Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 220

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Vì là một sĩ quan Hồng quân nên khi đến nhà ga Minlerovo, Grigori đã được dành cho một chiếc xe tải của dân công. Trên đường về nhà, mỗi khi đến một làng của dân ngụ cư Ukraina, chàng lại thay ngựa một lần và chỉ sau một ngày một đêm đã tới địa giới khu Đông Thượng. Chủ tịch Uỷ ban cách mạng của thôn Cô- dắc đầu tiên là một chiến sĩ Hồng quân còn trẻ mới phục viên chưa bao lâu. Anh ta nói:

– Thưa đồng chí chỉ huy, đồng chí sẽ phải đi xe bò thôi. Cả thôn chúng tôi chỉ còn độc một con ngựa, mà nó cũng chỉ chạy được ba cẳng. Có bao nhiêu ngựa đều đã để lại ở vùng Kuban trong khi rút lui rồi.

– Nhưng đại khái có thề dùng nó đưa tôi về đến nơi được không? – Grigori hỏi rồi gõ gõ ngón tay xuống bàn, nhìn một cách thăm dò cặp mắt vui vẻ của người chủ tịch hoạt bát.

– Đồng chí không về được tới nơi đâu. Dùng nó thì sẽ phải đi hàng tuần mà vẫn chưa tới? Nhưng đồng chí đừng lo, những con bò mộng ở chỗ chúng tôi rất tốt, chân rất khoẻ, vả lại đằng nào chúng tôi cũng phải cho một chiếc xe chở dây điện thoại đi Vosenskaia. Sau lần chiến tranh vừa qua, dây điện thoại chất ộn cả ở đây. Như vậy đồng chí sẽ không cần phải thay xe, nó sẽ đưa thẳng đồng chí về đến nhà. – Người chủ tịch nheo con mắt bên trái rồi nháy mắt một cách ranh mãnh và nói thêm – Chúng tôi sẽ đành cho đồng chí một đôi bò mộng tốt nhất và một cô ả goá trẻ măng sẽ đánh xe… – Ở đây chúng tôi có một con yêu quái hại người như thế đấy, nằm mơ cũng không thấy được một tay dễ nhìn hơn đâu? Cùng đi với ả thì về đến nhà lúc nào đồng chí cũng không biết đâu. Chính tôi cũng đã đi bộ đội vì thế tôi cũng biết tất cả các nhu cầu về mặt quân sự…

Grigori nín lặng cân nhắc: chờ một chuyến xe ngựa về cùng đường là chuyện ngớ ngẩn, mà đi bộ thì đường còn xa. Thôi đành đồng ý ngồi xe bò vậy.

Một giờ sau, xe đã được đánh tới. Những cái bánh của chiếc xe bò cũ kỹ kêu ken két. Vài mẩu gỗ lởm chởm nhô lên thay cho ván hậu, rơm chất cẩu thả rủ xuống lõng thõng từng đám. “Tàn binh bại tướng” – Grigori nghĩ thầm trong khi nhìn chiếc xe quá tàng một cách gớm ghiếc. Ả đánh xe vung vẩy cái roi đi bên cạnh cặp bò mộng. Quả thật ả cũng rất đẹp, người rất cân đối. Kể ra cặp vú to lù lù không cân xứng với người cũng có phần ảnh hưởng tới hình dáng toàn thân và một vết sẹo tréo trên cái cằm tròn trặn có làm cho khuôn mặt hồng hào ngăm ngăm đen còn rất trẻ mang một vẻ tầm thường khó coi và tựa như già đi. Chỗ linh mũi đầy những điểm tàn hương lấn tăn vàng óng như hạt kê.

Ả sửa lại khăn bịt đầu, nheo nheo mắt chăm chú nhìn Grigori và hỏi:

– Tôi sẽ đưa bác đi có phải không?

Đang ngồi trên bục thềm, Grigori đứng dậy, khép tà áo ca- pốt.

– Đúng tôi đây. Thế chị đã chất dây điện thoại lên xe chưa?

– Nhưng tôi là con khốn kiếp phải chất hầu cho họ đấy phải không? – Người đàn bà Cô- dắc kêu lên, giọng lanh lảnh. – Chẳng ngày nào không phải đánh xe, không phải làm quần quật! Đối với họ tôi là như thế hay sao? Mặc cho họ tự tay chất đống dây nầy lên, nếu không gái nầy sẽ đi xe không.

Ả vừa những cuộn dây điện thoại lên xe vừa cãi nhau với anh chàng chủ tịch rất to tiếng nhưng không có vẻ gì tức tối, và chốc chốc lại hiếng hiếng con mắt nhìn Grigori như thăm dò. Còn anh chàng chủ tịch thì từ đầu đến cuối chỉ cười khì khì và cứ nhìn ả goá trẻ đẹp bằng cặp mắt trầm trồ thán phục không giấu giếm. Có lúc anh ta còn nháy mắt với Grigori như muốn nói: “Đàn bà thôn chúng tôi như thế đấy? Thế mà lúc nãy đồng chí còn chưa tin?”

Ra khỏi thôn, cánh đồng cỏ mùa thu nâu nâu bệch bệch trải ra xa lắc Từ những khoảng đất cày, một dải khói xanh xám bốc lên, chập chờn qua con đường. Vài người đi cày đang đốt những bụi hoàng thử lang khô quắt và nhữag đám cỏ trường si nở hết hoa, đầy xơ để lấy than dùng thay muối. Mùi khói gợi lên trong đầu óc Grigori những hồi ức ảo não: xưa kia mỗi khi thu sang cả chàng Grigori nầy, cũng thường đi cày trên những cánh đồng cỏ hẻo lánh, ban đêm nhìn lên bầu trời đen kịt lấp lánh ánh sao, lắng nghe tiếng những đàn ngỗng trời bay trên cao tít hối hả gọi nhau… Chàng khắc khoải trằn trọc trên đống rơm, liếc sang bên nhìn ả đánh xe.

– Cô bao nhiêu tuổi thế, cô nàng?

– Gần sáu mươi – Ả kia đỏng đảnh trả lời và chỉ cười bằng hai con mắt.

– Không, tôi không hỏi đùa đâu.

– Hai mươi mốt.

– Mà đã ở goá à?

– Ở goá.

– Thế bây giờ chồng cô ở đâu?

– Bị giết rồi.

– Đã lâu chưa?

– Hơn một năm rồi.

– Trong khi bạo động, có phải không?

– Sau cuộc bạo động, hồi sắp sang thu.

– Chà, thế bây giờ cô sống như thế nào?

– Vẫn sống qua quít.

– Có buồn không?

Ả nhìn Grigori chăm chú rồi kéo chiếc khăn che miệng giấu nụ cười. Giọng ả bỗng trầm hẳn xuống, và trong đó thoáng có một nét gì mới mới khi ả trả lời:

– Làm việc nầy việc nọ thì chẳng còn lúc nào mà buồn.

– Không có chồng thì có buồn không?

– Tôi ở với mẹ chồng, công việc trong nhà nhiều lắm.

– Nhưng không có chồng thì làm thế nào mà chịu được.

Ả quay nhìn Grigori. Hai gò má ngăm ngăm ửng đỏ, vài tia màu hung hung bừng lên trong cặp mắt rồi lại tắt ngấm.

– Bác hỏi như thế là hỏi chuyện gì?

– Hỏi cái chuyện ấy đấy.

Ả kéo cái khăn khỏi miệng, kéo dài giọng trả lời:

– Chà, chuyện ấy thì không thiếu đâu! Trên đời nầy thiếu gì người tốt – Rồi ả nín lặng một lát và lại nói tiếp – Hồi chồng tôi còn sống, tôi cũng chưa kịp nếm đủ mùi vị cuộc đời của một chị chàng có chồng. Chúng tôi ăn ở vẻn vẹn với nhau được một tháng, thế là hắn bị bắt ra lính. Không có hắn tôi vẫn có cách sống qua quít. Bây giờ đã dễ chịu hơn một chút, bọn Cô- dắc trẻ trai đã kéo về thôn, nếu không cũng gay go đấy. Vắt, con hói nầy! Vắt! Tình hình là như thế đấy thầy quyền ạ? Cuộc đời của lôi là như thế đấy?

Grigori không nói gì nữa. Có lẽ chàng không phải là một anh chàng đáng nên chuyện gẫu với cái giọng chớt nhả như thế nầy. Và chàng bỗng cảm thấy tiếc vì đã nói những lời như vừa nãy.

Cặp bò béo tốt, rất to, vẫn đi với cái bước dẫn rượu đều đặn như cũ. Một con bị gãy mất cái sừng bên phải, cái khác mọc lên thay lại vẹo tréo xuống trán. Grigori chống khuỷu tay, dim mắt nằm soài trên xe. Chàng bắt đầu nhớ lại những con bò mộng mà mình đã từng dắt đi theo trong công việc từ thời thơ ấu và cả sau nầy, khi chàng đã trưởng thành. Tất cả những con bò ấy đều khác nhau về màu lông, dáng vóc, tính nết, và cả đến bộ sừng của mỗi con đều có những đường nét riêng biệt. Trước kia có một hồi trong sân nhà Melekhov cũng nuôi một con bò mộng mang cặp sừng méo mó, xiên xẹo như thế nầy. Con bò ấy vừa ác lại vừa láu cá. Bao giờ nó cũng long hai mắt chi chít những tia máu nhìn nghiêng nghiêng, cố tìm cách đá hậu khi có người từ phía sau đi tới. Những ngày bận việc đồng áng đến đêm hễ được thả ăn cỏ rong thế nào nó cũng thừa cơ chuồn về nhà, hoặc tệ hại hơn nữa, nó còn trốn vào rừng hoặc vào những cái khe thật xa. Grigori thường phải cưỡi ngựa hàng ngày ròng để lùng sục ngang dọc trên đồng cỏ và đến khi đã chắc mẩm không còn bao giờ tìm thấy con bò lạc được nữa, người ta lại bất thình lình với được nó ở một chỗ nào đó ngay dưới lòng một cái khe nhỏ, trong bụi mận gai rậm rạp không sao chui qua được hay dưới bóng cây táo dai cổ thụ cành đâm ngang dọc. Con quỉ dữ một sừng ấy làm rất thành thạo cái trò tháo chão. Ban đêm nó thường dùng sừng hất bật cái chốt cửa của sân gia súc, chuồn ra ngoài tự do, bơi qua sông Đông và lang thang trên dải cỏ ven sông. Hồi ấy nó đã gây cho Grigori bao nhiêu chuyện phiền não và bực bội…

– Con bò gãy sừng kia, nó có lành không? – Grigori hỏi.

– Lành. Nhưng làm sao chứ?

– Tôi chỉ hỏi thế thôi.

– Nếu chẳng còn gì mà nói thêm thì chỉ hai tiếng “thế thôi” cũng đủ tốt rồi. – Ả đánh xe cười nhạo nói.

Grigori lại nín lặng. Chàng cảm thấy thú vị vì được nghĩ tới quá khứ tới cuộc sống hoà bình, tới công ăn việc làm, tới tất cả những gì không dính dáng chút nào tới chiến tranh, vì chàng đã chán ghét đến cùng cực cuộc chiến tranh kéo dài bảy năm nay. Và chỉ hơi nghĩ tới nó, tới một sự việc nhỏ nào có dính dáng tới thời gian đi lính của mình là chàng lại cảm thấy trong lòng bực bội nhức nhối và ngứa ngáy buồn nôn.

Chàng đã thôi không đánh nhau nữa rồi. Đối với chàng, như thế là quá đủ. Bây giờ chàng về nhà để được vĩnh viễn bắt tay vào làm ăn, để được sống với hai con, với Acxinhia. Ngay từ hồi còn ở ngoài ấy, ở ngoài mặt trận, chàng đã dứt khoát định bụng sẽ đưa Acxinhia về nhà mình để nàng dạy dỗ hai đứa con của mình và luôn luôn sống bên cạnh mình. Việc nầy cũng cần phải giải quyết cho xong, và càng nhanh càng tốt.

Grigori khoái trá mơ đến lúc mình về nhà được cời chiếc áo ca- pốt và ủng quân đội, đi đôi ủng ngắn rộng thoải mái vào chân, và theo phong tục Cô- dắc lồng hai ống quần rộng thùng thình vào đôi bít tất len trắng rồi khoác chiếc áo choàng bằng dạ thô nhà dệt lấy ra ngoài chiếc áo bông ngắn ấm áp, ra đồng làm việc. Thú vị biết bao khi được đặt hai tay lên cán cày, đi theo cái cày trên luống đất ẩm ướt, phồng mũi hít lấy hít để mùi chất đất vừa bị quật lên ẩm ẩm nhạt nhạt, mùi cỏ bị lưỡi cày cắt đứt hắc hắc thơm thơm. Ở đồng đất nước ngoài, đất cũng như cỏ đều mang những mùi khác. Hồi còn ở Ba Lan, ở Ukraina và Krym, đã nhiều lần chàng vò những túm ngải cứu xanh xám trong lòng bàn tay, đưa lên mũi ngửi và buồn rầu nghĩ thầm: “Không, không phải, loại khác ở nhà…”

Trong khi đó ả đánh xe cũng buồn. Ả cũng thèm nói chuyện. Ả thôi không thúc hai con bò nữa mà ngồi cho thoải mái hơn, rồi nghịch nghịch cái roi da, vừa lén nhìn Grigori rất lâu. Ả ngắm khuôn mặt trầm tư và cặp mắt lim dim của chàng, bụng bảo dạ: “Tuy tóc bạc, nhưng hắn chưa già lắm đâu. Mà cái thằng cha cũng kỳ quặc thế nào ấy. Mắt lúc nào cũng lim dim, hắn lim dim mắt làm gì thế nhỉ? Nom hắn mệt mỏi rã rời, cứ như phải kéo cả một cái xe tải…Mà người ngợm cũng khá đấy chứ. Chỉ phải nhiều tóc bạc, ria cũng gần bạc trắng. Mặt mũi kể cũng được. Nhưng hắn nghĩ gì thế nhỉ? Đầu tiên hình như cũng có vẻ muốn bông lơn, nhưng lại rồi nín thinh, chỉ hỏi một câu gì về con bò. Hay là hắn không có chuyện gì để nói? Hay chưa biết chừng hắn là một thằng nhút nhát? Không phải đâu: Hai con mắt hắn cứng cỏi lắm. Không, hắn là một tay Cô- dắc rất bảnh, phải cái kỳ quặc thế nào ấy. Nhưng được, mày cứ việc ngậm tăm, con quỉ gù nầy? Mày tưởng tao cần mày lắm đấy phỏng? Cả tao cũng có thể ngậm tăm được! Mày về với vợ cũng chẳng được yên lành đâu! Thôi được, mày cứ giả câm như thế cho khoẻ người?”

Rồi ả ngả lưng vào thành xe, khẽ cất tiếng hát.

Grigori ngẩng đầu lên nhìn mặt trời. Vẫn còn khá sớm. Bụi phi liêm năm ngoái âm thầm đứng gác bên lề đường in xuống đất một cái bóng dài chừng nửa bước. Chắc hẳn còn chưa quá hai giờ trưa.

Đồng cỏ nằm chết lặng như bị ma làm. Mặt trời toả hơi nóng một cách dè sẻn. Một làn gió hiu hiu thổi rung rinh lớp cỏ cháy đỏ nhưng không thành tiếng. Bốn bề không nghe thấy một tiếng chim hót hay một tiếng chuột trũi rít. Trên bầu trời xanh nhạt lạnh lẽo cũng không thấy bóng một con diều hâu hay đại bàng nào lượn vòng. Chỉ một lần có một cái bóng xám xám lướt qua mặt đường. Grigori chưa kịp ngẩng đầu lên đã nghe thấy tiếng một cặp cánh lớn vẫy nặng nề: một con gà nước to màu xám tro bay qua với đám lông bên trong cánh trắng loá dưới nắng rồi hạ cánh bên cạnh nấm kurgan đằng xa, nơi một vùng đất trũng không được mặt trời rọi tới đang chìm lẫn với khoảng mù xa màu tím sẫm. Xưa kia thường mãi cuối thu Grigori mới thấy có cái cảnh trầm lặng âm thầm và rầu rĩ như thế nầy trên đồng cỏ. Những khi đó chàng có cảm tưởng như mình nghe thấy một đám tuỳ phong phiêu bị gió cuốn theo đang ràn rạt lăn trên lớp cỏ khô bay qua đồng cỏ rất xa, rất xa về phía trước mặt. Con đường như dài vô tận. Nó trườn ngoằn ngoèo theo một sườn đồi, xuống cái khe rồi lại leo lên tới đường sống của ngọn gò khác. Và dù tầm mắt được chuyển tới đâu cũng vẫn chỉ thấy cánh đồng cỏ trầm lặng mấp mô gò đống.

Grigori thích thú ngắm một bụi phong đen mọc trên sườn dốc của một cái khe nhỏ. Với lớp lá bị sương muối đầu mùa đốt cháy rực, cụm phong sáng lên màu đỏ tía ám khói, tựa như có lớp tro phủ trên những hòn than của đống củi sắp tàn.

– Tên bác là gì hả bác? – Ả đánh xe vừa hỏi vừa chạm ngọn roi vào vai Grigori.

Chàng rùng mình, quay mặt nhìn ả. Ả đưa mắt ra chỗ khác.

– Grigori. Thế còn cô, cô tên là gì?

– Tên tôi là “Mỗ” 1 Ngồi yên mãi chán ngấy rồi! Tôi đã ngậm tăm nửa ngày, mồm miệng khô không khốc rồi. Nhưng lại sao bác không vui như thế, bác Griska?

– Tại sao tôi lại phải vui?

– Bác đang trên đường về nhà thì phải vui mới đúng.

– Những năm tháng để cho tôi vui được đã qua hết rồi.

– Té ra vớ được một ông già. Nhưng tại sao bác còn trẻ mà đầu tóc đã bạc trắng cả thế?

– Cô thật là cái gì cũng muốn biết… Có lẽ nhờ một cuộc sống sung sướng nên mới bạc đầu đấy.

– Bác đã có vợ chưa, bác Griska?

– Có rồi. Còn cô nữa, cô “Mỗ” ạ, cô cũng phải mau mau lấy chồng đi mới được.

– Tại sao lại mau mau?

– Cô có vẻ vui chơi nhiều quá đấy…

– Chẳng nhẽ như thế không tốt hay sao?

– Cũng có khi không tốt đâu. Tôi biết có một chị chàng cũng hay vui chơi như cô, cũng ở goá, nhưng vui mãi, vui chơi mãi, rồi cuối cùng rụng mất cả mũi…

– Chao ôi, lạy Chúa tôi, sao lại khủng khiếp đến thế? – Ả vờ hoảng sợ một cách hài hước, kêu lên, rồi lại nói thêm ra vẻ rất thạo đời – Cái trò của bọn đàn bà goá chúng tôi là như thế đấy: nếu sợ chó sói thì đừng mò vào rừng.

Grigori đưa mắt nhìn ả. Ả nghiến hai hàm răng trắng nhỏ như răng chuột, cười không thành tiếng. Cái môi trên hơn hớt của ả run run, mắt ả long lanh tinh quái dưới hai hàng mi hạ thấp. Grigori bất giác mỉm cười đặt tay lên một bên đầu gối tròn tròn ấm ấm của ả.

– Cô “Mỗ” ạ, tội nghiệp cho cô, cuộc đời của cô thật khổ sở, đắng cay! – Chàng nói giọng thương hại. – Mới hai chục tuổi đầu mà đã bị cuộc đời dày vò đến thế nầy…

Trong nháy mắt, tâm trạng vui vẻ vừa nãy của ả không còn dấu vết gì nữa. Ả nghiêm khắc hất tay chàng ra, cau mày và đỏ mặt lên đến nôi các điểm tàn hương lấm tấm ở chỗ tinh mũi biến đâu mất cả.

– Anh về nhà mà thương vợ anh, chứ tôi thì không cần có anh cũng đã đủ người thương rồi?

– Nhưng cô đừng bực mình, hượm đã nào?

– Thôi cút mẹ anh đi!

– Tôi nói như thế vì ái ngại cho cô đấy thôi.

– Anh mang cái ái ngại của anh mà cút đi đâu thì cút… – Ả văng tục một cách quen thuộc và thành thạo như đàn ông, hai con mắt sầm lại long lên.

Grigori giương cao hai hàng lông mày, luống cuống è è trong họng:

– Cô nói tục thật ghê gớm, không chê vào đâu được! Đúng là một con ngựa bất kham?

– Còn anh là một thằng thế nào? Một ông thánh mặc cái áo ca- pốt rận bám như sung, cái thớ của anh chỉ như thế thôi? Tôi biết chán cái hạng anh rồi? Đi lấy chồng đi rồi lại còn thế nầy thế nọ, nhưng anh trở nên ngoan đạo thế nầy đã lâu chưa?

– Không, cũng chưa được bao lâu, – Grigori bật cười và nói.

– Thế tại sao anh lại đem các điều lệnh qui tắc thuyết cho tôi nghe? Tôi đã có mẹ chồng làm việc ấy rồi.

– Thôi, cô ghê gớm đến thế cũng đủ rồi, làm gì mà cáu rầm lên như thế, đàn bà gì mà ngớ ngẩn? Chỉ thuận miệng nói thôi mà? – Grigori làm lành. – Cô xem kìa, chúng ta mải nói chuyện, để bò đi cả ra ngoài lề đường rồi.

Grigori nằm lại trên xe cho thoải mái, chàng đưa nhanh mắt nhìn ả goá vui nhộn, thấy trong khoé mắt ả long lanh vài giọt nước mắt: “Thật chẳng hiểu ra sao nữa? Mà cái bọn đàn bà nầy, bao giờ họ cũng như thế cả…” – Chàng nghĩ thầm và bỗng cảm thấy trong lòng có phần ngượng ngùng bực bội.

Chẳng mấy chốc chàng đã nằm ngửa ra, kéo vạt áo ca- pốt lên che mặt, ngủ thiếp đi và mãi khi trời hoàng hôn mới thức giấc. Trên trời đã lấp loáng vài ngôi sao chiều nhợt nhạt. Mùi cỏ khô xông lên tươi mát và khoan khoái.

– Phải cho bò ăn mới được. – Ả goá nói.

– Được thôi, cho xe dừng lại đi.

Grigori tự tay tháo đôi bò mộng, lấy trong túi dết ra một hộp thịt, một miếng bánh mì rồi đi bẻ và tìm về một bó cỏ dại khô. Chàng nhóm một đống lửa ở gần cái xe:

– Thôi ngồi xuống ăn tối đi, cô “Mỗ”, cô bực mình như thế đủ rồi đấy.

Ả ngồi xuống bên đống lửa, lặng lẽ dốc trong một cái túi dết ra một miếng bánh mì và một miếng mỡ chài để lâu quá đã vàng như rỉ. Trong khi ăn tối, hai người nói với nhau rất ít nhưng rất ôn tồn.

Sau đó ả leo lên xe nằm còn Grigori thì bỏ thêm vài tảng phân bò khô lên dống lửa cho khỏi tắt rồi nằm xuống ở gần lửa như trong khi hành quân. Chàng gối đầu lên cái túi dết, đăm đăm nhìn lên bầu trời lấp lánh ánh sao, đầu óc rối bời với những ý nghĩ không đầu không đũa về con, về Acxinhia rồi thiu thiu dần. Bỗng một giọng đàn bà ngọt ngào làm chàng tỉnh lại:

– Ngủ rồi đấy à, thầy quyền? Đã ngủ chưa thế?

Grigori ngẩng đầu. Người bạn cùng đường của chàng đang chống khuỷu tay, nhô hẳn người ra ngoài chiếc xe. Cái ánh chợp chờn của đống lửa sắp tàn chiếu từ bên dưới làm mặt ả hồng lên tươi tắn, hai hàm răng cũng như cái viền đăng ten của chiếc khăn trùm đầu đều trắng loá. Cứ như giữa hai người chưa hề có điều qua tiếng lại, ả lại mỉm cười, rung rung hai hàng lông mày và nói:

– Tôi chỉ sợ anh nằm dưới ấy sẽ bị cóng. Đất lạnh lắm đấy. Nếu rét quá thì lên trên nầy với tôi. Cái áo choàng lông của tôi ấ- ấ- ấm ấm là! Anh leo lên trên nầy chứ?

Grigori ngẫm nghĩ một lát rồi thở dài trả lời:

– Thôi cám ơn cô nàng, tôi không muốn lên đâu. Nếu một hai năm trước thì… Có lẽ nằm ngay bên lửa tôi sẽ không bị cóng đâu.

Ả kia cũng thở dài và nói:

– Không sao, tuỳ anh thôi. – Ả nói xong kéo cái choàng lông lên trùm đầu.

Một lát sau, Grigori đứng dậy thu dọn các thứ của mình. Chàng quyết định đi bộ để trước khi trời rạng đã về tới thôn Tatarsky. Không thể tưởng tượng rằng một người chỉ huy như chàng mà ban ngày ban mặt lại cưỡi xe bò về nhà. Về như thế thì sẽ gây ra bao nhiêu điều chê cười, nói ra nói vào…

Chàng đánh thức ả đánh xe:

– Tôi đi bộ đây. Cô có sợ nằm lại một mình trên đồng cỏ không?

– Không, tôi đâu phải là một con nhát gan, mà chỗ nầy cũng gần thôn xóm. Nhưng còn anh thì sao, không nhịn được nữa à?

– Cô đoán đúng đấy. Thôi vĩnh biệt cô “Mỗ”, có điều gì không phải cũng đừng để lòng để dạ?

Grigori ra đường cái và kéo cao cổ áo ca- pốt. Một bông tuyết đầu mùa nhỏ xíu rơi xuống mi mắt chàng. Trời chuyển gió bấc và trong hơi gió lạnh buốt, Grigori đã ngửi thấy mùi tuyết quen thuộc và thân thương.

° ° °

Đến tối thì Miska trở về sau chuyến đi lên trấn. Dunhiaska nhìn qua cửa sổ thấy chồng bước vào cổng bèn nhanh nhẹn hất chiếc khăn san trùm đầu xuống vai, bước ra sân.

– Sáng nay anh Griska về rồi đấy. – Dunhiaska nói ở cổng xép và nhìn chồng, dầy vẻ lo lắng và chờ đợi.

– Chúc mừng niềm vui của em. – Miska trả lời, giọng dè dặt và hơi có vẻ châm biếm.

Anh nghiến chặt hai hàm răng, bước vào trong bếp. Vài viên tròn tròn lên lên xuống xuống bên dưới gò má. Con Poliuska đang ngồi nép trên đầu gối Grigori. Cô nó đã ân cần cho nó diện một cá áo dài sạch. Grigori đặt rất cẩn thận con bé xuống sàn rồi bước tới trước mặt em rể và mỉm cười chìa ra một bàn tay vừa to vừa đen. Chàng đã định ôm hôn Miska nhưng thấy hai con mắt Miska không tươi cười mà chỉ đầy vẻ lạnh nhạt và căm ghét nên lại thôi!

– Nào, chào cậu, Miska?

– Chào anh.

– Đã lâu chúng ta không được trông thấy nhau? Lâu như hàng thế kỷ rồi ấy.

– Phải, khá lâu… Mừng anh đã về nhà.

– Cám ơn. Thế là chúng mình trở thành họ hàng với nhau đấy nhỉ?

– Đã là thế rồi… Nhưng sao trên má anh lại có máu thế?

– Chà không sao đâu, cạo mặt bị sướt đấy, mình đã cạo quá vội.

Hai người ngồi vào bàn, lặng lẽ nhìn nhau, cả hai đều cảm thấy xa lạ và đều lúng túng khó xử. Họ sẽ phải nói với nhau một câu chuyện quan trọng nhưng trong lúc nầy còn chưa nói được. Miska có đủ tinh thần tự chủ, vì thế anh nói bình thản về công việc làm ăn, về những thay đổi đã xảy ra trong thôn.

Grigori đưa mắt ra cửa sổ nhìn khoảng đất đã phủ một lớp tuyết đầu mùa xanh ngát và những cái cành trơ trụi của cây táo. Trước kia chàng có ngờ đâu rằng cuộc gặp mặt với Miska sẽ như thế nầy…

Chỉ lát sau Miska đã bỏ ra ngoài. Ra đến phòng ngoài, anh mài rất cẩn thận con dao trên hòn đá mài rồi bảo Dunhiaska:

– Anh muốn gọi một anh chàng nào đó đến cắt tiết con cừu thiến. Ông chủ nhà trở về thì phải được khoản đãi cho xứng đáng mới được. Em chạy đi kiếm rượu đi. Nhưng hượm đã, thế nầy nầy: em tạt qua nhà Prokho và bảo hắn là dù thăng thiên độn thổ cũng phải kiếm cho ra rượu. Việc nầy thì hắn sẽ làm cừ hơn em. Gọi hắn sang ăn tối nhé.

Dunhiaska sung sướng nở nang cả mặt mày. Cô lặng lẽ nhìn chồng ra ý cám ơn…”May ra tất cả mọi việc đều sẽ được êm thấm… Chà, các chuyện đánh đấm đã hết rồi thì còn có gì mà nói với nhau nữa? Cầu Chúa giúp cho đầu óc cả hai đều sáng ra!” – Cô có những ý nghĩ đầy hy vọng trong khi đi tới nhà Prokho.

Chưa được nửa giờ sau, Prokho đã hển hển chạy tới.

– Anh Grigori Pantelevich? Anh bạn yêu quí của tôi? Thật không ngờ còn được trông thấy nhau? – Hắn mếu máo kêu lên the thé rồi vấp chân vào ngưỡng cửa, thiếu chút nữa thì đánh vỡ hũ rượu to bằng đến một thùng.

Hắn nức nở ôm lấy Grigori, đưa tay áo lên lau mắt và vuốt hàng ria đẫm nước mắt. Trong cổ họng Grigori có cái gì run run, nhưng chàng trấn tĩnh được và chỉ cảm động vỗ vào lưng người lính hầu trung thành của mình một cách hơi thô bạo rồi chẳng nói ra đầu ra đũa gì cả:

– Thế là chúng mình lại được trông thấy nhau rồi… Chà, Prokho ạ mình rất sung sướng được gặp cậu, thật hết sức sung sướng!

Nhưng sao thế, ông lão nầy, cậu khóc đấy à? Về nằm nhà đâm ra yếu đuối thế nầy rồi hay sao? Cái ê- cu mòn rồi à? Thế cái tay của cậu như thế nào? Vợ cậu vẫn còn chưa vặn nốt cái tay kia hay sao?

Prokho hỉ mũi ầm ầm rồi cởi cái áo lông ngắn.

– Hai vợ chồng tôi bây giờ sống với nhau cứ như đôi chim cu ấy. Cái tay còn lại, anh xem đây nầy, vẫn còn nguyên vẹn, còn cái tay bị bọn Trắng Ba Lan chặt thì đã bắt đầu mọc lại, tôi nói thật đấy. Chỉ một năm nữa sẽ có đủ mười ngón thôi – Hãn lắc bên tay áo rỗng nói với giọng vui nhộn vốn có từ xưa.

Chiến tranh đã dạy cho họ biết giấu sau nụ cười những tình cảm thật có trong lòng mình, biết gia thêm muối vào bánh mì cũng như vào câu chuyện. Chính vì thế Grigori vẫn tiếp tụ hỏi han với giọng pha trò:

– Thế cậu sống như thế nào, con dê già nầy? Nhảy nhót như thế nào?

– Nhảy theo kiểu ông già thôi, chẳng có gì vội vàng cả.

– Không có mình mà cậu chẳng kiếm chác được thêm gì à?

– Cái gì cơ chứ?

– Chà, những cái trò mà cậu đeo vào mình dạo mùa đông năm ngoái ấy mà…

– Anh Pantelevich? Cầu Chúa cứu vớt cho? Bây giờ thì lôi còn làm cái chuyện phù phiếm ấy làm gì? Hơn nữa với độc một cánh tay thì kiếm chác cái gì tôi? Đó là việc của anh, một tay trai trẻ, phòng không lạnh lẽo… Chứ tôi thì đã đến lúc đem cái của mình cho vợ nó làm bàn chải phết bơ lên chảo rồi…

Hai người bạn cùng chiến hào lâu năm nhìn nhau rất lâu. Cả hai cười khà khà và cùng sung sướng vì được gặp nhau.

– Anh về hẳn rồi chứ? – Prokho hỏi.

– Về hẳn rồi. Không còn vướng víu gì nữa.

– Thế anh đã làm đến cấp gì?

– Mình đã là trung đoàn phó.

– Thế tại sao họ để cho anh về sớm thế?

Grigori sầm mặt, trả lời gọn lỏn:

– Họ không cần đến nữa.

– Vì sao thế?

– Không biết. Có lẽ vì những chuyện trước kia.

– Nhưng anh đã qua được Uỷ ban sàng lọc thuộc Phòng đặc vụ phụ trách các sĩ quan và đã lọt qua rồi thì còn quá khứ quá khiếc gì nữa?

– Thiếu gì chuyện.

– Thế Miska đâu.

– Ở ngoài sân. Đang thu dọn cho gia súc.

Prokho bước tới sát Grigori, hạ thấp giọng.

– Tháng trước Platon Riaptrikov bị đem xử bắn rồi đấy.

– Cậu nói gì thế hử?

– Nói thật có Chúa chứng giám đấy.

Phòng ngoài có tiếng cánh cửa cọt kẹt.

– Chúng ta sẽ bàn thêm sau, – Prokho nói rất khẽ rồi cất cao giọng. – Thế nào, đồng chí chỉ huy, có cái mừng to như thế nầy thì phải uống một chầu chứ? Để tôi đi gọi Miska nhé!

– Cậu ra gọi đi.

Dunhiaska sắp xếp bàn ăn. Cô không còn biết nên tiếp đón ông anh của mình như thế nào nữa; cô đặt lên đầu gối Grigori một chiếc khăn tay sạch, đẩy tới trước mặt chàng dĩa dưa hấu muối, lau cái cốc năm lần bảy lượt… Grigori mỉm cười, nhận xét thầm mà không nói ra rằng Dunhiaska gọi mình là “bác”.

Trong khi ngồi ở bàn ăn, Miska đầu tiên cứ nhất định không nói năng gì mà chỉ chăm chú lắng nghe Grigori nói. Anh uống rất ít rượu, rất miễn cưỡng. Trái lại Prokho thì uống sạch ngay một cốc đầy, nhưng cũng chỉ đỏ bừng mặt mà càng hay đưa nắm tay lên chùi hàng ria trắng bệch.

Dunhiaska cho hai đứa trẻ ăn xong, đặt chúng nằm lên giường, rồi để lên bàn một đĩa thịt cừu ninh rất to và rỉ tai Grigori:

– Anh yêu của em, em chạy sang gọi chị Acxinhia nhé, anh không có gì phản đối chứ?

Grigori lặng lẽ gật đầu. Chàng có cảm tưởng như suốt buổi chiều chẳng có ai nhận thấy rằng chàng đã sống trong một trạng thái chờ đợi căng thẳng, song Dunhiaska cũng có thấy là mỗi lần khi có tiếng gõ cửa chàng lại có vẻ đề phòng, lắng nghe và liếc nhìn ra cửa. Đúng là chẳng gì có thể lọt qua được cặp mắt tinh nhanh của cô em gái…

– Thế cái thằng Cheresenko người Kuban vẫn chỉ huy trung đội à? – Prokho hỏi nhưng hai tay vẫn giữ khư khư cốc rượu, cứ như sợ có người nào cướp đi mất.

– Nó bị giết ở gần Lvov rồi.

– Thôi cầu cho nó được hưởng phúc nơi thiên đường. Nó vốn là một thằng kỵ binh cừ lắm? – Prokho vội vã làm dấu phép và uống một hớp rượu mà không nhận thấy nụ cười châm biếm trên môi Miska.

– Thế còn thằng cha gì có cái tên kỳ quặc ấy? Cái thằng ở cánh bên phải ấy, chà, nó, thật là đáng nguyền rủa, tên nó hình như là Mai- Boroda ấy mà? Cái thằng khô- khon béo phục phịch và vui tính nó cho một nhát xả đôi thằng sĩ quan Ba Lan ở gần Brody ấy. Nó có còn sống, khoẻ mạnh không?

– Nó vẫn cứ như một con ngựa giống ấy? Nhưng nó đã bị đưa sang đại đội súng máy.

– Còn con ngựa của anh trao cho ai rồi?

– Mình đã cưỡi một con khác.

– Thế còn trán trắng đâu?

– Nó đã chết vì một mảnh đạn pháo.

– Trong khi chiến đấu à?

– Ở địa điểm giữ ngựa. Trong lúc pháo binh địch bắn phá. Nó chết ngay ở chỗ buộc ngựa.

– Chao ôi, thật đáng tiếc? Con ngựa tốt tốt là? – Prokho thở dài rồi lại cúi xuống với cốc rượu.

Phòng ngoài có tiếng then cửa lách cách. Grigori rùng mình.

Acxinhia bước qua ngưỡng cửa, nói lúng búng: “Xin chào cả nhà?”

Rồi nàng thở hổn hển, cởi chiếc khăn bịt đầu, hai con mắt sáng ngời mở to trừng trừng cứ dán vào Grigori, Acxinhia bước tới bàn ăn, ngồi xuống bên cạnh Dunhiaska. Những bông tuyết nhỏ xíu tan dần trên lông mày, lông mi và làn da mặt trắng bệch của nàng. Nàng cau mày, đưa tay lên vuốt mặt, thở phào một cái và mãi lúc ấy mới trấn tính được để nhìn Grigori bằng cặp mắt đắm đuối, mờ đi vì xúc động.

– Cô bạn đồng sự? Acxiutka? Chúng ta cùng rút lui với nhau, đã cùng làm mồi cho chấy rận… Tuy chúng tôi đã quẳng cô ở lại Kuban, nhưng thật còn có thể làm thế nào khác được nữa? – Prokho chìa cho nàng một cốc rượu, làm rượu tràn cả xuống bàn. – Cô hãy uống cạn mừng anh Grigori Pantelevich! Chúc mừng anh ấy đã về… Tôi đã nói với cô rằng anh ấy sẽ trở về, người ngợm hoàn toàn nguyên vẹn, bây giờ cô xem đấy, cô hãy bỏ hai mươi rúp mà mua lấy anh ấy! Ngồi vẫn chĩnh chệ, oai phong lẫm lẫm!

– Hắn uống lắm vào rồi nói lung tung đấy, chị láng giềng ạ, đừng có nghe hắn. – Grigori cười, đưa mắt chỉ Prokho.

Acxinhia cúi chào Grigori và Dunhiaska. Nàng chỉ hơi nâng cái cốc lên khỏi bàn, sợ mọi người nhìn thấy tay mình run.

– Mừng anh đã về nhà, anh Grigori Pantelevich, còn cô, cô Dunhiaska, mừng dịp vui của cô.

– Thế còn cô thì mừng cô cái gì? Mừng dịp đau khổ à? – Prokho, cười khà khà hích khuỷu tay vào sườn Miska.

Mặt Acxinhia đỏ ửng lên, ngay đến hai cái dái lai nhỏ nhắn cũng hồng lên trong trong. Nhưng nàng đưa cặp mắt vừa cứng cỏi vừa tức tối nhìn Prokho rồi trả lời:

– Mừng tôi là mừng niềm vui sướng… Một niềm vui sướng cực lớn!

Thái độ thẳng thái cởi mở của nàng đã tước vũ khí của Prokho và làm hắn rất cảm động. Hắn bèn năn nỉ:

– Cô hãy vì Chúa mà uống cốc rượu đi, uống cạn đến giọt cuối cùng đấy. Đã biết nói thẳng thì cũng phải biết uống thật tận tình! Ai còn để lại giọt rượu nào thì bằng đâm mũi dao nhọn vào tim tôi đấy.

Acxinhia ngồi lại cũng không lâu, chỉ đủ thời gian mà nàng cho là không trái phép lịch sự. Suốt thời gian ấy nàng chỉ đưa mắt nhìn người yêu của mình vài lần mà cũng chỉ nhìn loáng qua thôi. Nàng tự bắt mình phải nhìn những người khác và cố tránh cặp mắt của Grigori vì nàng không thể vờ vĩnh làm vẻ lạnh nhạt, nhưng cũng không muốn để lộ tình cảm của mình cho người khác thấy. Grigori chỉ bắt gặp một lần cặp mắt của nàng lúc ra đến ngưỡng cửa và cái nhìn thẳng thắn, đầy yêu đương và trung thành ấy thực chất đã nói lên tất cả. Chàng ra tiễn Acxinhia. Prokho đã chuếch choáng gọi với sau lưng chàng:

– Nhưng anh đừng ra lâu quá đấy? Chúng tôi uống hết tuốt bây giờ?

Ra đến phòng ngoài, Grigori lặng lẽ hôn trán, hôn môi Acxinhia rồi hỏi:

– Em thế nào, Acxiutka?

– Chao ôi, làm thế nào kể cho hết được… Ngày mai anh sang nhé!

– Anh sẽ sang.

Nàng hấp tấp về nhà, chân bước rất nhanh, tựa như có việc gì rất cấp bách đang chờ mình. Mãi khi về tới thềm nhà mình nàng mới chậm bước, thận trọng leo lên những bực thềm cọt kẹl. Nàng chỉ muốn mau chóng được ngồi một mình với những ý nghĩ riêng, với niềm hạnh phúc vừa đến với mình đột ngột như thế.

Nàng cởi cái áo mặc ngoài, bỏ chiếc khăn trùm đầu rồi không châm đèn, bước thẳng vào phòng trong. Bóng đêm tím ngắt, đặc quánh lọt vào phòng qua khung cửa sổ mà các cánh cửa chớp không bịt kín. Một con dế kêu lanh lảnh ở sau lò sưởi. Theo thói quen Acxinhia khom lưng soi gương, và tuy trời tối không cho nàng trông thấy hình của mình, song nàng vẫn sửa lại tóc, vuốt những nếp mút- xơ- lin trên ngực chiếc áo trong rồi bước ra cửa sổ, ngồi phịch xuống chiếc ghế dài một cách mệt mỏi.

Suốt cuộc đời, nàng đã bao lần mơ ước và hy vọng, nhưng đều không thành sự thật. Có lẽ vì thế nên tâm trạng lo lắng thường ngày đã lại thay thế ngay niềm vui mà nàng vừa được hưởng. Cuộc đời từ nay sẽ ra sao đây? Có những chuyện gì đang chờ đợi nàng trong tương lai? Cái hạnh phúc đầy đắng cay của người đàn bà nó mỉm cười với nàng như thế có quá muộn không?

Cảm thấy mình hoàn toàn trống rỗng sự xúc động lúc tối, nàng áp má vào mảnh kính lạnh buốt đầy sương muối, ngồi rất lâu, cặp mắt bình thản và có phần âu sầu nhìn đăm đăm vào bóng tối chỉ hơi loáng thoáng ánh tuyết.

Grigori lại ngồi vào bàn. Chàng cầm bình rượu rót cho mình đầy cốc uống một hơi hết sạch.

– Rượu tốt đấy chứ? – Prokho hỏi.

– Mình không phân biệt được nữa. Đã lâu không uống rồi.

– Y như rượu Nicolai ấy thôi, nói có Chúa chứng giám? – Prokho nói chắc chắn rồi lảo đảo ôm lấy Miska. – Miska ạ trong việc nầy thì anh hiểu biết còn tồi hơn con bò non phân biệt các thứ nước rửa bát. Nhưng tôi thì tôi biết hết sức tường tận về các thứ rượu. Tôi đã được uống cơ man nào các thứ rượu thuốc và rượu vang! Có một thứ rượu vang, vừa mở nút ra là bọt trong chai đã sủi lên như nước rãi của con chó dại ấy. Có Chúa chứng giám, tôi không nói láo đâu! Ở Ba Lan, hồi chúng tôi chọc thủng mặt trận và theo đồng chí Xemion Mikhailovich 2 tiến lên xả bọn Trắng Ba Lan, có lần đã ào tới chiếm được trang trại của một thằng địa chủ. Ngôi nhà trong cái trại ấy cao hai ba tầng, gia súc nuôi trong sân sừng chạm vào sừng ngoài ra còn có đủ mọi thứ chim gà, chẳng còn chỗ nào mà nhổ bãi nước bọt nữa.

Nói tóm lại thằng địa chủ ấy nó sống cứ như ông vua con. Lúc trung đội của chúng tôi phi ngựa vào cái trại ấy, bọn sĩ quan không ngờ anh em có thể đến được, vẫn còn đang nhậu nhẹt phè phỡn với nhà chủ. Chúng nó đã bị chúng tôi chém chết sạch ngoài vườn và trên thang gác, chỉ có một thằng được bắt làm tù binh. Nó là một thằng sĩ quan rất to đầu, nhưng khi bị bắt thì na nó chảy xệ xuống, người nhũn ra như sợi bún vì sợ. Lúc ấy anh Grigori Pantelevich bị gọi cấp tốc lên ban tham mưu, vì thế chúng tôi muốn làm gì thì làm. Chúng tôi mò vào các phòng của tầng dưới, thấy trong đó có một cái bàn ăn khổng lồ, đồ ăn thức uống chẳng thiếu thứ gì! Chúng tôi làm bộ chưa thèm ăn tuy trong bụng đang đói khủng khỉếp, chỉ vì sợ. Chúng tôi nghĩ thầm: “Nếu tất cả có thuốc độc thì sao? Thằng tù binh của chúng tôi cứ giương mắt nhìn như một con quỉ dữ. Chúng tôi bèn ra lệnh cho nó: “Hốc đi! Thế là nó hốc. Không muốn hốc cũng phải hốc. “Nốc đi!” Thế là nó nốc. Đĩa nào chúng tôi cũng bắt nó ăn một miếng thật to, chai nào cũng bắt nó uống một cốc. Vì phải ăn uống như thế, cái thằng đáng nguyền rủa ấy, bụng nó trương phềnh ra ngay trước mắt chúng tôi, còn chúng tôi thì cứ chảy rớt chảy rãi. Sau chúng tôi thấy thằng sĩ quan ấy không chết, bèn bắt đầu ăn. Chúng tôi ăn phè phỡn và uống cái thứ rượu vang sủi bọt lên đến lỗ mũi.

Chợt nhìn ra thấy thằng sĩ quan bắt đầu nôn thốc nôn tháo. Chúng tôi nghĩ bụng: “Chà bỏ mẹ rồi! Thằng chết tiệt nầy nó cố ý ăn đồ độc để lừa chúng mình rồi”. Chúng tôi bèn rút gươm nhảy xổ ra chỗ nó. Nó vái như tế sao: “Bẩm các quan lớn, đó là do thịnh tình của các quan nên tôi bị bội thực, chứ các quan đừng nghi ngờ, đồ ăn thức uống đều tốt cả”. Thế là chúng tôi lại quay về với món rượu vang?

Cứ mở nút là nó nổ phọt ra như một phát súng, bọt sủi lên tròn xoe, đứng bên cạnh nhìn thì chết khiếp được! Chính vì thứ rượu vang ấy mà đêm hôm ấy tôi đã ngã ngựa ba lần đấy! Vừa ngồi lên yên là lại như bị gió thổi vật xuống. Thứ rượu ấy nếu ngày nào lúc còn thanh tâm cũng được uống một hai cốc thì có lẽ sống được tới trăm tuổi đấy. Còn uống như thế nầy thì làm sao mà sống tới già được? Chẳng hạn như cái thứ nầy mà gọi là rượu được à? Là vi trùng truyền bệnh chứ không phải là rượu? Nốc cái của thổ tả nầy vào người thì cũng đến long móng trước tuổi thôi… Prokho hất đầu về phía cái hũ rượu rồi… rồi cho mình một cốc đầy đến miệng.

Dunhiaska vào nhà trong ngủ với hai đứa trẻ và một lát sau cả Prokho cũng đưng dậy. Hắn ngật ngưỡng khoác cái áo lông ngắn lên vai rồi nói:

– Tôi sẽ không mang cái hũ về đâu. Lòng dạ tôi nó không cho phép tôi đi đâu với những dồ đựng bên trong không có gì… Bây giờ tôi về đến nhà là sẽ bị vợ nó hành ngay đây. Làm cái trò ấy thì nó thành thạo lắm! Không biết những lời lẽ hại người như thế nó đã học được ở đâu? Chính tôi cũng chẳng biết nữa! Hễ tôi về đến nhà mà hơi có tí tỉ là nó sẽ bảo, như thế nầy chẳng hạn: “Đồ chó dái rượu chè be bét, thằng cụt khốn nạn, đồ thối thây!” Tôi thường nhẹ nhàng và bình tĩnh giảng giải cho nó rõ và bảo nó: “Đồ yêu quái hại người, đồ chó đẻ, mày đã thấy ở đâu có con chó dái say rượu mà lại còn cụt tay nữa hử? Khắp cả gầm trời nầy làm gì có cái của như thế hử?” Tôi vặn được nó một câu thổ tả thì nó lại tuôn ra cho tôi nghe một câu thứ hai, tôi bác bỏ câu thứ hai ấy thì nó đã có ngay một câu thứ ba và chúng tôi cứ thế suốt đêm đến sáng… Có hôm tôi chán ngấy không thèm nghe nó nữa, bèn bỏ xuống nhà kho để ngủ. Nhưng hễ tôi rượu say về nhà mà thấy nó nín thinh không la mắng gì cả là tôi không tài nào ngủ được, nói thật có Chúa chứng giám đấy? Trong người cứ như thiếu một cái gì, da thịt ngứa ngáy như lên mụn ghẻ, chẳng làm thế nào ngủ được nữa! Thế là lôi lại trêu vợ tôi, và nó lại hành cho tôi một trận, làm cho tôi toé phở? Con mụ nhà tôi đúng là một mẫu của quỉ dữ lôi chẳng làm thế nào trốn đi đâu được, đành mặc cho nó tam bành lục tặc, như vậy nó làm việc cũng sẽ hăng hơn tôi nói có đúng không? Nhưng thôi, tôi về đây, chào hai anh? Hay là đêm nay tôi chui vào cái máng cỏ mà ngủ để khỏi động đến nó?

– Nhưng liệu cậu có mò được về đến nhà không? Grigori vừa cười vừa hỏi.

– Dù phải bò như con tôi tôi cũng về được tới nơi! Hay tôi không phải là một thằng Cô- dắc hả, anh Pantelevich? Chỉ nghe anh nói thế cũng đủ lộn ruột rồi.

– Thôi, nếu vậy thì cầu Chúa che chở cho cậu!

Grigori tiễn bạn ra tới cửa xép rồi quay vào trong bếp.

– Thế nào chúng mình nói chuyện chứ Miska?

– Nào thì nói.

Hai người ngồi trước mặt nhau, cách một cái bàn, và cùng nín lặng một lát. Rồi Grigori nói:

– Giữa hai chúng mình hình như có chuyện gì ấy… Mình nhìn cậu cứ thấy có cái gì làm sao ấy! Mình về nhà, cậu không thích có có phải không? Hay là mình nhầm?

– Không, anh đoán đúng đấy, tôi không thích.

– Sao thế?

– Lại thêm một mối lo.

– Mình định sẽ tự kiếm lấy mà ăn.

– Tôi không nói về chuyện ấy đâu.

– Thế thì về chuyện gì?

– Tôi với anh là hai kẻ thù…

– Trước kia là thế.

– Phải, nhưng xem ra cả sau nầy cũng vẫn thế.

– Mình không hiểu. Tại sao vậy?

– Anh là một con người không thể tin được.

– Điều đó cậu nói không đúng đâu. Cậu nói như thế không đúng đâu?

– Không, không phải là không đúng. Tại sao thời buổi như thế nầy người ta lại cho anh giải ngũ. Anh cứ nói toạc móng heo xem nào?

– Mình không biết.

– Không, anh có biết, nhưng lại không muốn nói ra? Người ta không tin anh, có phải không?

– Nếu không tin thì đã chẳng trao cho một đại đội kỵ binh.

– Đó là thời kỳ đầu tiên, nhưng một khi người ta không để anh ở trong quân đội nữa thì sự việc đã rõ rành rành rồi, người anh em ạ!

– Nhưng cậu có tin mình không? – Grigori nhìn Miska chằm chằm và hỏi.

– Không! Nuôi một con sói thế nào thì nuôi, nhưng nó vẫn chỉ ngó về rừng.

– Hôm nay cậu uống quá nhiều đấy, Miska ạ.

– Anh đừng có nói như thế? Tôi không say hơn anh đâu. Ngoài ấy người ta đã không tin anh thì ở đây cũng không thể tin anh nhiều hơn được, anh hãy biết rõ như thế!

Grigori nín lặng một lát. Chàng uể oải nhặt một miếng dưa hấu muối trong cái đĩa, nhai nhai rồi lại nhổ ra.

– Vợ tôi đã kể cho anh nghe về thằng Kirin Gromov chưa? – Miska hỏi.

– Rồi.

– Lúc thấy nó về, tôi cũng đã không thích. Tôi vừa nghe thấy thế, ngay hôm ấy…

Grigori tái mặt, hai con mắt chàng trợn lên tròn xoe trong cơn tức giận như điên.

– Thế sao, đối với cậu mình cũng như thằng Kirin Gromov hay sao?

– Đừng làm rầm lên. Nhưng anh thì có gì tốt hơn nó?

– Chà, cậu phải biết…

– Ở đây chẳng có cái gì cần phải biết. Tất cả đã rõ ràng từ lâu rồi. Thế sau nầy thằng Mitka Korsunov vắc mặt về, tôi cũng sẽ vui mừng hay sao? Không, tốt nhất là anh và chúng nó đừng có mặt trong thôn làm gì?

– Đối với cậu như thế thì hơn à?

– Cả đối với tôi cũng như đối với nhân dân, như thế sẽ là tốt hơn, yên ổn hơn.

– Cậu đừng coi mình với chúng nó là cá mè một lứa.

– Tôi đã nói với anh rồi đấy, Grigori ạ, mà trong chuyện nầy anh cũng chẳng có gì đáng phải bực mình, anh không tốt hơn chúng nó, mà dứt khoát còn tồi tệ hơn, nguy hiểm hơn.

– Tại sao thế? Cậu nói lung tung cái gì thế? – Chúng nó chỉ là những thằng tiểu tốt, còn anh lại cầm đầu cả cuộc bạo động.

– Không phải mình cầm đầu chúng nó, mình là một sư đoàn trưởng.

– Như thế còn ít hay sao?

– Ít hay nhiều, vấn đề không phải là ở chỗ ấy… Nếu như hồi ấy, trong buổi liên hoan, mấy thằng Hồng quân không tìm cách giết mình thì có lẽ mình cũng không tham gia cuộc bạo động đâu.

– Nếu anh không là sĩ quan thì có lẽ cũng chẳng có đứa nào động tới anh.

– Và nếu chúng nó không bắt mình đi lính thì có lẽ mình đã chẳng là sĩ quan. Thôi, đó là một bài hát quá dài!

– Một bài hát vừa dài vừa lởm lợm!

– Bây giờ thì bài ấy không thể nào hát lại được nữa, muộn mất rồi.

Hai người lặng thinh một lát và cứ ngồi yên hút thuốc. Rồi Miska lấy móng tay gảy tàn thuốc và nói:

– Tôi biết các sự tích anh hùng của các anh, vì có được nghe kể lại. Anh đã giết nhiều chiến sĩ bên chúng tôi, vì thế tôi không thể nào nhìn anh một cách thoải mái được… Không thể xoá bỏ cái chuyện ấy khỏi trí nhớ của tôi được đâu.

Grigori cười nhạt:

– Cậu nhớ dai thật! Cậu đã giết anh Petro của mình, nhưng không hiểu sao mình không đả động câu nào về chuyện ấy… Nếu cứ nhớ hết mọi chuyện thì sẽ phải sống như lang sói mất.

– Nhưng có sao đâu, tôi có giết, tôi không chối? Nếu hồi ấy mà bắt được anh thì có lẽ tôi cũng đã xủ trí với anh cũng như với anh chàng thân mến ấy rồi!

– Thế mà khi Kotliarov bị bắt làm tù binh Ở Ust- Khopeskaia, mình đã vội vã về ngay, chỉ sợ có cả cậu trong số đó, sợ cậu bị bọn Cô- dắc giết mất… Té ra lần ấy mình vội vã thật là vô ích.

– Thì ra anh là một người có lòng tốt như thế! Cứ tưởng tượng xem anh sẽ nói năng như thế nào nếu bây giờ đang là chính quyền của bọn Ka- det, nếu phần thắng đang thuộc về các anh. Chưa biết chừng cái lưng của tôi đã bị ăn roi da rồi? Nhưng bây giờ anh lại tốt bụng như thế…

– Cũng chẳng có thể có đứa nào khác cho cậu ăn roi da chứ mình thì không vì cậu mà bẩn tay đâu.

– Như thế thì tôi với anh là hai con người khác nhau thật… Vốn dĩ đối với quân địch tôi không hề ngại bẩn tay và ngay bây giờ nếu cần làm gì tôi cũng không chớp mắt đâu. – Misca rót chỗ rượu vào hai cái cốc rồi hỏi – Anh uống nữa không?

– Nào thì uống, nếu không chúng ta sẽ quá tỉnh táo khi nói câu chuyện như thế nầy…

Hai người lặng lẽ chạm cốc, uống cạn. Grigôri tì ngực vào bàn, vê vê hàng ria, nheo mắt nìn Miska:

– Thế thì cậu sợ cái gì hả, Miska? Sợ mình lại nổi lên chống Chính quyền Xô viết à?

– Tôi chẳng sợ gì cả, nhưng cùng với những điều khác tôi cũng có ý nghĩ là nếu xảy ra một chuyện rối loạn nào đó, anh sẽ lại ngả ngay sang phía bên kia.

– Ở ngoài ấy, mình cũng đã có thể chạy sang với bọn Ba Lan được chứ, cậu thử nghĩ xem? Chúng ta đã có hàng đơn vị chạy sang bên chúng nó ấy.

– Anh đã không kịp sang à?

– Không, không muốn. Cái phần đi lính của đời mình sống đã đủ rồi. Không còn muốn đi lính cho bên nào nữa đâu. Trong cuộc đời mình, mình đánh đấm đã quá đủ rồi và bây giờ trong lòng đang đau khổ khủng khiếp. Mình chán ngấy tất cả, cách mạng cũng như phản cách mạng. Mặc cho tất cả… Mặc cho tất cả tan tành ra tro! Mình muốn sống bên cạnh hai đứa con của mình, lo công việc làm ăn tất cả chỉ có thế thôi. Miska ạ, cậu hãy tin rằng mình đã nói như thế với cả một tấm lòng chân thành.

Tuy vậy không thể có một lời cam đoan nào làm Miska tin được. Grigori hiểu rõ như thế nên không nói nữa. Trong khoảnh khắc, chàng cảm thấy bực bội, cay đắng đối với bản thân mình. Việc quái gì phải biện bạch, phải hì hục chứng minh? Việc gì phải có những lời trao đổi theo kiểu say rượu như thế nầy và nghe những lời thuyết lý ngu xuẩn của Miska? Thôi mặc mẹ nó tất cả? Grigori đứng dậy.

– Chúng ta hãy chấm dứt câu chuyện chẳng đi đến đâu nầy thôi! Thế là đủ rồi! Mình chỉ muốn nói với cậu một lời cuối cùng là mình sẽ không chống lại chính quyền chừng nào nó không rờ tay đến cổ họng mình. Nhưng nếu nó rờ lay đến cổ họng mình thì mình sẽ tự vệ? Dù sao mình cũng không vì cuộc bạo động mà chịu mất đầu như Platon Riaptrikov đâu.

– Như thế nghĩa là thế nào?

– Như thế đấy. Người ta hãy tính tới thời gỉan mình phục vụ trong Hồng quân cùng những vết thương mà mình đã mang vào người trong thời gian ấy, rồi mình đồng ý ngồi tù vì bạo động, nhưng nếu vì thế mà bị xử bắn thì xin lỗi? Như vậy thì quá đấy?

Miska cười nhạt một cách khinh bỉ:

– Anh nghĩ ra cái kiểu như thế thì cũng lạ đấy! Toà án cách mạng hay Uỷ ban Treka sẽ không hỏi anh muốn gì và không muốn gì, sẽ không mặc cả với anh đâu. Đã phạm tội thì phải nhận lấy đủ phần hậu quả. Các món nợ cũ thì phải trả cho đủ!

– Thôi được, chúng ta hãy chờ xem.

– Chúng ta hãy chờ xem, vấn đề đã rõ rồi.

Grigori cởi dây lưng và áo sơ- mi, rồi è è trong họng bắt đầu tháo ủng.

– Chúng mình sẽ chia nhau ra ở riêng chứ? – Chàng vừa hỏi vừa nhìn một cách quá chăm chú cái đế ủng đã bật chỉ.

– Việc chúng mình chia nhau sẽ làm rất gọn: tôi sẽ sửa lại cái lều của nhà tôi rồi dọn về bên ấy.

– Phải, thế nào cũng có ngày chúng mình phải ở riêng nhau ra. Mình và cậu không thể hoà thuận với nhau được đâu.

– Không được thật. – Miska cũng nhận như thế.

– Mình không ngờ cậu lại có ý nghĩ về mình như thế… Nhưng thôi, cũng chẳng sao…

– Tôi đã nói toạc móng heo như thế đấy. Tôi nghĩ thế nào thì nói ra như thế. Bao giờ anh sẽ lên Vosenskaia.

– Đại khái vài ngày nữa.

– Không đại khái gì cả, ngày mai phải đi ngay.

Mình vừa phải đi bộ gần bốn mươi vec- xta, mệt lừ cả người, ngày mai mình nghỉ đã, ngày kia sẽ đi đăng ký.

– Đã có lệnh như thế nầy: việc đăng ký phải làm ngay tức khắc.

Ngày mai anh đi ngay.

– Cũng phải nghỉ ngơi một ngày chứ? Mà mình có trốn đi mất đâu?

– Nhưng quỉ dữ nào biết được anh? Tôi không muốn phải chịu trách nhiệm về anh.

– Cậu đã trở thành một thằng khốn nạn quá lắm rồi, Miska ạ! – Grigori nói và chàng không khỏi ngạc nhiên khi nhìn kỹ khuôn mặt trở nên gay gắt của người bạn cũ.

– Anh đừng có nói tôi khốn nạn khốn niếc gì? Tôi không nghe quen những lời như thế đâu… – Miska lấy lại hơi rồi cất cao giọng – Anh phải biết rằng những cái thói như thế của bọn sĩ quan thì phải vứt bỏ đi! Ngày mai anh phải lên trên đó ngay, còn nếu nói nhẹ nhàng mà không đi thì tôi sẽ cho áp giải đi. Đã hiểu chưa? – Nói xong Miska bỏ đi.

– Bây giờ thì hiểu tất cả rồi… – Grigori căm hờn nhìn theo sau lưng Miska rồi không cởi quần áo, cứ thế nằm xuống giường.

Phải, mọi việc đã xảy ra đúng như đáng phải xảy ra. Mà tại sao chàng, Grigori nầy, lại phải được đón tiếp một cách khác cơ chứ? Thật ra thì tại sao chàng lại nghĩ rằng chỉ một thời gian ngắn phục vụ trung thành trong Hồng quân cũng đủ giúp chàng chuộc được tất cả các tội lỗi xưa kia của mình? Và chưa biết chừng Miska có lý khi hắn nói rằng không phải tất cả mọi chuyện đều có thể được tha thứ và các món nợ cũ đều phải trả cho hết?

Grigori nằm mơ thấy một cánh đồng cỏ mênh mông và một trung đoàn đã triển khai đang chuẩn bị xung phong. Mãi đến khi từ một nơi nào đó rất xa vẳng tới tiếng hò kéo dài: “Đại đô- ô- ội…”, chàng mới nhớ rằng cái đai bụng bên dưới yên ngựa đã bị nới lỏng. Chàng đặt mạnh chân lên chiếc bàn đạp bên trái và cái yên trẹo đi dưới sức nặng của chàng… Chàng vừa ngượng vừa sợ, bèn nhảy trên ngựa xuống để buộc lại cái đai bụng, nhưng trong khi đó chàng đã nghe thấy tiếng những tiếng vó ngựa đập xuống bất thần dội lên và xa đi rất nhanh. Trung đoàn đã ào lên xung phong mà không có chàng.

Grigori trở mình và khi tỉnh lại, chàng còn nghe thấy tiếng mình rên khàn khàn. Bên ngoài cửa sổ trời mới hửng một chút. Đúng là ban đêm gió đã mở toang cửa chớp, vì thế qua lớp kính bám đầy sương muối có thể nhìn thấy cái vòng sáng với những tia màu xanh lá cây của vành trăng khuyết. Grigori mò mẫm tìm được túi thuốc bèn châm một điếu. Tim chàng vẫn còn đập thình thịch và dồn dập như muốn nứt làm đôi. Chàng nằm ngửa ra, mỉm cười: “Lại nằm mơ thấy cái chuyện quỉ quái ấy! Chưa kịp đánh đấm gì cả…”. Trong giờ phút trời sắp bình minh nầy, chàng có ngờ đâu rằng mình vẫn còn phải xung phong nhiều lần nữa cả trong mộng lẫn trong thực tế.

— —— —— —— ——-

1 Nguyên văn: “Tên tôi là như người ta thường gọi” “Cô cứ ngồi yên thì hơn, cái cô có tên như người ta thường gọi ạ” (ND).

2 Tức là đồng chí Budionnyi (ND).

Chọn tập
Bình luận