Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 103

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Hôm sau Grigori thức giấc sau tất cả nhà. Mấy con chim sẻ ríu rít ầm ĩ như đang mùa xuân dưới hàng hiên và bên ngoài mấy khung cửa sổ đã đánh thức chàng. Những hạt bụi vàng óng vằn lên trong các tia nắng chiếu xuyên qua các khe cửa chớp. Tiếng chuông gọi nguyện kinh sáng đã vang lên dóng dả. Grigori chợt nhớ rằng hôm nay là ngày chủ nhật. Natalia không còn nằm bên cạnh chàng nữa, nhưng cái đệm lông chim vẫn còn lưu chút hơi ấm của cơ thể nàng. Có lẽ nàng vừa dậy chưa được bao lâu.

– Nataska! – Grigori gọi.

Dunhiaska bước vào.

– Anh cần gì thế, anh yêu của em?

– Mở hộ anh cái cửa sổ và gọi chị Natalia vào cho anh. Chị ấy đang làm gì đấy?

– Đang làm bếp với mẹ, chị ấy sẽ vào ngay.

Natalia bước vào, bóng tối làm nàng nhăn mặt.

– Anh dậy rồi à?

Bàn tay nàng còn nặc mùi bột bánh mới. Vẫn nằm trên giường, Grigori ôm lấy vợ. Chàng nhớ lại những chuyện đêm qua, bật cười.

– Em ngủ được chứ?

– Chà! Mệt chết đi được… – Nàng đỏ mặt mỉm cười và rúc đầu vào bộ ngực lông lá của Grigori.

Nàng giúp Grigori băng lại vết thương, rồi lấy trong chiếc rương ra một cái quần đi ngựa mặc ngày hội và hỏi:

– Anh mặc áo quân phục và đeo huân chương nhé?

– Thôi đi! – Grigori khoát tay có vẻ sợ hãi.

Nhưng Natalia nhất định không chịu thôi, vẫn cố nài:

– Đeo vào đi anh? Cha sẽ thích lắm đấy! Anh làm sao thế, có huân chương mà cũng như không, cứ quẳng dưới đáy hòm mãi hay sao?

Thấy vợ nói đi nói lại mãi, Grigori đành phải nghe theo. Chàng đứng dậy, mượn con dao cạo của Petro, cạo râu xong, lau mặt và cổ.

– Mày đã cạo gáy chưa? – Petro hỏi.

– Ồ mẹ khỉ, quên khuấy đi mất.

– Thôi ngồi xuống, tao cạo cho.

Nước xà phòng lạnh quá, bôi vào cổ rát như phải bỏng. Grigori nhìn trong cái gương, thấy Petro vừa đưa lưỡi dao vừa thè đầu lưỡi ra một bên mép như con nít…

– Cổ mày gầy nhom như cổ con bò sau một vụ cày ấy. – Petro mỉm cười.

– Đúng thế đấy, ăn cơm Nhà nước thì làm thế nào mà trơn lông đỏ da được.

Grigori mặc cái áo quân phục đính lon thiếu uý, huân chương đầy ngực. Đến khi chàng soi cái gương đẫm hơi nước thì gần như không nhận được ra mình nữa: một sĩ quan vừa cao vừa gầy, đen như một gã Digan đang nhìn người anh em sinh đôi của anh ta.

– Nom mày cứ như một ông đại tá ấy. – Petro đứng ngắm em, nhận xét một cách sung sướng và không có chút gì ghen tị.

Tuy Grigori không muốn, nhưng câu nói ấy vẫn làm chàng nở từng khúc ruột. Chàng bước vào bếp. Cặp mắt thán phục của Daria cứ dính lấy người chàng. Dunhiaska ngạc nhiên kêu lên:

– Chà, sao nom anh sang trọng thế!

Ngay lúc nầy, bà Ilinhitna cũng không cầm nổi nước mắt. Bà đưa chiếc tạp dề nhớp nhúa lên lau mặt rồi trả lời câu nói đùa của Dunhiaska.

– Nầy con bé lắm mồm kia, mày hãy đẻ được những đứa như thế nầy cho tao xem! Ít nhất hãy cố lấy hai thằng con trai, mà đứa nào cũng làm ăn nên người cả!

Hai con mắt đắm đuối, bừng bừng sôi nổi và đẫm lệ của Natalia không rời khỏi chồng một lúc nào.

Grigori khoác áo ca- pôt lên vai rồi bước ra sân gia súc. Bên chân đau đi rất vướng, chàng bước trên thềm xuống khó quá, phải tì tay vào lan can, bụng bảo dạ: “Không chống nạng thì đừng hòng đi được” Ở Minlerovo người ta đã rạch lấy viên đạn ra cho chàng. Một đám thịt nâu nâu đã lồi lên ở chỗ vết thương, và chính chỗ thịt nầy làm da bị căng, nên chàng vướng không thể tuỳ ý co chân được.

Một con mèo đang sưởi nắng trên bức tường đất đắp quanh sân. Ngay cạnh thềm, một đám tuyết bị nắng chiếu vào tan ra, để lại một vũng nước lênh láng. Grigori sung sướng nhìn chăm chú khắp sân.

Ngay sát thềm có trồng một cái cột, bên trên cột lắp một cái bánh xe. Grigori nhớ rằng từ hồi chàng còn nhỏ, cái bánh xe đã được lắp lên cho các bà phụ nữ dùng: ban đêm, không cần bước xuống thềm cũng có thề đặt các vò sữa lên đấy, ban ngày có thể dùng nó làm chỗ phơi bát đĩa, hoặc lợi dụng nắng hâm chảy các bình bơ. Nhưng trong sân cũng có vài điều thay đổi đập vào mắt chàng. Thay cho lớp sơn đã phai, trên cửa nhà kho có trát đất sét vàng. Mái nhà kho mới được lợp lại lợp rơm đại mạch còn chưa ngả sang màu nâu. Đống gỗ tròn dựng đứng có vẻ nhỏ đi, chắc hẳn một phần đã được đem dùng để chữa lại cái hàng rào. Một lớp tro xám phủ lên đống đất cao gồ như cái bướu trên nắp hầm chứa. Một con gà trống đen như con quạ co một chân đứng trên đó như bị lạnh, chung quanh có khoảng một chục con gà mái hoa dành lại làm giống. Để tránh những ngày mưa rét mùa đông, các nông cụ trong nhà đã được cất dưới mái nhà kho: khung chiếc xe bò được đặt đứng chỏng gọng, một bộ phận bằng kim khí của chiếc máy gặt sáng rực lên dưới dé nắng lọt xuống từ vết nứt trên mái. Vài con ngỗng nằm trên đống phân khô bên cạnh tàu ngựa. Một con ngỗng Hà Lan mào to kếch xù thấy Grigori khập khiễng bèn lên mặt hóm hỉnh lườm chàng một cái.

Grigori đi thăm tất cả cơ ngơi một lượt rồi đi vào trong nhà.

Từ trong bếp, mùi bơ nấu chảy ra và mùi bánh mì nướng đã nóng đưa ra ngòn ngọt. Dunhiaska đang rửa vài quả táo ngâm trong cái đĩa hoa. Nhìn thấy táo ngâm, Grigori cao hứng hỏi luôn:

– Có dưa hấu muối không nhỉ?

– Ra lấy dưa hấu muối đi con, Natalia – Bà Ilinhitna gọi to.

Ông Panteley Prokofievich đi lễ nhà thờ về. Ông chia cái bánh thánh làm chín miếng cho đủ số người trong gia đình rồi đặt lên từng chỗ quanh bàn ăn. Mọi người ngồi vào ăn sáng. Petro ngồi bên cạnh Grigori, anh chàng cũng ăn mặc rất diện, cả bộ ria cũng bôi bóng nhẫy không biết bằng chất gì. Daria ngồi trước mặt hai anh em trên một chiếc ghế đẩu. Một dé ánh nắng dọi ngay vào mặt chị chàng, khuôn mặt hồng hào bôi nhẫy mỡ, Daria nheo mắt lại một cách khó chịu và hạ thấp hai hàng lông mày hình vòng cung đen bóng dưới ánh mặt trời. Natalia cho hai con ăn bí ngô bung. Chốc chốc nàng lại mỉm cười đưa mắt nhìn Grigori. Dunhiaska ngồi bên cạnh bố. Bà Ilinhitna ngồi ở góc bàn, gần bếp lò.

Cũng như trong tất cả các ngày lễ, mọi người ăn uống phè phỡn, no đến kễnh bụng. Đĩa mì sợi được đưa ra tiếp theo món súp rau cải nấu với thịt cừu, rồi lại thịt cừu nướng, thịt gà, giăm bông cừu, khoai tây rán, cháo lúa mạch có bơ, mứt anh đào, bánh tráng ăn với kem sữa, dưa hấu muối. Grigori ăn đến chướng bụng, chàng nặng nề đứng dậy, lảo đảo làm dấu phép, rồi thở như kẽo bễ, lăn kềnh ra giường. Ông Panteley Prokofievich vẫn còn đánh vật với món cháo đặc: ông dùng cùi dìa nén chặt cháo xuống, ngoáy ở giữa thành một cái lỗ sâu (thường gọi là cái giếng), đổ vào đấy ít bơ mầu hổ phách rồi mới dùng cùi dìa múc rất cẩn thận món cháo đầy bơ ấy lên ăn.

Petro đang cho thằng Misatca ăn. Hắn vốn tính yêu trẻ nên vừa cho thằng cháu ăn vừa bôi sữa chua đầy mặt đầy mũi nó.

– Bác đừng có nghịch bậy!

– Gì thế?

– Sao bác lại bôi bẩn cháu?

– Gì thế?

– Cháu mách mẹ cháu cho mà xem?

– Gì thế?

Thằng Misatca ức quá trợn mắt lên, hai con mắt còn nhỏ xíu mà đã có cái vẻ lừ lừ của nhà Melekhov, vài giọt nước mắt bực bội rung rung trên hai hàng mi. Nó thấy nói nhẹ không xong bèn vừa đưa nắm tay lên quệt mũi vừa kêu tướng lên:

– Đừng bôi thế nữa! Bác ngu thế? Bác bậy thế?

Petro khoái trá cười ha hả rồi lại cho thằng cháu ăn tiếp: một cùi dìa vào miệng, một cùi dìa lên mũi.

– Cái thằng đến là trẻ con… Chỉ được cái nghịch tinh, – bà Ilinhitna làu bàu.

Dunhiaska đến ngồi cạnh Grigori và kể:

– Anh Petro ấy đến là dại, lúc nào không nghĩ ra được một trò gì là không xong. Hôm nọ anh ấy dắt thằng Misatca ra sân. Thằng bé muốn đi ngoài bèn hỏi: “Bác ơi bác, ị bên thềm có được không hả bác?” Anh Petro bảo: “Không được đâu. Phải ra xa một chút mà ị, Thằng Misatca chạy được vài bước lại hỏi: “Ở đây nhá?” – “Không, không đâu. Ra nhà thóc kia kìa”. Rồi anh ấy bắt nó chạy từ nhà thóc ra chuồng ngựa, từ chuồng ngựa vào sân đập lúa. Thằng bé phải chạy mãi, chạy mãi chạy đến bĩnh ra quần mới thôi… Đến chị Natalia cũng phải nói cho một trận.

– Bác đưa đây, cháu ăn lấy! Giọng thằng Misatca lanh lảnh như tiếng chuông của người đưa thư.

Petro không nghe, hai hàng ria rung rung nom đến là buồn cười:

– Không được đâu, thằng bé nầy! Để bác cho mày ăn.

– Cháu ăn lấy!

– Trong chuồng nhà ta có cả lợn đực lẫn lợn cái, mày có thấy không? Ngay đến lợn cũng phải có bà, mẹ, bác gái hay cô đổ nước gạo cho ăn cơ mà 1!

Grigori vừa cuốn điếu thuốc vừa mỉm cười lắng nghe hai bác cháu nói chuyện với nhau. Ông Panteley Prokofievich bước tới.

– Hôm nay tao định đi Vosenskaia đây.

– Cha lên đó làm gì thế?

Ông Panteley Prokofievich ợ lên đầy mùi mứt anh đào, vuốt vuốt chòm râu.

– Có chút việc cần phải lên đấy tới chỗ thằng sửa chữa yên cương. Hôm nọ có đưa sửa hai cái cổ ngựa.

– Cha về ngay hôm nay chứ?

– Không về thì ở lại làm gì? Tao sẽ về trước khi trời tối.

Ông nghĩ ngợi một lát, thắng con ngựa cái già vừa bị quáng mắt năm nay vào chiếc xe trượt tuyết to, rồi lên đường. Con đường chạy qua đồng cỏ. Hai tiếng đồng hồ sau ông đã tới Vosenskaia. Ông ghé qua nhà dây thép, đến lấy hai chiếc cổ ngựa rồi tạt vào nhà một người bạn nối khố. Người nầy có một đứa con được ông đỡ đầu, nhà ở gần toà nhà thờ mới. Vốn tính mến khách, chủ nhà mời ông ở lại ăn trưa.

– Bác qua nhà dây thép rồi chứ? – Người đó vừa hỏi vừa rót không biết chất nước gì vào một cái ly.

– Có – Ông Panteley Prokofievich kéo dài giọng trả lời, cặp mắt hau háu nhìn mãi cái bình nhỏ, vẻ vừa ngạc nhiên vừa âu yếm, mũi hít hít như con chó săn theo vết chân thú.

– Thế bác không nghe thấy có tin gì mới à?

– Tin mới ấy à? Chẳng nghe thấy gì cả. Nhưng có chuyện gì thế bác?

– Ông Kaledin, ông Aleksey Maximovich ấy, đã về chầu Chúa rồi.

– Bác nói gì vậy?

Mặt ông Panteley Prokofievich tái nhợt đi. Ông quên mất cả cái bình khả nghi lẫn cái mùi ngửi thấy, cứ mặc cho người rủn xuống lưng ghế. Chủ nhà nói tiếp, mặt nhăn như bị, hai con mắt hấp háy:

– Điện tín truyền đi là hôm kia ông ấy đã tự tử bằng súng ở Novocherkask. Khắp Quân khu chỉ được một mình ông ấy là một vị tướng có uy tín. Đã từng được thưởng huân chương, lại chỉ huy cả một tập đoàn quân. Mà là một con người có tâm huyết biết bao! Ông ấy còn sống thì quyết không để cho đồng bào Cô- dắc bị bắt nạt đâu.

– Thôi ông bạn đỡ đầu ơi! Bây giờ rồi sẽ ra sao đấy! – Ông Panteley Prokofievich hoảng hốt đẩy ly rượu ra và hỏi.

– Có trời biết được. Sắp đến lúc sống cực sống nhọc rồi đây. Có lẽ nếu được sống một cuộc đời sung sướng thì con người nào lại tự bắn một viên đạn vào mình?

– Vì sao ông ấy lại làm như thế nhỉ?

Người bạn đỡ đầu của ông Panteley Prokofievich là một người Cô- dắc vai u thịt bắp, vẻ như dân cựu giáo. Hắn khoát tay một cách bực bội.

– Bọn ở ngoài mặt trận về bỏ ông ta, mở cửa cho tụi Bolsevich tiến vào quân khu, vì thế ông ataman nhà ta phải bỏ đi thôi. Tìm đâu ra những con người như thế bây giờ? Lấy ai bảo vệ bà con ta bây giờ? Ở Kamenskaia đã thành lập một cái “Uẩy” ban quân sự cách mạng gì đó, có những thằng Cô- dắc ở ngoài mặt trận về tham gia… Thế là ở vùng chúng ta… có lẽ bác đã nghe tin rồi chứ? Đã có lệnh của chúng nó: đánh đổ các ataman và bầu ra các “uẩy” ban quân sự cách mạng ấy. Thế là bọn mu- gích đã ngóc đầu lên rồi. Tất cả những thằng thợ mộc, thợ rèn, thợ da linh tinh lang tang ấy, chúng nó nhung nhúc ở Vosenskaia quá muỗi ngoài đồng.

Ông Panteley Prokofievich gục cái đầu hoa râm xuống bàn, ngồi lặng đi giờ lâu. Đến khi ông ngửng đầu lên thì cặp mắt nom vừa nghiêm khắc vừa dữ tợn.

– Trong cái bình của bác có gì thế?

– Rượu nặng đấy. Được thằng cháu gọi bằng chú đem ở Kavkaz về cho.

– Nào thôi, ông bạn đỡ đầu ơi, chúng ta hãy uống vài ly để tưởng nhớ ông Kaledin, ông ataman vừa quá cố của chúng ta. Cầu cho ông ấy được hưởng phúc nơi thiên đàng.

Hai người uống cạn một ly rượu. Con gái chủ nhà, một cô cao lênh khênh, mặt đầy tàn nhang, đem đồ nhắm ra. Đầu tiên ông Panteley Prokofievich còn đưa mắt nhìn con ngựa gục đầu đứng ủ rũ bên cạnh chiếc xe trượt tuyết của chủ nhà, nhưng ông bạn đỡ đầu của ông đã nói cho ông yên tâm:

– Bác chớ bận tâm về chuyện ngựa nghẽo làm gì. Tôi sẽ bảo cho ăn uống đầy đủ.

Chẳng mấy chốc câu chuyện sôi nổi và bình rượu đã làm ông quên cả con ngựa lẫn mọi chuyện trên đời. Ông kể không đầu không đũa về Grigori rồi lại tranh cãi không biết về chuyện gì với ông bạn đỡ đầu lúc nầy đã chếnh choáng hơi men, cãi xong cũng chẳng nhớ là mình vừa nói gì nữa. Đến lúc trời sắp về chiều ông mới nhớ ra.

Chủ nhà ba lần bảy lượt mời ông ở lại nghỉ đêm, nhưng ông vẫn khăng khăng đòi về. Con trai người chủ nhà thắng ngựa vào xe cho ông, còn ông bạn đỡ đầu thì giúp ông ngồi lên xe. Bác ta muốn tiễn khách một chặng đường. Hai người ôm lấy nhau nằm trên cái thùng xe rỗng không có chỗ ngồi. Chiếc xe trượt tuyết vấp ngay một cái gì ở cổng, rồi cứ đến một chỗ ngoặt là lại vấp lại vướng, cho tới khi chạy ra đồng cỏ mới thôi. Đến đây thì ông bạn đỡ đầu oà lên khóc và tự ý lăn từ trên xe xuống. Bác ta nằm còng queo rất lâu như một con tôm, chửi rầm lên, nhưng không làm thế nào đứng dậy được.

Ông Panteley Prokofievich thì cứ mắm môi mắm lợi đánh cho ngựa chạy nước kiệu mà không thấy rằng ông bạn đưa tiễn mình còn lổm ngổm trên tuyết, mũi rúc cả xuống tuyết, cuối cùng phá lên cười khà khà ra vẻ sung sướng lắm, vừa cười vừa van bằng một giọng khàn khàn:

– Đừng cù nữa! Đừng cù nữa kìa, tôi… van… rồi mà!

Sau khi ăn mấy chập roi, con ngựa cái của ông Panteley Prokofievich bắt đầu chạy một nước kiệu nhanh nhưng chập chững, nước kiệu của những con ngựa loà. Chẳng mấy chốc chủ nó buồn ngủ rũ ra vì hơi men, đã ngật đầu ra thành xe, nằm im như thóc. Trời run đất rủi thế nào ông lại nằm đè lên dây cương. Con ngựa không còn ai điều khiển, giúp đỡ nữa, chuyển sang lững thững bước một.

Đến ngã ba đầu tiên nó lấn cấn nhầm đường, chạy về phía thôn Tiểu Kromtronoc. Vài phút sau nó cũng rời khỏi nốt con đường nầy, đi quàng sang một vùng đất hoang không có đường lối gì cả rồi đâm đầu vào một khoảng tuyết rất dày bên lề rừng. Nó thở phì phì, đi xuống một cái khe nhỏ. Chiếc xe vướng phải một bụi rậm, đứng sững lại. Ông Panteley Prokofievich bị lắc mạnh, bừng tỉnh trong một giây. Ông ngóc đầu dậy, quát lên bằng một giọng khàn khàn:

– Đi, đồ quỷ dữ. – Quát xong lại nằm dúi xuống.

Con ngựa đi vòng qua khu rừng được bình an vô sự. Nó kéo chiếc xe xuống dốc ra sông Đông một cách yên ổn, rồi nhờ có làn gió đưa mùi khói phân khô từ đằng đông lại, cứ nhắm hướng thôn Semenovskaia mà tiến.

Cách thôn đó nửa vec- xta, trên bờ bên trái sông Đông có một cái rãnh sâu. Mùa xuân, mỗi khi tuyết tan, nước lũ lại dồn vào đấy. Gần cái rãnh có những dòng nước ngầm từ trong bờ cát chảy xối ra nên suốt mùa đông ở chỗ nầy không đóng băng, tạo thành một khoảng nước giữa mặt băng rộng, hình bán nguyệt màu xanh lá cây. Vì thế con đường dọc theo sông Đông phải rẽ ngoặt sang bên cạnh để tránh cho xa. Mùa xuân, khi nước tuyết tan chảy ào qua cái rãnh quay trở lại sông Đông thành một luồng rất mạnh, thì ở đấy hình thành một cái xoáy nước luôn luôn gầm réo với nhiều dòng đan quyện lấy nhau chảy xối xuống tận đáy. Suốt mùa hạ, những con cá chép ở sâu hàng mấy xa- gien thường mon men tới đám củi đều rơi từ trên bờ xuống gần cái rãnh.

Với bước chân chập chững mù loà của nó, con ngựa cái nhà Melekhov đã bước đúng tới mép bên trái của khoảng nước không kết băng ấy. Chỉ còn cách chừng hai chục xa- gien thì ông Panteley Prokofievich trở mình, hơi hé mắt ra. Từ trên bầu trời đen kịt, những ngôi sao vàng vàng xanh xanh ngó mắt xuống nom cứ như những quả anh đào chưa chín hẳn. “Êm rồi”, ông Panteley Prokofievich thoáng có ý nghĩ mung lung như thế và giật mạnh dây cương:

– Nào, na- a- ào? Ông lại quật cho bây giờ, đồ mù loà vô dụng!

Con ngựa chuyển sang nước kiệu. Mùi nước ngay gần đấy đập vào mũi nó. Nó vểnh thẳng hai tai, hơi liếc về phía chủ hai con mắt mù loà đầy vẻ nghi ngại. Đột nhiên có tiếng nước vỗ vẳng đến tai nó. Nó thở phì phì rất nhanh, quay ngoắt sang bên, chạy lùi lại, nhưng khoảng băng dưới chân nó bị dòng nước mài mỏng đi khẽ kêu răng rắc rồi sụt xuống cùng với lớp tuyết mỏng bên trên. Con ngựa hết hồn hết vía hí một tràng. Nó cố đứng vững trên hai chân sau, nhưng hai chân trước đã thụt xuống nước. Chỗ băng bị hai chân sau đạp xuổng cũng nát vụn dần và bắt đầu lạo xạo giãn ra. Hố nước nuốt dần con ngựa. Một bên chân sau của nó giật giật như bị chuột rút, đạp vào càng xe. Nghe thấy tiếng đống báo trước chuyện chẳng lành, ông Panteley Prokofievich nhảy phắt trên xe xuống trong nháy mắt, lăn về phía sau. Ông nhìn thấy chiếc xe bị sức nặng của con ngựa kéo theo, dựng đứng lên, lật ngược cả hai đòn trượt nhấp nhoáng dưới ánh sao, rồi ăn thun thút xuống cái vực xanh đen. Làn nước lổn nhổn những mảnh băng khẽ kêu lóc óc, sóng vỗ tới sát chỗ ông nằm. Ông vội bò ngược lại, nhanh không thể tưởng tượng, và mãi khi đã nhảy chồm đứng lên, hai chân đặt thật vững vàng, ông mới gào lên:

– Cứu tôi với, ai làm phúc làm đức? Có người chết đu- u- uối!

Bao nhiêu hơi men trong người ông loáng cái đã tan đâu hết. Ông chạy tới gần hố nước. Những miếng băng vừa vỡ lấp loáng như chọc vào mắt. Gió và luồng nước cuồn cuộn đuổi dồn những mảnh băng chạy vòng trong cái hố vừa rộng vừa đen, sóng nước kêu rào rào làm chuyển động những chỗ xoáy xanh lè. Vài ánh lửa điểm vàng bóng tối trong cái thôn đằng xa. Những ngôi sao to mẩy như những hạt thóc vừa sàng xong cháy bừng bừng thành những điểm sáng rung rung trên bầu trời mượt như nhung. Một ngọn gió nhẹ vừa rít vừa quét thốc những đám tuyết lên rồi rắc những đám bụi tuyết trắng như bột lên cái cổ họng đen ngòm của hố nước. Còn hố nước thì bốc hơi nhè nhẹ, và vẫn cứ đen lại, vồn vã mời chào một cách rợn người.

Ông Panteley Prokofievich hiểu rằng trong lúc nầy mà kêu lên thì thật là ngu xuẩn và vô ích. Ông nhìn quanh, đoán ra nơi mình đã bất ngờ mò đến vì bị ma men làm mê man, ông bực với mình, với việc vừa xảy ra, run bắn cả người. Trong tay ông còn độc cái roi mà ông đã kịp vơ được khi nhảy ra khỏi xe. Ông vừa chửi rầm lên vừa tự quất vào lưng một thôi một hồi, nhưng sau đó đau chút nào đâu, vì chiếc áo da thuộc đỡ đòn cho ông rất tốt, mà bây giờ cởi áo ra để tự trừng phạt mình thì cũng ngớ ngẩn, vì thế ông chỉ dứt đứt một nhúm râu nhỏ. Ông nhẩm tính lại số hàng vừa mua bị mất, giá của con ngựa, chiếc xe trượt tuyết và hai cái cổ ngựa, rồi điên tiết cười rầm lên một trận nữa, hai chân cứ men dần tới gần hố nước.

– Cái con quỷ mù! – Ông nói với con ngựa vừa chết đuối, giọng run run rền rĩ. – Con đĩ! Mày tự đâm đầu xuống đây còn chưa đủ hay sao mà còn định lôi cả ông xuống nữa hử? Ma nào dẫn lối, quỷ nào đưa đường mày: Xuống dưới ấy bọn quỷ dữ sẽ thắng mày vào xe. Nếu chúng nó không có gì để quất thì đây, ông cho cái roi nầy nhân thể… – Ông tuyệt vọng vung tay ném vào giữa hố nước cái roi có cái cán bằng gỗ anh đào.

Cái roi rơi thẳng xuống nước đánh tõm rồi mất hút.

— —— —— —— ——-

1 Nguyên văn tiếng Nga có một hình thức chơi chữ tôi không dịch nổi. Trong tiếng Nga, câu thằng Misatca nói. “Cháu ăn lấy” còn có một nghĩa nữa: “Cháu là con lợn đực” vì thế Petro đem chuyện lợn ra trả lời thằng cháu (ND).

Chọn tập
Bình luận