Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 180

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Con đường đi Bolsoi Gromoc có chỗ chạy qua một đoạn tường bao xếp bằng đá xám, sau đó nó rẽ ngoặt về phía sông Đông, trườn xuống một cái khe khô không sâu lắm, trên khe có bắc một chiếc cầu làm bằng gỗ tròn. Mùa hanh, cát vàng và dá củ đậu ngũ sắc nhấp nhoáng dưới lòng khe, nhưng sau trận lũ mùa hạ, những dòng nước mưa đục ngầu chảy ào ào từ trên gò xuống khe, hợp lại với nhau. Nước đổ thẳng từ trên xuống như bức tường, rửa sạch những tảng đá rồi ầm ầm nhập vào sông Đông.

Trong những ngày đó, cái cầu thường bị ngập nước, song cũng không bao lâu. Chỉ một hai giờ sau, nước đổ như điên từ trên núi xuống, phá tan hoang các vườn rau và nhổ cả những đoạn hàng rào lẫn những cọc chống đã rút xuống, dưới lòng khe bị phơi trần lại nhấp nhoáng lớp đá củ đậu mới được rửa sạch còn ẩm ướt, nặc mùi đá phấn và mùi nước. Phù sa mới bồi cũng sáng bóng lên hai bên bờ với những ánh nâu nâu:

Tiêu huyền và liễu mọc rất rậm trên bờ khe. Dù những ngày hè nóng nhất, dưới bóng cây bao giờ cũng mát rượi.

Bị cám dỗ bởi bóng mát, vọng tiêu của đội nghĩa dũng dân ngụ cư trấn Vosenskaia đã đến bố trí bên chiếc cầu. Vọng tiêu nầy gồm mười một gã. Khi xe cộ của dân tị nạn chưa xuất hiện trong thôn, bọn lính nằm dài dưới gầm cầu đánh bài, hút thuốc. Có những tên cởi trần ra, lần trong các đường chỉ của áo sơ- mi và đồ lót, tiêu diệt những con rận hút máu lính tráng không biết chán. Hai tên xin phép viên trung đội trưởng ra sông Đông tắm.

Nhưng bọn lính được nghỉ ngơi cũng không bao lâu, chẳng mấy chốc xe cộ đã kéo ùn ùn đến cái cầu, những chiếc xe nối tiếp nhau thành một dòng liên tục và ngay lập tức cái ngõ râm mát và lặng tờ như ngái ngủ đã trở nên nhộn nhịp, ồn ào, tức thở tựa như bầu không khí ngột ngạt, hắc hắc trên đồng cỏ đã cùng với đoàn xe ập vào trong thôn từ trên ngọn gò ven sông Đông.

Chỉ huy vọng gác chính là tên trung đội trưởng trung đội ba của đội nghĩa dũng, một hạ sĩ quan cao lớn, gầy khô, có bộ râu hung hung xén tỉa ngay ngắn và hai cái tai rất to vểnh ra như tai một thằng bé. Hắn đứng ngay giữa cầu, một tay đặt trên cái bao đã cũ mòn của khẩu Nagan. Hắn để cho khoảng hai chục chiếc xe được yên ổn đi qua, nhưng khi nhìn thấy trên một chiếc xe bò có một gã Cô- dắc còn trẻ, tuổi trạc hai mươi nhăm, hắn ra lệnh gọn lỏn:

– Đứng lại!

Gã Cô- dắc kia ghìm cương, cau mày.

– Đơn vị nào? – Tên trung đội trưởng bước tới sát chiếc xe, hỏi bằng một giọng nghiêm khắc.

– Nhưng các anh muốn gì?

– Tôi hỏi anh thuộc đơn vị nào? Nói đi!

– Đại đội thôn Rubezyn. Còn các anh là ai?

– Xuống xe!

Nhưng các anh là ai đã?

– Xuống xe, nghe rõ chưa?

Hai cái vành tai tròn như vỏ ngao của tên trung đội trưởng đỏ ửng lên. Hắn mở nắp bao súng, rút khẩu Nagan rồi chuyển sang tay trái.

Gã Cô- dắc nhét dây cương vào tay vợ, nhảy trên xe xuống.

– Tại sao không ở lại đơn vị? Đi đâu? – Tên trung đội trưởng hỏi vặn, – Tôi đã bị ốm. Bây giờ đi Batki… Đi cùng với gia đình.

– Có giấy chứng nhận là ốm không?

– Lấy đâu ra mà có được? Đại đội làm gì có y sĩ.

– À không có à? Thế thì được, Karpenko, giải hắn ra trường học!

– Nhưng các anh là ai mới được chứ?

– Đến đằng ấy chúng tôi sẽ cho anh biết chúng tôi là ai!

– Tôi còn phải về đơn vị! Anh không có quyền giữ tôi lại?

– Chúng tôi sẽ đưa anh về. Có vũ khí mang theo không?

– Chỉ có một khẩu súng trường.

– Lấy xuống, mau lên, nếu không tôi cho một trận bây giờ! Đồ chó đẻ, còn trẻ như thế nầy mà cứ núp dưới váy vợ, chui rúc lẩn trốn! Muốn chúng tôi phải bảo vệ cho anh có phải không? – Rồi hắn nói với thêm bằng một giọng khinh bỉ – Cô- dắc Cô- diếc?

Gã Cô- dắc lôi khẩu súng trường ra từ bên dưới đệm ghế rồi nắm lấy tay vợ, nhưng trước mặt người khác mà hôn nhau thì không tiện, vì thế hắn chỉ giữ bàn tay cứng cồm cộm của vợ trong bàn tay mình một lát, rỉ tai vợ không biết những gì và theo tên lính nghĩa dũng về trường học của thôn.

Những chiếc xe ùn lại trong ngõ ầm ầm đổ xô qua cầu.

Trong một tiếng đồng hồ, vọng gác đã giữ lại được chừng năm mươi tên đào ngũ. Trong số đó, vài tên thấy mình bị giữ lại có chống cự đặc biệt là một tên Cô- dắc nhỏ bé người thôn Hạ Kripsky trấn Elanskaia. Hắn không còn trẻ lắm, có bộ ria dài xễ, vẻ người hùng dũng. Nghe thấy tên đội trưởng vọng gác ra lệnh xuống xe, gã quất luôn cho con ngựa một roi. Hai tên lính nghĩa dũng nắm lấy dây hàm thiếc của hai con ngựa, giữ lại được thì chiếc xe đã sang tới bên kia cầu. Lúc đó gã Cô- dắc kia không cần nghĩ ngợi gì cả, rút luôn dưới tà áo ca- pốt ra một khẩu Winchester Mỹ, giương lên vai.

– Tránh ra cho tao đi! Tao thì giết, quân khốn nạn!

– Xuống ngay, xuống ngay! Chúng tôi đã được lệnh bắn những kẻ không phục tùng mệnh lệnh. Chúng tôi sẽ cho anh ăn kẹo đạn ngay bây giờ đấy!

– Cái bọn người mu- gi- i- ích! Hôm qua còn đi theo bọn Đỏ mà hôm nay đã ra lệnh cho người Cô- dắc à? Thối không chịu được! Xéo ngay, ông bắn cho bây giờ!

Một tên lính nghĩa dũng quấn một đôi xà cạp mùa đông còn mới đứng chặn ngay ở chỗ bánh trước của chiếc xe bốn bánh. Sau một cuộc vật lộn ngắn ngủi, hắn đã giằng được khẩu Winchester trong tay gã Cô- dắc. Gã kia cong lưng như một con mèo, luồn tay xuống dưới áo rút thanh gươm ra khỏi vỏ. Gã quỳ xuống, vươn người qua cái sàn treo sơn sặc sỡ buộc trên xe và thiếu chút nữa thì đâm được mũi gươm vào đầu tên lính nghĩa dũng, nhưng tên nầy đã kịp nhảy lùi lại.

– Anh Timosa, thôi đi, anh Timosa yêu quý! Chao ôi, anh Timosa! Không nên làm như thế mà! Đừng gây chuyện làm gì? Họ giết mất anh bây giờ. – Mụ vợ gày gò, mặt mũi xấu xí của gã Cô- dắc phát điên đó vặn hai bàn tay vào nhau, khóc lóc kêu lên.

Nhưng gã kia vẫn đứng thẳng người trên xe, múa loang loáng rất lâu lưỡi gươm sáng xanh, không cho những tên lính nghĩa dũng lại gần, vừa vung gươm vừa văng tục khàn khàn, hai con mắt rồ dại long lên nhìn khắp chung quanh. Bộ mặt xạm đen của gã giật giật như chuột rút, nước bọt phì ra dưới hàng ria dài vàng vàng, hai cái lòng trắng xanh xanh mỗi lúc một thêm ngầu máu.

Bọn kia chật vật mãi mới tước được vũ khí của gã, vật gã xuống, trói gô gã lại. Xem ra nguyên nhân làm cho gã Cô- dắc nhỏ bé nầy dũng cảm hùng hổ như vậy cũng đơn giản thôi: chúng lục soát trong xe, tìm thấy một cái hũ đựng một thứ rượu nấu lấy, nồi đầu, nặng vào hạng nhất…

Cái ngõ bị tắc nghẽn. Những chiếc xe đỗ sát nhau như nêm, phải tháo bò tháo ngựa, rồi dùng tay lôi những chiếc xe lên cầu. Những gọng xe, càng xe gãy răng rắc, những con ngựa tức tối hí rầm lên, những con bò bị những đàn mòng vây kín, lại bị chen chúc nên tức điên lên, không nghe theo lệnh của chủ nữa, cứ xô tới những dãy hàng rào. Tiếng chửi rủa, kêu la, tiếng roi quất đen đét, tiếng đàn bà than vãn kể lể còn vang lên rất lâu bên cạnh chiếc cầu. Những chiếc xe cuối cùng đỗ ở những chỗ có thể quay đầu được đã lộn trở lại, lên đường cái để qua sông Đông ở Bát ki.

Những tên đào ngũ bị bắt giữ đều bị giải đi Batki, nhưng vì tất cả bọn chúng đều có vũ khí, nên những tên áp giải cũng không quản được. Lập tức đã nổ ra một cuộc đánh lộn giữa hai bên áp giải và bị áp giải ở ngay bên kia cầu. Một lúc sau tốp nghĩa dũng quay trở về còn những tên đào ngũ thì tự đi tới Vosenskaia, hàng ngũ có tổ chức hẳn hoi.

Prokho Zykov cũng bị giữ lại ở Gromoc, nhưng hắn đưa trình giấy phép do Grigori Melekhov cấp nên bọn kia cho hắn đi ngay, không gây phiền phức gì cả.

Hắn tới Batki thì trời đã sắp hoàng hôn. Hàng ngàn chiếc xe tải đổ tới từ những thôn vùng sông Tria, đỗ đầy tất cả các phố và các ngõ.

Quang cảnh bên sông Đông không thể nào dùng lời mà tả được. Xe cộ của dân chạy nạn chiếm hết một khoảng bờ sông dài hàng hai vec- xta. Chừng năm vạn con người tản vào trong rừng, chờ qua sông.

Phía trước mặt Vosenskaia, những đại đội pháo, những ban chỉ huy và những đồ quân nhu đã được chở qua bằng phà. Bộ binh qua sông trên những chiếc thuyền nhỏ. Vài chục con đò qua lại như mắc cửu mỗi chiếc chỉ chở được bốn, năm người. Ở bến đò, ngay sát mặt nước, diễn ra một cảnh chen chúc thật là đáng sợ. Song vẫn còn chưa thấy bóng vía số kỵ binh để lại làm hậu vệ. Từ vùng sông Tria vẫn đưa tới tiếng hoả lực pháo binh nổ như sấm và cái mùi nồng nồng, hắc hắc của các đám cháy cũng mỗi lúc một gắt, một chọc vào mũi.

Cuộc vượt sông kéo dài đến lúc trời rạng. Khoảng mười hai giờ đêm thì có những đại đội kỵ binh đầu tiên tới nơi. Các đại đội nầy sẽ phải bắt đầu vượt sông lúc trời bình minh.

Prokho Zykov được biết các đơn vị kỵ binh thuộc sư đoàn Một vẫn còn chưa tới nơi, bèn quyết định ở lại Batki để chờ đại đội của hắn. Hắn cầm dây cương dắt con ngựa đi len lỏi rất khó khăn giữa những chiếc xe đỗ sát sin sít bên cạnh dãy tường bao của nhà thương Batki. Hắn không tháo yên, buộc con ngựa vào càng một cái xe bò không biết của ai, nới đai bụng ngựa, còn mình thì sục trong đám xe tìm người quen.

Khi đến gần cái đập, hắn nhận ra Acxinhia từ xa. Nàng đang đi ra sông Đông, chiếc khăn gói nhỏ áp trước ngực, trên vai khoác một chiếc áo ấm. Sắc đẹp lộng lẫy, đập ngay vào mắt của nàng đã làm những tên bộ binh đứng tụ tập trên bờ sông phải chú ý. Chúng nói với nàng không biết những câu gì tục tĩu, những hàm răng trắng nhởn nhe ra cười trên những khuôn mặt đầy bụi, đẫm mồ hôi. Những tiếng cười khoái trá, nghe như tiếng hí của những con ngựa đực, vẳng đến tai Prokho. Một gã Cô- dắc cao lớn ôm lấy nàng từ phía sau, và ghé môi lên cái cổ ngăm ngăm, tròn lẳn của nàng. Thằng cha có bộ tóc trắng phếch, áo sơ- mi không thắt dây lưng, cái mũ lông hất ra sau gáy. Prokho thấy Acxinhia xô mạnh gã kia ra, nhe nanh hung dữ, khẽ nói với gã không biết những gì. Những tên chung quanh phá lên cười, còn gã kia thì ngả mũ, trầm giọng xuống nói khàn khàn: “Chà, nhà thím nầy, chỉ chút xíu thôi mà!”

Acxinhia rảo bước đi qua trước mặt Prokho, một nụ cười khinh bỉ rung rung trên cặp môi mọng. Prokho không gọi nàng, vẫn đảo mắt sục trong đám người, cố kiếm một bà con cùng thôn. Hắn đi lững thững giữa những chiếc xe chết lặng giương càng lên trời và bỗng nghe thấy những tiếng cười nói say sưa. Ba lão già đang ngồi trên một mảnh vải thô trải dưới gầm một chiếc xe. Giữa hai chân một lão có đặt một thùng rượu. Ba lão già đã say lè nhè lần lượt múc rượu ra uống bằng một cái ca đồng làm bằng vỏ đạn, vừa uống rượu vừa ăn cá khô. Mùi rượu nồng và mùi cá muối mặn mặn bắt anh chàng Prokho đang đói bụng phải đứng lại.

– Nầy thầy quyền? Hãy vào đây uống với chúng tôi cho mọi sự đều được tốt lành! – Một lão già gọi hắn.

Prokho không khách khứa gì cả, ngồi luôn xuống, làm dấu phép và mỉm cười nhận trong tay lão già mến khách ca rượu thơm phức.

– Nào uống đi, còn sống được ngày nào thì cứ uống đi! Cá chép đây cứ chén đi. Nầy chàng thanh niên, anh đừng coi thường kẻ già cả nhé. Người già mới là những người thông minh! Bọn trẻ trai các anh còn phải học ở chúng tôi về cách sống và, hừ… về cả cách uống rượu nữa. – Một lão già khác nói ồm ồm giọng mũi. Mũi của lão không còn nữa, cả môi trên cũng bị ăn mất đến hở cả chân răng.

Prokho vừa tợp một hớp vừa lo lắng nhìn lão già không có mũi. Uống xong ca thứ hai, sắp đến ca thứ ba thì hắn không nhịn được nữa, bèn hỏi:

– Thế nào bố già, bố đã chơi bời đến mất cả mũi rồi à?

– Đâu có thế, anh bạn thân mến ạ! Đó là vì lạnh đấy. Hồi còn con nít, có một lần tôi bị lạnh một trận đến phát ốm nên mới hỏng mất cái mũi đấy.

– Thế mà tôi thật có lỗi với bố, cứ ngỡ bố mắc cái bệnh thổ tả ấy nên bị rụng mất mũi? Thật chẳng dại gì mà lây cái của tội của nợ ấy! – Prokho thành khẩn thú nhận.

Hắn thấy lão già nói rõ như thế nên đã yên tâm ghé luôn miệng vào cái ca nốc thẳng một hơi cạn sạch, trong bụng không còn lo lắng.

– Cuộc đời đã đến chỗ mạt vận rồi! Bây giờ thì tội gì mà chẳng uống? – Người có rượu, một lão già khỏe mạnh, thân hình chắc nịch, gào lên – Tôi chi mang theo đây hai trăm pút lúa mì, còn một ngàn pút nữa phải quẳng lại ở nhà. Đánh theo năm đôi bò mà phải vứt tất cả ở đây vì làm thế nào mà lôi theo với mình qua sông Đông cho được? Mình dành dụm kiếm được bao nhiêu thế là bây giờ mất hết! Tôi đang muốn có ca hát đây! Hãy chơi cho thoả đi, các bạn đồng hương ạ! – Mặt lão đỏ bừng lên, mắt lão ướt ướt vì những giọt nước mắt.

– Thôi đừng kêu la làm gì, bác Trofim Ivanovich ơi. Moskva, họ không tin nhiều lắm ở những giọt nước mắt đâu. Còn người thì còn của. – Lão già ồm ồm giọng mũi khuyên bạn.

– Nhưng tôi không kêu làm sao cho được? – Lão già kia nói càng to hơn, nước mắt làm mặt hắn méo hẳn đi. – Thóc thì mất! Bò sẽ chết hết! Nhà cửa sẽ bị bọn Đỏ đốt trụi! Có một thằng con trai lại bị chúng nó giết dạo mùa thu rồi! Thử hỏi tôi không kêu làm sao cho được? Kiếm tiền cho ai bây giờ? Thường là mỗi mùa hạ mục mất trên vai mười chiếc áo sơ- mi, thế mà bây giờ người không áo, chân không giầy… Thôi uống đi!

Prokho vừa lắng nghe những lời trao đổi vừa ăn con cá chép to bằng cái nắp đậy lò và uống hết bảy ca rượu. Hắn kễnh cả bụng, phải cố gắng hết sức mới đứng dậy được.

– Nầy thầy quyền! Cứu tinh của chúng ta! Có muốn lấy thóc cho ngựa không? Muốn bao nhiêu?

Một túi! – Prokho lúng búng. Bây giờ thì xung quanh xảy ra chuyện gì hắn cũng chẳng cần biết.

Lão già đổ lúa yến mạch thượng hảo hạng vào đầy một cái bao cỏ rồi giúp hắn khiêng lên vai.

– Nhớ mang trả cái túi nhé! Đừng quên nhá, hãy vì Chúa! – lão vừa dặn Prokho vừa ôm lấy hắn và khóc với những giọt nước mắt của một kẻ say rượu.

– Không, tôi không mang trả đâu. Tôi đã bảo không mang trả là không mang trả… – Không hiểu sao Prokho cứ khăng khăng không nghe.

Rồi hắn lặc lè rời khỏi cái xe bò. Túi thóc đè oặt lưng hắn xuống, xô hắn sang một bên, Prokho có cảm giác như mình đang đi trên một khoảng đất láng băng trơn, hai chân vừa tượt vừa run như một con ngựa chưa đóng móng rụt rè bước lên băng. Hắn chập chững bước thêm vài bước rồi đứng lại. Hắn chẳng làm thế nào nhớ được rằng cái mũ trên đầu có còn hay không? Một con ngựa thiến lông hạt dẻ, trán trắng buộc bên một chiếc xe bốn bánh ngửi thấy mùi yến mạch bèn vươn cổ về phía cái túi, cắn vào một góc. Thóc lạo xạo chảy từ trong lỗ thủng ra. Prokho cảm thấy nhẹ hơn, lại cất bước.

Chưa biết chừng hắn cũng có thể mang chỗ yến mạch còn lại về đến chỗ con ngựa của hắn, nhưng khi hắn đi qua một con bò mộng rất to, con bò bất thình lình đá ngang cho hắn một cái. Cái thói của loài bò vốn thường là như thế. Nó đang bị muỗi mòng cắn khổ sở, lại điên tiết vì nóng nực và cảnh chen chúc chật chội nên không để ai lại gần. Hôm ấy Prokho đầu phải là vật hy sinh đầu tịên trước cơn thịnh nộ của con bò. Hắn lạng sang một bên, đập đầu vào một cái chốt bánh xe và lập tức đánh luôn một giấc.

Đến nửa đêm hắn tỉnh dậy. Trên đầu hắn, những đám mây xám xịt như chì quay lộn, bay vùn vụt về phía tây trên bầu trời xanh cao ngất. Cái lưỡi liền của vành trăng non chỉ ngó qua kẽ mây trong nháy mắt rồi bầu trời lại bị mây phủ kín mít như trong một cái gối, và gió lạnh thổi mạnh trong bóng tối cũng tựa như càng mạnh thêm.

Một đội kỵ binh tiến qua rất gần ngay cạnh cá xe, chỗ Prokho nằm. Mặt đất than vãn rên siết dưới vô số những vó ngựa đóng móng sắt Đánh hơi thấy cơn mưa đã đén rất gần, những con ngựa thở phì phì. Lách cách tiếng gươm đập vào bàn đạp. Những đốm lửa ở đầu những điếu thuốc hiện lên đo đỏ. Từ chỗ đại đội tiến qua đưa tới mùi hôi ngựa và cái mùi chua loét của các đồ trang bị bằng da.

Cũng như tất cả những tên Cô- dắc đã từng đi lính, qua những năm chiến tranh Prokho đã rất thân thuộc với cái mùi hỗn hợp nầy chỉ có thể có ở kỵ binh. Quân Cô- dắc đã mang cái mùi ấy qua tất cả các nẻo đường từ Phổ và Bucuvin về tới các đồng cỏ của vùng sông Đông và cái mùi ấy, cái mùi không gì đánh tan được của một đơn vị kỵ binh đã trở nên thân thiết và quen thuộc chẳng khác gì cái mùi của ngôi nhà thân yêu. Hai lỗ mũi hin hin của Prokho phập phồng hít lấy hít để, rồi hắn ngẩng cái đầu nặng như chì.

– Đơn vị nào đấy, các anh em?

– Kỵ binh… – Trong bóng tối có một giọng trầm trả lời tinh nghịch.

– Nhưng tôi hỏi là đơn vị của ai cơ mà?

– Của Petlikura 1 … Vẫn cái giọng trầm vừa nãy trả lời.

– Chà cái thằng chết tiệt? – Prokho chờ một lát rồi nhắc lại câu hỏi – Trung đoàn nào đấy, các đồng chí?

– Bokovsky.

Prokho muốn đứng dậy, song những mạch máu trong đầu hắn cứ giật thình thịch, trong họng lờm lợm buồn nôn. Hắn bèn nằm yên một lát rồi lại thiếp đi. Lúc trời sắp rạng, gió từ sông Đông đưa vào vừa ẩm vừa lạnh.

– Đã chết chưa? – Trong lúc mơ màng, hắn nghe thấy phía trên có tiếng người nói.

– Vẫn còn ấm… nhưng say bí tỉ! – Một người nào đó trả lời ngay bên tai Prokho.

– Lôi mẹ nó ra chỗ khác! Nằm thẳng cẳng như một cái xác chết ấy! Nhưng thôi, cậu hãy cho nó một cái vào ngực?

Một tên cưỡi ngựa lấy cán giáo thúc vào sườn Prokho một cái rất đau trong lúc hắn còn chưa tỉnh. Có những bàn tay không biết của ai cào vào chân hắn, kéo hắn xềnh xệch sang bên cạnh.

– Lôi hết xe cộ đi! Chúng nó ngủ như chết cả! Kiếm được một lúc như thế nầy mà ngủ với ngáy? Bọn Đỏ đánh đến đít rồi mà còn ngủ, làm như ở nhà không bằng! Đẩy hết xe cộ sang bên cạnh, đại đội pháo sắp qua đây rồi! Quàng quàng lên! Chúng nó chặn hết cả lối đi! Chà cái quâ- â- ân nầy! – Một giọng hách dịch gầm lên.

Những người dân chạy nạn đang ngủ trên các xe và dưới gầm xe bắt đầu cựa quậy. Prokho đứng chồm lên. Trên người hắn chẳng còn gươm súng gì nữa, cả chiếc ủng bên chân phải cũng đã biến đâu mất, tất cả đều do hắn tự tìm cách quẳng bớt sau bữa rượu bí tỉ hôm qua.

Hắn ngơ ngác nhìn quanh, định tìm dưới gầm xe, song những gã giữ ngựa và pháo thủ của đại đội pháo vừa kéo tới đã nhảy trên ngựa xuống, thẳng tay lật đổ chiếc xe cùng với tất cả các hòm xiểng chất trên đó, và chỉ nháy mắt đã dọn xong đường cho khẩu pháo tiến qua.

– Ti- i- ến!

Những tên giữ ngựa đã lại lên yên. Những đoạn dây thắng khâu rất rộng bị kéo thẳng căng rung lên. Những bánh xe rất cao của khẩu pháo có lồng áo ngoài vấp lạch xạch ở những chỗ ổ gà. Cái trục của một hòm đạn pháo vướng vào một cái gọng xe, làm gãy cả cái gọng xe.

– Bỏ mặt trận phải không? Lính với tráng, mẹ chúng mày chứ! – Lão già ồm ồm giọng mũi uống rượu tối qua với Prokho quát to từ trên xe.

Bọn lính pháo binh đang vội tiến ra chỗ vượt sông cứ lặng thinh đi qua. Prokho mò mẫm trong cảnh tranh tối tranh sáng lúc trời sắp rạng, cố tìm khẩu súng trường và con ngựa. Nhưng hắn chẳng thấy đâu cả. Ra tới gần một chiếc thuyền nhỏ, hắn tháo nốt chiếc ủng còn lại, quẳng xuống sông rồi nhúng rất lâu cái đầu đau ê ẩm như bị đánh đai sắt xuống nước.

Mặt trời vừa ló thì kỵ binh bắt đầu vượt sông. Bọn Cô- dắc xuống ngựa, dồn một trăm năm mươi con ngựa đã tháo yên cương của đại đội Một xuống sông Đông, hơi phía trên chỗ khuỷu sông, nơi con sông rẽ ngoặt về phía đông thành một góc vuông. Tên đại đội trưởng có bộ râu chổi sể đỏ như râu ngô mọc rậm rì lên tới mắt và cái mũi quặp Tướng mạo hắn hung dữ, nom giống con lợn lòi một cách lạ lùng. Tay trái hắn được đeo lên cổ bằng những sợi băng bẩn thỉu đầy máu, tay phải luôn luôn quất quất chiếc roi ngựa.

– Không được cho ngựa uống nước! Đuổi đi! Đuổi chúng nó xuống nước đi! Mà tại sao mầy… mẹ… mẹ… mẹ mầy chứ, mày sợ nước à? Lội ngay xuống! Con ngựa của mầy không phải là bằng đường nó không thấm nước đâu! – Hắn quát bọn Cô- dắc đang xua những con ngựa xuống nước, những cái răng nhọn hoắt của hắn nhe cả ra dưới hàng ria đỏ lòm.

Những con ngựa cứ rúc vào nhau thành một đám, không muốn lội xuống nước lạnh. Bọn Cô- dắc vừa quát tháo vừa cầm roi quất tới tấp. Con ngựa đầu tiên bơi ra khỏi bờ là một con ngựa huyền mũi trắng, trên trán có ngôi sao màu hồng rất lớn. Xem ra nó bơi lần nầy không phải là lần đầu. Hai cái mông xuôi của nó chìm xuống nước, cái đuôi to sợi ngoặt sang một bên, nhưng cổ và lưng đều nhô lên khỏi mặt nước. Những con khác đều rẽ dòng nước ùa theo nó, rồi vừa kêu hồng hộc thở phì phì, vừa bơi trong làn nước sủi ngầu. Bọn Cô- dắc sang theo trên sáu chiếc thuyền. Một trong những tên đi theo đàn ngựa đứng trên mũi một cái thuyền, lăm lăm trong tay một cái dây thòng lọng, để phòng có chuyện gì xảy ra.

– Đừng sang thẳng? Cho bơi chếch ngược dòng nước! Đừng để bị dòng nước cuốn đi.

Cái roi trong tay tên đại đội trưởng lại hoạt động. Nó vẽ một vòng tròn, quật đánh đét xuống một bên ống ủng bê bết những vôi.

Dòng nước chảy xối cuốn đàn ngựa đi. Con ngựa huyền bơi dễ dàng phía trước những con khác, bứt xa tới hai thân ngựa. Nó là con đầu tiên leo lên bãi cát ở bờ bên trái. Trong khi đó mặt trời đã ló ra sau những cành hắc dương lồm xồm, ánh sáng hồng hồng dội xuống con ngựa huyền làm bộ lông đẫm nước bóng nhoáng sáng bừng lên trong giây lát như một đám lửa đen cháy rực:

– Chú ý con ngựa cái của Mrykhin? Giúp nó với! Đeo dây mõm vào cho nó. Nhưng chèo đi chứ! Chèo mạnh lên! – Tên đại đội trưởng tướng lợn lòi quát lên giọng khàn khàn.

Đàn ngựa đã bơi qua sông được an toàn. Bọn Cô- dắc đã chờ sẵn ở bờ bên kia. Chúng tìm nhận ngựa, mắc dây hàm thiếc. Những chiếc yên bắt đầu được chở từ bờ bên nầy sang.

– Hôm qua cháy ở đâu thế? – Prokho hỏi một gã Cô- dắc đang khiêng một cái yên ngựa lên thuyền.

– Dọc theo sông Tria.

– Cháy vì đạn pháo à?

– Đạn với điếc gì? – Gã Cô- dắc trả lời, giọng đau khổ. Bọn Đỏ đốt đấy.

– Đốt tất cả à? – Prokho kinh ngạc hỏi.

– Khô- ô- ông đâu… Chúng nó chỉ đốt nhà của những kẻ có của, những nhà mái tôn hay những cơ ngơi bề thế thôi.

– Đã có những thôn nào bị cháy rồi?

– Từ Vitlôguzov đến Grachev.

– Thế sư đoàn bộ sư đoàn Một, cậu có biết hiện giờ ở đâu không?

– Ở Trukarinsky.

Prokho quay về chỗ đoàn xe của dân chạy loạn. Khu vực nghỉ tạm ngoài trời kéo dài liên miên, chỗ nào cũng thấy gió thổi tạt những làn khói đắng hắc bốc mù mịt trên những đống củi đốt bằng cành khô, bằng hàng rào bị phá, bằng phân bò, ngựa khô: cánh đàn bà đang sửa soạn bữa sáng.

Ban đêm còn đến thêm vài ngàn dân chạy loạn từ dải đồng cỏ bên hữu ngạn. Tiếng người nói nghe rào rào như ong vỡ tổ quanh những đống lửa và trên những chiếc xe lớn nhỏ:

– Không biết bao giờ mới đến lượt mình được qua sông nhỉ?

– Chao ôi, chờ đợi mãi sốt cả ruột!

Lạy Chúa cứ trừng phạt tôi, tôi sẽ đổ thóc xuống sông Đông cho khỏi lọt vào tay bọn Đỏ!

– Ở bến phà những người là người, cứ như một đám mây đen!

– Em yêu của anh, chúng mình làm thế nào mà ném hòm xiểng ở lại trên bờ được?

– Cứ dành dụm mãi đi, cứ dành dụm mãi đi… Lạy Chúa tôi, cứu tinh của chúng tôi!

– Đáng là phải qua sông ngay ở thôn nhà…

– Chao ôi, mất bao nhiêu hơi sức mới đến được cái trấn Vosenskaia nầy!

– Nghe nói Kalinov Ugol đã bị đốt quang.

– Vốn chỉ mong mò được tới bến phà…

– Thôi đi, nếu không chúng nó sẽ tha chết cho phải không?

– Bên chúng nó đã có lệnh: chém chết hết dân Cô- dắc từ đứa trẻ sáu tuổi đến những người già nhất.

– Nếu chúng nó tóm được bà con ta ở bờ bên nầy… Nếu thế thì sao nhỉ?

– Thịt đây tha hồ mà băm!

Một lão già lông mày bạc phơ, thân hình cân đối, đang phô tài hùng biện bên chiếc xe bốn bánh sơn lòe loẹt kiểu Tavria. Cứ nhìn vẻ người và dáng điệu oai vệ của lão thì có thể nhận ra một tên ataman thôn đã từng giữ nhiều năm cái gậy ataman bịt đồng.

– Tôi hỏi: “Chẳng nhẽ để mọi người đều phải bỏ mạng trên bờ hay sao? Vậy thì bao giờ chúng tôi mới có thể đem nồi niêu quần áo sang bên kia sông được? Phải biết rằng bọn Đỏ sẽ chém chết hết chúng tôi đấy!” Nhưng vị quan lớn ấy đã bảo tôi: “Bố già ạ, bố đừng lo! Nhân dân còn chưa sang sông hết thì chúng tôi còn giữ vững trận địa để bảo vệ nhân dân. Chúng tôi thà bỏ xác ở đây chứ không chịu để vợ con, bố mẹ già bị giết hại đâu!”

Những lão già và những người đàn bà đứng vây quanh lão ataman lông mày bạc. Họ hết sức lắng nghe lão nói rồi cùng nhao nhao kêu lên:

– Thế thì tại sao đại đội pháo lại chuồn đi!

– Chúng nó phóng như bay ra chỗ qua sông, thiếu chút nữa thì chẹt chết người ta!

– Cả kỵ binh cũng đã kéo đến rồi…

– Nghe nói Grigori Melekhov đã bỏ mặt trận.

– Như thế nầy thì còn ra quy củ gì nữa? Bỏ mặc nhân dân ở lại, còn bản thân chúng nó?

– Quân đội lại rút đi trước!

– Lấy ai bảo vệ chúng ta bây giờ?

– Cứ xem đấy, kỵ binh đã bơi qua sông rồi?

– Anh nào cũng chỉ biết lo cho cái thân xác của mình…

– Đúng là như thế đấy!

– Mọi người chung quanh đều đã phản bội chúng ta?

– Mất mạng đến nơi rồi, còn gì nữa!

– Phải cử vài cụ bô lão đem bánh mì và muối 2 đến chỗ bọn Đỏ. May ra chúng nó sẽ tha chết, không đem ra hành hình.

Một gã kỵ binh bỗng xuất hiện ở lối vào ngõ, ngay cạnh ngôi nhà gạch đồ sộ của bệnh viện. Khẩu súng trường của gã đeo trên mũi yên, cái cán giáo sơn xanh lá cây lắc lư bên cạnh sườn gã.

– Nhưng thằng Mikiska nhà tôi đây mà? – Một người đàn bà đầu trần, đã có tuổi, sung sướng kêu rên.

– Có báo cáo lên tổng tư lệnh đây! Bà con tránh cho tôi đi!

– Mikiska! Con yêu của mẹ! Người đàn bà có tuổi kêu lên, giọng xúc động. Làn tóc đen lẫn những món hoa râm loã xoã trước khuôn mặt hân hoan. Bà áp sát người vào bàn đạp, vào con ngựa đầm đìa mồ hôi, hỏi với nụ cười run run tên môi. Bà già nhảy qua những gọng xe, chạy len qua những chiếc xe và những con ngựa, đến trước mặt gã cưỡi ngựa. Người ta nắm lấy bàn đạp giữ gã lại. Gã giơ một chiếc phong bì màu xám có đóng dấu xi lên khỏi đầu, kêu lên:

– Mầy có về thôn nhà chứ?

– Có về.

– Bây giờ bọn Đỏ đang ở đấy rồi…

– Nhà ta thì sao?

– Nhà ta vẫn còn nguyên. Nhưng nhà Fedortov bị đốt rồi. Gian nhà kho của nhà ta bắt lửa, nhưng chính chúng nó đã đến dập tắt.

Con Fechixka ở trong ấy chạy ra kể lại rằng thằng quan của bọn Đỏ có bảo: “Không được để cháy một căn nhà nào của người nghèo, nhưng nhà của bọn tư sản thì đốt hết đi”.

– Chao ôi, thật nhờ ơn Chúa! Cầu Chúa cứu thế gia ơn cho họ? – Người đàn bà làm dấu phép.

Một lão già có vẻ mặt nghiêm khắc nói giọng phẫn nộ:

– Sao bà lại thế nhỉ, bà mẹ thân mến? Chúng nó đốt nhà láng giềng mà bà lại còn “thật nhờ ơn Chúa” à?

– Quỷ dữ bắt họ di. – Người đàn nói rất nhanh, giọng sôi nổi. – Họ còn có thể xây được nhà khác. Còn như nhà tôi mà bị chúng nó đốt thì còn lấy quái gì mà dựng lại được nữa? Lão Fedot, nhà lão có chôn một hũ vàng, còn tôi… tôi thì quanh năm suốt đời đi làm mướn cho người ta, ăn bữa hôm lo bữa mai.

– Thôi buông ra, mẹ! Con có công văn, còn phải vội. – Gã cưỡi ngựa khom người trên yên, van mẹ gã.

Bà mẹ đi bên cạnh con ngựa, vừa đi vừa hôn bàn tay rám nắng đến đen sạm của thằng con trai, rồi chạy về chiếc xe của bà, còn gã cưỡi ngựa kia thì lại gào lên bằng một giọng nam cao rất trẻ:

– Tránh ra nào! Có công văn đến tổng tư lệnh đây! Bà con tránh ra nào!

Con ngựa của gã hăng máu, ngoáy mông loạn xạ, vừa đi vừa nhảy. Dân chúng miễn cưỡng tránh sang hai bên. Gã cưỡi ngựa có vẻ như chỉ tiến được rất chậm, nhưng chẳng mấy chốc gã đã bị lấp sau những chiếc xe, sau những cái lưng bò lưng ngựa, chỉ còn trông thấy ngọn giáo lắc lư bên trên rừng người, mỗi lúc một ra gần bờ sông.

— —— —— —— ——-

1 Petlikura (1877 – 1926). Tên đầu sỏ phản cách mạng của vùng Ukraina trong thời kỳ nội chiến. Vốn là một phần tử xã hội dân chủ, chống Chính quyền Xô viết, được đồng minh và đế quốc Đức giúp đỡ. Năm 1920, trực tiếp giúp đế quốc Ba Lan đánh Ukraina. Sau trốn sang Paris rồi bị một phần tử dân tộc chủ nghĩa Do- thái ám sát (ND).

2 Đem bánh mì và muối đến để bày tỏ ý muốn hoà bình hoặc quy thuận (ND).

Chọn tập
Bình luận