Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 89

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Hàng ngũ sĩ quan của trung đoàn 14 rất hoan nghênh tin tưởng Kornilov 1 được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh mặt trận Tây – Nam.

Họ nói về Kornilov với vẻ yêu quý và kính trọng như về một con người có ý chí sắt thép và chắc chán có khả năng đưa đất nước ra khỏi cái ngõ cụt mà Chính phủ lâm thời đã đưa nó vào.

Evgeni đón mừng đặc biệt sôi nổi sự bổ nhiệm nầy. Qua những sĩ quan dưới quyền trong đại đội cùng vài tên Cô- dắc thân cận, hắn thử dò xem thái độ của binh sĩ đối với chuyện nầy như thế nào. Nhưng các tin tức thu lượm được chẳng làm hắn vui vẻ chút nào. Bọn Cô- dắc chỉ ngậm tăm hoặc trả lời một cách lạnh nhạt cho xong chuyện:

– Đối với chúng tôi thì đằng nào cũng thế thôi…

– Ông ấy là người như thế nào thì có trời biết…

– Nếu ông ấy có những cố gắng để đi tới hoà bình thì tất nhiên…

– Có lẽ chuyện ông ấy được thăng quan tiến chức như thế cũng chẳng làm chúng tôi đỡ khổ chút nào!

Vài ngày sau, trong số các sĩ quan giao thiệp nhiều với những giới quan chức dân sự và quân sự rộng rãi hơn, luôn luôn có những tin đồn nói rằng hình như Kornilov đang gây áp lực với Chính phủ lâm thời, đòi áp dụng lại án tử hình ngoài mặt trận và thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết có ảnh hưởng quyết định đối với vận mệnh của quân đội và kết cục của chiến tranh. Người ta nói rằng Kerensky sợ Kornilov và hình như đang cố tìm một viên tướng dễ bảo hơn để đảm nhiệm trọng trách tổng tư lệnh mặt trận thay Kornilov. Tên của vài viên tướng nổi tiếng trong giới quân sự đã được nêu lên.

Ngày 19 tháng bảy mọi người đều kinh ngạc được tin Chính phủ ra thông cáo bổ nhiệm Kornilov làm tổng tư lệnh tối cao. Viên thượng uý Atasikov vốn quen biết nhiều trong Uỷ ban trung ương Hội liên hiệp sĩ quan. Chẳng bao lâu sau hắn đã dựa vào những nguồn tin hoàn toàn đáng tin cậy, kể lại rằng trong một bản báo cáo chuẩn bị gửi lên Chính phủ lâm thời, Kornilov đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp chủ yếu dưới đây: áp dụng cách xét xử như các toà án binh ngoài mặt trời đối với các đơn vị quân đội và thường dân hậu phương khắp các nơi trong nước, có áp dụng án tử hình; khôi phục lại quyền trừng phạt của các thủ trưởng quân sự; hạn chế trong một phạm vi rất hẹp hoạt động của các uỷ ban quân nhân trong các đơn vị quân đội…, vân vân…

Ngay tối hôm ấy, trong một cuộc nói chuyện với các sĩ quan trong đại đội hắn và một số đại đội khác, Evgeni đã gay gắt nêu toạc móng heo câu hỏi: mọi người sẽ đi với ai?

– Thưa các ngài sĩ quan! – Hắn nói bằng một giọng cố nén vẻ xúc động. – Chúng ta sống với nhau trong một gia đình hoà hợp. Trong chúng ta, người nào như thế nào thì tất cả đều biết rõ. Nhưng cho tới bây giờ vẫn còn nhiều vấn đề rất quan trọng chưa được chúng ta giải quyết dứt khoát. Nói thẳng ra là hiện nay chúng ta đã thấy hết sức rõ ràng Tổng tư lệnh tối cao và Chính phủ có thể không đi cùng một đường Chúng ta cần phải đặt thẳng thừng vấn đề chúng ta đi với ai và chúng ta ủng hộ ai? Nào, chúng ta hãy nói với nhau thật cởi mở, đừng giấu lòng mình làm gì.

Viện thượng uý Atasikov trả lời trước nhất:

– Tôi sẵn sàng đổ cả máu mình lẫn máu người khác ra ủng hộ đại tướng Kornilov! Đại tướng là một người có tấm lòng trung thực trong suốt như pha lê, chỉ riêng đại tướng có khả năng đưa nước Nga ra khỏi bước đường suy vong. Các ngài hãy xem đại tướng làm những gì trong quân đội? Chính nhờ có đại tướng mà các thủ trưởng quân sự có phần đỡ bị trói chân trói tay. Chứ trước kia thì chỉ có các Uỷ ban quân sự hoành hành ngang dọc, anh anh tôi tôi, cá mè một lứa, đào ngũ lung tung. Còn gì để đáng nói nữa! Bất cứ ai là người đúng đắn cũng ủng hộ Kornilov?

Atasikov là một anh chàng chân thì nhỏ nhưng ngực thì lại to và xúc động đến tận đáy lòng. Sau khi nói xong hắn đưa mắt nhìn bọn sĩ quan đứng ngồi túm tụm quanh chiếc bàn, và gõ gõ cái “bót” trên hộp thuốc lá ra vẻ chờ đợi. Mí mắt dưới con mắt bên phải của hắn có một nốt ruồi nâu nâu, phồng lên bằng một hạt đậu Hà Lan, vì thế mí mắt trên bị vướng không nhắm kín được, do đó thoạt nhìn Atasikov người ta có cảm tưởng như hai con mắt hắn bao giờ cũng có một nét cười chờ đợi và kẻ cả. Nếu phải lựa chọn giữa bọn Bolsevich, Kerensky và Kornilov thì tất nhiên chúng ta ủng hộ Kornilov.

– Chúng ta khó lòng đoán được Kornilov muốn gì; phải chăng ông ấy chỉ muốn lấy lại trật tự cho nước Nga thôi, hay còn muốn phục hồi một cái gì khác nữa…

– Đó không phải là câu trả lời cho một vấn đề có tính nguyên tãc!

– Không, đó là câu trả lời đấy?

– Nếu đó là một câu trả lời thì dù sao nó cũng không phải là một câu trả lời thông minh.

– Nhưng ngài sợ cái gì cơ chứ, ngài trung uý? Sợ lập lại chế độ quân chủ à?

– Điều đó thì tôi không sợ, trái lại còn mong muốn nữa là khác.

– Thế thì vấn đề là ở chỗ nào?

– Thưa các ngài? – Dongov cất tiếng nói bằng một giọng rắn rỏi, khàn khàn. Mới đây hắn còn là một tên chánh quản, nhưng vì lập được chiến công nên mới được đề bạt thiếu uý. – Có gì mà các ngài phải tranh cãi? Xin các ngài cứ đàng hoàng nói rằng chúng ta, dân Cô- dắc, thì phải bám lấy đại tướng Kornilov như con nít bám lấy gấu váy mẹ. Cứ nói dứt khoát thẳng thừng, không chút gì quắt quéo cả! Hễ tách rời đại tướng, là chúng ta đi đứt! Người ta sẽ vứt bỏ chúng ta như cào một đống phân. Vấn đề đã rõ ràng minh bạch rồi: đại tướng đi đâu, chúng ta đi đó.

– Thật là chí lý, quả là chí lý!

Atasikov vỗ vai Dongov tỏ ý thán phục, rồi quay hai con mắt tươi cười nhìn Evgeni chằm chằm. Evgeni cảm động mỉm cười vuốt vuốt nếp quần ở hai bên đầu gối.

– Vậy thì như thế nào bây giờ, thưa các ngài sĩ quan, các ngài ataman? Atasikov cất cao giọng hỏi – Chúng ta ủng hộ Kornilov chứ…

– Còn sao nữa, tất nhiên rồi!

– Dongov đã giải quyết ngay được vấn đề rắc rối.

– Toàn thể giới sĩ quan chúng ta đều đi theo Kornilov?

– Chúng ta không muốn là những nhân vật ngoại lệ.

– Uống mừng Lavre Georgevich 2 người Cô- dắc và người anh hùng yêu quý của chúng ta, hu- ra?

Bọn sĩ quan phá lên cười, chạm tách uống trà. Câu chuyện không còn có tính chất căng thẳng như nãy nữa, bắt đầu xoay quanh những chuyện xảy ra trong mấy ngày gần đây.

– Chúng mình thì lập tức ùa theo ngay tổng tư lệnh tối cao, song bọn Cô- dắc còn đắn đo đấy.- Giọng Dongov nói có vẻ nghi ngại.

– “Đắn đo” là nghĩa thế nào? – Evgeni hỏi.

– Như thế đấy. Chúng nó đắn đo, có thế thôi… Cái bọn chó đẻ ấy, chúng nó chỉ sẵn sàng chuồn về nhà với vợ… Chúng nó đã chán cuộc đời chẳng có gì êm ấm nầy rồi…

– Nhiệm vụ của chúng ta là phải lôi cuốn bọn Cô- dắc đi theo mình! Viên trung uý Chernokulov đấm tay xuống bàn – Phải lôi cuốn chúng nó! Chúng ta đeo lon sĩ quan chính là để làm việc đó. Phải kiên nhẫn giải thích cho bọn Cô- dắc hiểu rằng chúng nó cần phải theo ai.

Evgeni gõ cùi dìa vào cốc. Khi thấy bọn sĩ quan đã chú ý, hắn nói tách bạch từng miếng:

– Thưa các ngài, tôi đề nghị các ngài nhớ cho một điều là công tác của chúng ta hiện nay phải tập trung vào việc, giải thích cho bọn Cô- dắc hiểu tình hình thực tế đang như thế nào, đúng như Atasikov đã nói. Phải dành giật lấy bọn Cô- dắc, phải lôi chúng ra khỏi ảnh hưởng của các Uỷ ban quân nhân. Muốn thế thay đổi thái độ, đại khái như sự thay đổi thái độ của phần lớn chúng ta sau cuộc chính biến tháng hai, nhưng lần ấy chưa phải đã nhiều. Trước kia, năm một nghìn chín trăm mười sáu chẳng hạn, tôi có thể cho một thằng Cô- dắc một trận nhừ tử mà chỉ có thể xảy ra một điều là trong chiến hào nó có thể nã cho tôi một viên đạn vào gáy. Nhưng sau tháng hai thì phải co mình lại, vì nếu tôi đánh một thằng ngu xuẩn nào đó thì chúng nó có thể giết tôi ngay tại chỗ, trong chiến đấu, không cần chờ cơ hội thuận tiện. Bây giờ tình hình đã hoàn toàn khác trước rồi.

– Chúng ta cần phải, – Evgeni nói dằn từng tiếng, – hoà mình với bọn Cô- dắc! Tất cả đều do việc ấy quyết định. Hẳn các ngài đã biết rằng bên trung đoàn Một và trung đoàn Bốn hiện nay đang thế nào rồi chứ gì?

– Một cơn ác mộng!

– Đúng thế đấy, một cơn ác mộng! Evgeni nói tiếp. – Anh em sĩ quan bên ấy vẫn tự ngăn cach mình với bọn Cô- dắc bằng bức tường trước kia, thành thử chúng nó không có đứa nào không lọt vào ảnh hưởng của bọn Bolsevich. Mà rõ ràng là chúng ta không thoát khỏi những sự việc khủng khiếp đâu. Hai ngày mồng ba và mồng năm tháng bảy 3 mới chỉ là một lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với những kẻ nhởn nhơ vô tư lự. Một là chúng ta ủng hộ Kornilov và sẽ phải nện nhau với những đạo quân của cách mạng dân chủ, hai là bọn Bolsevich, sau khi tập trung thêm lực lượng và mở rộng ảnh hưởng của chúng sẽ làm nổ ra thêm một cuộc cách mạng nữa. Chúng nó hiện đang nghỉ ngơi lấy sức, tập trung lực lượng, còn chúng mình thì vô kỷ luật, vô tổ chức… Chẳng nhẽ có thể cứ để như thế hay sao?! Những tên Cô- dắc đáng lin cậy cần cho chúng ta chính là để chống lại cuộc biến động sau nầy đấy…

– Tất nhiên rồi, không có bọn Cô- dắc thì chúng ta chỉ là những con số không – Dongov thở dài thườn thượt.

– Đúng đấy, Evgeni?

– Rất đúng nữa là khác!

– Nước Nga đã đặt một chân xuống mồ rồi…

– Cậu tưởng bọn mình không hiểu như thế đấy phỏng? Bọn mình cũng biết như thế, nhưng đôi khi bất lực chẳng làm gì được nữa, “Mệnh lệnh số Một” 4 và tờ “Sự thật trong chiến hào” 5 đang gieo rắc những hạt giống của chúng nó.

– Nhưng chúng ta chỉ trầm trồ đứng ngắm những cái mầm nảy ra chứ không dẫm nát, không đốt trụi hết đi? – Atasikov quát lên.

– Không đâu, chúng ta không trầm trồ đứng ngắm nhưng chúng ta bất lực.

– Ngài nói bậy rồi, ngài trung uý ạ! Chúng la chỉ lơ là, không biết lo thôi?

– Không phải thế?

– Ngài thử chứng minh xem nào

– Tờ “Sự thật” đã bị đánh bại… còn Kerensky thì hẳn chỉ biết suy nghĩ bằng cái phao câu…

– Sao lại thế nầy… họp chợ hay sao đấy? Không thể thế nầy được?

Những tiếng kêu thét không đầu không đũa ầm lên một lát rồi lắng dần. Một viên đại đội trưởng từ nãy rất hết sức lắng nghe Evgeni nói, đề nghị mọi người chú ý.

– Tôi đề nghị đại uý Litnhitki có thể nói cho hết lời.

– Xin mời!

Evgeni sát sát hai nắm tay vào đầu gối nhọn hoắc, nói tiếp:

– Tôi nói rằng đến lúc đó, tức là trong các trận chiến đấu sau nầy, trong nội chiến, và mãi đến bây giờ tôi mới hiểu rằng nội chiến là điều không thể nào tránh được, thì chúng ta cần phải có những tên Cô- dắc trung thành. Chúng ta phải vật lộn để dành giật chúng khỏi tay các Uỷ ban hiện đang ngả theo bọn Bolsevich. Đó là một việc cần thiết, có quan hệ sống còn đối với chúng ta? Cần phải biết rằng hễ lại xảy ra những sự biến động thì bọn Cô- dắc trung đoàn Một và trung đoàn Bốn sẽ bắn chết hết các sĩ quan của chúng.

– Rõ ràng rồi?

– Chúng nó sẽ không ngần ngại gì đâu!

– Và chúng ta sẽ phải học tập kinh nghiệm của họ, một kinh nghiệm phải nói là rất đau đớn. Những thằng Cô- dắc bên trung đoàn Một và trung đoàn Bốn, bây giờ còn coi là dân Cô- dắc thế nào được nữa, và sau nầy chúng ta sẽ phải đem treo cổ một nửa, nếu không gọn nhất là khử hết một lượt… cỏ dại thì phải khử cho sạch đồng? Vì thế chúng ta hãy ngăn ngừa đừng để bọn Cô- dắc chỗ chúng ta phải phạm điều sai lầm mà sau nầy chúng nó sẽ phải giơ đầu ra hứng lấy tất cả hậu quả.

Evgeni nói xong thì đến lượt viên đại đội trưởng từ nãy đã đặc biệt chăm chú nghe hắn nói. Là một sĩ quan chuyên nghiệp có tuổi, được bổ đến trung đoàn đã chín năm, trong chiến tranh đã từng mang trên mình bốn vết thương, viên đại đội trưởng nói rằng xưa kia làm sĩ quan Cô- dắc thì rất khổ. Các sĩ quan Cô- dắc thuộc hạng bị lép vế bị đối xử tàn tệ, thăng quan tiến chức rất chậm, và đối với phần lớn các sĩ quan Cô- dắc: quá lắm chỉ làm được đến trung tá là cùng. Theo ý hắn thì tình hình đó giải thích vì sao bọn chóp bu trong hàng ngũ sĩ quan Cô- dắc đã không động chân động tay khi chế độ chuyên chế bị lật đổ. Tuy vậy, hắn vẫn nói rằng cần phải dốc toàn lực ủng hộ Kornilov, giữ liên hệ chặt chẽ hơn với Kornilov thông qua Hội liên hiệp sĩ quan.

– Cứ để cho Kornilov trở thành một nhà độc tài, đó là con đường sống còn của các quân khu Cô- dắc. Dưới chế độ của Kornilov có lẽ chúng ta sẽ được sống khấm khá hơn dưới chế độ vua Nga.

Nửa đêm đã qua từ lâu. Trời đêm trắng bệch trùm lên thành phố những món tóc rối bù của những đám mây. Qua cửa sổ có thể nhìn thấy cái kim đen sì trên ngọn tháp toà nhà của Bộ hải quân và ánh sáng vàng ệch, tràn trề như nước triều lên của những ngọn đèn.

Bọn sĩ quan trao đổi ý kiến vòi nhau cho tới khi trời hửng. Chúng quyết định sẽ nói chuyện với binh sĩ Cô- dắc mỗi tuần ba lần về các vấn đề chính trị, các cán bộ trung đội được giao nhiệm vụ hàng ngày cho đơn vị tập thề dục và đọc lời thề để giảm bớt thời gian nhàn rỗi và cố làm cho tinh thần bọn lính Cô- dắc thoát khỏi không khí chính trị đang gây tan rã.

Trước khi ra về, họ hát bài: “Sông Đông êm đềm, sông Đông chính giáo, vật mình vật mẩy, sóng cuộn ào ào” uống hết samova trà thứ mười, chạm cốc lách cách nói những lời nâng chén bông đùa.

Ngay lúc sắp tan cuộc Atasikov mới rỉ tai Dongov rồi nói to:

– Bây giờ, để thay món tráng miệng, chúng tôi xin hiến chư vị một bài hát Cô- dắc cổ. Nào thôi, yên lặng một chút? Và có lẽ mở cửa sổ ra thì hơn, nếu không khói ghê quá đấy.

Dongov hát một giọng trầm, rất khoẻ, dày dạn. Giọng nam cao của Atasikov thì dịu dàng, dễ nghe lạ lùng. Đầu tiên hai giọng hát còn chập chững, chưa ăn khớp với nhau, mỗi giọng theo một nhịp riêng, nhưng dần dần quyện vào nhau mạnh mẽ, rạt rào, làm bài hát có một vẻ đẹp xâm chiếm tâm hồn người nghe:

Nhưng kiêu hãnh tay sông Đông chúng ta, sông Đông êm đềm, sông Đông cha quý,

Không hàng phục quân Islam, sống ra sao cũng chẳng hỏi Moskva

Và nói với đường gươm sắc ngọt, ta thường chào vào gáy bọn Thổ Nhĩ Kỳ…

Và hàng năm, đồng cỏ sông Đông,

mẹ yêu của chúng ta kêu gọi,

Vì chính giáo, vì Đức mẹ đồng trinh,

Vì sông Đông tự do,

vì tiếng sóng ngày đêm vang dội.

Người Cô- dắc giết giặc quên mình…

Atasikov đan mười đầu ngón tay vào nhau, đặt lên đầu gối, hát những nốt thật cao, từ đầu đến cuối không lạc giọng một lần nào, dù trong những lúc láy tiếng hát, hắn vượt hẳn lên, làm cho cái giọng trầm cương nghị của Dongov tụt lại rất xa. Vẻ mặt Atasikov nom hết sức nghiêm trang, và mãi khi hát gần hết bài, Evgeni mới nhận thấy một giọt nước mắt rất nhỏ lấp loáng một ánh lành lạnh chạy từ khoé mắt xuống cái nốt ruồi nâu nâu.

Sau khi sĩ quan các đại đội khác đã ra về, và các tên khác trong đại đội đã đi ngủ cả, Atasikov tới ghé ngồi vào giường Evgeni. Hắn mân mê hai sợi dây đeo quần xanh xanh đã bạc mầu trên bộ ngực căng phồng, khẽ nói:

– Evgeni ạ, cậu có biết không… Mình yêu sông Đông không thể tả được, mình yêu tất cả cái nếp sống cổ xưa, lưu lại từ bao nhiêu thế kỷ đến ngày nay. Đã là dân Cô- dắc thì đàn ông mình cũng yêu, đàn bà mình cũng yêu, yêu tuốt? Hễ ngửi thấy mùi ngải cứu trên đồng cỏ là mình muốn khóc rồi… Và những khi hướng dương nở hoa những khi hương thơm trong các vườn nho vừa được tắm nước mưa toả ra nồng nạc trên sông Đông, mình cảm thấy yêu sâu sắc, yêu đến đau lòng… Cậu có hiểu không? Thế mà bây giờ mình lại nghĩ rằng, không biết có phải chúng ta đang lừa dối chính những người Cô- dắc ấy không? Không biết có phải chúng ta đang dắt họ vào con đường cùng không?

– Cậu định nói gì thế? – Evgeni nói có ý giữ miếng.

Cái cổ của Atasikov nổi bật lên nâu nâu trên cổ chiếc áo sơ- mi trắng, nom ngây thơ, trẻ dại, đến là đáng thương. Một vành mí mặt quầng xanh nặng nề đè lên cái nốt ruồi nâu, Evgeni nhìn nghiêng thấy một ánh ươn ướt trong bên mắt không nhắm hẳn.

– Mình nghĩ rằng không biết những việc như thế nầy có cần cho bọn Cô- dắc không?

– Nhưng nếu thế thì chúng nó cần gì?

– Mình cũng chẳng hiểu… Nhưng tại sao họ cứ tự nhiên xa rời bọn mình như thế? Cách mạng tựa như đã chia chúng ta ra làm hai, cừu một bên, dê một bên, và quyền lợi của chúng ta và của họ cũng tựa như không còn đồng nhất nữa.

– Cậu phải biết rằng, – Evgeni bắt đầu nói bằng một giọng dè dặt – Tình hình đó phản ánh hai trình độ nhận thức khác nhau về các việc xảy ra. Bọn mình có trình độ văn hoá cao hơn, nên có thể đánh giá sự kiện nầy hay sự kiện khác một cách có phê phán, còn bọn Cô- dắc thì ở chúng nó cái gì cũng ấu trĩ, sơ lược. Bọn Bolsevich đã nhồi nhét được vào đầu óc chúng nó ý nghĩ cần phải chấm dứt chiến tranh, nói đúng hơn là biến chiến tranh thành nội chiến. Chúng nó xúi giục bọn Cô- dắc chống lại chúng ta. Mà bọn Cô- dắc lại đang mỏi mệt lại là những kẻ có nhiều thú tính, không có đủ ý thức đạo đức kiên định về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Tổ quốc như chúng ta, vì thế việc bọn Bolsevich tìm được một đất gieo hạt thuận lợi là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Hơn nữa đối với chúng nó tổ quốc có nghĩa lý gì đâu? Dù sao đó cũng chỉ là một khái niệm trừu tượng. “Quân khu sông Đông ở xa mặt trận quân Đức không tiến được tới đâu” cách suy nghĩ của chúng nó là như thế đấy. Toàn bộ tai hoạ là ở chỗ đó. Cần phải giải thích cho chúng nó hiểu đúng đắn rằng nếu biến cuộc chiến tranh nầy thành nội chiến thì tự nhiên sẽ gây ra những hậu quả như thế nào.

Miệng Evgeni nói thế nhưng trong thâm tâm hắn vẫn cảm thấy rằng lời nói của hắn không đạt được mục đích gì cả và Atasikov sẽ lập tức lẩn sâu vào cái vỏ ốc tư tưởng của mình.

Mà đúng là như thế: Atasikov chỉ lầu bầu thêm vài câu chẳng hiểu nghĩa lý ra sao rồi ngồi lặng đi giờ lâu. Evgeni cố tìm mọi cách nhưng chẳng làm thế nào hiểu được rằng trong lúc người đồng sự của mình ngồi ngậm tăm như thế thì đầu óc hắn đang lang thang nơi hang cùng ngõ hẻm nào.

“Đáng phải để nó nói hết ý mới đúng…” – Evgeni tiếc rẻ nghĩ thầm.

Atasikov chúc hắn ngủ ngon rồi bỏ ra ngoài, không nói thêm lời nào cả. Trong giây phút, hắn đã muốn cởi mở tấm lòng, đã hơi vén tấm màn đen mà mỗi người đều dùng để che giấu các tâm tư thầm kín của mình không cho người khác biết, nhưng hắn đã hạ ngay tấm màn xuống.

Không mò được ra những điều bí mật trong lòng người khác, Evgeni cảm thấy xao xuyến, tức tối. Hắn hút điếu thuốc, nằm lại một lát, mắt nhìn đăm đăm vào bóng tối xám xịt, dầy đặc như bông.

Và bỗng nhiên hắn nhớ tới Acxinhia, cùng những ngày nghỉ phép tràn ngập những nàng là nàng. Rồi hắn ngủ thiếp đi, những ý nghĩ và những mẩu hồi ức phiến đoạn về những người đàn bà trước kia đã từng gặp hắn trên đường đời đã giúp hắn lấy lại bình tĩnh.

— —— —— —— ——-

1 Kornilov (1870 – 1918) một viên tướng trong quân đội Nga hoàng, làm tổng tư lệnh tối cao dưới Chính phủ lâm thời, tay sai của các nước đế quốc đồng minh, cầm đầu âm mưu phản động tháng 8- 1917. Đến 11- 1917 chạy về vùng sông Đông chỉ huy “Tập đoàn quân tình nguyện ” của bọn Bạch vệ, bị giết trong trận chiến đấu tháng 3- 1918 ở gần Ekatirinod (nay là Krasnodar) (ND).

2 Tên của Kornilov.

3 Hai ngày trên đây ghi theo lịch Nga cũ (tương đương với hai ngày 16 và 18 tháng bảy trên lịch hiện nay). Trong hai ngày nầy, công nhân và binh sĩ Peterburg đã biểu tình thị oai phản đối Chính phủ lâm thời (ND).

4 Mệnh lệnh số 1″ (1- 3- 1917) của Uỷ ban chấp hành xô viết Petrograd ban hành do áp lực của quần chúng cách mạng, lập những tổ chức do quần chúng bầu ra trong các đơn vị quân đội và qui định các tổ chức đó có quyền kiểm soát hoạt động của các cấp chỉ huy cũ của Nga hoàng. (lời chú của bản tiếng Nga).

5 “Sự thật trong chiến hào” tờ báo đấu tranh của những người Bolsevich (lời chú của bản tiếng Nga).

Chọn tập
Bình luận