Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 85 – Càng say ta phải biết cho đủ điều

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Giữa lúc Ðào cốc lục tiên cùng nhau tranh luận thì nhà đò nhấc sào khai thuyền.

Vợ chồng Nhạc Bất Quần hết đưa mắt nhìn Lệnh Hồ Xung lại ngó Ðào cốc lục tiên, rồi đưa mắt nhìn nhau. Hai người cùng nghĩ bụng:

– Bình Nhất Chỉ chịu lời ủy thác chữa thương thế cho Lệnh Hồ Xung, theo giọng lưỡi lão thì người đó phải là một nhân vật có địa vị rất cao trong võ lâm, nên họ mới dám coi chưởng môn phái Hoa Sơn không vào đâu, mà lại còn tỏ ra rất cung kính đối với một tên đệ tử của bản phái. Nhưng người ủy thác đó là ai?

Giả tỷ ngày thường thì vợ chồng tiên sinh đã kêu Lệnh Hồ Xung lại để hỏi cho biết ngọn ngành.

Nhưng hiện nay giữa thầy trò bất giác đã nẩy ra nhiều mối hiềm nghi. Hai ông bà cùng cho là không phải lúc tra hỏi Lệnh Hồ Xung.

Gió thuận nước xuôi, con thuyền chạy veo veo. Chiều hôm ấy chỗ thuyền đậu chưa dời xa phủ Khai Phong mấy.

Nhà đò thổi cơm, bỗng trên bờ có người dõng dạc hô hoán:

– Xin cho tại hạ hỏi một lời: Các vị anh hùng phái Hoa Sơn có đi thuyền này không?

Nhạc Bất Quần chưa kịp trả lời thì Ðào cốc lục tiên đã mau miệng hót lẻo:

– Ðào cốc lục tiên cùng các vị anh hùng hảo hán phái Hoa Sơn đều ở trên thuyền này. Có điều chi vậy?

Người trên bờ thích quá reo lên:

– Nếu vậy hay bọn tại hạ chờ ở đây đã một ngày một đêm rồi. Nào các anh em mau ra đây!

Bỗng thấy mười mấy tên đại hán chia thành hai hàng chạy ra đứng hai bên một cái rạp lợp tranh.

Tay mỗi người đều cầm một cái hộp gỗ sơn son.

Một người tay không mình mặc áo lam đi tới trước thuyền khom lưng thi lễ nói:

– Tệ chủ nhân được tin Lệnh Hồ thiếu hiệp thân thể khiếm an, trong lòng rất tưởng vọng. Ðáng lý người thân hành đến vấn an nhưng chưa kịp về tới, nên phái tiểu nhân dâng đồ lễ mọn, xin Lệnh Hồ thiếu hiệp vui lòng truy lãnh.

Bọn đại hán tới tấp chạy lên đầu thuyền, đem mười mấy cái hộp xuống.

Lệnh Hồ Xung lấy làm kỳ hỏi:

– Quí chủ nhân là ai? Sao lại cho đồ trọng hậu thế này. Tại hạ không dám thọ lãnh.

Hán tử kia nói:

– Lệnh Hồ thiếu hiệp cứ mở hộp ra coi sẽ rõ. Thiếu hiệp là người phúc hậu tất nhiên bệnh thế mau được bình phục. Xin thiếu hiệp bảo trọng tấm thân.

Gã nói xong khom lưng thi lễ dẫn cả bọn đưa vào.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Nhưng không hiểu ai đã đưa lễ vật tặng tống cho tại hạ. Thế mới thật là kỳ!

Bọn Ðào cốc lục tiên tính tình nóng nảy chẳng khác loài khỉ đều không nhịn được, liền cất tiếng giục:

– Hãy mở ra coi đã nào! Y vừa bảo vừa mở hộp sẽ biết đó thôi.

Thế rồi năm người hấp tấp mở nắp mấy hộp ra thì thấy trong hộp đựng toàn thức ăn, có điểm tâm, có gà đút lò, heo quay để nhấm rượu. Lại có đủ nhân sâm, yến sào, kim ngân, thủ ô là những vị thuốc trân quí.

Mấy hộp sau cùng thì đựng những đỉnh vàng đĩnh bạc nhỏ bé để Lệnh Hồ Xung tiện dụng.

Nguyên hai hộp này cũng đủ cung cấp cho phái Hoa Sơn ăn xài trong mấy năm.

Ðào cốc ngũ tiên thấy trái cây, kẹo mứt, thì chẳng nể nang gì nữa, liền dốc cả vào miệng mà nhai ngồm ngoàm. Chúng vừa ăn vừa reo:

– Ngon quá, ngon quá!

Mười mấy hộp đều không thụ danh mà cũng không ghi dấu hiệu. Vậy người đưa lễ là ai? Chẳng tài nào biết được.

Lệnh Hồ Xung nhìn Nhạc Bất Quần nói:

– Sư phụ! Ðệ tử chẳng hiểu vụ này ra sao. Song người đưa lễ không phải có ác ý, mà cũng không phải làm trò diễu cợt.

Hắn vừa nói vừa bưng hộp điểm tâm kính dâng sư phụ sư nương rồi cùng chia cho bọn sư đệ, sư muội.

Nhạc Bất Quần hỏi:

– Gần đây ngươi có bạn thân trên chốn giang hồ không?

Lệnh Hồ Xung trầm ngâm một lúc rồi lắc đầu đáp:

– Không có .

Giữa lúc ấy bỗng có tiếng vó ngựa dồn dập. Tám người kỵ mã đang men theo bờ sông chạy tới.

Rồi có thanh âm cất lên gọi:

– Lệnh Hồ thiếu hiệp phái Hoa Sơn có ở đây không?

Ðào cốc lục tiên tranh nhau lớn tiếng đáp:

– Có, có! Lại đem cho gì nữa đây?

Người kia đáp:

– Bang chúa đệ tử biết Lệnh Hồ thiếu hiệp tới Khai Phong, lại biết được thiếu hiệp thích dùng mấy chén rượu, nên sai bọn tiểu nhân đi suốt ngày đêm đưa tới đây đủ 16 hũ rượu ngon để Lệnh Hồ thiếu hiệp thưởng thức.

Tám người kỵ mã quả có đeo trên lưng mỗi con ngựa hai vò rượu. Trên vò rượu nào cũng đề hoặc chữ: “Thượng thẩn công tửu” hoặc “Thiêu Hưng nguyên”… Mười sáu hũ rượu này dường như mỗi thứ một khác.

Lệnh Hồ Xung thấy nhiều rượu ngon như vậy, hắn vui mừng hơn hết các thứ khác, liền chạy ra đầu thuyền chắp tay nói:

– Xin tha thứ cho tại hạ mắt kém chưa thấy rõ quí bang là bang nào? Tôn tính đại danh huynh đài là chi?

Hán tử kia cười đáp:

– Bang chúa tệ bang đã dặn đi dặn lại không được nói rõ họ tên tệ bang với Lệnh Hồô thiếu hiệp. Lão gia bảo là chút lễ mọn này thật quá đơn bạc mà nói rõ tên tệ bang thì chẳng tốt đẹp gì.

Ðoạn vẩy tay một cái. Một người kỵ mã liền xách một hũ rượu ngon đem xuống đặt ở đầu thuyền.

Nhạc Bất Quần ở trong khoang ngưng thần chú ý nhìn cử động của tám tên hán tử này thì thấy gã nào thân thủ cũng cực kỳ mau lẹ. Mỗi tay xách một hũ rượu nhẹ nhàng nhảy xuống đầu thuyền. Có điều tiên sinh không nhận ra gia số cùng võ công tám người ở phe phái nào. Hiển nhiên họ không cùng một môn phái, song họ là bang chúng một bang thì là chuyện thực.

Tám gã hán tử xách 16 hũ rượu đặt xuống đầu thuyền xong rồi lập tức khom lưng thi lễ từ biệt Lệnh Hồ Xung, đoạn trở gót lên ngựa đi ngay.

Lệnh Hồ Xung cười nói:

– Sư phụ! Vụ này rất kỳ quái! Không hiểu người này đã đùa giỡn đệ tử đem cho nhiều rượu thế này?

Nhạc Bất Quần trầm ngâm một lát rồi hỏi lại:

– Phải chăng là của Ðiền Bá Quang hay Bất Giới Hòa thượng?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Có lẽ đúng! Hai người này có những hành động cổ quái, thường khi của họ thật cũng chưa biết chừng. Này Ðào cốc lục tiên! Rượu ngon có nhiều đây! Các vị có uống không?

Ðào cốc lục tiên cười đáp:

– Rượu ngon bày ra trước mắt có lẽ nào không uống?

Ðào Chi Tiên và Ðào Hoa Tiên bưng hũ rượu lên, giơ tay đập nát chỗ bùn vít trên mặt hũ, rót rượu ra bát. Quả nhiên một mùi thơm ngào ngạt xông lên mãi.

Sáu lão không giữ gìn ý tứ gì với Lệnh Hồ Xung, cứ bưng rượu lên nốc ừng ực.

Lệnh Hồ Xung cũng rót rượu ra bát bưng lại trước mặt Nhạc Bất Quần nói:

– Thưa sư phụ! Sư phụ thử nếm coi! Ðệ tử thấy mùi hương dường như khá lắm.

Nhạc Bất Quần hơi nhíu cặp lông mày khẽ “hừ” một tiếng chứ không nói gì.

Lao Ðức Nặc nói:

– Sư phụ! Nhân tâm nan trắc, ta chẳng thể không đề phòng. Biết đâu trong rượu này chẳng có chất khác lạ?

Nhạc Bất Quần gật đầu nói:

– Xung nhi! Ngươi phải cẩn thận một chút mới được!

Lệnh Hồ Xung ngửi thấy mùi rượu ngon, nước miếng đã chảy ra, thì còn nhẫn nại sao được, liền cười đáp:

– Sinh mạng đệ tử chẳng còn được bao lâu nữa thì trong rượu có chất độc hay không đối với đệ tử cũng vậy thôi.

Hắn hai tay bưng bát rượu lên uống vài ngụm là cạn hết. Hắn thè đầu lưỡi ra liếm láp, trầm trồ khen ngợi:

– Rượu ngon! Rượu ngon thật!

Bỗng nghe trên bờ cũng có tiếng người lớn tiếng nói theo:

– Rượu ngon! Rượu ngon thật!

Lệnh Hồ Xung đưa mắt nhìn lên phía phát ra thanh âm thì thấy một chàng thư sinh phiêu bạt, áo quần lam lũ. Tay phải phe phẩy một cây quạt đã rách tàn. Y ngửng đầu lên để hít mạnh mùi rượu tử trong thuyền bốc lên rồi nói:

– Quả nhiên là một thứ rượu tuyệt ngon!

Lệnh Hồ Xung cười nói:

– Vị huynh đài kia! Huynh đài chưa nếm sao đã biết rượu ngon với rượu lạt?

Chàng thư sinh đáp:

– Thứ rượu này đã chôn hơn 62 năm. Tại hạ mới ngửi hơi men đã biết mùi rượu.

Lệnh Hồ Xung cả mừng nói:

– Nếu huynh đài không tị hiềm thì xuống đây uống mấy chung chơi được chăng?

Thư sinh nghẹo đầu nghẹo cổ đáp:

– Tôn giá cùng tại hạ vốn chưa quen biết, mới có duyên bèo nước một lần ngửi hơi rượu đã là quấy quá. Khi nào còn dám xuống đòi uống rượu ngon của huynh đài. Cái đó không được! Nhất định không được.

Lệnh Hồ Xung cười nói:

– Anh em bốn bể một nhà. Nghe lời huynh đài tiểu đệ biết ngay huynh đài là một bậc tiền bối ở “tửu quốc”. Tại hạ đang cần thỉnh giáo, mời huynh đài xuống thuyền, không nên khách sáo.

Thư sinh từ từ bước ra xá dài tận đất nói:

– Vãn sinh này họ Tổ. Ngày trước Tổ Ðịch nghe tiếng gà gáy là dậy múa gươm. Lão nhân gia là thủy tổ của vãn sinh đó. Tên vãn sinh là Thiên Thu, ý nói thiên thu vạn tuế. Chưa hiểu tôn tính đại danh huynh đài là gì?

Lệnh Hồ Xung đáp:

– Tại hạ họ Lệnh Hồ tên Xung.

Tổ Thiên Thu nói:

– Cái họ đã hay cái tên lại càng hay!

Y vừa nói vừa nhảy xuống thuyền.

Lệnh Hồ Xung tủm tỉm cười nghĩ bụng:

– Ta đã mời ngươi uống rượu thì cái gì của ta ngươi chả khen hay?

Hắn rót rượu ra bát đưa cho Tổ Thiên Thu mời uống.

Tổ Thiên Thu đã ngoài 50 tuổi, da mặt vàng khè, dưới cằm lún phún mấy sợi râu thưa thớt. Áo quần đầy dầu mỡ. Y giơ hai bàn tay ra thì mười đầu ngón tay, ngón nào cũng cáu ghét đen sì rất là dơ bẩn.

Tổ Thiên Thu thấy Lệnh Hồ Xung đưa bát rượu tới, y không tiện đón lấy, liền nói:

– Lệnh Hồ huynh tuy có rượu ngon mà không có đồ dùng tốt. Ðáng tiếc! Thật đáng tiếc!

Lệnh Hồ Xung nói:

– Dọc đường chỉ có chén sành, bát đàn, Tổ tiên sinh dùng tạm vậy.

Tổ Thiên Thu vẫn lắc đầu quầy quậy:

– Không được! nhất định không được! Lệnh Hồ huynh dùng khí cụ thế này uống rượu không được.

Thật là đầu Ngô mình Sở, chưa hiểu cách uống rượu. Uống rượu cần nghiên cứu về đồ dùng. Uống thứ rượu nào phải dùng chén nấy. Uống rượu đất Phần phải dùng chén ngọc. Người Ðường có câu thơ:

“Ngọc uyển thình lai hổ phách quang”. Như vậy đủ để chén ngọc làm cho sắc rượu thêm phần rực rỡ.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Chính thế!

Tổ Thiên Thu lại nói:

– Rượu trắng ở ngoài quan ải uống rất ngon nhưng đáng tiếc mùi vị không đủ thơm tho. Hơn hết là lấy sừng tê giác làm chén để rót rượu vào mà uống. Có như thế thì mùi rượu mới thuần mỹ phi thường.

Ta nên nhớ chén ngọc làm cho rượu nổi mầu sắc, sừng tê cho rượu thêm hương vị. Cổ nhân quả đã

không lầm.

Lệnh Hồ Xung trước nay chỉ thích phẩm chất hơn là vỏ ngoài. Có điều hắn chỉ kết giao với khách hào kiệt giang hồ, họ chỉ biết phân biệt rượu ngon hay rượu nhạt cũng là khó rồi còn ai thảo luận đến chén ngọc chung tê?

Lệnh Hồ Xung lúc này nghe Tổ Thiên Thu nói thao thao bất tuyệt thì khác nào ở trong bóng tối nhìn ra ánh sáng.

Tổ Thiên Thu nói tiếp:

– Ðến như rượu Bồ Ðào thì dĩ nhiên phải dùng đến chén hổ quang. Cổ nhân có câu thơ “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi…”. Chén dạ quang là vật trân quí hiếm trên đời. Rượu bồ đào đã có mầu hồng mà bọn nam nhi chúng ta uống vào thì không đủ hào khí. Chén dạ quang phát ra ánh sáng mới là tuyệt diệu! Rượu bồ đào rót vào chén dạ quang lập tức mầu rượu đỏ như huyết.

Uống rượu cũng như uống huyết. Trong bài thơ của Nhạc ngũ Mục có câu: “Tráng chí cơ xan hồ lổ nhục, Tiếu đàn khát ẩm hung nô huyết?” Chí khí của người tráng sĩ lấy thịt rợ của rợ Hồ làm cơm ăn, cười nói đến khi khát nước thi uống máu giặc Hung Nô, Như vậy có phải là hùng tráng không?

Lệnh Hồ Xung gật đầu lia lịa, nhưng hắn đọc sách rất ít. Hắn nghe Tổ Thiên Thu dẫn chứng bằng những câu thơ mà hắn không hiểu rõ nghĩa, chỉ lập đi lập lại câu “Tiếu đàn khát ẩm Hung Nô huyết” mà hào khí ngất trời, trong lòng khoan khoái.

Tổ Thiên Thu lại nói:

– Còn thứ rượu ngon này là rượu tối cổ ngẫu nhiên có người đem cho, ngẫu nhiên mà uống. Nó là rượu cao lương. Thứ rượu này phải dùng chén “tước” đúc bằng đồng xanh mới là có ý cổ kính. Thứ gạo làm rượu này cũng là thật tốt, nó vừa ngọt vừa thơm, nên dùng thứ đấu lớn mà uống mới hợp ý rượu.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Tại hạ là kẻ lỗ mãng đã không rõ chất rượu, cũng không hiểu đồ dùng. Nghiên cứu như huynh đài thật là hiếm có.

Tổ Thiên Thu trỏ vào hũ rượu đề bồn chữ “Bách thảo mỹ tửu” nói:

– Thứ “Bách thảo mỹ tửu” này là hái trăm thứ hoa thơm cỏ lạ ngâm vào trong rượu nên mùi thơm phảng phất như đi chơi ngoài nội ngày xuân, khiến người ta chưa uống đã say. Uống thứ “Bách thảo tửu” nên dùng chén cổ đẳng (làm bằng thứ rong cổn, cây cổ đẳng phải đủ trăm năm thì mới khoét thành chén được). Uống rượu bách thảo bằng chén cổ đẳng mùi thơm càng tăng lên bội phần.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Cây sống trăm năm khó mà tìm được.

Tổ Thiên Thu nghiêm sắc mặt nói:

– Lệnh Hồ huynh nói sai rồi! Rượu bách thảo mỹ tửu so với bách niên cổ đẳng còn khó kiếm hơn nhiều.

Lệnh Hồ Xung vội chữa:

– Té ra là thế! Tại hạ không hiểu. Mong tiên sinh chỉ giáo.

Nhạc Bất Quần chú ý lắng tai nghe lời nghị luận của Tổ Thiên Thu. Ngôn từ có vẻ khoa trương, lại tựa hồ đúng lý. Tiên sinh thấy Ðào Chi Tiên, Ðào Cán Tiên bưng một hũ “bách thảo mỹ tửu” khác làm đổ dàn dụa ra đầy bàn, coi như một thứ rượu tầm thường. Tuy tiên sinh chưa nếm nhưng thấy mùi hương sực nức cũng biết ngay là thứ rượu thượng hảo, mà Ðào cốc lục tiên phí phạm như vậy thật là đáng tiếc!

Tổ Thiên Thu lại nói:

– Uống thứ rượu Thiệu Hưng trạng nguyên hồng này cần phải dùng thứ chén sành cổ mà là chén đời Bắc tống, nếu không có thì dùng tạm thứ chén Nam Tống vậy. Dùng chén Nam Tống đã là khí thế suy kém rồi. Còn dùng đồ sành đời Minh thì nhỏ mọn quá. Uống rượu Lê Hoa thì phải dùng chén Phí Thúy. Lệnh Hồ huynh thử nghĩ coi trước cửa quán rượu Lê Hoa ở Hàng Châu có treo cờ xanh để ánh vào rượu Lê Hoa cho thêm vẻ huyền ảo. Nếu uống rượu Lê Hoa phải dùng chén Phí Thúy là vì lẽ đó. Uống thứ rượu ngọc lộ tửu này phải dùng chén lưu ly. Rượu ngọc lộ sủi tăm như hạt châu rót vào chén lưu ly (pha lê) để trông rõ bên trong, cho phân biệt rượu ngọc lộ với thứ rượu khác.

Trong khoảnh khắc Tổ Thiên Thu nói tính cách tám thứ mỹ tửu cùng dùng đồ, thao thao bất tuyệt.

Giữa lúc ấy, trên bờ có thanh âm trong trẻo cất lên:

– Toe! toe! toe! Là nói ba hoa chích choè!

Người đó chính là Nhạc Linh San. Nàng giơ ngón tay trỏ lên quệt vào má mấy cái để tỏ ý Tổ Thiên Thu quen tính ba hoa.

Nhạc Bất Quần nói:

– San nhi! Không được vô lễ ! Tổ tiên sinh đây nghị luận rất nghĩa lý.

Nhạc Linh San nói:

– Làm gì mà nghị luận nghĩa lý. Người ta uống chút rượu còn để thêm phần hào hứng là đúng. Nếu lúc nào bất luận ngày đêm cũng uống rồi còn nghiên cứu vớ vẩn thì đâu phải là hành vi của bậc anh hùng hảo hán?

Tổ Thiên Thu lắc đầu lắc cổ nói:

– Cô nương đây nói sai rồi! Hán cao tổ Lưu Bang ngày trước có phải là anh hùng không? Nếu ngài không nhắm rượu lúc say túy lúy chém rắn trắng khởi nghĩa thì làm sao lập nên cơ nghiệp nhà Hán mấy trăm năm? Phàn Khoái có phải là hảo hán không? Ngày hội yến ở Hồng Môn Phàn tướng quân lấy giáo cắt thịt mà ăn thi nhau vừa uống rượu vừa đấu gươm há chẳng là tráng sĩ ư?

Nhạc Linh San hắng dặng một tiếng rồi nói:

– Những hạng người chân chính nề nếp chẳng ai bét rượu cả.

Tổ Thiên Thu vẩy cây quạt nói:

– Nói thế là sai! Nói vậy là lầm! Trong Hán thư có câu “Rượu là lộc hậu của trời ban. Bậc đế vương dùng rượu để di dưỡng thiên hạ dùng vào việc cúng tế cầu phúc. Rượu còn để giúp người khí huyết suy vi điều dưỡng kẻ có bệnh tật. Tất cả các cơ thể giao thôn được là nhờ rượu”. Cổ nhân nói: Vua Nghiêu vua Thuấn uống ngàn chung, đức Khổng Tử uống trăm hộc, thầy Tử Lộ uống liên miên. Các bậc thánh hiền đời xưa chẳng ai là không uống rượu.

Ðào Cán Tiên đột nhiên xen vào:

– Nói thế là sai! Nói thế là lầm!

Tổ Thiên Thu giật mình hỏi:

– Xin hỏi các hạ! Tại hạ nói sai lầm ở chỗ nào?

Ðào Cán Tiên đáp:

– Vừa rồi tiên sinh nói rượu mới do Nghi Ðịch đời vua Vũ chế ra. Vua Nghiêu vua Thuấn trước vua Vũ nhiều sao bảo là Nghiêu Thuấn ngàn chung?

Tổ Thiên Thu chưng hửng không biết trả lời thế nào?

Nhạc Linh San lại bầy trò:

– Toe toe toe! Là nói ba hoa chích choè.

Tổ Thiên Thu nói:

– Nghi địch chế ra thứ rượu khác. Còn vua Nghiêu vua Thuấn uống rượu gạo hoặc rượu lúa mạch thì biết làm sao được?

Mọi người trong thuyền biết là Tổ Thiên Thu cãi chầy cãi cối đều cười ồ.

Lệnh Hồ Xung cười hỏi:

– Tiên sinh đã nói rượu này ngon, còn bảo anh hùng hảo hán phi rượu chẳng có gì làm vui lại không uống?

Tổ Thiên Thu đáp:

– Vãn sinh đã nói rượu ngon không có ly đẹp là uổng.

Ðào Cán Tiên nói:

– Tiên sinh nói ba hoa nào chung Phí Thúy, nào chén Dạ Quang gì gì cũng là láo khoét! Trên đời làm gì có những thứ đó? Hoặc có chăng nữa cũng chỉ một vài chiếc, ai mà sắm đủ hết được?

Tổ Thiên Thu đáp:

– Ðồ uống rượu của kẻ sĩ phong nhã dĩ nhiên phải có đủ. Người ta có ngư ẩm như các vị đâu mà bất cứ chung to bát lớn thứ gì cũng được?

Ðào Diệp Tiên nói:

– Tiên sinh có phải là kẻ sĩ phong nhã không?

Tổ Thiên Thu đáp:

– Bảo nhiều mà không phải nhiều, nói ít cũng không phải ít. Ba phần phong nhã thì nhất định là có.

Ðào cốc lục tiên cười ha hả hỏi:

– Ðây có tám thứ rượu ngon tức là phải có tám thứ cốc chén mới đủ. Trong mình tiên sinh mang được mấy thứ?

Tổ Thiên Thu đáp:

– Bảo nhiều mà không phải nhiều, nói ít cũng không phải ít. Mỗi thứ một chiếc thì có đủ.

Ðào cốc lục tiên cả cười reo lên:

– Ngưu Bì đại vương! Ngưu Bì đại vương!

Ðào Chi Tiên nói:

– Bây giờ chúng ta đánh cuộc. Nếu tiên sinh có đủ tám thứ chén thì ta nuốt từng cái vào bụng hết.

Nhưng nếu tiên sinh không có thì sao?

Tổ Thiên Thu đáp:

– Nếu vãn sinh không có thì chịu phạt cũng phải nuốt những thứ chén bát này vào bụng.

Ðào cốc lục tiên đồng thanh:

– Tuyệt diệu! thật là tuyệt diệu! Thử coi y …..

Lục tiên chưa dứt lời đã thấy Tổ Thiên Thu thò tay vào bọc móc ra một chén có ánh sáng mát dịu.

Ðó là chén dương chi bạch ngọc.

Ðào cốc lục tiên giật mình kinh hãi, chưa kịp nói tiếp thì Tổ Thiên Thu cứ thò tay vào bọc móc mãi ra không hết. Quả nhiên là ly Phí Thúy, chung tê giác, chén cổ đẳng, chén thanh đồng, chén dạ quang, cốc pha lê, chén sứ cổ, chẳng thiếu thứ gì.

Lão lấy đủ tám thứ cốc chén rồi tiếp tục lấy nữa ra, có thứ chén vàng kim quang rực rỡ, có thứ chén bạc chạm khắc tinh vi, có thứ chén đá vân hoa sặc sỡ, lại có chén bằng ngà voi, bằng nanh hổ, bằng da trâu, bằng ống trúc, bằng bạch dương v.v… đủ cả lớn nhỏ.

Mọi người giương mắt lên ngây người ra mà nhìn, chẳng ai ngờ trong bọc anh đồ kiết lại đựng lắm thứ chén uống rượu như thế.

Tổ Thiên Thu hỏi:

– Thế nào?

Ðào Chi Tiên xịu mặt ra đáp:

– Tại hạ thua rồi, đành nuốt tám thứ chén kia vậy.

Hắn cầm chén bạch ngọc bóp vỡ làm đôi rồi bỏ vào miệng nhai sào sạo nát ra như cám đoạn nuốt xuống.

Chọn tập
Bình luận