Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 190

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Ngày mồng mười tháng Sáu, dưới quyền chỉ huy của tên tướng Sekrechev, binh đoàn kỵ binh của Quân đội sông Đông gồm ba ngàn quân đi ngựa, phối thuộc có sáu khẩu đội pháo ngựa kéo và mười tám khẩu súng máy ngựa thồ, đã giáng một đòn ác liệt, chọc thủng mặt trận ở gần thị trấn Ust- Belokalitvenskaia, rồi tiến dọc theo đường sắt về hướng trấn Kazanskaia.

Sau đó hai ngày, vào lúc sáng sớm, một đội trinh sát gồm toàn sĩ quan của trung đoàn sông Đông số 9 đã tiếp xúc với vọng tiêu dã chiến của quân phiến loạn ở gần sông Đông. Bọn Cô- dắc trông thấy kỵ binh bèn bỏ chạy xuống khe núi, song tên đại uý Cô- dắc chỉ huy đội trinh sát nhìn cách ăn mặc đã nhận ra quân phiến loạn. Hắn bèn lấy chiếc khăn tay buộc vào mũi gươm vung lên và gào lên oạng oang:

– Người mình đấy! Đừng chạy nữa, bà con đồng hương ơi!

Đội trinh sát mạnh dạn cho ngựa phi thẳng tới cái vách đứng. Tên đội trưởng vọng tiêu của quân phiến loạn, một lão quản già râu tóc bạc phơ bước ra, vừa đi vừa cài khuy chiếc áo ca- pốt đẫm sương mai.

Tám tên sĩ quan xuống ngựa. Tên đại uý bước tới trước mặt lão quản, ngả chiếc mũ cát- két màu cứt ngựa, vành mũ đính một cái quân hiệu của sĩ quan đã bạc trắng. Hắn mỉm cười nói:

– Chà, chào bà con đồng hương! Nào, chúng ta hãy theo tập quán Cô- dắc cổ truyền hôn nhau cái đã. – Hắn hôn chéo miệng lão quản, lấy khăn tay chùi môi chùi ria, rồi cảm thấy những tên cùng đi đang nhìn mìn có vẻ chờ đợi, bèn mỉm một nụ cười đầy ý nghĩa, hỏi tách bạch từng tiếng:

– Thế nào, các anh tỉnh ngộ rồi à? Người mình với nhau thì vẫn tốt hơn bọn Bolsevich chứ?

– Bẩm quan lớn, đúng thế đấy ạ! Chúng tôi đã lấy công chuộc tội. Chiến đấu ba tháng ròng, không ngờ vẫn còn được trông thấy các ngài!

– Tốt lắm, có chậm một chút, nhưng dù sao các anh cũng đã thông minh ra rồi. Thôi không nói chuyện đã qua nữa. Kẻ nào nhớ hờn cũ đui hai con mắt. Các anh là dân trấn nào thế?

– Bẩm quan lớn, trấn Kazanskaia!

– Đơn vị của các anh ở bên kia sông Đông à?

– Đúng thế đấy ạ!

– Bọn Đỏ bỏ sông Đông đã rút về đâu rồi?

– Chúng nó chạy ngược dòng sông, có lẽ tới làng Doneskaia.

– Kỵ binh của các anh vượt sông chưa?

– Bẩm chưa ạ!

– Tại sao thế?

– Bẩm quan lớn, tôi không thể biết được. Chúng tôi là những người đầu tiên sang bờ bên nầy.

– Ở đây trước kia chúng nó có pháo binh không?

– Trước kia có hai đại đội pháo.

– Chúng nó rút từ bao giờ?

– Đêm qua.

– Đáng lẽ phải truy kích ngay mới đúng. Chà, anh em thật là những thằng chảy thây! – Tên đại uý nói giọng trách móc rồi quay về với con ngựa của hắn, lấy trong túi dết dã chiến ra một quyển sổ tay và tấm bản đồ.

Lão quản vẫn đứng cứng người, hai tay áp trên đường chỉ quần. Bọn Cô- dắc đứng túm tụm sau lưng lão, cách lão hai bước. Chúng nhìn những tên sĩ quan, những cái yên, những con ngựa thuộc giống rất tốt nhưng chạy đã mệt nhoài sau chặng đường, trong lòng rạo rực vì một cảm giác hỗn hợp, kể ra cũng có phần sung sướng, nhưng không hiểu sao vẫn canh cánh không yên.

Mấy tên sĩ quan mặc áo quân phục cổ bẻ kiểu Anh may rất vừa người, có đeo lon và quần đi ngựa rộng thùng thình. Chúng làm những động tác cho đỡ tê chân, đi đi lại lại bên những con ngựa, thỉnh thoảng lại liếc nhìn bọn Cô- dắc. Không còn tên nào đeo những cái lon làm lấy, vẽ bằng bút chì hoá học như mùa thu năm 1918 nữa. Giầy ủng, yên ngựa, bao đạn, ống nhòm, những khẩu súng kỵ binh mắc vào yên, tất cả đều mới toanh và không phải là đồ làm ở nước Nga. Chỉ một tên sĩ quan coi vẻ nhiều tuổi nhất mặc chiếc áo Trec- ket may bằng một thứ dạ rất mịn màu lam, đầu đội mũ Kuban bằng lông cừu non Bukhara màu vàng óng, chân đi ủng cao ống không có đế, kiểu miền núi. Hắn là tên đầu tiên lại gần bọn Cô- dắc. Hắn nhẹ nhàng bước tới, lấy trong túi đựng bản đồ ra một bao thuốc lá rất đẹp in chân dung của tên Anbe, vua nước Bỉ, mời bọn Cô- dắc.

– Hút đi, anh em!

Bọn Cô- dắc nhao nhao đến lấy thuốc một cách thèm khát. Mấy tên sĩ quan kia cũng bước tới:

– Thế nào, dưới chế dộ của bọn Bolsevich các anh đã sống ra sao? – Một tên thiếu uý đầu to vai rộng hỏi.

– Cũng chẳng dễ chịu lắm đâu… – Một gã Cô- dắc mặc chiếc áo choàng cũ bằng dạ thô trả lời dè dặt. Gã đưa điếu thuốc lên miệng hút lấy hút để, hai con mắt cứ dán vào đôi ghệt cao chằng dây đến đầu gối, bó chặt hai bắp chân to đần đẫn của tên thiếu uý. Gã Cô- dắc nầy đi một đôi ủng ngắn vừa mòn vừa rách vất vả lắm mới giữ cho khỏi bung ra. Đôi bít tất len trắng mạng rất nhiều chỗ lồng ra ngoài hai ống quần cũng rách bươm. Vì thế cặp mắt như mất hồn của gã không lúc nào rời đôi giày da kiểu Anh, đế rất dày, loại đi không mòn được, ô- dê bằng đồng sáng nhoáng. Gã không nhịn được nữa, bèn thật thà nói lên lòng khâm phục của mình.

– Giầy ủng của các ngài tốt thật!

Nhưng tên thiếu uý kia đâu muốn chuyện trò hoà nhã. Hắn nói giọng khiêu khích cay độc:

– Các anh đã đem những đồ trang bị của nước ngoài đổi lấy thứ dép làm bằng vỏ cây của Moskva, vì thế bây giờ đừng thèm khát những thứ của người khác nữa!

– Chúng tôi đã phạm lầm lỗi. Chúng tôi đã có tội… – Gã Cô- dắc luống cuống trả lời, đưa mắt nhìn những tên cùng bọn, mong có sự ủng hộ của bọn kia.

Tên thiếu uý vẫn tiếp tục trách mắng, giọng móc mói:

– Đầu óc các anh thật là đầu óc con bò. Cái loài bò, bao giờ nó cũng như thế cả: đầu tiên đi một bước, rồi đứng lại ngẫm nghĩ. Thế là nhầm mất rồi! Nhưng dạo mùa thu, hồi các anh mở toang mặt trận cho chúng nó vào thì các anh nghĩ ngợi những gì hử? Muốn làm chính uỷ à? Chà, những thằng bảo vệ Tổ quốc như các anh!

Thấy tên thiếu uý nói năng đã quá mức, một tên trung uý còn trẻ khẽ rỉ tai hắn. “Thôi đi, cậu nói thế đủ rồi đấy!” Tên kia đưa chân di điếu thuốc, nhố toẹt một bãi rồi ngật ngưỡng đi tới chỗ những con ngựa. Tên đại uý trao cho hắn một mẩu giấy và khẽ nói không biết những gì. Tên thiếu uý nhảy phắt lên ngựa, cái thân hình khá nặng nề của hắn bỗng trở nên nhẹ nhàng rất là bất ngời, rồi hắn quay ngoắt con ngựa, cho nó phi về phía tây.

Mấy tên Cô- dắc lúng túng đứng đực như phỗng. Tên đại uý bước tới, trầm cái giọng nam trung sang sảng của hắn, vui vẻ hỏi:

Từ đây đến thôn Varvarinsky còn bảo nhiêu vec- xta anh em nhỉ?

– Ba mươi nhăm, – Vài gã Cô- dắc đồng thanh trả lời.

– Tốt lắm. Bây giờ thế nầy nhé, anh em đồng hương ạ. Anh em hãy về truyền đạt ngay với các thủ trưởng của anh em, bảo phải lập tức cho các đơn vị kỵ binh vượt sông sang ngay bên nầy, không được chậm trễ một phút nào. Một sĩ quan của chúng tôi sẽ cùng anh em ra tới chỗ vượt sông và sẽ dẫn đường cho kỵ binh. Còn bộ binh thì sẽ tiến về hướng Kazanskaia theo đội hình hành quân. Đã rõ chưa? Nào thôi, cứ như người ta thường nói là vòng bên trái và cầu Chúa che chở, đi đều… bước!

Bọn Cô- dắc đi túm tụm thành một đám xuống núi. Chúng ngậm tăm đi chừng một trăm xa- gien như theo một lời ước định từ trước rồi bỗng nhiên gã Cô- dắc nhỏ bé xấu xí mặc chiếc áo choàng nông dân, chính cái gã vừa bị tên thiếu uý nóng tính nói móc; lắc đầu thở dài một cách đau khổ.

– Thế là hai bên hợp nhất với nhau rồi, anh em nhỉ…

Một tên khác nói thêm ngay, giọng sôi nổi:

– Nhưng củ cải đen cũng chẳng ngọt gì hơn củ cải trắng đâu?

Nói xong gã văng tục một tiếng đầy ý nghĩa.

Chọn tập
Bình luận
× sticky