Lão nói xong đem đệ nhất kiếm về “Ðộc cô cửu kiếm” là “Tổng quát thức” theo thứ tự khẩu quyết mà giải thích từng câu. Lão lại truyền thụ cả những biến hóa phụ thuộc vào khẩu quyết.
Lệnh Hồ Xung trước kia chỉ biết cố nhớ cho bằng được khẩu quyết chứ chưa hiểu đến chỗ vi diệu bên trong. Bây giờ hắn được Phong Thanh Dương ung dung chỉ điểm, mỗi khắc hắn đều hiểu thêm một ít đạo lý về võ học thượng thặng. Mỗi khắc hắn đều học được mấy chỗ biến hóa thần kỳ xảo diệu. Bất giác hắn sung sướng quá không nhịn được, miệng không ngớt trầm trồ ca ngợi.
Một già một trẻ ở trên ngọn núi sám hối rèn luyện kiếm pháp tinh diệu về “Ðộc cô cửu kiếm”. Từ “tổng quát thức”, “phá kiếm thức”, “phá đao thức”, “phá thương thức”, “phá tiên thức”, “phá sách thức”, phá chưởng thức”, “phá tiến thức”. Học mãi cho đến đệ cửu kiếm là “phá khí thức”.
Trong phép “phá thương thức” bao quát cả việc phá giải trường thương, đại kích, tề mi côn, lang nha bổng, bạch lạp hầu, thiền trượng, quyền trượng và tất cả những món binh khí về loại này.
“Phá tiên thức” phá giải cương tiên, thiết giản, điểm huyệt quyết quai tử, nga mi thích, trủy thủ, bản phủ, thiết bài, bát giác chùy, thiết chùy. v.v….
“Phá sách thức” thì phá trường sách, nhuyn tiên, tam tiết côn, cữu tiết côn, lin tử thương, thiết liển, ngư bổng, lưu tinh chùy.v.v…
Tuy chỉ là một kiến thức nhưng nó biến hóa vô cùng. Lệnh Hồ Xung học càng xuống dưới càng thấy những chiêu số dung hợp quán thông nhau và uy lực tăng lên rất nhiều.
Ba kiếm pháp sau cùng so với sáu kiếm pháp đầu càng khó học hơn.
“Phá chưởng thức” là công phu để phá giải quyền, cước, chỉ, chưởng. Ðối phương dám để tay không địch với trường kiếm thì dĩ nhiên võ công họ đã cao thâm ghê gớm. Ðại phàm những tay cao thủ võ học, võ công đến mực thượng thặng thì trong tay có binh khí hay không cũng chẳng xa nhau là mấy.
Những quyền pháp, chỉ pháp, chưởng pháp, cước pháp trong thiên hạ vô cùng phức tạp. Nào trường quyền đoản đả, nào cầm nã điểm huyệt, nào ưng trảo hổ trảo, nào thiết sa thần chưởng .v.v…đều thuộc loại này cả.
“Phá tiến thức” thì trong chữ “tiến” gồm cả những môn ám khí. Muốn luyện môn kiếm này thì trước hết phải học nghe tiếng gió để phân biệt là ám khí gì ở phương nào bắn tới. Chẳng những chỉ dùng trường kiếm để gạt mọi thứ ám khí của địch nhân bắn tới mà còn mượn sức của đối phương để phản kích lại, tức là dùng món ám khí của địch nhân bắn tới để bắn ngược lại địch nhân.
Ðến môn thứ chín là “Phá khí thức” thì Phong Thanh Dương chỉ truyền thụ cách tụ tập khẩu quyết.
Lão nói:
– Chiêu thức này là để đối phó với những địch thủ có nội công đến bậc thượng thặng và nó phải phát xuất ra ở tinh thần. Ngày trước Ðộc cô tiền bối nhờ thứ kiếm pháp này mà vẫy vùng khắp thiên hạ.
Lão gia muốn cầu cho thua một lần không thể được vì môn kiếm pháp đó của lão đã tới trình độ xuất thần nhập hóa. Cũng là kiếm pháp phái Hoa Sơn, cùng một chiêu thức, thế mà mỗi người sử uy lực mạnh yếu khác nhau xa thì “Ðộc cô cửu kiếm” cũng vậy. Dù ngươi có học được “Ðộc cô cửu kiếm” mà lúc sử dụng lại không thuần thục thì chẳng thể nào địch nổi những tay cao thủ thông thường hiện nay.
Vậy bây giờ ngươi đã học được đủ đường lối mà muốn thắng nhiều bại ít thì còn phải khổ công tu luyện 20 năm, may ra mới có thể so tài cao thấp với những anh hùng hảo hán trong thiên hạ được.
Lệnh Hồ Xung càng học nhiều càng cảm thấy chín kiếm pháp này biến hóa vô cùng, chẳng hiểu phải mất bao nhiêu ngày mới dò ra được toàn bộ ảo diệu bên trong.
Hắn nghe thái sư thúc tổ bảo mình phải khổ luyện trong 20 năm chẳng lấy chi làm ngạc nhiên, sụp lạy nói:
– Nếu trong vòng 20 năm mà đồ tôn thông hiểu được tinh thần về cửu kiếm của Ðộc cô lão tiền bối đã sáng chế ra cũng lấy làm hân hạnh lắm rồi.
Phong Thanh Dương nói:
– Ðộc cô đại hiệp là người thông minh tuyệt đỉnh. Muốn học được kiếm pháp của lão gia, ngươi phải nhớ luôn luôn đến hai chữ “giác ngộ” chứ không phải cứ thuộc lòng mà được. Khi ngươi đã thông hiểu tinh thần về cửu kiếm thì muốn thi triển thế nào cũng được, dù ngươi có quên sạch mọi chiêu số biến hóa cũng không sao. Lúc lâm địch ngươi không còn nhớ một chút gì nữa càng không bị ràng buộc bởi những kiếm pháp đã học. Tư chất ngươi hay lắm, đúng là tài liệu để luyện kiếm pháp này. Từ đây sắp tới, ngươi ráng mà dụng công khổ luyện. Ta đi đây!
Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi hỏi:
– Thái sư thúc tổ đi đâu bây giờ?
Phong Thanh Dương cười đáp:
– Ta ở ngay phía sau hậu động này mấy chục năm. Hôm trước gặp lúc cao hứng ta ra khỏi động dạy kiếm pháp này cho ngươi chỉ hy vọng võ công tuyệt thế của Ðộc cô tiền bối không đến nỗi bị thất truyền mà thôi. Nay ngươi học hết rồi, thế là tâm nguyện ta thỏa mãn còn ở làm chi nữa mà không về?
Lệnh Hồ Xung mừng thầm nói:
– Té ra thái sư thúc tổ ở ngay phía sau hậu động thì còn gì hay bằng! Ðồ tôn có thể sớm hôm thị phụng để thái sư thúc tổ khỏi nỗi cô đơn tịch mịch.
Phong Thanh Dương tủm tỉm cười nói:
– Ngươi hãy theo ta vào đây mà coi:
Lệnh Hồ Xung theo lão tiến vào hậu động thì thấy lão đưa tay ra đẩy vách động một cái. Một tảng đá từ từ lui lại, để lộ một huyệt động.
Lệnh Hồ Xung đã vào hậu động đến mấy mươi lần mà không ngờ phía sau còn một biệt động nữa. Hắn thấy Phong Thanh Dương khoa chân bước vào biệt động này cũng toan tiến vào theo thì Phong Thanh Dương lớn tiếng bảo:
– Ngươi ngửng đầu lên mà coi!
Lệnh Hồ Xung ngửng đầu lên thấy trên nóc động có bảy chữ mầu trắng: “Qua đây là phải chết không tha”.
Hắn khiếp sợ liền dừng bước lại.
Phong Thanh Dương nghiêm nghị nói:
– Bảy chữ này do ta viết ra, không ai qua khỏi thể lệ đó. Ngươi mà bước qua cũng phải chết ngay dưới lưỡi kiếm của ta.
Lệnh Hồ Xung ấp úng gọi:
– Thái sư thúc tổ! Thái …
Hắn chưa dứt lời đã thấy Phong Thanh Dương giơ tay đẩy phiến đá đóng lại.
Lệnh Hồ Xung đứng thộn mặt ra một hồi lâu, hắn khẽ đẩy phiến đá mấy lần thì thấy nó rung động.
Giả tỷ hắn vận nội lực đẩy thì mấy cái nữa là có thể mở ra được, nhưng lập tức trong đầu óc lại hiện lên bảy chữ “Qua đây là phải giết không tha”. Tay hắn lẩy bẩy rời khỏi phiến đá.
Hắn nghĩ bụng:
– Thái sư thúc tổ đã có nghiêm lệnh như vậy, mình chẳng thể mạo muội tiến vào để lão gia nổi giận.
Lệnh Hồ Xung ở với Phong Thanh Dương mười mấy ngày, tuy hắn chỉ nghe lão bàn luận và chỉ giáo về kiếm pháp, nhưng tác phong nghị luận của lão chẳng những khiến cho hắn khâm phục mà còn có vẻ rất thân cận, hai người hợp ý tâm đầu kể sao cho xiết.
Phong Thanh Dương tuy cao hơn hắn ba đời đứng vào hàng thái sư thúc tổ, song trong lòng hắn phảng phất cảm thấy như một người tri kỷ đồng hàng. Hắn hận mình gặp lão quá muộn.
So với ân sư Nhạc Bất Quần, Phong Thanh Dương tựa hồ còn thân thiết hơn nhiều. Hai người ở với nhau đã quen hơi bén nết mà bây giờ phải chia tay một cách đột ngột, trách nào hắn chẳng bâng khuâng, bụng bảo dạ:
– Vị thái sư thúc tổ này hồi còn ít tuổi chắc cũng giống tính mình, chẳng biết sợ trời đất là gì, muốn thế nào là làm thế. Lúc lão gia dậy mình kiếm pháp đã bảo: “Ngươi sử kiếm pháp chứ không phải kiếm pháp sử người” tức là con người sống động mà kiếm pháp là phần tĩnh. Người sống động chẳng thể để cho kiếm pháp tử tĩnh ràng buộc. Lý thuyết này thật đúng quá! Vậy mà sư phụ không nói thế bao giờ?
Hắn trầm ngâm một lúc rồi lẩm bẩm:
– Kiếm thuật sư phụ đã cao minh đến thế thì khi nào lại không hiểu lý thuyết này? Có điều sư phụ thấy mình tính khí lãng mạn, nói ra sợ mình được đà khi luyện kiếm không theo qui củ nữa. Chắc sư phụ chờ mình kiếm thuật kha khá một chút rồi sẽ giải thích cho mình sau. Nhất là bọn sư đệ, sư muội võ công kém hơn dĩ nhiên không thể hiểu được kiếm lý vào hạng thượng thặng, có nói với họ cũng bằng vô dụng.
Hắn nghĩ tới đây rồi tự nhủ:
– Kiếm thuật của thái sư thúc tổ dĩ nhiên đã đến bực xuất thần nhập hóa. Ðáng tiếc là lão gia từ đây không lộ thân thủ để mình được mở rộng tầm mắt. Dĩ nhiên so với sư phụ, kiếm pháp của thái sư thúc tổ còn cao hơn một tầng.
Lệnh Hồ Xung trầm ngâm hồi lâu rồi nhớ tới nét mặt tiều tụy của lão dường như người có bệnh hoạn. Hắn tự nghĩ:
– Thái sư thúc tổ nhất định nhiều tuổi lắm rồi, lão gia ở một mình sau hậu động không ai phục thị. dĩ nhiên cô đơn hiu quạnh mà sao lại viết lên nóc biệt động một câu “Qua đây là phải chết không tha”?
Lão gia không cho kẻ khác vào thì phải, có lý nào lại cấm cả mình?
Hắn lăm le đẩy phiến đá cửa động để vào trò chuyện với Phong Thanh Dương cho hả lòng khắc khoải. Nhưng hắn nghĩ tới giọng nói nghiêm trang, vẻ mặt khắc khổ của lão lại không dám đành vuốt bụng thở dài, cầm trường kiếm trở ra rèn luyện.
“Ðộc cô cửu kiếm” tuy nói là có chín phép mà thực ra nó bao quát hết thảy võ học thiên hạ. Mỗi lần Lệnh Hồ Xung luyện tập lại hiểu thêm một ít. Hắn luyện chừng một giờ tiện tay sử ngay một chiêu thì chính là “Hữu phụng lai nghi” của Hoa Sơn kiếm pháp. Bất giác hắn ngẩn người ra lắc đầu cười gượng, miệng lẩm bẩm:
– Hỏng bét rồi!
Ðoạn hắn lại bắt đầu thi triển chiêu số về “Ðộc cô cửu kiếm”, nhưng chẳng bao lâu, tiện tay phóng ra chiêu “Hữu phụng lai nghi”. Hắn không khỏi buồn phiền tự nghĩ:
– Cái tập quán của con người tệ hại đến thế! Vì mình rèn luyện kiếm pháp bản môn thuần thục quá, đã in sâu vào óc thành thâm căn cố đế, nên lúc sử kiếm đến chỗ trôi chảy tự nhiên cho ra chiêu thức của bản môn, chứ có phải “Ðộc cô cửu kiếm” đâu.
Ðột nhiên đầu óc hắn lóe lên một tia sáng. Hắn nhớ lại lời dặn của thái sư thúc tổ là lúc sử kiếm phải cho tâm hồn khoáng đạt, thuận theo tự nhiên. Vậy thì dù có sử những chiêu kiếm pháp của bản môn cũng chẳng can gì. Thậm chí sử đến kiếm pháp của những phái Hành Sơn, Thái Sơn hay võ công của mười vị trưởng lão Ma giáo cũng chẳng sao. Nếu mình còn bứt rứt kiếm pháp này sử được, kiếm pháp kia không sử được, tức là đi vào chỗ bó buộc câu thúc. Mình cứ việc tự ý mà thi triển, còn đúng hay không chờ đến lúc thái sư thúc tổ trở ra sẽ thỉnh giáo.
Ðoạn hắn lại sử “Ðộc cô cửu kiếm”. Ðến lúc thuận đà hắn cho ra những chiêu kiếm pháp bản môn, rồi cả những chiêu tinh diệu trên vách đá rất phức tạp. Ðến trình độ này hắn không thấy việc luyện kiếm là khổ sở nữa, trái lại hắn cảm thấy vô cùng hứng thú! Có điều về Ngũ Nhạc kiếm phái và võ công Ma giáo là hai thứ tương phản nhau hoàn toàn. Về Ngũ Nhạc kiếm pháp hắn sử rất thuần thục mau lẹ, nhưng đụng đến võ công Ma giáo là chậm chạp nặng nề không thể dung hòa với “Ðộc cô cửu kiếm” được.
Lệnh Hồ Xung liệng kiếm xuống thở dài lẩm bẩm:
– Sư phụ thường nói: “Chính tà không thể đi đôi với nhau”. Bây giờ xem ra chiêu số của Ma giáo cũng kỳ dị, thì ra cả về võ công hai phái chính tà cũng không hợp nhất được.
Lệnh Hồ Xung trong tâm đã không có điều gì trở ngại, hắn chẳng cần phân biệt kiếm pháp, cứ tiện tay mà ra chiêu trong “Ðộc cô cửu kiếm” hắn sử lui sử tới đều có lẫn nhưng chiêu số các kiếm phái khác vào. Nhất là chiêu “Hữu phụng lai nghi” trở lại luôn luôn.
Hắn sử một lúc nữa, bất giác lại phóng ra chiêu “Hữu phụng lai nghi” thì động tâm, miệng lẩm bẩm:
– Nếu tiểu sư muội thấy ta sử chiêu “Hữu phụng lai nghi” thế này không hiểu nàng sẽ bảo sao?
Hắn ngừng kiếm không thu về, nét mặt dịu hòa, miệng mỉm cười.
Hồi này hắn bị Ðiền Bá Quang uy hiếp nên để hết tâm trí vào việc luyện kiếm. Cả lúc nằm mơ hắn cũng nghĩ tới những chiêu số biến hóa về “Ðộc cô cửu kiếm”.
Hình bóng Nhạc Linh San không có lúc nào lọt vào trí óc hắn. Bây giờ đột nhiên nhớ tới nàng, hắn chẳng khỏi động mối tương tư cầm lòng không đậu, nhưng rồi hắn tự hỏi:
– Chẳng hiểu nàng còn ngấm ngầm truyền thụ kiếm pháp cho
Lâm sư đệ không? Tuy sư phụ có lệng nghiêm cấm song nàng vốn là người lớn mật lại ỷ mình được sư nương sủng ái, không chừng nàng cứ lén lút tiếp tục dạy gã cũng nên. Dù nàng không dạy kiếm thì hôm sớm gặp nhau nhất định mỗi ngày một thêm thân mật.
Nụ cười của hắn biến thành cười gượng, rồi sau hắn lộ vẻ bâng khuâng sầu muộn.
Lệnh Hồ Xung uể oải từ từ thu kiếm lại.
Bỗng nghe thanh âm Lục Ðại Hữu la gọi:
– Ðại sư ca! Ðại sư ca! ….
Tiếng gọi ra chiều rất cấp bách. Lệnh Hồ Xung động tâm la thầm:
– Trời ơi! Hỏng to rồi! Thằng cha Ðiền Bá Quang bị thua xuống núi đã nói là gã không can tâm.
Phải chăng gã đánh không nổi mình lại đến cướp tiểu sư muội đem đi để uy hiếp mình phải theo lời gã?
Tiếng gọi cấp bách lên đến sườn núi. Lục Ðại Hữu tay xách thùng cơm, miệng thở hồng hộc mà chạy tới la:
– Ðại … Ðại sư ca! Nguy đến nơi rồi!…
Lệnh Hồ Xung càng nóng nảy hơn vội hỏi:
– Làm sao? Tiểu sư muội mắc chuyện gì rồi?
Lục Ðại Hữu nhảy xổ lại đặt thùng cơm xuống phiến đá đáp:
– Tiểu sư muội ư? Tiểu sư muội không sao cả .. Hỏng bét!… Tiểu đệ xem chừng sự tình không ổn mất rồi.
Lệnh Hồ Xung thấy nói Nhạc Linh San vô sự liền yên tâm đến quá nửa. Hắn thủng thẳng hỏi:
– Việc chi mà không ổn?
Lục Ðại Hữu vừa thở vừa đáp:
– Sư phụ và sư nương về rồi ….
Lệnh Hồ Xung mừng rỡ ngắt lời:
– O¬ sư phụ, sư nương đã về là hay lắm! Còn chuyện gì không ổn?
Lục Ðại Hữu đáp:
– Không không! Ðại ca không biết. Sư phụ sư nương vừa về tới, đang ngồi uống nước, bỗng thấy bọn người đến bái sơn. Trong đó có cả mấy nhân vật 4 phái: Tung Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn và Thái Sơn…
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Ngũ Nhạc kiếm phái kiếm phái đã liên minh, thì bọn họ đến thăm kiến sư phụ cũng là chuyện thường chứ có chi khẩn cấp?
Lục Ðại Hữu đáp:
– Không phải .. Ðại sư ca không hiểu. Còn ba người đi với họ nữa. Ba người này đâu cũng là người phái Hoa Sơn ta. Chúng kêu sư phụ bằng sư huynh, nhưng sư phụ lại không gọi chúng bằng sư đệ.
Lệnh Hồ Xung cảm thấy có điều khác lạ, liền hỏi:
– Có chuyện đó ư? Ba người ấy hình dạng thế nào?
Lục Ðại Hữu:
– Một người cao lớn đẫy đà, tự xưng họ Phong, tên gọi Phong Bất Bình gì gì đó. Một người là đạo nhân, và người cuối cùng thấp lùn. Hai người này đều là Bất chi chi đệ không nhớ, chỉ biết họ đứng hàng chữ “Bất”…
Lệnh Hồ Xung gật đầu nói:
– Có lẽ là bạn đồ bản phái đã bị khai trừ.
Lục Ðại Hữu đáp:
– Ðúng rồi! Ðại sư ca đoán việc như thần. Sư phụ vừa thấy bọn họ đã ra chiều khó chịu. Lão nhân gia hỏi: “Phong huynh! Cả ba vị không còn dây dưa gì đến phái Hoa Sơn nữa, thì lên đây làm chi?”
Phong Bất Bình hỏi lại: “Nhạc Bất Quần đã mua núi Hoa Sơn rồi hay sao mà cấm không cho người ta lên? Hay là ngươi được đức Ngọc Hoàng Ðại Ðế bao cho? …” Sư phụ liền ngắt lời: ” Các vị lên du ngoạn Hoa Sơn thì dĩ nhiên tùy tiện. Nhưng Nhạc Bất Quần này không phải là sư huynh của các vị nữa vậy ba chữ “Nhạc sư huynh” mà các vị vừa kêu đó xin gói ghém trả lại.”
Lục Ðại Hữu nói tới đấy ngừng lại một chút, Lệnh Hồ Xung ra vẻ sốt ruột, thúc giục:
– Rồi sau sao nữa? Sư đệ nói nốt đi!
Lục Ðại Hữu đáp:
– Thế là Phong Bất Bình giở giọng: “Ngày trước ngươi dùng âm mưu ngụy kế chiếm lấy núi Hoa Sơn, đuổi chúng ta xuống. Món nợ đó bữa nay phải thanh toán. Ngươi không muốn chúng ta kêu bằng “Nhạc sư huynh”. Hừ hừ!.. Thanh toán xong nợ nần thì dù ngươi có quì xuống đất lạy sát sứt trán năn nỉ ta kêu lấy một tiếng cũng khó lòng khiến cho bọn ta động tâm…
Lệnh Hồ Xung bất giác kêu lên:
– Ủa! …
Hắn nghĩ bụng:
– Sư phụ gặp phải mấy tay lợi hại này thật là một vấn đề khó giải quyết.
Lục Ðại Hữu nói tiếp:
– Các anh em cùng tiểu đệ nghe thấy đều căm tức vô cùng! Tiểu sư muội là người đầu tiên nổi lên quát mắng, không ngờ sư nương tính tình ôn hòa ngăn lại, không cho thóa mạ. Sư phụ hiển nhiên không coi ba người đó vào đâu, chỉ lạnh lùng nói: “Các vị muốn đòi nợ đó là món nợ gì? Cách thanh toán thế nào?” Phong Bất Bình lớn tiếng tiếng đáp: “Ngươi thoán đoạt chức chưởng môn phái Hoa Sơn đã 30 năm còn chưa đủ ư? Bây giờ phải nhường ngôi lại”. Sư phụ lại cười nói “Các vị dấy động can qua phái Hoa Sơn té ra để cướp chức chưởng môn của tại hạ. Cái đó chẳng khó gì. Chỉ cần Phong huynh tự xét mình nếu đương nổi chức chưởng môn này thì tại hạ sẽ nhường ngay”. Phong Bất Bình nói: “Ngày trước ngươi dùng âm mưu ngụy kế đoạt chức chưởng môn, bây giờ ta đã bẩm với Tứ Nhạc minh chủ tức Tả minh chủ lấy được cờ lệnh đến đây chấp chưởng phái Hoa Sơn”. Lão nói xong móc trong bọc ra một lá cờ nhỏ thì quả nhiên là Ngũ nhạc lệnh kỳ.
Lệnh Hồ Xung la lên một tiếng, ra chiều tức giận nói:
– Tả minh chủ sao lại can thiệp đến việc ngoài phạm vi của y. Công việc của phái Hoa Sơn chúng ta không thể để y can thiệp vào được. Y lấy tư cách gì mà thi hành việc phế lập ngôi chưởng môn phái Hoa Sơn?
Lục Ðại Hữu đáp:
– Phải rồi! Lúc sư nương nói vậy thì một lão già phái Tung Sơn tự xưng là người họ Tân cực lực bênh vực Phong Bất Bình. Lão nói chưởng môn phái Hoa Sơn phải để họ Phong đảm nhiệm. Lão cùng sư nương cãi vã nhau hoài. Ba người phái Thái Sơn, Hằng Sơn và Hành Sơn cũng một bè với Phong Bất Bình, đưa ra toàn những luận điệu khó nghe. Bọn họ bốn phái kết bè kết đảng với nhau để làm khó dễ cho phái Hoa Sơn ta. Ðại sư ca! Tiểu đệ thấy tình hình rắc rối to nên chạy vội lên báo tin.
Lệnh Hồ Xung hô lớn:
– Môn phái gặp tai nạn. Chúng ta là đệ tử thì dù chỉ còn một hơi thở cũng phải liền mạng vì sư phụ.
Lục Ðại Hữu nói:
– Phải rồi! Sư phụ thấy đại sư ca vì lão gia xuất lực nhất định không bắt tội đại sư ca thiện tiện xuống núi đâu.
Lục Ðại Hữu chưa dứt lời, Lệnh Hồ Xung đã chạy như bay xuống núi. Hắn vừa chạy vừa nói:
– Sư phụ có trách phạt ta cũng đành chịu. Lão gia là người quân tử không thích chuyện tranh chấp, thường khi lão gia nhừng chức chưởng môn cho kẻ khác cũng chưa biết chừng. Như vậy thì hỏng bét! Thật là hỏng bét!
Hắn thi triển khinh công chạy như bay.
Lục Ðại Hữu không đuổi kịp, gã không nghe rõ mấy câu sau hỏi dồn:
– Sao? Sao?
Ðột nhiên hai bóng người thấp thoáng vọt ra đứng giữa đường ngăn cản. Con đường núi này rất chật hẹp, một bên là vực thẳm sâu muôn trượng. Hai người xuất hiện đột ngột mà Lệnh Hồ Xung đang chạy gấp suýt nữa đụng vào người họ. Hắn vội vàng dừng bước thì chỉ còn cách hai người kia hơn một thước.
Trong hai người này thì một người bộ mặt chỗ lồi chỗ lõm còn một người thì đầy vết nhăn nheo trông mà phát khiếp. Trong lúc giật mình kinh hãi, hắn nhảy lùi lại hơn trượng quát hỏi:
– Ai?
Giữa lúc ấy, hắn phát giác ra sau lưng cũng có người liền quay đầu lại nhìn thì thấy sau lưng cũng hai bộ mặt cực kỳ xấu xa. Một người mặt lớn quá cỡ mà đỏ hồng, còn một người mặt dài như mặt ngựa.
Hai người này đứng chỉ cách hắn không đầy nửa thước, suýt nữa đụng mũi vào nhau.
Lệnh Hồ Xung kinh hãi không biết tới đâu mà nói. Hắn đứng tránh ngang ra một bước thì đã gần miệng vực thẳm. Chỗ này cũng có hai người đứng. Một người mặt đen, còn một người mặt xám như tro tàn không chút huyết sắc.
Hai người này chỉ có nửa bàn chân đặt xuống đất còn nửa bàn thò ra chỗ không thế mà vẫn đứng ngất ngưởng coi rất nguy hiểm. Ðừng nói có người đưa tay ra đẩy, chỉ một cơn gió thổi mạnh e rằng cũng đủ hất hai người đó xuống vực thẳm.
Trong khoảng thời gian chớp mắt này Lệnh Hồ Xung lọt vào giữa sáu quái nhân đứng trên con đường nhỏ không đầy ba thước mặt. Phía trước, hơi thở người phun vào mặt hắn. Sau gáy cũng thấy hơi nóng, hiển nhiên là hơi thở của hai người phía sau. Còn hai người mé tả đứng ở chỗ nguy hiểm nhất, nếu bất thình lình hắn đẩy họ xuống vực sâu thì chẳng khó gì. Nhưng dù hắn có đánh chết được hai người này vẫn chẳng thể thoát thân vì còn bốn người ở hai mặt trước sau bao vây.
Lệnh Hồ Xung muốn thò tay rút kiếm thì cả sáu người đều tiến lên nửa bước vươn tay ra giữ lấy hắn khiến hắn không sao nhúc nhích được.
Bỗng nghe Lục Ðại Hữu ở phía sau lớn tiếng hỏi:
– U¨i cha! Các người làm gì vậy?
Lệnh Hồ Xung chưa từng gặp chuyện quái dị như vậy bao giờ. Dù hắn cơ biến phi thường mà trong lúc thảng thốt này hắn rất hoang mang không có chủ ý gì.
Sáu quái nhân khác nào ma quỷ yêu tinh. Tướng mạo chúng dĩ nhiên là ghê gớm mà hành động quái dị vô cùng!
Lệnh Hồ Xung đưa hai tay về phía trước như muốn đẩy hai người phía này ra, nhưng hai tay hắn bị hai người nắm giữ thì còn đẩy làm sao được.
Trong lòng hắn lóe lên một tia sáng, hắn nghĩ thầm:
– Bọn này đúng là những ác đồ của Phong Bất Bình.
Hắn quát hỏi:
– Các ngươi là ai?
Ðột nhiên mắt hắn tối sầm lại. Một chiếc bao tải lớn chụp vào đầu rồi người hắn bị chuồn vào trong bao.
Bỗng nghe có thanh âm the thé la lên:
– Ngươi đừng sợ chi hết. Ta đưa người về gặp tiểu cô nương.
Lệnh Hồ Xung nghĩ vậy la thầm:
– Trời ơi! Té ra là đồng bọn của Ðiền Bá Quang.
Hắn lớn tiếng:
– Các ngươi không tha ta ra thì ta rút kiếm tự sát. Lệnh Hồ Xung nói sao làm vậy, thà chết chứ không chịu khuất phục.
Hắn vừa dứt lời thì hai cánh tay đã bị hai bàn tay nắm chặt tựa hồ hai chiếc đai sắt rít dần lại khiến hắn đau đớn vô cùng.
Lệnh Hồ Xung đã học “Ðộc cô cửu kiếm” biết phá giải phép cầm nã nhưng ở trong tình trạng này thì dù có bản lãnh thông thiên cũng chẳng tài nào thi triển được, chỉ ngấm ngầm kêu khổ.
Bỗng lại nghe tiếng người nói:
– Ngươi phải ngoan ngoãn. Tiểu cô nương muốn thấy mặt ngươi. Ngươi hãy nghe lời ta đừng dở trò gì nữa.
Một người khác nói:
– Chết cũng không xong. Ngươi mà tự sát thì ta phải làm ngươi chết đi sống lại.
Người này hỏi vặn:
– Gã chết là chết rồi, ngươi còn làm sao cho gã chết đi sống lại.
Người kia đáp:
– Ta hăm gã để gã đừng tự sát.
Người này đáp:
– Nếu ngươi muốn hăm gã thì đừng nói để gã biết. Nếu gã nghe thấy thì sự hăm dọa thành ra vô nghĩa.
Người kia nói:
– Ta muốn hăm gã ngươi định làm gì?
Người này đáp:
– Ta tưởng ngươi khuyên nhủ cho gã nghe lời thì hơn.
Người kia lại nói:
– Ta bao hăm dọa là hăm dọa.
Người này không chịu cãi:
– Nhưng ta thích khuyên can.
Hai người tiếp tục tranh chấp nhau hoài.
Lệnh Hồ Xung ở trong bao tải vừa kinh hãi vừa tức giận hắn lại nghe hai người này cãi lẫy thì bụng bảo dạ:
– Sáu quái nhân này tuy võ công cao cường, nhưng dường như chúng ngu xuẩn lắm.
Hắn liền la lên:
– Hăm cũng vô ích, khuyên cũng chẳng ăn thua. Các ngươi mà không tha ta ra thì ta cắn lưỡi tự sát.
Ðột nhiên hai hàm răng hắn đau nhức. Hẳn bị người bên ngoài bóp miệng.
Bỗng lại có tiếng người nói:
– Thằng nhãi này quật cường lắm! Ngươi cắn đầu lưỡi không nói được thì tiểu cô nương không thích đâu.
Người này nói:
– Ðã cắn lưỡi là chết nào chỉ phải không nói được mà thôi.
Người kia cãi:
– Vị tất đã chết. Ngươi không tin thì thử cắn xem.
Người này nói:
– Ta bảo cắn là chết nên ta không cắn. Ngươi cãi không chết thì thử cắn coi.
Người kia nói:
– Ta ngu gì mà lại tự cắn lưỡi mình. À có rồi! Kêu hắn lại đây cắn lưỡi!
Bỗng nghe Lục Ðại Hữu la lên một tiếng “úi chao”. Hiển nhiên đã bị bọn quái nhân bắt được.
Người kia lại nói:
– Ngươi thử cắn xem có chết không? Lẹ lên!
Lục Ðại Hữu la lớn:
– Ta không cắn! Ta không cắn!
Lệnh Hồ Xung đột ngột thét lên một tiếng làm bộ đau đớn lắm.
Bỗng nghe một quái nhân hỏi:
– Mi đừng giả vờ nữa. Ta đã bóp chặt miệng ngươi hai hàm răng không nhúc nhích thì cắn lưỡi làm sao được?
Lệnh Hồ Xung lại la:
– Thả ta ra! Thả ta ra!
Nhưng hắn bị bóp miệng, hao hàm răng không cử động tự do được nên tiếng la của hắn rất khó nghe.
Bỗng nghe hai tiếng roạc roạc! Bao tải bị thủng. Hai cánh tay hắn bị hai quái nhân kéo qua lỗ thủng ra ngoài. Lão già mặt nhăn nheo nói:
– Nếu ngươi chịu nghe ta đừng tự sát thì ta sẽ tha ra.
Dứt lời lão buông tay ra khỏi quai hàm Lệnh Hồ Xung.
Hai quái nhân phía sau đang bức bách Lục Ðại Hữu cắn đầu lưỡi xem có chết không để rút kinh nghiệm. Lục Ðại Hữu la lên:
– Ta không cắn! Cắn nhất định là phải chết.
Một quái nhân cũng nói:
– Ðúng rồi! Ðứt đầu lưỡi là chết! Chính gã cũng nói như thế.
Quái nhân kia cãi:
– Ta bảo không chết thì đã sao?
Quái nhân nọ tức mình nói:
– Ngươi không cắn nên không chết. Nếu cắn là phải chết.