy.

Bất Giới hòa thượng đã lòng dạ thẳng ngay lại mồm miệng mau lẹ, nói ra không sợ gì ai. Lão nghe Hướng Vân Thiên quát đuổi mình xuống núi thì trong lòng bực tức còn kể gì đến đối phương người nhiều thế mạnh? Mặt khác lão vẫn nhâng nhâng không ra chiều khiếp sợ chút nào.

Hướng Vân Thiên quay sang hỏi Lệnh Hồ Xung:

– Lệnh Hồ huynh đệ! Nhà sư điên khùng này có mối liên quan gì với quý phái?

Lệnh Hồ Xung đang bị đau nơi cạnh sườn và bụng dưới tưởng chừng chết đi sống lại. Chàng nghe Hướng Vân Thiên hỏi vậy ngập ngừng đáp:

– Vị Bất Giới… đại sư này…

Rồi không thốt ra lời được nữa.

Nhậm Ngã Hành thấy Bất Giới đại sư công nhiên kêu bản giáo là Ma giáo thì trong lòng tức giận vô cùng. Nhưng lão ngần ngại ở chỗ không chừng nhà sư kia có mối quan hệ sâu xa với Lệnh Hồ Xung nên không tiện hô người hạ sát. Lão không chờ Lệnh Hồ Xung nói hết câu đã quát lớn để ra oai:

– Sao không đập chết nhà sư điên khùng đó đi?

Lập tức tám vị trưởng lão mặc áo hoàng bào đồng thanh hô:

– Xin tuân mệnh!

Tám người cùng phóng quyền chưởng ra nhằm Bất Giới hòa thượng đánh tới.

Bất Giới hòa thượng kêu rầm lên:

– Các người ỷ đông người chăng?

Nhà sư mới nói được mấy tiếng thì tám trưởng lão đã đánh tới.

Bà bà lớn tiếng quát mắng:

– Thật là quân mặt dầy.

Rồi mụ xuyên qua đám đông chạy lại đứng tựa lưng vào

Bất Giới hòa thượng vung chưởng nghênh địch.

Tám vị trưởng lão đều là những nhân tài bậc nhất ở Triều Dương thần giáo. Bản lãnh họ tương đương với vợ chồng Bất Giới hòa thượng thế mà tám người chọi hai thì làm gì chẳng chiếm được thượng phong?

Ðiền Bá Quang liền rút đơn đao, Nghi Lâm cầm trường kiếm xông vào vòng chiến nhưng hai người này võ công còn kém xa.

Bọn tám trưởng lão liền chia ra hai người để nghinh địch.

Ðiền Bá Quang nhờ có đao pháp mau lẹ còn chống được một hồi nhưng Nghi Lâm mới qua lại mấy chiêu đã bị đối phương dồn cho thở hồng hộc.

Lệnh Hồ Xung đau quá cúi lom khom, tay trái ôm bụng, tay mặt rút trường kiếm ra la lên:

– Hãy khoan!… Hãy khoan!…

Chàng vung thanh trường kiếm phóng ra liền tám chiêu bức bách bốn vị trưởng lão phải lùi lại rồi xoay mình đánh tám chiêu nữa.

Mười sáu chiêu này đều thuộc về Ðộc Cô cửu kiếm chiêu nào cũng nhằm đâm vào huyệt đạo trọng yếu của tám vị trưởng lão.

Tám vị trưởng lão bị Lệnh Hồ Xung đánh cho chân tay luống cuống phải lùi lại hết.

Lệnh Hồ Xung cúi rạp người xuống sát đất, gắng gượng lên tiếng:

– Nhậm… Nhậm giáo chủ! Xin giáo chủ vì tình vãn bối mà tha cho bọn họ…

Còn hai chữ “xuống núi” chàng không nói ra được nữa.

Nhậm Ngã Hành thấy tình trạng này nghĩ thầm trong bụng:

– Ðây chắc là những luồng chân khí dị chủng trong người y đã phát tác. Xem chừng con gái ta nhất quyết lấy y ta cũng luyến tiếc tài y mà lại không con trai phải trông vào y để tiếp nhiệm ngôi giáo chủ thần giáo sau này.

Lão nghĩ vậy liền gật đầu đáp:

– Lệnh Hồ chưởng môn đã xin tha thì bữa nay mở lối thoát cho họ.

Hướng Vân Thiên lạng người tới, hai tay hắn vung lên điểm vào huyệt đạo bọn vợ chồng Bất Giới hòa thượng, Ðiền Bá Quang và Nghi Lâm.

Lão ra tay rất mau lẹ! Thật là một kỹ thuật phi thường. Bà bà tuy thân pháp tuyệt diệu mà cũng không tránh kịp.

Lệnh Hồ Xung kinh ngạc miệng lắp bắp:

– Hướng… Hướng…

Hướng Vân Thiên cười nói:

– Lệnh Hồ chưởng môn cứ yên tâm! Thánh giáo chủ đã khoan hồng.

Hắn quay lại bảo thuộc hạ:

– Tám người hãy đến đây!

Tám tên giáo chúng mặc áo xanh, vượt đám đông tiến lại khom lưng nói:

– Kính cẩn tuân lời chỉ giáo của Hướng tả sứ.

Hướng Vấn Thiên nói:

– Phải bốn trai bốn gái mới được.

Lập tức bốn tên giáo đồ lùi lại để bốn nữ giáo tiến lên.

Hướng Vấn Thiên nói:

– Bốn người này buông lời lỗ mãng, đáng lẽ phải tội chết nhưng thánh giáo chủ khoan nhân đại lộ nể mặt Lệnh Hồ chưởng môn không nỡ xử trảm vậy các ngươi cõng họ xuống núi rồi giải khai huyệt đạo rồi buông tha ra.

Tám tên giáo đồ vâng lệnh cõng bốn người xuống núi.

Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh thấy bốn người bọn Bất Giới thoát được họa sát thấn mới thở phào một cái.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Ða… đa tạ…

Rồi chàng nằm phục xuống đất không đứng lên được nữa.

Nên biết Lệnh Hồ Xung vừa phóng ra 16 chiêu liền tuy đẩy lui được tám vị trưởng lão nhưng tám vị này võ công rất tinh thâm những kiếm chiêu của chàng không thể đả thương được họ. Chàng sử 16 chiêu tuy là việc chớp nhoáng mà hao tổn rất nhiều khí lực. Ngực bụng chàng đau đớn cơ hồ không chịu nổi.

Hướng Vân Thiên trong dạ rất lo âu mà ngoài mặt vẫn thản nhiên hắn cười nói:

– Lệnh Hồ huynh đệ! Có phải hiền đệ khó chịu trong mình?

Hắn cùng Lệnh Hồ Xung ngày trước hiệp lực chiến đấu quần hùng lại kết nghĩa chi lan. Tuy hai người ở với nhau ít ngày nhưng là mối giao tình đồng sinh cộng tử. Hắn nắm lấy tay Lệnh Hồ Xung đỡ chàng dậy để ngồi lên ghế và ngấm ngầm thúc đẩy chân khí để chống đỡ những luồng chân khí trong người chàng không cho biến thành kịch liệt.

Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

– Trong mình ta đã có Hấp tinh đại pháp mà Hướng Vân Thiên làm thế này thì có khác gì để ta hút lấy công lực của y?

Chàng vội cựa mình cho thoát khỏi tay Hướng Vân Thiên rồi nói:

– Hướng đại ca! Tiểu đệ… bớt nhiều rồi.

Nhậm Ngã Hành lại lên tiếng:

– Trong Ngũ nhạc kiếm phái chỉ có phái Hằng Sơn là đến phó hội còn thầy trò bốn phái kia không chịu lên núi chúng ta không thể lịch sự với họ được nữa.

Bỗng một vị trưởng lão áo vàng rảo bước tiến lên đến trước Tiên nhân chưởng khom lưng bẩm:

– Trình Thánh giáo chủ! Trong hậu động trên ngọn Sám hối đã phát giác ra mấy trăm xác chết. Trong đám này có cả Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn và Mạc Ðại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn. Ngoài ra còn nhiều cao thủ các phái Tung Sơn, Hành Sơn và Thái Sơn. Dường như họ tự tàn sát nhau mà chết.

Nhậm Ngã Hành ủa lên một tiếng rồi hỏi:

– Mạc Ðại tiên sinh ở phái Hành Sơn cũng chết rồi ư? Các ngươi đã coi kỹ chưa?

Vị trưởng lão kia đáp:

– Chính mắt thuộc hạ đã xét nghiệm không còn sai được. Thuộc hạ lại thấy cả xác chết Ngọc Khánh Tử và Ngọc Chung Tử ở phái Tung Sơn nữa.

Nhậm Ngã Hành trong lòng không vui, ngập ngừng hỏi:

– Vụ này từ đâu mà ra?

Vị trưởng lão kia lại nói:

– Ngoài sơn động còn một xác chết nữa.

Nhậm Ngã Hành hỏi ngay:

– Ai vậy?

Trưởng lão đáp:

– Thuộc hạ xét nghiệm thì đúng là chưởng môn phái Hoa Sơn mà cũng là tân chưởng môn Ngũ nhạc phái, Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần tiên sinh.

Hắn biết Lệnh Hồ Xung sắp nắm giữ chức quyền trong bản giáo mà Nhạc Bất Quần lại là sư phụ của chàng nên khi đề cập tới lão hắn dùng lời lẽ rất lịch sự.

Thực ra vừa rồi Lệnh Hồ Xung vung đơn kiếm bức bách tám trưởng lão phải lùi lại một là vì kiếm pháp chàng tinh diệu, hai là tám vị trưởng lão không muốn đối địch với chàng. Bằng không võ công của họ không phải tầm thường, kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung có tinh diệu đến đâu cũng chẳng thể trong 15 chiêu mà thắng được họ.

Nhậm Ngã Hành nghe tin Nhạc Bất Quần cũng chết rồi thì đầu óc không khỏi bâng khuâng, lão lại hỏi:

– Ai đã giết… Nhạc Bất Quần?

Trưởng lão đáp:

– Trong khi thuộc hạ đang kiểm tra hậu động ngọn núi Sám hối bỗng nghe bên ngoài có tiếng đánh nhau liền chạy ra coi thì thấy một đám đệ tử phái Hoa Sơn cùng bọn đạo nhân phái Thái Sơn chiến đấu kịch liệt. Cả hai bên cùng nói là đối phương đã sát hại sư phụ của phái họ. Hai bên đánh nhau rất dữ dội. Số người bị tử thương khá nhiều. Sau hai bên còn lại một ít người bọn thuộc hạ bắt hết đem về dưới chân núi còn chờ Thánh giáo chủ phát lạc.

Nhậm Ngã Hành hỏi:

– Nhạc Bất Quần mà bị người phái Thái Sơn giết chết ư? Trong phái Thái Sơn có tay cao thủ ghê gớm như vậy?

Nghi Thanh ở phái Hằng Sơn liền dõng dạc lên tiếng:

– Không phải đâu! Nhạc Bất Quần đã bị một vị sư muội của tệ phái giết chết!

Nhậm Ngã Hành ngạc nhiên hỏi:

– Ai vậy?

Nghi Thanh đáp:

– Hiện giờ không có y ở đây. Nhạc Bất Quần đã gia hại chưởng môn sư phụ và Ðịnh Dật sư thúc của tệ phái nên đệ tử tệ phái từ trên xuống dưới đều căm hận lão thấu xương. Nay nhờ đức Bồ Tát phù hộ lão lại bị chết về tay một vị tiểu sư muội võ công tầm thường của tệ phái. Tên hung thủ đại ác đã bị tru lục là tệ phái đã rửa được mối thù hai vị sư tôn.

Nhậm Ngã Hành nói:

– Ồ té ra là thế! Thật là lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.

Giọng nói của lão tỏ ra rất buồn rầu.

Hướng Vân Thiên cùng bọn trưởng lão ngơ ngác nhìn nhau. Ai cũng ra chiều cụt hứng.

Chuyến này Triều Dương thần giáo cử bọn nhân mã đến núi Hoa Sơn họ đã bố trí cực kỳ chu đáo. Chẳng những họ điều động hết những tay cao thủ bản giáo mà còn mời anh hùng hào kiệt ở khắp các bang, các trại, các động, các đảo cùng đến phó hội.

Mục đích của họ đi chuyến này là để thu phục Ngũ nhạc kiếm phái. Nếu Ngũ nhạc kiếm phái không chịu hàng phục thì Triều Dương thần giáo quy tụ họ vào một chỗ để tàn sát. Như vậy oai danh Nhậm Ngã Hành và Triêu Dương thần giáo từ nay sẽ chấn động khắp thiên hạ. Cả hai phái lớn là Thiếu Lâm và Võ Ðương cũng không dám kháng cự nữa.

Cái mộng muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ trông vào cuộc oanh liệt trên ngọn Triều Dương để làm khởi điểm.

Không ngờ lúc đến nơi thì Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Mạc Ðại tiên sinh và mấy nhân vật tiền bối nổi danh phái Thái Sơn đều bị chết hết. Cả bọn đệ tử hậu bối bổn phái cũng chỉ còn lại một số rất ít.

Thế là bao nhiêu công trình bày đặt kế hoạch cùng tập dượt để ra mắt biến thành vô dụng. Trách nào lão chẳng buồn thiu.

Chọn tập
Bình luận
× sticky