Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 90

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Trong đại đội của Evgeni có một gã Cô- dắc trấn Bukanovskaia tên là Laguchin Ivan. Lần bầu cử thứ nhất Laguchin đã được chọn làm uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng trung đoàn. Trước khi trung đoàn tới Petrograd, Laguchin không có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng trong những ngày cuối tháng bảy, một viên trung đội trưởng có báo cáo với Evgeni rằng Laguchin thường lui tới bộ phận quân sự của Xô viết đại biểu công nhân binh sĩ Petrograd, chắc hẳn có liên lạc gì với Xô viết đó, vì thấy Laguchin thường hay nói chuyện với bọn Cô- dắc trong trung đội và có ảnh hưởng xấu tới bọn nầy. Trong đại đội đã hai lần có hiện tượng không nhận phân công canh gác và tuần tiễu. Viên trung đội trưởng kia đã qui cả hai trường hợp ấy cho tác động của Laguchin đối với bọn Cô- dắc.

Evgeni nghĩ rằng thế nào hắn cũng phải tìm hiểu sát hơn về Laguchin, để mò mẫm thêm về Laguchin. Nếu gọi anh chàng Cô- dắc nầy lên để có một cuộc trao đổi cởi mở thì thật là ngu xuẩn và thiếu thận trọng, vì thế Evgeni quyết định chờ cơ hội. Chảng bao lâu cơ hội ấy đã đến. Trong những ngày cuối tháng bảy, đến lượt trung đội ba phải bảo vệ ban đêm các dãy phố nằm sát nhà máy Puchilov.

– Tôi sẽ cùng đi với bọn Cô- dắc – Evgeni báo trước cho viên trung đội trưởng, – Ngài bảo đóng cho tôi con ngựa huyền.

Evgeni có hai con ngựa, “đề phòng bất trắc”, như hắn thường nói. Gã lính hầu giúp hắn mặc áo xong, hắn đi xuống sân. Toàn trung đội đã lên ngựa. Mọi người tiến quạ vài dãy phố trong bóng tối mờ sương với những đốm đèn như thêu trên màn đêm. Evgeni cố ý cho ngựa đi chậm lại và gọi Laguchin ở phía sau lên. Laguchin cho ngựa tới gần, rồi quay đầu con ngựa vừa nhỏ vừa xấu, nhìn viên đại uý ra ý chờ đợi.

– Trong Uỷ ban của các anh có gì mới không? Evgeni hỏi.

– Chẳng có gì cả.

– Anh ở trấn nào thế, Laguchin?

– Bukanovskaia.

– Thôn nào?

– Mitiakino.

Lúc nầy hai con ngựa đã đi song song. Nhân có ánh đèn, Evgeni liếc nhìn khuôn mặt râu ria xồm xoàm của người lính Cô- dắc. Dưới chiếc mũ cát- két của Laguchin có thể nhìn thấy vài món tóc mượt, chòm râu quai nón loăn xoăn chỗ rậm chỗ thưa trên cặp má phinh phính, cặp mắt thông minh, có phần giảo quyệt nữa là khác lẩn rất sâu dưới hai hàng lông mày vòng cung mọc nhô hẳn ra.

“Nhìn bề ngoài thì thằng cha nầy cũng bình thường, chán ngắt, nhưng không biết ruột gan nó như thế nào? Chắc hẳn nó cũng thù ghét mình như tất cả những cái gì có liên quan đến chế độ cũ, đến “cái gậy của thầy cai thôi…” – Evgeni nghĩ thầm rồi không hiểu sao tự nhiên muốn tìm hiểu về quá khứ của Laguchin.

– Đã lập gia đình chưa?

– Thưa có. Đã có vợ và hai con nhỏ.

– Còn công việc làm ăn thì sao?

– Nhà chúng tôi thì công việc làm ăn cái gì? – Laguchin nói giọng châm biến, và có vẻ nhớ tiếc – Chúng tôi sinh sống cũng qua quít. Không con bò cộng thêm anh chàng Cô- dắc thì lại anh chàng Cô- dắc cộng thêm con bò, suốt đời cứ quanh quẩn quẩn quanh như thế. Đất vùng chúng tôi lại lắm cát – Anh ta ngẫm nghĩ một lát rồi nói thêm, giọng nghiêm nghị.

Trước kia Evgeni đã có lần qua trấn Bukanovskaia để ra ga Sebriakoto. Hắn nhớ lại một cách rất sinh động cái trấn khỉ ho cò gáy nằm tách rời hẳn đường cái quan nầy. Phía nam trấn có một đồng cỏ thẳng cánh cò bay, khá bằng phẳng, nằm giữa những khúc sông Khop chảy ngoằn ngoèo. Hôm ấy, lúc còn cách địa phận trấn Elanskaia chừng mười hai véc- xta, hắn đã nhìn thấy từ trên đường sống đồi những mảnh vườn mung lung xanh rờn dưới khoảng đất thấp cùng với cái tháp chuông cao ngất, trắng bệch như một cái xương cẳng bị gặm nham nhở.

– Vâng chúng tôi nhiều cát lắm, – Evgeni thở dài.

– Có lẽ muốn về nhà lắm rồi phải không?

– Còn sao nữa, thưa ngài đại uý. Tất nhiên là trong lòng rối bời chỉ mong mau chóng trở về thôi. Chịu khổ chịu sở vì chiến tranh có phải ít ỏi gì đâu…

– Khó mà được về sớm sủa đấy, người anh em ạ…

– Rồi sẽ được về thôi.

– Nhưng chiến tranh còn chưa chấm dứt cơ mà?

– Chẳng bao lâu sẽ chấm dứt thôi. Chẳng bao lâu sẽ về nhà thôi, – Laguchin vẫn khăng khăng giữ ý kiến cũ.

– Chúng ta còn phải đánh lẫn nhau nữa chứ, cậu thấy thế nào?

Laguchin không rời hai con mắt khỏi mũi yên ngựa, nín lặng một lát rồi hỏi:

– Còn đánh nhau với ai bây giờ?

– Thiếu gì những kẻ còn phải đánh… ít nhất cũng có bọn Bolsevich.

Laguchin lại nín lặng giờ lâu, tựa như anh ta đang thiu thiu theo tiếng vó ngựa đập rành rọt như nhịp khiêu vũ. Hai người lẳng lặng cho ngựa đi chừng ba phút. Cuối cùng Laguchin thủng thảng nói tách bạch từng tiếng.

– Chúng tôi chẳng có gì dành giật với họ…

– Thế còn ruộng đất?

– Ruộng đất đã có đủ cho tất cả mọi người.

– Cậu cũng biết rằng bọn Bolsevich muốn làm những gì rồi chứ?

– Cũng có được nghe đôi chút…

– Theo ý cậu thì cần phải làm gì nếu như bọn Bolsevich kéo đến vùng chúng ta để chiếm lấy ruộng đất của chúng ta, để biến người Cô- dắc thành tôi mọi? Cậu cũng đã từng chiến đấu chống quân Đức, bảo vệ nước Nga cơ mà?

– Quân Đức là chuyện khác.

– Thế còn bọn Bolsevich?

– Có sao đâu, thưa ngài đại uý, – xem ra Laguchin đã quyết định nói toạc ra. Anh ta vừa nói vừa ngước nhìn lên và cố bắt gặp hai con mắt của Evgeni – người Bolsevich sẽ không đến cướp mất mẩu đất cuối cùng của tôi đâu. Trong tay tôi chỉ vỏn vẹn có một phần đất để cày họ chẳng cần gì đến ruộng đất của tôi cả… Còn thí dụ như, nói thế nầy xin ngài đừng bực mình, ông cụ nhà ngài có tới một vạn đê- xi- a- chin…

– Không phải một vạn mà là bốn nghìn…

– Vâng được, thì cũng thế thôi, cứ cho là bốn nghìn đi, nhưng như thế có phải là một mảnh nhỏ đâu? Có thể nói rằng như thế thì còn ra một trật tự gì nữa? Xin ngài thử nhìn ra khắp nước Nga mà xem, những người như ông cụ nhà ngài còn quá nhiều nữa là khác. Thế thì ngài thử ngẫm mà xem, thưa ngài đại uý, mỗi miệng ăn đều đòi có cho nó một miếng bánh. Ngài cũng muốn được ăn, và bất cứ người nào khác cũng đều muốn được ăn. Ngài biết chuyện gã Di- gan dạy con ngựa của nó nhịn ăn đấy chứ? Gã bảo không ăn rồi sẽ quen đi. Con ngựa trung thành vâng lời chủ cố tập cho quen, nhưng đến ngày thứ mười thì về với ông bà ông vải… Các lề thói dưới thời vua Nga nó ngược đời như thế đấy, đối với những kẻ khố rách áo ôm lại càng ác nghiệt… Chỉ một nhát, người ta cắt phăng cho ông cụ nhà ngài bốn ngàn đê- xi- a- chin, ngon như một miếng bánh nướng. Nhưng ông cụ nhà ngài có ăn bằng hai cổ họng đâu, cũng chỉ có một cổ họng như bọn dân ngu cu đen chúng tôi thôi. Như thế thì tất nhiên nhân dân phải căm phẫn? Người Bolsevich, họ chọn rất trúng đích, thế mà ngài lại bảo đánh nhau với họ…

Nghe Laguchin nói, ruột gan Evgeni cứ rối bời bời, nhưng hắn vẫn cố nhịn. Cuối cùng hắn hiểu rằng mình bất lực, không thể đưa ra một lý lẽ nào nặng đồng cân để cãi lại, hắn cảm thấy rằng các ý dẫn chứng giản dị, đơn giản một cách chết người của người lính Cô- dắc đã dồn hắn vào góc tường, và ý thức mơ hồ về cái sai của mình trước kia bị nén xuống đến nay lại ngoi lên. Evgeni luống cuống, rồi phát khùng lên.

– Mầy là thế nào, Bolsevich phải không?

Trong chuyện nầy, cái tên gọi không có gì quan trọng cả… – Laguchin trả lời, giọng kéo dài, đầy vẻ châm biếm – vấn đề không phải ở tên gọi mà ở sự thật. Nhân dân cần có sự thật nhưng trước đây người ta che giấu nó, chôn vùi nó. Người ta còn nói rằng sự thật đã chết từ lâu rồi.

– Bọn Bolsevich tại Xô viết đại biểu công nhân binh sĩ đã nhồi nhét cho mày những luận điệu như thế rồi đấy… Xem ra mày lui tới chỗ chúng nó cũng không phải không có kết quả.

– Chà, thưa ngài đại uý, đầu óc của những kẻ quen chịu đựng như chúng tôi thì đã có ngay cuộc sống nó nhồi nhét cho rồi. Còn như người Bolsevich thì họ chỉ làm việc châm ngòi nổ…

– Thôi vứt mẹ những lời như trong chuyện cổ tích ấy đi! Đây không phải là lúc bỡn cợt! – Giọng Evgeni đầy vẻ tức tối – Mày hãy trả lời tao xem: mày vừa nói về đất đai của cha tao và nói chung về đất đai của giai cấp địa chủ, nhưng đấy là quyền tư hữu. Nếu mày có hai cái áo sơ- mi mà tao chẳng có cái nào thì theo ý mày, tao phải cướp lấy của mày phải không?

Evgeni không nhìn thấy mặt Laguchin, nhưng nghe giọng nói, hắn cũng đoán được rằng anh ta mỉm cười.

– Tôi sẽ tự tay cho chiếc sơ- mi thừa. Ngoài mặt trận tôi đã cho đi không phải một chiếc thừa, mà có độc một cái cũng cho đi, và cứ trần trục trong chiếc ca- pôt. Nhưng ruộng đất chẳng có ai dứt ruột cho đi bao giờ…

– Thế ruộng đất của mày còn chưa thừa mứa hay sao? Mày còn chưa có đủ hay sao? – Evgeni to tiếng.

Laguchin tức điên lên, cảm thấy như nghẹt thở. Anh ta tái mặt di, trả lời gần như quát lên.

– Thế ngài nghĩ rằng tôi chỉ đau lòng cho cái thần xác của riêng tôi đấy phỏng. Chúng ta đã qua Ba Lan, người ta sống ở bên ấy như thế nào hử? Ngài có nhìn thấy hay không? Còn những người mu- gích ở chung quanh chúng ta họ sống như thế nào hử? Tôi thì đã nhìn thấy! Máu trong tim tôi sôi lên! Sao, ngài nghĩ rằng tôi không biết thương họ đấy phải không? Có lẽ chỉ vì nghĩ tới chuyện ấy, nghĩ tới người dân Ba Lan, tới mảnh đất đầy đắng cay của họ, mà tôi đã ốm lên ốm xuống đấy.

Evgeni đã định nói một ý móc mói, nhưng từ chỗ những ngôi nhà xám xịt, to lù lù của nhà máy Pchilov đã vang ra một tiếng kêu như xé màng tai: “Bắt lấy nó!”. Tiếng vó ngựa rầm rập, một phát súng nổ ra chối tai, Evgeni vung roi cho ngựa phi tới.

Cả hắn lẫn Languchin đều phi ngựa cùng một lúc tới chỗ trung đội xúm đông gần ngã tư. Bọn Cô- dắc xuống ngựa, gươm đập lách cách. Ở giữa có một người vừa bị chúng bắt đang vùng vẫy lăn lộn.

– Cái gì? Cái gì thế? – Evgeni cho ngựa lao vào giữa đám người, gầm lên.

– Thằng khốn kiếp ném đá…

– Ném một cái rồi chạy thẳng.

– Cho nó một trận, Arzanov!

– Chà, đồ khốn nạn! Mầy muốn chơi trò ném trộm phải không?

Arzanov, gã hạ sĩ của trung đội, văn ngồi trên yên, cúi xuống túm cổ một người mặc áo bơ- lu đen không thắt dây lưng. Ba gã Cô- dắc xuống ngựa vặn ngoặt hai tay người ấy.

– Mầy là đứa nào? – Evgeni không tự chủ được nữa, quát lên.

Người bị bắt ngửng đầu lên, cặp môi mím chặt chẳng nói chẳng rằng trên khuôn mặt nhăn nhó trắng bệch.

– Mầy là đứa nào hử? – Evgeni nhắc lại câu hỏi – Mày ném đá hử, đồ vô lại? Thế nào? Mầy câm à? Arzanov…

Arzanov nhảy phắt trên yên xuống, buông cổ áo người bị bắt ra, và vung tay đấm vào mặt người ấy.

– Cho nó một trận? – Evgeni quay ngoắt con ngựa lại, ra lệnh.

Ba bốn gã Cô- dắc đã xuống ngựa đẩy người bị trói ngã dúi xuống đất, vung roi quật lấy quật để. Laguchin tụt trên yên xuống, chạy đến trước mặt Evgeni.

– Ngài đại uý! Sao ngài lại làm như thế? Ngài đại uý?

Laguchin nắm chặt lấy đầu gối viên đại uý bằng những ngón tay run run, quát lên – Không thể thế được? Đây là một con người! Ngài làm gì thế hử?

Evgeni vung dây cương đánh ngựa, không nói gì cả.

Laguchin lại chạy lao tới chỗ bọn Cô- dắc, ôm ngang người Arzanov, cố lôi tên nầy ra, hai chân vấp trên mặt đường, vướng cả vào gươm. Arzanov vừa giằng ra vừa nói:

– Cậu đừng cuống cuồng lên như thế? Đừng cuống cuồng lên? Nó ném đá vào mình mà lại để nó yên à?

– Buông ra! Mình còn nói nhẹ nhàng thì liệu mà biết điều!

Một gã Cô- dắc lưng tháo khẩu súng trường khỏi vai, nện báng súng vào cái thân hình mềm nhũn nằm lăn dưới đất, mỗi lần bị đánh lại kêu ràn rạt. Một phút sau, một tiếng kêu trầm trầm, man rợ như tiếng thú vật, vàng trên mặt đường:

– Quân chó đẻ? Một lũ phản cách mạng! Chúng mày cứ đánh đi! Ô- ối! A- a- a- a?

Bốp! Bốp! Bốp! – tiếng báng súng vẫn như giã giò.

Laguchin chạy về phía Evgeni, đứng sát hẳn vào đầu gối hắn, quào móng tay vào má yên, giọng như nghẹt thở:

– Tha cho người ta?

– Xéo ngay!

– Đại uý Litnhitki! Có nghe thấy không? Mày sẽ phải đền tội!

– Tao thì muốn nhổ vào mặt mày! – Evgeni rít lên và thúc ngựa xô Laguchin.

– Anh em! – Laguchin chạy tới chỗ những tên Cô- dắc đứng ngoài cuộc và kêu lên – Tôi là uỷ viên Uỷ ban cách mạng trung đoàn… Tôi ra lệnh cho anh em: hãy cứu người nầy khỏi chết! Trách nhiệm… anh em sẽ phải chịu trách nhiệm? Không còn là cái thời trước kia nữa rồi…

Lòng căm hờn sôi sục làm Evgeni trở nên mù quáng, không còn có thể cân nhắc phải trái gì nữa. Hắn vung roi quật vào hai cái tai con ngựa, xông tới sát Laguchin. Hắn chọc thẳng khẩu súng ngắn đen sì, dầu mỡ thối hoăng, vào mặt Laguchin, rít lên:

– Câm… câm ngay, đồ phản bội! Đồ Bolsevich? Tao bắn chết mày!

Nhưng hắn vẫn đem hết nghị lực kéo ngón tay khỏi cò súng, rồi giật mạnh cương cho con ngựa đứng chồm lên, và phóng đi.

Vài phút sau, ba gã Cô- dắc phi ngựa theo hắn. Một người mặc chiếc áo bơ- lu ướt đẫm dính chặt vào thân, hai chân không động đậy gì nữa, bị kéo lê giữa hai con ngựa của Arzanov và Lapin. Bị hai tên Cô- dắc xốc nách lôi đi, người ấy khẽ lắc lư, chân kéo lê trên đá giải đường, cái đầu bị dập nát, máu me lênh láng, ngặt hẳn ra sau, cái cằm hất ngược trăng trắng giữa hai bên vai nhô cao lên nhọn hoắt. Gã Cô- dắc thứ ba cho ngựa chạy rời xa một chút. Gã nhìn thấy ở góc phố có một người đánh xe ngựa đứng dưới ánh đèn, bèn rướn người trên bàn đạp, cho ngựa chạy nước kiệu tới gần. Gã nói gọn lỏn không biết câu gì, rồi quật roi ngựa vào ủng một cách đầy ý nghĩa.

Người kia ngoan ngoãn hấp tấp đánh ngay xe ra giữa phố, chỗ Arzanov và Lapin đứng lại.

Sáng hôm sau, Evgeni vừa tỉnh dậy đã nhận thấy ngay rằng hôm qua hắn đã phạm một sai lầm rất lớn, không sao cứu vãn được nữa. Hắn cắn môi nhớ lại cảnh người ném đá đã bị đánh nhừ tử cùng những chuyện xảy ra sau đó giữa hắn và Laguchin. Hắn cau mày, đăm chiêu, húng hắng ho. Rồi trong khi mặc quần áo, hắn tự bảo tạm thời không nên động tới Laguchin vội để tránh cho quan hệ giữa mình với Uỷ ban cách mạng trung đoàn khỏi trở nên gay gắt, và tốt nhất chờ khi nào ấn tượng về cuộc đụng độ hôm qua giữa mình với Laguchin đã phai mờ đi trong đầu óc những tên Cô- dắc có mặt trong lúc đó, rồi sẽ nhẹ nhàng khử hắn đi cho khỏi vướng chân.

“Như thế gọi là mình đã hoà mình với bọn Cô- dắc đấy…” – Evgeni tự giễu mình một cách chua chát và sau đó mấy ngày liền hắn vẫn còn bị ám ảnh bởi ấn tượng khó chịu về những việc xảy ra.

° ° °

Sang đầu tháng tám, có lần Evgeni cùng với Atasikov dạo chơi trong thành phố vào một ngày nắng đẹp. Sau câu chuyện trao đổi có cuộc họp sĩ quan, giữa hai người chưa có gì giúp họ giải quyết được sự không nhất trí xảy ra. Atasikov cứ kín như bưng, và vẫn nung nấu trong lòng những điều suy nghĩ mà hắn chưa phơi bày ra hết. Đã mấy làn Evgeni tìm cách khêu gợi để Atasikov nói toạc móng heo, nhưng Atasikov càng khép kín tấm màn bí mật thường thấy ở những người không muốn cho người khác nhìn thấy rõ chân tướng của mình. Còn Evgeni thì trong khi tiếp xúc giao du với người khác, bao giờ hắn cũng có cảm tưởng như sau một cái vẻ phô ra bên ngoài, con người bao giờ cũng còn có một cái gì khác đôi khi không làm thế nào lần thấy được. Hắn tin chắc rằng bất kỳ người nào, nếu bị lột cái vỏ bọc ngoài đều lộ rõ một cái nhân lõi chân thực, trần truồng, không nhuộm thêm một điéu giá dối gì. Chính vì thế bao giờ hắn cũng có cái tật muốn dò dẫm xem có cái gì bị giấu sau cái bề ngoài thô bạo, khắc khổ, gan dạ liều lĩnh, ngang tàng láo xược, sung sướng hay vui tươi của mọi người. Lần nầy, trong khi nát óc về Atasikov, hắn chỉ đoán ra một điều là Atasikov đang đau khổ tìm cách giải quyết mối mâu thuẫn đang vấp phải là kết hợp cái chất Cô- dắc với cái chất Bolsevich. Giả thiết đó đã làm hắn thôi không tìm cách gần gụi Atasikov nữa, và cứ giữ một thái độ xa xa lánh lánh.

Hai người đi trên đại lộ Nepsky, lâu lâu mới trao đổi vài câu vô vị.

– Ta vào ăn chút gì đi? – Evgeni đưa mắt chỉ cái cửa một tiệm ăn và mời Atasikov.

– Ăn thì ăn. – Atasikov nhận lời.

Hai người vừa bước vào đã đứng dừng lại, đưa mắt nhìn quanh có vẻ như đành chịu bó tay; tất cả các bàn đều đã có người ngồi.

Atasikov quay người định bỏ đi thì một thân sĩ béo tốt, ăn mặc đĩnh đạc bước tới kính cẩn ngả chiếc mũ quả dưa. Ông ta vốn ngồi ở một chiếc bàn bên cạnh cửa sổ cùng với hai bà sang trọng và từ nãy đã chăm chú nhìn hai người.

– Xin hai ngài thứ lỗi! Mời hai ngài vào ngồi bàn chúng tôi, không biết như thế có tiện không? Chúng tôi ra ngay đây. – Vị thân sĩ nhe hai hàm răng thưa nâu xịt vì khói thuốc, mỉm cười đưa tay mời hai người vào. – Tôi sung sướng được có dịp giúp đỡ các ngài sĩ quan. Các ngài là niềm kiêu hãnh của chúng tôi.

Hai bà ngồi ở bàn cùng đứng dậy. Một người cao lớn sửa lại bộ tóc đen. Người kia trẻ hơn xoay xoay chiếc dù nhỏ đứng chờ.

Hai viên sĩ quan cảm ơn vị thân sĩ có lòng tốt nhường cho mình bàn ăn rồi đi tới bên cửa sổ. Nắng xuyên qua tấm rèm cửa in lên trên khăn bàn hình những chiếc kim vàng. Những đoá hoa tươi cắm ở các bàn toả ra một mùi hương thanh thanh, ngây ngất, át cả mùi các món ăn.

Evgeni gọi món cá om với kvas và lá cải ướp đá. Trong khi chờ đợi hắn rút trong bình ra một đoá sen cạn nửa vàng nửa đỏ, mơ màng dứt từng cánh hoa. Atasikov lấy khăn tay lau vùng trán đẫm mồ hôi, hai con mắt lim dim mệt mỏi, cứ dán vào những đốm nắng nhảy múa trên con dao đặt ở bàn bên, và chốc chốc hắn lại nháy mắt.

Hai gã ăn chưa xong đã thấy hai viên sĩ quan bước vào tiệm ăn, mồm miệng bô bô.

Trong khi đưa mắt nhìn quanh tìm một bàn chưa có người ngồi, tên đi đầu quay về phía Evgeni một bộ mặt rám nâu rất đều. Hai con mắt đen xếch của hắn sáng lên sung sướng.

– Evgeni? Cậu đấy à?- Viên sĩ quan vừa bước tới vừa kêu lên, giọng đầy tự tin, không chút gì e ngại.

Nhìn hai hàm răng trắng loá nham nhở dưới hàng ria đen của hắn, Evgeni nhận ra tên đại uý Kalmykov còn gã đi sau hắn là Trubov.

Bốn người bắt tay nhau rất chặt. Evgeni giới thiệu hai bạn đồng sự của hắn với Atasikov rồi hỏi:

– Có gì run rủi hai cậu đến đây thế?

Kalmykov vê vê một món ria, hất đầu về phía sau, đưa mắt nhìn quanh rồi nói:

– Hai chúng mình đi công vụ đây. Lát nữa mình sẽ kể cho cậu nghe. Cậu hãy cho mình biết về cậu đã. Cậu sống ở trung đoàn Mười bốn như thế nào hả?

Cả bốn cùng bước ra khỏi tiệm ăn. Kalmykov và Evgeni đi chậm lại, vừa đến một cái ngõ là rẽ ngay vào. Nửa giờ sau họ đã ra khỏi những khu phố ồn ào, vừa đi vừa thì thầm nói chuyện với nhau, mắt lấm lét nhìn quanh…

– Quân đoàn Ba của bọn mình hiện nay đang nằm trong lực lượng dự bị của Mặt trận Rumani, – Kalmykov kể bằng một giọng sôi nổi.

– Mươi ngày trước đây, mình đã nhận được lệnh của trung đoàn trưởng: bàn giao đại đội rồi cùng với trung uý Trubov lên sư đoàn bộ nhận nhiệm vụ mới. Đại tá M. ở ban tác chiến, cậu có biết tay ấy đấy đã nói riêng cho mình biết rằng mình phải lập tức lên gặp tướng quân Krymov. Mình bèn cùng với Trubov lên quân đoàn bộ.

Krymov tiếp mình và sau khi biết rằng người ta đã cử một sĩ quan như thế nào lên gặp ngài, tướng quân đã tuyên bố toạc móng heo như thế nầy: “Trong chính quyền đang có những người cố tình đưa nước Nga đến chỗ chết. Thế nào cũng phải thay đổi các cấp chóp bu trong Chính phủ, thậm chí thay cả Chính phủ lâm thời bằng một nền độc tài quân sự”. Tướng quân đã nêu Kornilov như một người có thể được đề cử, rồi bảo mình lên Petrograd nhận nhiệm vụ của Uỷ ban trung ương Hội liên hiệp sĩ quan. Hiện nay ở đây đã tập trung được vài trăm sĩ quan đáng tin cậy. Cậu có hiểu vai trò của chúng ta bây giờ là gì không? Uỷ ban trung ương Hội liên hiệp sĩ quan đang tiếp xúc với Hội đồng Hội liên hiệp các quân nhân Cô- dắc chúng ta để tổ chức những tiểu đoàn xung kích ở các ga đầu mối và các sư đoàn. Tất cả sẽ có ích trong một tương lai không xa đâu…

– Tình hình rồi có đi tới đâu? Cậu thấy thế nào?

– Rõ cái cậu nầy! Chẳng nhẽ cậu sống ở đây mà không tìm hiểu được cục diện hiện nay à? Đứt đuôi con nòng nọc là thế nào cũng sẽ có một cuộc đảo chính và Kornilov sẽ lên nắm chính quyền. Vì quân đội hoàn toàn ủng hộ Kornilov. Ở chỗ chúng mình anh em nghĩ như thế nầy: hiện nay có hai lực lượng ngang sức nhau là Kornilov và bọn Bolsevich. Kerensky thì nằm bẹp giữa hai lực lượng ấy, như giữa hai tấm đá cối xay, cứ để cho hắn ngủ ngon trên giường của mụ Alixa 1, cho hắn hưởng cái thú nhất dạ đế vương – Kalmykov nín lặng một lát rồi đăm chiêu nghịch nghịch dây ngù của thanh gươm và nói – Thật ra chúng mình chỉ là những quân tốt trên bàn cờ… mà những quân tốt thì chẳng làm thế nào biết được bàn tay chơi cờ sẽ đẩy mình lới đâu… Như mình đây chẳng hạn, mình không hình dung được tất cả những việc xảy ra trong đại bản doanh. Mình chỉ biết rằng giữa các ông tướng: Kornilov, Lucomsky, Romanovsky, Krymov, Denikin, Kaledin, Erdeli và nhiều ông khác đang có một mối liên hệ bí mật, một sự thoả thuận nào đó…

– Nhưng còn quân đội… không biết toàn thể quân đội có đi theo Kornilov cả không?- Evgeni hỏi, chân hắn bước mỗi lúc một nhanh.

– Bọn lính tráng thì tất nhiên chúng nó sẽ không theo đâu. Nhưng bọn mình sẽ lôi cổ chúng nó theo.

– Cậu có biết rằng dưới áp lực của cánh tả, Kerensky đang định cách chức tổng tư lệnh tối cao không?

– Hắn chẳng dám đâu? Nếu thế thì chỉ hôm sau người ta đã bắt hắn về quì gối chịu tội. Uỷ ban trung ương Hội liên hiệp sĩ quan đã tuyên bố với hắn quan điểm của mình một cách khá kiên quyết rồi.

– Hôm qua Hội đồng Uỷ ban liên hiệp các quân nhân Cô- dắc đã cử một số đại biểu lên gặp Kerensky. – Evgeni mỉm cười nói. – Các đại biểu đã tuyên bố rằng dân Cô- dắc không cho phép triệt hồi Kornilov đâu, dù mới chỉ có ý nghĩ như vậy cũng không được.

– Cậu có biết hắn đã trả lời như thế nào không? “Đó chỉ là những lời rêu rao. Chính phủ lâm thời không có ý làm một việc gì đại loại như thế đâu”. Hắn cố trấn an công luận nhưng đồng thời lại liếc mắt đưa tình với Ban chấp hành Xô viết công nhân binh sĩ như một con đĩ.

Kalmykov vừa đi vừa rút cuốn nhật ký dã chiến của sĩ quan và đọc to:

– “Hội nghị các nhà hoạt động xã hội xin gửi lời chào mừng tới Ngài, nhà lãnh đạo tối cao của quân đội Nga. Hội nghị tuyên bố rằng tất cả các mưu đồ gây thương tổn cho uy tín của Ngài trong quân đội và nhân dân Nga đều phải coi là những hành vi tội ác, và hội nghị thống nhất ý kiến với các sĩ quan, các binh sĩ có huân chương và nhân dân Cô- dắc. Trong giờ phút thử thách nghiêm trọng và nặng nề nầy toàn thể những người biết suy nghĩ ở nước Nga đều hy vọng và tin tưởng ở Ngài. Cần Chúa giúp đỡ Ngài trong kỳ tích vĩ đại của Ngài tổ chức lại một quân đội hùng mạnh và cứu nước Nga! Rosdianko”. Có lẽ như thế đã đủ rõ rồi chứ? Hoàn toàn không thể nói đến chuyện triệt chức Kornilov nữa rồi… Phải, thế hôm qua Tổng tư lệnh tối cao đến đây cậu có được nhìn thấy không?

– Không, mãi đến đêm mình mới ở làng Traskoie về.

Kalmykov cười nhe cả hai hàm răng đều đặn và cặp lợi hồng hồng, nom tràn trề sức khoẻ. Cặp mắt lươn của hắn nheo lại, hàng ngàn vết nhăn li ti toả ra như mạng nhện từ hai đuôi mắt.

Một cuộc đón tiếp cổ điển! Đội bảo vệ là một đại đội kỵ binh Turkestan. Một đoàn xe hơi mang súng máy. Tất cả đều về Cung điện Mùa Đông. Một sự cảnh cáo kiểu như vậy thì không thể theo nghĩa nào khác… Hà- hà- hà, nếu như cậu được nhìn thấy những bộ mặt dưới những chiếc mũ lông lồm xồm ấy nhỉ? Ấn tượng thật là độc đáo.

Hai sĩ quan đi một vòng khu phố Moskovsko- Nacsky rồi chia tay.

– Evgeni ạ, hai chúng mình phải giữ liên lạc với nhau mới được – Lúc chia tay Kalmykov nói. – Đã sắp phải sống một thời ly loạn rồi. Phải đứng cho vững, không khéo thì lộn cổ xuống ao đấy?

Evgeni đi rồi, hắn còn quay nghiêng người, gọi với theo:

– Mình quên không nói cho cậu biết. Cậu còn nhớ Merkulov ở chỗ chúng ta trước không? Cậu hoạ sĩ ấy mà?

– Có chuyện gì thế?

– Bị giết hồi tháng năm rồi.

– Không thể thế được!

Nhưng đúng là bị giết rồi đấy, rất bất ngờ. Không thể nào có một cái chết ngu xuẩn hơn được. Một quả lựu đạn nổ ngay trong tay gã trinh sát, thằng cha bị mất hai tay, từ khuỷu trở xuống, nhưng Merkulov thì bọn mình chỉ thấy còn một phần ruột gan và cái ống nhòm “Zeiss” nát vụn. Thần chết đã tha cho cậu ấy được ba năm.

Kalmykov còn kêu lên không biết những gì nữa, nhưng gió chợt dậy lên ầm ầm, bụi xám cuộn lên, Evgeni chỉ nghe thấy vài tiếng cuối cùng mất hết thanh sắc. Hắn khoác tay bỏ đi, thỉnh thoảng lại ngoái đầu lại.

— —— —— —— ——-

1 Alixa: Alexandrdra Fedorovna, vợ của Nicolai đệ nhị (trước khi lấy chồng là công chúa Alixa Ghétxenskaia) (Lời chú của bản tiếng Nga).

Chọn tập
Bình luận
× sticky