Nhậm Ngã Hành nghe Hướng Vấn Thiên nói vậy thì trong lòng rất mừng, thầm nghĩ:
– Hướng Tả sứ theo ta lâu ngày nên hiểu rõ lòng dạ ta. Y đã biết ta muốn tảo trừ Thiếu Lâm, tiêu diệt Võ Ðương đã đành nhưng về cách hành động chắc y không đoán hết được. Ðây là một phương lược rất tinh vi, rất trọng đại. Ta tính từng bước một, trước khi hành động không thể để cho y biết được.
Một tên trưởng lão lớn tiếng nói:
– Thánh giáo chủ mưu trí khôn lường. Ðại sự trong thiên hạ không ra ngoài sự trù tính của lão nhân gia được. Lão nhân gia nói sao chúng ta cứ thế mà làm là không khi nào lầm lẫn.
Một tên trưởng lão khác nói:
– Thánh giáo chủ chỉ giơ một ngón tay út lên là bọn thuộc hạ dù phải lội nước ngược xông vào lửa đỏ dù chết cũng chẳng lùi bước.
Một người khác nói:
– Ðã làm việc cho thánh giáo chủ thì dù có phải chết đến mười muôn lần cũng còn hơn là sống một cách hồ đồ.
Người khác nói:
– Anh em thuộc hạ đều nghĩ rằng: trong đời người mấy bữa nay là ngày có ý định nhất. Hàng ngày chúng ta được tham kiến thánh giáo chủ. Cứ mỗi lần được tham kiến thánh giáo chủ là tâm thần phấn khởi kình lực phát huy hơn cả rèn luyện nội công mười năm.
Một người nữa nói:
– Ánh sáng của thánh giáo chủ chiếu xuống thiên hạ khác nào vừng thái dương của Triêu Dương thần giáo ta. Thánh giáo chủ ơn khắp lê dân tựa hồ trời đại hạn mà có mưa ngọt ai cũng hoan hỉ trong lòng cảm ơn không xiết.
Lại một người nói:
– Tự cổ chí kim những bậc đại anh hùng, đại hào kiệt, đại thánh hiền cũng không có vị nào bì kịp Thánh giáo chủ. Ðức Khổng Phu Tử võ công làm gì cao cường bằng Thánh giáo chủ? Quan vương gia cũng chỉ có cái dũng của kẻ thất phu đâu có cơ trí mưu lược bằng Thánh giáo chủ? Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán nhưng bảo y cầm kiếm tỷ thí với Thánh giáo chủ của chúng ta liệu có được không?
Bọn giáo chúng đồng thành hoan hô và la lên:
– Khổng Phu Tử, Quan Vương gia, Gia Cát Lượng chẳng ai có thể bì kịp Thánh giáo chủ trong thần giáo chúng ta.
Một tên trưởng lão nói:
– Sau khi thần giáo chúng ta nhất thống giang hồ sẽ cất thần tượng Khổng Phu Tử ở trong Văn Miếu, khiêng thần tượng Quan Vương gia trong Võ Miếu khắp thiên hạ và yêu cầu hai vị nhường ngôi để làm nơi cầu chúc cho Thánh giáo chủ chúng ta trường thọ muôn năm.
Một tên trưởng lão khác nói:
– Thánh giáo chủ sống lâu ngàn năm, muôn năm. Con cháu mười tám đời chúng ta đều ở dưới cờ Thánh giáo chủ để lão nhân gia sai bảo.
Mọi người đồng thanh hô to:
– Thánh giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ.
Nhậm Ngã Hành nghe bọn giáo chúng nịnh hót nổi lên như sóng cồn tuy là những lời quá đáng nhưng tai nghe rất dễ chịu. Lão nghĩ thầm:
– Lời chúng nói quả đúng sự thật. Gia Cát Lượng võ công cố nhiên không địch nổi ta. Lão ta sáu lần ra núi Kỳ Sơn mà không gây dựng được một tấc công lao. Vậy thì mưu trí của lão sao kịp ta được? Quan Vân Trường qua năm ải chém sáu tướng kể ra thần dũng thật đấy, nhưng thử lấy một chọi một liệu có thắng được Hấp tinh đại pháp của ta không? Ðức Khổng Phu Tử bất quá chỉ có ba ngàn đệ tử còn bọn thuộc hạ giáo chúng của ta đâu phải chỉ có ba vạn mà thôi? Lão dẫn ba ngàn người hớt hơ hớt hải chạy đông chạy tây sau bị tuyệt lương ở đất Trần rồi bó tay vô kể. Ta thống lãnh mấy vạn người tung hoành thiên hạ muốn làm gì thì làm, không một ai ngăn trở nổi. Vậy tài trí của Khổng Phu Tử đem so với Nhậm Ngã Hành này hãy còn kém xa lắm.
Tiếng hoan hô “Muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” vẫn vang lên không ngớt làm chấn động cả bầu trời. Những hào sĩ giang hồ đứng ở sườn núi cũng reo hò ầm ĩ. Núi non vây quanh bốn mặt làm cho tiếng dội càng khủng khiếp.
Nhậm Ngã Hành hào khí ngất trời đứng thẳng người lên.
Bọn giáo chúng thấy lão đứng lên liền lạy phục xuống đất.
Sau một lúc trên ngọn Triều Dương yên lặng trở lại không còn một tiếng động.
Nhậm Ngã Hành cười ha hả nói:
– Ta mong rằng ngàn thuở muôn năm vĩnh viễn như ngày…
Lão nói tới đây đột nhiên câm tịt. Lão vận khí để nói thêm tiếng “hôm nay” nhưng cảm thấy trước ngực co rúm lại không thốt ra được.
Nhậm Ngã Hành giơ tay mặt lên giữ ngực muốn nuốn một búng máu tươi trào lên cổ họng thì thấy đầu óc choáng váng, ánh dương quang phía trước làm cho lóa mắt.
Bọn giáo chúng thấy Nhậm Ngã Hành nói chưa hết câu đột nhiên im bặt đều giật mình kinh hãi, ngửng đầu lên nhìn thấy da mặt lão co rúm lại ra chiều đau đớn đến cùng cực. Người lão lảo đảo rồi té huỵch xuống.
Hướng Vân Thiên la gọi:
– Giáo chủ!
Doanh Doanh cũng kêu lên:
– Gia gia!
Cả hai người cùng chạy đến nâng đỡ.
Nhậm Ngã Hành giãy giụa mấy cái rồi tắt thở.
Xưa nay dù là hào kiệt thánh hiền hay gian tà đại ác chẳng ai tránh khỏi cái chết.
Lệnh Hồ Xung say khướt xuống núi.
Lúc chàng tỉnh rượu thì đã quá nửa đêm và bây giờ chàng mới biết mình đang ở ngoài hoang dã.
Quần đệ tử phái Hằng Sơn ngồi ở phía xa để canh gác.
Lệnh Hồ Xung đầu nhức như búa bổ. Chàng nghĩ tới từ nay trở đi khó có cơ hội được tái ngộ Doanh Doanh bất giác lòng đau như cắt.
Ðoàn người chưa về đến ngọn Kiến Tính núi Hằng Sơn đã thiết lập linh vị ba vị sư thái Ðịnh Nhàn, Ðịnh Tĩnh, Ðịnh Dật để tế cáo mối đại thù đã trả xong.
Mọi người nghĩ tới bọn Triều Dương thần giáo sớm muộn gì cũng đến tấn công và sau cuộc chiến sắp tới này là phái Hằng Sơn nhất định sẽ bị tiêu diệt thì trong lòng không khỏi bùi ngùi. Nhưng sau họ nghĩ rằng cuộc thắng bại đã rõ rệt chẳng buồn bận tâm cho mệt trí nên không lo âu gì nữa.
Vợ chồng Bất Giới hòa thượng, Nghi Lâm và Ðiền Bá Quang bốn người ở chân núi Hoa Sơn đã đi cùng mọi người tương hội rồi cùng trở về núi Hằng Sơn.
Lệnh Hồ Xung liệu trước vợ chồng Bất Giới hòa thượng tất không chịu bỏ con gái tự đựa nhau đi lánh nạn cũng không khuyên can nữa.
Mọi người đều cho là dù có khổ luyện võ công bất quá cũng chỉ giết thêm được mấy tên giáo chúng trong Triều Dương thần giáo là cùng chứ chẳng ích gì cho đại cục nên họ chẳng buồn luyện kiếm pháp nữa. Những người thành tâm ở lại trong am hàng ngày chăm chỉ niệm kinh còn ngoài ra đều đi du ngoạn trên núi.
Giới luật phái Hằng Sơn rất nghiêm. Chiều hôm ban sớm khóa cúng Phật vẫn đều, không đại giải chút nào. Mấy bữa nay đệ tử mới được một phen cởi mở thảnh thơi. Sau mấy hôm bỗng có mười nhà sư lên núi Kiến Tính.
Người đứng đầu đoàn là Phương Chứng đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm.
Lệnh Hồ Xung đang ở trong am chính rót rượu uống một mình. Chàng vừa uống vừa gõ bàn hát nghêu ngao cho khuây khỏa nỗi lòng. Chàng nghe tin Phương Chứng tới nơi thì trong lòng vừa kinh ngạc vừa vui mừng, vội chạy ra nghênh tiếp.
Phương Chứng đại sư thấy chàng đi chân không chẳng có giày dép chi hết, mặt mũi say rượu đỏ hồng liền mỉm cười nói:
– Cố nhân thấy khách đến vội quá sỏ giày ngược để ra nghênh tiếp nhưng cũng còn nhớ được chuyện sỏ giày, nay Lệnh Hồ Xung chưởng môn chân không kịp sỏ giày đã chạy ra nghênh tiếp thì cách đãi khách còn thành tâm hơn là cổ nhân.
Lệnh Hồ Xung khom lưng thi lễ đáp:
– Phương trượng đại sư pháp giá quang lâm, Lệnh Hồ Xung này không ra xa đón tiếp trong lòng rất lấy làm sợ hãi. Ô kìa cả Phương Sinh đại sư cũng tới a?
Phương Sinh đáp lại bằng một nụ cười.
Lệnh Hồ Xung thấy tám nhà sư kia cũng đều râu tóc bạc phất phơ liền cúi đầu hỏi pháp hiệu thì quả nhiên đều là những vị cao tăng chùa Thiếu Lâm đứng vào hàng chữ Phương.
Lệnh Hồ Xung nghênh tiếp các vị cao tăng vào am mời ngồi xuống bồ đoàn.
Am này trước là nơi tĩnh tu của Ðịnh Nhàn sư thái vì thế mà rất tinh khiết không mảy may bụi. Từ khi Lệnh Hồ Xung vào ở đây thì đầy nhà toàn hũ rượu cùng chén cốc rất ngổn ngang.
Lệnh Hồ Xung cả thẹn đỏ mặt hơn nữa đáp:
– Tiểu tử thật là có lỗi. Xin các vị đại sư miễn thứ cho!
Phương Chứng đại sư mỉm cười nói:
– Bữa nay lão tăng đến bái sơn là có điều muốn thương lượng với Lệnh Hồ chưởng môn. Chưởng môn bất tất phải khách sáo.
Nhà sư ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Nghe nói Lệnh Hồ chưởng môn vì muốn bảo vệ phái Hằng Sơn mà không nhận chức Phó giáo chủ Triêu Dương thần giáo, cố nhiên Lệnh Hồ chưởng môn đã gạt bỏ mạng sống ra ngoài không nghĩ gì đến lại cam nguyện cắt đứt dây tơ tình với Nhậm đại tiểu thư, một người bạn đồng tâm sinh tử có nhau. Những cử động của chưởng môn khiến cho đồng đạo võ lâm vô cùng kính phục.
Lệnh Hồ Xung sửng sốt nghĩ bụng:
– Ta không muốn vì một phái Hằng Sơn mà để liên lụy đến đồng đạo võ lâm nên đã cấm đệ tử bản phái không được tiết lộ tin này ra ngoài để khỏi phiền hà hai phái Thiếu Lâm và Võ Ðương đưa người đến viện trợ là có ý tránh một cuộc giao tranh khốc liệt gây nên núi xương, sông máu. Dè đâu Phương Chứng đại sư đã hay tin này rồi.
Chàng đáp:
– Ðại sư tán dương như vậy khiến vãn bối càng thêm hổ thẹn. Giữa vãn bối và Nhậm đại tiểu thư ở Triêu Dương thần giáo là việc tư nhân có nhiều liên quan đến nhiều chuyện ân oán không thể một lúc mà nói hết được. Vãn bối bất đắc dĩ mà phải phụ lòng Nhậm đại tiểu thư nay đại sư đã không quở trách lại còn ca ngợi thì vãn bối yên tâm thế nào được?
Phương Chứng đại sư hỏi:
– Lão tăng được tin Nhậm giáo chủ loan truyền sẽ dẫn giáo chúng đến làm khó dễ với quý phái. Hiện nay bốn phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn và Hoa Sơn đều đã suy vi kiệt quệ. Nếu một phái Hằng Sơn không có ngoại viện mà Lệnh Hồ chưởng môn cũng không phái người tới tệ tự đưa tin thì ra tăng chúng phái Thiếu Lâm đều tham sống sợ chết không hiểu gì đến nghĩa khí giang hồ hay sao?
Lệnh Hồ Xung đứng lên đáp:
– Vãn bối thật không khi nào dám có ý nghĩ như vậy. Ngày trước vãn bối không tự kiểm điểm đã kết giao với nhân vật đầu não ở Triều Dương thần giáo. Bao nhiêu mối họa ngày nay đều do vụ đó mà phát khởi, vãn bối nghĩ rằng: Mình làm nên tội thì phải gánh lấy, để liên lụy đến toàn phái Hằng Sơn cũng đã đau lòng có lý đâu còn kinh động đại sư cùng Xung Hư đạo trưởng? Giả tỷ hai phái Võ Ðương và Thiếu Lâm vì lòng trượng nghĩa kéo đến viện trợ để tổn thất nhân mạng thì vãn bối có muôn thác cũng không đủ đền tội.
Phương Chứng đại sư mỉm cười nói:
– Lệnh Hồ chưởng môn nói vậy là sai. Ma giáo muốn hủy diệt Thiếu Lâm, Võ Ðương và Ngũ nhạc kiếm phái là việc xảy ra từ trăm năm trước đây cho đến bây giờ họ vẫn chưa bỏ ý nguyện đó. Kể từ ngày bắt đầu thì lão tăng cũng chưa ra đời, vụ này có liên quan gì đến Lệnh Hồ chưởng môn?
Lệnh Hồ Xung gật đầu đáp:
– Ngày trước tiên sư cũng thường răn dậy, từ cổ chí kim hai phe chính tà chẳng thể nào sống chung được. Cuộc chiến đấu giữa ma giáo cùng các môn phái chính giáo liên miên không bao giờ chấm dứt. Vãn bối kiến thức nông cạn vẫn cho là mỗi bên nhượng bộ một chút là có thể hóa giải được mối xích mích kể ra cũng đúng. Thực tình thì Triêu Dương thần giáo cùng các phái trong chính giáo đấu tranh liên miên không phải chỉ vì thù nghịch muốn giết chết nhau các vị thủ lĩnh cả hai bên đều muốn độc bá võ lâm mà tiêu diệt đối phương. Bữa trước lão tăng cùng Xung Hư đạo trưởng, Lệnh Hồ chưởng môn ba người chúng ta đã thương nghị với nhau trên chùa Huyền Không, chúng ta hiểu rõ Tả chưởng môn phái Tung Sơn lấy việc thống nhất Ngũ nhạc kiếm phái làm khởi điểm cho công cuộc độc bá võ lâm. Cái dã tâm của y là ở chỗ đó.
Nhà sư buông tiếng thở dài chậm rãi nói tiếp:
– Nghe nói ở Triều Dương thần giáo có câu “Muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” gì đó. Họ đã mưu đồ như vậy thì trong võ lâm còn ngày nào được yên tĩnh? Ta nên biến trên chốn giang hồ đã có môn phái khác nhau thì võ công tất cũng bất đồng. Cả tôn chỉ hành động và sự yêu ghét cũng không giống nhau, việc thống nhất giang hồ chẳng bao giờ thực hiện được.
Lệnh Hồ Xung cho là phải, chàng đáp:
– Lời Phương trượng đại sư nói đúng!
Phương Chứng lại nói:
– Giáo chủ Triều Dương thần giáo đã tuyên bố trong vòng một tháng sẽ kéo nhân mã đến Hằng Sơn giết cho kỳ hết cả con gà con chó cũng không bỏ sót. Lời tuyên bố của y coi nặng bằng non, quyết không canh cải. Hiện giờ những tay cao thủ các phái Thiếu Lâm, Võ Ðương, Côn Luân, Nga Mi, Không Ðộng đều đã tụ tập ở dưới chân núi Hằng Sơn.
Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi, nhảy vọt người lên hỏi:
– Ủa! Có chuyện đó ư? Những bậc tiền bối của các môn phái đã đến viện trợ mà vãn bối chẳng hay biết gì hết. Tội thật đáng chết! Không hiểu tại sao phương trượng đại sư lại biết việc Triêu Dương thần giáo muốn đánh Hằng Sơn?
Phương Chứng đáp:
– Lão tăng nhận được thư của một vị tiền bối mới rõ vụ này.
Lệnh Hồ Xung ngơ ngác hỏi:
– Vị tiền bối nào vậy?
Chàng nghĩ rằng Phương Chứng đại sư đứng vào hàng tiền bối cực cao trong võ lâm hiện nay thì còn ai mà đại sư phải kêu bằng tiền bối?
Phương Chứng tủm tỉm cười đáp:
– Vị tiền bối này là một nhân vật nổi danh ở phái Hoa Sơn. Lão nhân gia đã tuyền dạy kiếm pháp cho Lệnh Hồ chưởng môn đó!
Lệnh Hồ Xung cả mừng reo lên:
– Té ra là Phong thái sư thúc tổ.
Phương Chứng đáp:
– Ðúng là Phong tiền bối. Lão nhân gia phái sáu ông bạn đến chùa Thiếu Lâm cho hay hôm ấy Lệnh Hồ chưởng môn đã làm gì và nói gì ở trên ngọn Triêu Dương núi Hoa Sơn. Sáu ông bạn này tuy nói năng díu dó không vỡ vạc nhưng lão tăng lắng tai nghe hồi lâu cũng hiểu rõ hết.
Nhà sư nói tới đây không nhịn được, bất giác mỉm cười.
Lệnh Hồ Xung cũng buồn cười hỏi:
– Phải chăng là Ðào Cốc lục tiên?
Phương Chứng đáp:
– Ðúng là Ðào Cốc lục tiên.
Lệnh Hồ Xung cả mừng nói:
– Vãn bối đến Hoa Sơn rồi muốn tìm vào bái kiến Phong thái sư thúc tổ nhưng gặp nhiều chuyện quá không có lúc nào rảnh để tìm đến được. Vãn bối đã lỡ mất cơ hội vào ra mắt lão nhân gia không ngờ lão nhân gia ngồi trong bóng tối mà hiểu rõ việc bên ngoài.
Phương Chứng nói:
– Phong tiền bối hành động xuất quỷ nhập thần thấy đầu mà chả thấy đuôi. Lão nhân gia đã ẩn cư ở núi Hoa Sơn mà bọn Triêu Dương thần giáo lên núi này hoành hành không úy kỵ gì lão cũng bỏ mặc không chịu ra mặt can thiệp. Dường như Ðào Cốc lục tiên náo loạn núi Hoa Sơn bị Phong lão tiền bối bắt giam giữ mấy ngày rồi mới phái bọn họ đưa thư đến chùa Thiếu Lâm.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
– Chắc Ðào Cốc lục tiên giấu nhẹm vụ bị Phong thái sư thúc tổ bắt được rồi sau chúng nói quanh nói quẩn để thò đuôi ra.
Chàng hỏi tiếp:
– Không hiểu Phong thái sư thúc tổ bảo chúng ta phải làm gì?
Phương Chứng đáp:
– Trong thư Phong lão tiền bối chỉ viết đơn sơ mấy lời nói là sẽ có việc sai người thông tri cho lão tăng. Lão nhân gia còn bảo Lệnh Hồ chưởng môn là đệ tử rất thương yêu của người, yêu cầu lão tăng chiếu cố cho. Thực ra võ công của Lệnh Hồ chưởng môn còn cao thâm gấp mười lão tăng, đó là lão nhân gia dạy quá lời. Có điều phen này bọn Triều Dương thần giáo lên đây thì bọn lão tăng cũng phải hết sức làm cho lão nhân gia được vui lòng.
Lệnh Hồ Xung trong lòng rất cảm kích nói:
– Phương trượng đại sư đã chiếu cố cho vãn bối nhiều lần chứ không phải một.
Phương Chứng đáp:
– Không dám! Lão tăng biết việc này đừng nói Phong lão tiền bối có lệnh dĩ nhiên phải tuân hành mà giữa quý phái cùng tệ phái đã có mối liên quan khi nào lão tăng lại tự thủ bàng quang? Huống chi vụ này có quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của các phái trong chính giáo, một khi Triều Dương thần giáo tiêu diệt được phái Hằng Sơn thì các phái Thiếu Lâm, Võ Ðương liệu có yên ổn được chăng? Vì thế bần tăng lập tức gửi thư báo tin các phái đến tụ hội ở núi Hằng Sơn chuẩn bị cùng Triều Dương thần giáo quyết một trận tử chiến.
Lệnh Hồ Xung từ hôm ở ngọn Triều Dương núi Hoa Sơn trở về Hằng Sơn trong lòng chán nản vô cùng. Chàng đã thấy thanh thế của Triều Dương thần giáo cực kỳ hùng mạnh, phái Hằng Sơn chẳng còn cách nào chống lại được chỉ đợi ngày Nhậm Ngã Hành thống lĩnh quần chúng đến tấn công để đánh liều một trận rồi cùng chết với nhau là hết chuyện.
Tuy có người đưa đề nghị đến hai phái Thiếu Lâm và Võ Ðương cầu cứu nhưng Lệnh Hồ Xung chỉ hỏi vắn một câu:
– Dù hai phái Thiếu Lâm và Võ Ðương cùng đến cứu viện liệu có thể chống lại được bọn Ma giáo không?
Thế là người đề nghị đành tắc khẩu.
Chàng lại nói thêm:
– Ðã không cứu được phái Hằng Sơn thì còn làm phiền lụy cho hai phái Thiếu Lâm, Võ Ðương bị tổn thất một số đông cao thủ làm chi?
Thực ra trong thâm tâm chàng không muốn quyết liệt với bọn Nhậm Ngã Hành, Hướng Vân Thiên. Mối tình mật thiết giữa chàng và Doanh Doanh đã thành tuyệt vọng bất giác chàng nẩy ra ý niệm chán đời và cho là cuộc sống không còn thú vị gì nữa thì thà rằng chết đi lại hay hơn.
Bây giờ Lệnh Hồ Xung thấy Phương Chứng chịu lời ủy thác của Phong Thanh Dương đem nhiều nhân mã đến viện trợ thì chàng phấn khởi tinh thần. Tuy nhiên nói về cuộc quyết đấu sinh tử với bọn người Triều Dương thần giáo chàng chẳng thấy hứng thú chút nào.
Phương Chứng lại nói:
– Lệnh Hồ chưởng môn! Kẻ xuất gia lấy đức từ bi làm gốc, lão tăng quyết không phải hạng người ưa chuyện chiến đấu sát phạt. Nếu vụ này có thể đi đến chỗ bãi binh được thì còn gì bằng? Nhưng chúng ta nhường một bước là Nhậm Ngã Hành lại lấn một bước, chung quy chẳng phải chúng ta không nhường nhịn mà là Nhậm giáo chủ quyết tâm trừ diệt những môn phái về phe chính giáo chúng ta. Ngoài trừ chúng ta ai ai cũng quỳ xuống dập đầu hô câu “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ! A Di Ðà Phật!” chẳng còn cách nào khác.
Dưới câu “Thánh giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” mà Phương Chứng thêm vào câu “A Di Ðà Phật” nghe rất có vẻ hoạt kê.
Lệnh Hồ Xung không nín được phải phì cười nói:
– Ðúng thế! Mỗi khi vãn bối nghe đến câu “Thánh giáo chủ” hay “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” gì gì đó thì toàn thân ngứa ngáy khó chịu. Thậm chí vãn bối uống 30 bát rượu không say mà chỉ nghe câu muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ là không chịu được, đầu nhức mắt hoa ngã lăn ra đương trường.
Phương Chứng tủm tỉm cười nói:
– Câu chúc tụng này của Triều Dương thần giáo thật là tệ hại!…
Lão ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Phong tiền bối ở trên ngọn Triều Dương đã ngó thấy tình trạng Lệnh Hồ chưởng môn mắt hoa đầu váng nên mới phái Ðào Cốc lục tiên đưa tới một thiên khẩu quyết về nội công. Phong tiền bối còn dặn lão tăng thay ngài mà truyền thụ cho Lệnh Hồ chưởng môn. Ðào Cốc lục tiên lúc nói chuyện khác thì lăng líu không được rõ ràng nhưng khi nhắc tới việc truyền nội công khẩu quyết thì lại rất rành mạch, ai nghe cũng hiểu. Vậy xin mời Lệnh Hồ chưởng môn dẫn đường lão tăng đi vào nội đường để truyền thụ khẩu quyết.
Lệnh Hồ Xung kính cẩn dẫn đường Phương Chứng đại sư đi vào một gian tĩnh thất.
Ðây là Phương Chứng đại sư vâng mệnh Phong Thanh Dương đại diện lão nhân gia để truyền thụ khẩu quyết nên Lệnh Hồ Xung coi nhà sư cũng chính như Phong thái sư thúc tổ thân hành tới nơi.
Chàng quỳ xuống trước mặt Phương Chứng nói:
– Phong thái sư thúc tổ đối đãi với đệ tử ơn nặng bằng non, đức sâu tày biển.
Phương Chứng cũng không khiêm nhượng chi hết, nhận lạy của Lệnh Hồ Xung rồi nói:
– Phong tiền bối rất kỳ vọng ở nơi Lệnh Hồ chưởng môn. Lão tăng mong rằng Lệnh Hồ chưởng môn y theo khẩu quyết mà gia công rèn luyện.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Ðệ tử xin tuân lệnh!
Phương Chứng đem khẩu quyết ra niệm từng câu một. Lệnh Hồ Xung dụng tâm ghi nhớ.
Thiên khẩu quyết này không dài lắm. Từ đầu đến cuối chỉ có mấy trăm chữ.
Phương Chứng niệm hết một lượt rồi để Lệnh Hồ Xung ghi nhớ lấy. Sau một lúc nhà sư lại niệm lần thứ hai. Cứ tiếp tục như thế tất cả năm lượt, Lệnh Hồ Xung đã thuộc lòng từ đầu đến cuối không trật chữ nào.
Phương Chứng nói:
– Nội công tâm pháp của Phong tiền bối tuy vắn tắt có bấy nhiêu lời nhưng bao hàm đạo lý rộng rãi tinh thâm vô cùng. Chúng ta đã là chỗ thâm giao xin Lệnh Hồ chưởng môn tha thứ cho lão tăng được nói thẳng: kể về kiếm thuật thì Lệnh Hồ chưởng môn quả đã tinh thâm hơn đời nhưng về nội công thì dường như trước nay chưởng môn chưa chuyên tâm rèn luyện đến chỗ sở trường.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Thực tình về nội công vãn bối chưa biết gì. Ðại sư đã có lòng chiếu cố, xin gia tâm chỉ điểm cho!
Phương Chứng gật đầu nói:
– Nội công tâm pháp của Phong lão tiền bối và nội công của phái Thiếu Lâm dĩ nhiên khác biệt nhưng võ công thiên hạ tuy đường lối không giống nhau mà cức cánh chỉ là một. Về căn bản cốt yếu cũng chẳng có gì xa nhau. Lệnh Hồ chưởng môn mà không chê lão tăng là đa sự thì để lão tăng thử giải thích thêm cho.
Lệnh Hồ Xung biết Phương Chứng đại sư là cao nhân số một số hai trong võ lâm hiện nay nếu được lão chỉ điểm thì chẳng khác gì Phong thái sư thúc tổ thân hành truyền thụ. Vả Phong thái sư thúc tổ đã ủy thác việc này cho Phương Chứng thì dĩ nhiên lão nhân gia đã biết rõ nội công nhà sư tinh thâm đến thế nào, chàng vội khom lưng đáp:
– Vãn bối xin kính cẩn nghe lời giáo huấn của đại sư!
Phương Chứng nói:
– Không dám!
Rồi đem nội công tâm pháp giải thích và phân tích từng câu.
Nhà sư lại chỉ điểm cách hô hấp vận khí cùng phép thu nạp.
Lệnh Hồ Xung thuộc lòng khẩu quyết chỉ vì chàng có trí nhớ dai nhưng chàng có được Phương Chứng đại sư phân tích rõ ràng mới hiểu rõ những chỗ ảo diệu tinh thâm bao hàm trong từng câu một.