Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 93

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Những đường chiến hào ngoằn ngoèo chữ chi chạy kỳ quặc bên cạnh một khu rừng, chỉ cách những đống hoang tàn của một thị trấn nhỏ bị hoả lực pháo binh san bằng trong những trận chiến đấu tháng sáu có một vec- xta. Đại đội Cô- dắc đặc biệt chiếm khu vực ở ngay mép rừng.

Phía sau là một cánh rừng liễu đỏ xanh rờn, rậm đến không qua được và khoảng bạch dương còn non. Rồi đến một bãi lầy nhiều than bùn, loáng nhoáng màu rỉ, hồi trước chiến tranh đã bắt đầu được khai thác đôi chút. Tầm xuân nở hoa vui mắt như những chùm quả đỏ. Bên phải thấy nhô ra một góc rừng, có con đường cái bị đạn pháo bắn thủng lỗ chỗ, bây giờ nom cứ như những con đường hoang không có ai đi nữa. Ở ven rừng có những đám cỏ dại đã cằn cỗi lại bị đạn bắn thêm xơ xác, những gốc cây cụt, cháy thui nhô lên như những cái lưng gù, các ụ đất sét, các chiến hào chạy ra xa tít ở hai bên trên cánh đồng trơ trụi. Ở phía sau, ngay đến bãi than bùn lầy lội khai thác dở với những chỗ đào nham nhở, ngay đến con đường cái bị phá hoại vẫn còn toả hơi sống, còn ghi lại sự lao động nửa chừng đứt quãng, chứ ở chỗ lề rừng nầy, mặt đất chỉ phô ra trước mặt con người một cảnh sầu thảm đầy đắng cay.

Hôm ấy anh chàng Kotliarov trước kia làm thợ máy ở nhà máy Mokhov, có lần cái thị trấn nhỏ ở ngay sát mặt trận, nơi đoàn xe vận tải tuyến nhất tới đỗ. Trời sắp hoàng hôn Kotliarov mới trở về. Trong khi len lỏi về căn hầm của mình, anh vấp phải Dakha Korolov.

Dakha vung loạn hai tay một cách ngớ ngẩn, bước rảo gần như chạy, thanh gươm vướng cả vào các bậc bao cát. Kotliarov né sang một bên nhường đường cho Dakha, nhưng Dakha nắm lấy một cái khuy trên chiếc áo va- rơi của Kotliarov, trợn mắt khẽ nói, lòng trắng con mắt vàng khè như mắt người ốm:

– Cậu đã biết tin gì chưa? Bọn bộ binh ở bên phải đánh bài chuồn rồi đấy! Chưa biết chừng họ đang bỏ mặt trận.

Bộ râu rối như bòng bong của hắn bỗng sững lại không động đậy nữa, nom như đúc bằng gang đen, hai con mắt nhìn chằm chằm, đầy vẻ khao khát, mong mỏi.

– Sao, thế là chúng rời bỏ mặt trận à?

– Chúng nó bỏ đi rồi, còn như thế nào thì mình không biết Hay có bọn khác đến thay chãng? Chúng mình vào chỗ thằng hạ sĩ, thử hỏi xem.

Dakha quay gót bước vào hầm của tên hạ sĩ, hai chân cứ trượt trên mặt đất ướt rất trơn.

Một giờ sau, đại đội Cô- dắc được bộ binh đến thay thế, đã hành quân tới thị trấn. Sáng hôm nay họ đến chỗ bọn giữ ngựa nhận ngựa rồi tiến về hậu phương với tốc độ hành quân cấp tốc.

Mưa lất phất. Những cây bạch dương khom lưng buồn bã. Con đường đâm thẳng vào rừng. Ngửi thấy mùi hơi ẩm và mùi lá héo năm ngoái hắc hắc, u uất, đàn ngựa thở phì phì, chân bước nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Những chùm quả trong các bụi sao hoa lóng lánh như những chuỗi hạt cườm màu hồng. Được nước mưa rửa sạch, những lá chua me lấm tấm những giọt nước trắng bóng lên một cách lạ lùng. Gió rung cành cây làm những giọt nước vừa to vừa nặng rơi lộp bộp xuống đoàn người ngựa. Các áo ca- pôt và mũ cát- két mang những chấm đen lấm tấm, nom như bị đạn ghém bắn phải. Khói thuốc lá hạng tồi chập chờn và tan dần trên đầu các hàng quân trong trung đội.

Họ xách cổ bọn mình đi rồi không biết sẽ đem đến nơi quỷ quái nào đây.

– Nằm bẹp mãi trong chiến hào như thế chưa đủ ngấy hay sao – Nhưng thật ra không hiểu chúng mình bị kéo đi đâu nhỉ?

– Có lẽ có một chuyện biên chế lại gì đó.

– Hình như không phải thế đâu.

– Chà, các bạn đồng hương ạ, ta hãy hút điếu thuốc cho quên hết buồn phiền!

– Buồn phiền của mình thì mình đeo nó trong ba- lô…

– Thưa ngài đại uý, ngài cho phép hát một bài nhá?

– Được phép rồi phải không? Nào, lên giọng đi, Arkhiv!

Trong mấy hàng đầu có một anh chàng nào đó húng hắng vài cái rồi cất tiếng hỏi:

– Đoàn Cô- dắc giải ngũ hồi hương, lon trên vai, đầy ngực huân chương.

Chỉ có vài giọng ống bơ rỉ uể oải hoà theo rồi lắng bặt. Dakha Korolov đi cùng hàng với Kotliarov bèn kiễng chân trên bàn đạp, gào lên pha trò:

– Nầy, cái bọn già nua mù loà kia! Anh em mình có hát cái kiểu như thế bao giờ đâu hử? Như các cậu thì chỉ bị gậy ra đứng trước cửa nhà thờ mà “Thương chúng con đui mù” cũng là những ca sĩ đấy.

– Thế cậu thử cất giọng xem nào?

– Cổ nó ngắn chùn chùn như thế thì làm gì có chỗ chứa hơi?

– Khoe khoang lắm vào, bây giờ tao cho thì cụp đuôi.

Korolov đưa tay lên nắm chặt lấy chòm râu đen chấy rận nhừ sung, dim mắt một lát rồi bất thình lình vung mạnh dây cương, cất giọng hát câu đầu:

Vui lên đi,

Các chàng trai dũng cảm,

Các chàng trai Cô- dắc sông Đông…

Tựa như bị lời kêu gọi đó làm cho tỉnh ngủ, toàn đại đội cùng gầm lên theo:

Hãy vui lên,

Với vinh dự, với chiến công!

Và bài hát vang lên trên cánh rừng ẩm ướl, trên con đường mòn:

Nào, ta hãy nêu gương cho đồng đội,

Xem đây nầy, ta bắn kẻ thù chung!

Súng văn nổ, đội hình ta không loạn,

Lệnh trên truyền, ta chém, ta đâm!

Ta chỉ biết tuân theo mệnh lệnh,

Của chỉ huy, của cha ta, dù dẹp bắc hay đánh đông!

Suốt chặng đường mọi người vừa hành quân vừa ca hát, trong lòng như mở cờ: thế là thoát khỏi “nơi tha ma của loài sói” rồi. Đến chiều thì đại đội được đưa lên những toa xe lửa. Đoàn tầu nhà binh chuyển bánh về phía Pskov. Mãi đến khi tầu chạy qua được ba ga, mọi người mới biết đại đội đang cùng với các đơn vị khác của Quân đoàn kỵ binh số ba tiến về Petrograd để trấn an các cuộc rối loạn mới chớm nở. Sau khi biết tin đó, anh nào anh nấy đều im như thóc, không nói năng gì nữa. Bầu không khí lặng lẽ, mơ màng như ru ngủ mọi người trong các toa xe sơn đỏ.

– Vừa ra khỏi lò than lại đâm ngang đầu vào đám cháy! – Mãi mới thấy gã cao kều Borsev nói lên ý nghĩ chung của phần lớn anh em.

Từ tháng hai đến nay, Kotliarov vẫn liên tục được bầu làm chủ tịch Uỷ ban binh sĩ đại đội. Tầu vừa dừng bánh ở ga, anh đến tìm ngay viên đại đội trưởng.

– Thưa ngài đại uý, anh em Cô- dắc đang xao xuyến đấy.

Viên đại uý nhìn rất lâu vào chỗ hõm sâu ở cằm Kotliarov rồi mỉm cười nói:

– Anh bạn thân mến ạ, chính tôi cũng đang xao xuyến đây.

– Người ta đưa chúng tôi đi đâu bây giờ?

– Đến Petrograd!

– Đi trấn áp à?

– Thế cậu nghĩ là đi góp phần vào các vụ lộn xộn đấy phải không?

– Chúng tôi thì cả hai đằng đều không muốn.

– Thật ra người ta có hỏi ý kiến chúng ta đâu.

– Anh em Cô- dắc…

– “Anh em Cô- dắc” cái gì? – Viên đại đội trưởng đã bắt đầu khùng lên, hắn ngắt lời Kotliarov – Chính tôi cũng đã biết anh em Cô- dắc nghĩ thế nào rồi. Cậu tưởng tôi thích làm cái nhiệm vụ nầy phải không? Thôi cầm lấy cái nầy mang về đại đội mà đọc. Đến ga sắp tới tôi sẽ xuống nói chuyện với anh em.

Viên đại đội trưởng chìa cho Kotliarov một bức điện cuộn tròn rồi nhăn mặt bắt đầu nhai những miếng thịt hộp lổn nhổn những hạt mỡ rất to, coi bộ hắn vừa ăn vừa tởm.

Kotliarov lui về toa xe của anh, bức điện trong tay nóng bỏng như hòn than.

– Các cậu gọi hộ anh em các toa khác lại đây.

Đoàn tầu đã chuyển bánh nhưng vẫn còn những gã Cô- dắc nhảy lên toa xe. Tập họp được chừng ba mươi người.

– Đại đội trưởng đã nhận được một bức điện. Vừa đọc xong.

– Thế nào trong đó viết những gì? Đọc đi nghe nào?

– Đọc đi, nhưng chớ đọc dối đọc bậy đấy?

– Ký hoà ước rồi phải không?

– Im cả đi nào!

Trong không khí chết lặng như ngưng đọng, Kotliarov đọc bản hiệu triệu của Tổng tư lệnh tối cao Kornilov. Sau đó tờ giấy với những từ ngữ viết theo thể điện tín được truyền qua những bàn tay đẫm mồ hôi.

“Tôi, Tổng tư lệnh tối cao Kornilov, xin tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào rằng trong giờ phút nghiêm trọng nầy của Tổ quốc, nhiệm vụ của người quân nhân, tinh thẩn hy sinh cho nước Nga tự do của người công dân và lòng yêu Tổ quốc không bờ bến đã bắt tôi không được tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ lâm thời và vẫn giữ quyền chỉ huy tối cao trong lục quân và hải quân. Quyết tâm nầy đã được toàn thể các vị Tổng tư lệnh tối cao mặt trận ủng hộ, tôi xin tuyên bố trước toàn thể nhân dân Nga rằng tôi thà chết còn hơn chịu để cho mình bị cắt chức Tổng tư lệnh tối cao. Một người con chân chính của nhân dân Nga bao giờ cũng chết trên cương vị phục vụ của mình và hiến dâng cho Tổ quốc vật quý nhất của mình là tính mạng.

Trong giờ phút quả thật là khủng khiếp nầy đối với sự mất còn của Tổ quốc, lúc những con đường dẫn tới hai kinh đô 1 đã gần như mở toang cho quân thù chiến thắng tiến vào, Chính phủ lâm thời đã quên mất đại sự là sự trường tồn độc lập của nước nhà, chỉ đem cái bóng ma phản cách mạng ra làm nhân dân hoảng sợ, mà phong trào phản cách mạng ấy, chính họ đang giúp cho nó trở thành sự thật một cách hết sức nhanh chóng, do thiếu năng lực quản lý quốc gia, nhu nhược về pháp chê, do dự trong hành động.

Nhưng tôi là con đẻ của nhân dân, đã hiến dâng tất cả để trung thành phục vụ nhân dân như tất cả mọi người đều biết, tôi không thể không đứng ra bảo vệ các quyền tự do vĩ đại, bảo vệ tương lai vĩ đại của nhân dân mình. Nhưng hiện nay tương lai ấy đang bị nắm trong những bàn tay yếu đuối, nhu nhược. Kẻ thù ngạo ngược đang dùng cách mua chuộc, phản bội để hoành hành trong nước ta như trong nhà nó, lăm le thủ tiêu không những quyền tự do mà cả sự sống còn của nhân dân Nga. Những ai là người Nga hãy thức tỉnh, hãy nhìn kỹ cái hố không đáy, nơi Tổ quốc chúng ta đang lao vùn vụt tới!

Để tránh mọi sự xáo lộn, để ngăn ngừa mọi cuộc đổ máu người Nga, mọi cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt, tôi xin quên mọi điều xúc phạm, nhục mạ, để đứng truớc toàn thể đồng bào tuyên bó với Chính phủ lâm thời: các ngài cứ đến với tôi ở Đại bản doanh, ở đấy tự do và an toàn của các ngài sẽ được đảm bảo bằng lời hứa danh dự của tôi, các ngài hãy cùng với tôi đặt kế hoạch và tổ chức một nền quốc phòng nhân dân, vừa đảm bảo tự do vừa đưa dắt nhân dân Nga tới một tương lai rực rỡ, xứng đáng với một dân tộc tự do hùng mạnh.

Đại tướng Kornilov.”

Đoàn tàu nhà binh chạy đến ga sau đó thì bị ngăn lại. Trong khi chờ tàu lại chuyển bánh, anh em Cô- dắc tập hợp bên những toa xe, bàn tán về bức điện của Kornilov, cùng bức điện của Kerensky mà viên đại đội trưởng vừa đọc cho nghe, tuyên bố Kornilov là một kẻ phản bội và phản cách mạng. Mọi người hoang mang bàn quanh bàn quẩn. Viên đại đội trưởng và các sĩ quan phụ trách trung đội cũng hết sức bối rối.

– Trong đầu óc mình tất cả đều rối như bòng bong, – Gã Marchin Samin than vãn – Ma quái nào hiểu được ai ngay ai gian bây giờ.

– Họ quạng vào mõm nhau rồi lại làm khổ thêm cả quân đội.

– Các ông to đầu rửng mỡ hoá điên rồi – Anh nọ muốn ngồi lên đầu anh kia – Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết – Tất cả sẽ nháo nhào cho mà xem… Thật tai hoạ!

Một nhóm Cô- dắc tới tìm Kotliarov. Họ yêu cầu:

– Cậu lên gặp đại đội trưởng hỏi xem làm thế nào bây giờ.

Họ kéo nhau tới tìm đại đội trưởng. Bọn sĩ quan đã tụ tập trong toa xe riêng của chúng, không biết chúng đang bàn bạc với nhau những gì. Kotliarov bước vào:

– Thưa ngài đại đội trưởng, anh em Cô- dắc muốn hỏi chúng ta làm thế nào bây giờ.

– Tôi ra ngay đây.

Đại đội đã tập họp cạnh toa xe cuối cùng và đang chờ. Viên đại đội trưởng đi cùng với đám Cô- dắc, lách tới giữa đám rồi giơ tay nói:

– Chúng ta không phục tùng Kerensky, chúng ta phục tùng Kornilov và thủ trưởng trực tiếp. Như thế có đúng không? Vì thế chúng ta phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và đi Petrograd. Cùng lắm, khi tới ga Dno, chúng ta cũng có thể tìm sư đoàn trưởng Sư đoàn sông Đông số một để hỏi xem tình hình thực tế như thế nào. Tôi đề nghị anh em Cô- dắc đừng nên xao xuyến lo lắng. Nhất là giữa lúc chúng ta đang sống trong thời buổi như thế nầy.

Viên đại đội trưởng còn nói rất lâu về nghĩa vụ của nhà binh, về Tổ quốc, cách mạng, cố dỗ ngon dỗ ngọt binh sĩ và chỉ trả lời các câu hỏi một cách quanh co. Nhưng hắn cũng đã đạt được mục đích: trong lúc hắn nói, đầu máy đã được mắc xong (anh em Cô- dắc biết đâu rằng có hai tên sĩ quan đại đội họ đã chĩa súng doạ người sếp ga, bắt phải cho đoàn tàu chuyển bánh sớm) và binh sĩ lại giải tán trở về các toa xe, Đoàn tàu nhà binh chạy thêm một ngày một đêm, mỗi lúc một gần tới Dno. Nhưng đến đêm, nó lại phải dừng lại cho đoàn tàu của bọn Cô- dắc Usuri và trung đoàn Dagestan chạy trước. Đoàn tàu của bọn Cô- dắc sông Đông bị dồn sang đoạn đường dự bị. Các toa xe của trung đoàn Dagestan chạy qua trước mặt họ trong bóng đêm bềnh bệnh như đá mắt mèo, với những ánh đèn lung linh. Những tiếng nói khàn khàn phát ra từ trong họng, tiếng đuốc- na 2 như than vãn, những bài hát với giai điệu xa lạ vẳng tới tai họ, nghe mỗi lúc một xa. Mãi nửa đêm, đại đội Cô- dắc mới lên đường. Chiếc đầu máy công suất nhỏ dừng lại rất lâu bên cạnh tháp nước, những tin lửa bắn ra tung toé từ trong lò xuống đất. Người thợ máy phì phèo điếu thuốc, đứng ở trong cửa sổ nhìn ra như đang chờ ai. Một gã Cô- dắc đứng trong toa xe sát đầu máy thò cổ ra cửa sổ quát lên:

– Nầy, Gavrila, có mở máy đi không, chúng tao bắn chết ngay cho mà xem.

Người thợ máy nhổ mẩu thuốc, nín lặng một lát, hình như còn bận nhìn theo nó bay thành đường vòng cung trong không khí, rồi mới húng hắng ho và nói:

– Chúng bay bắn thế nào được hết mọi người – Anh ta nói xong bước khỏi chỗ cửa sổ.

Vài phút sau các toa xe bị đầu máy giật mạnh, các “tăm pông” kêu lách cách, những con ngựa mất thăng bằng vì tàu giật, lộp cộp đập vó xuống sàn tàu. Đoàn xe thẫn thờ trườn qua cái tháp nước, qua vài khuôn cửa sổ hiếm hoi thấp thoáng ánh đèn, qua những đám bạch dương đen sì hai bên đường. Anh em Cô- dắc lấy thức ăn cho ngựa rồi nằm xuống ngủ, nhưng thỉnh thoảng lại có một anh chàng thao thức, ra hút thuốc ở chỗ cửa toa hé mở, nhìn lên bầu trời uy nghiêm, nghĩ về một chuyện riêng.

Kotliarov nằm bên cạnh Korolov, mắt nhìn qua khe cửa về phía dòng tinh tú lấm tấm chảy trên trời. Trong ngày qua, anh đã đắn đo tất cả các mặt và đã quyết định dứt khoát sẽ dùng mọi cách chống lại việc đại đội tiến thêm về phía Petrograd. Anh trằn trọc nặn óc, không biết nên làm thế nào để thuyết phục anh em Cô- dắc ngả theo mình, làm thế nào tác động tới họ.

Ngay trước khi nghe lời hiệu triệu của Kornilov, anh đã nhận thức rõ ràng người Cô- dắc không thể nào đi cùng một đường với Kornilov, nhưng linh cảm cũng cho anh biết rằng Kerensky không phải là người mà mình cần phải bảo vệ. Vì thế anh suy đi tính lại mãi rồi cuối cùng quyết định: không để đại đội về tới Petrograd, và nếu cần phải xung đột với một kẻ nào đó thì cũng không phải vì Kerensky, vì chính quyền của Kerensky, mà vì một chính quyền được lập nên sau khi Kerensky bị lật đổ. Điều mà anh ta tin tưởng hơn hết là sau Kerensky sẽ có chính quyền mà mình mong mỏi, một chính quyền thực sự của mình. Ngay từ mùa hè, anh đã có dịp lên Petrograd, tới bộ phận quân sự của ban chấp hành Xô viết công nhân binh sĩ. Đại đội đã cử anh lên đấy xin ý kiến về một vụ xung đột nổ ra với viên đại đội trưởng. Anh đã nhìn thấy ban chấp hành làm việc thế nào, đã được chuyện trò với vài đồng chí Bolsevich.

Anh nghĩ bụng: “Cứ lấy thịt da công nhân của chúng ta đắp lên bộ xương ấy thì sẽ có một chính quyền thực sự! Kotliarov à, chết thì chết, nhưng cứ bám chặt lấy chính quyền đó như đứa trẻ bám lấy nụ hoa mẹ ấy!”

Đêm nay, nằm trên tấm áo ngựa, Kotliarov càng nhớ nhiều hơn mọi ngày người lãnh dạo mình mò mẫm trên con đường đời gian khổ, nhớ với cả một lòng trìu mến thắm thiết chưa từng thấy. Trong khi nặn óc nghĩ xem ngày mai mình sẽ phải nói như thế nào với anh em Cô- dắc, anh nhớ lại những lời Stokman đã nói về người Cô- dắc, những lời đó Stokman luôn luôn nhắc đi nhắc lại nên đã ăn sâu vào óc anh như cái đinh đóng ngập đến mũ: Bản chất của dân Cô- dắc là bảo thủ. Mỗi khi cậu muốn thuyết phục cho một người Cô- dắc tin vào tính chất đứng đắn của các tư tưởng Bolsevich, cậu chớ quên điều đó, phải hành động thận trọng, chín chắn, phải biết thích ứng với hoàn cảnh. Đầu tiên người ta sẽ đối xử với cậu cũng dựa theo cái thành kiến mà đầu tiên cậu và Miska Kosevoi đã có đối với mình, nhưng cậu chớ vì thế mà mất tinh thần. Kiên nhẫn bền bỉ, thắng lợi cuối cùng sẽ về tay chúng ta”.

Kotliarov trù tính rằng trong khi vận động anh em Cô- dắc đừng đi theo Kornilov, thể nào mình cũng sẽ vấp phải một số ý kiến phản đối, nhưng sáng hôm sau, khi trong toa xe anh nói với họ một cách thận trọng rằng cần phải đòi quay về mặt trận chứ không đi Petrograd đánh lại chính anh em mình, thì mọi người đều đồng ý ngay và rất sẵn sàng quyết định không tiến thêm về phía Petrograd nữa. Dakha Korolov và anh lính Tunlin người trấn Chernysevskaia là hai người giúp việc gần gụi nhất của Kotliarov. Suốt ngày ba người len lỏi từ toa nọ sang toa kia nói chuyện với anh em Cô- dắc, nhưng đến chiều khi đoàn tầu giảm dần tốc độ, chạy vào một ga xép nào đó, anh chàng hạ sĩ trung đội ba Psenitnikov nhảy lên toa Kotliarov.

– Đến ga chính sắp tới, đại đội sẽ xuống tàu ngay? – Hắn quát lên với Kotliarov, giọng xúc động – Cậu làm chủ tịch Uỷ ban cái kiểu gì mà anh em Cô- dắc muốn gì cậu cũng chẳng biết! Trước kia chúng ta sống u mê như thế đã đủ rồi! Chúng ta sẽ không đi thêm nữa! Bọn sĩ quan đang lồng dây thòng lọng vào cổ anh em mà cậu cứ bằng chân như vại, chẳng hé răng gì cả. Chúng mình bầu cậu lên để cậu làm thế có phải không? Thế nào, sao cậu cứ nhăn nhăn nhở nhở như thế?

– Đáng là cậu phải nói với mình những lời như thế nầy từ lâu rồi mới phải – Kotliarov tủm tỉm cười.

Tầu vừa dừng bánh, anh đã là người đầu tiên nhảy từ trên toa xe xuống. Anh tới gặp sếp ga, có Turilin cùng đi.

– Bác đừng cho đoàn tầu chúng tôi đi thêm nữa. Chúng tôi sẽ bắt đầu xuống tàu ở đây.

– Sao lại thế? – Người sếp ga ngơ ngác hỏi – Tôi đã nhận được lệnh… có cả giấy lộ trình.

– Thôi im mồm đi! – Turilin nghiêm khắc ngắt lời người sếp ga.

Hai người tìm đến chỗ Uỷ ban nhà ga, trình bày rõ tình hình với chủ tịch Uỷ ban, một nhân viên điện tín vạm vỡ, tóc hung hung. Vài phút sau người thợ máy đã vui vẻ dồn đoàn tầu vào đoạn đường cụt.

Anh em Cô- dắc hối hả bắc ván cầu, bắt đầu dắt ngựa trên các toa xe xuống. Kotliarov dạng hai cái chân dài ngoẵng đứng cạnh đầu máy, tươi cười lau mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng. Viên đại đội trưởng chạy tới, mặt cắt không còn hột máu.

– Mày làm gì thế hử? Mày có biết rằng…

– Biết rồi! – Kotliarov ngắt lời hắn – Còn ngài thì ngài câm cái mồm đi, ngài đại uý ạ. Rồi anh tái mặt nói dằn từng tiếng, hai cánh mũi phập phồng – Mày đã hết cái thời có thể mồm loa mép giải rồi, đồ nhãi ranh? Bây giờ chúng ta sẽ buộc cho mày cái rọ mõm. Tình hình lúc nầy thế đấy!

– Tổng tư lệnh tối cao Kornilov. – Viên đại uý đỏ mặt tía tai, còn định lắp bắp những gì nữa, nhưng Kotliarov vẫn dán mắt xuống đôi ủng mòn vẹt đứng lún xuống lớp cát xốp và khoác tay một cách thoải mái, khuyên hắn:

– Mày hãy đeo nó lên cổ thay huân chương, chúng tao chẳng cần đến nó làm gì cả.

Viên đại uý xoay gót ủng, chạy về toa xe của hắn.

Một giờ sau đại đội Cô- dắc đã rời khỏi nhà ga tiến về hướng Tây – Nam, không còn một tên sĩ quan nào nữa, nhưng hàng ngũ chỉnh tề quân số đầy đủ. Kotliarov lên nắm quyền chỉ huy đại đội và chỉ huy phó là anh chàng Turilin lùn choằn choặt đi trong trung đội đầu, cùng với các khẩu đội súng máy.

Đại đội dựa vào bức bản đồ tước được của viên đại đội trưởng cũ, tìm hướng rất vất vả, hành quân tới thôn Goreloie và nghỉ đêm tại đấy. Mọi người họp hội nghị toàn thể, quyết định trở lại mặt trận, và nếu bị cản trở thì sẽ chiến đấu chống lại.

Sau khi buộc hai chân sau các con ngựa và đặt xong các vọng gác, anh em Cô- dắc nằm xuống ngủ. Mọi người không thắp đèn. Có thể cảm thấy rằng tinh thần phần đông là u uất, ngả lưng xuống rồi là im như thóc, không tán chuyện và pha trò như thường ngày, ai cũng như giấu không muốn chọ người khác biết ý nghĩ của mình.

“Nếu họ hối lại, trở về đầu thú thì làm thế nào bây giờ?” – Kotliarov trằn trọc dưới chiếc áo ca- pôt suy nghĩ không phải không có ý lo ngại.

Turilin như đoán được ý nghĩ của Kotliarov, bước tới:

– Cậu ngủ rồi à, Ivan?

– Chưa ngủ đâu.

Turilin ngồi xổm dưới chân Kotliarov, ánh lửa ở đầu điếu thuốc lấp loáng. Hắn thì thầm:

– Anh em Cô- dắc đang thấp thỏm… Làm liều xong rồi lập tức lo ngay ngáy. Chúng mình đã bắt đầu nấu món cháo… nhưng cũng không đặc lắm, cậu thấy thế nào.

– Cứ chờ đấy rồi sẽ biết – Kotliarov bình thản trả lời – Nhưng cậu không sợ chứ?

Turilin luồn tay xuống dưới cái mũ cát- két, gãi gáy và mỉm một nụ cười gượng gạo:

– Nói thật ra thì mình cũng có sờ sợ… Lúc mới bẳt tay vào làm thì không sợ đâu, nhưng sau mới thấy rờn rợn.

– Gan cậu nhỏ lắm.

– Nhưng Ivan ạ, cậu phải biết rằng lực lượng của chúng nó lớn lắm đấy.

Hai người nín lặng giờ lâu. Trong thôn đã tắt hết đèn lửa. Không biết từ chỗ nào vẳng tới tiếng vịt kêu quàng quạc trên bãi lầy mênh mông mọc đầy loại liễu nhỏ của đồng cỏ.

– Vịt cái đấy! – Turilin mơ màng khẽ nói rồi lại lặng thinh.

Bầu không khí tịch mịch của trời đêm bao trùm khắp đồng cỏ, nhẹ nhàng, ve vuốt. Sương rơi trĩu những ngọn cỏ. Một làn gió hiu hiu đưa tới nơi đại đội Cô- dắc đóng trại, mùi các hố giải, mùi lau mục, mùi đất bãi lầy, mùi cỏ đậm sương đêm, tất cả trộn lẫn với nhau thành một thứ mùi hỗn hợp. Thỉnh thoảng lại có tiếng xích chân ngựa lách cách, tiếng ngựa thở phì phò hay rít lên và tiếng – những con ngựa lăn xuống đất. Sau đó tất cả lại lặng tờ. Mãi xa, mãi xa, thoáng có tiếng một con vịt đực gọi khàn khàn và tiếng quàng quạc của một con vịt cái trả lời gần hơn. Bỗng có tiếng đập phần phật rất nhanh của một đôi cánh không thể nhìn thấy trong bóng đêm. Đêm. Không một tiếng động. Hơi ẩm trên đồng cỏ mung lung sương mù. Phía tây, ngay sát đường chân trời có một đám mây màu tím sẫm, nom xốp như bột bánh đang lên men. Còn ở giữa trời, trên vùng đất cổ kính của khu Pskov sông Ngân Hà rộng mênh mông hiện rõ như một lời nhắc nhở luôn luôn vẳng bên tai 3

Trời vừa hửng, đại đội Cô- dắc đã lên đường. Đoàn người ngựa tiến theo qua thôn Goreloie. Những người đàn bà và trẻ chăn bò nhìn theo họ rất lâu. Đại đội leo lên một ngọn gò bị ánh mặt trời mọc nhuộm đỏ như gạch. Turilin quay đầu nhìn lại rồi khẽ chạm chân vào bàn đạp của Kotliarov.

– Cậu nhìn mà xem, phía sau có mấy thằng cưỡi ngựa phi đến đấy.

Ba người cưỡi ngựa đang vòng qua thôn phóng nước đại tới gần, bụi bốc lên chung quanh họ như một thứ vải mịn hồng hồng.

– Đại đội đứng lại! – Kotliarov ra lệnh

Theo thói quen, loáng một cái anh em Cô- dắc đã tập hợp thành một hình vuông xám xịt. Ba người kia đến cách chừng nửa vec- xta thì cho ngựa chuyển sang nước kiệu. Một người trong đám, một sĩ quan Cô- dắc, rút ra một chiếc khăn tay, vẫy vẫy trên đầu. Anh em Cô- dắc không rời mắt khỏi ba gã đang mỗi lúc một gần. Viên sĩ quan mặc áo quân phục mầu ka- ki tiến lên trước. Hai tên kia mặc tréc- két 4 ghì ngựa tụt lại xa một chút.

– Có việc gì thế? – Kotliarov cho ngựa chạy đến trước mặt viên sĩ quan và hỏi.

– Đàm phán – Viên sĩ quan đưa tay lên lưỡi trai trả lời – Trong đám các anh ai nắm quyền chỉ huy đại đội?

– Tôi.

– Tôi là đại diện toàn quyền của Sư đoàn Cô- dắc sông Đông số một, còn kia là hai đại diện của sư đoàn Tuzemnaia – Viên sĩ quan đưa mắt về phía hai viên sĩ quan miền núi và vừa kéo dây cương vừa vuốt vuốt cái cổ bóng nhoáng vì mồ hôi của con ngựa chạy đã sùi bọt mép – Nếu anh muốn đàm phán thì hãy cho đại đội xuống ngựa. Tôi có nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh bằng lời của thiếu tướng Grekov, sư đoàn trưởng.

Anh em Cô- dắc xuống ngựa. Ba tên đại diện cũng xuống ngựa và đi tới. Chúng len vào giữa đại đội. Mọi người lùi lại, dành cho chúng một khoảng nhỏ.

Viên sĩ quan Cô- dắc nói trước:

– Hỡi anh em đồng hương? Chúng tôi đến đây là để khuyên anh em nghĩ lại và ngăn ngừa những hậu quả tai hại mà thành động vừa qua của anh em có thể gây ra. Hôm qua sư đoàn bộ đã được tin là không biết do sự tuyên truyền tội lỗi của kẻ nào mà anh em đã tự ý rời bỏ các toa xe. Hôm nay sư đoàn bộ cử chúng tôi đến truyền đạt cho anh em mệnh lệnh lập tức quay về ga Dno. Hôm qua sư đoàn Tuzemnaia cùng những đơn vị kỵ binh khác đã chiếm được Petrograd, hôm nay vừa nhận được điện. Tiền vệ của chúng tôi đã tiến vào kinh đô, chiếm tất cả các cơ quan Chính phủ, nhà băng, nhà dây thép, các trạm điện thoại và tất cả các địa điểm quan trọng. Chính phủ lâm thời đã bỏ chạy và bị coi như giải tán. Hỡi anh em đồng hương, anh em hãy mau mau tỉnh ngộ! Phải biết rằng anh em đang đi tới chỗ chết? Trong trường hợp anh em không phục tùng lệnh của sư đoàn trưởng, lực lượng vũ trang sẽ được điều đến trừng trị anh em. Hành động của anh em đã bị coi là một sự phản bội, không chấp hành nhiệm vụ chiến đấu. Để tránh khỏi cái cảnh người mình làm đổ máu người mình, anh em chỉ còn một cách là phục tùng vô điều kiện.

Lúc ba tên đại diện đang tới gần, Kotliarov cân nhắc về tinh thần của anh em Cô- dắc và hiểu rằng không thể nào tránh cuộc đàm phán, vì nếu từ chối thì sẽ gây ra những hậu quả không tốt. Anh đắn đo một lát rồi ra lệnh cho đại đội xuống ngựa, còn mình thì kín đáo đưa mắt cho Turilin và lên thật gần tới chỗ ba tên đại diện. Trong lúc tên sĩ quan nói, Kotliarov nhận thấy anh em Cô- dắc cứ cúi đầu, cau có lãng nghe; một số thì thầm với nhau. Dakha Korolov mỉm cười gượng gạo, bộ râu đen nhánh của hắn chảy xuống chiếc áo sơ- mi, nom như một dòng nước gang đã đông lại: Borsev liếc nhìn sang bên cạnh, tay nghịch nghịch chiếc roi ngựa; Psenitnikov há hốc miệng, nhìn thẳng vào mắt tên sĩ quan đang nói: Marchin Samin đưa bàn tay nhớp nhúa lên xoa má, mắt nháy lia lịa; sau lưng hắn là Bagrov với bộ mặt đần độn vàng ệch; chàng súng máy Krasnickov nheo mắt như chờ đợi; Turilin thở như kéo bễ; gã Obnidov mặt đầy tàn hương hất chiếc mũ lưỡi trai ra sau gáy, lắc lắc cái đầu có bờm tóc trước trán, nom cứ như con bò mộng lúc cảm thấy cái ách cày đã đặt lên cổ; toàn trung đoàn hai đứng gục đầu như đang nguyện kinh. Tất cả đám người đứng sát vào nhau thành một khối, chẳng nói chẳng rằng, hơi thở nặng nề và nóng ran, các nét mặt thoáng có vẻ hoang mang.

Kotliarov hiểu rằng tinh thần anh em Cô- dắc đang sắp chuyển tới một bước ngoặt: chỉ vài phút nữa là tên sĩ quan mồm mép nầy sẽ có thể lôi cuốn được đại đội theo hắn. Dù sao cũng phải phá tan cái ấn tượng mà những lời hắn nói đã gây ra, phải làm lung lay cái quyết tâm đã thành hình trong đầu óc anh em Cô- dắc mà chưa nói ra. Anh bèn giơ tay, mở trừng trừng hai con mắt ra một cách rất lạ, nhìn tất cả đám người.

– Anh em! Hượm một lát đã? – Rồi anh quay sang hỏi viên sĩ quan – Các anh có mang theo bức điện không?

– Bức điện nào cơ chứ? – Viên sĩ quan có vẻ ngạc nhiên.

– Bức điện báo tin Petrograd bị chiếm ấy.

– Bức điện ấy à? Không có. Nhưng bức điện có dính dáng gì đến chuyện nầy?

– À hà! Không có… – Toàn đại đội thở phào nhẹ nhõm, như từ cùng một lồng ngực.

Nhiều người đã ngẩng đầu lên, nhìn Kotliarov chằm chằm ánh mắt đầy tin tưởng. Lúc nầy Kotliarov cất cao cái giọng khàn khàn của anh, quát lên với một vẻ rất tự tin, vừa căm phẫn vừa châm biếm, làm mọi người đều phải chú ý:

– Không có à, anh bảo thế phải không? Thế mà đòi chúng tôi tin thế nào được! Anh muốn chơi xỏ chúng tôi à?

– Bịp bợm! – Toàn đại đội đều gầm lên.

– Bức điện có phải là đánh cho tôi đâu! Anh em đồng hương hiểu cho! – Tên sĩ quan áp hai nắm tay vào ngực cố phân bua.

Nhưng chẳng ai nghe hắn nữa rồi, Kotliarov thấy cảm tình và lòng tin tưởng của đại đội đã lại chuyển về với mình, bèn nói bằng một giọng sắc như con dao cắt kính:

– Mà dù cho Petrograd có thất thủ chăng nữa, chúng tôi cũng không đi cùng đường với các anh! Chúng tôi không muốn đánh nhau với chính anh em mình. Chúng tôi không phản lại nhân dân! Các anh muốn đâm bị thóc chọc bị gạo à? Đừng hòng? Những thằng ngu xuẩn trên đời nầy đã hết sạch rồi? Chúng tôi không muốn lập lại chính quyền của bọn tướng tá nữa. Đúng là như thế đấy.

Các binh sĩ Cô- dắc cùng làm ầm lên một trận, đám người rung chuyển, nhao nhao la hét:

– Như thế mới đúng!

– Dồn cho cứng lưỡi rồi nhé!

– Thật là chí lý!

– Thôi tống cổ các quan lớn ấy đi đằng nào thì đi!

– Thứ như thế mà cũng đòi làm mối làm manh.

– Ở Petrograd có ba trung đoàn Cô- dắc, các anh em ấy không chống lại nhân dân đâu.

– Nầy, Ivan! Cho chúng nó vài gậy đi? Cho chúng nó xéo đi!

Kotliarov nhìn ba tên đại diện. Tên sĩ quan Cô- dắc mắm môi mắm lợi kiên nhẫn đứng chờ. Sau lưng hắn, hai tên sĩ quan người miền núi đứng sát vai nhau. Một tên còn trẻ, người Ingus, thân hình cân đối, khoanh hai tay trên ngực chiếc tréc- két rất đẹp, hai con mắt xếch quả trám long lanh dưới chiếc mũ cu- han- ca 5 lông đen. Tên kia là một lão Oxelin đã có tuổi, đứng dạng chân đầy vẻ coi thường. Hắn đặt một tay lên cán cây gươm cong cong, nhìn khắp lượt anh em Cô- dắc như muốn nắn gân họ. Kotliarov vừa muốn cắt đứt cuộc đàm phán thì tên sĩ quan Cô- dắc đã hành động trước. Hắn rỉ tai tên sĩ quan Ingus rồi kêu lên sang sảng:

– Anh em sông Đông! Anh em cho phép đại diện của Sư đoàn Man Dã 6 nói vài lời chứ?

Không chờ mọi người đồng ý, gã sĩ quan Ingus nhẹ nhàng dậm đôi ủng không đế, bước vào giữa khoảng trống giữa đám người, sửa lạì chiếc dây lưng nhỏ chạm trổ, cử chỉ đầy vẻ nóng nảy:

– Anh em Cô- dắc? Có gì mà làm ầm ĩ lên như thế? Nói năng phải cho bình tĩnh mới được. Anh em không thích tướng quân Kornilov à? Anh em muốn chiến tranh à? Được thôi? Đánh nhau thì đánh nhau? Chúng tôi không sợ! Chẳng sợ chút nào cả! Ngay hôm nay chúng ta sẽ đè bẹp anh em. Sau lưng chúng tôi có hai trung đoàn miền núi. Chà, làm gì mà ầm ĩ lên như thế, ầm ĩ lên như thế làm gì? – Đầu tiên hắn nói còn có vẻ bình tĩnh một chút, nhưng cuối cùng hắn hăng lên cất cao giọng, tuôn ra một loạt những lời hậm hực. Giọng hắn đã khàn khàn ngọng nghịu lại xen thêm những từ ngữ của tiếng mẹ đẻ – Thằng Cô- dắc nầy đã làm anh em lầm lẫn rồi đấy, nó là một thằng Bolsevich, mà anh em lại đi theo nó! Chà? Tôi nhìn rõ lắm chứ. Anh em hãy bắt giữ nó! Tước vũ khí của nó.

Hắn ngang ngạnh chỉ thẳng vào Kotliarov và đi lại lồng lộn trong khoảng trống nhỏ hẹp, hoa chân múa tay một cách sôi nổi, bộ mặt nâu nâu tái nhợt đi. Bạn hắn, tên sĩ quan tóc hung có tuổi thì vẫn lạnh như tiền. Tên sĩ quan Cô- dắc mân mê cái dây ngù gương rách nham nhở. Bọn lính Cô- dắc lại im thin thít, lại xáo động bối rối, Kotliarov không rời mắt khỏi tên sĩ quan Ingus, anh nhìn hàm răng trắng loá của hắn nhe ra như nanh thú dữ, nhìn dòng mồ hôi xám xám chảy chéo trên thái dương bên trái của hắn, và cứ tiếc là mình đã bỏ lỡ cơ hội chỉ nói một lời là chấm dứt cuộc đàm phán và đưa anh em Cô- dắc đi. Nhưng Turilin đã kịp cứu vãn tình thế. Anh chàng nhảy vào giữa chỗ trống, vung hai tay lên một cách tuyệt vọng, giật đứt cả các khuy cổ áo sơ- mi, và gào lên khàn khàn, gân mặt giật lia lịa, bọt mép xùi cả ra:

– Thật là một đàn rắn hèn nhát! Bọn quỷ dữ nầy! Lũ đốn mạt nầy? Chúng nó tán tỉnh dụ dỗ như những con đĩ như thế mà cứ vểnh tai lên nghe? Bọn sĩ quan chúng nó đang muốn mang tai mang vạ đến quàng vào cổ mà chẳng biết gì cả? Còn đứng làm gì thế nầy? Làm cái gì thế nầy hử? Không chém mẹ chúng nó đi mà lại đứng nghe chúng nó? Phải chém đầu chúng nó, phải chọc tiết chúng nó. Trong lúc các cậu đứng đực ra ở đây thì chúng nó đến bao vây đấy! Súng máy chúng nó sẽ quét cho? Dưới đạn súng máy thì tha hồ mà họp mít- tinh… Chúng nó bịp các cậu để chờ quân của chúng nó kéo đến mà không biết! Ô- ô- ôi dào, Cô- dắc gì cái thớ các cậu! Đi mà liếm váy?

– Lên ngựa? – Giọng Kotliarov gầm lên như sấm.

Tiếng hô của anh nổ ra trên đầu mọi người như một phát đạn ghém. Anh em Cô- dắc đổ xô ra chỗ để ngựa. Chỉ một phút sau đại đội đang tan tác như đàn ong tập hợp thành đội hình trung đội hàng dọc.

– Hãy nghe tôi nói đã! Anh em đồng hương ơi! – Tên sĩ quan Cô- dắc cuống lên.

Kotliarov hất khẩu súng trường trên vai xuống, kiên quyết đặt ngón tay trỏ có những đốt sưng vù vào cò súng, kéo mạnh hàm thiếc vào mép con ngựa đang nhảy chồm rồi quát lên:

– Không đàm phán gì nữa? Nếu bây giờ còn phải nói chuyện với chúng mày thì đây sẽ là tiếng nói của chúng tao. – Rồi anh lắc lắc khẩu súng trường, động tác mang rất nhiều ý nghĩa.

Các trung đội nối đuôi nhau xuống đường cái. Anh em Cô- dắc nhìn lại còn thấy ba tên đại diện ngồi trên mình ngựa bàn tán với nhau không biết những gì. Tên sĩ quan Ingus nheo mắt tranh cãi sôi nổi, chốc chốc lại giơ tay lên, bên tay của chiếc áo tréc- két lật lên cho thấy lần lụa lót trắng như tuyết.

Kotliarov ngoái nhìn lại lần cuối cùng, cũng trông thấy mảnh lụa trắng loá đó, và không hiểu sao trước mắt anh lại hiện lên bộ ngực của sông Đông rách nát dưới làn gió hanh, những đọt sóng bạc đầu mầu xanh lá cây và cái cánh trắng muốt của con hải âu bói cá lượn vòng, quệt đầu cánh xuống ngọn sóng.

— —— —— —— ——-

1 Petrograd và Moskva.

2 Một thứ kèn của người châu Á, hay dùng ở vùng Kavkaz.

3 Dân Cô- dắc sông Đông thường gọi sông Ngân Hà là “con đường của Hãn Batưa” người Tarta xâm lược nước Nga trong thế kỉ 13 (ND).

4 Một thứ áo ngoài thường mặc ở vùng Kavkaz, khít lưng, rộng tà (ND).

5 Một kiểu mũ lông vùng Kavkaz, tròn và dẹt (ND).

6 Một sư đoàn tổ chức dưới thời Nga hoàng, gồm toàn dân miền núi Kavkaz (ND).

Chọn tập
Bình luận