Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 158

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Cuộc nổi loạn nổ to thêm, lan tràn như nước lũ, ngập hết miền ven sông Đông và cả những vùng đồng cỏ bên kia sông trong một chu vi bốn trăm vec- xta. Hai vạn năm ngàn gã Cô- dắc đã lên ngựa. Các thôn của khu Đông – Thượng đã động viên một vạn bộ binh. Chiến tranh diễn ra theo những hình thái xưa nay chưa từng thấy.

Ở một nơi gần sông Dones, đội quân sông Đông đang giữ mặt trận, yểm hộ Novocherkask, chuẩn bị một trận giao tranh quyết định thắng bại. Trong khi đó ở hậu phương của hai tập đoàn Hồng quân số 8 và số 9, cuộc phiến loạn đang diễn ra sôi sục, làm cho nhiệm vụ đánh chiếm vùng sông Đông vốn dĩ đã khó khăn lại càng trở nên phức tạp gấp bội.

Đến tháng Tư, Uỷ ban quân sự cách mạng của nước cộng hoà đã nhìn thấy hoàn toàn rõ ràng một nguy cơ rất lớn là quân phiến loạn sắp liên hợp với mặt trận của bọn Trắng. Tình hình đòi hỏi dù sao cũng phải trấn áp cho kỳ được cuộc phiến loạn trước khi nó kịp nuốt hết một khu vực trên mặt trận của Hồng quân và nhập làm một với quân đội sông Đông. Những lực lượng ưu tú nhất đã được điều tới làm nhiệm vụ trấn áp ấy: trong số các đơn vị viễn chinh có thêm những đoàn thuỷ binh của hạm đội Bantích và hạm đội Hắc hải, những trung đoàn đáng tin cậy nhất, những đội xe lửa thiết giáp và những đơn vị kỵ binh dũng cảm nhất. Năm trung đoàn thuộc sư đoàn thiện chiến Bogutra đã bị điều từ mặt trận về, tất cả có tới tám ngàn tay súng, vài đại đội pháo và năm trăm khẩu súng máy. Đến tháng Tư học sinh quân các lớp quân sự ở Ryazan và Tambob đã chiến đấu trên các khu vực của mặt trận chống quân phiến loạn với một tinh thần dũng cảm tuyệt vời, sau đó còn đến thêm một đơn vị của trường thuộc Uỷ ban chấp hành trung ương toàn Nga. Bộ binh Ladvia cũng đã chiến đấu chống quân phiến loạn ở gần Sumilinskaia.

Quân khu Cô- dắc đang thở không ra hơi vì thiếu súng đạn. Đầu tiên chúng không có đủ súng trường, đạn bắn cũng đã hết. Muốn có súng đạn chúng phải đem máu ra đổi lấy, phải xung phong hoặc tập kích đêm mà cướp lấy. Và chúng cũng đã kiếm được. Đến tháng Tư quân phiến loạn đã có đầy đủ số súng trường cần thiết, sáu đại đội pháo và chừng một trăm rưởi khẩu súng máy.

Hồi chúng mới nổi loạn, trong kho quân khí ở Vosenskaia còn có năm triệu viên đạn không có đầu đạn. Xô viết 1 Quân khu đã động viên những tay thợ rèn, thợ nguội, thợ súng cừ nhất. Ở Vosenskaia đã tổ chức một xưởng đúc đầu đạn, nhưng không có chì, không có gì để đúc đầu đạn. Lúc đó, theo lời kêu gọi của Xô viết Quân khu; tất cả các thôn đều bắt tay vào thu nhặt chì và đồng. Toàn bộ số chì và hợp kim Baptit dự trữ trong các nhà máy xay chạy hơi nước đều bị trưng thu. Những tên liên lạc cưỡi ngựa được phái tới các thôn mang theo một lời kêu gọi ngắn ngủi: “Chồng, con và anh em các người không còn có gì để bắn nữa rồi. Họ chỉ bắn bằng những gì cướp được trong tay kẻ thù đáng nguyền rủa. Các người hãy đem hiến tất cả những thứ gì trong nhà có thể dùng để đúc đầu đạn. Hãy tháo cái rây bằng chì trong quạt hòm ra!”

Một tuần sau, toàn khu không còn một cái quạt thóc nào còn có rây.

“Chồng, con và anh em các người không còn có gì để bắn nữa rồi…” Thế là những người đàn bà đem đến các Xô viết thôn tất cả những thứ gì dùng được và không dùng được. Ở các nơi diễn ra các trận chiến đấu, bọn trẻ con các thôn móc lấy những viên đạn rìa bắn vào các bức tường, bới dưới đất tìm những mảnh đạn. Nhưng không phải người nào cũng làm được việc nầy với một tinh thần nhất loạt như nhau. Có những người đàn bà trong tầng lớp bần nông không muốn bị mất những đồ dùng lặt vặt cuối cùng trong nhà, đã bị bắt giải lên khu vì tội “đồng tình với bọn Đỏ”. Ở thôn Tatarsky, những lão già có của ăn của để đã đánh thừa sống thiếu chết gã Xemon “Đầu gang” ở đơn vị về nghỉ phép chỉ vì gã vạ miệng nói độc một câu “Cứ để cho bọn giàu có phá quạt hòm nhà họ. Có lẽ họ sợ bọn Đỏ hơn sợ phá sản”.

Tất cả các số chì thu được đều đem lên đúc ở xưởng Vosenskaia. Nhưng các đầu đạn đúc không có vỏ kền bắn thì chảy ra… Sau khi bắn, các đầu đạn chế tạo theo kiểu thủ công chỉ còn là những hòn chì lỏng khi ra khỏi nòng súng, và cứ bay vù vù với một tiếng rít man rợ. Các đầu đạn ấy chỉ cắm được vào mục tiêu ở cự ly dưới một trăm hai mươi xa- gien, nhưng vết thương gây ra lại hết sức khủng khiếp. Sau khi tìm hiểu rõ tình hình, anh em chiến sĩ Hồng quân đôi khi tiến thật sát các đội trinh sát Cô- dắc và hô to: “Chúng mày bắt bọ hung mà bắn đấy à? Đầu hàng đi, đằng nào tất cả chúng mày cũng sẽ bị đánh tan thôi”.

Ba vạn năm nghìn tên phiến loạn được biên chế thành năm sư đoàn và một lữ đoàn đánh số sáu theo thứ tự. Sư đoàn 3 dưới quyền chỉ huy của Egorov chiến đấu trong khu vực Meskovskaia – Setrakov – Vegie. Sư đoàn 4 phụ trách khu vực Kazanskaia – Doneskoie – Sumilinskaia. Chỉ huy sư đoàn nầy là gã chuẩn uý Koldrat Medvedev, một tên mặt mũi lầm lì, kiếm thuật rất giỏi, vào trận thì đúng là một con quỷ dữ. Sư đoàn 5 chiến đấu trên mặt trận Slasevskaia – Bukanovskaia, do tên Usakov chỉ huy. Tên quản Merkulov chỉ huy sư đoàn 2 tác chiến ở hướng các thôn thuộc trấn Elanskaia, trấn Ust- Khopeskaia và Gorbatov. Đấy cũng là khu vực của lữ đoàn độc lập số 6, một đơn vị rất chặt chẽ, hầu như chưa bị sứt mẻ gì cả, vì tên chuẩn uý Bogatyrev chỉ huy nó, một gã Cô- dắc người trấn Marsaevskaia, là một tên tính nết thận trọng, biết suy tính trước sau, không bao giờ mạo hiểm và không để cho binh lực bị hy sinh vô ích. Grigori Melekhov thì dàn sư đoàn I của chàng trên sông Tria. Khu vực của chàng là chính diện của mặt trận, các đơn vị Hồng quân bị điều từ mặt trận về đều tấn công từ phía nam vào sư đoàn của chàng, nhưng chàng không những đã đánh bật được các cuộc tấn công của địch mà còn chi viện được cho sư đoàn 2 là một đơn vị kém kiên cường, bằng cách điều những đơn vị bộ binh và kỵ binh đến giúp.

Cuộc phiến loạn không lan được sang các trấn của hai khu Khopesky và Ust- Medvedisky. Ở các trấn ấy tình hình cũng sôi sục và cũng đã có những đại diện sang yêu cầu điều lực lượng tới sông Buzuluk và vùng thượng du sông Khop để phát động dân Cô- dắc nổi lên, nhưng bộ tư lệnh quân phiến loạn không quyết định đưa quân ra khỏi địa giới khu Đông – Thượng vì chúng biết rằng quần chúng cơ bản của vùng sông Khop ủng hộ chính quyền Xô viết và sẽ không chịu cầm vũ khí chiến đấu. Ngay những tên đại diện cũng không hứa hẹn trước kết quả gì. Chúng nói thẳng ra rằng trong các thôn không có nhiều kẻ bất mãn với Hồng quân, thành thử những tên sĩ quan còn ở lại trong các vùng khỉ ho cò gáy của khu Khopesky cũng phải chui rúc trốn tránh, không thể tập hợp được những lực lượng đáng kể tán thành bạo động, vì bọn cựu chiến binh thì chúi xó ở nhà hoặc đi theo Hồng quân, còn bọn bô lão thì bị bắt phải nen nét một bề như những con bò trong chuồng, không còn chút gì của cái thực lực và uy tín năm xưa nữa.

Về phía nam, trong các làng của người Ukraina, Hồng quân đã động viên thanh niên. Số thanh niên nầy rất vui lòng tham gia các trung đoàn của sư đoàn thiện chiến Bogutra để chiến đấu chống quân phiến loạn. Cuộc phiến loạn đã bị bó hẹp trong địa giới khu Đông – Thượng. Kể từ bộ tư lệnh phiến loạn trở xuống, tất cả mọi người đều càng ngày càng thấy rõ rằng chúng không còn có thể giữ lấy quê hương thân yêu được lâu la gì nữa, và chẳng chóng thì chầy, chúng sẽ bị Hồng quân ở vùng sông Donesk quay trở lại đè bẹp.

Ngày mười tám tháng Ba, Kudinov triệu tập Grigori Melekhov về Vosenskaia họp hội nghị. Sau khi trao quyền chỉ huy sư đoàn cho sư đoàn phó là Raiptrikov, tảng sáng hôm ấy chàng cùng với gã cần vụ lên đường về quân khu.

Chàng bước vào bộ tư lệnh giữa lúc Kudinov đang tiếp một tên phái viên của trấn Alekseevskaia đến thương lượng. Lúc ấy Xafonov cũng có mặt. Kudinov gù gù cái lưng ngồi sau bàn giấy, những ngón tay xương xẩu nâu nâu ngoáy ngoáy đầu chiếc dây lưng kiểu Kavkaz. Hắn hỏi gã Cô- dắc trước mặt, hai con mắt sưng húp và đầy rử vì những đêm không ngủ chẳng buồn ngước nhìn lên:

– Còn chính các anh thì sao? Về phía các anh, các anh nghĩ thế nào.

– Đối với chúng tôi thì chuyện ấy cũng tất nhiên… Nhưng tự chúng tôi thì có lẽ chẳng làm được gì. Tâm địa của người khác như thế nào thì ai mà biết được. Nhưng dân chúng bên ấy, đồng chí biết nó như thế nào không. Chúng nó sợ. Kể ra cũng muốn làm đấy, nhưng lại sợ…

– “Cũng muốn làm…”, “Sợ…”. – Kudinov cáu đến tái cả mặt, quát lên và cứ cựa quậy trên chiếc ghế bành, như đang ngồi trên một cái gì rất nóng. – Tất cả các anh đều như bọn con gái dậy thì ấy! Vừa muốn, vừa sợ đau, lại vừa bu không cho phép? Thôi, anh hãy trở về cái trấn Alekseevskaia nhà anh mà bảo với bọn bô lão của các anh rằng nếu chính các anh không tự bắt tay vào làm lấy trước thì một trung đội chúng tôi cũng không điều đến cái trấn của các anh đâu. Mặc cho bọn Đỏ chúng nó treo cổ tất cả các anh lên!

Bàn tay đỏ tía của gã Cô- dắc khổng lồ phải cố gắng lắm mới đẩy nổi ra sau gáy chiếc mũ kiểu Kavkaz làm bằng một thứ lông cáo lấp lánh. Theo những vết nhăn trên trán, mồ hôi gã chảy ròng ròng như nước mùa xuân trong những cái khe, hai hàng lông mày ngắn cũn, trắng phếch chớp chớp liên hồi, cặp mắt nhìn tươi cười và như nhận lỗi.

– Tất nhiên là như thế rồi, có ôn dịch nào bắt các đồng chí phải đến trấn của chúng tôi đâu. Nhưng ở đây tất cả mọi việc đều phải dựa vào một bước đầu, mà cái bước đầu ấy thì quý hơn cả tiền bạc…

Grigori vừa chăm chú nghe những lời trao đổi vừa né sang bên cho một người lùn lùn ria đen bước qua. Người ấy không gõ cửa, đi từ ngoài hành lang vào trong phòng, trên mình mặc một chiếc áo khoác ngắn bằng da thuộc. Hắn gật đầu chào Kudinov, ngồi vào bàn và đưa một bàn tay trắng trẻo lên tì má. Grigori đã quen mặt tất cả các tên trong bộ tư lệnh, hôm nay chàng mới gặp tên nầy lần đầu nên cứ nhìn hắn chằm chằm. Khuôn mặt ngăm ngăm đen nhưng không dãi dầu nắng gió với những nét thanh tú, bàn tay trắng trẻo mềm mại, phong độ của một phần tử trí thức, tất cả đều cho biết rằng hắn không phải là dân địa phương.

Kudinov đưa mắt chỉ người lạ mặt, nói Grigori:

– Cậu hãy làm quen đi, Melekhov! Đây là đồng chí Georgitze. Đồng chí ấy… – Nói đến đây hắn ngập ngừng một lát, quay quay con giống bằng bạc đã xỉn đen đeo trên chiếc dây lưng rồi đứng dậy nói với gã đại diện trấn Alekseevskaia – Thôi, còn anh thì, người anh em đồng hương ạ, anh hãy về đi. Bây giờ chúng tôi có việc phải làm ngay đây. Anh hãy trở về và chuyển lời của tôi với những ai cần phải biết.

Gã Cô- dắc đang ngồi trên chiếc ghế dựa đứng dậy. Chiếc mũ lông cáo đỏ như lửa lấm tấm vài sợi lông đen gần chạm tới trần. Và lập tức hai cái vai rộng bè bè của gã, che cả ánh sáng, làm căn phòng trở nên nhỏ bé, chật chội.

– Anh đến xin giúp đỡ à? – Grigori hỏi gã, nhưng lòng bàn tay vẫn còn cái giác khó chịu lúc bắt tay tên sĩ quan nhỏ bé người Kavkaz.

– Phải, phải! Xin giúp đỡ. Nhưng đồng chí xem, kết quả là như thế đấy… – Gã Cô- dắc sung sướng quay mặt về hướng Grigori, đưa mắt tìm kiếm sự đồng tình. Khuôn mặt gã đỏ tía, cùng màu với chiếc mũ lông, nom ngơ ngác và dổ nhiều mồ hôi đến nỗi bộ râu và hai hàm ria chạy xệ đều long lanh như rắc hạt cườm.

– Cả các anh cũng không thích chính quyền Xô viết à? – Grigori làm như không nhìn thấy những cử chỉ nóng nảy của Kudinov, vẫn hỏi tiếp.

– Người anh em ạ, có lẽ nó cũng chẳng sao đâu. – Gã Cô- dắc khổng lồ trầm giọng xuống, nói có cân nhắc. – Nhưng chỉ sợ sau nầy nó sẽ trở nên tồi tệ hơn thôi.

– Ở chỗ các anh có những chuyện bắn giết không?

– Không đâu, cầu Chúa cứu giúp! Không nghe nói đến những chuyện như thế đâu. Nhưng dù sao họ cũng lấy mất ngựa, thóc lúa, và tất nhiên có bắt những người nói những lời chống đối. Nói tóm lại là sợ lắm.

– Nhưng nếu quân Vosenskaia tới bên ấy, các anh có nổi lên không? Tất cả có nổi lên không?

Cặp mắt ti hí dãi nắng đến óng lên như mạ vàng của gã Cô- dắc nheo lại một cách giảo quyệt, cố tránh hai con mắt Grigori. Trong giây phút ấy, cái mũ lông tụt hẳn xuống vầng trán đầy những vết nhăn và những chỗ lồi lõm nổi lên do những ý nghĩ căng thẳng.

– Làm thế nào mà nói thay tất cả mọi người được? Song các hộ Cô- dắc có tài sản thì tất nhiên sẽ tham gia đấy.

– Còn các hộ nghèo, không có tài sản thì sao?

Từ nãy Grigori vẫn cố tìm cách nhìn vào hai con mắt của người đang nói chuyện với mình, mãi lúc nầy chàng mới bắt đầu gặp cái nhìn thẳng thắn, ngạc nhiên như con nít của anh ta.

– Hừm… Những đứa lười chảy thây đâu có chịu đánh chiếc xe thắng năm ngựa? Chúng nó sống chết với cái chính quyền ấy đấy, sự thật là như thế.

– Thế thì các anh vác mặt đến đây làm gì, đồ yêu quái, đồ khốn nạn? – Kudinov không giấu vẻ tức tối nữa, hắn quát to, cái ghế bành hắn ngồi rít một tiếng dài. – Anh đến xúi bẩy chúng tôi làm gì hử? Chẳng nhẽ ở bên các anh tất cả đều là những nhà giàu hay sao? Mỗi thôn chỉ lèo tèo vài người nổi dậy thì bạo… bạo động cái đếch gì? Xéo ngay khỏi chỗ nầy đi! Xéo ngay, tôi bảo anh xéo ngay! Con gà rán 2 nó còn chưa mổ vào mông các anh, nhưng đến khi bị chúng nó mổ rồi thì chẳng có chúng tôi giúp đỡ các anh cũng sẽ bắt đầu chiến đấu? Quân chó đẻ, cứ quen cái thói nấp sau lưng người khác mà cày trộm! Tốt nhất đối với các anh là cứ nằm yên trên bếp lò, và lấy thêm kê nóng mà ấp cho ấm… Thôi xéo đi, xéo ngay đi! Cứ nhìn cái của quỷ như anh mà buồn nôn.

Grigori cau mày quay đi. Những vết đo đỏ mỗi lúc một hiện rõ trên mặt Kudinov. Georgitze vê vê hàng ria, hai lỗ mũi phập phồng trên cái mũi quặp hẳn xuống như bị bào vẹt.

– Nếu thế thì chúng tôi xin lỗi. Còn quan lớn thì tôi xin ngài đừng làm rầm lên, đừng nạt nộ như thế, vì đây là chuyện thân thiện. Tôi đã chuyển tới ngài lời đề nghị của các bô lão bên chúng tôi và sẽ đem về cho các bô lão bên chúng tôi câu trả lời của các ngài, chẳng có gì đáng phải to tiếng! Không biết người ta còn quác lác với dân Chính giáo đến bao giờ mới thôi? Quân Trắng quát tháo, quân Đỏ quát tháo, bây giờ lại đến lượt các ngài quát tháo. Chính quyền nào cũng muốn ra oai thế, cũng muốn đè đầu cười cổ người ta… Chao ôi cái đời thằng nông dân cũng chẳng khác gì đời con chó ghẻ?

Gã Cô- dắc phát khùng chụp mạnh cái mũ lên đầu, bước nhanh ra hành lang như một khối đất lớn, rồi khe khẽ khép cửa. Nhưng khi ra khỏi phòng rồi, gã đã mặc cho cơn tức tối trong người nổ bùng ra, gã đóng cửa ngoài đánh sầm, làm thạch cao rơi lả tả xuống sàn và xuống các bậu cửa sổ trong năm phút liền.

– Chà, cái dân nầy thật là lạ! – Kudinov đã có nụ cười vui vui. Hắn nghịch nghịch cái dây lưng, nét mặt nom mỗi lúc một hồn hậu hơn. – Mùa xuân năm một nghìn chín trăm mười bảy, tôi có dịp ra nhà ga. Hồi ấy vào khoảng lễ Phục sinh, đang mùa cày, dân Cô- dắc bắt đầu được tự do đang cày và đúng là vì bị tự do làm mê mẩn tâm thần, họ đã cày tất cả các đường đi lối lại, cứ như vẫn còn thiếu ruộng đất. Khi đi quá thôn Tokin, tôi thấy một thằng cha đang cày như thế bèn gọi nó đến bên cạnh xe ngựa: “Đồ chết tiệt, tại sao lại cày cả đường sá lên thế nầy”. Cu cậu hoảng lên nói: “Tôi sẽ không làm như thế nữa, xin ngài thứ lỗi cho, bây giờ san bằng lại cũng vẫn được”. Sau đó tôi còn dùng cách ấy doạ hai ba thằng nữa. Đến khi đi quá thôn Grachev, tôi lại thấy đường cái bị cày lên, một thằng còn trẻ ranh đi sao cái cày. Tôi bèn quát rầm lên với nó “Nầy, lại đây?” Nó bước tới “Mầy có quyền gì mà cày cả mặt đường lên như thế hử?” Cái thằng Cô- dắc tiểu yêu đến là táo tợn, nó long hai con mắt rất sáng lên nhìn tôi rồi chẳng nói chẳng rằng, nó quay đi, chạy về chỗ hai con bò. Tới nơi, nó tháo ở vai cày ra một chốt sắt rồi lại chạy tế đến chỗ tôi. Nó bám lấy một bên thành xe, leo lên bục xe và nói: “Mầy là cái thớ gì hử? Chúng mầy còn hút máu hút mủ chúng tao bao giờ nữa mới thôi? Mày có muốn tao cho một cái vỡ toang sọ ra không? Và nó vung cái chốt sắt định đánh tôi. Tôi bèn bảo nó: “Sao lại thế, anh Ivan, tôi chỉ đùa một chút thôi mà”. Nó nói luôn: “Bây giờ tao không phải là Ivan nữa, mà là ông Ivan Yosif rồi. Tao sẽ đánh dập mõm mầy về cái thô lỗ láo xược ấy”. Tôi nói thật đấy, hôm ấy tôi đã phải chật vật lắm mới thoát thân. Thằng cha nầy cũng thế, đầu tiên chảy nước mắt nước mũi, rạp đầu van xin, nhưng cuối cùng vẫn cứ nổi sung lên. Lòng tự hào trong dân chúng đã trỗi lên rồi. Đó chỉ là cái thói lỗ mãng tục tằn của chúng nó trỗi dậy và phát tiết ra thôi, đâu phải là lòng tự hào. Ngày nay thái độ thô lỗ láo xược đã được coi là một điều hợp pháp.

Tên trung tá người Kavkaz nói bằng một giọng bình thản rồi không chờ nghe những lời nói lại, kết thúc luôn câu chuyện:

– Tôi đề nghị bắt đầu họp đi. Tôi muốn về trung đoàn ngay hôm nay.

Kudinov gõ vào tường, gọi to:

– Xafonov! – rồi hắn nói với Grigori – Cậu hãy ở lại với chúng mình một lát, chúng ta sẽ cùng bàn. “Trí lực một người thì tốt, nhưng trí lực hai người thì tồi tệ hơn 3”, câu tục ngữ ấy cậu có biết không? Cũng may cho chúng mình đồng chí Georgitze ngẫu nhiên còn ở lại Vosenskaia, và bây giờ sẽ giúp đỡ chúng ta. Đồng chí ấy cấp trung tá, đã tốt nghiệp học viện lục quân đấy.

– Sao ngài còn ở lại Vosenskaia? – Grigori hỏi. Không hiểu sao trong lòng chàng bỗng lạnh nhói và có ý đề phòng.

– Hồi Mặt trận phía bắc bắt đầu rút lui, tôi bị thương hàn nên họ đã để tôi ở lại thôn Dudarevsky.

– Trước kia ngài ở đơn vị nào?

– Tôi ấy à? Không, tôi không ở đơn vị chiến đấu. Tôi vốn làm việc tại bộ tư lệnh một binh đoàn đặc biệt.

– Binh đoàn nào? Của tướng quân Xitnhikov à?

– Không…

Kể ra Grigori cũng muốn hỏi thêm vài câu nữa, nhưng nét mặt tên trung tá có vẻ tập trung hết sức căng thẳng, làm cho chàng cảm thấy rằng hỏi dồn thêm thì không tiện, vì thế chỉ hỏi đến nửa chừng thì thôi.

Chẳng mấy chốc đã thấy tên trưởng ban tham mưu Xafonov bước vào cùng với tên Koldrat Medvedev sư trưởng sư đoàn Bốn và tên chuẩn ý má hồng răng trắng Bogatyrev lữ đoàn trưởng lữ đoàn độc lập số sáu. Kudinov căn cứ vào các báo cáo nhận được, trình bày tổng hợp một cách ngắn gọn tình hình mặt trận cho mấy tên đến dự hội nghị nghe. Người đầu tiên xin phát biểu ý kiến là tên trung tá.

Hắn từ từ trải lên bàn tấm bản đồ ba vec- xta 4 và nói một cách khéo léo đầy tự tin, giọng hơi rõ âm địa phương.

– Đầu tiên tôi nhận thấy là tuyệt đối cần phải điều đơn vị dự bị của sư đoàn Ba và sư đoàn Bốn tới khu vực mà sư đoàn Melekhov và lữ đoàn độc lập của chuẩn uý Bogatyrev đang phụ trách. Dựa vào những tin bí mật mà chúng tôi nắm được và qua việc hỏi cung tù binh thì đã có thể thấy hoàn toàn rõ ràng là bộ chỉ huy quân Đỏ đang chuẩn bị giáng cho chúng ta một đòn nghiêm trọng ở ngay khu vực Kamenka – Karginskaia – Bokovskaia. Qua lời những tên đào ngũ và tù binh đã xác định được rằng bộ tư lệnh Tập đoàn quân Hồng quân số Chín đã rút từ Opiliva và Molozovskaia về hai trung đoàn kỵ binh lấy ở sư đoàn Mười hai, năm chi đội đánh chặn, phối thuộc có ba đại đội pháo và những đại đội súng máy. Theo ước tính sơ lược những sự tăng viện nầy sẽ đem lại cho địch năm ngàn rưỡi quân. Như vậy rõ ràng là chúng sẽ chiếm ưu thế về quân số. Đó là chưa nói rằng ưu thế về trang bị cũng nằm trong tay chúng.

Mặt trời vàng hoe như đoá hướng dương nhìn từ phía nam vào trong phòng và nằm ngay sau một hình chữ thập trên khung cửa sổ. Một làn khói màu xanh lơ đọng không động đậy bên dưới trần nhà. Mùi thuốc lá nhà trồng lấy hắc hắc hoà lẫn với cái mùi thum thủm của những đôi ủng ướt sũng. Ngay sát trần nhà, không biết chỗ nào có con ruồi bị ngộ độc vì khói thuốc vo vo một cách tuyệt vọng.

Grigori nhìn ra cửa sổ, chàng buồn ngủ rũ ra vì đã hai đêm liền chưa được chợp mắt, mí mắt sưng mọng và nặng như chì cứ trĩu xuống, cảm giác buồn ngủ ấy đã thấm vào khắp người chàng cùng với hơi ấm trong căn phòng đốt lửa rất nóng. Cả ý chí lẫn ý thức của chàng đều yếu đi trong một trạng thái mệt mỏi ngây ngất. Nhưng bên ngoài cửa sổ, gió xuân vẫn thổi từ vùng hạ du tới từng đợt, những đám tuyết cuối cùng sáng loá óng lên hồng hồng trên đỉnh gò của thôn Batki, những ngọn cây tiêu huyền biên kia sông Đông ngả nghiêng trước gió mạnh đến nỗi Grigori nhìn thấy thế cứ tưởng như đang nghe thấy những tiếng xào xạc trầm trầm không lúc nào ngớt.

Giọng nói rành rọt và kiên quyết của tên trung tá đã làm Grigori phải chú ý. Chàng cố gắng lắng nghe, rồi cái cảm giác buồn ngủ đờ đẫn bỗng chốc biến mất lúc nào không biết, cứ như bị gió thổi bay.

– Việc địch giảm bớt hoạt động trên mặt trận của sư đoàn Một và ngày càng cố gắng chuyển sang thế công trên tuyến Migulinskaia – Meskovskaia bắt chúng ta phải tỉnh táo đề phòng. Tôi cho rằng…

Tên trung tá định nói hai tiếng “đồng chí” nhưng tắc họng không thốt ra được, hắn giật giọng nói to hơn và hoa hai tay trong trong, trắng hếu như tay đàn bà – tư lệnh Kudinov có sự ủng hộ của Xafonov đã phạm một sai lầm cực lớn là coi các hoạt động nghi binh của bọn Đỏ là chuyện thật, đi đến làm yếu khu vực do Melekhov phụ trách.

– Thưa các ngài, xin các ngài lượng thứ cho? Điều lực lượng của địch đi chỗ khác để bất thần ập tới tấn công, đó chỉ là một điều sơ đẳng về chiến lược…

– Nhưng Melekhov không cần đến trung đoàn dự bị, – Kudinov ngắt lời hắn.

– Đâu có thế? Chúng ta cần nắm sẵn trong tay một phần lực lượng dự bị của sư đoàn Ba để trong trường hợp bị quân địch chọc thủng còn có gì tung ra ngăn chặn.

– Xem ra Kudinov cũng không thèm hỏi xem tôi có muốn cho đội dự bị hay không. – Grigori nổi sung. – Nhưng tôi thì tôi không cho. Một đại đội cũng không cho?

– Thôi việc nầy, người anh em ạ… – Xafonov vuốt hàng ria vàng hoe mỉm cười kéo dài giọng.

– Chẳng có “người anh em” gì cả! Không cho là không cho có thế thôi!

– Về mặt tác chiến…

Anh đừng mang cái mặt tác chiến ra mà nói với tôi. Tôi chịu trách nhiệm về khu vực của tôi và các anh em dưới quyền tôi.

Tên trung tá Georgitze đã cắt đứt cuộc đấu khẩu nổ ra bất ngờ như thế. Cây bút chì đỏ trong tay hắn khoanh vùng bị uy hiếp bằng một đường chấm chấm và đến khi mấy tên dự cuộc họp chụm đầu trên bản đồ thì tất cả đều nhận thấy rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa là cuộc tấn công mà bộ chỉ huy Hồng quân đang chuẩn bị thực tế chỉ có thể đánh vào khu vực phía nam, vì đó là nơi gần sông Dones nhất và thuận lợi nhất về mặt giao thông liên lạc.

Một giờ sau hội nghị bế mạc. Gã Koldrat Medvedev, một anh chàng mặt mũi cau có, vẻ người cũng như dáng đi đều hệt như một con chó sói, mãi cuối cùng mới phát biểu ý kiến. Gã vốn ít chữ nghĩa nên suốt cuộc hội nghị cứ câm như hến, hai con mắt gã gườm gườm nhìn tất cả mọi người.

– Giúp đỡ Melekhov thì chúng tôi sẽ giúp. Nhưng chỉ có một ý nghĩ cứ làm tôi canh cánh, thật là thổ tả! Nếu quân địch bắt đầu dồn tới, từ tất cả các phía, thì chúng ta sẽ chạy đi đâu? Chúng nó sẽ quây chúng ta thành đống, và chúng ta sẽ lâm vào một tình thế chẳng khác gì những con rắn nước trên một cái gò trong mùa nước lụt. Rắn nước còn biết bơi, chứ chúng ta thì chẳng bơi đi đâu đước.

Bogatyrev cười khồ khồ.

– Chuyện ấy bọn chúng tôi cũng đã có nghĩ tới, – Kudinov nói, vẻ đăm chiêu. – Nhưng không sao, đến bước đường cùng chúng ta sẽ bỏ lại tất cả những người không cầm được vũ khí, bỏ gia đình để chiến đấu mở đường máu chạy về sông Dones. Lực lượng của chúng ta chẳng phải là nhỏ, hàng ba vạn quân.

– Nhưng bọn “Kadet” có chịu nhận chúng ta không? Chúng nó vốn căm dân Đông – Thượng lắm đấy.

– Gà mẹ đã vào ổ, thì trứng… Vấn đề nầy còn có gì phải bàn nữa!

Grigori chụp cái mũ lên đầu, bước ra hành lang. Qua cánh cửa chàng còn nghe thấy Georgitze cuộn loạt soạt tấm bản đồ và trả lời:

– Dân Vosenskaia cũng như nói chung tất cả những người khởi nghĩa sẽ chuộc được tội đối với sông Đông và nước Nga, nếu vẫn cứ chiến đấu anh dũng chống lại bọn Bolsevich như thế nầy…

“Đồ rắn độc, miệng nó xơn xớt như thế nhưng trong bụng lại cười thầm mình!” – Grigori lắng nghe giọng nói, bụng bảo dạ. Và cũng như trong những giây phút đầu tiên, lúc chàng mới gặp tên sĩ quan đột nhiên xuất hiện ở Vosenskaia, Grigori lại cảm thấy trong lòng có điều gì canh cánh và một sự tức tối vô duyên vô cớ.

Grigori ra tới cổng của bộ tư lệnh thì Kudinov đuổi kịp. Hai người cùng đi, nhưng trong một lát không ai nói gì cả. Gió thồi ràn rạt làm nhăn những vũng nước trên cái quảng trường đầy phân gia súc. Trời đã hoàng hôn. Với những đường cong tròn trặn, những đám mây trắng nặng nề trôi thẫn thờ từ phía nam tới như những con thiên nga, chẳng khác gì trong một ngày hè. Mùi đất đang tan tuyết thơm và ẩm, như truyền thêm sức sống. Bên các dãy hàng rào, cỏ đã nhú lên xanh rờn, và thực tế gió đã đưa từ bên kia sông Đông với tiếng xào xạc xao xuyến lòng người của những cây tiêu huyền.

– Băng trên sông Đông sắp tan đến nơi rồi. – Kudinov húng hắng ho nói.

– Phải.

– Làm thế quái nào mà biết được… Không có thuốc hút thì bọn mình nguy mất. Một cốc thuốc lá địa phương mà đến bốn mươi rúp Kerensky.

– Anh hãy bảo, – Grigori vừa đi vừa quay lại hỏi, giọng gay gắt, – cái thằng sĩ quan vừa nãy, cái thằng trec- ket ấy, nó đến chỗ anh làm gì thế?

– Georgitze ấy à? Trưởng phòng tác chiến đấy. Cái thằng quỷ sứ ấy cừ lắm đấy? Các kế hoạch chính là do hắn thảo ra cả. Về chiến lược thì chúng mình thua hắn hết.

– Nó luôn luôn ở Vosenskaia à?

– Không, bọn mình phái hắn đến trung đoàn Chernovsky, chỗ đội vận tải.

– Nếu vậy thì nó làm thế nào theo dõi được các công việc?

– Cậu cũng thấy đấy, hắn thường đến đây luôn. Hầu như ngày nào cũng đến.

– Nhưng tại sao các anh không giữ nó ở lại Vosenskaia? – Grigori cố hỏi dồn cho ra lẽ.

Kudinov vẫn cứ đưa tay lên che miệng húng hắng ho và trả lời miễn cưỡng:

– Bọn Cô- dắc nhìn thấy hắn thì không tiện. Cậu cũng biết anh em mình chúng nó như thế nào rồi chứ? Chúng nó lại bảo: “Xem đây, bây giờ bọn sĩ quan lại được nâng lên rồi, vẫn ngựa quen đường cũ. Lại những thằng có lon vai…” và còn gì gì nữa ấy chứ.

– Trong quân đội còn có những thằng khác như nó không?

– Ở Kazanskaia có hai ba thằng gì đó… Griska ạ, cậu đừng quá khó chịu. Mình cũng đã thấy cậu muốn như thế nào rồi. Người anh em thân mến ạ, ngoài bọn “Kadet” ra, chúng ta chảng còn chỗ nào mà dựa nữa đâu. Có thật như thế không? Hay cậu lại định tổ chức riêng một nước cộng hoà với một chục cái trấn nầy? Trong chuyện nầy chẳng còn gì mà nói nữa rồi… Chúng ta sẽ cúi đầu nhận tội để về nói với Krasnov: “Thưa ngài Petro Mikolait, chúng tôi đã chót lầm lỡ một chút, chúng tôi đã bỏ mặt trận!”

– Lầm lỡ ấy à? – Grigori hỏi lại.

– Nếu không thì còn sao nữa? – Kudinov trả lời với một vẻ ngạc nhiên rất thành thật và cố tránh vũng nước nhỏ.

– Nhưng tôi lại nghĩ rằng… – Grigori sầm mặt, nhưng vẫn cố nặn ra một nụ cười. – Tôi lại cho rằng chúng ta đã lầm lỡ khi nổi lên bạo động. Anh đã nghe cái thằng vùng sông Khop nói gì rồi chứ?

Kudinov không nói gì, chỉ liếc ngang nhìn Grigori có ý thăm dò. Hai người đi hết quảng trường đến chỗ ngã tư thì chia tay.

Kudinov đi qua trường trung học về chỗ hắn ở. Grigori quay về bộ tư lệnh, chàng giơ tay ra hiệu cho gã cần vụ dắt ngựa tới. Sau khi ngồi lên yên, chàng từ từ đóng lại dây cương, sửa cái dây đeo khẩu súng trường, nhưng vẫn cố nghĩ xem tại sao mình đã có cái cảm giác thù địch và đề phòng giữ miếng khó hiểu khi nhận ra có tên trung tá trong bộ tư lệnh. Rồi bỗng nhiên chàng hoảng lên nghĩ thầm: “Nếu bọn Kadet đã chủ tâm đặt sẵn những thằng sĩ quan có trình độ hiểu biết nầy ở lại trong vùng chúng ta để bọn nầy xúi bẩy chúng ta nổi dậy trong hậu phương của bọn Đỏ rồi chỉ đạo chúng ta theo kiểu chúng nó, theo kiểu bọn học giả thì sao? ” Rồi ý thức cứ quái ác gợi lên cho chàng những điều ức đoán và những kết luận. “Nó không chịu nói là thuộc đơn vị nào… nó ngần ngà ngần ngừ… Một thằng cán bộ tham mưu mà đến đây lại không ở bộ tư lệnh… Ma dẫn lối, quỷ nào đưa đường nó đến Dudarevsky, đến cái nơi khỉ ho cò gáy nầy làm gì? Chao ôi, không phải không có duyên cớ đâu? Chúng ta đã làm công việc rối lên như bòng bong rồi…” Và những điều suy nghĩ ấy đã lột trần cho chàng thấy bộ mặt thật của cuộc đời. Với ý thức của một con người cùng đường, chàng nghĩ thầm một cách đau khổ: “Cái bọn lắm chữ nghĩa ấy đã làm rối việc của chúng ta rồi! Chúng nó đã trói buộc cuộc đời của chúng ta như người ta trói hai chân sau của những con ngựa và mượn tay chúng ta để thực hiện các mưu đồ của chúng nó. Dù những việc lặt vặt cũng không thể tin vào ai được nữa rồi…”.

° ° °

Sang đến bên kia sông Đông, chàng cho ngựa phi nước đại. Phía sau nghe thấy cọt kẹt tiếng yên ngựa của gã cần vụ, một tên Cô- dắc dũng cảm chiến đấu rất cừ, người thôn Olsansky, Grigori đã chọn những tên như thế để cùng mình xông vào những nơi nước sôi lửa bỏng, và chàng đã tập hợp được chung quanh mình một số tên đã qua thử thách từ trận chiến tranh chống Đức. Gã cần vụ nầy trước kia là trinh sát, suốt chặng đường gã chẳng nói chẳng rằng. Ngựa đang chạy nước kiệu, gã vẫn có thể đập đá lửa châm thuốc hút ngay ngoài gió, một nắm mđỉ thơm phức lùi tro hướng dương nóng nằm lỏn trong bàn tay to bè. Trong khi xuống dốc tới thôn Tokin, gã khuyên Grigori:

– Nếu không có gì phải vội thì chúng ta hãy vào đây mà nghỉ đêm. Hai con ngựa đã mệt lử rồi, phải cho nghỉ mới được.

Hai thầy trò nghỉ đêm ở Trukarin. Trong một túp lều cũ nát gồm hai phòng nối với nhau bằng một lối đi kín, họ cảm thấy dễ chịu và ấm áp như được về gia đình sau khi phơi mặt ra gió lạnh. Sàn nhà bằng đất nện xông lên nồng nặc cái mùi mằn mặn của nước đái bò và nước đái dê. Từ trong bếp lò đưa ra một mùi nhạt thếch như bánh mì nướng trong lá bắp cải đã hơi cháy. Chủ nhà là một mụ già Cô- dắc đã tiễn ba con trai và cả lão già đi theo quân phiến loạn. Grigori miễn cưỡng trả lời những câu mụ vặn hỏi chàng. Mụ nói giọng trầm trầm, đầy vẻ kẻ cả, luôn luôn ra cái điều ta đây là kẻ già cả và ngay từ những lời đầu tiên, mụ đã quát Grigori một cách thô lỗ:

– Tuy anh là cấp trên, là chỉ huy của cái bọn Cô- dắc ngu xuẩn ấy thật, nhưng đối với tôi, đối với mụ già nầy, anh chỉ đáng tuổi con thôi, chớ có lên cái mặt hách dịch. Thôi nầy con chim ưng kia, anh hãy làm ơn tiếp chuyện tôi một lát. Đừng có cái kiểu ngáp ngắn ngáp dài làm như không thèm nói chuyện với đàn bà ấy, thật chẳng còn biết tôn trọng nữa. Nhưng anh phải tôn trọng mới được. Tôi đã đưa ba thằng con đi tham gia cái cuộc chiến tranh chết tiệt nầy rồi.

Lại thêm ông lão nhà tôi nữa. Anh thì chỉ huy chúng nó, nhưng chúng nó, mấy thằng con tôi ấy, tôi lại là người đẻ ra chúng nó, cho bú, cho ăn, bế chúng nó trong cái vạt váy nầy đi khắp các vườn rau vườn dưa, đau đớn khổ sở vì chúng nó. Làm được như thế cũng không dễ đâu! Thế thì anh chớ có hợm hĩnh, chớ có hống hách, mà phải nói rõ ràng cho tôi biết: đã sắp giảng hoà chưa?

– Sắp rồi đấy… Nhưng đi ngủ đi, bà mẹ ạ – Lại sắp rồi! Nhưng làm thế nào mà sắp được! Mà anh thì đừng có bảo tôi đi ngủ. Ở đây chủ nhà là tôi chứ không phải là anh. Tôi còn phải ra sân bắt mấy con cừu con vào đây. Chúng nó còn nhỏ quá đêm nào cũng phải đem từ ngoài sân vào. Thế trước lễ phục sinh đã giảng hoà được chưa?

– Chúng tôi tống cổ bọn Đỏ đi rồi sẽ giảng hoà.

– Đã lạ chửa? – Mụ già để rơi tay xuống hai cái đầu gối quắt queo nhòn hoắt, hai bàn tay sưng vù với những ngón co quắp vì lao động và iê thấp. Mụ nhai nhai cặp môi khô nâu xịt như vỏ mận. – Ôn dịch nào bắt được chúng nó chịu thua các anh? Mà việc gì các anh lại đánh nhau với chúng nó chứ? Con người thật đã hoá điên hoá ngộ… Những thằng trời không dung đất không tha như các anh chỉ thích nổ súng đùng đoàng và nghênh ngáo trên lưng ngựa, nhưng các bà mẹ thì như thế nào? Những thằng bị giết chẳng phải là con của các bà mẹ hay sao? Không biết những đứa nào đã nghĩ ra cái trò chiến tranh…

– Thể chúng tôi không phải là con của các bà mẹ thì là con của những con chó cái à? – Những lời của mụ già đã làm gã cần vụ của Grigori chối tai không chịu được nữa, gã tức tối nói giọng khàn khàn trầm hẳn xuống. – Chúng nó giết chúng tôi mà bà lại bảo chúng tôi “nghênh ngáo trên lưng ngựa!” Cứ làm như những người làm mẹ đau khổ hơn những đứa bị giết không bằng! Nhà bà thật là hồ đồ. Chúa cho sống đến lúc tóc bạc như thế nầy mà còn ăn nói lung tung… cứ thao thao như nước sông Đông, như nước biển, không để cho người ta chợp mắt được một lúc nữa…

– Đồ ôn dịch, anh còn được ngủ chán mắt! Làm gì mà trợn trừng trợn trạo lên như thế hử? Lầm lầm lì lì mãi như con chó sói độc rồi kiếm được chuyện là nổ ra đùng đùng. Xem kìa! Cáu lên đến khản cả tiếng rồi kìa.

– Anh Grigori Panteleevich ạ, mụ chẳng cho chúng ta ngủ nữa – Gã cần vụ kêu lên một cách tuyệt vọng rồi đập đá lửa hút thuốc mạnh đến nỗi cả một dé tia sáng tóe ra dưới hòn đá lửa.

Trong lúc cái mồi lửa cháy và bốc khói khét lẹt, gã dùng một giọng cay độc đánh gục mụ chủ nhà lắm mồm.

– Bà quen cái thói bẻ hành bẻ tỏi và làm phiền người ta dai không kém gì một con ong vò vẽ! Có lẽ nếu lão già nhà bà bị giết ngoài mặt trận, thì lúc sắp nhắm mắt lão cũng thấy nhẹ nhõm cả người. Lão sẽ bảo: “Thôi, ơn Chúa, thế nầy là mình thoát khỏi tay mụ già rồi, cầu cho trái đất đối với mụ cũng chỉ nhẹ như một nắm lông thiên nga!”

– Đồ hung thần ác quỷ, sao lưỡi anh không mọc đầu đanh ra?

– Thôi ngủ đi, bà hãy vì Chúa cứu thế mà ngủ đi. Đã ba đêm nay chúng tôi không được chợp mắt lúc nào rồi đây. Thôi ngủ đi! Cái kiểu như thế có thể làm con nhà người ta chết không cần rửa tội đấy.

Grigori phải vất vả lắm mới hoà giải được hai người. Lúc thiếp đi chàng ngửi thấy cái mùi ấm ấm chua chua rất dễ chịu của chiếc áo choàng may bằng lông cừu đắp trên mình. Trong khi mơ màng, chàng nghe thấy tiếng cửa mở và cảm thấy một làn không khí lành lạnh ẩm ẩm trùm quanh hai chân mình. Rồi có tiếng một con cừu non kêu be be rất to ngay bên tai. Những cái móng nhỏ xíu của nó đập rất nhanh xuống đất. Thoảng có những mùi tươi mát, sảng khoái của cỏ khô, của sữa cừu bốc hơi, của sương giá, của sân gia súc…

Đến nửa đêm thì Grigori không ngủ được nữa. Chàng nằm rất lâu với hai con mắt mở trừng trừng. Trong cái bếp lò dưới đất đã phủ kín, loáng thoáng thấy đỏ rực vài hòn thàn qua lớp tro màu đá mắt mèo. Mấy con cừu non rúc vào nhau thành một đống nằm ngay ở chỗ nóng nhất, bên miệng lò. Trong bầu không khí lặng tờ êm dịu của lúc nửa đêm, có thể nghe thấy tiếng những con cừu nghiến răng trong giấc ngủ, thỉnh thoảng lại có con hắt hơi và thở phì phì. Vừng trăng vành vạnh nhòm qua cửa sổ từ một nơi xa lắc. Một con cừu nhỏ lông đen tính hay nô nhảy cỡn và đạp lung tung trong vuông ánh sáng vàng vàng dưới sàn đất. Một dải bụi màu ngọc trai nằm tréo dài theo dải ánh sáng trăng. Ánh sáng trong nhà xanh xanh vàng vàng, gần như ban ngày. Mảnh gương gài trên lò sưởi lấp loáng. Chỉ góc phòng phía trước là tôi tối, với những ánh bạc bềnh bệch trên những hình thánh… Grigori lại băn khoăn với những ý nghĩ về cuộc hội nghị ở Vosenskaia, về gã phái viên của vùng sông Khop, và đến khi nhớ lại thằng trung tá cùng vẻ người và lối nói năng cư xử xa lạ của nó, của một kẻ trí thức, chàng bất giác cảm thấy trong lòng xao xuyến, phiền não và khó chịu. Một con cừu non leo lên cái áo lông, đứng ngay trên bụng Grigori. Nó giương cặp mắt đần độn nhìn giờ lâu rồi vẫy vẫy tai, liều lĩnh nhảy hai ba cái và đột nhiên dạng hai cái chân loằng ngoằng. Một dòng nước dải nhỏ rè rè chảy từ cái áo lông cừu xuống bàn tay dâng rộng của gã cần vụ ngủ bên cạnh Grigori. Gã kia lầm bầm tỉnh dậy, chùi tay vào quần và lắc đầu một cách đau khổ.

– Đái ướt cả người ta rồi, cái con khốn kiếp… Xéo! – Gã nói xong búng vào giữa trán con cừu con một cách khoái trá.

Con cừu kêu be be một tiếng như chọc vào tai, nhảy từ trên cái áo choàng xuống rồi tới liếm rất lâu bàn tay của Grigori, cái lười nhỏ xíu vừa ráp vừa ấm.

— —— —— —— ——-

1 Xô viết Quân khu của bọn phiến loạn (ND).

2 Chỉ Hồng quân (ND).

3 Đúng phải là: “… nhưng trí lực hai người thì tốt hơn”. Không hiểu anh chàng Kudinov nầy cố ý nói đùa hay dẫn tục ngữ mà cũng không nên thân (ND).

4 Bản đồ vẽ theo tỉ lệ một in (2,54cm) trên bản đồ bằng ba vec- xta.

Chọn tập
Bình luận