Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 140

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Đến cuối tháng Giêng, Kotliarov nhận được giấy triệu tập của Uỷ ban Quân sự Cách mạng Quân khu, phải lên Vosenskaia. Trù tính đến tối sẽ về. Mọi người đang chờ anh. Trong ngôi nhà vắng tanh của lão Mokhov, Miska Kosevoi ngồi trong phòng làm việc trước kia của lão chủ, sau cái bàn giấy rộng bằng một chiếc giường đôi.

Olsanov, anh chàng công an được chính quyền Vosenskaia phái xuống, đang nửa ngồi nửa nằm trên bậu cửa sổ, vì trong phòng chỉ có độc một chiếc ghế dựa. Anh ta vừa lặng lẽ hút thuốc, vừa nhổ những bãi nước bọt đi rất xa, rất trúng, mỗi lần lại nhổ đúng vào một viên gạch men khác trên lò sưởi. Bên ngoài các khung cửa sổ thấp thoáng cái ánh sáng mờ mờ của một đêm nhiều sao. Không khí lặng tờ cái yên lặng dội tiếng của một ngày băng giá. Miska ký tên vào tờ biên bản cuộc khám xét ở nhà Stepan Astakhov, chốc chốc lại đưa mắt ra cửa sổ nhìn những cành cây phong bị sương muối bám vào nom trắng như đường.

Có tiếng ủng dạ dẫm nhẹ nhàng lạo xạo của một người đang đi trên thềm.

– Về rồi đấy.

Miska đứng dậy. Nhưng từ ngoài hành lang vẳng vào những tiếng bước chân lạ, tiếng ho cũng lạ. Grigori bước vào, trong chiếc áo ca- pốt cài hết cả khuy, mặt đỏ rực vì rét, sương muối bám trắng xoá trên lông mày và trên ria.

– Mình vào sưởi một chút. Cậu khỏe chứ!

– Cậu vào đây có điều kêu ca à?

– Chẳng có gì kêu ca đâu. Mình đến chuyện phiễu chơi, nhân tiện nói với cậu đừng cắt nhà mình đi vận tải, vì mấy con ngựa nhà mình đều đau chân hết.

– Còn bò? – Miska cố giữ bình tĩnh, mắt nhìn hiêng hiếng.

– Bò thì kéo thế nào được? Đường trơn lắm.

Có người bước những bước rất dài lên thềm, chân đi như muốn dẫm bật những tấm ván sàn đông cứng vì tiết đại hàn. Kotliarov đi xộc vào trong phòng với cái áo choàng bằng dạ thô và cái khăn bịt đầu quấn theo kiểu đàn bà. Hơi lạnh toả từ người anh ta mát mát, kèm với mùi rơm và mùi khét của thuốc lá.

– Rét cứng cả người, rét cứng cả người, các cậu ạ! Chào cậu, cậu Grigori? Đêm hôm khuya khoắt có việc gì mà mò đến thế? Ma quỉ nào phát minh ra kiểu áo choàng như thế nầy, gió cứ lọt vào như cái rây ấy?

Anh cởi áo choàng ra và chưa kịp treo nó lên đã nói:

– Chà, thế là mình đã được gặp đồng chí chủ tịch. – Kotliarov đi tới gần chiếc bàn, mặt rạng rỡ, hai con mắt long lanh. Anh thấy trong người ngứa ngáy, không thể không nói ngay những điều đang nghĩ trong bụng. – Mình vào phòng làm việc của đồng chí ấy. Đồng chí ấy bắt tay mình rồi bảo: “Ngồi xuống đây, đồng chí. Chủ tịch Quân khu mà như thế đấy. Nhưng trước kia là một tay như thế nào? Một thiếu tướng! Đến trước mặt nó là cứ đứng cứng người ra! Đấy, cái chính quyền yêu quí của chúng ta như thế đấy? Mọi người đều bình đẳng cả!

Grigori không hiểu nổi vẻ mặt sôi nổi, tràn trề hạnh phúc, những bước chân đi lại lăng xăng bên cạnh cái bàn, và những lời nói phấn khởi của Kotliarov. Chàng hỏi:

– Anh có gì mà sung sướng thế, Kotliarov?

– Sao lại “có gì”? – Cái cằm của Kotliarov rung rung với vết lún sâu ở giữa. – Người ta coi mình như một con người mà mình không cảm thấy sung sướng hay sao? Người ta bắt tay mình, như với một người ngang hàng, mời mình ngồi…

– Trong thời gian gần đây, bọn tướng tá cũng đã bắt đầu mặc những chiếc sơ- mi may bằng túi bột rồi đấy. – Grigori đưa cạnh bàn tay lên vuốt gọn hàng ria, nheo mắt nói. – Mình đã trông thấy một thằng đeo lon vẽ bằng bút chì hoá học. Chúng nó cũng chìa tay bắt tay anh em Cô- dắc.

– Bọn tướng tá làm như thế là vì bị bắt buộc, còn đằng nầy là do bản chất. Có khác chứ?

– Chẳng có khác gì cả! – Grigori lắc đầu.

– Theo ý cậu thì cả chính quyền cũng như nhau hay sao? Thế thì người ta chiến đấu cho cái gì? Cả cậu nữa, cậu cũng đã chiến đấu cho cái gì? Thế mà cậu lại bảo “cũng như nhau”?

– Tôi đã chiến đấu cho bản thân tôi chứ không phải cho bọn tướng tá. Thành thật mà nói thì đối với tôi, cả bên nầy lẫn bên kia đều không hợp ý tôi cả.

– Vậy thì ai hợp ý cậu?

– Chẳng ai cả?

Olsanov nhổ vút một bãi nước bọt từ đầu nầy phòng sang đầu kia phòng, phá lên cười đồng tình. Có lẽ cũng chẳng có ai hợp ý gã.

– Hình như trước kia cậu không nghĩ như thế nầy thì phải.

Miska đã nói câu đó với mục đích châm chọc Grigori, nhưng trên nét mặt Grigori không tỏ ra có chút gì khó chịu trước ý nhận xét ấy.

– Cả mình lẫn cậu, hai chúng mình đều nghĩ khác nhau về tất cả…

Thật ra Kotliarov đã muốn tống tiễn Grigori về rồi, để có thể kể cho Miska nghe tỉ mỉ hơn về chuyến công tác của mình và về cuộc nói chuyện của mình với đồng chí chủ tịch, nhưng câu chuyện đã bắt đầu làm anh sôi sục. Đầu óc anh vẫn còn giữ nguyên ấn tượng của những điều mắt thấy tai nghe trên Quân khu, vì thế anh lao ngay vào tranh luận:

– Cậu đến đây định làm mê hoặc đầu óc chúng mình phải không, Grigori? Ngay cậu cũng không biết cậu đang muốn gì à?

– Tôi không biết – Grigori sẵn sàng thú nhận.

– Về chính quyền nầy, cậu định trách nó những điều gì?

– Nhưng tại sao anh lại bênh vực nó hăng đến như thế? Anh đã đỏ ra từ bao giờ vậy?

– Chúng ta sẽ không động đến vấn đề đó làm gì cả. Hiện giờ đang như thế nào thì cứ nói chuyện với nhau như thế đã. Cậu có hiểu không? Cậu đừng xúc phạm nhiều quá đến chính quyền vì mình là chủ tịch, vả lại mình tranh cãi với cậu ở đây thì cũng không đúng chỗ.

– Thế thì thôi vậy. Mà cũng đã đến lúc tôi phải về rồi. Tôi đến đây là vì chuyện dân công vận tải. Còn cái chính quyền của anh thì mặc anh muốn thế nào thì muốn, dù sao nó cũng chỉ là một cái chính quyền vứt đi. Anh hãy bảo thẳng cho tôi biết rồi chúng ta sẽ cắt đứt câu chuyện: nó đem lại cho chúng ta, cho người Cô- dắc những gì?

– Những người Cô- dắc nào? Cô- dắc cũng năm bảy hạng.

– Tất cả mọi người Cô- dắc.

– Tự do, quyền lợi… Nhưng cậu hãy hượm! Hãy hượm đã, hình như cậu còn muốn nói gì nữa thì phải…

– Năm một nghìn chín trăm mười bảy người ta cũng đã nói như thế rồi, bây giờ thì phải nặn ra một cái gì mới mẻ mới được? – Grigori ngắt lời Kotliarov. Đem lại ruộng đất à? Tự do à? Bình đẳng à? Ruộng đất của chúng ta thì chỉ sợ không làm hết. Tự do thì không thể đòi hỏi thêm được nữa, nếu không sẽ tha hồ giết nhau ngoài phố. Trước kia tự chúng mình bầu lấy các ataman, nhưng bây giờ đã có quan trên phái xuống. Cái anh chàng chìa tay bắt tay anh làm anh sướng rơn lên ấy, ai đã bầu nó ra? Đối với bà con Cô- dắc thì cái chính quyền nầy sẽ không đem lại được gì ngoài sự phá sản? Chính quyền mu- gích thì chỉ bọn mu- gích mới cần đến mà thôi Nhưng chúng ta cũng không cần đến bọn tướng tá làm gì. Cộng sản ư, tướng tá ư, tất cả đều cùng là một cái tròng.

– Bọn Cô- dắc có của thì không cần đến chính quyền nầy, nhưng còn những người khác thì sao? Đầu óc gì mà hồ đồ! Trong thôn vẻn vẹn có ba nhà giàu, ngoài ra toàn là dân nghèo. Còn anh em công nhân nữa, cậu bỏ đi đâu? Không, bọn mình không thể nghĩ ngợi theo cái kiểu của cậu được! Cậu phải bắt cái bọn giàu nhả trong cái miệng quen ăn no uống say của chúng một miếng cho những người đang đói. Nếu không chịu cho thì bọn mình sẽ dứt thịt chúng nó ra! Chúng nó đã hết cái thời làm chúa đất rồi? Trước kia chúng nó cướp đoạt ruộng đất…

– Không phải là cướp đoạt, mà là chiến đấu dành được! Có lẽ chính vì tổ tiên chúng ta đã tưới máu xuống cho nó mà chất đất đen của chúng ta mới phì nhiêu như thế…

– Đằng nào cũng thế cả, nhưng cần phải chia sẻ cho những người thiếu thốn. Bình đẳng là phải bình đẳng thật sự! Còn cậu thì chỉ nói không như cái máy chạy không tải. Gió chiều nào cậu xoay chiều nấy, cứ như cái mũi tên chỉ gió trên mái nhà. Những con người như cậu thì chỉ khuấy đục cuộc sống!

– Thôi đi, anh đừng có cái giọng chửi mắng người ta như thế nữa! Chỉ vì tình bạn cũ nên tôi mới đến đây nói ra những điều đang sôi sục trong lòng. Anh bảo bình đẳng… Luận điệu ấy chỉ để bọn bolsevich làm mồi nhử những con người tối tăm ngu dốt mà thôi. Thả ra những lời bùi tai để người ta mắc vào như con cá đớp phải mồi ấy! Bình đẳng ở chỗ nào? Anh cứ nhìn Hồng quân mà xem: họ vừa kéo qua thôn nhà đấy. Trung đội trưởng thì đi ủng bằng da cơ- rô- mê, còn binh bét thì chỉ có xà cạp. Tôi đã trông thấy một tay chính uỷ mặc toàn đồ da, cả quần lẫn áo, còn người khác thì không có lấy đôi giầy da. Cái chính quyền nầy vừa mới đến đây năm nay mà đã như thấy rồi đó, thử hỏi bám rễ sâu xuống rồi thì sẽ lấy đâu ra bình đẳng? Ngoài mặt trận họ đã nói: “Tất cả chúng ta rồi sẽ bình đẳng… Tiền lương của chỉ huy cũng như của chiến sĩ sẽ đều như nhau!”… Không! Toàn là mồi câu tuốt! Nếu bảo địa chủ là tệ hại thì bọn hạ tiện lên làm địa chủ sẽ còn tệ hại gấp trăm! Dù cho bọn sĩ quan xưa kia vô dụng tồi tệ đến đâu, nhưng một thằng tốt đen mới ngoi lên làm sĩ quan chỉ biết ra lệnh cho người ta nằm xuống và chết đi thì sẽ không thể tìm ra một cái gì tồi tệ hơn? Nó cũng chỉ có trình độ học thức như một thằng Cô- dắc thường, trước kia chỉ học nghịch xoắn đuôi bò, nhưng anh xem đấy, leo lên làm ông nọ bà kia là bị ngay quyền hành làm cho mê mẩn và sẵn sàng lột da người khác ra, cốt sao ngồi vững được trên cái ghế của mình.

– Những lời cậu nói ra là lời của một thằng phản động! – Kotliarov không ngước mắt lên nhìn Grigori, nói giọng lạnh như tiền. – Cậu không thể lôi mình đi theo luống cày của cậu được đâu, nhưng mình cũng không muốn đòi hỏi quá cao ở cậu. Đã lâu mình không gặp cậu và mình nói thẳng không cần giấu giếm làm gì là cậu đã đổi khác lắm rồi. Cậu là một kẻ thù của chính quyền Xô- viết!

– Tôi không ngờ anh lại nói như thế… Hễ tôỉ có những điều suy nghĩ về chính quyền thì tôi là phản động à? Là “Kadet” à?

Kotliarov cầm lấy túi thuốc trong tay Olsanov, nói bằng một giọng lúc nầy đã ôn tồn hơn:

– Mình làm thế nào mà thuyết phục được cậu? Những điều nầy con người ta dùng óc thì có thể tìm ra, dùng trái tim thì có thể tìm ra! Mình nói năng không được rõ ràng cặn kẽ vì mình kém văn hoá, chữ nghĩa ít quá. Nhưng có nhiều điều mình mò mẫm cũng ra…

– Thôi chấm dứt đi! – Miska tức tối kêu lên.

Ba người cùng ra khỏi trụ sở của ban chấp hành. Grigori chẳng nói gì cả. Kotliarov thấy mọi người đều ngậm tăm, trong lòng hết sức nặng nề. Anh không giải thích được sự thay đổi của người khác vì anh là một con người khác hẳn và đứng trên một nấm kurgan khác để nhìn cuộc đời. Lúc chia tay Kotliarov nói:

– Các ý nghĩ vừa nãy cậu hãy chôn sâu trong lòng. Nếu không mình sẽ tìm ra biện pháp đối phó với cậu, dù cậu với mình là chỗ quen thuộc và Petro bên nhà là bố đỡ đầu của con mình! Không cần phải làm cho tinh thần bà con Cô- dắc dao động thêm, như thế nầy họ cũng đủ dao động rồi. Cậu đừng có đứng ngáng giữa đường bọn mình. Bọn mình sẽ dẫm qua cho mà xem! Thôi tạm biệt!

Grigori ra về. Chàng có cảm giác như mình đang bước qua một ngưỡng cửa và có những điều trước đây còn có vẻ mơ hồ bỗng nhiên hiện ra một cách cực kỳ rõ ràng trước mắt chàng. Thật ra chàng mới chỉ nói ra trong một phút nóng nảy những điều ùn ùn chất trong đầu óc chàng và đang tìm lối thoát. Thêm vào đó, chàng lại đang đứng chênh vênh ở chỗ giáp ranh giữa hai động lực đấu tranh với nhau, hai động lực mà chàng phủ nhận cả hai, vì thế trong lòng chàng đã nảy ra một cảm giác bực bội nhức nhối, không lúc nào nguôi.

Miska và Kotliarov cùng đi với nhau. Kotliarov lại bắt đầu kể về cuộc gặp gỡ với đồng chí chủ tịch Quân khu, nhưng anh vừa nói thì cảm thấy ngay rằng câu chuyện đã mất hết màu sắc và không còn ý nghĩa gì nữa. Anh định lấy lại cái tinh thần phấn khởi lúc nãy mà không được: một cái gì đó đang đứng ngáng ngay trước mặt anh, trở ngại không cho anh sống một cách vui vẻ, không cho anh thở thoải mái bầu không khí lạnh giá, nhạt thếch và nhẹ lâng nầy. Vật trở ngại đó là Grigori, là câu chuyện vừa nói với chàng. Nhớ lại chuyện đó, anh nói bằng một giọng đầy căm hờn:

– Trong cuộc đấu tranh, những đứa như thằng Griska chỉ làm vướng chân. Thằng khốn nạn! Nó không muốn giạt vào bờ mà cứ bập bềnh như đống cứt bò giữa hố nước trên mặt băng. Nó mà còn vác mặt đến lần nữa thì mình sẽ tống cổ đi! Còn nếu nó mở miệng tuyên truyền thì chúng ta sẽ kiếm ra cho nó một cái xà- lim… Còn cậu Miska, thế nào? Công việc ra sao?

Miska chỉ vặc một tiếng thay cho câu trả lời, bụng dạ còn đang bận với một việc khác.

Hai người đi hết một đoạn phố. Miska quay mặt nhìn Kotliarov, một nụ cười gượng gạo thoáng trên cặp môi mọng như môi con gái:

– Anh Kotliarov ạ, chính trị thật là một của độc địa, mẹ nó chứ? Nói gì thì nói, chứ động đến nó là máu lại sục lên ngay. Đấy, vừa bắt đầu nói chuyện với thằng Griska… mà nó với tôi thì như cây cùng gốc, nó với tôi cùng học một trường, cùng đi tán gái… cứ như anh em ruột… Thế mà nó vừa mở miệng là tôi đã thấy tức tối, trong ngực cứ như có cả một quả dưa hấu mỗi lúc một nở to ra. Tôi cứ run bán người lên! Có cảm giác như nó đến lấy mất cái gì quí nhất của mình. Quá là đến nhà mình mà cướp phá! Nói chuyện như thế nầy thì có thể đi đến đâm chết nhau được đấy. Trong lúc nầy, trong cuộc chiến tranh nầy, sẽ không có thông gia, không có anh em gì cả. Nó đã lộ rõ chân tướng như thế thì được rồi? – Miska không ghìm nổi cơn tức giận, giọng run lên. – Nó phỗng tay trên mất của tôi một con bé, tôi cũng không thấy tức bằng những lời lẽ như thế. Tôi điên lên rồi đây?

Chọn tập
Bình luận
× sticky