Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 2 – Trong tửu quán phát sinh án mạng

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Phước Oai tiêu cục, ngoài tổng cục ra có thêm 12 phân cục. Tiêu cục này tiền nhiều thế mạnh, nắm được rất nhiều tay cao thủ võ lâm.

Trong vòng hai chục năm nay nhiều lộ ở các tỉnh không được yên tĩnh, cũng có một số người bảo tiêu gặp phải mấy vụ rắc rối, nhưng những tay hảo thủ trong 12 tiêu cục mà kéo hết ra thì những vụ tày đình cũng giải quyết ngay được.

Lâm Chấn Nam phu nhân người họ Vương cũng là dòng dõi danh gia võ lâm. Tuy bản lãnh phu nhân không cao cường cho lắm, song phụ thân bà ta là Kim Đao Vô Địch Vương Nguyên Bá làm chưởng môn phái Kim Đao ở Lạc Dương thì dưới trướng lại lắm nhân tài xuất chúng.

Sau khi hai họ Lâm, Vương kết thông gia rồi, hai nhà chiếu cố lẫn nhau, tiêu cục Phước Oai liền được một lực lượng rất lớn viện trợ cho.

Vương phu nhân chỉ sinh hạ được một cậu con trai là Lâm Bình Chi.

Lâm Bình Chi từ thuở nhỏ được phụ thân săn sóc, rất gắt gao và dạy chàng ba môn tuyệt kỹ là kiếm, chưởng và tin. Có lúc chàng còn được mẫu thân truyền đao pháp của phái Kim Đao cho. Lâm Chấn Nam lại mời một vị thâm nho để dạy Lâm Bình Chi đọc sách. Nhưng chàng không thích học chữ, thường trong ba ngày thì có đến hai ngày trốn học. Năm nay chàng đã mười tám tuổi mà chưa học hết tứ thư. May ở chỗ Lâm Chấn Nam chỉ muốn chàng chuyên về nghề võ, không mong chàng đọc sách để thi đỗ hoặc đạt tới bước công danh, nên chàng trốn học hay không, ông cũng chẳng hỏi đến.

Hôm ấy Lâm Bình Chi đem hai vị tiêu đầu họ Sử và họ Trịnh cùng hai tên chạy cờ hiệu là Bạch Nhị, Trần Thất trong tiêu cục theo chàng đi săn ở ngoài thành phía Tây.

Lâm Bình Chi cưỡi ngựa bạch. Con ngựa này là một giống ngựa danh câu ở Tây vực mà bà ngoại chàng đã mua để mừng ngày sinh nhật năm chàng 17 tuổi. Nó chạy nhanh như gió nên chàng rất quý.

Năm người kỵ mã vừa ra khỏi cổng thành Lâm Bình Chi thúc mạnh vế một cái, con ngựa tung cao bốn vó bay lao đi rất mau. Chỉ trong khoảnh khắc là đã bỏ rơi bốn con ngựa kia ở lại đằng sau khá xa.

Lâm Bình Chi cho ngựa chạy lên sườn núi rồi thả chim ưng cho bay vào rừng. Có một đôi thỏ vàng chạy ra. Lâm Bình Chi tháo cung ở trên lưng xuống, móc lấy một mũi tên trong túi da đeo ở bên yên ngựa.

Chàng giương cung, lắp tên bắn đến tách một phát. Một con thỏ trúng tên ngã liền, còn một con nữa vội chạy trốn vào trong bụi cỏ rậm, chẳng thấy đâu nữa.

Trịnh tiêu đầu vọt ngựa tới nơi vừa cười vừa trầm trồ:

– Tiêu pháp của Thiếu tiêu đầu thật là tuyệt diệu!

Bỗng nghe Bạch Nhị ở mé tả khu rừng la gọi:

– Thiếu tiêu đầu! Lại đây mau! Chỗ này có dã kê.

Lâm Bình Chi phóng ngựa chạy tới, thấy một con bạch trĩ ở trong rừng bay ra. Chàng bắn một phát nhưng không trúng, mũi tên lướt qua đầu con dã kê. Chàng liền vung roi ngựa vụt đánh véo một cái.

Con dã kê trúng roi rớt xuống. Những lông ngũ sắc của nó rụng ra tung bay trước gió.

Cả năm cùng cười rộ.

Sử tiêu đầu cất tiếng khen:

– Phát roi này của thiếu tiêu đầu, đừng có nói con dã kê mà là con chim ưng lớn cũng phải nhào xuống.

Năm người chạy lui chạy tới trong khu rừng. Hai vị tiêu đầu cùng hai tên đuổi muông săn đều muốn dâng công Lâm Bình Chi, cứ dồn chim muông cho chạy đến trước mặt chàng, dù họ có gặp dịp may cũng không hạ thủ.

Cuộc săn bắn kéo dài chừng hơn một giờ, Lâm Bình Chi bắn được đôi thỏ rừng, và một cặp dã kê, nhưng không được một con thú lớn nào như lợn rừng, hươu, nai cả. Chàng chưa được hoàn toàn thỏa mãn, liền nói:

– Chúng ta qua khu rừng trước mặt kia săn một lúc nữa.

Sử tiêu đầu bụng bảo dạ:

– Nếu còn qua bên đó thì anh chàng thiếu tiêu đầu này tất săn bắn cho đến tối mịt mới chịu ra về.

Bọn mình sẽ bị phu nhân trách oán.

Nghĩ vậy hắn liền nói:

– Trời sắp tối rồi mà trong khu rừng đó toàn đá mọc nhọn hoắt. Trong bóng tối mò, vó con bạch mã tất bị thương mất. Để sáng mai chúng ta đi sớm hơn sẽ qua đó chắc săn được lợn rừng.

Sử tiêu đầu đã biết Lâm Bình Chi bản tính ngang ngạnh khuyên can cách nào, chàng cũng không chịu nghe. Nhưng chàng quý con bạch mã hơn cả tính mạng, hắn liền nhắm vào yếu điểm đó để can ngăn tiểu chủ nhân.

Quả nhiên Sử tiêu đầu vừa nói vậy, Lâm Bình Chi vỗ vào đầu ngựa đáp:

– Con tiểu tuyết long này thông minh lắm, quyết nó không dẫm lên đá nhọn đâu. Có điều ta sợ bốn con ngựa của các ngươi thì không được thế. Thôi được! Chúng ta quay về đi kẻo làm bể đít gã Thất Trần.

Năm người cùng cười ồ rồi bắt ngựa quay đầu.

Lâm Bình Chi phóng ngựa chạy vọt đi nhưng không theo đường cũ lại vọt qua mé bắc. Chàng cho ngựa phi nước đại một hồi, sau hết hứng mới cho đi thong thả lại.

Bỗng thấy trên đường phía trước có treo một cái một cái chiêu bài bán rượu. Trịnh tiêu đầu đề nghị:

– Thiếu tiêu đầu! Chúng ta thử vào uống một chén xem sao? Nhắm rượu bằng thịt thỏ tươi và thịt kê nướng thì thật là tuyệt!

Lâm Bình Chi cười đáp:

– Té ra ngươi theo ta đi săn là giả dối, uống rượu mới lá chính đề. Nếu không cho uống thỏa thích thì bữa mai lại vênh vênh cái mặt không chịu đi nữa.

Chàng nói rồi lẹ làng nhảy xuống ngựa, đủng đỉnh tiến vào trong quán.

Lâm Bình Chi đi thẳng vào cửa quán rượu. Mọi khi lão chủ quán người họ Thái thấy chàng tới nơi là chạy ra đón lấy dây cương vồn vã chào hỏi và đưa ra chẳng thiếu lời chúc tụng:

– Bữa nay thiếu tiêu đầu đi săn chắc là được nhiều món dã vị ngon lành. Tin pháp của thiếu tiêu đầu thần diệu phi thường, trên đời hiếm có.

Nhưng bữa nay khác với mọi lần, Lâm Bình Chi tới nơi thấy trong tửu quán lặng ngắt. Bên lò rượu chỉ có một thiếu nữ áo xanh tóc trên đầu buộc lại thành hai bím và cài một cái cành thoa mộc mạc.

Thiếu nữ đang mải trông nom việc cất rượu. Nàng quay mặt vào phía trong. Thấy có người đến cũng chẳng quay đầu nhìn ra.

Trịnh tiêu đầu lên tiếng hỏi bô bô:

– Lão Thái đâu? Sao không ra dắt ngựa?

Hai tên chạy cờ hiệu: Bạch Nhị và Thất Trần kéo chiếc ghế dài ra, lấy tay áo phủi bụi bặm để chủ nhân ngồi.

Sử, Trịnh hai vị tiêu đầu ngồi mé dưới bồi tiếp Lâm Bình Chi. Còn hai tên hầu Bạch Nhị và Thất Trần thì ngồi riêng một chỗ.

Bỗng nghe phía trong có tiếng người ho hắng, rồi một lão già đầu tóc bạc phơ bước ra chào:

– Mời quan khách ngồi chơi. Các vị có xơi rượu không?

Lão nói nghe khẩu âm lạ tai chứ không phải người địa phương này.

Triệu tiêu đầu xẵng giọng đáp:

– Chẳng uống rượu, d thường vào đây uống trà chăng? Hãy lấy đem đây ba cân Trúc diệp thanh.

Hắn lại hỏi luôn:

– Lão Thái đi đâu? Quán rượu này đổi chủ rồi chăng?

Lão kia đáp:

– Dạ, dạ! Xin có ngay.

Lão quay vào bảo thiếu nữ:

– Uyển nhi! Lấy ba cân trúc diệp thanh để quan khách uống.

Rồi lão nói tiếp:

– Tiểu lão họ Tát, nguyên quán ở đây. Tiểu lão xuất ngoại từ thuở nhỏ làm nghề buôn bán xuồng xĩnh để sinh nhai. Con trai, con dâu chết hết rồi. Tiểu lão nghĩ tới câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” nên đem con cháu này về cố hương. Ngờ đâu bỏ nhà đi năm chục năm trời, bao nhiêu thân bằng cố hữu nơi quê nhà chẳng còn một ai. May mà gặp lão Thái đây không muốn hành nghề nữa, bán quán này lại cho tiểu lão lấy ba chục lạng bạc. Hỡi ôi! Bây giờ về đến cố hương rồi, nghe chuyện người ta nói, trong lòng chẳng lấy chi làm thích thú nữa.

Giữa lúc này, thiếu nữ áo xanh cúi đầu đem một cái bàn gỗ kê ở trước mặt bọn Lâm Bình Chi, nàng đặt đũa chén xuống mặt bàn rồi lại cúi đầu lui ra. Thủy chung nàng vẫn chẳng dám nhìn khách một cái nào.

Lâm Bình Chi thấy cô gái thân hình mũm mĩm, nhưng nước da bánh mật. Mặt nàng lại rỗ như cái tổ ong bầu. Chàng cho đây là lần đầu tiên cô làm nghề bán rượu, nên cử chỉ hãy còn ngượng nghịu cũng không để ý.

Sử tiêu đầu cầm một con dã kê và một thỏ rừng đưa cho lão Tát bảo:

– Lão đem mổ và rửa cho sạch sẽ rồi nấu nướng làm hai bát.

Lão Tát đáp:

– Dạ, dạ! Các vị muốn nhắm rượu thì hãy tạm dùng ít thịt bò đậu phụng…

Uyển nhi nghe ông nói thế, nàng không chờ ông sai bảo liền đi lấy thịt bò và mấy thứ rau đậu đặt lên bàn.

Trịnh tiêu đầu giới thiệu:

– Lâm công tử đây là thiếu tiêu đầu Phước Oai tiêu cục. Thiếu tiêu đầu là bậc thiếu niên anh hùng, chuyên làm việc nghĩa hiệp, vung tiền như cỏ rác. Nếu lão nấu hai món kia ngon lành vừa dạ thiếu tiêu đầu thì số bạc vốn ba chục lạng của lão đó chẳng mấy ngày thu về đủ.

Tát lão đầu nói:

– Dạ, dạ! Tiểu lão xin đa tạ.

Rồi lão xách con dã kê và con thỏ rừng đi ra ngoài.

Trịnh tiêu đầu rót rượi vào ly cho Lâm Bình Chi và Sử tiêu đầu rồi tự rót vào ly của mình. Hắn nâng ly rượu ngửa cổ lên uống một hơi cạn sạch. Hắn thò đầu lưỡi ra liếm mép rồi nói:

– Quán đổi chủ, nhưng rượu vẫn y nguyên, không biến đổi mùi vị. Hắn rót ly nữa toan uống, bỗng nghe có tiếng vó ngựa vọng lại.

Hai người kỵ mã từ mé bắc đường quan đạo đi tới. Hai con ngựa này chạy rất nhanh, loáng cái đã đến ngoài cửa quán rượu.

Một người lên tiếng:

– Nơi đây có quán rượu. Hãy vào uống mấy ly đã!

Sử tiêu đầu qua lại nhiều trên chốn giang hồ. Hắn nghe khẩu âm biết ngay là người ở Xuyên Tây.

Mọi người quay đầu nhìn ra cửa quán thấy hai hán tử đầu đội nón lá, mình mặc áo bào xanh.

Hai hán tử buộc ngựa vào gốc cây, bỏ nón ra rồi đi vào trong quán. Chúng liếc mắt ngó qua bọn Lâm Bình Chi một cái rồi oai vệ ngồi xuống.

Hai hán tử này đều đầu quấn vải trắng, mình mặc áo xanh ra vẻ văn nhân. Chân hai gã đi dép mũ.

Sử tiêu đầu biết cách ăn mặc này là đúng kiểu Xuyên Tây. Sở dĩ họ đội khăn trắng là có ý để tang Gia Cát Lượng mất đi. Nhân Võ Hầu được người đất Xuyên rất kính yêu như một đấng thần minh, họ để tang ông rồi tục đó đã hơn ngàn năm, chiếc khăn trắng vẫn không rời khỏi đầu họ.

Lâm Bình Chi thấy cách phục sức của hai hán tử như vậy rất lấy làm kỳ, bụng bảo dạ:

– Mấy người này văn chẳng ra văn, võ chẳng ra võ, điệu bộ thật là cổ quái.

Bỗng nghe gã ít tuổi la lên:

– Lấy rượu đây! Lấy rượu đây! Này Giả huynh tỉnh Phúc Kiến lắm núi quá, đi nhiều rất hại sức ngựa.

Uyển nhi cúi đầu đến trước mặt hai hán tử nói rất khẽ:

– Các vị dùng rượu gì?

Tuy thanh âm nói nhỏ nhưng rất trong trẻo lọt vào tai. Gã hán tử ít tuổi ngẩn người ra một chút rồi nổi lên tràng cười ha hả.

Gã hán tử kia vừa cười rộ vừa thò tay đưa vào dưới cằm cô bé nâng cho ngẫng mặt lên để nhìn, vì lúc nào cô cũng cúi đầu xuống. Gã cười nói:

– Đáng tiếc ôi là đáng tiếc.

Cô bé sợ quá vội lùi lại.

Hán tử họ Giả cười nói:

– Vị cô nương này bắp thịt nở nang có vẻ ngon lắm. Nhưng lão Dư mà động vào cô ta thì cái mặt hổ phù của cô nổi lên dữ lắm đó.

Gã hán tử họ Dư lại cười ha hả.

Lâm Bình Chi thấy thái độ ngông cuồng của hai gã hán tử kia, tức giận đầy ruột, giơ tay phải lên đập xuống bàn đánh chát một tiếng rồi quát hỏi:

– Hai con chó đui mắt ở đâu mà dám đến đất Phúc Châu chúng ta đây giở thói ngông cuồng?

Gã họ Dư cười nói:

– Giả lão nhị! Người ta đang chửi đổng đấy. Lão thử đoán xem “con thỏ” đó thóa mạ ai nào?

Nguyên Lâm Bình Chi tướng mạo giống hệt mẫu thân chàng, lại mày thanh mắt sáng, vẻ người xinh đẹp khác thường. Ngày thường h gã trai nào nheo mắt ngó chàng một cái là chàng cho ngay cái bạt tai. Bây giờ hán tử kia lại nhại chàng bằng danh từ “con thỏ” thì chàng còn nhịn làm sao được?

Chàng liền vớ ngay hồ rượu liệng qua.

Hán tử họ Dư né tránh, hồ rượu bắn ra đám cỏ ngoài tửu quán. Rượu đổ ra tung tóe.

Sử tiêu đầu và Trịnh tiêu đầu liền đứng lên chạy đến bên hai gã kia.

Gã họ Dư cười nói:

– Thằng nhỏ đó mà làm cô đào lên hí đài múa hát thì còn có thể thu hút được một số khán giả, chứ muốn đấu võ thì không được đâu.

Trịnh tiêu đầu quát lên:

– Vị này là thiếu tiêu đầu Phước Oai tiêu cục. Ngươi dám đến đây vuốt râu hùm thì thiệt là lớn mật.

Hắn chưa dứt lời đã vung quyền đánh vào mặt đối phương. Gã hán tử họ Dư xoay tay trái một cái chụp vào huyệt mạch môn Trịnh tiêu đầu rồi đẩy mạnh một cái. Trịnh tiêu đầu đứng không vững, người hắn đụng mạnh vào cái bàn gỗ. Rắc rắc mấy tiếng vang lên. Hai chân bàn đã gãy rời. Trịnh tiêu đầu bị nắm chặt cổ tay, người hắn ngã chúi về phía trước. Hán tử họ Dư giơ khuỷu tay lên thúc mạnh xuống sau gáy Trịnh tiêu đầu khiến hắn không sao đứng dậy được. Trịnh tiêu đầu tuy chưa được kể vào hàng cao thủ trong Phước Oai Tiêu Cục, nhưng cũng không phải là hạng tầm thường.

Sử tiêu đầu thấy họ Trịnh bị hán tử kia mới đánh một đòn đã ngã chúi thì biết đối phương là là một nhân vật có lai lịch. Hắn liền hỏi:

– Tôn giá là ai? Đã là bạn đồng đạo võ lâm, chẳng lẽ lại coi Phước Oai tiêu cục không vào đâu?

Hán tử họ Dư cười lạt đáp:

– Phước Oai tiêu cục ư? Ta chưa nghe nói đến cả. Cái đó làm trò gì?

Lâm Bình Chi vọt người lại quát:

– Cái đó chỉ chuyên đánh hạng chó má!

Chàng vừa quát vừa phóng chưởng bên trái đánh ra. Rồi không chờ đòn này đánh tới nơi, tay phải lại xuyên qua tay trái phóng luôn chưởng thứ hai. Đó là chiêu “Vân lý càn khôn” trong phép “Phiên thiên chưởng” tổ truyền của nhà chàng.

Gã họ Dư nói:

– Bữa nay có một cặp đào hát chứ không phải một…

Gã vung chưởng lên gạt. Còn tay phải nhằm chụp xuống vai bên hữu Lâm Bình Chi. Lâm Bình Chi lún thấp vai bên hữu xuống, tay phải phóng chưởng đánh ra. Gã họ Dư nghiêng đầu né tránh. Không ngờ

“Phiên thiên chưởng” gia truyền của nhà họ Lâm biến hóa kỳ diệu vô cùng. Gã họ Dư vừa thấy mình tránh được một quyền thì quyền bên trái Lâm Bình Chi đột nhiên xòe ra, biến quyền thành chưởng. Quyền đang bổ thẳng xuống, chưởng đột nhiên quét tạt ngang thành chiêu “Vụ lý khán hoa”. “Bốp” một tiếng! Gã họ

Dư bị một cú tát tai. Gã tức giận phóng cước đá Lâm Bình Chi. Lâm Bình Chi xuyên sang mé hữu trả lại một cước.

Lúc này Sử tiêu đầu đã đang động thủ cùng hán tử họ Giả.

Gã Bạch Nhị lại nâng Trịnh tiêu đầu dậy.

Trịnh tiêu đầu ngoác miệng ra mà chửi rủa. Hắn nhảy vào giáp công hán tử họ Dư. Nhưng Lâm

Bình Chi bảo hắn:

– Ngươi qua bên kia giúp Sử tiêu đầu. Con chó này để mình ta phát lạc cũng xong.

Trịnh tiêu đầu biết chàng có tính cương cường, hiếu thắng, không muốn người khác vào trợ chiến

thành thế hai người đánh một. Hắn liền lượm lấy cái chân bàn gãy quay sang đánh gã họ Giả.

Hai tên chạy cờ hiệu Bạch Nhị, Thất Trần chạy ra ngoài cửa. Một tên rút thanh bảo kiếm ở bên

yên ngựa của Lâm Bình Chi, còn một tên cầm cây đinh ba trỏ vào mặt gã họ Dư mà thóa mạ. Trong tiêu

cục thì những tên này võ nghệ tầm thường, nhưng chúng chuyên việc chạy cờ, xướng tiêu hiệu nên thanh âm rất vang dội. Hai gã chửi mắng bằng tiếng thổ âm Phúc Châu, nên hai gã kia người ở Tứ Xuyên chẳng hiểu gì cả, nhưng chúng cũng biết đó là những câu chẳng tốt đẹp gì.

Tát lão đầu ở trong bếp cũng đã chạy ra. Uyển nhi đứng tựa vào gia gia. Hiển nhiên nàng khiếp sợ vô cùng.

Lâm Bình Chi động thủ đã đến lúc hào hứng. Tiện đà chàng đá bàn ghế trong quán bắn vào một xó rồi lần lượt thi triển những chiêu thức mà phụ thân chàng đã truyền thụ cho.

Lâm Bình Chi bắt đầu luyện võ từ ngày lên sáu. Đến nay chàng đã có 12 năm công phu. Về môn

“Phiên thiên chưởng” suốt 12 năm trời không gián đoạn một ngày nào, ít ra chàng đã luyện có đến hàng vạn lần nên thành thuộc lắm rồi. Ngày thường chàng cùng các vị tiêu sư phân tích, chiết giải chưởng pháp.

Một là chàng đã luyện môn chưởng pháp tối truyền này đến chỗ tinh diệu phi thường. Hai là đối với tiêu chủ nhân quật cường hiếu thắng, ai cũng nhường nhịn vài phần, chẳng tội gì mà đem thực lực ra tranh thắng với chàng, để đi đến chỗ cả hai bên cùng bị hại.

Vì thế nên tuy chàng đã thâu lượm được nhiều kinh nghiệm lâm địch, nhưng gặp cuộc tỷ đấu chân chính lại rất ít. ở trong và ngoài thành Phúc Châu, chàng họa hoằn cũng có khi động thủ, nhưng toàn là những hạng mèo què chưa sạch nước cản thì địch làm sao lại với tuyệt nghệ của nhà họ Lâm. Chỉ trong mấy chiêu là chàng đã đánh người ta mặt mũi sưng húp lên phải chạy trốn ngay.

Lần này Lâm Bình Chi động thủ với gã hán tử họ Dư, mới trong mười mấy chiêu mà tính khí kiêu căng của chàng đã bị chùn nhụt. Chàng biết đối phương là tay đáo để, vì chàng đã thi triển chưởng pháp đến chỗ biến ảo kỳ diệu đánh trúng vào vai, vào ngực gã ba chưởng mà gã vẫn chưa coi ra gì. Miệng gã không ngớt nói trăng, nói cuội:

– Tiểu huynh đệ! Ta càng nhìn tiểu huynh đệ càng thấy rõ chú không phải là đàn ông, mà nhất định là một vị đại cô nương hóa trang. Má chú vừa trắng lại vừa hồng. Chú cho ta hôn một cái vào mặt có hay hơn không, tội gì mà choảng nhau hoài?

Gã họ Dư còn dơ miệng nói nhăng, đủ tỏ ra đối với Lâm Bình Chi gã chẳng quan tâm gì mấy.

Lâm Bình Chi thấy gã ăn nói hỗn xược, dám đem mình ra làm trò chơi thì chàng cáu giận vô cùng.

Chàng lại đưa mắt nhìn qua bên kia thì thấy hai tiêu đầu họ Sử và họ Trịnh giáp công hán tử họ Giả mà vẫn kém thế.

Trịnh tiêu sư bị một quyền đánh trúng mũi khá nặng, máu tươi chảy ra làm cho vạt áo loang lổ đỏ lòm.

Lâm Bình Chi càng phóng chưởng đánh nhanh hơn. Bỗng nghe “bốp” một tiếng. Gã họ Dư lại trúng một cái tát tai. Đòn này chàng đánh rất nặng.

Gã họ Dư tức quá gầm lên:

– Con rùa nhỏ này thiệt ngu ngốc không biết gì. Lão gia thấy ngươi xinh đẹp như một vị tiểu cô nương, nên đùa chơi với ngươi một lúc. Thế mà con rùa đánh lão gia thiệt sự.

Gã biến đổi quyền pháp một cách đột ngột, đánh ra như gió táp mưa sa. Hai người vừa đánh vừa xích dần ra ngoài cửa tửu quán.

Lâm Bình Chi thấy đối phương phóng quyền đánh thẳng vào giữa, chàng nhớ ngay tới khẩu quyết có chữ “tá”, liền đưa tay trái ra gạt. Không ngờ tý lực của gã họ Dư mạnh quá, chàng không gạt được, trước ngực lại bị trúng quyền đánh huỵch một tiếng.

Giữa lúc Lâm Bình Chi lảo đảo người đi, cổ áo chàng bị tay trái đối phương nắm được. Gã vít cánh tay xuống khiến nửa người chàng phải cong đi. Đoạn tay phải gã sử chiêu “Thiết môn hạm” gác ngang vào sau gáy chàng.

– Con rùa ơi! Mi dập đầu lạy ta ba lạy kêu lên ba tiếng: Hảo thúc thúc! Rồi ta buông tha mi.

Hai vị tiêu sư họ Sử và họ Trịnh trông thấy cả kinh, muốn bỏ đối thủ chạy lại ứng cứu Lâm Bình

Chi, nhưng gã họ Giả phóng cả quyền cước đánh tới tấp, không để cho hai người bỏ đi được.

Tên hầu Bạch Nhị giơ đinh ba lên nhằm đâm vào sau lưng gã họ Dư. Gã vừa đâm vừa la:

– Mi có mấy đầu mà còn chưa buông tay ra?…

Gã họ Dư không quay đầu lại, phóng chân trái đá ngược về phía sau, trúng cái đinh ba bắn ra xa mấy trượng. Rồi chân phải lại đá theo một cước liên hoàn khiến cho gã Bạch Nhị lăn lộn đi mấy vòng mãi không dậy được.

Thất Trần lớn tiếng thóa mạ:

– Con rùa đen đê tiện kia! Mẹ quân lộn giống! Con bà mi đẻ ra đứa đui mắt.

Gã mắng mỗi câu lùi lại một bước. Gã mắng tám chín câu, lùi lại tám chín bước liền.

Hán tử họ Dư vừa cười vừa nói:

– Đại cô nương! Cô không chịu lạy ư?

Rồi gã đè mỗi lúc một thấp xuống hơn khiến cho trán Lâm Bình Chi gần sát đất.

Lâm Bình Chi cố nắm quyền tống vào bụng gã họ Dư luôn mấy cái nhưng thủy chung vẫn còn cách xa mấy tấc, không sao đánh trúng được. Chàng cảm thấy xương cổ đau ê ẩm, tưởng chừng như gãy đến nơi. Mắt nảy đom đóm, tai ù càng cạc. Hai tay chàng đánh đấm loạn lên. Đột nhiên đụng phải một vật cứng rắn ở dưới bắp chân. Trước tình trạng cấp bách, chàng không nghĩ ngợi gì nữa, liền rút ngay ra đâm mạnh về phía trước, cắm trúng vào bụng dưới gã họ Dư.

Hán tử họ Dư đau quá rú lên một tiếng rồi buông tay ra, lùi lại hai bước. Mặt gã lộ vẻ khủng khiếp vô cùng. Bụng dưới gã có lưỡi trủy thủ sắc vàng cắm ngập đến tận chuôi. Mặt gã hướng về phía Tây, bóng tịch dương chiếu vào đuôi đao lấp loáng. Gã há miệng muốn nói mà không thốt ra lời, muốn thò tay ra rút đao trủy thủ mà cũng không dám.

Chọn tập
Bình luận