Có một nhân vật cổ tích mà em nhớ mãi. Đó là chàng Sơn Tinh trong câu chuyện “Sơn Tinh – Thuỷ Tinh” em đã học năm lớp Hai.
Ngày xưa, vào đời vua Hùng thứ mười tám, có một nàng công chúa rất đỗi xinh đẹp và nết na tên là Mị Nương. Nàng được vua cha yêu quí, chiều chuộng. Thấy con gái diệu của mình đã đến tuổi lấy chồng nên một hôm vua Hùng mở hội kén rể. Tất cả các chàng trai từ khắp mọi miền đất nước đều về đây so tài. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hai chàng trai Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Chàng Sơn Tinh là “Thần núi” ngự ở Ba Vì, rất lịch lãm còn chàng Thuỷ Tinh là “Thần Biển” ngự ở dưới biển, chàng cũng “hào hoa phong nhã” chẳng kém gì Sơn Tinh. Cả hai đều có những phép thuật mà không ai có được, đúng là kẻ tám lạng, người nửa cân. Vua Hùng phân vân không biết chọn ai. Ngài bỗng nghĩ ra một kế và bảo:
– Ai có thể mang một trăm ván cơm nếp, hai trăm tệp bánh trưng cùng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến trước thì được rước dâu về!
Đến đoạn này em thầm nghĩ: “Có lẽ, Vua Hùng đã chọn chàng Sơn Tinh rồi thì mới ra những lễ vật như thế!”
Đúng sáng hôm sau, Sơn Tinh đã mang lễ vật đến trước vì những thứ này đều có đủ trên rừng núi. Sau đó, chàng rước dâu về. Vài giây sau, Thuỷ Tinh cũng mang đầy đủ các thứ mà vua Hùng đã yêu cầu nhưng dù chậm hơn vài giây cũng vẫn là chậm hơn.
Thế là Thuỷ Tinh đã để lộ rõ bộ mặt xấu xa của mình. Y đùng đùng nổi giận đuổi theo Sơn Tinh. Y dâng hết nước từ biển làm sấm sét nổi lên, nước làm ngập cả cánh đồng, cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, gây ra bao nhiêu là thiệt hại cho nhân dân. Đứng trước tình thế này, Sơn Tinh không chút nao núng. Nước càng dâng cao bao nhiêu thì Sơn Tinh dùng phép dời từng hòn đá làm núi cao lên bấy nhiêu. Cuộc chiến diễn ra ròng rã mấy tháng trời. Cuối cùng, Thuỷ Tinh chán nản kiệt sức bèn rút nước về. Tuy nhiên, y vẫn rất căm thù Sơn Tinh nên năm nào y cũng dâng nước lên trả thù Sơn Tinh.
Câu chuyện đã giải thích hiện tượng lũ lụt hàng năm. và Sơn Tinh cũng là hiện thân của sự kiên cường, thứ đã giúp nhân dân tự làm chủ cuộc sống của mình.