Lệnh Hồ Xung thấy ba đầu ngón tay lạnh buốt đặt lên cổ tay mình. Ba ngón tay này rất mềm không giống như da thịt bà già.
Bà chỉ sờ mạch trong giây lát đã la lên:
– Ô hay! sao lạ thế này?
Lát sau bà bảo đưa tay phải vào.
Bà chẩn mạch xong hồi lâu không nói gì.
Lệnh Hồ Xung tủm tỉm cười nói:
– Tiền bối bất tất phải lo ngại đến vấn đề sinh tử cho đệ tử. Ðệ tử biết mình chẳng còn sống được bao lâu. Bất luận việc gì đệ tử cũng không quan tâm nữa.
Bà già hỏi:
– Sao ngươi lại tự biết sinh mệnh không còn được lâu dài?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Ðệ tử ngộ sát sư đệ, làm thất lạc “Tử hà bí lục” của sư môn. Bây giờ chỉ mong tìm được bí lục về phụng hoàn sư phụ rồi tự hủy mình để tạ tội với sư đệ.
Bà già hỏi:
– “Tử hà bí lục” ư? Nó là cái gì mà quan trọng thế? Sao ngươi lại ngộ sát sư đệ?
Lệnh Hồ Xung liền đem việc Ðào cốc lục tiên trị thương cho hắn thế nào, sáu luồng chân khí xung đột trong người hắn ra sao cho đến việc sư muội lấy cắp bí lục để hắn tự điều trị thương thế, vì hắn cự tuyệt mà Lục sư đệ cứ đọc bí lục bắt hắn phải nghe nên hắn mới điểm huyệt cho Lục Ðại Hữu phải nằm yên, hắn ra tay nặng quá làm chết sư đệ, nhất nhất thuật lại.
Bà già nghe xong nói:
– Không phải ngươi giết sư đệ đâu.
Lệnh Hồ Xung giật mình hỏi:
– Không phải đệ tử giết ư?
Bà già đáp:
– Chân khí ngươi yếu ớt thế thì điểm chết thế nào được gã. Sư đệ ngươi bị kẻ khác giết.
Lệnh Hồ Xung lẩm bẩm:
– Thế thì ai đã giết Lục sư đệ?
Bà già nói tiếp:
– Người ăn cắp bí lục chưa chắc đã là phải kẻ giết sư đệ ngươi. Nhưng hai tên đó tất có liên quan với nhau.
Lệnh Hồ Xung thở phào một cái tưởng chừng cất được phiến đá lớn trên người hắn.
Lệnh Hồ Xung vốn là người cực kỳ thông minh. Ngay lúc đấy hắn đã nghĩ tới mình điểm huyệt Lục Ðại Hữu rất nhẹ nhàng thì làm sao mà gã chết được? Nhưng trong thâm tâm hắn vẫn cho là vì mình điểm huyệt nên gã phải chết. Làm người nam tử trượng phu có lý đâu lại từ chối trách nhiệm để gỡ lấy cho mình?
Mấy bữa nay Nhạc Linh San đối với hắn ra chiều lãnh đạm thành bị thất tình không muốn sống nữa. Lúc này bà già đề cập đến hắn nẩy lòng phấn khích, miệng lẩm bẩm:
– Báo thù! Ta phải báo thù cho Lục sư đệ.
Bà già lại hỏi:
– Ngươi bảo trong mình có 6 luồng chân khí xung đột, nhưng lão thân coi mạch có đến tám chứ không phải là sáu, là nghĩa làm sao?
Lệnh Hồ Xung bật cười. Hắn đem việc Bất Giới hòa thượng trị bệnh cho mình kể lại.
Bà già đổi giọng nói:
– Tính tình các hạ sáng láng. Kinh mạch tuy hỗn loạn mà không có vẻ suy kiệt. Lão thân gảy một khúc đàn để cho các hạ phẩm bình nên chăng?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Tiền bối đã có lòng chiếu cố, đệ tử xin ghi tâm.
Bà già lại dạo đàn. Lần này khúc điệu rất nhu hòa khác nào người khẽ thở dài, lại giống như sương mai thấm nhuần cánh hoa, gió sớm phất phơ ngọn liu.
Lệnh Hồ Xung nghe một lúc nữa, mí mắt càng trầm trọng. Hắn tự nhủ:
– Không thể ngủ được. Mình đang nghe bậc tiền bối gảy đàn mà ngủ là vô lễ.
Tuy hắn cố giữ cho tỉnh táo má không sao chống lại được con ma buồn ngủ.
Lát sau mắt hắn nhắm lại không mở ra được. Người hắn mềm nhũn lăn quay ngủ khoèo.
Ðang lúc ngủ mơ hắn vẫn nghe tiếng đàn nhu hòa tựa một bàn tay mềm mại vuốt tóc mình. Hắn liền nhớ lại hồi còn trẻ nít được sư nương ấp ủ trong lòng ra chiều trìu mến.
Hồi lâu lâu lắm, tiếng đàn dừng lại thì Lệnh Hồ Xung cũng thức giấc. Hắn lồm cồm ngồi lên rất lấy làm hổ thẹn nói:
– Ðệ tử thật đáng chết không quan tâm nghe tiền bối nhả tấu mà lại ngủ quan đi mất. Ðệ tử sợ hãi vô cùng!
Bà già đáp:
– Các hạ bất tất phải tự trách. Ta tấu khúc nhạc vừa rồi để thôi miên điều hòa chân khí trong cơ thể, các hạ thử vận động nội tức thử xem có giảm bớt trở ngại chút nào không?
Lệnh Hồ Xung cả mừng đáp:
– Ðệ tử xin đa tạ.
Hắn liền ngồi xếp bằng ngấm ngầm vận nội công tức thì cảm thấy tám luồng chân khí vẫn còn xung đột nhau. Có điều trước kia máu trào lên ngực muốn nôn ra ngay thì bây giờ đã giảm bớt. Hắn tiếp tục vận động một lúc nữa thì đầu nhức mắt hoa người nghiêng đi rồi ngã ra.
Lục Trúc Ông ở trong cửa sổ nhòm thấy vội ra đỡ hắn dậy đưa vào phòng. Hắn phải nằm chừng hơn nửa giờ mới hết váng đầu.
Bà già nói:
– Ðào cốc lục tiên và Bất Giới đại sư công lực rất tinh thâm đã gieo chân khí vào mình các hạ, tiếng đàn mong manh của lão thân không đủ điều trị, khiến cho các hạ còn phải chịu đau khổ lão thân rất áy náy.
Lệnh Hồ Xung vội nói:
– Sao tiền bối lại nói như vậy? Vãn bối được nghe nhạc điệu này cũng bổ ích rất nhiều.
Bỗng thấy Lục Trúc Ông cầm bút dúng vào nghiên mực viết lên giấy: “Sao không xin người truyền thụ khúc này cho để giúp ích suốt đời”
Lệnh Hồ Xung tỉnh ngộ nói:
– Ðệ tử lớn mật cầu xin tiền bối truyền thụ khúc đó cho để tự mình điều trị dần dần.
Lục Trúc Ông lộ vẻ mừng vui gật đầu lia lịa.
Bà già không trả lời ngay, hồi lâu mới nói:
– Các hạ đánh đàn đến trình độ nào rồi? Xin tấu thử một khúc cho lão thân nghe được không?
Lệnh Hồ Xung đỏ mặt lên đáp:
– Ðệ tử chưa từng học qua, chưa biết tí gì. Thế mà đòi tiền bối dạy tuyệt kỷ cao thâm thật là mạo muội. Xin tiền bối tha thứ cho đệ tử về cái tội ngông cuồng.
Lệnh Hồ Xung bản tính cuồng ngạo. Ngoài sư phụ sư nương và tiểu sư muội hắn không giữ lễ với ai hết. Từ lúc hắn nghe bà già gảy đàn thổi tiêu lại nghe giọng nói khiêm hòa cao nã, bất giác hắn đem lòng cung kính, liền xá dài Lục Trúc Ông nói:
– Ðệ tử xin cáo từ.
Bà già nói:
– Các hạ khoan hãy đi! Lão thân được các hạ khảng khái tặng điệu khúc, thẹn mình không có chi báo đáp. Thương thế của các hạ nặng quá khó lòng chữa khỏi khiến cho lão thân không khỏi áy náy.
Trúc điệt! Ngày mai ngươi đem cách tấu cầm truyền thụ cho Lệnh Hồ thiếu quân. Nếu chàng có thiện chí ở lại Lạc Dương lâu thì ta đem khúc “Thanh Tâm phổ thiện trú” này truyền lại cho chàng cũng chẳng hề gì.
Sáng sớm hôm sau Lệnh Hồ Xung lại đến trúc xá trong ngõ hẻm để học đờn.
Lục Trúc Ông lấy cây đàn tiêu vỉ đồng cầm truyền thụ âm luật cho hắn và nói:
– Nhạc luật có 12 thứ là: Ðại tử, Hoàng chung, Thái thốc, Giáp chung, Cô tẩy, Trung tử, Lâm chung, Di tẳc, Nam lử, Vô xạ, ứng chung. Những thứ này có tự đời xưa. Nghe nói ngày ấy đức Hoàng đế sai Linh Luân làm ra luật, nghe tiếng phụng hoàng hót để chế ra thành 12 luật. Ðờn có bảy dây đủ 5 âm là Cung, Thương, Dốc, Chủy, Vũ.
Lão lại giải thích rất tường tận.
Lệnh Hồ Xung tuy chưa biết gì về âm luật, nhưng hắn là người thông minh tuyệt đỉnh nghe qua đã hiểu và không bao giờ quên nữa.
Lục Trúc Ông rất hân hoan liền truyền thụ đến chỉ pháp và dạy hắn khúc “Bích tiêu Ngân”, một khúc nhạc rất ngắn.
Lệnh Hồ Xung mới học mấy lần đã thuộc ngay. Hắn tấu lên mênh mang như vòm trời xanh biếc, bát ngát muôn dặm không vẩn một chút mây.
Lệnh Hồ Xung học xong một khúc, bà già ở phòng bên cũng nghe rõ, bà không nhịn được cất tiếng khen ngợi:
– Lệnh Hồ thiếu quân! Thiếu quân học đờn thông minh như vậy thì chẳng bao lâu sẽ tới được khúc “Thanh tâm phổ thiện trú” của lão thân.
Lục Trúc Ông cũng nói:
– Thưa cô cô! Lệnh Hồ huynh đệ đây bữa nay mời học khúc “Bích tiêu ngân” mà ý tứ tiếng đàn so với điệt nhi đã cao hơn.
Lệnh Hồ Xung khiêm tốn nói:
– Tiền bối quá khen. Ðệ tử không biết đến năm nào tháng nào mới học được khúc “Tiếu ngạo giang hồ”.
Bà già la thất thanh:
– Thiếu quân muốn tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ” ư?
Lệnh Hồ Xung đỏ mặt lên đáp:
– Hôm qua đệ tử được nghe tiền bối nhả tấu, trong lòng rất lấy làm hâm mộ. Dĩ nhiên chỉ là suy tâm vọng tưởng mà thôi. Ðến Lục Trúc Ông tiền bối còn chưa tấu được nói chi đến đệ tử.
Bà già ngồi lặng yên, hồi lâu mới khẽ nói:
– Nếu thiếu quân tấu được khúc đó thì hay lắm….
Mấy tiếng sau bà nói rất khẽ, rồi sau cùng buông tiếng thở dài.
Mười mấy ngày liền Lệnh Hồ Xung sáng nào cũng vào ngõ hẻm học đòn cho đến xế chiều mới về.
Hắn ăn cơm trưa ở nhà Lục Trúc Ông. Tuy chỉ có rau xanh với đậu hủ nhưng hắn cảm thấy ngon hơn cao lương mĩ vị trong Vương phủ nhiều.
Có mấy bữa Lục Trúc Ông đi nhận đồ về đan, Lệnh Hồ Xung được đích thân bà già dạy đờn. Về sau Lệnh Hồ Xung dần dần hiểu ra những chỗ nghi nan mà Lục Trúc Ông không giải đáp được.
Tuy Lệnh Hồ Xung được bà già chỉ điểm mà thủy chung vẫn không được coi tướng mạo mà chỉ nghe thanh âm nhẹ nhàng giống như vị thiên kim tiểu thư nhà đại gia chứ không giống một bà già trong hang cùng ngõ hẻm. Hắn cho là bà già giỏi âm nhạc thấm nhuần từ thuở nhỏ nên thanh âm vẫn véo von như người còn trẻ.
Một hôm bà truyền thụ khúc “Hữu sở tư”, một khúc nhạc đời Hán, điệu nhạc rất uyển chuyển.
Lệnh Hồ Xung nghe rồi theo đó luyện tập mấy ngày liền, bỗng lòng hắn chợt nhớ tới ngày trước cùng Nhạc Linh San là hai đứa nhỏ thương yêu nhau, chơi bời vui vẻ với nhau. Hắn còn nhớ đến lúc luyện kiếm dưới thác nước hay những khi nàng đưa cơm lên núi sám hối. Hắn lẩm bẩm:
– Tiểu sư muội đối với ta biết bao tình thâm mật. Không hiểu tại sao từ ngày thêm gã Lâm Bình Chi, nàng liền lạnh nhạt với mình.
Lòng hắn thê thảm, điệu đàn đột nhiên biến đổi mà lại thành khúc điệu của chim sơn ca ở Phúc Kiến. Hôm đó Nhạc Linh San đã hát khúc này ở dưới chân núi.
Lệnh Hồ Xung giật mình kinh hãi ngừng lại không đàn nữa.
Bà già ôn tồn bảo:
– Khúc “Hữu sở tư” thiếu quân tấu hay lắm, tình ý hòa hợp đúng vào khúc điệu. Chắc trong lòng thiếu quân đã nghĩ tới chuyện ngày trước. Có điều đột nhiên xuất kiện âm điệu Mân khúc từ hệt tiếng ly ca khiến nguời nghe khó mà hiểu được, là vì lẽ gì?
Lệnh Hồ Xung vốn là người khoáng đạt, tâm sự này uất kết trong người đã lâu, mười mấy bữa nay hắn được bà già coi rất tử tế, hắn không muốn đem chỗ khổ tâm của mình với Nhạc Linh San nhất nhất thuật lại hết khiến cho bà phải phiền lòng.
Nhưng mở đầu câu chuyện rồi, hắn không ngăn cản được kể hết gốc ngọn cho bà nghe. Hắn coi bà như tổ mẫu, mẫu thân hay chị em ruột mình. Hắn thuật xong rất lấy làm xấu hổ, liền nói:
– Tiền bối! Tâm sự buồn tẻ của đệ tử mà đem ra trình bày hàng nửa ngày, thật là, thật là….
Rồi hắn ngừng lại không nói nữa.
Bà già nói:
-Về chữ duyên không thể miễn cưỡng được. Lệnh Hồ thiếu quân bữa nay thất vọng biết đâu ngày sau chẳng còn giai ngẫu khác.
Lệnh Hồ Xung lớn tiếng đáp:
– Kiếp này đệ tử quyết không lấy vợ.
Bà già không nói gì nữa, nhẹ nhàng tấu khúc “Thanh tâm phổ thiện trú”.
Lệnh Hồ Xung nghe được một lúc lại buồn ngủ.
Bá già ngừng tiếng đàn nói:
– Bắt đầu từ bữa nay lão thân truyền thụ khúc này cho thiếu quân. Ðại khái trong vòng mười ngày là học xong. Từ nay mỗi ngày nên tấu một lần thì công lực ngày trước tuy không phục hồi nhưng cũng bổ ích chẳng nhiều thì ít.
Lệnh Hồ Xung vâng lời.
Bà già liền đem chỉ pháp về khúc này ra chỉ điểm. Lệnh Hồ Xung dụng tâm ghi nhớ.
Lệnh Hồ Xung học khúc này mới được hai ngày. Ðến ngày thứ ba Lệnh Hồ Xung toan vào tiểu hạng học đàn thì Lao Ðức Nặc lật đật chạy đến bảo hắn:
– Ðại sư ca! Sư phụ dặn rằng sáng mai chúng ta sẽ ra đi.
Lệnh Hồ Xung sửng sốt hỏi:
– Sáng mai ư? Ta ta …
Hắn muốn nói: “Ta chưa học xong khúc đàn” nhưng ngừng lại không nói nữa.
Lao Ðức Nặc nói:
– Sư nương bảo đại ca thu xếp đi để sáng sớm mai lên đường.
Lệnh Hồ Xung gật đầu. Hắn chạy vội đến căn nhà nhỏ trong rừng trúc nói:
– Tiền bối sáng mai đệ tử xin cáo từ.
Bà già sững sờ hồi lâu không lên tiếng. Mãi sau bà khẽ hỏi:
– Sao lại đi vội thế? … Khúc đàn kia đã học xong đâu?….
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Ðệ tử cũng muốn học xong đã nhưng chẳng thể trái lệnh sư phụ. Vả lại mình là khách tha hương, không tiện ở lâu nhà người ta.
Bà già nói:
– Thiếu quân nói vậy cũng phải.
Ðoạn bà lại truyền thụ chỉ pháp về khúc điệu như mấy bữa trước.
Lệnh Hồ Xung vốn là người giàu tình cảm. Hắn ở với bà già này lâu ngày, tuy chưa nhìn rõ mặt nhưng nghe tiếng đàn cùng lời nói hắn cũng biết bà rất quan tâm đến mình chẳng kém gì người thân cận.
Có điều bản tính bà lạnh lùng, ngẫu nhiên thốt ra một lời quan tâm liền lập tức nói sanh chuyện khác.
Hiển nhiên bà không muốn đối phương biết rõ tâm ý mình.
Trên đời có bốn người quan tâm đến Lệnh Hồ Xung nhất là vợ chồng Nhạc Bất Quần, Nhạc Linh San và Lục Ðại Hữu. Hiện giờ Lục Ðại Hữu chết rồi. Nhạc Linh San để hết tâm ý vào Lâm Bình Chi.
Sư phụ sư nương hắn lại có ý nghi ngờ. Vậy thân nhân chân chính của hắn hiện nay là Lục Trúc ông và bà già này.
Một hôm đã mấy lần Lệnh Hồ Xung muốn nói với Lục Trúc Ông cho mình ở lại trong nhà để học cầm tiêu và học nghề không trở về núi Hoa Sơn nữa. Nhưng hắn nghĩ tới Nhạc Linh San lại không dứt tình được. Hắn thường tự nhủ:
– Dù tiểu sư muội không nhìn nhỏi gì đến ta nữa, nhưng mỗi ngày ta được nhìn thấy nàng một lần dù chỉ là thấy bóng sau lưng hay chỉ nghe âm thanh nàng cũng được rồi.
Trời xế chiều đến lúc từ biệt, Lệnh Hồ Xung lại rất quyến luyến Lục Trúc Ông cùng bà già. Hắn chạy đến dưới cửa sổ quì xuống lạy mấy lạy. Hắn nhìn thấp thoáng thấy bên trong rèm cũng có bóng người quì xuống đáp lễ rồi bà lên tiếng:
– Tuy lão thân truyền cầm kỷ cho thiếu quân, nhưng đó là báo đáp cái ơn thiếu quân đã tặng khúc phổ. Hà tất thiếu quân phải lễ lạo như vậy.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Bữa nay ly biệt chẳng biết ngày nào mới lại được nghe tiền bối nhả tấu. Lệnh Hồ Xung này mà còn sống nhất định sẽ quay trở lại bái phỏng bà bà cùng Trúc Ông.
Hắn chợt nghĩ ra:
– Hai người này tuổi già lắm rồi, chẳng biết còn sống được bao lâu, lần sau mình trở lại thành Lạc Dương vị tất đã được gặp.
Bất giác âm thanh trở nên nghẹn ngào.
Bà già nói:
– Lệnh Hồ thiếu quân! Lúc lâm biệt lão thân có một lời khuyên.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Tiền bối có lời giáo hối, Lệnh Hồ Xung chẳng bao giờ dám quên.
Bà già lặng lẽ hồi lâu mới nói:
– Trên chốn giang hồ thật nhiều sóng gió hiểm nghèo. Thiếu quân bảo trọng tấm thân.
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Ðệ tử xin vâng.
Lòng đau như cắt, Lệnh Hồ Xung khom lưng cáo biệt Lục Trúc Ông. Hắn lại nghe căn nhà mé tả vang lên khúc đàn “Hữu sở tư”.
Hôm sau bọn Nhạc Bất Quần cáo biệt Vương Nguyên Bá xuống thuyền ngược Bắc.
Ông cháu Vương Nguyên Bá năm người tiển chân ra đến sông Lạc Thủy. Nơi đây có bày tiệc rượu để tống biệt rất là trọng thể.