Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 117

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Về phía tây, mây đen kéo đến mù mịt. Trời đã tối. Chớp nhoáng nhoàng ở một nơi rất xa, rất xa trên dải đất ven sông Đông, loé lên những vầng sáng màu da cam rung rung như cánh một con chim bị bắn chưa chết hẳn. Phía đó còn lờ mờ chút ráng chiều, nhưng lại bị dải mây che mất một phần. Như một cái tách đựng tịch mịch đầy đến miệng, đồng cỏ còn giấu trong những nếp khe chút ánh sáng u uất sót lại của ngày vừa qua. Trong buổi chiều tà nầy có một cái gì nhắc nhở tiết trời mùa thu. Cả những ngọn cỏ chưa nở hoa cũng đã toả ra một mùi không sao hình dung được của sự thối rữa.

Pochenkov vừa đi vừa hít hít những mùi thoang thoảng hốt sức đa dạng của cỏ hoa. Chốc chốc anh dừng chân để miết đế ủng, gạt những đám bùn bám vào, rồi lại đứng thẳng lên, nặng nề và mệt mỏi lê cái thân hình hộ pháp trong chiếc áo da ấm mở phanh kêu loạt soạt Mọi người tới được thôn Kalusnhikov quận Poliakovo- Nagoliskaia thì đêm đã khuya. Anh em Cô- dắc trong đội bỏ mặc những chiếc xe, tản ra vào nghỉ đêm trong các nhà. Pochenkov lo lắng ra lệnh đặt những vọng tiêu, nhưng các chiến Cô- dắc chỉ tập hợp một cách miễn cưỡng. Ba người cưỡng lệnh không đi.

– Tổ chức toà án đồng chí đem chúng nó ra xử! Không chấp hành mệnh lệnh chiến đấu thì xử bắn? – Krivoslykov nổi nóng lên.

Sau cả một ngày canh cánh. Pochenkov cũng đâm ra bực bội, anh khoát tay đau khổ:

– Trên đường hành quân chúng nó cũng mất tinh thần rồi. Không tổ chức phòng ngự được nữa đâu. Chúng ta sẽ nguy mất. Misatca ạ.

Laguchin xoay hết cách nầy đến cách khác mới tập hợp được vài người, phải đi tuần bên ngoài thôn:

– Các cậu chớ có ngủ nhé! Nếu không sẽ bị chúng nó cho vào rọ đấy!- Pochenkov đi kiểm tra một lượt các nhà và dặn các chiến sĩ gần gụi nhất với anh.

Suốt đêm anh cứ gục đầu xuống hai tay ngồi bên bàn, hơi thở khò khè nghe rất nặng nề. Lúc trời sắp hửng, anh vừa gục cái đầu to tướng xuống mặt bàn, thiếp đi một lát thì Rober Fradenbrude đã từ nhà bên sang đánh thức anh. Mọi người bắt đầu sửa soạn lên đường trời đã rạng. Pochenkov bước từ trong nhà ra. Vợ người chủ nhà đã vắt sữa xong, chị trở vào đến phòng ngoài thì gặp Pochenkov.

– Trên đồi có những người cưỡi ngựa. – Chị nói một cách dửng dưng.

– Ở đâu thế?

– Bên ngoài thôn ấy.

Pochenkov nhảy ra ngoài sân: trên ngọn đồi, sau đám mây trắng đeo lững lờ phía trên cái thôn và dải rừng liễu, hiện ra nhiều đội Cô- dắc. Chúng nó di động khi thì nước kiệu, khi thì nước đại nhỏ, bao vây cái thôn, vòng vây mỗi lúc một chặt.

Chẳng mấy chốc các chiến sĩ Cô- dắc trong chi đội đã kéo đến chỗ cái xe đỗ trong sân nhà Pochenkov ở.

Vasili Mironikov, anh chàng lực lưỡng có cái bờm tóc trước trán, người trấn Migulinskaia bước vào, gọi Pochenkov ra một chỗ và cúi đầu nói:

– Có chuyện như thế nầy, đồng chí Pochenkov ạ… Vừa nãy có mấy thằng đại diện của chúng nó tới đây. – Anh ta khoát tay chỉ về phía ngọn đồi. – Bảo truyền đạt với đồng chí rằng chúng ta phải hạ vũ khí lập tức đầu hàng ngay. Nếu không chúng sẽ tấn công.

– Mày? Đồ chó đẻ! Mày mở mồm ra nói với tao cái gì thế hử?

Pochenkov nắm lấy cổ áo ca- pôt của Mironikov rồi lại đẩy mạnh anh ta ra và chạy tới chỗ cái xe, nắm lấy nòng khẩu súng trường, quát các chiến sĩ Cô- dắc bằng một giọng khàn khàn thô bạo:

– Đầu hàng à? Còn có thể có chuyện gì mà nói với bọn phản cách mạng? Chúng ta sẽ chiến đấu chống lại chúng nó? Theo tôi! Tản khai!

Mọi người ở trong sân lốc nhốc ùa ra lề thôn. Pochenkov vừa hổn hển chạy tới mấy ngôi nhà cuối thôn thì một trong năm uỷ viên là Mrykhin đuổi kịp anh.

– Thật là nhục, Pochenkov! Chúng ta đánh nhau với cả anh em nhà để làm đổ máu nhau hay sao? Thôi đi! Bàn bạc thoả thuận với nhau thì xong thôi!

Chỉ thấy có một phần không đáng kể trong đội theo mình, cái đầu óc tỉnh táo của Pochenkov đã giúp anh tính tới thất bại không thể tránh khỏi nếu hai bên đánh nhau. Anh lặng lẽ tháo quy- lát khẩu súng trường, quẳng đi rồi uể oải hất chiếc mũ cát- két.

– Thôi không bố trí nữa, anh em ạ! Quay trở lại, về thôn…

Mọi người quay trở lại. Toàn đội tập hợp trong ba ngôi nhà sát vách. Chẳng mấy chốc đã thấy bọn Cô- dắc xuất hiện trong thôn.

Một đội chừng bốn mươi tên cười ngựa tiến từ trên ngọn đồi xuống.

Theo lời mời của bọn bô lão ở Milinchinskaia, Pochenkov ra ngoài thôn để đàm phán về các điều kiện đầu hàng. Chủ lực của địch vẫn vây kín thôn, không rời vị trí. Buntruc đuổi kịp Pochenkov ở ngõ dành cho gia súc ra đồng, anh giữ Pochenkov lại:

– Chúng ta đầu hàng à?

– Sức chỉ đủ bẻ cái cọng rơm… Thế nào? Cậu định làm như thế nào?

– Anh muốn chết phải không? – Buntruc run bắn lên.

Rồi không thèm để ý đến bọn bô lão cùng đi với Pochenkov, Buntruc quát lên bằng một giọng khàn khàn, thất thanh:

– Bảo chúng nó rằng chúng ta không trao vũ khí đâu! – Nói xong anh quay ngoắt đi và vừa vung khẩu súng Nagan nắm chắc trong tay, vừa trở về.

Về đến chỗ anh em, Buntruc cố thuyết phục các chiến sĩ Cô- dắc chiến đấu phá vòng vây xông ra đường sắt, nhưng tinh thần phần lớn rõ ràng chỉ muốn giảng hoà. Người thì quay đi chỗ khác, người thì trả lời rõ ràng với anh bằng một giọng hằn học.

– Nầy Anhica, anh muốn đánh thì đi mà đánh, còn chúng tôi thì quyết không đánh nhau với chính anh em mình đâu!

– Dù không còn có vũ khí, chúng ta vẫn tin được ở họ. – Giữa những ngày lễ Phục sinh thiêng liêng như thế nầy mà chúng ta còn đổ máu hay sao?

Buntruc quay về chiếc xe của anh đổ bên một căn nhà thóc, trải chiếc áo ca- pôt xuống gầm xe, nằm xuống nhưng tay vẫn nắm chắc cái cán gạch khía của khẩu Nagan. Đầu tiên anh đã nghĩ tới chuyện bỏ chạy, nhưng anh vốn ghét cái lối bỏ đi lén lút, cái thói đào ngũ, vì thế anh thầm gạt bỏ ý định đó, và chờ Pochenkov trở về.

Chừng ba giờ sau Pochenkov trở về. Một đám rất đông những tên Cô- dắc lạ mặt cùng vào thôn với anh, một số cưỡi ngựa, một số cầm dây cương dắt ngựa theo, số còn lại đi chân không có ngựa. Chúng vây quanh Pochenkov và tên thượng uý Spiridonov, trước kia ở cùng một đại đội pháo với Pochenkov, nay chỉ huy đội hỗn hợp vây bắt đội viễn chinh của Pochenkov. Pochenkov ngẩng cao đầu, rồi cố giữ cho thẳng, nom cứ như một người quá chén. Spiridonov mỉm nụ cười giảo quyệt, nói không biết câu gì với Pochenkov. Sau lưng hắn có tên Cô- dắc cưỡi ngựa ôm trước ngực một lá cờ trắng rất lớn, cán bào qua quít.

Bọn Cô- dắc mới đến đứng đầy trong các căn phố và các ngôi nhà có đoàn xe của đội viễn chinh đỗ. Lập tức có những tiếng người nhao nhao như vỡ chợ. Nhiều tên mới đến trước kia ở cùng đơn vị, với những anh em Cô- dắc trong đội Pochenkov. Vang lên những tiếng gọi nhau vui vẻ, tiếng cười ròn rã.

– Chà, anh bạn đồng học. May mắn thế nào lại gặp nhau ở đây?

– Ơ hay quá, hay quá, Prokho đấy à?

– Ơn Chúa.

– Chỉ thiếu chút nữa là mình với cậu lại choảng nhau. Cậu còn nhớ chúng mình cùng truy kích quân Áo ở gần Lvov thế nào không nhỉ?

– Nầy ông bạn đỡ đầu Danilo! Ông bạn đỡ đầu ạ! Chúa phục sinh rồi!

– Đúng là sống lại rồi! – Có những tiếng hôn nhau chùn chụt: hai anh chàng Cô- dắc vuốt râu vuốt ria, vỗ vai nhau bồm bộp rồi cùng nhìn nhau mà cười.

Ngay cạnh đấy lại là một câu chuyện khác:

– Chúng mình đã không kịp ăn “rê- vây- ông”.

– Nhưng các cậu là Bolsevich thì “rê- vây- ông”, “rê- vây- bà” cái gì.

– Có sao đâu, Bolsevich thì Bolsevich, nhưng chúng tớ vẫn tin Chúa.

– Xì, chỉ nói láo!

– Thế cậu có đeo thánh giá không?

– Thánh giá đây chứ đâu? – Thế là một anh chàng Xích vệ lực lưỡng, mặt to bè bè, chẩu môi mở cúc cổ chiếc áo quân phục cổ chui, moi trong bộ ngực đồng đen lông lá lồm xồm ra một cây thánh giá bằng đồng đã rỉ xanh.

Bọn bô lão cầm rìu cầm nạng trong các đội vây bắt “tên phiến loạn Pochenkov” ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau:

– Nhưng sao chúng tôi lại nghe nói các anh bỏ đạo Chúa cả rồi?

– Hình như các anh đã bán linh hồn cho quỉ dữ Xa- tăng rồi cơ mà!

– Lại có tin các anh cướp phá các nhà thờ, giết hết các cha cố…

– Nói láo tuốt? Anh chàng Xích vệ mặt to như cái mẹt quả quyết cãi lại – Chúng nó nhồi sọ cho bà con những chuyện tầm bậy đấy.

– Trước khi rời khỏi Rostov tôi còn đến nhà thờ dự lễ ban thánh thể cơ mà!

– Bác làm ơn nói thật rõ cho chúng tôi nghe nào! Một lão già nhỏ bé, hom hem vui vẻ vỗ tay đen đét. Lão cầm một ngọn giáo cưa đôi cho vừa tay.

Ngoài phố và trong các nhà, câu chuyện mỗi lúc một ồn ào sôi nổi. Nhưng nửa giờ sau có vài tên Cô- dắc, trong số đó có một tên quản người trấn Bokovskaia, lách qua đám người đang đứng ộn lại thành một khối, bước ra phố.

– Những ai thuộc chi đội Pochenkov chuẩn bị tập hợp điểm danh! – Chúng hô to.

Tên thượng uý Spiridonov, sơ- mi màu cứt ngựa, lon màu cứt ngựa, bỏ chiếc mũ cát- két đính cái quân hiệu bạc trắng như miếng đường quay mặt ra bốn phía hô lên:

– Tất cả những ai thuộc chi đội Pochenkov sang bên trái tôi, đứng cạnh hàng rào! Những người khác đều đứng sang bên phải. Chúng tôi là những đồng đội cũ của anh em ngoài mặt trận, chúng tôi đã cùng với các đại biểu của anh em quyết định rằng anh em phải trao tất cả vũ khí cho chúng tôi vì dân chúng sẽ sợ nếu anh em còn có vũ khí trong tay. Anh em hãy xếp súng trường và các thứ vũ khí khác lên các xe của anh em, chúng ta cùng bảo vệ số vũ khí đó. Chúng tôi sẽ đưa chi đội của anh em đến trấn Krasnokurskaia và tại đấy anh em sẽ tới Xô viết nhận lại toàn bộ vũ khí.

Cả một niềm xao xuyến phẫn nộ bắt đầu sục sôi trong lòng các anh em Cô- dắc Xích vệ. Rồi có những tiếng la thét vang lên trong sân. Korotov, một chiến sĩ người trấn Kumsa kêu lên:

– Chúng ta không đầu hàng!

Những tiếng ầm ầm như giông bão dậy lên khắp dãy phố, trong các sân nhà chật ních những người.

Bọn Cô- dắc mới đến chạy ùa sang phải, ở giữa phố chỉ còn lại từng tốp rời rạc các chiến sĩ phờ phạc rã rời của đội quân Pochenkov. Với chiếc áo ca- pôt khoác trên vai, Krivoslykov hớt hải nhìn quanh như con thú bị vây bắt. Môi Laguchin xệch ngang một bên. Mọi người xôn xao, đầy lo lắng và nghi ngại.

Buntruc kiên quyết không chịu trao vũ khí. Anh cầm ngang cây súng trường, bước nhanh đến trước mặt:

– Chúng ta sẽ không nộp vũ khí! Anh nghe rõ không?

– Bây giờ thì muộn mất rồi…- Pochenkov khẽ nói, hai tay anh nắm chặt bản danh sách đơn vị cứ giật giật.

Bản danh sách ấy được chuyển sang tay tên Spiridonov. Hắn đọc qua một lượt rồi hỏi:

– Ở đây có một trăm hai mươi tám người… Số còn lại ở đâu?

– Ở lại trên đường.

– À ra vậy… Thôi được. Anh ra lệnh cho họ hạ vũ khí đi.

Pochenkov là người đầu tiên tháo dây súng, rồi vừa trao cả khẩu Naga lẫn bao súng, vừa nói lúng búng:

– Bỏ gươm và súng lên xe.

Mọi người bắt đầu bị tước vũ khí. Các chiến sĩ Xích vệ thân thờ bỏ vũ khí. Có người ném súng ngắn qua hàng rào, có người chạy tản vào các sân nhà, tìm chỗ giấu.

– Chúng tôi sẽ khám tất cả những ai không chịu trao vũ khí!

Spiridonov quát lên. Hắn sung sướng ngoác miệng ra cười, Một bộ phận Xích vệ do Buntruc lãnh đạo không chịu trao súng, bọn địch phải dùng vũ lực mới tước được.

Một chiến sĩ Xích vệ phi ngựa ra ngoài thôn cùng với chiếc bàn đế khẩu súng máy làm tất cả hoảng lên một mẻ. Thừa lúc nhốn nháo, vài người lẩn trốn. Nhưng Spiridonov lập tức thành lập một đội áp giải, vây quanh tất cả những người còn ở lại với Pochenkov, lục soát và định điểm danh. Anh em tù binh miễn cưỡng trả lời, một số kêu rầm lên.

– Kiểm tra làm cái gì, tất cả có mặt ở đây rồi!

– Hãy giải chúng tôi đến Krasnokurskaia đi!

– Các đồng chí! Chấm dứt cái chuyện nầy đi thôi!

Sau khi đã niêm phong các hòm tiền và cử một đội hộ tống thật mạnh áp tải đi Karginskaia. Spiridonov bắt anh em tù binh tập hợp thành hàng, rồi ra lệnh, cả giọng nói lẫn cách xưng hô đều thay đổi ngay:

– Thành hàng hai! Bên trái… quay! Hàng bên trái đi trước, đi đều bước! Chúng mày câm cái mồm!

Những lời ta thán bắt đầu truyền lan trong các hàng Xích vệ. Họ từ từ cất bước, kẻ trước người sau, chẳng mấy chốc hàng ngũ đã rối loạn và mọi người bắt đầu đi túm tụm từng đám.

Lúc bị dồn vào cái thế phải khuyên anh em trao vũ khí, có lẽ Pochenkov vẫn còn đặt hy vọng vào một kết cục tốt đẹp. Nhưng đoàn tù binh vừa bị dồn ra khỏi thôn, bọn Cô- dắc áp giải họ đã bắt đầu cho ngựa dồn hích những người đi ngoài cùng. Buntruc đi ở bên trái. Một lão già Cô- dắc có bộ râu đỏ như lửa và cái vòng tay cũ đen xỉn vô duyên vô cớ quất cho anh một roi, đầu roi in hằn một con lươn bên má Buntruc. Buntruc nắm chặt hai tay quay lại, nhưng một ngọn roi thứ hai quất mạnh gấp bội đã bắt anh phải lẩn sâu vào giữa đám người. Anh bất giác làm như thế do sự thúc đẩy của một thứ linh tính tự vệ như của loài thú vật. Bị lèn như nêm giữa những thân hình của các đồng chí đi chen chúc xung quanh, lần đầu tiên từ ngày Anna qua đời, môi anh rúm ró trong một nụ cười mỉa mai đầy bực bội, và anh cứ thầm lấy làm lạ trước cái lòng tham sống mãnh liệt và dai như đỉa trong tất cả mọi người.

Anh em tù binh bắt đầu bị đánh túi bụi. Trước những kẻ thù tay không còn tấc sắt, bọn bô lão càng trở nên man rợ. Chúng thúc ngựa xông tới dồn ép họ, chúng cúi rạp người trên yên, đánh họ bằng roi ngựa và bằng sống gươm người nào bị đánh cũng tự nhiên chui lẩn vào giữa đám, vì thế mọi người xô đẩy nhanh, kêu la ầm ĩ.

Một chiếc sĩ Xích vệ cao lớn, hùng dũng, người vùng hạ du, vùng hai tay nắm tay quát lên:

– Chúng mày muốn giết thì cứ giết ngay đi! Sao lại làm nhục người ta như thế?

– Lời chúng mày hứa đâu cả rồi? – Krivoslykov gầm lên.

Bọn bô lão dần dần bớt làm dữ. Khi một người tù binh hỏi: “Các anh giải chúng tôi đi đâu bây giờ?”, một gã cựu chiến binh còn trẻ đi áp giải có lẽ thương hại các chiến sĩ Bolsevich, khẽ trả lời:

– Mệnh lệnh là đến thôn Ponomariev. Anh em đừng sợ? Chúng tôi sẽ không làm điều gì tồi tệ với anh em đâu.

Đoàn người đã bị dồn tới thôn Ponomariev.

Spiridonov cùng hai tên Cô- dắc đứng ở cửa một hiệu tạp hoá nhỏ. Hắn cho từng người vào, người nào hắn cũng hỏi:

– Họ tên? Quê quán? – Hắn ghi những câu trả lời lên một cuốn sổ dã chiến nhem nhuốc.

Đến lượt Buntruc.

– Họ? – Spiridonov đặt mũi bút chì xuống tờ giấy, đưa nhanh mắt nhìn người chiến sĩ Xích vệ có bộ mặt âm thầm và vầng trán rất rộng. Nhưng hắn thấy anh ta chúm môi sắp sửa nhổ một bãi nước bọt bèn né hẳn sang bên cạnh và quát lên – Vào đi, quân khốn kiếp!

– Mày sẽ chết không tên tuổi!

Noi gương Buntruc, anh chàng Íchnat người Tambob cũng không trả lời. Một người thứ ba cũng muốn chết ẩn danh, cứ lừng lững bước qua ngưỡng cửa.

Spiridonov tự tay khoá cửa rồi đặt gác.

Trong khi bọn Cô- dắc đem các đồ đạc, thức ăn và vũ khí lấy được trên các xe của đội viễn chinh chia nhau ngay bên cạnh cửa hiệu tạp hoá, trong một ngôi nhà bên cạnh họp toà án quân sự dã chiến tổ chức quàng quấy gồm đại diện của cái thôn tham gia vây bắt Pochenkov.

Chánh án là Vasili Popop, một tên đại uý Cô- dắc vạm vỡ, lông mày vàng khè, quê ở trấn Bokovskaia. Hắn ngồi sau một chiếc bàn, dưới tấm gương treo đầy những chiếc khăn mặt, hai khuỷu tay dang rộng, mũ cát- két hất ra sau cái gáy phẳng dẹt. Hắn đưa cặp mắt dâm đãng, vừa hồn hậu lại vừa nghiêm nhìn khắp mặt bọn Cô- dắc thẩm phán có ý thăm dò. Chúng bắt đầu nghị tội.

– Thưa các cụ bô lão, chúng ta xử chúng nó như thế nào đây? – Popop nhắc lại câu hỏi:

Rồi hắn cúi xuống thì thào không biết nói gì với tên thượng uý Xênhin ngồi bên. Tên nầy gật đầu đồng ý. Đồng tử hai con mắt của Popop co hẹp lại, những ánh vui vẻ bên khoé mắt biến ngay đâu mất, và hai con mắt khác hiện ra sau hai hàng mi thưa với những ánh long lanh, lạnh lẽo và khắc nghiệt.

– Đối với những thằng phản bội quê hương xứ sở, cướp phá nhà của chúng ta, giết hại dân Cô- dắc chúng ta, chúng ta sẽ xử chúng nó như thế nào?

Fevralov, một lão già cựu giáo người trấn Miliuchinskaia nhảy chồm lên như một chiếc lò xo.

– Xử bắn! Bắn hết! – Lão lắc đầu lia lịa như bị ma làm, đưa cặp mắt cuồng tín lác xệch nhìn tất cả mọi người, lão nuốt nước bọt đánh ực rồi gào lên – Chúng nó, những thằng bán Chúa ấy thì không thể nào thương hại được? Trong đám chúng nó có những thằng Do- thái đấy! Phải giết! Phải giết!… Phải đóng đanh câu rút chúng nó! Phải ném chúng nó vào lửa!

Chòm râu thưa nhưng thô cứng của lão rung lên, bộ tóc bạc lấm tấm đỏ xù lên. Lão ngồi xuống rồi mà vẫn còn thở hổn hển, mặt đỏ như gạch, nước bọt sủi đầy mép.

– Xử chúng nó phát vãng. Như thế có được không? – Diachenko một thẩm phán ngập ngừng đề nghị.

– Xử bắn!

– Tử hình!

– Tôi tán thành ý kiến đó?

– Đem tất cả ra hành quyết trước nhân dân!

– Cỏ dại phải nhổ cho sạch đồng!

– Giết chúng nó đi!

– Xử bắn, tất nhiên rồi! Có gì phải nói thêm nữa! – Spiridonov nói giọng tức tối.

Cứ sau mỗi tiếng kêu như thế, hai bên mép tên đại uý Popop lại trở nên thô bạo thêm, lại mất thêm cái vẻ hồn hậu lúc đầu của một con người sống phè phỡn, thoả mãn vì bản thân mình và vì những người chung quanh. Hai cái mép đó trễ xuống, hằn cứng lại thành những nét tàn nhẫn.

– Xử bắn! Ghi vào! Hắn vừa ra lệnh cho tên thư ký vừa nhìn qua vai tên nầy.

– Thế còn hai thằng Pochenkov và Krivoslykov đối với những đứa thù địch như thế chỉ xử bắn thôi à? Đối với chúng nó như thế nhẹ quá đấy? – Một lão Cô- dắc đã nhiều tuổi nhưng người còn chắc nịch, tức tối gào lên. Lão ngồi bên cửa sổ và cứ luôn tay vặn cao thêm cái bấc đèn lúc nào cũng doạ tắt.

– Chúng nó là hai thằng đầu sỏ thì treo cổ! – Popop trả lời gọn lỏn rồi nhắc lại với tên thư ký – Viết đi: “Bản phán quyết. Chúng tôi, những người ký tên dưới đây…”

Tên thư ký, cũng là Popop, vốn có họ xa với tên đại uý. Hắn cúi cái đầu có bộ tóc trắng nhợt chải mượt, đưa ngòi bút viết loạt soạt.

– Có lẽ không đủ dầu đâu… – Một tên thở dài có ý lo ngại Ngọn đèn chập chờn, bấc đèn bốc khói mù mịt. Trong bầu không khí chết lặng, vo vo có một tiếng con ruồi bị vướng vào đám mạng nhện trên trần nhà, ngoài ra chỉ có tiếng thở khò khè nặng nề của một tên thẩm phám.

BẢN PHÁN QUYẾT

Ngày 27 tháng Tư (mồng 10 tháng Năm) năm 1918, các vị thẩm phán được bầu ra của các trấn Karginovskaia, Bokovskaia và Krasnokurskaia.

(Thôn): Đại diện

– Vaxilevsky: Marsaev Stepan.

– Bokovsky: Krugilin Nicolai.

– Fomin Kumov: Fedor.

– Thượng Yablonovsky: Kurchin Aleksan.

– Hạ Dulensky: Xinhép Lev.

– Ilinsky: Volotkov Semion.

– Konkovsky: Popop Mikhail.

– Thượng Dulensky: Rodin Yakov.

– Savoschianov: Florov Alex.

Trấn Miliuchinskaia: Fevralev Maxim.

Thôn Ponomariev: Diachenko Ivan.

– Elanchiev: Krivô Nicolai

– Malakhov: Emelianov Luca

– Novo- Demchevgeni: Konovalov Matvey

– Popop: Popop Mikhail

– Astakhov: Segonkov Vasili

– Orlov: Trekunov Fedor

– Klimo- Fedorovsky: Trucarin Fedor

do V.S. Popop làm chánh án

PHÁN QUYẾT NHƯ SAU:

1. Tất cả những tên cướp bóc và lừa dối nhân dân lao động có tên trong bản danh sách dưới đây, tổng cộng tám mươi tên, đều bị tuyên án tử hình, với hình thức xử bắn, nhưng trong số đó có hai tên Pochenkov và Krivoslykov là đầu sỏ trong đám nầy thì án tử hình được chấp hành bằng hình thức treo cổ.

2. Tên Cô- dắc Anton Kalitvenchev người thôn Mikhailovsky được tha bổng vì chứng cớ không đầy đủ.

3. Đối với những tên Konstantin Melnikov, Gavrila Melnikov, Vasili Melnikov, Arsenov và Versunin bỏ trốn khỏi đội Pochenkov và bị bắt ở trấn Krasnokurskaia đều tuyên án theo điểm một của bản phán quyết nầy (tử hình).

4. Bản án sẽ được chấp hành ngày mai 28 tháng Tư ( 11 tháng Năm) hồi sáu giờ sáng.

5. Chỉ định thượng uý Xênhin đảm nhiệm việc canh gác các phạm nhân. 11 giờ tối nay mỗi thôn phải cử hai người Cô- dắc vũ trang bằng súng trường tới chịu quyền điều khiển của thượng uý Xênhin. Các vị thẩm phán sẽ chịu trách nhiệm nếu điểm nầy không được chấp hành. Đội canh gác của các thôn chịu trách nhiệm chấp hành bản án. Mỗi thôn cử đến pháp trường năm người Cô- dắc.

Đã ký tên vào nguyên bản:

Chánh án toà án quân sự

V.S. Popop

Thư ký A.F. Popop.

DANH SÁCH

Các tên trong đội Pochenkov bị toà án quân sự dã chiến tuyên án tử hình ngày 27 tháng Tư theo lịch cũ năm 1918.

1. Fedor Pochenkov, trấn Ust- Khopeskaia – treo cổ

2. Krivoslykov, trấn Elanskaia Mikhail – treo cổ

3. Avram Kakurin, trấn Kazanskaia – xử bắn

4. Ivan Laguchin, trấn Bukanovskaia – xử bắn

5. Aleksey Ivan Orlov, thành phố Nizegrod – xử bắn

6. Efilm Mikhail Barchen, trấn Nizegrodskaia – xử bắn

7. Grigori Fechisov, trấn Ust- Bukhtrianskaia – xử bắn

8. Gavrin Tkachev, trấn Migulinskaia – xử bắn

9. Pavel Agafonov, trấn Migulinskaia – xử bắn

10. Kalinin, trấn Luganskaia – xử bắn

11. Konstatin Mrykhin, trấn Migulinskaia – xử bắn

12. Andrey Konovalov, trấn Migulinskaia – xử bắn

13. Konstatin Kirsta, thành phố Poltava – xử bắn

14. Pavel Potnakov, trấn Cotovskaia – xử bắn

15. Ivan Bondyrev, trấn Migulinskaia – xử bắn

16. Timofey Kolychev, trấn Migulinskaia – xử bắn

17. Alexandr Bubnov, trấn Mikhailovskaia – xử bắn

18. Dimitri Volodarov, trấn Filim Trenb – xử bắn

19. Georgi Karpasin, trấn Chernysevskaia – xử bắn

20. Ilia Kalmykov, trấn Filim- Trenb – xử bắn

21. Xvey Rybnikov, trấn Migulinskaia – xử bắn

22. Polikav Gurov, trấn Migulinskaia – xử bắn

23. Ichnat Demliakov, trấn Migulinskaia – xử bắn

24. Ivan Krachev, trấn Migulinskaia – xử bắn

25. Nikifo Frolovsky, trấn Rostov – xử bắn

26. Alexandr Gonovalov, trấn Rostov – xử bắn

27. Petr Vichilanchev, trấn Migulinskaia – xử bắn

28. Ivan Zotov, trấn Kirkaia – xử bắn

29. Evdokim Babkin, trấn Migulinskaia – xử bắn

30 Petr Svinchev, trấn Mikhailovskaia – xử bắn

31. Inariôn Chelobittrikov, trấn Dobrinskaia – xử bắn

32. Klimenchi Dronov, trấn Kazanskaia – xử bắn

33. Ivan Avilov, trấn Lovlinskaia – xử bắn

34. Matvey Sarmatov, trấn Kazanskaia – xử bắn

35. Georgi Pupkov, trấn Hạ Cumôliaskaia – xử bắn

36. Mikhail Fevralev, trấn Chernovskaia – xử bắn

37. Vasili Panteleymonov, thành phố Kherson – xử bắn

38. Porfori Liubukhin, trấn Kazanskaia – xử bắn

39. Dimitri Samov, trấn Kletkaia – xử bắn

40. Xafon Saronov, trấn Filonovskaia – xử bắn

41. Ivan Gubarép, trấn Migulinskaia – xử bắn

42. Fedor Abacumov, trấn Migulinskaia – xử bắn

43. Kutma Gorskov, trấn Luganskaia – xử bắn

44. Ivan Itvarin, trấn Gundorovskaia – xử bắn

45. Miron Kalinovchev, trấn Gundorovskaia – xử bắn

46. Ivan Faraphorov, trấn Mikhailovskaia – xử bắn

47. Sergey Gorbunov, trấn Cotopskaia – xử bắn

48. Petr Alaev, trấn Hạ Trirskaia – xử bắn

49. Prokovi Orlov, trấn Migulinskaia – xử bắn

50. Nikita Sein, trấn Luganskaia – xử bắn

51. Alexandr Laxcusky, trấn Thợ cả ở RPTX – xử bắn

52. Mikhaiin Poliakov, trấn Rostov – xử bắn

53. Dimitri Rogachev, trấn Radorskaia – xử bắn

54. Rober Frasenbrud, trấn Rostov – xử bắn

55. Ivan Xilend, trấn Rostov – xử bắn

56. Konstatin Efilmôp, thành phố Xamara – xử bắn

57. Mikhail Obchinnikov, trấn Chernysevskaia – xử bắn

57 Ivan Picalov, thành phố Xamara – xử bắn

59. Mikhail Koretkov, trấn Lovlinskaia – xử bắn

60. Ivan Corotkov, trấn Kumsaskaia – xử bắn

61. Piot Biriukov, trấn Rostov – xử bắn

62. Ivan Cabakov, trấn Khu mới Radorskaia – xử bắn

63. Tikhol Molivinov, trấn Lukovskaia – xử bắn

64. Andrey Svechev, trấn Migulinskaia – xử bắn

65. Stepan Anhikin, trấn Migulinskaia – xử bắn

66. Kutma Dutkin, trấn Kremenskaia – xử bắn

67. Petrt Kabanov,, trấn Baklanovskaia – xử bắn

68. Sergey Selivanov, trấn Mikhailovskaia – xử bắn

69. Archen Ivanchenko, trấn Rostov – xử bắn

70. Nicôlai Konovalov, trấn Migulinskaia – xử bắn

71. Dimitri Konovalov, trấn Mikhailovskaia – xử bắn

72. Fios Luxikov, trấn Krasnokurskaia – xử bắn

73. Vasili Mironikov, trấn Migulinskaia – xử bắn

74. Ivan Volokhov, trấn Migulinskaia – xử bắn

75. Lakov Gordeev, trấn Migulinskaia – xử bắn

Trong bọn có ba tên không cung khai họ tên quê quán.

Sau khi sao lại xong bản danh sách những người bị kết án, tên thư ký đánh hai cái dấu chấm rất xa nhau vào cuối bản phán quyết rồi nhét cây bút vào tay tên ngồi gần nhất:

– Ký vào.

Lão Konovalov nằm rạp xuống tờ giấy với một nụ cười như nhận lỗi Lão mặc một chiếc áo đại lễ phục cổ đứng bằng dạ Đức màu xám với hai cái ve áo đỏ lòm. Những ngón tay thô kệch, cồm cộm những chai, đen như hắc ín của lão không sao cong lại được, cứ trùng trục bóp chặt lấy cây bút học sinh bị gặm nham nhở.

– Tôi phải cái chữ nghĩa kém quá… – Lão vừa nói vừa ráng hết sức viết nguệch ngoạc một chữ “K” đầu họ.

Sau lão đến lượt Rodin. Lão nầy cũng nhận lấy cây bút một cách thiếu tin tưởng, mặt mày nhăn nhó, mồ hôi mồ kê đầm đìa vì bao nhiêu gân sức đều dồn ra cả. Một tên nữa ngoáy ngoáy mãi cái bút trước khi ký, hắn ký nhăng cuội lấy một chữ rồi mới rút cái lưỡi thè lè ra ngoài từ lúc bắt đầu cầm bút. Popop ký loáng một nét xong cái họ của hắn, chữ ký rất phóng khoáng, rồi đứng dậy, rút khăn tay lau khuôn mặt ướt đẫm.

– Phải có bản danh sách kèm theo bản phán quyết, – Hắn vừa nói vừa ngáp.

– Ở thế giới bên kia Kaledin sẽ cảm ơn chúng ta, – Xênhin vừa nhìn tên thư ký thấm tờ giấy đẫm mực bên bức tường quét vôi trắng vừa mỉm cười một nụ cười rất trẻ.

Không một tên nào trả lời câu pha trò đó. Mọi người âm thầm bước ra khỏi ngôi nhà.

– Lạy Chúa tôi… – Một người vừa bước ra vừa thở dài trong căn phòng ngoài tối om.

Chọn tập
Bình luận