Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 92

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Một ngày trước khi Kornilov đến Moskva, viên đại uý Evgeni Litnhiki đã tới đó để làm một công tác đặc biệt quan trọng do Hội đồng Hội các quân nhân Cô- dắc trao cho. Sau khi trao một bức thư niêm phong cho trung đoàn bộ một trung đoàn Cô- dắc đóng ở Moskva, hắn được biết rằng người ta đang chờ ngày mai Kornilov sẽ tới đây.

Từ giữa trưa, Evgeni đã có mặt ở nhà ga Alexandrovsky.

Những đám người hết sức hỗn tạp, chủ yếu là quân nhân, đứng chen chúc trong phòng đợi cũng như các quán ăn nguội và giải khát hạng nhất và hạng nhì. Hàng rào danh dự gồm toàn học sinh quân trường võ bị Alexandrovsky 1 xếp hàng trên sân ga. Bên cạnh cầu cạn còn có tiểu đoàn nữ binh quyết tử Moskva. Khoảng ba giờ chiều tàu đến. Các tiếng lao xao lập tức lắng bặt. Chỉ còn tiếng quân nhạc oang oang cuộn xoáy lên như gió lốc và tiếng những bước chân rầm rập của cơ man nào là người. Làn sóng người đổ xô tới, chèn bẹp Evgeni, nâng bổng hắn lên, ném hắn ra sân ga. Vừa ra thoát khỏi cuộc chen lộn ghê gớm hắn nhìn thấy hai hàng kỵ binh Turkestan đứng cạnh toa xe của viên Tổng tư lệnh tối cao. Thành xe sơn vécni bóng loáng như gợn sóng, phản chiếu màu điều chói lọi của chiếc áo choàng. Kornilov bước trên toa xe xuống cùng với vài quân nhân khác, bắt đầu duyệt hàng rào danh dự, đi qua trước các đại biểu của Hội các quân nhân có huân chương thánh Gioóc, Hội liên hiệp các sĩ quan lục quân và hải quân, Hội đồng hội liên hiệp các quân nhân Cô- dắc.

Trong số các nhân vật tự giới thiệu với Tổng tư lệnh tối cao, Evgeni nhận ra ataman sông Đông Kaledin và tướng Daionkovsky. Bọn sĩ quan đứng quanh hắn nói tên của các nhân vật khác:

Kitlakov, Thứ trưởng Bộ Giao thông.

Thị trưởng Rusnev – Công tước Trubetkoi, trưởng ban đối ngoại Đại bản doanh.

– Munxin- Puskin, uỷ viên Hội đồng Nhà nước.

– Tuỳ viên quân sự đại sứ quán Pháp, đại tá Caiô.

– Công tước Gôlichyn.

– Công tước Mansyrov.

Bên tai Evgeni vang lên những giọng cung kính quị lụy.

Trong khi Kornilov đi tới gần chỗ hắn, Evgeni nhìn thấy đám phụ nữ quý phái ăn vận loè loẹt đứng chen nhau dọc sân ga ném hoa vào người Kornilov. Một đoá hoa màu hồng hồng bám vào vành tua của cái dây ngù trên áo quân phục của Kornilov, đài hoa thõng xuống. Kornilov có phần bối rối, ngập ngừng đưa tay lên rũ đoá hoa xuống. Một lão già rậm râu người Ural bắt đầu lắp bắp đọc lời chúc tụng nhân danh mười hai quân khu Cô- dắc, Evgeni không nghe hết được vì hắn đã bị ép sát vào tường, dây đeo gươm thiếu chút nữa thì bị giật đứt. Sau lời phát biểu của uỷ viên Duma Quốc gia Rodichev, Kornilov lại cất bước, người chen chúc như nêm chung quanh hắn: Bọn sĩ quan nắm tay nhau thành một hàng rào để ngăn làn sóng người, nhưng chúng vẫn bị xô băng đi. Hàng chục bàn tay vươn về phía Kornilov. Một mụ đàn bà béo núc chạy lon ton bên cạnh Kornilov cố áp môi vào cái tay áo quân phục mầu xanh lá cây nhạt của hắn. Ra đến cửa ga thì Kornilov bị nhấc bổng lên, khiêng đi giữa những tiếng chào mừng vang lên như sấm.

Evgeni hất mạnh vai, hích một thân sĩ có vẻ quan trọng lắm bắn đi rồi thấy chiếc ủng véc- ni của Kornilov lấp loáng trước mắt, bèn nắm luôn lấy. Hắn nhanh nhẹn ôm được một bên chân Kornilov bèn đặt luôn bên vai, rồi với cái cảm xúc về một vật không có trọng lựợng gì đáng kể, hắn thở hổn hển vì cảm động, và chỉ còn cố giữ thăng bằng và đi cho đúng nhịp chân. Hắn bước từ từ, hoàn toàn bị lôi cuốn bởi dòng người, những tiếng hò reo inh tai nhức óc và những tiếng kèn đồng vang dội của đoàn quân nhạc. Ra khỏi cửa ga, hắn vội vã sửa lại những nếp trên chiếc áo sơ- mi bị tuột ra ngoài thắt lưng trong khi chen chúc. Rồi hắn bước xuống những bực thèm, đi ra quảng trường. Phía trước đám dân chúng có một hàng rào bộ binh mặc quân phục mầu xanh lá cây và một đại đội Cô- dắc trong đội hình trên ngựa. Hắn đặt tay lên lưỡi trai mũ cát- két, hai con mắt ướt đẫm hấp ha hấp háy, cặp môi cố mím chặt mà không tài nào giữ cho miệng khỏi run. Hắn chỉ mơ hồ nhớ rằng có những tiếng máy ảnh bấm lách tách, tiếng quần chúng la thét như hoá rồ, tiếng bước chân của bọn học sinh sĩ quan đi nghiêm và hình dáng của viên tướng nhỏ bé, cân đối, đĩnh đạc, có bộ mặt như người Mông cổ, đứng lại cho đám học sinh sĩ quan diễu qua trước mặt.

Sau đó một ngày, Evgeni lên tầu về Petrograd. Sau khi leo lên tầng giường trên, hắn trải áo ca- pôt để nằm, rồi vừa hút thuốc vừa nghĩ về Kornilov: “Một con người bị bắt làm tù binh mà vẫn liều chết bỏ trốn, tựa như đã biết rằng Tổ quốc sẽ có ngày cần đến mình như thế nầy. Chà, thế mới là một nhân vật? Toàn thân như tạc trong một khối đá thiên nhiên, chẳng chỗ nào thừa, chẳng chỗ nào tầm thường… Mà tính cách thì cũng như thân hình. Có lẽ đối với ngài, mọi việc đều đã thấy rõ, đều đã có tính toán cân nhác. Hễ có thời cơ thuận lợi là ngài sẽ lãnh đạo bọn mình. Kỳ quặc thật, mình thậm chí cũng chẳng biết ngài là một người như thế nào: Bảo hoàng chăng? Quân chủ lập hiến chăng? Nếu như mọi người chúng ta đều có được một sự tự tin như Kornilov nhỉ?”

Cũng khoảng giờ phút đó, ở hành lang Nhà hát lớn Moskva, trong giờ nghỉ của buổi họp các uỷ viên Hội đồng Chính phủ Moskva, có hai viên tướng kéo nhau ra riêng một chỗ. Một người mảnh dẻ, mặt hao hao như người Mông cổ, còn người kia vai u thịt bắp, có cái đầu vuông vắn đặt rất vững vàng giữa hai vai, tóc cắt dựng đứng như lông nhím, hai bên thái dương hơi bạc trải mượt, cho thấy hai vết bò liếm, vành tai bẹp áp sát đầu. Hai viên tướng đi đi lại lại trên một đoạn ngắn của sàn gỗ, thầm thì bàn tán:

– Điểm nầy trong bản tuyên ngôn trù tính giải tán các Uỷ ban cách mạng trong các đơn vị quân đội có phải không?

– Vâng – Mặt trận thống nhất, đoàn kết nhất trí dĩ nhiên là những điều tuyệt đối cần thiết. Nếu không thực hiện các biện pháp mà tôi đã nêu ra thì không còn khả năng chiến đấu nữa rồi. Một quân đội như thế thì không những không thể đem lại thắng lợi lớn mà còn không thể đương đầu với một cuộc tấn công tương đối lớn nữa là khác. Các đơn vị đều tan rã hư hỏng do sự tuyên truyền của bọn Bolsevich. Còn tại đây, ở hậu phương thì sao? Ngài có thấy cứ mỗi lần chúng ta định tìm ra những biện pháp chặn tay chúng thì bọn công nhân phản ứng như thế nào không? – Bãi công và biểu tình thị uy. Ngay đến các đại biểu dự hội nghị cũng phải đi bộ 2 … Thật là nhục nhã! Quân sự hoá hậu phương, áp dụng những biện pháp trừng trị nghiêm khác, tiêu diệt không thương tiếc tất cả những tên Bolsevich, những kẻ gây ra tình trạng suy bại, đó là các nhiệm vụ bức thiết nhất đối với chúng ta. Cả sau nầy nữa, tôi có thể có được sự ủng hộ của ngài không, thưa ngài Aleksey Maximovich?

– Tôi theo ngài vô điều kiện.

– Tôi vẫn tin như thế. Xin cám ơn ngài. Ngài xem đấy, những lúc nầy cần phải hành động kiên quyết và cứng rắn, Chính phủ chỉ tự hạn chế trong những biện pháp nửa vời và những từ ngữ, thật kêu: “Chúng ta sẽ dùng thép và máu để trấn áp âm mưu của những kẻ định xúc phạm tới chính quyền nhân dân như trong những ngày tháng bảy”. Không, chúng ta vốn có thói quen làm trước rồi mới nói. Lề thói của họ thì ngược hẳn lại. Không sao cả… sẽ đến lúc họ phải giơ đầu ra hứng chịu các hậu quả của chính sách chuyên dùng các biện pháp nửa vời của họ. Nhưng tôi không muốn tham gia cái trò chơi gian dối đê tiện ấy đâu? Tôi vốn dĩ và vẫn sẽ là một người ủng hộ lối chiến đấu công khai. Tính tôi không quen nói những lời rỗng không.

Viên tướng nhỏ bé đứng lại trước mặt người nói chuyện với hắn, xoay xoay cái khuy bằng kim khí trên áo cổ đứng màu cứt ngựa của viên tướng kia, nói giọng cảm động quá đâm ra lắp bắp:

– Chính họ đã tự tay tháo cái rọ mõm cho con chó, và bây giờ chính họ lại run sợ trước cái chủ nghĩa dân chủ cách mạng của họ. Họ đề nghị điều động từ mặt trận về kinh đô những đơn vị quân đội đáng tin cậy, nhưng đồng thời, để chiều theo chủ nghĩa dân chủ ấy, họ sợ khổng dám thi hành một biện pháp thực tế nào. Tiến một bước, rồi lại lùi một bước… Chỉ khi nào hoàn toàn củng cố các lực lượng của chúng ta, chỉ với một áp lực tinh thần thật lớn thì mới có thể bắt Chính phủ phải có nhượng bộ, mà nếu không nhượng bộ thì lúc đó sẽ hay? Tôi sẽ không ngần ngại bỏ ngỏ mặt trận, cứ để cho bọn Đức đến làm cho họ mở mắt ra!

– Chúng tôi đã nói chuyện với Dutov. Thưa ngài Lavrơ Georgievich, dân Cô- dắc sẽ đem hết sức lực ra ủng hộ ngài. Chúng ta chỉ còn phải thống nhất ý kiến về vấn đề các hành động chung sau nầy mà thôi.

– Sau buổi họp tôi sẽ chờ ngài và các vị khác ở chỗ tôi. Tinh thần vùng sông Đông của các ngài như thế nào nhỉ? – Viên tướng vai u thịt bắp gục đầu làm cái cằm vuông cạo nhẵn bóng áp chặt xuống ngực, hai con mắt âm thầm nhìn gườm gườm về phía trước. Lúc hắn trả lời, hai bên mép hắn run run dưới hàng ria tỉa rộng:

– Tôi không còn niềm tin trước kia vào bọn Cô- dắc nữa… Hiện nay nói chung cũng hết sức khó đánh giá tinh thần của chúng. Cần phải nhượng bộ đôi chút mới được: dân Cô- dắc cần phải tự nguyện từ bỏ những quyền lợi gì đó để giữ lấy bọn dân ngụ cư về phía mình. Chúng tôi sẽ thi hành một số biện pháp theo hướng nầy, nhưng không dám đảm bảo là sẽ thành công. Tôi chỉ sợ rằng trong sự xung đột quyền lợi giữa dân Cô- dắc và dân ngụ cư sẽ có thể xảy ra tan vỡ… Ruộng đất… đầu óc của dân Cô- dắc cũng như dân ngụ cư đều chỉ xoay quanh cái trục nầy thôi.

– Ngài cần nắm trong tay vài đơn vị Cô- dắc thật chắc chắn để bảo đảm cho mình, tránh mọi chuyện bất ngờ nổ ra từ trong nội bộ. Khi về tới Đại bản doanh, tôi sẽ bàn với Lucomsky và có lẽ chúng tôi sẽ tìm khả năng chuyển vài trung đoàn từ mặt trận về vùng sông Đông.

– Tôi sẽ rất nhớ ơn ngài.

– Như vậy hôm nay chúng ta sẽ thoả thuận về vấn đề các hành động hiệp đồng của chúng ta trong tương lai. Tôi hết sức tin tưởng rằng những điều chúng ta dự tính sẽ được thực hiện một cách thuận lợi nhưng tướng quân ạ, thời vận vốn đảo điên, bất trắc… Nếu bất kể mọi cố gắng của chúng ta, thời vận xoay lưng lại với tôi thì không biết tôi có thể mong tìm được một nơi nương thân ở vùng sông Đông của ngài không nhỉ?

– Không những ngài sẽ có chỗ nương thân mà còn được bảo vệ nữa là khác. Từ đời xửa đời xưa, dân Cô- dắc vốn đã nổi tiếng về cái tập quán đãi khách rất hậu cơ mà.

Trong suốt cuộc nói chuyện, đây là lần đầu tiên Kaledin mỉm cười, hai con mắt nhìn gườm gườm, đầy vẻ mệt mỏi và khó đăm đăm cũng dịu đi.

Một giờ sau, Kaledin, ataman sông Đông, đã đọc trước một cử toạ nín thở bản “Tuyên ngôn của mười hai quân khu Cô- dắc”.

Từ hôm ấy, một lưới âm mưu rộng lớn đã chăng dần ra trên khắp các vùng đất Cô- dắc, từ đầu nầy sang đầu kia, từ trấn nầy sang trấn khác như một cái mạng nhện đen sì, ở vùng sông Đông, sông Kuban, sông Cherek, cũng như ở vùng Ural, vùng Utxuri.

— —— —— —— ——-

1 Một trường quân sự dưới chế độ vua Nga, chuyên đào tạo con em giai cấp quý tộc ra làm sĩ quan. Trong thời kỳ Nội chiến, bọn học sinh sĩ quan quý tộc đã đứng hẳn về phía cách mạng, tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang tàn khốc (ND).

2 Để phản đối cuộc họp nầy của Hội đồng Chính phủ, công nhân Moskva đã tổ chức tổng bãi công, có hơn 40 vạn người tham gia (ND).

Chọn tập
Bình luận