Hướng Vấn Thiên đến trước kỷ đá bày cờ.
Lão đặt vào vị “bình” ở điểm lục tam một con cờ đen rồi lại đặt một con cờ trắng vào điểm cửu tam. Lão tiếp tục đặt vào điểm lục ngũ một con đen, điểm cửu ngũ một con trắng.
Hướng Vấn Thiên tiếp tục đặt cho đến con thứ 64, hai bên thành thế tỷ đấu kịch liệt.
Hắc Bạch Tử ngó thấy toát mồ hôi trán.
Lệnh Hồ Xung ngấm ngầm kinh hãi, chàng thấy vừa rồi lão vận “Huyền thiên chỉ” hóa nước thành băng, thì biết công lực lão cao thâm đến thế nào! Ðánh cờ là chuyện nhỏ mà lão nhìn đến toát mồ hôi đủ rõ lão chẳng quan tâm gì đến việc khác cho khỏi loạn thần trí. Lão này say mê cờ đến trình độ điên
khùng mà Hướng Vấn Thiên chắc là tìm được nhược điểm của lão để tấn công.
Hắc Bạch Tử thấy Hướng Vấn Thiên ngồi lâu không đi cờ liền hỏi:
– Bây giờ đi thế nào?
Hướng Vấn Thiên mỉm cười đáp:
– Ðây là nước cờ mấu chốt. Theo cao kiến của nhị trang chúa nên đi nước gì?
Hắc Bạch Tử khổ tâm ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi:
– Quân này ư? Bỏ đi không được, xông ra không xong. Cái này… cái này…
Tay cầm một con cờ đen trên kỷ đá khẽ gõ lách cách. Hồi lâu lâu lắm mà thủy chung không biết đi nước nào.
Lúc này Ðan Thanh tiên sinh và Lệnh Hồ Xung đều đã uống hết 17,18 chén rượu Bồ đào.
Ðan Thanh tiên sinh thấy sắc mặt Hắc Bạch Tử mỗi lúc một xanh rờn liền nói:
– Ðồng lão huynh! “Ẩu huyết phổ” này chẳng lẽ làm cho nhị ca ta đến thổ huyết chăng? Bây giờ đi thế nào thì nói ra!
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Ðược rồi con thứ 67 này đặt vào điểm thất tứ.
Hắc Bạch Tử vỗ đùi đánh đét một cái la lên:
– Hay quá! Con này đặt xuống đó thật là tuyệt diệu.
Hướng Vấn Thiên cười nói:
– Lưu Trọng Phủ đi nước này dĩ nhiên là hay, nhưng y chỉ là một tay diệu thủ ở nhân gian nên so với tiên mỗ ở Ly Sơn hãy còn kém xa lắm.
Hắc Bạch Tử vội hỏi:
– Vậy nước cờ tiên của Ly Sơn Tiên mỗ ra sao?
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Nhị trang chúa hãy nghĩ đi!
Hắc Bạch Tử nghĩ hàng nửa ngày thấy đại cục hiển nhiên khó lòng vãn hồi liền nói:
– Ðã là nước cờ tiên thì bọn phàm phu tục tử chúng ta nghĩ ra thế nào được? Ðồng huynh đừng thử thách nữa.
Hướng Vấn Thiên tủm tỉm cười nói:
– Nước cờ thần cô diệu toán này quả nhiên phải thần tiên mới nghĩ ra được.
Hắc Bạch Tử vốn là tay cơ biến lại biết đường dò xét tâm lý đối phương một cách rất tinh vi. Lão thấy Hướng Vấn Thiên không chịu đem nước cờ trên nói ra một cách chóng vánh khiến cho người ta ngứa ngáy khó chịu thì đoán là y có mưu đồ chuyện gì liền hỏi:
– Lão huynh! Lão huynh cứ đem thê cờ này nói cho tại hạ nghe chẳng lẽ tại hạ lại không có điều chi đền đáp?
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
– Chắc Hướng đại ca biết nhị trang chúa đây có thần công Huyền thiên chỉ chữa được bệnh cho mình nên mới bầy trò này ra để cầu lão.
Hướng Vấn Thiên ngửng đầu lên cười ha hả nói:
– Tại hạ cùng Phong lão đệ tuyệt không có cầu cạnh bốn vị trang chúa điều chi. Nhị trang chúa
nói vậy chẳng hóa ra coi thường bọn tại hạ lắm ư?
Hắc Bạch Tử liền xá dài đáp:
– Tại hạ lỡ miệng, xin có lời từ tạ.
Hướng Vấn Thiên cùng Lệnh Hồ Xung vội đáp l.
Hướng Vấn Thiên nói:
– Bọn tại hạ đến Mai trang chỉ có ý muốn đánh cuộc cùng bốn vị trang chúa.
Hắc Bạch Tử cùng Ðan Thanh tiên sinh đồng thanh hỏi:
– Ðánh cuộc ư? Cuộc thế nào?
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Tại hạ dám đánh cuộc là trong Mai trang không có nhân vật nào thắng được kiếm pháp của Phong lão đệ đây.
Hắc Bạch Tử cùng Ðan Thanh tiên sinh quay lại nhìn Lệnh Hồ Xung. Hắc Bạch Tử re vẻ thờ ơ không phê bình câu nào. Nhưng Ðan Thanh tiên sinh cười ha hả hỏi lại:
– Ðặt cuộc thế nào?
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Nếu bọn tại hạ thua cuộc thì xin dâng bức lụa đồ này cho Tứ Trang Chúa.
Lão nói rồi cởi chiếc bọc đeo ở trên lưng xuống mở ra. Trong bọc có hai cuốn trục. Một cuốn là bức họa đồ rất cũ kỹ. Góc trên bức họa đồ có đề một dòng chữ: “Bắc Tống Phạm Trung Lập khê sơn
hành lữ đồ”.
Bức họa đồ vẽ một tòa núi cao ngất trời, nét mực đen láy, thanh thế rất hùng vĩ hiểm tuấn.
Lệnh Hồ Xung tuy không hiểu về hội họa song cũng biết đây là một bức tranh sơn thủy tuyệt tác.
Ngọn núi chót vót rậm rạp tuy vẽ ở trên giấy cũng khiến cho người ta không tự chủ được mà sinh lòng ngưỡng mộ.
Ðan Thanh tiên sinh bỗng la lên:
– Úi chà!
Hai mắt lão nhìn chằm chặp vào bức họa đồ không rời ra nữa. Hồi lâu lão mới hỏi:
– Ðây là chân tích của Phạm Khoan đời Bắc Tống. Lão huynh lấy được ở đâu vậy?…
Hướng Vấn Thiên chỉ tủm tỉm cười chứ không trả lời. Lão đưa tay ra từ từ cuộn lại.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
– Khoan đã!
Lão kéo tay Hướng Vấn Thiên muốn ngăn trở không chông cho cuốn lại. Ngờ đâu tay lão vừa đụng vào cánh tay đối phương bỗng thấy một luồng nội lực nhu hòa mà hùng hậu xô tới đẩy bàn tay lão ra một cách nhẹ nhàng.
Hướng Vấn Thiên vờ như không thấy gì, tiếp tục cuốn họa đồ lại.
Ðan Thanh tiên sinh trong lòng nghi hoặc. Vừa rồi lão kéo tay Hướng Vấn Thiên chỉ sợ làm rách họa đồ, nên không vận nội lực. Nhưng lão thấy luồng nội kình hất tay mình ra, cũng đủ biết nội công của đối phương vào bậc thượng thừa thì trong lòng ngấm ngầm bội phục nói:
– Lão huynh! Té ra võ công của Lão huynh cực kỳ lợi hại! Có lẽ chẳng kém gì bọn ta.
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Tứ trang chúa nói rỡn rồi. Chà! Bốn vị trang chúa ở Mai trang ngoại trừ kiếm pháp không kể còn thì bất luận môn công phu nào cũng là những tay vô địch hiện nay. Tại hạ là một tên vô danh tiểu tốt khi nào dám so bì với bốn vị trang chúa.
Ðan Thanh tiên sinh biến sắc hỏi:
– Sao lão huynh lại bảo ngoại trừ kiếm pháp? Chẳng lẽ kiếm pháp của ta chưa bằng y thật hay sao?
Hướng Vấn Thiên tủm tỉm cười đáp:
– Nhị vị trang chúa! Xin hai vị hãy coi bức này xem.
Rồi lão mở cuốn trục thứ hai thì đây là bức chi thảo mà nét bút linh động như rồng bay phượng múa.
Ðan Thanh tiên sinh rất lấy làm kỳ, khẽ bật tiếng la:
– Úi chà! Úi chà! Úi chà!
Lão la luôn ba tiếng “úi chà” rồi đột nhiên lớn tiếng kêu:
– Tam ca! Tam ca! Cái bảo bối mà tam ca coi quí như tính mạng đã có rồi đó.
Tiếng lão gọi rất vang dội. Làm rung động cả tường vách những bụi cát trên mái nhà rớt xuống tới tấp. Hơn nữa lão la lên một cách đột ngột khiến cho Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung đều giật mình kinh hãi.
Bỗng nghe có tiếng người từ đằng xa cất lên hỏi:
– Chuyện chi mà hốt hoảng như vậy?
Ðan Thanh tiên sinh la lên:
– Tam ca không đến mau mà coi thì người ta cuốn lại sẽ phải hối hận suốt đời.
Người bên ngoài hỏi vọng vào:
– Tứ đệ lại thấy một bức vẽ giả mạo nào rồi phải không?
Rèm cửa vén lên, một người tiến vào. Người này thấp lùn và béo mập, đầu lão hói mà bóng loáng, không mọc một sợi tóc nào. Tay mặt lão cầm một cây bút lớn. Vạt áo đầy vết mực. Lão tiến vào gần coi. Ðột nhiên cặp mắt trợn ngược lên. Lão nín thở nói:
– Bức này thật rồi! Ðúng là… bút thiếp của… Trương Húc đời Ðường… không ai làm giả được.
Chữ thảo trên tấm thiếp coi chẳng khác khinh công một tay cao thủ võ lâm lên cao rồi xuống thấp.
Tuy hành động mau lẹ nhưng không mất vẻ phong lưu tao nhã.
Trong 10 chữ thảo Lệnh Hồ Xung chưa chắc đã đọc được một. Nhưng chàng thấy phía dưới tấm thiếp có tên nhiều người để tặng. Trong đám này lại lắm người quan hàm rất cao cũng đoán được đây không phải là tấm thiếp tầm thường.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
– Vị này là tam ca của tại hạ tên gọi Ngốc Bút Ông. Y dùng ngoại hiệu này vì tính thích bút pháp, viết cùn đến hàng trăm ngàn cây bút, chứ không phải vì y đầu hói. Về điểm này các vị chớ có lầm lẫn.
Lệnh Hồ Xung tủm tỉm cười đáp:
– Xin vâng!
Chàng thấy Ngốc Bút Ông đưa ngón tay chỏ bên phải nhìn theo nét bút trong cánh thiếp mà đưa lên đưa xuống hay vòng vèo ở gian. Vẻ mặt say sưa ngây ngất không dòm ngó gì đến Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung. Cả câu nói của Ðan Thanh tiên sinh lão cũng bỏ ngoài tai.
Lệnh Hồ Xung đột nhiên chấn động tâm thần nghĩ bụng:
– Cử động này của Hướng đại ca chắc là có chuyện mưu đồ từ trước. Ta nhớ lại lúc gặp y ở quán lương đình, trên lưng y đã đeo một cái bọc.
Rồi chàng xoay chuyển ý nghĩ:
– Trong bọc lúc ấy vị tất đã có hai cuốn trục này. Không chừng khi y đến Mai trang cầu bốn vị trang chúa trị bệnh cho ta rồi ở dọc đường, y nhân lúc ta nghĩ trong nhà khách sạn liền ra ngoài mua hoặc là lấy cắp đem về. Chà! Chắc y lấy cắp thì phải hơn. Những của bán vô giá này mua ở đâu được?
Tai chàng nghe tiếng Ngốc Bút Ông vạch chữ trên không mà chỉ phong cũng rít lên veo véo, đủ biết nội lực lão cường mạnh chẳng kém gì Hắc Bạch Tử.
Chàng lại nghĩ:
– Nội thương của ta phát ra gì những luồng chân khí của Ðào cốc lục tiên và Bất giới hòa thượng.
Nay coi nội lực của ba vị trang chúa dường như đã cao thâm hơn Ðào cốc lục tiên và Bất giới hòa thượng. Ðại trang chúa chắc còn ghê gớm hơn. Thêm vào nội lực của Hướng đại ca, năm người hợp lực hoặc giả trị thương cho ta được. Nhưng ta chỉ mong họ không đến nỗi hao phí công lực càng hay.
Hướng Vấn Thiên không chờ Ngốc Bút Ông viết xong đã cuộn bức thiếp lại gói vào trong bọc.
Ngốc Bút Ông nhìn lão bằng vẻ ngạc nhiên, hồi lâu mới hỏi:
– Lão huynh muốn hỏi đổi lấy cái gì?
Hướng Vấn Thiên lắc đầu đáp:
– Cái gì cũng không đổi được.
Ngốc Bút Ông nói:
– 28 chiêu “Thạch cổ đả huyệt bút pháp” nhé?
Hắc Bạch Tử và Ðan Thanh tiên sinh vội la lên:
– Không được!
Ngốc Bút Ông nói:
– Ðược chứ! Sao lại không được? Nếu lấy được chân tích về bức đại thảo của Trương Húc thì 28 chiêu “Thạch cổ đả huyệt bút pháp” không có gì đáng tiếc nữa.
Hướng Vấn Thiên lắc đầu đáp:
– Không được.
Ngốc Bút Ông liền hỏi:
– Thế thì lão huynh lấy cho ta coi làm chi?
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Cái đó dù là lỗi của tại hạ, nhưng tam trang chúa đừng coi nữa có được không?
Ngốc Bút Ông hỏi:
– Ðánh cuộc thế nào?
Ðan Thanh tiên sinh xen vào:
– Tam ca! Cha này có vẻ điên khùng. Y bảo đánh cuộc trong Mai trang chúng ta không ai thắng được kiếm pháp của Phong bằng hữu.
Ngốc Bút Ông hỏi:
– Nếu trong Mai trang có người thắng được y thì sao?
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Trong Mai trang bất luận là ai mà thắng được thanh trường kiếm trong tay Phong huynh đệ thì tại hạ xin để bức chân tích của Trương Húc kính tặng tam trang chúa. Bức “Khê sơn hành lữ đồ” của Phạm Khoan xin đưa tặng tứ trang chúa. Tại hạ còn đem 80 danh cục về cờ vây của thần tiên quỉ
quái nhất nhất sao ra tặng nhị trang chúa.
Ngốc Bút Ông hỏi:
– Còn đại ca chúng ta thì sao? Lão huynh tặng y vật gì?
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Phong lão đệ đây trong mình có một bản cầm phổ tuyệt thế vô song cổ kim hiếm có và kêu bằng “Tiếu ngạo giang hồ khúc” xin để kính tặng đại trang chúa.
Bọn Ngốc Bút Ông ba người nghe Hướng Vấn Thiên nói vậy không lộ vẻ gì, nhưng Lệnh Hồ Xung lại giật mình kinh hãi, tự hỏi:
– Làm sao y biết trong mình ta có cuốn cầm phổ “Tiếu ngạo giang hồ”?
Bỗng Hắc Bạch Tử cất tiếng đáp:
– Bọn tại hạ tuy không biết “Tiếu ngạo giang hồ” tuyệt diệu ở chỗ nào, nhưng cứ coi ba món kỳ, thư, họa đã đem đặt cuộc mà suy thì cầm phổ đó hẳn cũng là một vật trân quí phi thường. Song gặp trường hợp mà trong Mai trang quả không ai địch nổi Phong huynh đệ thì tại hạ biết lấy chi để trả lại?
Ðan Thanh tiên sinh cười nói:
– Phong huynh đệ đây đã tinh thông tửu lý thì kiếm pháp tất cũng cao minh, nhưng tuổi y còn nhỏ chẳng lẽ trong Mai trang… Ha ha!… lại không…
Rồi lão nổi lên một tràng cười rộ.
Ðan Thanh tiên sinh nói mấy câu này một cách tuy hàm hồ nhưng ý nghĩa rất rõ là Lệnh Hồ Xung không thể nào thắng được cao thủ ở Mai trang. Chỉ vì chàng là tay sành rượu trúng tới sở hiếu của lão nên lão có mối hảo cảm mà không buông lời khinh miệt.
Lệnh Hồ Xung tuy đã có lời ước hẹn trước với Hướng Vấn Thiên nhất thiết mọi việc đều do lão sắp đặt, nhưng sự việc din biến đến thế này, chàng cảm thấy lão có điều quá đáng. Huống chi nội lực chàng đã mất hết thì còn địch lại cao nhân ở Mai trang thế nào được?
Chàng nghĩ vậy liền đáp:
– Ðồng đại ca đây tính ưa nói giỡn. Tại hạ bất quá như ánh đom đóm khi nào dám tranh thủ với các vị trang chúa ở Mai trang rực rỡ như ánh sáng mặt trời, mặt trăng?
Hướng Vấn Thiên cả cười nói:
– Lão đệ dĩ nhiên cần phải có mấy câu theo phép lịch sự, nếu không người ta sẽ bảo cho là hạng ngông cuồng tự đại, dưới mắt không biết đến bậc tôn trưởng.
Ngốc Bút Ông dường như chẳng để vào tai những câu nói của hai người. Lão đủng đỉnh ngâm:
“Trương Húc tam bôi thảo thánh truyền”
“Thoát mạo lộ đính vương công tiên”
“Huy hào lạc chỉ như vân yến”
Rồi nói tiếp:
– Tứ đệ! Trương Húc tuy xưng là thảo thánh , một bậc thánh thần về lối chữ thảo, nhưng bao câu thơ này là của Ðỗ Phủ ở trong bài “Ẩm trung bát tiên ca”. Y còn là một người trong “Ẩm trung bát tiên”, tứ đệ coi thứ bút thiếp này có thể tưởng tượng ra tình cảnh lúc y say rượu hạ bút. Trời ơi! thật là Thiên mã hành không chẳng có cương giảm chi hết không lúc nào dừng lại. Ôi! Chữ tốt đến thế này là tuyệt bút.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
– Ðúng rồi! Y đã thích rượu dĩ nhiên là một đại hảo nhân. Chữ y viết còn chê vào đâu được?
Ngốc Bút Ông nói:
– Hàn Dũ đã phẩm bình bút pháp của Trương Húc bằng đoạn văn “Mừng giận bần cùng, lo buồn khoan khoái, oán hận nhờ thương, say sưa túy lúy. Trong lòng động mối bất bình đem phổ cả vào trong hàng chữ thảo”. Ông này cùng người trong ngô mối. H động mối bất bình là phát ra hàng chữ thảo
phỏng có khác gì vung gươm múa kiếm. Há chẳng khoái ư?
Lão lại đưa ngón tay lên không viết một hồi rồi bảo Hướng Vấn Thiên:
– Hỡi ơi! Ðồng huynh mở cho ta coi một chút!
Hướng Vấn Thiên lắc đầu cười đáp:
– Sau khi tam trang chúa thủ thắng thì trương bút thiếp này là của Tam trang chúa. Hà tất phải nóng nảy ngay từ bây giờ?
Hắc Bạch Tử tính thích đánh cờ trầm ngâm suy tính mãi, chưa nghĩ đến chuyện được đã lo thua, liền hỏi:
– Giả tỷ trong Mai trang quả không có người thắng được kiếm pháp của Phong huynh thì bọn tại hạ chịu thua cuộc bằng cách nào?
Hướng Vấn Thiên đáp:
– Tại hạ đã nói trước là đến Mai trang không cầu một điều, chẳng xin một vật. Phong huynh đệ bất quá tìm đến chỗ võ học tuyệt đỉnh này là đê lấy bằng chứng về kiếm pháp của những tay cao thủ đương thời. Nếu may mà y thủ thắng thì bọn tại hạ lập tức trở gót lên đường, không xin các vị đặt cuộc
chi hết.
Hắc Bạch Tử nói:
– Ồ! Phong huynh đây muốn được dương danh. Một kiếm đả bại “Giang Nam tứ hữu” thì oai danh chấn động khắp võ lâm.
Hướng Vấn Thiên lắc đầu đáp:
– Nhị trang chúa đoán sai rồi! Bữa nay bọn tại hạ đến Mai trang tìm bằng chứng về kiếm pháp, bất luận ai thắng ai bại mà để tiết lộ ra ngoài thì bọn tại hạ nguyện có thiên tru, địa lục và tư cách đê tiện không bằng giống chó.
Ðan Thanh tiên sinh nói:
– Hay lắm! Hay lắm! Các vị thật là những nhân vật hào sảng. Gian phòng này rất rộng Phong huynh đệ tỷ thí mấy chiêu. Kiếm của Phong huynh đệ đâu?
Hướng Vấn Thiên cười đáp:
– Ðã đến Mai trang ai còn dám đem binh khí?
Ðan Thanh tiên sinh lớn tiếng gọi:
– Lấy hai thanh kiếm ra đây!
Bên ngoài có tiếng đáp lại rồi Ðinh Kiên và Thi Lệnh Oai đều cầm kiếm vào đến trước mặt Ðan Thanh tiên sinh đưa lên.
Ðan Thanh tiên sinh đón lấy một thanh kiếm rồi nói:
– Còn thanh kiếm kia trao cho Phong huynh đệ!
Thi Lệnh Oai dạ một tiếng rồi hay tay nâng kiếm đi tới trước mặt Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung cảm thấy chuyện này rất khó khăn, chàng quay lại nhìn Hướng Vấn Thiên.
Hướng Vấn Thiên nói:
– Tứ trang chúa ở Mai trang là bậc kiếm pháp thông thần. Phong huynh đệ! Lão đệ chỉ cần học lấy một chiêu nửa thức là dùng một đời không hết.
Lệnh Hồ Xung đứng trước tình trạng này biết rằng chẳng thể nào tránh khỏi được cuộc tỷ kiếm.
Chàng đành đưa hai tay ra đón lấy trường kiếm.
Hắc Bạch Tử vội nói:
– Tứ đệ hãy khoan! Theo lời tuyên bố của Ðồng huynh thì cuộc đấu kiếm bất luận là ai trong Mai trang chúng ta cũng không thắng nổi Phong huynh. Ðinh Kiên cũng biết sử kiếm và cũng là người trong Mai trang. Tưởng tứ đệ bất tất phải động thủ.
Nguyên Hắc Bạch Tử nghe Hướng Vấn Thiên nói chắc chắn là được chứ không sợ thua, thì cảm thấy vụ này khó ổn. Lão muốn Ðinh Kiên ra tay trước để tỷ thí với Lệnh Hồ Xung. Lão nghĩ rằng Ðinh Kiên biệt hiệu là “Nhất tự điện kiếm” nhất định kiếm pháp y không phải là tầm thường. Vả lại y
đóng vai một tên gia đinh trong trang thì dù có thất bại cũng không tổn thương đến oai danh của Mai trang. Ðồng thời kiếm pháp của Phong Nhị Trung (tức Lệnh Hồ Xung) hư thực thế nào lão sẽ biết ngay.