Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 102

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Dưới ánh nắng tràn trề như màu sứ và bầu trời xanh ngắt không gợn một chút mây nào, đường sống gò đầy tuyết sáng loá, trắng tinh, lấp lánh như những tinh thể đường. Làng Onkhovyi Rok nằm dài dưới chân gò như một cái chăn sặc sỡ rách mướp. Ở bên trái, sông Svinyukha lượn lờ xanh biếc bên phải là những thôn Cô- dắc và những khu di dân của người Đức hiện lên thành những mảng mung lung sương khói. Trấn Chernovskaia nằm xanh xanh sau khúc sông.

Về phía đông, sau làng có một ngọn gò nhỏ hơn nham nhở những khe rãnh, sườn gò dốc lên thoai thoải. Những cột dây thép trồng trên đó chạy về phía Kasary nom như một dãy hàng rào.

Kể ra cũng hiếm có một ngày băng giá lại sáng sủa thế nầy. Những ụn khói chập chờn ngũ sắc như cầu vồng bốc lên gần mặt trời. Gió thổi dồn từ phía bắc tới. Trên đồng cỏ, một trận bão tuyết nhỏ làm bốc lên một đám xanh xanh. Nhưng khoảng trời tuyết mênh mông trong vòng tay của đường chân trời rất sáng. Mãi đằng đông, chỗ góc chân trời, mới thấy đồng cỏ bốc lên một làn hơi lím ngát như khói.

Ông Panteley Prokofievich đánh xe đưa Grigori từ Minlerovo về, ông quyết định không dừng lại ở Onkhovyi Rok mà cho ngựa chạy thẳng đến Kasary và nghỉ đêm tại đó. Nhận được bức điện của Grigori, ông đã ở nhà ra đi ngay và đến ngày 28 tháng Giêng thì đến Minlerovo lúc trời đã hoàng hôn. Grigori chờ bố ở một nhà trọ. Sáng hôm sau hai bố con ra về và chừng mười một giờ đã chạy qua Onkhovyi Rok.

Sau khi bị thương trong trận chiến đấu ở gần Glubokaia, Grigori nằm lại quân y dã chiến Minlerovo một tuần. Thấy chân đã đỡ một chút chàng quyết định về nhà. Anh em Cô- dắc cùng trấn đã đem con ngựa về cho chàng. Grigori ra đi, trong lòng vừa bực mình lại vừa vui: bực mình vì đã rời bỏ đơn vị giữa lúc cuộc đấu tranh dành chính quyền ở vùng sông Đông đang diễn ra quyết liệt, còn vui thì chỉ với ý nghĩ là mình sẽ lại được gặp gia đình, thôn xóm. Chính chàng tự giấu mình niềm mong muốn gặp mặt Acxinhia, nhưng thật ra chàng không khỏi có những ý nghĩ về nàng.

Hai bố con gặp nhau, thái độ có phần nào ghẻ lạnh. Vì đã bị Petro rỉ tai to nhỏ nên ông Panteley Prokofievich cứ nhìn Grigori với bộ mặt sầm sầm dái trâu và những cái nhìn lấm lét trơn như mỡ của ông đầy một vẻ vừa bực bói vừa lo lắng chờ đợi. Tối hôm ấy, ở nhà ga, ông hỏi han Grigori rất lâu về các sự kiện vừa bùng nổ trong Quân khu. Có lẽ những câu trả lời của con trai đã không làm ông thoả mãn. Ông cứ nhai nhai chòm râu hoa râm, dán mắt xuống đôi ủng dạ đế da, mũi thở phì phì. Kể ra ông cũng không muốn tranh luận trong lúc nầy, nhưng trong khi bênh vực Kaledin, ông đã nổi nóng lên và những phúl cái máu hoàng bào nổi dậy, ông vẫn quát rầm lên với Grigori như xưa, thậm chí còn dẫm bành bạch bên chân thọt.

– Mầy đừng dạy khôn tao! Mùa thu năm ngoái, ông Kaledin đã về thôn ta đấy! Hôm ấy đã họp toàn dân trên bãi bàn việc làng. Ông ấy đã đứng lên bàn nói với các cụ bô lão và nói trước như lời tiên tri trong Kinh thánh rằng bọn mu- gích sẽ kéo đến đây, chiến tranh sẽ bùng nổ và nếu chúng ta cứ ngả nghiêng, nghiêng ngả thì sẽ bị chúng nó vơ vét sạch trơn và chúng sẽ đến sinh cơ lập nghiệp trên Quân khu. Ngay từ hồi đó ông ấy đã biết rằng chiến tranh sẽ nổ ra rồi. Còn cái lũ chó đẻ chúng mày thì nghĩ ngợi được cái gì? Hay là ông ấy hiểu biết ít hơn chúng mầy? Một vị tướng học vấn uyên thâm đã từng chỉ huy tập đoàn quân mà lại hiểu biết không bằng chúng mầy hay sao? Những thằng kéo đến Kamenskaia toàn là một bọn vô tài bất tướng, dốt nát, ngu xuẩn như mày cả, chỉ làm nhân dân rối loạn thôi. Thằng Pochenkov của mày xuất thân là gì hử? Phó quản phải không? Ái chà chà? Té ra cấp bậc cũng chỉ như tao. Thì ra là như thế! Sống được đến bây giờ… Thật đã đến lúc mạt vận!

Grigori tranh cãi với bố một cách miễn cưỡng. Ngay từ lúc chưa gặp mặt bố, chàng đã biết rõ câu chuyện sẽ như thế nầy. Nhưng đến bây giờ lại có một tình hình mới xen thêm vào: Grigori không thể nào tha thứ, cũng không thể nào quên cái chết của Chernechev và cuộc bắn giết bọn sĩ quan bị bắt làm tù binh, không cần xét xử.

Đôi ngựa thắng hai bên cái càng giữa nhẹ nhàng kéo chiếc xe trượt tuyết chạy băng băng. Con ngựa của Grigori còn nguyên đồ thắng chạy phía sau, dây cương buộc vào xe. Những làng người Ukraina và những thôn Cô- dắc mà chàng đã quen từ thời thơ ấu lần lượt hiện ra hai bên đường: Kasary, Popoca, Kamenka, Hạ – Yablonovsky, Grachev, Yasenovka. Suốt chặng đường về tới thôn nhà, không hiểu sao Grigori cứ suy nghĩ miên man không đầu không đũa về những việc xảy ra gần đây, cố dò ra con đường tương lai, dù chỉ định được vài điểm mốc trên đó, nhưng mọi ý nghĩ của chàng đều chỉ dẫn tới những ngày nghỉ ngơi ở nhà, và đến đây là đâm vào ngõ cụt anh sẽ về nhà nghỉ ngơi ít bữa, mình sẽ chữa cho vết thương lành hẳn, rồi sau… – Grigori nghĩ thầm như thế rồi lại thầm vung tay gạt bỏ hết mọi việc – Về sau ra sao thì hãy chờ xem. Bản thân tình hình sẽ cho mình thấy rõ…

Sự mệt mỏi tích lại qua cả một cuộc chiến tranh đè nặng lên chàng. Chàng chỉ muốn lánh xa hẳn cái thế giới sôi sục hằn thù, cái thế giới thù địch mà chàng không tài nào hiểu nổi. Mọi việc bỏ lại ngoài kia, sau lưng chàng, đều rối như bòng bong và đầy mâu thuẫn. Thật khó mà lần được ra hướng đi đúng đắn: cứ y như trên một con đường lát bằng cành cây trên bãi lầy, dưới chân rập rập rình rình, con đường chốc chốc đứt quãng, trong lòng chẳng cảm thấy tin lưởng chút nào: Đi theo hướng nầy hay đi theo hướng kia bây giờ?

Chàng đã bị lôi cuốn theo người Bolsevich, đã đi với họ và lôi kéo cả những người khác theo mình, nhưng sau đó lại đâm ra do dự, nhiệt tình nguội dần đi. “Chẳng nhẽ Itvarin đã nói đúng? Không biết nên dựa vào ai bây giờ đây?”. Grigori đã có những ý nghĩ mung lung như thế trong khi chàng tưởng tượng như mình đang sửa soạn cái bừa và chiếc xe bò cho công việc đồng áng mùa xuân, đang đẵn những nhánh liễu đỏ làm cái máng ăn cho gia súc, tưởng tượng khi mặt đất đã tan hết băng giá, đã đỡ ẩm, mình lại được ra đồng cỏ, hai bàn tay khao khát lao động lại được nắm lấy tay cày, mình lại được đi theo cái cày, cảm thấy lưỡi cày hết vấp lại chạy băng băng, tưởng tượng mình lại được ngửi thấy mùi cỏ non ngọt ngọt và mùi chất đất đen đã bị lưỡi cày lật lên nhưng còn chưa hả hết cái hơi tuyết, đến khi chàng tưởng tượng những cảnh như thế thì trong lòng lại thấy ấm áp. Chàng chỉ muốn được chăm nom bò ngựa, tải cỏ khô, được ngửi cái mùi ngai ngái heo héo của cỏ sông Đông và cỏ băng thảo, cùng cái mùi hăng hắc của phân khô. Chàng chỉ muốn có hoà bình và một cuộc sống yên tĩnh, vì thế một niềm vui kín đáo vẫn ẩn hiện trong hai con mắt lừ lừ của Grigori khi chàng nhìn cảnh vật chung quanh, nhìn đôi ngựa, nhìn cái lưng thẳng đứng của bố bó chặt trong chiếc áo lông. Tất cả đều nhắc nhở chàng cuộc sống xưa kia mà hầu như chàng đã quên mất nửa: cả mùi lông cừu của chiếc áo, cả cái dáng quen thuộc của hai con ngựa chưa được tắm rửa, lẫn tiếng một con gà trống trong làng gân cổ gáy dưới một tầng hầm. Trong giờ phút nầy, chàng có cảm tưởng như đời sống trong cái làng hẻo lánh nầy ngọt và nồng cứ như mùi hốt bố.

Hôm sau hai cha con về tới thôn trước khi trời hoàng hôn. Từ trên đỉnh gò, Grigori đưa mắt nhìn sang bên kia sông Đông: kia là vùng đất sạt lở Babi với những đám lau sậy màu lông rái cá mọc quanh; kia vẫn còn cây tiêu huyền khô, nhưng chỗ lội qua sông Đông không còn là chỗ xưa kia nữa rồi. Thôn xóm, những hình chữ nhật thân thuộc của các khối phố, toà nhà thờ, cái bãi giữa thôn… Nhưng máu càng dồn mạnh lên đầu Grigori khi chàng nhìn thấy nhà mình.

Những hồi ức cũ dồn dập ập đến với chàng. Cái cần kéo nước giếng trong sân nuôi gia súc như vươn một cánh tay bằng gỗ liễu xám xám vẫy gọi chàng.

– Thế nào, đã thấy cay mắt chưa? – Ông Panteley Prokofievich ngoái đầu lại mỉm cười. Grigori thú nhận ngay, không vờ vĩnh, cũng không tự dối lòng.

– Có cay cay thật… tất nhiên như thế rồi!

– Quê hương làng xóm là như thế đấy? – Ông Panteley Prokofievich thở dài có vẻ rất vừa ý.

Ông đánh xe chạy vào giữa thôn. Hai con ngựa chạy lồng từ trên dốc xuống, chiếc trượt tuyết nghiêng bên nọ ngả bên kia, long sòng sọc. Grigori không phải không đoán ra ý định của bố, nhưng chàng vẫn hỏi:

– Sao cha lại cho xe chạy vào trong thôn thế nầy? Về thẳng ngõ nhà có hơn không?

Ông Panteley Prokofievich quay đầu lại, mỉm cười qua chòm râu trắng loá vì sương muối, nháy mắt nói:

– Có được hai thằng con, lúc tiễn chân ra trận còn là hai thằng Cô- dắc lính trẻ thế mà nay đều làm nên sĩ quan cả. Sao, chẳng nhẽ tao không được kiêu hãnh đánh xe cho con trai tao diễu qua thôn một lượt hay sao? Cho thiên hạ nhìn, cho thiên hạ ghen. Mà người anh em ạ, bây giờ tao đang nở từng khúc ruột đây nầy!

Vào đến phố chính, ông quát hai con ngựa bằng một giọng rất bình tĩnh rồi nghiêng hẳn người sang một bên, vung cái roi bện bằng sợi. Hai con ngựa đánh hơi thấy sắp về đến nhà, phóng vụt lên rất nhanh, rất sảng khoái, cứ như phía sau không hề có chặng đường bốn mươi véc- xta vừa chạy qua! Những người đàn ông gặp hai bố con đều cúi chào. Từ trong những sân nhà và những cửa sổ có những người đàn bà đưa tay lên che mắt nhìn ra. Vài con gà mái cục cục chạy qua phố với những bộ lông lốm đốm như cỏ mãn thiên tinh.

Mọi việc đều diễn ra trơn tru, yên ổn như tả trong truyện. Xe đã chạy qua cái bãi giữa thôn. Con ngựa của Grigori nhìn thấy một con khác không biết của ai buộc ngoài hàng rào vào nhà Mokhov bèn ngẩng cao đầu hí lên một tiếng. Trước mắt đã hiện ra phần cuối thôn và cái mái của nhà Astakhov… Nhưng xe vừa chạy đến chỗ ngã tư đầu tiên thì có một chuyện không may xảy ra. Một con lợn sữa chạy qua phố nhưng chậm chân, lọt ngay vào dưới vó ngựa. Bị chiếc xe chẹt qua, nó kêu lên éc éc và vừa chạy lùi lại, vừa cố dướn cái sống lưng bị chẹt gãy.

– Mẹ khỉ, ma dẫn lối quỉ đưa đường mày? – Ông Panteley Prokofievich vừa chửi vừa vung cái roi quất trúng con lợn bị chẹt.

Chẳng may con lợn đó lại là của mụ Anhiutca, vợ goá của gã Afonka Ozerov, một con mụ đanh ác và lắm mồm lạ lùng. Mụ lập tức nhảy bổ trong sân ra rồi vừa chít cái khăn lên đầu vừa tuôn ra một tràng những câu chửi rủa chọn lọc đến nỗi ông Panteley Prokofievich phải ghìm ngựa nhìn lại.

– Có câm đi không, con mụ ngu xuẩn nầy? Làm gì mà hoác mồm ra như thế hử? Con lợn ghẻ của mụ chúng ta sẽ đền cho!

– Đồ hung thần ác quỷ!… Đồ yêu quái hại người! Có lão ghẻ thì có, cái con chó thọt? Gái nầy sẽ xách ngay cổ lão lên ông ataman – Mụ hoa chân múa tay, gào lên như cháy đồi. – Mẹ lão ra, gái nầy sẽ dạy cho lão chừa chẹt chết gia súc của kẻ côi cút goá bụa!

Ông Panteley Prokofievich phát khùng, đỏ mặt tía tai gầm lên:

– Đồ nặc nô!

Cái thằng Thổ nhĩ kỳ chết tử chết tiệt! – Mụ Anhiutca tức khắc ăn miếng trả miếng.

– Đồ chó cái, trăm con quỷ dữ nằm với mẹ mầy! – Ông Panteley Prokofievich cất cao giọng trầm của ông.

Nhưng xưa nay mụ Anhiutca đâu có cần thọc tay vào túi mới tìm ra câu đối đáp.

– Đồ lạc loài? Cái thằng già mất dạy! Quân đầu trộm đuôi cướp! Lão đã ăn cắp cái bừa của nhà người ta! Lão tằng tịu với con vợ lính vắng chồng! – Mụ liến thoắng như con liếu điếu.

– Ông quất cho mày một roi bây giờ, cái con chó cái… Có câm mẹ cái mồm đi không!

Nhưng đến lúc nầy, mụ Anhiutca đã mồm loa mép giải ghê gớm đến nỗi một con người nếm đủ mùi đời và mặt dầy mày dạn như ông Panteley Prokofievich cũng phải thẹn đỏ mặt, mồ hôi đổ ra như tắm.

– Thôi bố đi đi! Dính vào nó làm gì? Grigori nói giọng bực bội vì chàng thấy đã có vài người ra phố, chú ý lắng nghe cuộc trao đổi ý kiến ngẫu nhiên giữa ông già Melekhov và người vợ goá chính chuyên của gã Ozerov.

– Chà cái lưỡi nó… dài đến bằng cái dây cương? – Ông Panteley Prokofievich buồn bực nhổ toẹt một bãi nước bọt, mặt mày nom đến là thảm hại, rồi đánh cho hai con ngựa chạy lồng lên như định chẹt chết cả mụ Anhiutca.

Cho xe chạy hết một khối phố, ông mới dám ngoái cổ nhìn lại, nhưng chưa phải đã hết sợ.

– Cái con mụ chửi rủa đến là độc địa! Ông báo đời cho mày biết, mày đã muốn kiểu quân thù quân hằn như thế… ông thì chẹt đút ngang người mày ra, cái con yêu tinh nung núc những thịt? Ông nói giọng sôi nổi. – Mày đáng bị chẹt chết cùng với con lợn của mày. Rơi vào một con mồm loa mép giải như thế nầy thì cái xương chẳng còn.

Chiếc xe đã chạy lướt qua dãy cửa chớp sơn màu xanh da trời của ngôi nhà. Petro mở toang hai cánh cổng, đầu không đội mũ lông, áo quân phục cũng chẳng thắt dây lưng. Trên thềm đã loáng thoáng hiện ra cái khãn trùm đầu trắng trắng và cặp mắt đen láy long lanh nét cười của Dunhiaska.

Petro hôn em rồi nhìn loáng vào mắt em.

– Có khoẻ không?

– Vừa bị thương.

– Ở đâu thế?

– Gần Blubokaia.

– Việc gì mà mò đến đó cho mất xác! Mày đáng là phải về nhà từ lâu rồi.

Hắn thân mật và âu yếm lắc lắc Grigori mấy cái rồi đẩy thẳng chàng ra cho Dunhiaska. Grigori ôm lấy hai cái vai đầy đặn và chắc nịch của em gái, hôn môi hôn mắt em rồi lùi lại ngạc nhiên nói.

– Đúng là em đây à, Dunhiaska! Quỉ quái nào còn nhận được ra mày nữa! Lớn lên thành một cô gái như thế nầy mà trước kia anh cứ tưởng mày sẽ là một con vừa ngu vừa đoảng.

– Hừ, cái anh Grigori nầy! – Dunhiaska né ra tránh một cái véo rồi mỉm cười lui sang bên, hai hàm răng trắng loá nhè ra, hệt như Grigori.

Bà Ilinhitna bồng hai đứa cháu trên tay bước ra, nhưng Natalia đã chạy vượt lên trước. Nom nàng phây phây, đẹp ra một cách lạ lùng. Làn tóc đen nhánh chải mượt ra sau đầy thành một cái búi to đến là to càng làm nổi bật khuôn mặt đỏ ửng tràn trề hạnh phúc. Nàng nép mình vào người Grigori và vài lần cố đặt thật nhanh môi mình lên má lên ria chàng, tuy lúc nầy đâu phải là lúc hôn nhau. Rồi nàng giằng lấy thằng con trai trong tay bà Ilinhitna, chìa nó cho Grigori.

– Con trai của anh nó như thế nầy đây, anh nhìn mà xem? – Nàng nói lanh lảnh, giọng hân hoan đầy tự hào!

– Nhưng để tao ngắm con trai tao đã nào! – Bà Ilinhitna xúc động đẩy con dâu ra.

Bà mẹ vít đầu Grigori xuống, hôn trán chàng và rồi đưa bàn tay thô sần xoa rất nhanh trên mặt chàng và nhỏ những giọt nước mắt bồi hồi sung sướng.

– Còn con gái anh nữa đây, anh Gri- i- isa! Anh bế lấy con đã nào…

Natalia đặt đứa con trai trùm kín trong một chiếc khăn bịt đầu vào bên tay kia của Grigori. Còn chàng thì luống cuống chẳng còn biết nhìn ai bây giờ: nhìn Natalia, nhìn mẹ hay nhìn hai con. Thằng bé mặt mày cau có, hai con mắt âm thầm nom vừa đen vừa dài, hơi có vẻ nghiêm nghị, hai đường lông mày vươn rộng, hai cái lòng trắng phồng phồng xanh xanh và nước da bánh mật. Nó đút nắm tay nhỏ xíu nhem nhuốc vào miệng rồi vẹo đầu nhìn chằm chằm vào mắt bố với cặp mắt rất khó gần: Còn đứa con gái thì Grigori chỉ nhìn thấy hai con mắt bé tí tẹo nhìn chăm chú và cũng đen láy, vì mặt nó đã bị chiếc khăn bịt gần kín.

Với hai đứa con trên tay, chàng định bước lên thềm, nhưng bên chân bị thương bỗng đau nhói.

– Bế lấy hai đứa đi, Natasa! – Grigori nhếch mép mỉm cười như nhận lỗi. – Nếu không anh không bước qua nổi ngưỡng cửa đâu.

Daria đứng ở giữa bếp sửa lại mớ tóc. Chị chàng mỉm cười, thõng thẹo bước tới trước mặt Grigori, rồi dim hai con mắt tươi cười, áp chặt cặp môi vừa ướt vừa ấm của mình lên môi chàng.

– Cứ sặc mùi thuốc lá? – Daria nói rồi rung rung một cách tinh nghịch hai hàng lông mày cong lên thành hai đường vòng cung đen như tô mực tầu.

– Thì lại đây để mẹ ngắm con lần nữa nào! Chà, thằng con yêu con quý của mẹ?

Grigori mỉm cười áp sát mình vào vai mẹ, niềm xúc động làm tim chàng cứ nhoi nhói.

Ngoài sân ông Panteley Prokofievich đang tháo ngựa. Ông khập khiễng lượn đi lượn lại quanh cái xe trượt tuyết, cả cái thắt lưng vải lẫn cái đỉnh của chiếc mũ ba tai đều đỏ loé, Petro đã dắt con ngựa của Grigori vào tầu. Hắn mang bộ yên vào phòng ngoài, vừa đi vừa ngoái đầu lại nói không biết những gì với Đunhiasca lúc nầy đang xách một thùng dầu hoả nhỏ trên xe xuống.

Grigori cởi chiếc áo lông mặc ngoài và áo ca- pôt, mắc lên thành giường, rồi lấy lược chải đầu. Chàng ngồi xuống một chiếc ghế dài, gọi con trai:

– Mitsatca, lại đây với bố nào! Con làm sao thế, không nhận ra bố à?

Thằng bé vẫn không rút nắm tay ra khỏi miệng, nó nghiêng nghiêng người đi tới rồi đứng lại bên cạnh bàn. Người mẹ đang đứng bên bếp lò âu yếm và kiêu hãnh nhìn con trai. Nàng rỉ tai con gái không biết những gì rồi đặt nó xuống đất và khẽ đẩy nó.

– Con cũng lại với bố đi!

Grigori kéo cả hai đứa lại với mình, cho ngồi lên đầu gối rồi hỏi:

– Chúng mầy không đoán được ra bố à, hai quả óc chó rừng nầy? Cả con nữa, Poliuska, con cũng không nhận ra bố à?

– Ông không phải là bố – Thằng bé khẽ nói (có em gái ở bên cạnh, nó cảm thấy mạnh dạn hơn).

– Thế thì là ai?

– Là một bác Cô- dắc ở đâu ấy.

– Trả lời cừ lắm. – Grigori phá lên cười – Thế thì bố đâu?

– Bố đi lính rồi. – đứa con gái nghiêng nghiêng đầu, nói một cách tin tưởng (con bé có phần bạo dạn hơn anh).

– Đúng bố các cháu đấy, hai cháu yêu của bà ạ! Bảo nó nhớ lấy nhà lấy cửa, kẻo nó cứ quanh năm suốt tháng đi biền biệt chẳng còn làm thế nào nhận được ra nó nữa! – Bà Ilinhitna vờ làm giọng nghiêm khắc nhưng khi thấy Grigori mỉm cười thì bà cũng mỉm cười – Cả vợ mầy không bao lâu nữa cũng sẽ không nhận mầy nữa đâu. Chúng tao đã định kiếm cho nó một thằng chồng đấy.

– Sao em lại thế, Natalia? Sao thế hả? – Grigori nói đùa với vợ.

Nàng đỏ ửng mặt lên rồi tuy ngượng ngùng trước mặt mọi người trong nhà, nàng vẫn cố gắng bước tới gần Grigori, ngồi xuống bên cạnh chàng, nhìn mãi khắp người chàng bằng cặp mắt vô cùng sung sướng và đưa bàn tay to ráp, nóng hổi lên vuốt ve bàn tay khô khan, nâu nâu của chồng.

– Daria, sắp sửa bàn ăn đi!

– Có vợ chú ấy để làm gì? – Daria phá lên cười rồi đi vào bếp, dáng đi vẫn ưỡn ẹo, nhẹ nhàng như xưa.

Chẳng khác gì trước kia, Daria vẫn thon thả, ăn mặc vẫn diêm dúa. Một đôi bít tất lụa dài màu tím bó chặt lấy cặp chân rất gọn, rất đẹp; đôi ủng ngắn đi khít như đóng khuôn. Cái váy xếp nếp màu hoa cà không có một nếp nhăn, chiếc tạp dề thêu hoa trắng muốt bóng nhoáng. Grigori chuyển con mắt sang nhìn vợ thấy vẻ người của nàng cũng có phần khác trước. Từ lúc chồng về, nàng đã thay quần áo: chiếc áo ngắn mặc ngoài bằng xa tanh màu xanh da trời, cổ tay hẹp viền đăng ten, ôm lẳn lấy một thân hình tuyệt đẹp, phồng lên trên bộ ngực nở nang, cái váy màu lam, bên trên chật khít, nhưng cái gấu thêu hoa chếp nếp thì xoè rộng ra. Grigori ngồi bên cạnh, ngắm cặp chân đầy đặn đẹp như tượng tạc, cái bụng thẳng căng nhìn mà rạo rực cả người và cặp mông to như mông một con ngựa được cho ăn cẩn thận. Chàng nghĩ thầm: “Người đàn bà Cô- dắc thì không thể nào lẫn với tất cả những người đàn bà khác được. Áo sống bao giờ cũng quen ăn vận sạch mắt. Không nhìn thì thôi chứ đã nhìn thì không chán. Còn như bọn đàn bà mu- gích thì đằng trước cũng chẳng khác gì đằng sau: người cứ như chui vào một cái túi”…

Bà Ilinhitna bắt gặp cặp mắt của con bèn cố ý khoe:

– Các bà vợ sĩ quan ở vùng chúng ta ăn vận như thế đấy! Ngay bọn đàn bà con gái thành phố cũng ghen đến chết.

– Sao lại nói thế hả mẹ! – Daria ngắt lời mẹ chồng. – Chúng con thì bì thế nào được với bọn thành thị? Cái hoa tai của con gãy rồi đây nầy, có đáng bao nhiêu mà cũng chẳng mua được! – Chị chàng nói thêm giọng chua chát.

Grigori đặt tay lên lưng vợ, cái lưng to rộng của một người đàn bà lao động, và lần đầu tiên chàng thoáng có ý nghĩ: “Natalia đẹp lắm, nhìn cứ mòn con mắt. Trong lúc mình vắng nhà không biết cô nàng đã sống như thế nào. Có lẽ bọn Cô- dắc trông thấy cũng thèm, còn Natalia thì chưa biết chừng cũng có mê thằng nào rồi. Cứ chịu sống cái cảnh vợ lính vắng chồng mãi được sao?”. Những ý nghĩ ấy đột nhiên nảy ra làm tim chàng như ngừng đập, trong lòng khó chịu lạ. Cặp mắt chàng cứ như dò hỏi trên khuôn mặt hồng hồng bóng lên dưới lớp pho- mát dưa chuột thơm phức. Thấy chồng nhìn mình chằm chằm như thế, Natalia đỏ mặt, ngượng quá, nhưng vẫn khẽ hỏi:

– Sao anh lại nhìn em thế? Vừa qua anh có nhớ em không?

– Nhớ hẳn đi chứ?

Grigori cố xua đuổi những cảm giác khó chịu, nhưng trong giây phút nầy không hiểu sao những ý nghĩ bực bội với vợ tự nhiên cứ làm chàng rạo rực.

Ông Panteley Prokofievich bước vào cửa, miệng rên è è. Ông đến trước bức tượng thánh đọc vài câu kinh rồi nói to.

– Nào, chào cả nhà lần nữa!

– Lạy chúa tôi, ông già… có cóng không? Mẹ con bà cháu chúng tôi lại đang chờ ông đây. Súp bắp cải đang nóng bỏng, vừa hạ trên lò xuống đất – Bà Ilinhitna chạy đi chạy lại lăng xăng, những chiếc cùi dìa kêu lạch cạch.

Ông Panteley Prokofievich vừa lê lệt sệt đôi ủng dạ đế da vừa tháo cái khăn đỏ trên cổ xuống. Ông cởi cái áo lông khoác ngoài, gỡ những thỏi băng nhỏ bám trên râu trên ria rồi đến ngồi trước mặt Grigori và nói:

– Cóng quá, vừa rồi chạy ở ngoài thôn ấm hơn… Vừa nãy cha con tôi đã chẹt phải con lợn sữa nhà mụ Anhiutca.

– Của ai hả cha? – Daria đang cắt nhỏ một ổ bánh mì trắng rất dày vội dừng lại để hỏi, giọng lo lắng.

– Của nhà Ozerov. Con mụ khốn kiếp ấy, nó nhẩy lồng trong sân nhà nó ra, tam bành lục tặc lên một trận đến ghê. Nó chửi hết điều nầy đến điều khác, nào là gian giảo lừa bịp, nào là ăn cắp cái bừa của một nhà nào đó. Làm gì có cái bừa nào? Có quỉ dữ hiểu được nó.

Rồi ông bắt đầu kể lại rất tỉ mỉ tất cả các biệt hiệu mà mụ Anhiutca đã tặng cho ông. Nhưng chỉ có một điều ông không kể lại là đã bị mụ bới cái tội hồi còn trẻ của ông, chuyện liên quan đến những mụ vợ lính vắng chồng. Grigori cười mát ngồi vào bàn ăn. Để tự bào chữa trước mặt con trai, ông Panteley Prokofievich còn nói thêm rằng:

– Nó đã tuôn ra những lời trái đạo Chúa đến nỗi tôi chẳng còn làm thế nào mà nghe được nữa! Tôi đã định quay lại quật cho nó một roi vào ngang lưng, nhưng thằng Grigori lại đang có mặt ở đấy, có nó mà làm như thế thì cũng không tiện.

Petro mở cửa, Dunhiaska cầm cái dây da kéo một con bê lông đỏ, trán đốm trắng, vào trong nhà.

– Đến lễ tống tiễn mùa đông anh em mình sẽ được ăn bánh tráng với kem đây! – Petro vừa đưa chân đá con bê vừa nói một cách khoái trá.

Sau bữa trưa, Grigori cởi ba- lô chia quà cho cả nhà. – Cái nầy biếu mẹ đây! – Chàng đưa cho bà Ilinhitna một chiếc khăn san rất ấm.

Bà Ilinhitna nheo mắt nhận quà, mặt ửng lên như một cô gái. Bà quàng chiếc khăn lên vai rồi ra trước cái gương, ưỡn ẹo ngọ nguậy mãi hai cái vai làm ông Panteley Prokofiêvil cũng phải bực mình:

– Con mụ phù thuỷ già sóc như thế mà cũng soi gương làm dáng! Phì!

– Còn cái nầy biếu cha đây? – Grigori khẽ nói rất nhanh rồi vung lên cho tất cả mọi người xem chiếc mũ cát- két Cô- dắc mới tinh, đỉnh cao và hớt ngược, vành mũ đỏ chói như lửa.

– Chà, lạy Chúa tôi! Tao đang khổ vì thiếu một cái mũ cát- két đây! Năm nay các cửa hiệu không có bán nữa… Không mua được thì sang hè lấy gì mà đội… Ra nhà thờ với cái mũ cũ thì cũng nhục. Cái mũ của tao, cái cũ ấy, đã đến lúc phải quăng lên đầu thằng bù nhìn giữ dưa rồi mà vẫn còn phải đội…

Ông vừa nói bằng một giọng bực bội, vừa lấm lét nhìn quanh như sợ có ai đến cướp mất quà biếu của con. Ông đã len tới trước gương định đội thử xem, nhưng hai con mắt của bà Ilinhitna đã lôi chân ông lại. Ông già nhại lại cái nhìn của vợ, quay ngoắt đi, rồi khập khiễng bước tới trước cái ấm samova. Ông đội lệch chiếc mũ cát- két trên đầu, soi vào đó thay gương.

– Nầy cái của cổ lỗ kia làm gì thế hử? – Bà Ilinhitna tấn công chồng.

Nhưng mặt đức ông chồng vẫn trân trân:

– Lạy Chúa tôi! Chà, sao bà nó ngu thảm ngu hại như thế! Đây là cái samova chứ có phải cái gương đâu! Thế mà cũng!

Grigori cho vợ một đoạn hàng len để may váy, cho hai con một phun- tơ bánh mật ong. Daria được một đôi hoa tai bằng bạc có nạm đá quí Dunhiaska được một chiếc áo ngắn mặc ngoài, còn Petro thì được một bao thuốc quấn và một phun- tơ thuốc rời. Trong lúc đám phụ nữ riu ríu ngắm nhìn các quà biếu, ông Panteley Prokofievich cứ nghênh ngáo đi trong bếp như một cây ống pích, thậm chí còn ưỡn ngực nói oang oang:

– Đây chính đây là chàng Cô- dắc trung đoàn ngự lâm Cô- dắc! Đã từng giật được giải đua ngựa chứ đâu phải tay vừa! Trong lần hoàng đế duyệt binh đã đoạt được giải nhất đây! Một bộ yên và toàn bộ đồ trang bị! Ái chà chà, đã thấy chưa!

Petro nhai nhai chòm ria màu lúa mạch đứng ngắm bố, Grigori chỉ cười. Ba bố con hút thuốc. Ông Panteley Prokofievich đưa mắt nhìn ra cửa sổ có ý đề phòng rồi nói:

– Trong lúc họ hàng làng xóm mọi kiểu còn chưa đến chơi, mầy hãy kể cho thằng Petro nghe tình hình ngoài ấy như thế nào đi!

Grigori khoát tay.

– Người ta đang đánh nhau.

– Bọn Bolsevich bây giờ ở đâu? – Petro vừa hỏi vừa ngồi lại cho thoải mái hơn.

– Đang tiến từ ba phía Chikhoreskaia, Taranroc và Voronez.

– Thế cái Uỷ ban quân sự cách mạng của chúng mày nghĩ ngợi như thế nào? Sao lại để cho chúng nó tiến vào đất đai của chúng ta như thế? Thằng Khristonhia và thằng Kotliarov có về nói lếu láo lung tung nhưng tao không tin chúng nó. Tình hình ngoài ấy hình như không phải như thế…

– Uỷ ban quân sự cách mạng bất lực. Còn bọn Cô- dắc đang bỏ chạy về nhà.

– Như vậy có nghĩa là chính vì thế nên chúng nó mới bám lấy Xô viết chứ gì?

– Dĩ nhiên chính vì như thế đấy.

Petro nín lặng một lát. Hắn hút thêm một điếu thuốc rồi nhìn thẳng vào mặt em:

– Thế mày đứng về phía nào?

– Tôi ủng hộ Chính quyền Xô viết.

– Đồ ngu! – Ông Panteley Prokofievich nổ ra như thuốc súng. – Petro, mầy hãy vạch mắt cho nó rõ đi!

Petro mỉm cười vỗ vai Grigori.

– Nhà ta có nó là nóng như lửa, cứ như một con ngựa bất kham ấy. Làm thế nào vạch mắt cho nó được hả cha?

– Chẳng làm gì mà phải vạch mắt cho tôi? – Grigori nổi nóng lên. Tôi có mù đâu? Thế anh em ngoài mặt trận về nói những gì?

– Những thằng ấy thì được tích sự gì? Chẳng nhẽ mầy còn chưa biết cái ngu ngốc của thằng Khristonhia hay sao? Nó thì hiểu nổi cái gì? Nhân dân nhầm đường lạc lối tất cả rồi, không còn biết đường nào mà theo nữa rồi… Thật là đau khổ! – Petro nhai nhai chòm ria. – Mày cứ chờ đến mùa xuân rồi xem tình hình sẽ ra sao, sẽ chẳng thu được kết quả gì đâu… Ngoài mặt trận chúng ta đã từng chơi cái trò Bolsevich, bây giờ đã đến lúc phải thông minh hơn mới được. “Chúng tôi không nhòm ngó cái gì của người khác, nhưng các anh cũng chớ lấy cái gì của chúng tôi”, – đấy, với những kẻ hoành hành ngang ngược xăm xăm muốn tiến vào vùng chúng ta, người Cô- dắc phải nói như thế đấy. Còn việc chúng mày đang làm ở Kamenskaia thì chỉ là một việc bẩn thỉu. Cứ đi mà kết bạn kết bè với bọn Bolsevich chúng nó sẽ áp đặt chế độ của chúng nó cho mà xem.

– Griska ạ, mày biết suy nghĩ một chút mới được. Nào mày có phải là một thằng ngu xuẩn gì cho cam. Mày, phải thấy rõ là một thằng Cô- dắc, đã là Cô- dắc thì phải mãi mãi là Cô- dắc. Cái nước Nga thối hoăng ấy đừng hòng đến vùng chúng ta mà thống trị. Thế mày có biết bọn ngụ cư hiện nay đang nói những gì không? Bao nhiêu ruộng đất đều chia bình quân theo đầu người. Như vậy thì còn ra thể thống gì nữa?

– Những người ngụ cư cố cụ đã đến ở Quân khu sông Đông từ lâu, chúng ta sẽ cấp ruộng đất cho họ.

– Cho chúng nó cái con b…! Đây cho chúng nó ăn cái nầy nầy!

Ông Panteley Prokofievich làm cử chỉ tượng trưng cho sự giao cấu: ông luồn ngón tay cái có cái móng dài nghêu vào giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa rồi ngoáy rất lâu quanh cái mũi gãy sống của Grigori.

Ngoài thềm bỗng có tiếng chân bước ầm ầm. Cái ngưỡng cửa đóng băng kêu răng rắc. Anikey, Khristonhia, và Tomilin Ivan bước vào. Tomilin đội một chiếc mũ lông thỏ cao quá sức tưởng tượng.

– Chào thầy quyền! Ông Panteley Prokofievich đem ra thết chúng tôi một chầu đây! – Giọng Khristonhia oang oang như lệnh vỡ

Nghe thấy cái giọng như sấm của anh chàng, con bê con đang mơ màng bên cái bếp lò ấm áp hoảng sợ be be rầm lên một hồi. Nó nhảy lên trên bốn cái chân còn chập chững, trượt chân liền mấy cái mới đứng thẳng được, rồi giương hai con mắt như mã não nhìn mấy người khách. Có lẽ nó sợ quá nên một tia nước giải nhỏ cứ tè tè tuôn xuống sàn. Dunhiaska vỗ vỗ vào lưng nó cho nó thôi đái rồi lau chỗ nước giải và đặt nó vào một cái nồi gang hỏng.

– Mồm với miệng gì mà oang oang, làm con bê hết cả hồn vía! – Bà Ilinhitna bực mình nói.

Grigori bắt tay, mời ba anh em Cô- dắc cùng ngồi. Chẳng mấy chốc vài anh chàng ở đầu nầy thôn cũng kéo đến thêm. Mọi người vừa nói chuyện vừa hút thuốc, khói um lên làm ngọn đèn chập chờn muốn tắt, còn con bê thì ho sặc sụa.

– Ma quỉ bắt các anh đi! – Mãi đến nửa đêm bà Ilinhitna mới chửi rầm lên tống tiễn mấy ông khách. – Có xéo ngay ra sân không, ra ngoài ấy mà hun khói, thật quá bọn quỉ đói thuốc. Thôi đi đi, đi đi! Thằng lính nhà nầy từ lúc về đã được nghỉ ngơi gì đâu. Xéo đằng nào thì xéo đi!

Chọn tập
Bình luận