Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 80 – Gặp cơ duyên, Nhạc Phổ tặng Kỳ duyên

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Nhạc phu nhân nói:

– Bọn tại hạ đã tới Lạc Dương thì chẳng thể vỏ những nhân vật này không đến ra mắt được.

Vương lão gia tử! Phiền đại gia cùng đi với bọn tại hạ đến bái phỏng con người phong nhã đó được chăng.

Nhạc phu nhân đã nói vậy, Vương Nguyên Bá chẳng thể nào chối từ được. Lão liền cùng con cháu đưa vợ chồng Nhạc Bất Quần và mấy tên đệ tử phái Hoa Sơn đến Ðông Thành.

Dịch sư gia đi trước dẫn đường, xuyên qua mấy hẻm nhỏ vào tận đầu một ngõ hẹp. Nơi đây trúc biếc rậm rạp, làm gió phất phơ. Phong cảnh thiên nhiên rất là trang nhã.

Ðoàn người vừa đi vào ngõ này đã nghe tiếng tình tang. Có người đang gẩy đàn. Nơi ngõ hẹp mát mẻ tĩnh mịch so với ngoài thành Lạc Dương nhộn nhịp thành ra hai thế giới khác biệt.

Nhạc phu nhân khẽ nói:

– Lục Trúc Ông tiên sinh thật biết cách hưởng thú thanh nhàn!

Giữa lúc ấy, tiếng đàn rít lên cao rồi dây đứt. Người gẩy đàn liền ngừng lại.

Một thanh âm khàn khàn của người già cả hỏi vọng ra:

– Giai khách từ xa đến chiếu cố nơi hủ lậu này có điều chi dạy bảo?

Dịch sư gia đáp:

– Trúc Ông! Có một bản cầm tiêu phổ rất kỳ lạ muốn nhờ pháp nhỡn của lão gia giám định cho.

Lục Trúc Ông nói:

– Có tiêu phổ muốn lão phu giám định ư? Ha ha! Nếu vậy thì các vị biết điều lắm!

Dịch sư gia chưa kịp đáp thì Vương Gia Câu đã dõng dạc cướp lời:

– Có Kim Ðao lão gia tử đến bái phỏng.

Gã nên chiêu bài của tổ phụ lên và chắc rằng oai danh tổ phụ lừng lẫy ở Lạc Dương thì một lão thợ đan lập tức phải chạy ra nghênh tiếp.

Ngờ đâu Lục Trúc Ông buông tiếng cười khẩy đáp:

– Hừ! Kim đao, ngân đao ư? Sao bằng con dao cùn của lão phu dùng để chẻ tre được? Lão phu không đến bái phỏng Vương lão gia thì Vương lão gia việc gì phải đến bái phỏng lão phu?

Vương Gia Câu tức giận lớn tiếng:

– Gia gia! Lão thợ đan này là hạng ngu ngốc không biết điều, gặp lão làm cóc gì ? Chúng ta về thôi!

Nhạc phu nhân nói:

– Chúng ta đã có công tới đây thì nhờ Lục Trúc Ông coi bộ tiêu phổ cầm này cũng chẳng hề chi.

Vương Nguyên Bá chỉ hừ một tiếng không nói gì. Dịch sư gia đón lấy khúc phổ chạy vào bụi trúc.

Bỗng nghe Lục Trúc Ông nói:

– Ðược rồi! Lão đệ để xuống đó.

Dịch sư gia nói:

– Xin Trúc Ông cho hay: đây đúng là nhạc phổ hay là bí quyết võ công cố ý viết theo kiểu nhạc phổ?

Lục Trúc Ông nói:

– Võ công bí quyết gì đâu? Ðây dĩ nhiên là cầm phổ rồi.

Bỗng nghe tiếng đàn vang lên, thanh diệu u nhả rất lọt tai.

Lệnh Hồ Xung nghe một lúc nhớ lại chính là khúc ngày trước Lưu Chính Phong đã tấu. Người chết để nhạc lại khiến lòng hắn không khỏi bùi ngùi.

Khúc đàn đang du dương đột nhiên lên cao vút. Tiếng đàn càng lên bổng càng chói chang. Ðàn lên cao mấy tiếng nữa rồi đánh binh một tiếng, đứt một sợi dây.

Lục Trúc Ông “ồ” lên một tiếng rồi nói:

– Cầm phổ này rất là kỳ dị khiến người ta khó mà hiểu được.

Bọn ông cháu Vương Nguyên Bá năm người đưa mắt nhìn nhau, vẻ mặt ra chiều đắc ý.

Bỗng nghe Lục Trúc Ông nói tiếp:

– Ðể lão phu thử coi tiêu phổ.

Tiếp theo tiếng tiêu từ trong bụi trúc vọng ra, ban đầu du dương não nuột, tình ý triền miên. Nhưng càng về sau tiếng tiêu càng xuống thấp cơ hồ không nghe rõ.

Lục Trúc Ông thở dài nói:

– Dịch lão đệ! Lão đệ cũng biết thổi tiêu đó. Thanh điệu xuống trầm đến mức độ này thì làm sao mà thổi ra tiếng được? Cầm phổ tiêu phổ này vị tất đã là giả trá, chưa chắc đã phải người phổ khúc cố ý bày trò. Vậy lão đệ hãy về đi, để ta nghiên cứu kỹ lại.

Dịch sư gia dạ một tiếng rồi lui ra khỏi bụi trúc.

Vương Trọng Cường hỏi ngay:

– Kiếm phổ đâu rồi?

Dịch sư gia nói:

– Kiếm phổ nào? À! Lục Trúc Ông bảo để lại nghiên cứu.

Vương Trọng Cường nói:

– Sư gia vào lấy lại đi ! Ðây là pho kiếm tiêu trân quí vô giá! Biết bao nhiêu người trong võ lâm muốn tranh cướp. Sao sư gia lại để trong tay một người không liên can gì đến mình?

Dịch sư gia đáp:

– Vâng!

Y toan trở gót chạy vào bụi trúc, bỗng nghe Lục Trúc Ông la lên:

– Cô cô! Cô cô ra làm gì vậy?

Mọi người nghe đều lấy làm kỳ.

Vương Nguyên Bá khẽ hỏi:

– Lục Trúc Ông hiện nay bao nhiêu tuổi rồi?

Dịch sư gia đáp:

– Ngoài bảy chục, gần tám mươi.

Mọi người nghĩ thầm:

– Ông già gần tám mươi sao còn có cô cô. Vậy bà già này đến trăm tuổi ư?

Bỗng nghe thanh âm phụ nữ đáp lại, giọng nói chưa lấy gì làm già lắm.

Lục Trúc Ông hỏi:

– Xin cô cô thử xem bộ cầm phổ này có chỗ rất cổ quái.

Người đàn bà kia “ừ” một tiếng rồi dạo đàn. Bỗng bà dừng lại dường như để đổi sợi dây bị đứt.

Tiếp theo là tiếng dạo đàn so dây rồi tấu lên khúc điệu.

Ban đầu cũng giống như Lục Trúc Ông. Càng về sau tiếng đàn càng lên bổng. Có điều bà tấu đến chỗ nguy hiểm vẫn đi dễ dàng chẳng phí chút hơi sức nào mà đàn vẫn chuyển lên cao vút.

Lệnh Hồ Xung mừng như người phát điên, phảng phất nhớ lại cảnh tượng Lưu Chính Phong gảy đàn đêm trước.

Khúc đàn nầy lúc thì khảng khái khích ngang, có lúc lại ôn nhu thuần hậu.

Lệnh Hồ Xung tuy không hiểu nhạc lý, song hắn cũng cảm thấy khúc đàn đó do bà già này tấu so với Lưu Chính Phong bữa trước khúc điệu tuy giống nhau mà thanh thú khác biệt. Bà tấu khúc đàn hòa bình trung chính khiến người nghe chỉ biết được cái hay về âm nhạc chứ không làm cho bầu máu nóng sủi lên vì phấn khởi.

Bà ta tấu hồi lâu, cầm điệu dần dần thong thả lại. Tiếng nhạc dường như đi xa mãi mãi, chẳng khác người tấu đàn dời xa mấy chục trượng rồi đến mấy dặm trường. Sau cùng tiếng đàn nhỏ li ti không nghe thấy nữa. Khúc đàn chưa tấu hết mà là đi xa quá nghe không rõ.

Vương Nguyên Bá, Nhạc Bất Quần đều hoàn toàn không hiểu âm nhạc, nhưng tâm thần cũng chuyển theo cầm vận rồi bất giác tâm hồn chìm đắm vào điệu nhạc tựa hồ mình bị tiếng đàn đưa đi xa lắc xa lơ.

Lúc tiếng đàn vừa ngừng lại, một hai tiếng tiêu rất nhỏ lẩn vào tiếng đàn. Tiếng tiêu quanh co uyển chuyển dần dần lại gần tựa hồ như bướm vờn hoa khiến người nghe cũng được khoái tai vui mắt.

Mấy người thanh niên là Vương Gia Thuần, Vương Gia Câu, Nhạc Linh San không nhịn được cũng giơ chân múa tay.

Tiếng tiêu chợt bổng chợt trầm, lúc nhẹ nhàng lúc vang dội. Khi thanh điệu đến chỗ cực trầm mà vẫn nghe rõ ràng không hỗn loạn chút nào.

Tiếng tiêu uyển chuyển hồi lâu rồi đột nhiên rạo rực như trăm hoa đua nở muôn bông ngàn tía. Sau tiếng tiêu lại giống như tiếng chim hót líu lo một xướng một họa. Chỉ một cây tiêu mà thổi ra biết bao nhiêu âm thanh khác biệt. Lâu dần đi vào chỗ bách điểu chia ly, trăm hoa tàn tạ. Sau nữa đến cảnh xuân tàn hoa rụng mưa gió hẳt hư thê lương khôn tả. Sau cùng là cảnh gió mây gào thét tuyết rụng tơi bời, vũ trụ tĩnh mịch. Tiếng tiêu dứt ở chỗ đó.

Tiếng tiêu dừng lại hồi lâu mọi người mới như người trong mộng tan giấc. Không ai tin được bảy sợi dây đàn, một cái ống trúc mà tấu ra những khúc nhạc vô cùng phức tạp đến thế!

Nhạc phu nhân buông tiếng thở dài, trong lòng thán phục. Bà hỏi:

– Ðáng phục đáng phục! Xung nhi! Khúc đó là khúc gì vậy?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Khúc đó kêu bằng “Tiếu Ngạo giang hồ”. Bà lão kia thật là thần kỳ tinh thâm cả tiêu lẫn đàn, khó có người bì kịp.

Nhạc phu nhân nói:

– Khúc nhạc này dĩ nhiên tuyệt vời rồi, mà chắc chỉ mình bà lão đây mới tấu được, ngoài ra không còn ai nữa. Chắc ngươi cũng mới nghe lần đầu?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Không phải thế! Ngày trước đệ tử đã được nghe rồi và lần đó so với bữa này còn thích thú hơn.

Nhạc phu nhân nói:

– Có lý nào thế được? Chẳng lẽ trên đời có người gẩy đàn thổi tiêu cao minh hơn vị lão bà này?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Sự thực thì đệ tử cũng không rõ có cao minh hơn lão bà này không. Hôm đó đệ tử nghe hai người hợp tấu một người thổi tiêu và đã tấu khúc “Tiếu Ngạo giang hồ”…

Gã chưa dứt lời thì trong bụi trúc lại vang lên ba tiếng tình tang. Rồi thanh âm bà già nói rất khẽ chỉ nghe mang máng.

– Cầm tiêu hợp tấu! Trên đời này đi đâu kiếm được người đó.

Tiếp theo Lục Trúc Ông lên tiếng:

– Dịch sư gia! Ðây đúng là cầm phổ tiêu phổ rồi! Cô cô ta vừa tấu xong đó. Lão đệ cầm về đi!

Dịch sư gia dạ một tiếng rồi chạy vào bụi trúc cầm lấy khúc phổ ra đi.

Lục Trúc ông lại nói:

– Khúc phổ này tuyệt diệu trên đời hiếm có. Ðây là một thần vật đừng để lọt vào tay bọn tục tử.

Lão đệ không thể tấu được đừng có tham si mà học lấy, chẳng những vô ích mà còn có hại.

Dịch sư gia đáp:

– Vâng!

Rồi đem khúc phổ trao cho Vương Nguyên Bá.

Vương Nguyên Bá tai nghe rõ cầm cận tiêu thanh biết là khúc phổ thực liền trả lại Lệnh Hồ Xung nói:

– Xin lỗi hiền đệ nhé!

Lệnh Hồ Xung cười nhạt toan nói mấy câu mỉa mai nhưng thấy Nhạc phu nhân nhìn mình lắc đầu nên hắn ẩn nhẫn không dám nói nữa.

Bọn ông cháu Vương Nguyên Bá năm người phải một phen bẽ mặt cắm đầu đi trước bọn Nhạc Bất Quần đi theo sau.

Lệnh Hồ Xung ôm lấy khúc phổ đứng ngây người ra.

Nhạc phu nhân hỏi:

– Xung nhi! Sao ngươi không về đi?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Lát nữa đệ tử sẽ về.

Nhạc phu nhân dặn hắn:

– Tay ngươi vừa mới trật khớp, chớ cử động mạnh. Liệu về sớm mà nghỉ nghe!

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Ðệ tử xin vâng lời.

Ðoàn người đi rồi, ngõ hẻm trở lại tĩnh mịch điểm xuyết bắng những tiếng gió thổi lá trúc vang lên những tiếng rì rào.

Lệnh Hồ Xung tay cầm cuốn khúc phổ nhớ lại đêm trước Lưu Chính Phong cùng Khúc Dương hợp tấu tiêu cầm. Hai người gặp được tri âm sáng chế ra khúc phổ thần diệu này. Lão bà trong bụi trúc tuy biết gẩy đàn thổi tiêu tuyệt diệu, nhưng đáng tiếc ở chỗ bà tấu một mình rời rạc từng khúc. Lục Trúc Ông cũng không hợp tấu cùng bà được. E rằng khúc “Tiếu Ngạo giang hồ” từ đây bặt tiếng không còn được nghe lần thứ hai nữa.

Sau hắn lại nghĩ:

– Lưu Chính Phong sư thúc là một cao thủ chính phái, Khúc Dương lại là trưởng lão Ma giáo. Hai người một chính một tà, thế như nước lửa nhưng về âm vận, tâm ý cảm thông mà kết nghĩa tri giao mới sáng chế ra khúc”Tiếu Ngạo giang hồ” tuyệt luân này. Lúc hai vị nắm tay nhau mà chết hiển nhiên trong lòng không còn điều chi hối tiếc. Hai vị thật may mắn hơn ta nhiều. Ta đây tấm thân trơ trọi trên cõi đời, đã bị sư phụ hoài nghi, sư muội ruồng bỏ. Còn một gã sư đệ rất thương yêu thì bị chết vì chính tay ta.

Hắn nghĩ đến Lục Ðại Hữu bị thảm tử, trong lòng rào rạt, nước mắt nhỏ giọt rớt vào khúc phổ.

Rồi hắn khóc nức nở.

Thanh âm Lục Trúc Ông từ trong bụi trúc hỏi vọng ra:

– Ông bạn kia! Làm sao mà khóc?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Vãn bối tự thương thân thế nhớ lại hai vị tiền bối tựa ra khúc phổ này đã qua đời, không trấn tĩnh được làm phiền nhiều tiên sinh.

Hắn nói xong trở gót toan đi

Lục Trúc Ông nói:

– Tiểu bằng hữu! Lão phu có mấy lời muốn thỉnh giáo, mời tiểu hữu vào đây nói chuyện được không.

Lệnh Hồ Xung lúc nãy nghe giọng lão nói đầy vẻ ngạo mạn vô lễ với Nguyên Nguyên Bá, không ngờ lão lại lịch sự với hắn là một tên vô danh tiểu tốt. Hắn rất đỗi ngạc nhiên đáp:

– Không dám! Tiền bối muốn hỏi điều chi vãn bối xin trình bày.

Hắn từ từ ra khỏi rừng trúc đi theo con đường nhỏ qua mấy khúc quanh mới tới trước mặt có năm gian nhà nhỏ, mé tả hai gian, mé hữu ba gian bằng những cây trúc lớn dựng nên.

Một lão già từ căn nhà mé hữu đi ra cười nói:

– Tiểu hữu! Mời tiểu hữu vào đậy dùng trà.

Lệnh Hồ Xung thấy Lục Trúc Ông người già lụ khụ, trên đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc. Song chân tay to lớn mà tinh thần vẫn quắc thước. Hắn liền khom lưng thi lễ nói:

– Vãn bối là Lệnh Hồ Xung xin bái kiến tiền bối .

Lục Trúc Ông cười hà hà nói :

– Lão phu bất quá già hơn ít tuổi, tiểu hữu hà tất phải thi lễ. Vào đây, vào đây!

Lệnh Hồ Xung theo lão đi vào trong nhà, thấy bàn ghế đều làm bằng trúc. Trên tường reo một bức họa thủy mạc vẽ rừng trúc thế bút tung hoành, nét mực lâm ly ra chiều sầm uất. Trên bàn để một cây dao cầm và một ống tiêu. Phong cảnh này tựa hồ chủ nhà là tao nhân mặc khách chứ không phải là người thợ đan.

Lục Trúc Ông rót một chén thanh trà nói:

– Tiểu hữu uống trà đi!

Lệnh Hồ Xung hai tay đón lấy khom lưng tạ ơn.

Lục Trúc Ông hỏi:

– Tiểu hữu ơi không hiểu khúc phổ đó tiểu hữu lấy được ở đâu? Có thể nói cho lão phu nghe được chăng?

Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra, bụng bảo dạ:

– Lai lịch khúc phổ này có nhiều chỗ bí ẩn. Ðến sư phụ sư nương mình còn không dám trình bày.

Nhưng ngày đó Lưu Chính Phong cùng Khúc Dương giao khúc phổ cho mình là có dụng ý truyền lại đời sau để khỏi bị tiêu diệt. Cô cô Lục Trúc Ông đây là người hiểu âm luật tấu được đến chỗ thần diệu. Tuy hai người đây tuổi già, nhưng ngoài ra ở trên đời này đi đâu kiếm được người thứ ba để trao khúc phổ?

Dù còn có người khác tinh thông âm luật mà mình chẳng sống bao lâu nửa, chưa chắc đã có cơ duyên hội ngộ.

Hắn trầm ngâm một lúc rồi đáp:

– Hai vị tiền bối viết khúc phổ này một vị tinh nghề gảy đàn, còn một vị chuyên thổi tiêu. Hai người kết bạn tri giao cùng nhau hợp soạn. Ðáng tiếc hai vị đó gặp đại nạn qua đời cùng một lúc. Khi lâm tử, hai vị giao khúc phổ này cho đệ tử để kiếm truyền nhân đặng giữ nó khỏi mai một…

Hắn vừa nói tới đây dừng lại một chút rồi tiếp:

– Vừa rồi đệ tử được nghe vị cô cô của tiền bối đây thổi tiêu tuyệt diệu thì mừng thầm cho khúc phổ đã gặp được chủ. Xin tiền bối thu lấy bản nhạc này để dâng cho bà bà. Như vậy đệ tử đã hoàn thành xong lời ủy thác và rất lấy làm mãn nguyện.

Hắn nói xong hai tay cung kính dâng khúc phổ lên.

Lục Trúc Ông không tiện tay đón lấy liền đáp:

– Ðể lão phu xin chỉ thị của cô cô xem người có chịu thu không đã.

Bỗng nghe thanh âm bà già từ căn nhà mé tả vọng ra:

– Lệnh Hồ tiên sinh đã có nghĩa khí khảng khái tặng điệu khúc mà chúng ta lại từ chối là bất cung.

Nhận lấy cũng hổ thẹn, Không hiểu đại danh hai vị tiền bối soạn ra khúc này là ai? Tiên sinh có thể cho lão thân biết được không?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Tiền bối có lòng hỏi tới, vãn bối dĩ nhiên phải bẩm trạch. Một vị là Lưu Chính Phong sư thúc, còn vị nữa là Khúc Dương trưởng lão.

Bà già kia ồ lên một tiếng ra chiều kinh dị nói:

– Té ra là hai người đó!

Lệnh Hồ Xung hỏi lại:

– Tiền bối có quen hai vị đó ư?

Bà già trầm ngâm rồi nói:

– Lưu Chính Phong là tay cao thủ phái Hành Sơn, Khúc Dương là trưởng lão Ma giáo. Hai bên có mối thù truyền đời sao lại cùng nhau hợp soạn khúc này được thật là khó hiểu.

Lệnh Hồ Xung tuy chưa thấy mặt bà già nhưng đã nghe tiếng đàn tiếng tiêu cũng biết bà là nột cao nhân tiền bối thanh nhã hiền hòa, chẳng khi nào lừa gạt ai để mang tiếng. Hắn nghe bà già đề cập đến Lưu, Khúc thì hiển nhiên là người võ lâm đồng đạo, hắn liền đem gốc ngọn từ vụ Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm. Tả minh chủ phái Tung Sơn đưa cờ lệnh ngăn trở, đến những vụ Lưu, Khúc hai người hợp tấu ngoài bãi hoang, Ðại Tung dương thủ Phí Bân bị giết, rồi hai người lúc lâm tử ủy thác cho hắn tìm tri âm để truyền lại khúc phổ kể hết một lượt.

Bà già lẳng lặng lắng tai nghe. Khi Lệnh Hồ Xung kể xong mới hỏi:

– Ðây rõ ràng là một khúc phổ mà sao Kim đao Vương Nguyên Bá lại bảo là bí lục võ công?

Lệnh Hồ Xung lại đem việc vợ chồng Lâm Chấn Nam bị phe Thanh Thành và Mộc Cao Phong gia hại cùng lời di ngôn của hai người dặn lại Lâm Bình Chi và việc anh em họ Vương đem lòng ngờ vực thế nào kể lại hết.

Bà già nói:

– Té ra là thế!

Bà ngừng lại chút rồi tiếp:

– Sao ngươi không nói rõ đầu đuôi cho sư phụ sư nương nghe há chẳng bớt được nỗi hoài nghi vô vị ư? Lão thân chưa từng quen biết ngươi, sao ngươi lại tường thuật không dấu diếm gì?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Chính đệ tử cũng không hiểu rõ nguyên nhân này. Có điều đệ tử nghe tiền bối nhả tấu liền đem lòng kính mến không ngờ vực chút nào nữa.

Bà già hỏi vặn:

– Thế ra ngươi hoài nghi cả sư phụ và sư nương hay sao?

Lệnh Hồ Xung chột dạ đáp:

– Trăm ngàn lần đệ tử không dám thế… chỉ vì… ân sư đem lòng hoài nghi đệ tử nhưng hỡi ôi… đệ tử cũng không thể nào trách oán ân sư được.

Bà già nói:

– Ta nghe giọng nói ngươi nội khí yếu ớt. Ngươi còn thiếu niên chẳng ai như vậy. Duyên cớ vì đâu? Mới đây ngươi bị trọng bệnh hay bị trọng thương?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Ðệ tử bị nội thương rất nặng.

Bà già bảo Lục Trúc Ông:

– Trúc hiền điệt! Ngươi đưa chàng thiếu niên này tới dưới cửa sổ phòng ta để ta chẩn mạch cho chàng.

Lục Trúc Ông dạ một tiếng rồi dẫn Lệnh Hồ Xung đến bên cửa sổ căn nhà mé tả. Lão bảo hắn thò tay trái qua rèm trúc vào trong.

Phía sau tấm rèm trúc còn một lần màn bằng sa mỏng.

Lệnh Hồ Xung chỉ trông thấy lờ mờ có bóng người còn mặt mũi ngũ quan thì không trông rõ.

Chọn tập
Bình luận