Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 51

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Đêm thứ sáu trước lễ phục sinh, một đám đàn bà túm tụm ở nhà Pelagia, láng giềng nhà Korsunov, Gavrila Maidanikov, chồng Pelagya, ở Lozi có viết thư cho vợ hứa sẽ về nghỉ phép vào dịp lễ Phục sinh. Hôm thứ hai, Pelagya đã quét vôi, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và ngay từ thứ năm đã ra cổng đứng ngóng. Tóc trần, người gầy guộc, mặt đầy tàn hương, chị chàng đứng rất lâu bên hàng rào, chốc chốc lại đưa tảy lên che mắt nhìn ra xa: Gavrila bất ngờ về chưa biết chừng Pelagya đang có mang, nhưng rất đúng quy củ: mùa hè năm ngoái Gavrila ở trung đoàn về, mang làm quà cho vợ một mảnh vải hoa Ba Lan, nhưng cũng chẳng ở nhà được bao lâu. Anh ta ngủ với vợ bốn đêm liền, đến ngày thứ năm thì uống một chầu tuý luý, hết chửi bằng tiếng Ba Lan lại chửi bằng tiếng Đức, rồi vừa khóc vừa hát một bài ca Cô- dắc cổ làm từ năm 1831. Bạn bè và anh em đến tiễn người lính thú, ngồi quanh bàn uống vodka cho tới bữa ăn. Họ hát hoà theo:

Nghe nói đất Ba Lan nhiều tiền lắm bạc,

Nhưng ta thấy mùng tơi nghèo xác,

Ở Ba Lan có một tửu quán,

Tửu quán Ba Lan, tửu quán của ngai vàng.

Rồi một hôm vào uống rượu có ba chàng:

Một Cô- dắc sông Đông, một Phổ, một Ba Lan.

Chàng Phổ uống vodka trả bằng tiền bạc,

Chàng Ba Lan uống vodka đưa trả tiền vàng,

Chàng Cô- dắc uống vodka không có gì đưa trả,

Cứ láng cháng trong hàng, đinh thúc ngựa tình tang.

Đinh thúc ngựa tinh tang, tán tỉnh cô hàng:

“Về cùng anh, hỡi cô nàng yêu quý,

Về sông Đông êm đềm, nơi quê quán của anh.

Sông Đông quê anh không như quê của cô nàng:

Không dệt, không se, không gieo, không gặt,

Không gieo, không gặt, suốt bốn mùa du ngoạn, xênh xang.

Sau bữa ăn, Gavrila chia tay với gia đình để lên đường. Cũng từ ngày ấy, Pelagya bắt đầu hay nhìn xuống vạt áo. Chị chàng nói cho Natalia biết vì sao mình có mang:

– Cô em yêu quý ạ, trước hôm anh Gavrila về, chị có nằm mơ một lần. Chị thấy như mình đang đi trên bãi cỏ hoang ven sông, nhưng trước mặt lại có con bò sữa già mà nhà chị đã bán ngày lễ Chúa cứu thế mùa hè năm ngoái. Trong khi nó đi, những nụ hoa của nó cứ chảy sữa ròng ròng xuống đường… Chị nghĩ thầm: “Lạy Chúa tôi, sao mình vắt sữa cho nó mà lại để còn như thế?”. Sau hôm ấy, mụ Drodikha có đến nhà chị lấy hốt bố chị kể chuyện nằm mộng cho mụ nghe thì mụ bảo: “Phải bẻ cây nến lấy một mẩu sáp ong nhỏ, vê tròn lại, rồi vùi xuống một đống phân bò mới, nếu không tai hoạ đang ngấp nghé ngoài cửa rồi đấy”. Chị bèn sục khắp các nơi nhưng chẳng mò đâu ra nến. Trước kia cũng có một cây, nhưng bọn trẻ đã lấy để làm mồi dụ nhện độc chui ra khỏi lỗ. Thế là anh Gavrila về và tai hoạ cũng đến theo. Ba năm nay áo chị mặc vào người cứ chảy xuống, thế mà bây giờ thì em xem nầy… – Pelagya ấn ngón tay vào cái bụng căng tròn, mặt rầu rĩ.

Trong khi ngóng chồng về, Pelagya bồn chồn đau khổ. Nhà vắng người cũng buồn, vì thế hôm thứ sáu chị chàng mới mời một số chị em láng giềng sang cùng giết thì giờ. Natalia cũng đến với chiếc bít- tất đang móc dở (xuân sang, cụ Grisaka càng cảm thấy giá lạnh). Hôm nay nàng rất tươi tỉnh hoạt bát nghe chị em pha trò, nàng cười có phần quá mức, nhưng thật ra đó chỉ là vì nàng không muốn mọi người thấy mình đang đau khổ vì mong nhớ chồng. Pelagya ngồi trên bếp lò, thõng hai bàn chân đầy gân xanh, trêu ghẹo Frosia, một cô ả trẻ người nhưng đanh đá có tiếng.

– Nầy, Frosia, cô đã nện anh chàng Cô- dắc nhà cô như thế nào hả?

– Chị không biết nện thế nào à? Vào lưng, vào đầu, vớ được chỗ nào nện chỗ đó.

– Mình có muốn hỏi cái chuyện ấy đâu, mình muốn hỏi hai vợ chồng nhà cô đã bắt đầu có chuyện với nhau như thế nào cơ.

– Thế nào thì thế thôi, – Frosia miễn cưỡng trả lời.

– Cô bắt được quả tang đức ông chồng nằm với một con khác mà sao không nói? – Con dâu Matvey Casulin, một ả cao lêu đêu như cây sào dấm dẳn từng tiếng.

– Cứ kể đi, Frosia?

– Có gì đâu! Có gì đáng nói đâu…

– Thôi đừng cố giấu nữa, ở đây toàn chị em nhà thôi mà.

Frosia nhả một vỏ hướng dương vào lòng bàn tay, mỉm cười:

– Tôi đã để tâm nghi anh chàng từ lâu. Nhưng hôm ấy có người mách: ông tướng nhà cô đang giở trò với một ả vợ lính vắng chồng bên kia sông Đông trong nhà máy xay đấy… Tôi bổ tới thì tóm được cả anh lẫn ả bên cái máy xát.

– Thế nào Natalia, cô không được tin gì về chồng cô à? – Ả con dâu nhà Casulin ngắt lời Frosia, quay sang hỏi Natalia.

– Anh ấy ở Yagotnoie… – Natalia khẽ trả lời.

– Cô có định sống với hắn nữa không?

– Natalia thì có lẽ cũng muốn đấy, nhưng anh chàng kia đâu có hiểu cho, – Chị chủ nhà chõ miệng vào.

Natalia cảm thấy máu dồn lên mặt, nóng bừng, nước mắt chỉ muốn trào ra. Nàng cúi gằm xuống chiếc bít- tất, lấm lét nhìn chị em, thấy mọi người đều chằm chằm nhìn mình và hiểu rằng không thể giấu được ai. Nàng cố ý làm rơi cuộn len đặt trên đầu gối rồi cúi xuống đưa tay quờ quạng trên mặt đất lạnh giá. Nhưng nàng giả vờ quá vụng về. ai cũng nhận thấy.

– Thôi cô em ạ, nhổ vào mặt nó ấy. Có cổ thì có vai cày, cần gì, – Một người không giấu vẻ thương hại, khuyên Natalia.

Cái vẻ tươi tỉnh hoạt bát mà Natalia giả dạng bày ra đã tắt ngấm như tia lửa trước ngọn gió. Bọn đàn bà chuyển sang đơm đặt, dị nghị về những chuyện xảy ra gần đây nhất. Natalia chẳng nói chẳng rằng, cứ cắm cúi móc bít- tất. Nàng cố gắng lắm mới nán lại được đến cùng, và khi ra về nàng đã có thêm trong lòng một quyết tâm chưa hình thành rõ rệt. Nàng vẫn chưa tin rằng Grigori đã bỏ đi hẳn, vì vậy đã tha thứ cho chàng và chờ đợi chàng. Nỗi tủi nhục trước cái tình cảnh nửa dơi nửa chuột của mình đã đưa Natalia đến một hành động: nàng quyết định sẽ gửi một bức thư đến Yagonoie cho Grigori nhưng không cho mọi người trong nhà biết, để hỏi xem chàng có bỏ đi hẳn không và đã nghĩ lại chưa.

Natalia ở nhà Pelagya về thì đêm đã khuya. Cụ Grisaka đang ngồi ở nhà trong đọc quyển Phúc âm đóng da đã rách nát, hoen ố vì những vết nến sáp. Miron Grigorievich còn ở trong bếp, vừa đan nốt mảnh chắn của cái lưới kiểu túi, vừa nghe Mikhey kể một chuyện giết người đời xửa đời xưa. Bà mẹ Natalia cho các con ngủ xong đã lên bếp lò nằm, hai chân gác lên cửa, phơi hai lòng bàn chân đen sì. Natalia thay áo xong, đi một lượt qua các phòng, nhưng chưa biết mình sẽ làm gì. Trong góc phòng chính có tấm ván chặn đống hạt đay để dành làm giống, chuột kêu chi chí.

Nàng ở lại một lát trong phòng của ông và đứng bên cái bàn nhỏ kê ở góc phòng, đờ đẫn nhìn chồng sách đạo xếp dưới những bức hình thánh.

– Ông ơi, ông có giấy không ông?

– Giấy gì cơ chứ? – Khoảng da phía trên mắt kính cụ nhăn lại nhằng nhịt.

– Giấy để viết ấy mà.

Cụ Grisaka lục lọi trong tập Thánh thi 1, lấy ra được một tờ giấy nhàu nát, nặc mùi sáp ong và trầm hương ủ đã lâu ngày.

– Còn bút chì?

– Ra hỏi bố mày ấy. Thôi ra đi, cháu yêu của ông, đừng quấy ông nữa.

Natalia lấy được của bố một mẩu bút chì. Nàng ngồi vào bàn, suy nghĩ lại một cách đau khổ những điều mà nàng đã cân nhắc từ lâu, những điều làm lòng nàng tái tê chua xót.

Sáng hôm sau, Natalia đưa cho Getko vodka và nhờ hắn mang hộ đến Yagonoie bức thư:

“Anh Grigori Panteleevich!

“Anh hãy viết cho em biết em sống thế nào bây giờ đây, và cuộc đời em đã tan nát hẳn rồi hay chưa? Anh bỏ nhà ra đi mà chẳng nói với em một lời. Em chưa có gì xúc phạm đến anh, em mong chờ anh cởi cho hai tay em khỏi bị trói buộc, bảo cho em biết rằng anh đã bỏ đi hẳn, nhưng anh lại bỏ làng bỏ xóm ra đi, chẳng nói chẳng rằng, cử như một người đã chết.

“Em nghĩ rằng anh đã ra đi trong lúc nóng nảy và vẫn đợi anh về nhưng em không muốn chia rẽ hai người. Một mình em bị chà đạp dưới đất còn hơn cả hai. Anh thương lấy em lần chót, viết cho em vài chữ. Em hỏi cho biết, em sẽ nghĩ lấy một cách, kẻo em cứ đứng giữa đường thế nầy.

“Anh Griska, vì Chúa, mong anh đừng giận em.

Natalia”.

Mặt nhăn như bị vì đã cảm thấy trước rằng mình sắp bị bệnh rượu hành đến nơi, Getko dắt con ngựa ra sân đập lúa, rồi không cho Miron Grigorievich biết, thắng ngựa, ngất ngưởng ra đi. Hắn cưỡi ngựa với cái dáng ngồi vụng về đặc biệt của những người không phải là dân Cô- dắc. Khi ngựa chạy nước kiệu, hai khuỷu tay hắn cứ khuỳnh ra đưa đi đưa lại. Rồi hắn chuyển sang nước kiệu nhanh giữa những tiếng la thét không ngớt của bọn tiểu yêu Cô- dắc đang đùa nghịch trong ngõ:

– Khô- khon? Khô- khon!

– Ê khô- khon bán dầu!

– Khéo ngã bây giờ!

– Chó dái cưỡi hàng rào! – Bọn trẻ gào lên phía sau hắn.

Đến chiều thì hắn mang về bức thư trả lời, một mẩu giấy gói đường mầu lam. Hắn vừa lấy tờ giấy trong ngực áo ra, vừa nháy mắt với Natalia.

– Đường xá chẳng làm thế nào mà đi được nữa, cô chủ yêu quý ạ? Lắc ghê quá thiếu chút nữa thì bật hết tim gan mề phổi thằng Getko nầy ra rồi?

Natalia đọc xong, mặt xám ngắt. Cứ như có một vật gì nhọn và có răng xuyên liền vào tim nàng bốn lần.

Trên tờ giấy, ngoài chữ ký chỉ nguệch ngoạc bốn tiếng: “Cứ sống một mình. Melekhov Grigori”.

Như không tin rằng sức mình có thể chịu nổi, nàng vội chạy từ ngoài sân vào trong nhà, nằm vật xuống giường. Bà Lukinhitna đã nhóm lò trước để đến đêm dùng vì còn phải làm bữa xong sớm và kịp nướng những cái bánh mì ngọt.

– Nataska, lại giúp mẹ cái? – Bà gọi con gái.

– Con nhức đầu mẹ ạ. Cho con nằm một lát.

Bà Lukinhitna nhòm qua cửa.

– Uống ít nước dưa chuột muối con nhé. Thế nào? Chỉ một lát là dễ chịu ngay thôi.

Natalia không nói gì, chỉ đưa cái lưỡi khô bỏng liếm cặp môi lạnh buốt.

Nàng nằm đến tối, đầu quấn chiếc khăn len lông chim ấm, người co lại như con tôm, thỉnh thoảng lại khẽ rưn lên. Lúc nàng trở dậy đi vào bếp Miron Grigorievich và cụ Grisaka đã sửa soạn đi nhà thờ.

Hai bên thái dương nàng, gần làn tóc đen chải mượt, lóng lánh những giọt mồ hôi, cặp mắt nàng đầy cái vẻ lừ đừ uể oải của một người đang ốm.

Miron Grigorievich cài hàng khuy dài trên miếng vải dầy ốp thêm phía trước cái quần rộng thùng thình, đưa mắt nhìn con gái:

– Con gái yêu của cha, mày muốn ốm hay sao thế?

– Cha với ông cứ đi trước, con sẽ đi sau.

– Mày định tan lễ rồi mới đi hay sao?

– Không, con mặc áo đây… Mặc xong con sẽ đi ngay.

Hai người đàn ông đi trước. Ở nhà chỉ còn bà Lukinhitna và Natalia. Nàng thẫn thờ lê chân từ chiếc hòm tới bên giường, cặp mắt tựa như không nhìn thấy gì lướt mãi trên đống quần áo nhét bừa bãi trong hòm, môi lẩm bẩm, đầu óc không biết đang đau khổ tính toán cân nhắc những gì. Bà Lukinhitna cứ tưởng Natalia do dự không biết nên mặc cái nào, bèn bảo nàng với cả tấm lòng rộng rãi của người mẹ:

– Con gái yêu của mẹ, mày lấy cái váy màu lam của mẹ mà mặc. Hôm nay mày mặc nó thì hợp đấy.

Natalia không được may váy áo mới để diện trong lễ Phục sinh. Bà Lukinhitna nhớ rằng hồi chưa đi lấy chồng, những ngày hội con gái mình thường thích mặc cái váy màu lam hẹp gấu của mình, vì thế bà nghĩ rằng Natalia đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn, bèn cố bảo nàng làm theo lòng tốt của mình.

– Con mặc chứ? Để mẹ lấy cho.

– Không. Con sẽ mặc cái nầy. – Natalia nhẹ nhàng rút cái váy màu xanh lá cây của nàng, nhưng bất giác nhớ lại rằng đây chính là cái váy mà mình đã mặc hôm Grigori đến thăm mình với tư cách là chồng chưa cưới, hôm lần đầu tiên Grigori làm nàng thẹn chín cả người với cái hôn thoảng qua ở chỗ đầu nhà kho mát rượi. Tiếng nức nở bất chợt muốn bật ra làm nàng run bắn người, nàng ngã đập ngực vào mép cái nắp hòm mở dựng thẳng.

– Natalia! Làm sao thế con? – Bà mẹ vỗ hai bàn tay vào nhau, kêu lên.

Natalia cảm thấy nghẹt thở vì một tiếng gào cứ muốn bật ra.

Nàng cố trấn tĩnh, cười một tiếng rin rít rất không tự nhiên.

– Hôm nay con thấy… trong người thế nào ấy.

– Ồ, Nataska, tao biết rồi…

– Nhưng mẹ biết sao cơ chứ? – Natalia bất thình lình giận dữ kêu lên, những ngón tay nắm chặt vo nát chiếc váy màu xanh lá cây.

– Mẹ thấy mày cứ thế nầy thì không thoát khỏi bệnh tật đâu… Phải lấy chồng đi mới được…

– Thôi đi mẹ! Lấy một lần đủ rồi!

Natalia về phòng nàng thay áo xống, chẳng mấy chốc đã lại vào bếp. Trong bộ áo váy mới mặc, nom nàng thon thả như hồi còn con gái, một ánh hồng hồng chẳng có gì vui vẻ thấp thoáng trên làn da xanh trong xanh bóng.

– Mày đi một mình thôi, mẹ sửa soạn còn chưa xong – Người mẹ nói.

Natalia nhét một chiếc khăn tay vào cổ tay áo, bước ra thềm. Gió đưa từ sông Đông vào tiếng băng trôi loạt soạt và mùi tuyết tan ẩm ẩm nhạt thếch nhưng đầy sức sống. Natalia lấy tay trái kéo cao gấu váy, vừa đi vừa tránh những vũng nước nhỏ xanh xanh như xà cừ rải rác khắp dọc phố. Natalia đi tới nhà thờ. Trên đường đi, nàng cố lấy lại bình tĩnh bằng cách nghĩ tới ngày hội, tới chuyện nầy chuyện khác một cách phiến đoạn và mung lung, nhưng tâm trí nàng cứ gân bướng quay về với mẩu giấy gói hàng màu lam mà nàng giấu trong ngực áo, với Grigori và người đàn bà hạnh phúc trong lúc nầy đang cười nàng một cách kẻ cả, hoặc có thể còn thương hại nàng…

Natalia bước vào bên trong tường bao nhà thờ. Một đám con trai chặn đường nàng. Natalia đi vòng tránh bọn chúng, nhưng còn nghe thấy sau lưng:

– Con bé nhà nào thế? Cậu có nhận ra không?

– Con Natalia nhà Korsunov chứ còn đứa nào?

– Nghe nói nó bị sa ruột. Vì thế bị chồng bỏ.

– Chỉ nói láo? Nó dấm dớ với thằng bố chồng, với lão thọt Panteley đấy.

– À ra vậy? Thảo nào vì thế mà thằng Griska bỏ nhà ra đi.

– Nếu không thì còn vì sao nữa? Con bé ấy bây giờ…

Natalia lập cập vấp trên lớp đá lát hòn cao hòn thấp, đi tới thềm nhà thờ. Bọn kia còn bồi thêm sau lưng nàng một câu bẩn thỉu, vô liêm sỉ, lời nói khe khẽ nhưng đau như ném đá. Natalia bước qua những tiếng cười rúc rích của bọn con gái đứng trên thềm nhà thờ, đi tới cái cửa nhỏ khác ở tường bao, rồi chạy về nhà, người lảo đảo như say rượu. Chạy đến cổng sân nhà mình, nàng lấy lại hơi, bước vào chân đi cứ vướng trong gấu váy, hai hàm răng cắn chặt cặp môi phồng mọng đã bị cắn đến chảy máu. Cái cửa nhà kho mở he hé hiện ra đen ngòm trong bóng tối tím ngắt chập chờn trên sân. Trong một cố gắng hung dữ, Natalia thu hết chút sức lực còn lại, chạy tới cái cửa ấy, rồi vội vã bước qua ngưỡng cửa. Không khí trong nhà kho hanh hanh lạnh lạnh, nặc mùi dây da và mùi rơm cũ. Natalia mò mẫm tới góc tường, không một ý nghĩ, không một cảm giác chỉ có cái niềm đau khổ đen tối nó cứ đưa những móng nhọn bám chặt lấy tâm hồn nàng, một tâm hồn chìm trong nhục nhã và tuyệt vọng.

Nàng nắm lấy cán của một cái hái, tháo lưỡi hái ra (tay nàng làm mọi việc đều chậm rãi, chắc chắn và chính xác) rồi ngửa cổ cứa mạnh cái lưỡi sắc vào cuống họng với cả một niềm sung sướng trước quyết tâm của mình. Nàng ngã vật ra vì cơn đau man rợ như lửa đốt, nhưng vẫn cảm thấy, vẫn mơ hồ hiểu rằng mình còn chưa làm xong việc đã bắt đầu làm. Vì thế nàng lại lổm ngổm bò dậy, rồi quỳ lên.

Máu chảy lênh láng trên ngực làm nàng sợ, nàng vội vàng đưa những ngón tay run lẩy bẩy bật lên giật những cái khuy áo và cởi phanh cái áo ngắn mặc ngoài. Một tay nàng kéo cái vú căng bướng bỉnh sang một bên, còn tay kia hướng mũi cái hái. Nàng lê gối đến bên tường, tỳ đầu cùn của lưỡi hái, đầu có lắp óc cán vào tường, rồi đưa hai tay lên ôm chặt lấy cái đầu ngửa hẳn ra sau, ưỡn ngực, ấn người về phía trước, về phía trước. Natalia nghe thấy, cảm thấy rất rõ ràng tiếng sạo sạo khó chịu của cái cơ thể bị xọc vào, nghe như tiếng cắt bắp cải. Cảm giác đau nhói mỗi lúc một tăng, dâng lên như một làn sóng lửa, từ ngực tới cuống họng, hai tai như bị những cái kim kêu leng keng chọc vào…

Trong nhà có tiếng cửa cót két. Bà Lukinhitna đưa chân sờ soạng tìm cái ngưỡng cửa, bước trên bậc thềm xuống. Từ trên gác chuông nhà thờ những tiếng chuông buông xuống gióng giả đều đặn. Trên sông Đông, những khối băng dài hàng mấy xa- gien nứt ra, đứng dựng lên, vừa trôi vừa không ngớt kêu ken két. Dòng sông Đông được giải phóng, nước chảy tràn trề, sung sướng cuốn ra biển Azov những gông cùm băng giá của nó.

— —— —— —— ——-

1 Còn gọi là Thi thiên. (ND)

Chọn tập
Bình luận
× sticky