Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 85

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Với hai bàn tay nhỏ ngăm ngăm, đầy những sợi lông lơ thơ bóng nhoáng lão Sergey Platonovich Mokhov cố mò mẫm ba bề bốn bên xem cuộc đời lão sẽ ra sao. Có lúc cuộc sống đã làm vừa lòng lão, nhưng có lúc nó lại vít nặng như tảng đá buộc vào cổ người chết đuối. Trong cuộc đời của lão, Sergey Plantonovich đã được nếm đủ mùi và đã trải qua lắm cuộc tang thương. Trước đây đã lâu, hồi còn làm cái nghề đầu cơ ngũ cốc, có lần lão đã mua được thóc của bà con Cô- dắc với giá rẻ mạt, nhưng sau lại phải chở ra ngoài thôn đổ xuống đoạn bờ sông Durnoi Yar bốn nghìn pút lúa mì bị cháy.

Lão cũng còn nhớ cái đêm mùa thu năm 1905, có một kẻ nào đó trong thôn nã vào lão một phát đạn ghém. Lão Mokhov đã làm giàu rồi lại khánh kiệt gia sản, nhưng cuối cùng vẫn vơ vét được sáu vạn rúp, gửi cả vào nhà băng Volgo- Kamsky. Nhờ cái tài đánh hơi rất nhậy, lão cảm thấy rằng đang sắp có một sự rung chuyển kinh thiên động địa, không thể nào tránh khỏi. Lão ngồi chờ những ngày đen tối và lão đã không lầm lẫn: tháng giêng năm một nghìn chín trăm mười bảy, gã giáo viên Balanda đang chết dần chết mòn vì bệnh lao đã tới than vãn với lão:

– Cách mạng đã ập đến cửa rồi mà ông xem, tôi lại sắp sửa toi mạng vì cái bệnh cực kỳ ngu xuẩn, cái bệnh đa sầu đa cảm cùng cực nầy. Thật đáng giận, vì như thế là tôi sẽ không được chính mắt nhìn thấy họ moi hết tài sản vốn liếng của ông và lôi cổ ông ra khỏi nơi giường êm đệm ấm nầy như thế nào nữa rồi.

– Thế thì có gì đáng giận?

– Còn sao nữa? Ông cũng biết đấy được nhìn thấy tất cả biến thành tro bụi thì dù sao cũng là chuyện thú vị.

– Thôi đi, anh bạn thân mến ạ! Anh chết hôm nay, rồi mai mới đến lượt tôi! – Sergey Platonovich nói. Lão đã điên tiết lắm rồi nhưng văn cố không để lộ ra nét mặt.

Đến tháng giêng thì trong các thôn trấn đã bắt đầu nghe thấy tiếng vang của những lời xào bàn tán ở thủ đô về Rasputin 1 và họ hàng nhà vua, rồi đến đầu tháng ba, cái tin chế độ chuyên chế bị lật đổ bất thần chụp lên đầu xéc gây Platonovich như một cái lưỡi bẫy vịt trời. Trước cái tin về cuộc đảo lộn ấy, dân Cô- dắc có thái độ vừa lo lắng rụt rè vừa chờ đợi. Hôm ấy các bô lão và cả những gã Cô- dắc ít tuổi hơn tới xúm đông xúm đỏ đến tối trước cửa hiệu Mokhov cửa đóng im ỉm. Tên ataman thôn Kiriutka Sondatov (lên thay tên Manytkov đã chết trận) mặt mày ủ dột, hầu như không tham dự gì vào những cuộc tranh cãi diễn ra sôi nổi bên cạnh cửa hàng. Hắn là một gã Cô- dắc to lớn, có bộ ria đỏ như râu ngô, mắt hơi lác. Thỉnh thoảng hắn lại hiếng hiếng mắt, nhìn khắp mặt bọn Cô- dắc và kêu lên bằng một giọng đầy vẻ hoang mang:

– Chúng nó làm cho mọi việc đều rối như bòng bong rồi! Trời ơi là trời? Bây giờ thì còn biết làm ăn sinh sống thế nào đây?

Sergey Platonovich đứng trong cửa sổ nhìn ra thấy có đám người đứng túm tụm trước cửa hiệu, bèn quyết định bước ra chuyện trò vài câu với các cụ già. Lão khoác chiếc áo lông gấu chuột vào rồi chống cái gậy màu nâu nạm đơn giản mấy chữ đầu tên bằng bạc, đi ra khoảng thềm trước nhà. Những tiếng nhao nhao từ ngoài cửa hiệu vang vào.

– Nầy. Ông Platonyk ạ, ông là người chữ nghĩa còn chúng tôi thì tối tắm dốt nát, ông thử bảo cho chúng tôi biết tình hình bây giờ như thế nào và sau nầy sẽ ra sao đây? – Matvey Casulin hỏi với một nụ cười đầy vẻ khiếp hãi, vô số vết nhãn chéo tụ lại quanh cái mũi lạnh cóng của lão.

Khi Sergey Platonovich cúi chào các cụ lễ phép ngả mũ tránh ra nhường lối cho lão bước vào trong đám.

– Chúng ta sẽ sống không có vua… – Sergey Platonovich ngập ngừng một lát rồi trả lời.

Các cụ già nhao nhao cùng nói:

– Không có vua làm sao được?

– Ông cha cũng như tổ tiên chúng ta đều sống có vua, chẳng nhẽ từ nay không cần có vua nữa hay sao?

– Lấy béng mất cái đầu đi rồi, còn độc hai cẳng thì sống làm sao được?

– Thế chính quyền nào sẽ lên thay?

– Ông đừng có ngại, ông Platonyk ạ! Thấy như thế nào cứ nói toạc móng heo với chúng tôi… Việc gì mà ông phải sợ?

– Có lẽ chính lão cũng chẳng biết cóc gì đâu. – Lão Apdeit “Vua nói phét” mỉm cười, làm hai cái lúm đồng tiền trên cặp má hồng hào càng lún sâu thêm.

Sergey Platonovich đờ đẫn dán mắt xuống đôi ủng cũ bằng cao su của lão, nói dặn ra từng tiếng coi bộ rất là đau khổ.

– Quyền cai trị sẽ thuộc về Duma quốc gia. Chúng ta sẽ thành lập một nước cộng hoà.

– Chúng nó làm lung tung beng cả rồi, mẹ chúng nó chứ.

– Hồi còn mồ ma đức vua Alexandr đệ nhị, chúng tôi vào phục vụ trong quân ngũ… – Lão Apdeit vừa mở miệng thì lão già Bogaturev đã nghiêm khăc ngắt lời lão:

– Nghe mãi rồi? Bây giờ không phải là lúc nói chuyện ấy nữa.

– Như thế là bà con Cô- dắc sẽ đi đến chỗ mạt vận hay sao?

– Trong lúc chúng ta đứng vô công rồi nghề ở đây thì ngay giờ phút nầy quân Đức đã tiến tới Saint Peterburg rồi.

– Đã nói bình đẳng thì tức là muốn chúng ta cá mè một lứa với bọn mu- gích hay sao?

– Cẩn thận đấy chưa biết chừng chúng nó sẽ tính đến ruộng đất của chúng ta cho mà xem…

Sergey Platonovich gắng gượng mỉm cười, lão đưa mắt nhìn những khuôn mặt đầy ưu phiền của các cụ già, trong lòng bỗng cảm thấy bực bội, khó chịu. Vẫn với cái cử chỉ quen thuộc từ xưa, lão lách bộ râu màu hạt dẻ ra làm hai, rồi nói bằng một giọng không hiểu tức tối với ai:

– Đấy thưa các cụ bô lão, nước Nga đã bị đưa đến nông nỗi như thế nầy rồi đấy. Họ coi các cụ cùng một giuộc với bọn mu- gích, họ tước mất của các cụ các quyền lợi mà riêng các cụ được hưởng, mà sẽ còn nhắc lại các thù cũ oán xưa nữa là khác. Đã đến thời kỳ sống khổ sống nhục rồi đây… Nhưng tất cả còn tuỳ theo chính quyền sẽ rơi vào tay ai, nếu không chúng ta sẽ bị đưa đến chỗ chết không kịp ngáp mất thôi.

– Chúng ta còn sống thì còn được thấy tình hình ra sao? – Lão Bogaturev lắc lắc đầu rồi cau hai hàng lông mày rậm rì nhìn Sergey Platonovich, ánh mắt đầy vẻ nghi ngờ. – Ông Platonyk ạ, ông nói như thế là dựa theo quyền lợi của ông, chứ chúng tôi thì biết đâu chẳng nhờ thế mà được nhẹ xác đôi chút?

– Thế các cụ có gì được chuyện nầy làm cho nhẹ nhàng hơn nào? – Sergey Platonovich hỏi vặn.

– Rất có thể là chính quyền mới sẽ chấm dứt được chiến tranh…

– Có thể như thế được không? Thế nào?

Sergey Platonovich khoát tay một cái rồi chập chững bước về phía cái thềm nhà mầu xanh da trời trang trí rất sang của lão. dáng đi nom già hẳn đi. Lão vừa đi, vừa nghĩ tản mạn về đủ mọi chuyện: tiền nong, nhà máy xay, công việc buôn bán ngày càng xuống dốc, vào lão bỗng nhớ ra rằng Lida hiện nay đang ở Moskva còn thằng Vladimir thì chẳng bao lâu nữa sẽ ở Novocherkask về nhà. Nỗi lo lắng day dứt về con cái cũng không xua nổi các ý nghĩa không đầu không đũa rối bời trong đầu óc. Lão cứ thế lê chân về tới thềm nhà.

Lão cảm thấy rằng chỉ trong một ngày hôm nay mà cuộc đời lão bỗng nhiên tối sầm hẳn lại, và ngay bản thân lão cũng tựa như bạc mầu đi trong lòng vì những suy tư nhức nhối. Lão bỗng cảm thấy trong miệng chua loét như có vị rỉ sắt, trào cả nước miếng ra.

Sergey Platonovich quay lại nhìn các cụ già vẫn còn đứng trước cửa hiệu, nhổ toẹt một bãi qua hàng lan can trạm trổ trên thềm, lệt sệt bước qua sân thượng vào trong nhà. Mụ Anna Ivanovna chờ chồng trong phòng ăn. Mụ đưa cặp mắt không có mầu sắc thờ ơ nhìn qua mặt chồng một cái như thường ngày rồi hỏi:

– Ông ăn qua chút gì trước khi dùng trà chứ?

– Không, không cần? Bây giờ thì cần ăn với uống cái gì? – Sergey Platonovich xua tay ra vẻ ghê tởm.

Trong khi cởi áo ngoài, lão vẫn còn cảm thấy cái mũi rỉ chua loét trong miệng và cái trống rỗng chán ngán trong đầu óc.

– Có thư của con Lida đấy!

Mụ Anna Ivanovna lật đật vào phòng ngủ (ngay từ khi mới về nhà chồng, mụ đã bị ngay một khối công việc nội trợ rất lớn đè nặng lên mình, nên đã bắt đầu đi lật đật như thế nầy rồi). Mụ đem ra một chiếc phong bì đã mở.

“Con bé nầy đầu óc rỗng tuếch và xem ra chẳng có gì thông minh đâu” – Sergey Platonovich nhăn mũi vì mùi nước hoa bốc lên từ chiếc phong bì dầy và đây là lần đầu tiên lão có ý nghĩ như thế về con gái lão. Lão đọc qua bức thư một cách lơ đãng- và không hiểu sao đọc đến mấy chữ “trạng huống” thì lão dừng lại, ngăm nghĩ rất lâu cố tìm ra cái ý nghĩa mà lão còn chưa hiểu trong đó. Cuối bức thư Lida xin cha gửi tiền cho mình. Trong khi Sergey Platonovich đọc nốt những dòng cuối cùng, đầu óc lão vẫn tràn ngập một cảm giác trống rỗng và nhức nhối. Bỗng nhiên lão chỉ muốn âm thầm khóc một mình. Trong giây phút nầy cuộc sống hiện ra rõ mòn mòt trước mắt lão, với cái nội dung càng trống rỗng hơn của nó.

“Nó thật là xa lạ đối với mình. – Lão nghĩ về con gái – Mà cả mình cũng xa lạ đối với nó. Nó chỉ có tình cảm bố con khi nào cần tiền mà thôi… Thật là một đứa con gái bẩn thỉu, nhân tình nhân ngãi lung tung… nhưng hồi nó còn nhỏ, tóc nó vàng, nó đáng yêu đến thế? Lạy chúa tôi? Sao cái gì cũng biến đổi ghê thế? Mình thật là một thằng ngu xuẩn cho đến già, mình cứ tin vào một cái gì tốt đẹp trong cuộc sống tương lai, nhưng thật ra mình trơ trọi chẳng khác gì toà nhà thờ giữa ngã ba đường… Mình đã làm giầu một cách bẩn thỉu – nhưng của đáng tội, sạch sẽ thì làm giàu thế nào được? Mình đã dối trá lừa bịp, đã bóp mồm bóp miệng, thế mà bây giờ đùng một cái nổ ra cách mạng, thế là ngày mai bọn con đòi đầy tớ nhà mình sẽ có thể tống cổ mình ra khỏi cửa… Tất cả đều lộn tùng phèo mẹ nó lên cả! Thế còn hai đứa chúng nó? Thằng Vladimir thì ngớ nga ngớ ngẩn… nhưng dù sao nó cũng có thể có tích sự gì? Đằng nào cũng đến thế thôi, muốn ra sao thì ra…”.

Không hiểu do những dây mơ rễ má lung tung như thế nào mà bỗng nhiên lão nhớ lại một chuyện xảy ra ở nhà máy xay từ ngày xửa ngày xưa: một gã Cô- dắc đánh xe đến xay thóc, thấy mức hao bị tính quá cao bèn làm rầm lên và không chịu trả tiền. Lúc ấy, lão, chính lão Mokhov nầy đang ở trong phòng máy. Lão nghe thấy những tiếng ầm ĩ bên ngoài bèn ra hỏi rõ đầu đuôi, rồi ra lệnh cho gã đứng cân và bọn thợ xay không trao trả số bột đã xay. Gã Cô- dắc loắt choắt, xấu xí kia nắm lấy cái tai của túi bột cố lôi đi còn gã thợ xay lực lưỡng, ngực to bè bè tên là Zava thì lôi lại. Lúc ấy gã Cô- dắc cố đẩy gã thợ xay một cái. Gã kia quay luôn lại quai chéo gã Cô- dắc một quá vào thái dương, nắm đấm vừa to vừa chắc. Gã Cô- dắc nhỏ bé ngã dúi xuống rồi lại lảo đảo đứng dậy, thái dương bên trái bị toạc một miếng, máu chảy ròng ròng. Rồi bỗng nhiên gã đi đến trước mặt Sergey Platonovich, cô tự chủ cho khỏi quát to lên: và khẽ nói qua một tiếng thở dài:

– Bột đấy? Cướp lấy mà hốc hết đi! – Nói xong gã bỏ đi, hai vai run run.

Sergey Platonovich nhớ lại hình như vô duyên vô cớ câu chuyện ấy cùng hậu quả của nó: mụ vợ của gã Cô- dắc sau đó có đến xin trả lại chỗ bột. Mụ cố hết sức nuốt nước mắt, nói với những người đến xay bột, để họ đồng tình với mình:

– Thế nầy thì còn trời đất nào nữa, hả các bà con nhân hậu? Còn ra luật vua phép nước gì nữa? Trả lại bột cho tôi!

– Nầy nhà bác kia, không hồn xéo đằng nào thì xéo, kẻo tôi vặt hết tóc bây giờ! Gã Zava vừa cười vừa nói.

Anh chàng thợ cân tên là “Bồi” hom hem, lẻo khoẻo như y gã Cô- dắc kia, đã xông tới đánh nhau với Zava. Nhìn sự việc xảy ra như thế thật đáng bực mình. Sau khi bị Zava nện cho một trận nhừ tử, “Bồi” đã đến đòi thanh toán tiền công. Tất cả những chuyện ấy đã hiện lại loang loáng trong óc Sergey Platonovich lúc lão cuộn tròn bức thư đã đọc xong, mặt đăm đăm về phía trước mà chẳng nhìn thấy gì cả.

Ngày hôm ấy đã để lại cho Sergey Platonovich một nỗi đau đớn nhức nhối luôn luôn làm tình làm tội lão. Đến đêm, lão trằn trọc mãi mà không sao ngủ được người như bị đè bẹp dưới những ý nghĩ mung lung chẳng có mạch lạc gì cả và những niềm hy vọng mỏng manh. Mãi đến nửa đêm lão mới chợp được mắt và sáng hôm sau, khi được tin Evgeni Litnhitki vừa từ mặt trận về Yagonoie với bố, lão bèn quyết định tạt qua bên ấy để dò xem tình hình thực tế ra sao, cố tẩy cho hết các dự cảm khủng khiếp lắng đọng trong tâm hồn lão như chát thuốc đắng. Emelian vừa hút cái tẩu vừa thắng con ngựa nhỏ nhưng kéo rất khoẻ vào chiếc xe trượt tuyết kiểu thành thị, đưa chủ đi Yagonoie.

Mặt trời chín nẫu bên trên thôn xóm như một quả mơ mầu da cam. Những đám mây bên dưới bốc hơi, tan rữa dần. Không khí đại hàn rét thấu xương nặc mùi hoa quả mọng nước. Lớp băng mỏng trên mặt đường vỡ ràn rạt dưới vó ngựa. Hơi con ngựa thở ra bị gió tạt ngay từ hai lỗ mũi về phía sau, bám lại trên bờm nó như sương muối. Xe chạy nhanh, trời lại lạnh, làm cho Sergey Platonovich cảm thấy trong lòng bớt xao xuyến. Lão lắc lư ngủ gà ngủ gật, lưng cọ đi cọ lại trên cái ghế trải đệm. Trong khi đó một đám Cô- dắc mặc áo lông đứng đen ngòm trên bãi thôn. Bọn đàn bà khép tà những chiếc áo lông kiểu sông Đông viền lông rái cá nâu, đứng túm tụm với nhau như đàn cừu.

Gã giáo viên Balanda đứng giữa đám người, một chiếc khăn che cặp môi xám ngoét trên cái khuyết của chiếc áo lông ngắn có đính một dải đỏ. Gã nói sôi nổi, hai con mắt long lanh.

– Bà con thấy đấy, thế là chấm dứt được cái chính thể chuyên chế chết tiệt ấy rồi! Bây giờ thì con em bà con không còn bị chúng nó sai mang roi đi trấn áp công nhân nữa, bà con không còn phải đi phục dịch nhục nhã cho cái thằng Nga hoàng hút máu ấy nữa. Quốc hội lập hiến sẽ làm chủ nước Nga mới, một nước Nga tự do. Quốc hội lập hiến sẽ có thể xây dựng một cuộc sống mới, có thể nói là một cuộc sống sáng lạng?

Mụ nhân tình ăn ở với gã đứng sau lưng kéo gấu cái áo lông ngắn của gã, khẽ van:

– Thôi đi anh Michia? Anh không nhớ là làm như thế nầy có hại cho anh à thôi đừng nói nữa! Lại đến ho ra máu mất thôi… anh Michia!

Những người Cô- dắc đứng nghe Balanda nói rồi bối rối cúi gầm mặt xuống, họ húng hắng ho, cố giấu nét cười. Nhưng người ta đã không để cho gã giáo viên nói hết lời. Trong mấy hàng đầu có một giọng trầm trầm nói vẻ thương hại:

– Chưa biết chừng cuộc đời rồi cũng sáng sủa thật đấy, nhưng anh bạn thân mến ạ, anh sẽ không được sống tới ngày ấy đâu. Thôi tốt nhất hãy về nhà đi kẻo ngoài nầy lạnh lắm…

Balanda lắp bắp nói không hết câu rồi rời khỏi đám đông mặt mày ủ rũ.

Sergey Platonovich đến Yagonoie thì đã giữa trưa. Emelian nắm dây hàm thiếc, dắt con ngựa ra chỗ những cái máng ăn đan bằng cành cây ở gần tàu ngựa, và trong khi chủ hắn xuống xe, lật tà áo lông móc ra một chiếc khăn tay, hắn đã kịp tháo xong đồ thắng cho con ngựa, đắp lên lưng nó cái áo. Một con chó săn rất cao lông trắng đốm nâu thấy có người lạ bèn duỗi những cái chân gân guốc dài nghêu, ngáp dài đứng dậy, ra đón Sergey Platonovich ở ngoài thềm.

Những con chó khác đang nằm nối đuôi nhau thành một chuỗi đen sì ở bên thềm, cũng lười nhác bắt chước con chó kia đứng dậy.

“Mẹ khỉ, đâu ra mà lắm thế nầy!” – Sergey Platonovich sợ hãi đưa mắt nhìn quanh, chân cứ giật lùi trên những bậc thềm.

Phòng ngoài khô ráo và sáng sủa nhưng nặc mùi chó và mùi dấm chua loét. Bên trên một cái rương lớn, có đóng một cái mắc áo bằng sừng hươu với những cái gạc vươn ra rất rộng, trên mắc áo tren một chiếc mũ sĩ quan lông cừu non, một chiếc mũ có tai dài, dây ngù bạc và chiếc áo choàng dạ kiểu Kavkaz. Sergey Platonovich đưa mắt nhìn về phía ấy, bất giác có cảm tưởng như một người đen sì, mình đầy lông lá, đáng đứng trên chiếc rương, và nhún vai như thắc mắc điều gì. Từ căn phòng bên bước ra một người đàn bà mắt đen thân hình đầy đặn. Người ấy chăm chú nhìn Sergey Platonovich cởi áo ngoài và cất tiếng hỏi, song những nét nghiêm trang trên bộ mặt ngăm ngăm rất đẹp không có chút gì thay đổi:

– Ông đến gặp cụ Nicolai Alexeevich phải không? Tôi sẽ vào trình cụ lớn ngay.

Người đàn bà bước vào phòng khách mà không gõ cửa vào xong khép chặt cánh cửa sau lưng. Nhìn người đàn bà mắt đen: đẫy đà và xinh đẹp, Sergey Platonovich mãi mới nhận ra Acxinhia nhà Astakhov. Còn nàng thì vừa trông thấy lão đã nhận ra ngay, rồi mím chặt cặp môi chín mọng như quả anh đào, bước vào nhà trong: người ưỡn thẳng nom rất thiếu tự nhiên, hai khuỷu tay trần trắng bệch hơi đưa ra đưa vào. Một phút sau chính lão già Litnhitki bước ra theo Acxinhia. Lão mỉm cười với một vẻ hồ hởi không vồ vập lắm và nói trầm trầm, giọng kẻ cả:

– À! Nhà thương gia. Ngọn gió nào đưa ông tới đây thế nầy? Xin mời… – Lão đứng tránh sang bên, khoát tay mời khách vào phòng khách.

Với cái vẻ cung kính mà lão đã quen phơi bày mỗi khi đứng trước một nhân vật quyền thế. Sergey Platonovich cúi rạp mình chào rồi bước vào phòng khách. Evgeni Nicolaevich nheo hai con mắt sau cái kính kẹp mũi, ra đón lão:

– Ông đến chơi thế nầy thật tốt quá, ông Sergey Platonovich yêu quý? Xin chào ông. Nhưng tại sao hình như ông già đi như thế nầy? Hả?

– Thôi đi, thưa ngài Evgeni Nicolaevich. Tôi còn đang muốn sống lâu hơn cả ngài nữa đấy. Mà tình hình của ngài thì như thế nào? Ngài vẫn nguyên vẹn không sứt mẻ gì chứ?

Evgeni cười nhe mấy cái răng bịt vành vàng rồi khoác tay khách kéo đến chiếc ghế tựa. Hai người ngồi bên chiếc bàn nhỏ, trao đổi với nhau những câu chẳng có ý nghĩa gì cả và chỉ cố tìm ra trên mặt nhau những nét biến đổi từ sau cuộc gặp gỡ lần trước. Lão địa chủ bảo người nhà pha trà đãi khách rồi cũng bước vào, cái tẩu cong to kếch xù cắn giữa hai hàm răng bốc khói mù mịt. Lão đứng lại bên chiếc ghế bành. Sergey Platonovich ngồi, đặt một bàn tay già nua xương xẩu, rất dài lên bàn và hỏi:

– Trong thôn ông tình hình như thế nào? Ông đã được nghe… tin mừng chưa?

Sergey Platonovich đưa mắt từ dưới lên nhìn những vết nhăn nheo nhợt trên cổ và trên cái cằm cạo nhẵn nhụi của viên tướng rồi thở dài:

– Chưa nghe thấy sao được!

– Tình hình chuyển biến tới bước nầy cũng là do một sự tiền định nghiệp báo thế nào ấy… – Viên tướng nuốt một hơi khói, chỗ lộ háu, rung rung. – Hồi chiến tranh mới bùng nổ tôi đã dự cảm thấy chuyện nầy rồi. Bây giờ tôi lại nhớ tới Merekovsky 2 … con còn nhớ không, Evgeni? Cuốn “Petro và Aleksey” ấy mà 3 Trong đó, sau khi bị tra tấn, đông cung thái tử Aleksey đã nói với bố: “Máu của tôi rồi sẽ chảy xuống đầu con cháu của cha…”.

– Ở chỗ chúng tôi chẳng được biết điều gì rành rọt – Sergey Platonovich nói giọng xúc động, lão ngọ nguậy trên chiếc ghế bành, châm thuốc hút rồi nói tiếp – Đã tuần nay chẳng nhận được tờ báo nào. Toàn những tin đồn hết sức hoang đường, cả một tinh thần hoang mang ngỡ ngàng. Đúng là tai vạ đến nơi rồi? Tôi vừa nghe tin ngài Evgeni Nicolaievich về nghỉ phép là lập tức quyết định đến hầu cụ lớn để hỏi xem ngoài ấy hiện nay tình hình ra sao và sau nầy sẽ có những chuyện gì xảy ra.

Evgeni bắt đầu kể, nụ cười đã biến mất trên bộ mặt trắng bệch cạo nhẵn nhụi của hắn.

– Những biến cố thật là khủng khiếp… Binh sĩ đúng là đã hoàn toàn mất tinh thần, chúng không muốn chiến đấu nữa vì mệt mỏi. Nếu nói hai tiếng “binh sĩ theo nghĩa mà chúng ta đã quen hiểu thì thật ra năm nay chúng ta đã không còn một tên binh sĩ nào nữa rồi. Binh sĩ đã biến thành những bầy tội phạm, man rợ, không còn có kỷ luật nào kiềm chế được nữa. Nhưng cha tôi đây chẳng hạn… cha tôi không thể nào hình dung được tình hình như thế nào đâu. Cha tôi không thể tưởng tượng được quân đội ta đã tan rã tới mức độ như thế nào. Tự ý bỏ vị trí chiến đấu, cướp của, giết dân chúng, giết sĩ quan… Hiện nay không chấp hành mệnh lệnh chiến đấu là điều rất thông thường.

– Con cá nó thối từ trên đầu, – lão già Litnhitki thở ra một câu cùng với một hơi thuốc.

– Con thì không nói thế đâu, – Evgeni cau mày, hai bên thái dương đầy những sợi gân giật giật trong một cơn thần kinh. – Con thì không nói như thế… Bị bọn Bolsevich làm tan rã, quân đội ta đã thối từ dưới thối lên. Ngay các đơn vị Cô- dắc, nhất là các phân đơn vị đóng gần sát bộ binh, càng không vững vàng về tinh thần. Chúng mệt mỏi không tả được và chỉ khao khát được về nhà… Trong khi đó bọn Bolsevich…

– Thế chúng nó muốn gì? Sergey Platonovich không nhịn được nữa.

– Ồ, – Evgeni cười nhạt. – Chúng nó muốn… điều chúng nó muốn thì cả vi trùng dịch tả cũng không tai hại bằng! Tai hại ở chỗ nó rất dễ nhiễm vào người và ăn sâu vào các đám quần chúng binh sĩ. Tôi nói đây là về mặt tư tưởng. Trong chuyện nầy thì dùng đến phương pháp cách ly nào cũng không có tác dụng gì cả. Tất nhiên bọn Bolsevich cũng có những đứa có tài, tôi đã từng được tiếp xúc với những thằng như thế, chúng nó đúng là những thằng cuồng tín, nhưng tuyệt đại đa số là những thằng bê tha bạt mạng, vô đạo đức. Bọn chúng nó thì chẳng nghĩ gì tới nội dung của học thuyết Bolsevich mà chỉ muốn kiếm cơ hội cướp bóc, chuồn khỏi mặt trận. Trước hết chúng nó muốn cướp chính quyền vào tay chúng nó, chấm dứt cái mà chúng nó gọi là “chiến tranh đế quốc” bằng bất cứ điều kiện nào, dù bằng con đường ký hoà ước riêng, rồi trao ruộng đất cho dân cày, nhà máy cho thợ thuyền. Tất nhiên những điều đó thì vừa không tưởng vừa ngu xuẩn, nhưng chính nhờ những chuyện ấu trĩ như thế mà chúng nó chiếm được cảm tình của lính tráng.

Evgeni vừa nói vừa xoay xoay trong năm đầu ngón tay cái “bót” bằng ngà voi và cố giữ không để lộ nỗi tức tối nấu nung trong lòng. Sergey Platonovich ngả hẳn người về phía trước lắng nghe như sắp sửa nhảy chồm lên. Lão già Litnhiki nhai nhai chòm ria trắng xanh, loạt soạt chiếc áo choàng lông đen lồm xồm, đi đi lại lại trong phòng.

Evgeni kể lại chuyện ngay trước cuộc chính biến, hắn đã bắt buộc phải chạy khỏi trung đoàn vì sợ bọn Cô- dắc trả thù, về những sự kiện xảy ra ở Petrograd mà hắn đã được chứng kiến.

Câu chuyện lắng đi một phút. Lão già Litnhitki nhìn thẳng vào chỗ tinh mũi của Sergey Platonovich và hỏi:

– Thế nào, ông có mua con ngựa xám không? Mùa thu qua ông đã xem nó rồi đấy, con của con “Boiarunhia” ấy mà.

– Bây giờ thì còn bụng dạ nào mà nghĩ tới việc ấy nữa, bẩm cụ lớn Nicolai Alexeevich? – lão Mokhov nhăn nhó mặt mày nom đến là thảm hại và vung tay một cách tuyệt vọng.

Trong khi đó, dưới nhà đầy tớ, Emelian đã sưởi ấm, đang ngồi uống trà và lau mồ hôi trên má hây hây như củ cải đường bằng một chiếc khăn tay đỏ, kể những chuyện mới xảy ra trong thôn. Acxinhia cuốn quanh mình một chiếc khăn len lồm xồm, đứng tì ngực vào lưng giường trạm trổ.

– Có lẽ nhà tôi đổ dụi mất rồi còn gì? – Nàng hỏi.

– Làm gì đến nỗi đổ dụi vẫn còn vững chán? Có ai động gì đến nó đâu? – Emelian trả lời tách bạch từng tiếng một cách rất vất vả. – Nhà láng giềng chúng tôi, nhà Melekhov ấy, không hiểu họ làm ăn sinh sống ra sao?

– Họ sinh sống cũng bình thường thôi.

– Petro không về nghỉ phép à?

– Hình như chưa về thì phải.

– Thế còn Grigori? Griska nhà bên ấy ra sao?

– Sau lễ Nô- en, thằng Griska có về. Năm nay vợ nó đẻ sinh đôi… mà Grisaka thì… bị thương, nên được về.

– Bị thương hả bác?

– Chứ còn sao nữa? Nó bị thương ở tay. Khắp người rách nát như con chó dái sau trận xâu xé! Thật khó biết trên người nó bây giờ huân chương hay những vết đâm chém nhiều hơn.

– Thế anh ta nom người ra sao, Griska ấy mà? – Acxinhia cố nén một cơn nghẹn khổ trong họng, hỏi xong húng hắng ho để giọng đỡ thất thanh.

– Vẫn thế thôi. Mũi thì quặp, mặt mũi thì đen sì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoàn Thổ Nhĩ Kỳ, đáng như thế nào thì đúng là như thế.

– Tôi có hỏi như thế đâu… Anh ấy có già đi hay không?

– Dịch tả dịch hạch nào biết được nó: có lẽ cũng già đi chút ít. Vợ nó đẻ sinh đôi, thế thì nó cũng chẳng già đi nhiều lắm đâu.

– Ở đây lạnh quá… – Acxinhia run run hai vai, nói xong bỏ ra ngoài.

Emelian rót tách trà thứ tám đưa mắt nhìn Acxinhia, rồi nói dấm dẳn từng tiếng, giọng chập chững như bước chân người mù:

– Đồ bẩn thỉu đê tiện, đồ thối thây: đốn mạt như thế là cùng. Hồi còn đi đôi ủng thô chạy khắp thôn đã lâu la gì đâu thế mà nay đã thích nói chữ rồi. “Buốt” thì bảo là “lạnh”. Những con đàn bà như thế nầy chỉ gây tai hoạ. Những của thối thây ấy tôi thì… Cái loài rắn độc! Cũng ra cái điều… “ở đây lạnh quá”… Khắm quá nước mũi ngựa! Xì!

Hắn tức quá, chưa uòng hết tách trà thứ tám đã đứng dậy, làm dấu phép đàng hoàng nhìn quanh rồi vừa bước ra ngoài, vừa cố ý quệt ủng làm bẩn cái mặt sàn sạch bong.

Suốt chặng đường về, cả thầy lẫn tới đều mặt mũi cau có, chẳng ai kém ai. Cơn giận do Acxinhia gây nên, Emelian đổ cả lên đầu con ngựa. Hắn quật đầu roi vào chỗ hiểm của nó, chửi nó nào là “đồ ườn xác chảy thây”, nào là “đồ thọt”. Trái với lệ thường, cho đến khi về tới thôn, Emelian chẳng nói với chủ một lời nào. Sergey Platonovich cũng len lét không hé răng.

— —— —— —— ——-

1 Rasputin (1871- 1915) Cố đạo trong cung Nicolai đệ nhi, có uy tín rất lớn đối với vua Nga và hoàng hậu, can thiệp nhiều vào các công việc trong nước, cả bên đạo lẫn bên đời. Thật ra chỉ là một kẻ đầu cơ chính trị, xuất thân làm nghề ăn cắp ngựa. Nổi tiếng là dâm loạn và ngu dốt. Ngày 31- 12- 1916 bị một nhóm quí tộc Nga giết chết. (ND).

2 Merekovsky (1865 – 1941) một nhà văn phản động Nga, tác giả của nhiều tiểu sử nhân vật nổi tiếng và nhiều tiểu thuyết lịch sử, sau Cách mạng tháng Mười bỏ trốn sang Paris, hoạt động chống chính quyền Xô- viết (ND).

3 Aleksey Petrovich (1690 – 1718) con cả của hoàng đế Petro đệ nhất, chống lại các chính sách cải cách của bổ, cùng với bọn phản nghịch bên trong và bọn can thiệp bên ngoài âm mưu làm loạn, bị bố ra lệnh truất ngôi đóng cung rồi đem xử tử (ND).

Chọn tập
Bình luận