Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 217

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Trong thôn đã băt đầu có những lời dị nghị về câu chuyện giữa Miska và Dunhiaska. Có lần một mụ đàn bà gặp Dunhiaska ngoài bến sông đã hỏi cô với một vẻ chế diễu ra mặt. “Nhà cô thuê Miska làm công hay sao thế? Gần như không thấy hắn bước ra khỏi sân nhà cô nữa…”

Trước tất cả những lời van nài của con gái, bà Ilinhitna khăng khăng một mực: “Mầy đừng có van xin gì nữa, tao không đem mầy gả cho nó đâu! Chúng mầy sẽ không có lời chúc phước của tao đâu!”

Mãi đến khi Dunhiaska nói dứt khoát rằng cô sang ở bên nhà Miska và bắt tay vào việc thu dọn các đồ riêng, bà Ilinhitna mới thay đổi quyết định.

– Mầy hãy nghĩ lại đi. – Bà hốt hoảng kêu lên. – Một mình tao với hai đứa trẻ thì tao sẽ làm thế nào bây giờ? Mầy muốn bà cháu tao chết cả hay sao?

– Như mẹ biết đấy, nhưng con không muốn làm cái bung xung cho thôn xóm chê cười. – Dunhiaska khẽ nói và tiếp tục ném quần áo của mình, quần áo của một người còn con gái, trong cái rương ra.

Cặp môi bà Ilinhitna lắp bắp rất lâu không thành tiếng, rồi bà nặng nề lê chân tới góc nhà để hình thánh:

– Thôi được, cũng không sao, con gái của mẹ… – Bà vừa lẩm bẩm vừa lấy một bức hình thánh xuống. – Mầy đã muốn như thế thì cầu Chúa che chở cho mầy, thôi mầy…

Dunhiaska quì xuống. Bà Ilinhitna làm dấu phép chúc phước cho con gái và nói giọng run run:

– Mồ ma mẹ tao đã chúc phước cho tao với bức hình thánh nầy… Chao ôi, nếu bây giờ mà bố mày trông thấy mày… Mầy có nhớ bố mày đã nói những gì về thằng chồng chưa cưới của mầy không? Có Chúa chứng giám là tao đau khổ đến ngần nào… – Bà nói xong lặng lẽ quay đi và bỏ ra phòng ngoài.

Miska cố khuyên cô dâu đừng làm lễ cưới ở nhà thờ, nhưng dù anh nói thế nào cô gái bướng bỉnh vẫn khăng khăng không nghe. Miska đành phải miễn cưỡng làm theo. Anh rủa thầm mọi thứ trên đời và lúc sắp sửa ra nhà thờ làm lễ, anh cứ nghĩ như mình sắp bị đem đi hành hình. Lão cố đạo Visarion len lén làm lễ cưới cho hai người trong loà nhà thờ vắng tanh. Sau khi làm xong các nghi thức, lão chúc mừng cô dâu chú rể và nói giọng răn dạy:

– Đấy đồng chí Xô viết trẻ tuổi thử xem, cuộc đời thường như thế đấy: năm ngoái đồng chí đã tự tay đốt nhà tôi, như người ta thường nói là đem nó làm mồi cho thần lửa, nhưng hôm nay tôi lại được làm lễ cưới cho đồng chí… Tục ngữ có câu là đừng nhổ xuống giếng vì có khi còn phải dùng đến. Nhưng dù sao tôi cũng vui mừng, thực tâm lấy làm vui mừng vì đồng chí đã tỉnh ngộ và tìm được con đường tới nhà thờ của Chúa cứu thế.

Đến thế thì Miska còn chịu làm sao được nữa. Từ lúc đặt chân vào nhà thờ, anh vốn đã lầm lì chẳng nói chẳng rằng, trong lòng rất lấy làm nhục nhã trước cái ý chí bạc nhược của mình và tự mình lại phẫn nộ với mình. Đến lúc nghe thấy thế, anh tức điên lên quắc mắt nhìn lão cố đạo thù dai, và trả lời rất khẽ để Dunhiaska khỏi nghe thấy:

– Thật tiếc là hôm ấy mày đã bỏ thôn chạy thoát, nếu không tao đã hoả thiêu cả mày lẫn cái nhà của mày rồi, con quỉ bờm dài nầy! Mày nghe rõ chưa, hử.

Đực người ra như hoá dại trước một đòn bất ngờ như thế, lão cố đạo cứ hấp háy con mắt nhìn Miska chằm chằm, còn Miska thì kéo tay áo cô vợ trẻ, nói giọng nghiêm khắc: “Ta đi thôi” nói xong dẫm lộp cộp đôi ủng của quân đội, bước ra cửa.

Trong lễ cưới chẳng có gì vui vẻ nầy đã không có uống rượu mà cũng không có ca hát. Prokho Zykov làm phù rể trong đám cưới.

Hôm sau hắn cứ nhổ nước bọt than phiền mãi với Acxinhia:

– Chà cô nàng ạ, thế mà cũng là cưới với xin! Lúc ở nhà thờ, không biết thằng Miska đã cho lão cố đạo nghe những gì mà miệng lão già méo xệch đi! Đến bữa tiệc cưới thì cô thử xem có được những gì? Gà rán và sữa chua… Hai cái đứa quỉ quái ấy, đáng là chúng nó cũng phải đưa ra dù chỉ một giọt rượu? Phải cho Grigori Pantelevich xem người ta đã làm lễ cưới cho cô em gái yêu của hắn như thế nào thì mới thú! Cho hắn một mẻ được ôm đầu! Không, cô nàng ạ, thật chẳng còn ra thế nào nữa! Từ bây giờ thì tôi chịu không dám đến dự những đám cưới đời sống mới nầy nữa rồi. Đến dự đám cưới chó còn vui hơn, đến đấy ít nhất còn được thấy những con chó dái rứt lông nhau, còn có huyên náo ầm ĩ, chứ ở đây thì chẳng có nhậu nhẹt, cũng chẳng có đánh lộn. Cái bọn bỏ đạo ấy, chúng nó thật đáng nguyền rủa! Cô có tin được không, sau khi đi ăn đám cưới nầy, tôi đã mất hết tinh thần, suốt đêm chẳng làm thế nào mà ngủ được, nằm xuống giường mà người ngứa ngáy cứ như bị rắc một nắm bọ chó xuống dưới áo sơ- mi ấy.

Từ ngày Miska đến ở nhà Melekhov, mọi mặt trong công việc làm ăn đều đổi khác hẳn. Chỉ một thời gian ngắn anh ta đã sửa lại dãy tường bao, cắt cỏ trên đồng cỏ chở về sân đập lúa, đánh những đống cỏ gọn gàng ngay ngắn, làm mọi công việc chuẩn bị cho việc gặt lúa, làm lại những tấm ván và những cái cánh của cái máy gặt thô sơ quét dọn sạch sẽ sân đập lúa, sửa chữa cái quạt hòm cũ, và sửa sang bộ đồ thắng ngựa, vì anh đã có ngầm ý định đem đôi bò mộng đổi lấy một con ngựa và đã nhiều lần nói với Dunhiaska: “Chúng ta phải nuôi lấy một con ngựa mới được. Đi dẫn rệu với hai ông thánh tông đồ chân toẽ ngón nầy thì cũng đến phát khóc”.

Một hôm anh ngẫu nhiên tìm thấy trong nhà kho một thùng sơn trắng và một ít sơn màu nước biển, bèn lập tức quyết định sơn lại những cánh cửa chớp cũ quá đã xám xịt. Ngôi nhà Melekhov nom như trẻ lại và nhìn ra thế giới bên ngoài với những con mắt xanh tươi Miska tỏ ra là một ông chủ cơ nghiệp siêng năng. Tuy đang ốm anh vẫn làm công việc nầy việc nọ không lúc nào ngơi tay. Dunhiaska giúp đỡ anh trong mọi việc.

Lấy chồng chưa được mấy ngày mà Dunhiaska đẹp hẳn ra, vai và háng tựa như nở nang thêm. Có cái gì mới mẻ xuất hiện trong ánh mắt, trong dáng đi, trong cả cách sửa lại mớ tóc. Trước kia các cử chỉ của cô đều vụng về ngượng nghịu, chân tay vung vẩy loăng quăng như con nít, nhưng nay đã không còn như thế nữa.

Dunhiaska trở nên tươi tắn, nhu mì và cứ nhìn chồng bằng cặp mắt tràn ngập yêu đương, chẳng còn nhận thấy chung quanh có gì nữa.

– Bọn trẻ đang hưởng hạnh phúc thì có bao giờ nhìn thấy gì…!

Nhưng bà Ilinhitna thì càng ngày càng cảm thấy sâu sắc và đau đớn hơn sự cô quạnh đang đến với mình. Bà đã trở thành một người thừa trong ngôi nhà ở đó bà đã sống gần trọn một đời người. Hai vợ chồng Dunhiaska làm việc cứ như để xây dựng cái tổ ấm riêng của mình trên nơi đất trống. Hai người chẳng xin ý kiến bà về việc gì và cũng chẳng cần được bà đồng ý khi bắt tay vào làm một việc gì.

Không hiểu sao hai người cũng không kiếm được lời nào âu yếm để nói với bà. Chỉ khi họ ngồi vào bàn ăn họ mới trao đổi với bà vài câu không có ý nghĩa gì lắm và bà Ilinhitna lại đơn độc một thân với những ý nghĩ sầu thảm của mình. Bà không cảm thấy sung sướng trước hạnh phúc của con gái. Sự có mặt của một người lạ trong nhà làm bà khó chịu, vì vẫn như xưa, bà vẫn coi anh chàng con rể nầy là một người lạ. Ngay cuộc đời cũng đã trở thành một gánh nặng đối với bà. Chỉ một năm mà bà ta đã mất đi bao nhiêu con người gần gụi với trái tim bà, nhưng bà vẫn phải sống, lưng còng xuống dưới những đau khổ, người già xọm đi, nom rất là thảm hại. Bà đã phải chịu đựng nhiều, có thể nói là quá nhiều điều khổ cực. Bà không còn đủ sức để chống lại nữa, vì thế cứ sống với dự cảm đầy mê tín là sau khi đã từng đến thăm gia đình nhà bà nhiều lần như thế, thần chết sẽ có dịp bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà cổ của họ Melekhov. Sau khi nhẫn nhục để cho Dunhiaska đi lấy chồng, bà Ilinhitna chỉ còn hy vọng một điều là chờ được đến khi Grigori trở về, trao lại cho chàng hai đứa trẻ rồi nhắm mắt, hai tay buông xuôi. Vì đã sống một cuộc đời cực nhọc dài như thế, bà đã có được cái quyền nghỉ ngơi Những ngày hè dài đằng đẵng nối tiếp nhau mãi không thôi.

Nắng chói chang rất nóng. Song những tia nắng như mọc gai không còn sưởi ấm bà Ilinhitna nữa. Bà thường ngồi rất lâu bên thềm, ở chỗ dải nắng nhất, hoàn toàn không động đậy mà cũng chẳng quan tâm chút gì tới mọi vật chung quanh. Còn đâu là bà chủ nhà bận rộn và siêng năng xưa kia. Bà không muốn làm việc gì nữa. Bây giờ mọi công việc đều trở nên không có ý nghĩa, không cần thiết và không có giá trị, vả lại bà cũng chẳng còn đâu sức lực để làm lụng như ngày xưa. Bà thường hay ngắm hai bàn tay rộng bè ra vì bao nhiêu năm lao động và thầm tự nói với mình: “Hai bàn tay của mình đã làm xong hết mọi việc rồi đây… Đã đến lúc phải cho nó được ngơi… Mình đã sống quá nhiều, cũng đủ rồi… Chỉ cần chờ được đến ngày thằng Grigori yêu quý trở về…”

Riêng có một lần cái tinh thần yêu đời xưa kia đã trở lại với bà Ilinhitna, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Prokho ở trên trấn về, tiện đường tạt qua nhà bà và từ xa hắn đã gào lên:

– Làm tiệc khao đi, bà Ilinhitna ơi! Tôi mang thư của con trai bà về dây!

Bà già tái mặt. Bà đã mang một ấn tượng là một bức thư thế nào cũng gắn liền với một điều bất hạnh mới. Nhưng khi Prokho đọc cho bà nghe xong bức thư ngắn ngủi thì bà sung sướng quá, mãi chẳng nói được ra lời. Một nửa bức thư gồm toàn những lời thăm hỏi gia đình, và mãi cuối mới thấy ghi thêm rằng Grigori đang cố gắng xin về nghỉ phép trước mùa thu. Những giọt nước mắt rất nhỏ chảy lăn tăn như hạt cườm trên khuôn mặt rám nâu của bà, theo những vết nhăn sâu trên má. Bà cúi đầu, đưa cánh tay áo và bàn tay sần sùi lên lau nước mắt, song những giọt nước mắt vẫn cứ tuôn ra ròng trên mặt bà, chảy xuống lấm tấm cả chiếc tạp dề, mau như những giợt mưa. Prokho không phải là không vui mừng, nhưng thật sự là hắn không thể nào chịu nổi nước mắt của đàn bà, vì thế hắn cau mày nói bằng một giọng bực tức ra mặt:

– Chao ôi, bà cụ ơi là bà cụ, thế là cụ lại khóc rồi! Đàn bà các bà sào mà lắm cái thứ nước ấy thế… Phải vui lên chứ sao lại khóc như thế? Thôi, tôi đi đây, chào cụ nhé! Nhìn cụ thì tôi chẳng thoải mái chút nào cả.

Bà Ilinhitna chợt nhớ ra, bèn vội giữ hắn lại:

– Anh bạn thân mến của tôi ơi, anh đã đem lại cho tôi một tin vui như thế… Sao tôi lại có thể như thế nầy được… Anh hãy hượm một lát để tôi còn thết anh chứ… – Bà già lắp bắp nói không đầu không đũa, và lấy trong cái rương ra một chai rượu nặng để dành lâu lắm rồi.

Prokho ngồi xuống, vuốt ria:

– Cụ cũng uống với tôi một chén để mừng tin vui chứ? – Hắn hỏi.

Nhưng ngay lúc đó hắn lại lo lắng nghĩ bụng: “Chà, quỉ dữ lại giật lưỡi mình rồi! Chỗ rượu nầy chỉ được một hớp, nếu mụ cùng uống với mình thì sao…”

Bà Ilinhitna từ chối. Bà gấp bức thư rất cẩn thận, đặt lên cái ổ để các hình thánh, nhưng không biết bà nghĩ đi nghĩ lại thế nào, lại lấy nó xuống, cầm một lát trong tay rồi nhét vào bên trong áo, áp thật sát chỗ tim đập.

Dunhiaska ở ngoài đồng về, cô đọc bức thư rất lâu rồi mỉm cười thở dài:

– Chao ôi, anh ấy mau mau về đi thôi? Nếu không mẹ đã khác đi nhiều lắm rồi mẹ ạ.

Như có ý ghen, bà Ilinhitna giằng lại bức thư trong tay Dunhiaska, đem giấu lại vào trong áo rồi mỉm cười, nheo cặp mằt long lanh nhìn con gái và nói:

– Tao như thế nầy bây giờ thì chó nó trông thấy cũng không thèm sủa, thế mà thằng hái yêu quý của tao vẫn còn nhớ tới mẹ nó đấy!

– Mầy xem nó viết thư như thế đấy! Nó lại còn lễ phép gọi tao bằng tên theo bố, là bà Ilinhitna… Nó viết là nó cung kính cúi đầu chào mẹ yêu quí và hỏi thăm hai con yêu quí, lại không quên cả mầy nữa… Nhưng tại sao mày lại nhăn nhăn nhở nhở như thế hả? Mầy ngu xuẩn lắm, Dunhiaska ạ, mầy đúng là một con bé ngu xuẩn!

– Đúng thế đấy, mẹ ạ, nhưng con chỉ mỉm cười thôi mà cũng không được hay sao? Nhưng mẹ sắp sửa đi đâu thế?

– Tao ra vườn rau, xới đám khoai tây.

– Mai con sẽ tự đi xới lây, mẹ cứ ở nhà thì hơn. Lúc thì mẹ kêu ốm, lúc thì tự bới việc mà làm.

– Không, tao đi đây… Trong lòng tao đang vui, tao muốn đi một mình. – Bà Ilinhitna thú nhận rồi chít thoăn thoắt chiếc khăn lên đầu, nhanh nhẹn như một người còn trẻ.

Trên đường ra vườn rau, bà tạt vào nhà Acxinhia. Đầu tiên bà còn giữ ý chỉ nói những chuyện khác, rồi sau mới lấy bức thư ra.

– Cái thằng nhà tôi vừa gửi về một bức thư nhỏ, làm mẹ nó mừng quá nó có hứa sẽ về nghỉ phép đấy. Chị láng giềng thân mến ạ, chị cầm lấy nầy, đọc đi cho tôi được nghe lần nữa với.

Từ hôm ấy, Acxinhia nhiều lần đọc đi đọc lại bức thư. Bà Ilinhitna thường sang nhà nàng vào buổi chiều. Bà lấy ra chiếc phong bì màu vàng bọc rất cẩn thận trong một cái khăn tay rồi thở dài bảo nàng:

– Chị Acxiutka, chị đọc lại đi, hôm nay trong lòng tôi không biết có chuyện gì ấy, tôi nằm mơ thấy nó còn nhỏ như hồi nó cắp sách đến trường ấy…

Cùng với ngày tháng, những chữ viết bằng bút chì hoá học đã nhoà đi nhiều, nhiều chữ hoàn toàn không thể đọc được nữa, nhưng điều đó không gây cho Acxinhia một sự khó khăn nào cả: nàng đọc hức thư quá nhiều lần nên đã thuộc lòng. Ngay sau khi tờ giấy mỏng đã rách như xơ mướp, Acxinhia vẫn có thể kể lại bức thư từ đầu đến cuối mà không ngắc ngứ gì cả.

Chừng hai tuần sau, bà Ilinhitna cảm thấy trong người khó chịu. Dunhiaska đang bận đập lúa mà bà thì không muốn làm cho con gái mất công mất việc, nhưng bà lại không thể tự tay nấu nướng được.

– Hôm nay tao không dậy được đâu. Mày phải tự xoay xở thế nào thì xoay xở. – Bà già bảo con gái.

– Nhưng mẹ đau ở đâu thế mẹ?

Bà Ilinhitna vuốt những nếp trên chiếc áo đã làng đang mặc rồi trả lời không ngước nhìn lên:

– Đau như dần khắp người… Hình như lục phủ ngũ tạng đều long hết cả ra. Hồi tao còn trẻ, mồ ma bố mày thường cáu lên đánh tao… Hai nắm tay ông cứ như nắm tay thép ấy… Tao thường phải nằm chết lịm hàng tuần. Bây giờ cũng như thế đấy: khắp người tao đau ê ẩm, cứ như vừa ăn một trận đòn…

– Có lẽ con bảo anh Miska đi gọi y sĩ nhé!

– Cần gì phải gọi y sĩ, rồi tao sẽ dậy được thôi.

Ngày hôm sau, quả nhiên là bà Ilinhitna dậy được. Bà đi đi lại lại được trong sân, nhưng đến chiều lại phải nằm. Mặt bà hơi sị ra, dưới hai con mắt có những đám da lũng nhũng như người phù thũng. Đến đêm có nhiều lần bà phải chống tay nhỏm đầu trên những cáì gối đập phồng xếp rất cao, thở hổn hển: bà cảm thấy khó thở. Nhưng rồi cơn tức thở cũng qua. Bà lại có thể nằm ngửa một cách bình thản, thậm chí có thể bước trên giường xuống. Bà sống vài ngày trong một trạng thái tựa như lặng lẽ tách biệt với bên ngoài, tâm hồn lắng xuống. Bà chỉ muốn ở một mình, vì thế khi Acxinhia sang thăm, nàng hỏi gì bà cũng chỉ trả lời rất dè sẻn và khi nàng ra về thì bà thở dài khoan khoái. Bà lấy làm sung sướng vì hai đứa trẻ hầu như suốt ngày ở ngoài sân và Dunhiaska cũng ít khi vào quấy rầy bà với mọi câu thăm hỏi. Bà không cần đến sự thương hại hay an ủi nào nữa.

Đã đến lúc bà cảm thấy hết sức cần phải được yên tĩnh một mình để hồi tưởng lại rất nhlều chuyện trong đời. Vì thế bà thường nằm hàng giờ không động đậy, mắt mở he hé, chỉ những ngón tay sưng phù vẫn lần lần theo các nếp chăn, và toàn bộ cuộc đời bà đã diễn lại trước mắt bà trong những giờ phút ấy.

Kể cũng lạ vì cuộc đơi ấy có vẻ hết sức ngắn ngủi, vô vị và trong đó có biết bao điều nặng nề, đau khổ, tưởng như làm người ta không muốn nhớ lại nữa. Không hiểu sao trong các hồi ức và ý nghĩ của bà, bà cứ luôn hướng về Grigori. Có thể là từ khi chiến tranh bùng nổ đến giờ, bao nhiêu năm liền không bao giờ bà bớt lo lắng cho số phận của chàng và bây giờ, tất cả những cái gì còn làm cho bà gắn bó với cuộc đời đều chỉ còn là chàng. Hoặc cũng có thể là cùnơ với thời gian, nỗi buồn nhó thằng con cả và chồng đã bớt gay gắt, đã nguôi dần. Nhưng về họ, về những người đã khuất thì bà nhớ tới họ ít hơn và tựa như chỉ nhìn thấy họ qua một tấm màn sương màu xám.

Bà chỉ nhớ lại thời kỳ con gái và thời kỳ lấy chồng một cách miễn cưỡng. Điều đơn giản là tất cả các chuyện ấy chỉ là những điều không cần thiết, đã lùi xa về quá khứ và chẳng đem lại được niềm vui hay sự khuây khoả nào. Và những khi quay về quá khứ trong những hồi ức cuối cùng, bà vẫn tỏ ra là một người nghiêm khắc và trong sạch. Nhưng thường là “thằng hai yêu dấu” cứ bất thần hiện lên trong óc bà một cách hết sức rành rọt, gần như sờ thấy được. Và hễ nghĩ tới Grigori là bà lập tức bắt đầu nghe thấy tiếng tim mình đập dồn dập. Sau đó một cơn tức thở lại ập tới, mặt bà đen sẫm lại, và bà nằm bất tỉnh giờ lâu, nhưng vừa bắt đầu thở được là bà lại nhớ ngay tới chàng. Dù sao bà cũng không thể nào quên thằng con trai cuối cùng của bà…

Một hôm bà Ilinhitna nằm ở nhà trong. Vầng mặt trời giữa trưa chiếu chói lọi bên ngoài cửa sổ. Trên đường chân trời phía nam, những đám mây trắng bị gió dựng đứng trang nghiêm trôi trên nền trời xanh loá mắt. Chỉ có tiếng kêu đơn điệu, như ru ngủ của những con dế ảnh hưởng tới bầu không khí yên lặng trầm trệ. Ngoài kia, ngay bên dưới cửa sổ vẫn còn lại một dải cỏ chưa bị nắng thui cháy vì nằm nép vào nền nhà: những đám tân lê gần héo rũ mọc lẫn với yến đại mạch dại và nga quan. Chính đó là nơi những con dế đã tìm được chỗ trú chân và đang kêu ran. Trong khi lắng nghe tiếng dế kêu không ngớt, bà Ilinhitna bất giác ngửi thấy mùi cỏ bị hun nóng thoảng đưa vào phòng trong và trong khoảnh khắc, như một ảo ảnh, bà thấy hiện ra trước mắt một cánh đồng cỏ tháng Tám nóng bỏng dưới ánh mặt trời, một khoảng rạ lúa mì vàng óng, bầu trời xanh lam sáng rực sau tấm màn sương màu xám lơ…

Bà nhìn tháy rất rành rọt một đôi bò ăn cỏ trên một nẻo đất mọc đầy ngải cứu, một chiếc xe bò có căng mui, bà nghe thấy những tiếng dế kêu lanh lảnh, ngửi thấy mùi ngải cứu đắng đắng lợ lợ… Bà nhìn thấy cả mình trẻ đẹp, cao lớn, đẹp… Kìa chính bà đang vội vã chạy về chỗ xe đỗ. Dưới chân bà những cuống rạ lạo xạo đâm cả vào hai bắp chân không. Làn gió nóng hổi thổi khô trên lưng bà chiếc áo sơ- mi đẫm mồ hôi lồng vào trong váy, làm cổ bà rát như phải bỏng. Mặt bà đỏ bừng bừng, máu dồn lên làm trong tai như có tiếng chuông rung. Bà cong hai tay, đỡ cặp vú trĩu nặng, mọng sữa, và khi nghe thấy tiếng trẻ khóc nức nở, bà rảo bước hơn, vừa đi vừa cởi khuy cổ áo.

Cặp môi bị gió thổi khô nẻ của bà run run qua một nét cười khi bà bước tới cái nôi mắc dưới gầm xe, bế ra một thằng Griska ngăm ngăm đen, nhỏ xíu. Bà dùng răng cắn giữ sợi dây đẫm mồ hôi của cây thánh giá đeo tuỳ thân, vội vã cho nó bú ngay và khẽ nựng nó qua hàm răng nghiến chặt: “Con yêu quý của mẹ, thằng bé nhỏ nhoi của mẹ! Con đẹp con xinh của mẹ! Mẹ của con suýt làm con chết đói mất rồi!” Vẫn còn khóc ấm ức, thằng Griska vừa bú vừa cắn nụ hoa rất đau bằng mấy cái răng nhỏ xíu. Bố thằng Griska đứng ngay bên cạnh rửa lại cái hái, trẻ trai, với hàng ria đen. Qua hai hàng mi hạ thấp, bà nhìn thấy nét cười và hai khoảng lông trắng xanh xanh của cặp mắt giễu cợt… Bà thở chẳng ra hơi vì trời quá nóng, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, làm hai bên má buồn buồn, rồi ánh sáng tối dần, tối dần trước mắt bà…

Bà bừng tỉnh, đưa tay sờ sờ trên khuôn mặt đầm đìa nước mắt rồi cứ thế nằm rất lâu, khổ sở vì một cơn tức thở hết sức nặng nề và thỉnh thoảng lại thiếp đi không còn biết gì nữa.

Sau khi trời tối, lúc vợ chồng Dunhiaska đã đi ngủ, bà thu hết sức lực còn lại, nhỏm dậy, lần ra sân. Acxinhia phải đi tìm con bò cái lạc đàn mãi đến đêm khuya. Khi về đến nhà, nàng trông thấy bà Ilinhitna từ từ lê bước, lảo đảo đi qua sân đập lúa. “Bà lão đang ốm như thế mà sao còn mò ra đây thế nầy?” – Acxinhia ngạc nhiên nghĩ thầm rồi rón rén bước tới dãy hàng rào ngăn nhà mình với sân đập lúa của nhà Melekhov. Trăng tròn vành vạnh. Một làn gió hiu hiu thổi từ đồng cỏ vào. Cây rơm in một cái bóng rất sẫm lên mảnh sân trần trụi đã trà phẳng bằng đá lăn. Bà Ilinhitna vịn vào dãy hàng rào, đứng nhìn ra đồng cỏ, nơi đống củi mà những người cắt cỏ đốt lên đang nhấp nhánh như một ngôi sao xa lắc không sao với tới được.

Acxinhia nhìn thấy rất rõ khuôn mặt sị nặng của bà Ilinhitna bị ánh trăng xanh biếc rọi sáng và món tóc bạc xoã xuống chiếc khăn san đen mà các bà già thường chít.

Bà Ilinhitna nhìn rất lâu ra khoảng xanh thẫm của cánh đồng cỏ chìm trong bóng đêm, rồi bà gọi khe khẽ, tựa như có Grigori đang đứng ngay ở đấy, bên cạnh bà:

– Griska? Con yêu của mẹ! – Bà lặng đi một lát rồi lại nói giọng khàn khàn rất thấp, đổi khác hẳn – Giọt máu yêu dấu của mẹ!

Acxinhia run bắn người lên, nàng bị xâm chiếm bởi một cảm giác buồn nôn và kinh sợ không sao giải thích được, phải rời ngay dãy hàng rào, bỏ vào trong nhà.

Đêm hôm ấy bà Ilinhitna biết rằng mình sắp chết đến nơi và thần chết đã mò tới đầu giường của mình rồi. Đến khi trời rạng, bà lấy chiếc áo sơ- mi của Grigori trong cái rương, cuộn lại, nhét xuống dưới cái gối. Bà sắp sẵn cả cái áo liệm mà bà sẽ phải mặc sau khi thở hơi cuối cùng.

Sáng hôm sau, Dunhiaska vào thăm mẹ như thường lệ. Bà Ilinhitna lấy dưới cái gối ra chiếc áo sơ- mi của Grigori đã cuộn lại rất cẩn thận rồi lặng lẽ đưa cho Dunhiaska.

– Cái gì thế mẹ? Dunhiaska ngạc nhiên hỏi.

– Cái áo của thằng Griska. Đưa cho chồng mày, bảo nó lấy mà mặc, cái nó đang mặc đã cũ quá, thấm mồ hôi đến mục ra rồi còn gì – Bà Ilinhitna nói thều thào, chỉ hơi có thề nghe thấy.

Dunhiaska nhìn thấy trên nắp cái rương có cái váy đen, chiếc áo sơ- mi và đôi ủng ngắn bằng vải của mẹ, tất cả những thứ mà người ta thường mặc cho người chết để đưa tiễn họ đi chặng đường xa thẳm, cô tái mặt.

– Mẹ làm sao thế, mẹ yêu của con, mẹ đã sửa soạn áo liệm rồi sao? Mẹ hãy vì Chúa cứu thế mà cất nó đi! Cầu Chúa che chở cho mẹ, mẹ nghĩ tới cái chết sớm quá đấy.

– Không, tao đã đến lúc rồi… – Bà Ilinhitna khẽ nói, – Đã đến lượt tao rồi… Hai đứa trẻ, mày hãy trông nom săn sóc chúng nó, trong lúc thằng Griska còn chưa về… Còn nó thì xem ra tao không chờ đến khi nó về được đâu… Chao ôi, không chờ được nữa rồi!

Để Dunhiaska khỏi trông thấy những giọt nước mắt của mình, bà Ilinhitna quay mặt vào trong tường và đưa chiếc khăn tay lên che mặt.

Ba ngày sau bà qua đời. Những người bạn cùng tuổi của bà tắm rửa cho bà, khâm liệm cho bà và đặt bà lên chiếc bàn ở nhà trong.

Đến tối Acxinhia sang chia tay với người quá cố. Khuôn mặt bà già nhỏ bé vừa qua đời nom nghiêm khắc và như đẹp ra. Nhìn khuôn mặt ấy, Acxinhia nhận ra rất khó khăn dung mạo của bà Ilinhitna kiêu hãnh và dũng cảm trước kia. Trong khi ghé môi vào vừng trán vàng ệch và lạnh băng của người chết, Acxinhia nhìn thấy món tóc bạc quật cường mà nàng thường trông thấy tuột ra dưới chiếc khăn bịt đầu màu trắng và một vành tai tròn tròn nho nhỏ, hoàn toàn như tai một người còn trẻ.

Được Dunhiaska ưng thuận, Acxinhia đem hai đứa trẻ sang ở với mình. Hai đứa còn lầm lì vì khiếp hãi sau cái chết mới đây của bà chúng nó. Acxinhia cho hai đứa trẻ ăn và đặt nằm cùng với mình.

Acxinhia có một cảm giác rất lạ lùng mỗi khi ôm hai đứa bé đã nằm nép vào hai bên người mình, hai đứa con của người mà nàng yêu dấu. Nàng thủ thỉ kể cho chúng nó nghe những chuyện cổ tích mà nàng đã được nghe kể từ thời thơ ấu, chỉ cốt làm cái gì giúp nó khuây khoả, đỡ nghĩ tới người bà đã mất. Giọng véo von, nàng khe khẽ kể nốt câu chuyện cổ tích về thằng bé mồ côi Vanhiuska đáng thương:

Thiên nga, thiên nga,

Mau xòe cánh trắng

Về đây đón ta,

Về nơi yêu dấu.

Về nơi quê nhà.

Nhưng nàng chưa kịp kể xong câu chuyện thì đã nghe thấy tiếng thở thanh thản, đều đặn của hai đứa trẻ. Thằng Misatka rúc mặt vào vai nàng, nằm sát mép giường. Acxinhia nhẹ nhàng động vai sửa lại cho đầu nó khỏi bị ngật ra và bất thần cảm thấy tim mình đây nhay nhứt không thể nào nguôi, đến nỗi cổ họng như tắc lại. Nàng khóc một cách đau khổ và cay đắng, những tiếng nức nở làm nàng rung lên, nhưng ngay đến việc lau nước mắt nàng cũng không làm được: hai đứa con của Grigori đang ngủ trên tay nàng mà nàng lại không muốn làm chúng nó thức giấc.

Chọn tập
Bình luận