Bất Giới hòa thượng và Ðiền Bá Quang bị treo ngược trên cành cây khiến cho Lệnh Hồ Xung phải điên đầu. Thoạt tiên chàng cho là vụ này thật vô lý, sau đầu óc chàng lóe lên một tia sáng làm đảo lộn những ý nghĩ lúc trước.
Chàng lẩm bẩm:
– Bất Giới hòa thượng bản tính thành thật lại không kiếm chuyện với ai thì vì sao lão cũng bị treo lên cây? Phải chăng đây là có kẻ ghét lão hay tinh nghịch mà bày ra tấn kịch này. Nhưng sức một người thì ít có ai có thể bắt được Bất Giới đại sư, không chừng đây lại là trò đùa rối của bọn Ðào Cốc lục tiên.
Lệnh Hồ Xung xoay chuyển ý nghĩ, chàng chợt nhớ tới lời Tổ Thiên Thu đã nói trước là Ðào Cốc lục tiên khó lòng viết nổi hai chữ “âm mưu”, lý luận đó thật là xác đáng.
Rồi chàng tự hỏi:
– Ðây không phải là kiệt tác của Ðào Cốc lục tiên thì ai đã bày ra trò này?
Trong lòng rất đỗi hồ nghi, Lệnh Hồ Xung từ từ cất bước tiến vào trong viện.
Giữa những tiếng cười ồn ào chàng nhìn thấy cả Bất Giới hòa thượng lẫn Ðiền Bá Quang đều có một giải lụa vàng buông thõng xuống. Trên hai giải lụa này đều có viết một giòng chữ.
Giải lụa của Bất Giới hòa thượng có câu: “Con người này tham dâm hiếu sắc, vô tình bạc hãnh nhất thiên hạ”.
Trên giải của Ðiền Bá Quang viết câu: “Người này lớn mật làm càn mà hành động bất lực đệ nhất thiên hạ”.
Lệnh Hồ Xung ngó hai giải lụa, lòng chàng nẩy ra những ý nghĩ mâu thuẫn.
Chàng lẩm bẩm:
– Những chữ viết trên giải lụa này lầm rồi. Bất Giới hòa thượng nào phải phường tham dâm hiếu sắc? Bốn chữ “Tham dâm hiếu sắc” đổi sang cho Ðiền Bá Quang mới đúng vì gã nguyên là một tên đạo tặc hái hoa nhưng bảo gã là tay lớn mật làm càn thì thật là sai bét. Bốn chữ “lớn mật làm càn” đưa qua bên Bất Giới hòa thượng thì còn có lý, vì đại sư đã hành động đúng với pháp hiệu “Bất Giới”. Lão không cữ giết người, chẳng kiêng ăn mặn, làm hòa thượng mà lấy cả ni cô mới là lớn mật làm càn. Còn bốn chữ hành động bất lực thì không biết từ đâu mà ra.
Nhưng chàng thấy hai giải lụa buộc vào cổ hai người riêng biệt cho buông rũ lòng thòng tỏ ra hành động có ý thức, chứ không phải hấp tấp mà bảo buộc lộn giải của người nọ sang người kia.
Quần hào vừa chỉ trỏ cười đùa vừa nghị luận.
Ai cũng nói:
– Ðiền Bá Quang là tên đạo tặc hái hoa nổi tiếng tham dâm hiếu sắc khắp thiên hạ. Chẳng hiểu đại hòa thượng có cảm hóa được gã không?
Kế Vô Thi cùng Tổ Thiên Thu hai người thì thào bàn tàn. Họ cho là vụ này rất ngoắt nghéo. Hai người đã biết rõ Bất Giới hòa thượng có mối giao hảo với Lệnh Hồ Xung liền bảo nhau ra giải cứu cho nhà sư.
Thế rồi Kế Vô Thi tung mình nhẩy lên cắt đứt giây trói cho cả hai người.
Bất Giới hòa thượng cùng Ðiền Bá Quang được giải cứu rồi, đều cúi gầm mặt xuống ra chiều hối hận buồn rầu chứ không chửi bới om sòm cùng văng những lời thô tục khó nghe như bọn Cừu Tùng Niên, Mạc Bắc Song Hùng .
Kế Vô Thi khẽ hỏi Bất Giới hòa thượng:
– Tại sao đại sư lại bị người ta gieo vạ cho thế này?
Bất Giới hòa thượng chỉ lắc đầu chứ không nói gì. Lão từ từ cởi giải lụa nhìn hàng chữ một lúc rồi đột nhiên dậm chân mà khóc òa lên.
Biến diễn này thật ra ngoài ý nghĩ của quần hào.
Bao nhiêu người đều yên lặng trở lại, ngơ ngác nhìn lão.
Bất Giới hòa thượng nắm hai tay nện vào trước ngực lão càng khóc càng ra vẻ thương tâm.
Ðiền Bá Quang tìm lời khuyên giải:
– Thái sư phụ! Thái sư phụ hà tất phải buồn phiền về vụ này. Chúng ta lỡ tay bị người ám toán rồi thì chúng ta nhất định cũng tìm ra kẻ thù xé xác làm muôn đoạn cho hả giận…
Gã chưa dứt lời thì Bất Giới hòa thượng xoay tay đánh ra một chưởng hất gã văng đi hơn trượng.
Luồng chưởng lực cực kỳ khủng khiếp!
Ðiền Bá Quang bị sưng húp một bên mặt, người gã lảo đảo muốn té.
Bất Giới hòa thượng đã phóng chưởng đánh Ðiền Bá Quang mà vẫn chưa nguôi giận. Lão lớn tiếng thóa mạ:
– Thằng giặc thối tha kia! Chúng ta có phạm tội mới bị treo lên cây… thế mà mi còn lớn mật muốn giết người ư?
Ðiền Bá Quang tuy không hiểu đầu đuôi gì cả nhưng cũng hiểu ngay nhân vật kia tất có lai lịch phi thường nên thái sư phụ mới không dám đắc tội. Gã liền vâng dạ luôn miệng.
Bất Giới hòa thượng lại thộn mặt ra vừa khóc vừa đấm ngực.
Ðột nhiên lão xoay tay phóng chưởng nhằm đánh Ðiền Bá Quang lần nữa.
Thân pháp Ðiền Bá Quang cực kỳ mau lẹ.
Lần này gã nghiêng người đi tránh khỏi rồi la lên:
– Thái sư phụ!
Bất Giới hòa thượng phóng chưởng không trúng Ðiền Bá Quang nhưng lão cũng không rượt theo gã. Tiện tay lão xoay lại đập vào cái ghế đá ở trong viện đánh chát một tiếng.
Cái ghế này ghép bằng đá hoa cương bị phát chưởng đánh trúng bụi đá bay lên tứ tung.
Bất Giới hòa thượng vừa khóc vừa la, đồng thời hai tay lão tiếp tục giáng xuống ghế hơn mười phát chưởng. Những luồng chưởng lực càng về sau càng mãnh liệt. Hai tay lão máu đầm đìa. Mặt ghế vỡ vụn bay lên từng mảnh.
Bỗng nghe đánh cắc một tiếng, cái ghế đá bị gãy làm bốn đoạn.
Quần hào thấy chưởng lực của Bất Giới hòa thượng khủng khiếp như vậy ai cũng kinh hãi không dám thở mạnh. Họ sợ lúc lão đang cơn thịnh nộ mà nhằm mình phóng chưởng đánh tới thì cái đầu có rắn như đá cũng không chịu nổi.
Tổ Thiên Thu, Lão Ðầu Tử và Kế Vô Thi ba người ngơ ngác nhìn nhau không biết làm thế nào.
Ðiền Bá Quang thấy thái độ Bất Giới hòa thượng có điều khác lạ liền nói:
– Xin liệt vị chiếu cố sư thái dùm tại hạ. Tại hạ phải đi mời sư phụ đến mới được.
Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:
– Tuy ta đã hóa trang nhưng Nghi Lâm tiểu sư muội là người tinh tế, phải giữ sao cho nàng không nhìn thấy chỗ sơ hở.
Chàng đã giả dạng quang minh, rồi cải trang làm nông dân nhưng đều là đàn ông có phần dễ dàng hơn. Lần này chàng hóa trang làm đàn bà nên trong lòng không tự tin được chỉ sợ bại lộ hàng tung.
Lệnh Hồ Xung tìm đến gian phòng chứa củi ở vườn sau đến ẩn mình, chàng nghĩ thầm trong bụng:
– Bọn Mạc Bắc Song Hùng đột nhiên bị phong tỏa huyệt đạo mà chắc bọn Kế Vô Thi, Tổ Thiên Thu đêm nay sẽ đến nghe lỏm bọn người kia nói chuyện.
Rồi chàng tự nhủ:
– Ta hãy ngủ một giấc chờ đến nửa đêm hãy đi thám thính.
Suốt một đêm không ngủ, chàng đã mệt nhoài.
Tai chàng vẫn còn nghe tiếng Bất Giới hòa thượng kêu khóc không ngớt. Chàng vừa kinh ngạc lại vừa buồn cười. Ðầu óc mông lung rồi ngủ đi lúc nào không biết.
Khi Lệnh Hồ Xung thức giấc mở mắt ra chỉ thấy trời tối mò.
Chàng lần vào nhà bếp tìm cơm nguội canh thừa ăn cho đỡ đói vẫn không thấy ai đến hỏi han gì.
Lệnh Hồ Xung lại chờ một lúc lâu thấy tiếng người đã yên lặng liền quanh ra sau núi, chân bước chậm chạp đến gần chỗ bọn Mạc Bắc Song Hùng bị hãm.
Lệnh Hồ Xung nằm phục trong đống cỏ rậm cách đó xa xa lắng nghe động tĩnh.
Chẳng bao lâu chàng nghe tiếng hô hấp nhịp nhàng ít ra có đến trên hai chục người tản mát quanh đó.
Trong bụng cười thầm chàng tự nghĩ:
– Chắc bọn Kế Vô Thi cùng người ngoài đã đến gần đây để nghe trộm. Thiên hạ thật lắm người thông minh!
Rồi chàng lẩm bẩm:
– Kế Vô Thi quả là người khôn ngoan, hắn chỉ giải khai á huyệt cho Mạc Bắc Song Hùng là hai tên thích ăn thịt người lại nói thô tục chứ không giải khai á huyệt cho bọn Bảo Ðại Sở. Không thế thì Mạc Bắc Song Hùng mà mở miệng lên tiếng là những kẻ tinh khôn như Bảo Ðại Sở liền ngăn cản ngay.
Bỗng nghe Bạch Hùng lên tiếng chửi mắng:
– Tổ bà những con muỗi này sao mà lắm thế? Ông tổ mười tám đời nhà chúng muốn hút sạch máu của lão gia mới vừa lòng chắc.
Hắc Hùng cười nói:
– Muỗi chỉ hút máu ngươi mà không hút máu ta, chẳng hiểu vì duyên cớ gì?
Bạch Hùng mắng ngay:
– Máu của ngươi thối tha đến độ muỗi cũng không thèm hút còn khoe mẹ gì?
Hắc Hùng cười nói:
– Chẳng thà máu ta thối tha khỏi bị đàn muỗi bâu vào mình còn hay hơn.
Bạch Hùng lại lớn tiếng chửi rủa:
– Loài rùa đen! Quân chó đẻ.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
– Người đã không nhúc nhích được mà còn bị hàng trăm, hàng ngàn con muỗi bâu vào hút máu thì khó chịu thật.
Bạch Hùng chửi mắng một hồi rồi nói:
– Sau khi lão gia được giải khai huyệt đạo thì việc đầu tiên là phải trả thù thằng cha Dạ Miêu Tử. Lão gia điểm huyệt quân rùa đen rồi xẻo thịt đùi hắn để ăn sống.
Hắc Hùng cười nói:
– Ta thích ăn thịt tiểu ni cô hơn. Chúng da trắng lại thịt mịn mới ngon lành chứ.
Bạch Hùng nói:
– Nhạc tiên sinh đã bảo đem hết bọn ni cô lên núi Hoa Sơn, chẳng còn đâu để ngươi ăn thịt.
Hắc Hùng cười nói:
– Những mấy trăm tên ni cô mình có ăn thịt bất quá mất ba bốn tên thì Nhạc tiên sinh biết thế nào được?
Bạch Hùng lại lớn tiếng mắng chửi:
– Quân khốn kiếp! Quân rùa đen!
Hắc Hùng tức giận hỏi:
– Ngươi không ăn thịt ni cô thì mặc xác ngươi, sao ngươi lại mắng ta?
Bạch Hùng đáp:
– Ta mắng chửi giống muỗi chứ mắng ngươi bao giờ?
Lệnh Hồ Xung đang tức cười chợt nghe sau lưng có tiếng bước chân người rón rén tiến gần lại.
Chàng lẩm bẩm:
– Không khéo người này dẫm chân lên mình ta.
Người kia nhằm trúng phía sau lưng Lệnh Hồ Xung đi tới.
Bỗng người đó ngồi thụp xuống rồi nhẹ nhàng kéo tay áo Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi tự hỏi:
– Người này là ai? Chẳng lẽ họ nhận ra mình rồi?
Chàng ngoảnh đầu nhìn lại. Duới ánh trăng huyền ảo, chàng thấp thoáng thấy gương mặt thanh tú thoát tục, người này chính là Nghi Lâm.
Lệnh Hồ Xung vừa kinh ngạc vừa mừng thầm, bụng bảo dạ:
– Té ra hành tung mình đã bị nàng khám phá. Mình cải dạng nữ nhân không giống mất rồi.
Nghi Lâm nghẹo đầu chúm môi từ từ đứng lên vẫn nắm tay áo Lệnh Hồ Xung tỏ ý muốn cùng chàng ra xa để nói chuyện.
Lệnh Hồ Xung không sao được liền đứng dậy theo nàng đi về phía tây. Hai người vẫn lẳng lặng không nói nửa lời. Nghi Lâm theo con đường sơn đạo nhỏ hẹp ra khỏi Thông Nguyên cốc.
Ðột nhiên nàng lên tiếng:
– Há chẳng nghe người ta nói: “Dẫn thân vào chỗ thị phi là nguy hiểm vô cùng!”.
Nàng nói câu này tựa hồ không phải nói với Lệnh Hồ Xung mà nói thế như để mình nghe.
Lệnh Hồ Xung sửng sốt tự hỏi:
– Nàng nói câu này là có ý gì? Hay nàng chưa nhận ra ta?
Rồi thấy nàng rẽ sang hướng bắc đi về phía cửa Từ Diêu. Nàng chuyển quanh một góc núi lần tới bên một khe suối nhỏ.
Bỗng nàng khẽ cất tiếng hỏi:
– Chúng ta ra đây nói chuyện hoài bà bà nghe tiểu ni cô nói có ngán không?
Rồi nàng cười ruồi nói tiếp:
– Á bà bà ơi! Trước nay tiểu ni cô nói gì bà bà cũng không nghe tiếng, giả tỷ bà bà mà nghe rõ rồi thì tiểu ni không nói nữa.
Lệnh Hồ Xung nghe giọng Nghi Lâm ra vẻ thành thật mới biết nàng chưa nhận ra mình, nàng vẫn tưởng chàng là mụ bộc phụ vừa câm vừa điếc ở trên chùa Huyền Không.
Bất giác chàng nổi tính trẻ thơ bụng bảo dạ:
– Ta không tiết lộ thân thế vội để xem nàng nói gì?
Nghi Lâm nắm tay áo Lệnh Hồ Xung kéo chàng tới bên một gốc liễu lớn, nàng ngồi xuống một phiến đá dài.
Lệnh Hồ Xung cũng ngồi xuống theo. Chàng cố ý ngồi nghiêng người xây lưng về phía có ánh trăng để Nghi Lâm không nhìn rõ mặt.
Chàng tự hỏi:
– Chẳng lẽ ta giả làm mụ bộc phụ câm điếc cũng giống đến thế ư? Nghi Lâm còn không nhận ra thì kẻ khác khám phá chân tướng ta thế nào được?
Rồi chàng tự trả lời:
– Phải rồi! Vì đêm tối mập mờ nên giống chỉ cần giống vài phần là nàng đã khó mà khám phá ra được. Thuật cải trang của Doanh Doanh quả đã đến chỗ tuyệt xảo.
Nghi Lâm ngửng đầu nhìn mảnh trăng lưỡi liềm trên trời vả mặt đăm chiêu buông tiếng thở dài.
Lệnh Hồ Xung thấy nàng buồn thỉu buồn thiu cầm lòng không được chàng toan cất tiếng hỏi:
– Tiểu sư thái! Tiểu sư thái hãy còn nhỏ tuổi mà sao đã lắm chuyện buồn phiền như vậy?
Tuy chàng nghĩ thế nhưng chưa lên tiếng thì Nghi Lâm đã thủ thỉ nói:
– Á bà bà! Bà bà tử tế quá! Tiểu ni thường kéo bà bà đi nói chuyện tâm sự mà chẳng lần nào bà bà từ chối. Bà còn nhẫn nại ngồi chờ tiểu ni muốn nói bao nhiêu thì nói. Bà đã chiều lòng tiểu ni như vậy đáng lý tiểu ni không nên làm phiền bà bà mãi nhưng bà bà thật tình thương yêu tiểu ni nên tiểu ni coi bà bà chẳng khác gì má má. Tiểu ni không còn má má, mà dù có má má chăng nữa tiểu ni cũng không dám nói những câu chuyện tâm người nghe.
Lệnh Hồ Xung thấy Nghi Lâm sắp dốc bầu tâm sự thì ngấm ngầm cảm giác có điều không ổn.
Chàng lẩm bẩm:
– Nàng muốn nói tâm sự gì? Ta lừa gạt một thiếu nữ để nàng thổ lộ những điều bí ẩn trong lòng là hành vi bất chính. Chi bằng ta liệu bỏ đi là hơn.
Chàng nghĩ vậy rồi uể oải đứng dậy.
Nghi Lâm níu áo chàng hỏi:
– Á bà bà! Bà bà … muốn về ư?
Thanh âm nàng đầy vẻ thất vọng.
Lệnh Hồ Xung đưa mắt nhìn Nghi Lâm thấy nàng lộ vẻ cực kỳ đau khổ, cặp mắt ra ý cầu khẩn chàng sinh lòng bất nhẫn nhủ thầm:
– Tiểu sư muội hình dong tiều tụy. Trong lòng chứa chất biết bao nhiêu là mối u sầu nếu không để nàng nói ra cho hả tất chẳng sớm thì muộn cũng lâm trọng bệnh. Có điều ta nghe rồi để dạ mà cần thủy chung giữ cho nàng không biết rõ chân tướng, có thế mới tránh cho nàng khỏi mắc cỡ.
Ðoạn chàng từ từ ngồi xuống.
Nghi Lâm thò tay bá cổ Lệnh Hồ Xung ra chiều thân thiết nói:
– Á bà bà ơi! Bà bà phúc đức quá! Bà bà hãy ngồi với tiểu ni một lúc nữa. Bà bà có biết trong lòng tiểu ni đang phiền não đến thế nào không?
Lệnh Hồ Xung không khỏi cười thầm bụng bảo dạ:
– Phải chăng Lệnh Hồ Xung này bị sao bà bà chiếu mệnh? Trước kia ta đã nhận lầm Doanh Doanh là bà bà ngày nay Nghi Lâm lại nhận nhầm ta là bà bà. Ta kêu Doanh Doanh đến mấy trăm tiếng bà bà thì bây giờ ta lại được Nghi Lâm một điều gọi bà bà hai điều bà bà thế là có vay có trả.
Lệnh Hồ Xung bản tính lãng mạn, bao giờ cũng nghĩ đến chuyện khôi hài. Cả những việc đứng đắn hay những trường hợp nguy nan chàng vẫn coi là trò đùa. Chả thế mà Doanh Doanh đã nhiều lần tỏ vẻ khó chịu về thái độ hoạt kê của chàng.
Nghi Lâm nói với chàng bằng một giọng tha thiết mà trong lòng chàng chỉ buồn cười. Chàng cơ hồ không chịu nổi suýt nữa cười ra tiếng.
Nghi Lâm lại nói tiếp:
– Bữa nay gia gia của tiểu ni suýt nữa bị chết treo bà bà có biết không? Lão gia bị người ta treo lên cây cao họ còn buộc vào người lão gia một giải lụa có viết câu “Người này tham dâm hiếu sắc, vô tình bạc nghĩa nhất thiên hạ”.
Vẻ mặt buồn thiu nàng nói tiếp:
– Á bà bà ơi! Gia gia của tiểu ni suốt đời chỉ biết có một mình má má thì sao lại bảo là tham dâm hiếu sắc được? Nhất định người buộc giải đã hồ đồ buộc lầm tấm giải lụa của Ðiền Bá Quang vào người gia phụ. Tiểu ni nghĩ rằng nếu họ buộc lầm thì cởi ra buộc lại vào mình gã là xong. Trời ơi! Sao lão gia lại than khóc hoài rồi còn treo mình lên cây tự tử suýt nữa phải uổng mạng.
Lệnh Hồ Xung nghe Nghi Lâm nói tới đây bất giác giật mình kinh hãi nhưng chàng cũng không khỏi cười thầm tự hỏi:
– Tại sao Bất Giới hòa thượng lại toan tự tử? Tiểu sư muội nói là đại sư suýt nữa uổng mạng thế nghĩa là lão chưa chết. Kể ra những câu viết trên hai tấm giải lụa đó đều là những lời mạt sát chẳng tử tế gì, nhưng đã cởi ra thì thôi sao còn buộc vào mình và treo cổ tự tử? Ðáng thương cho vị tiểu sư muội này còn ngây thơ chất phác chưa hiểu sự đời…
Lệnh Hồ Xung còn đang ngẫm nghĩ, Nghi Lâm lại nói tiếp:
– Ðiền Bá Quang vì việc gấp sừng sực chạy lên ngọn Kiến Tính bất ngờ gặp phải Nghi Hòa sư tỷ. Sư tỷ chẳng hỏi han gì đã vung kiếm chém liền thiếu chút nữa gã phải uổng mạng, thật là một phen hú vía.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
– Ta đã bảo bọn đàn ông ở trong Hằng Sơn biệt viện tại hang Thông Nguyên nếu không có mệnh lệnh của ta thì bất cứ là ai cũng chẳng thể lên ngọn Kiến Tính được. Ðiền huynh đã nhiều thành tích bất hảo mà Nghi Hòa sư tỷ lại nóng nẩy nên gặp Ðiền huynh rút kiếm chém liền là phải. May mà y bản lãnh cao thâm nên mới thoát chết.
Lệnh Hồ Xung nghĩ vậy toan gật đầu tỏ vẻ đồng tình nhưng chàng lập tức tự cảnh cáo:
– Ấy chết! Làm thế không được! Bất luận tiểu sư muội nói gì dù ta tán đồng hay phản đối cũng chẳng thể gật đầu hoặc lắc đầu vì mụ bộc phụ đã câm điếc thì còn nghe thấy gì nữa?
Nghi Lâm lại nói tiếp:
– Khi Ðiền Bá Quang nói rõ đến kiếm tiểu ni thì Nghi Hòa sư tỷ đã chém gã đến 17, 18 chiêu kiếm. Có điều sư tỷ thực tình không muốn giết gã nên vẫn nhẹ đòn. Tiểu ni được tin hốt hoảng chạy đến hang Thông Nguyên không thấy gia gia đâu liền hỏi thì người gần đó nói cho hay là gia gia vào trong viện vừa khóc vừa la ó om sòm. Lão gia còn nổi nóng hung hăng quá độ nên không ai dám dây lời rồi sau không hiểu lão gia đi đâu.
Nghi Lâm ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Tiểu ni tìm khắp chỗ trong biệt viện và ngoài hang Thông Nguyên chẳng thấy gia gia đâu trong lòng rất đỗi hoang mang. Tiểu ni quanh ra phía sau núi mới thấy lão gia treo lên một ngọn cây cao. Tiểu ni bồn chồn trong dạ, hốt hoảng nhảy lên thì thấy sợi dây tròng vào cổ người lão gia treo tòn ten. Thật là đức Bồ Tát còn tựa nếu tiểu ni tới chậm một chút là không kịp nữa.
Nghi Lâm nói tới đây phải ngừng lại thở hổn hển dường như bây giờ lòng nàng cũng hồi hộp như lúc đương trường.
Nàng nói tiếp:
– Sau khi được cứu tỉnh, gia gia ôm lấy tiểu ni mà khóc rống lên. Tiểu ni thấy giải lụa hồng vẫn còn buộc ở cổ lão gia. Trên giải lụa viết câu: “Ðây là kẻ tham dâm hiếu sắc, vô tình bạc nghĩa nhất thiên hạ”.
Nghi Lâm lại kể tiếp cuộc đối thoại giữa nàng và Bất Giới hòa thượng.
Tiểu ni nói:
– Gia gia! Con người đó thật là bất nhân! Hắn đã treo gia gia một lần còn chưa đủ hay sao mà treo thêm lần thứ hai này? Trước hắn buộc lầm giải lụa sao hắn không đổi lại đem gia gia đến đây treo lên cây?
Gia gia vừa khóc vừa nói:
– Không phải người ta treo gia gia lên đâu mà chính gia gia tự treo mình đó. Gia gia không muốn sống nữa.
Tiểu ni liền khuyên giải:
– Gia gia! Chắc gia gia bị người đó đánh lén một cách đột ngột mà gia gia không kịp đề phòng mới mắc tay độc thủ. Cái đó là thường chẳng lấy gì làm nhục nhã, rồi chúng ta sẽ kiếm hắn để chất vấn cho ra lẽ. Nếu hắn nói không thông thì chúng ta lại buộc giải lụa này vào cổ hắn mà treo lên, thế là hòa.
Gia gia nói:
– Giải lụa này là của ta sao lại buộc vào người khác được? Kẻ tham dâm hiếu sắc bạc hãnh vô tình đệ nhất thiên hạ là ta là Bất Giới hòa thượng. Chẳng lẽ trên cõi đời này còn có người thứ hai nào tệ hại hơn ta được? Ngươi còn bé nhỏ biết chi mà nói?
Nghi Lâm quay lại nhìn Lệnh Hồ Xung nói tiếp:
– Á bà bà! Tiểu ni nghe gia phụ nói vậy rất lấy làm kỳ liền hỏi lại: “Gia gia! vậy tấm giải lụa này không buộc lộn hay sao?” Gia gia đáp: “Dĩ nhiên là không lộn. Ta càng nghĩ càng hối hận nên tự treo mình lên… Ta đối với má má ngươi thật là bạc bẽo… bây giờ ta hối hận nên muốn tự tử. Ngươi đừng nghĩ đến ta nữa… ta không muốn sống…”
Lệnh Hồ Xung nhớ lại Bất Giới hòa thượng kể với chàng lão đem lòng say mê má má của Nghi Lâm. Vì bà là ni cô lão phải xuất gia làm hòa thượng để lấy bà làm vợ. Hòa thượng lấy ni cô thật là một chuyện ly kỳ cổ quái.
Chàng còn đoán cuộc nhân duyên này về sau lại xẩy ra biến cố. Lão thú nhận với Nghi Lâm đã phụ bạc má má nàng thì chắc là sau đó lão đi luyến ái với người khác nên lão mới tự nhận là kẻ tham dâm hiếu sắc, bạc hãnh vô tình.
Nghi Lâm lại kể tiếp:
– Tiểu ni thấy gia gia khóc lóc rất bi ai cầm lòng không đậu cũng khóc òa lên. Gia gia liền khuyên giải: “Hài tử! Ngươi đừng khóc nữa! Ta mà chết đi thì hai nhi trơ trọi một mình chịu mọi đắng cay ở đời chẳng còn ai chiếu cố cho hài nhi nữa”. Gia gia nói vậy tiểu ni càng thêm xót dạ, khóc lóc thê thảm hơn.
Nghi Lâm kể tới đây nước mắt chảy quanh, vẻ mặt cực kỳ đau khổ, nàng kể tiếp.
Gia gia lại nói:
– Ðược rồi! Ðược rồi! Ta không chết nữa là xong! Ta ở lại với hài nhi và đành chịu hối hận suốt đời với má má hài nhi.
Tiểu ni liền hỏi:
– Gia gia có điều chi hối hận với má má?
Gia gia thở dài đáp:
– Má má ngươi là một vị ni cô. Cái đó ngươi đã biết rồi. Ta vừa gặp má má ngươi liền điên đảo thần hồn ngỏ lời muốn lấy nàng làm vợ thì má má ngươi bảo: “A Di Ðà Phật! Thí chủ có ý nghĩ như vậy mà không sợ tội với đức Bồ Tát hay sao?”. Ta liền đáp: “Ðức Bồ Tát có quở phạt thì cũng chỉ quở phạt một mình ta mà thôi vì ta là thủ phạm gây nên tội lỗi”. Má má ngươi nói: “Thí chủ là người ngoài trần tục thì việc lấy vợ sinh con là lẽ thường còn bần ni đã gửi thân vào chốn Không Môn đáng lý phải lục căn thanh tịnh, lại nổi lòng trần thì dĩ nhiên đức Bồ Tát hành tội, có lý nào đức Bồ Tát trách phạt thí chủ được?”. Ta ngẫm nghĩ thấy lời má má ngươi thật đúng lý, ta quyết ý lấy má má ngươi làm vợ chứ không phải là má má ngươi muốn lấy ta. Nếu để đức Bồ Tát trách phạt má má ngươi làm phiền lụy cho nàng sau khi chết đi phải chịu đau khổ trong địa ngục thì ta thật tệ bạc với nàng vì thế ta xuất gia làm hòa thượng để sau này đức Bồ Tát có trách phạt thì cả hai vợ chồng cùng chịu chung đau khổ dưới địa ngục.
Lệnh Hồ Xung nghĩ thầm:
– Bất Giới đại sư quả là giống đa tình! Té ra vì lão muốn gánh tội chung với vợ mà xuất gia làm hòa thượng. Như vậy lão cũng là người thủy chung còn về sau lão thay lòng đổi dạ thế nào thì ta chưa hiểu rõ phải chờ nàng có thổ lộ mới biết được.