Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 188

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Đêm đã khuya Grigori từ bộ tư lệnh trở về chỗ chàng ở. Prokho Zykov chờ chàng cạnh cửa xép.

– Có tin gì về Acxinhia không? – Giọng Grigori cố làm vẻ thản nhiên.

– Không. Không biết biến đi đâu rồi, – Prokho ngáp dài trả lời, nhưng hắn lập tức hoảng lên, bụng bảo dạ: “Cầu Chúa đừng cho hắn bắt mình đi tìm nó lần nữa… Hai đứa quỷ dữ nầy, chúng nó lại đổ tai vạ lên đầu mình thôi!”.

– Lấy nước cho mình lau rửa cái. Mồ hôi như lắm ấy. Nào, mau lên! – Giọng Grigori trở nên bực bội.

Prokho vào trong nhà lấy nước rồi cầm một cái ca đổ nước rất nhiều lần vào hai lòng bàn tay khùm khum của Grigori. Grigori lau rửa với một vẻ khoái trá hiện ra nét mặt. Chàng cởi chiếc áo quân phục cổ chui chua loét vì mồ hôi rồi bảo:

– Đổ lên lưng đi.

Nước lạnh đổ xuống như làm cháy bỏng cái lưng đẫm mồ hôi.

Grigori “a hà” một tiếng, thở phì phì, rồi cọ sát rất lâu, rất mạnh vào hai bên vai bị dây da cọ đau ê ẩm và bộ ngực lông lá lồm xồm.

Chàng lau người bằng tấm áo ngựa sạch rồi ra lệnh cho Prokho, giọng đã vui hơn:

– Sáng mai chúng nó sẽ mang đến cho mình một con ngựa. Cậu nhận lấy, tắm chải sạch sẽ và kiếm lấy ít thóc. Nếu mình chưa tự mình thức dậy thì chớ có gọi. Trừ phi trên bộ tư lệnh phái đứa nào đến thì hãy đánh thức. Hiểu chưa?

Chàng xuống dưới hiên nhà kho, leo lên nằm trên chiếc xe tải và lập tức đánh luôn một giấc mê mệt. Đến lúc trời hửng, chàng bỗng thấy lạnh, bèn co chân, kéo chiếc áo ca- pốt đẫm sương đêm đắp lên mình. Sau khi mặt trời ló ra, chàng lại thiếp đi và mãi tới gần bảy giờ mới có một phát đạn nổ rất to làm chàng tỉnh dậy. Một chiếc máy bay nhấp nhoáng những ánh bềnh bệch lượn tròn trên thị trấn, trên bầu trời xanh ngắt, sạch bong. Những khẩu pháo và súng máy ở bên kia sông nhằm bắn vào nó.

– Nhưng chúng nó cũng có thể bắn trúng được đấy! – Prokho cầm chiếc bàn chải ra sức chải lông một con ngựa giống cao lớn lông màu hồng ở chỗ buộc ngựa – Anh Panteleevich xem nầy, chúng nó mang tới cho anh một con quỷ dữ như thế nầy đây!

Grigori nhìn qua con ngựa rồi hỏi có vẻ vừa ý:

– Mình còn chưa xem nó mấy tuổi. Có thể đến sáu tuổi rồi đấy nhỉ?

– Sáu tuổi đấy – Chà đẹp lắm! Bốn chân rất thon, và đều có khúc trắng như đi bít tất ấy. Quả là một con ngựa đẹp… Nào, cậu thử đóng yên, cho mình cưỡi ra xem thằng nào vừa đi máy bay đến đấy.

– Về chuyện đẹp thì chẳng cần phải nói. Nhưng còn chưa biết nước chạy như thế nào? Song nhìn tất cả các mặt thì có lẽ nó chạy hăng lắm đấy. – Prokho kéo chặt cái đai bụng của con ngựa lẩm bẩm.

Lại một phát đạn ghém nổ bên cạnh chiếc máy bay, làm bốc lên một đám mây nhỏ màu trắng khói.

Sau khi chọn được chỗ hạ cánh, tên lái cho chiếc máy bay xuống thấp hẳn. Grigori cho con ngựa ra khỏi cửa xép, phi tới chỗ chuồng ngựa của trấn. Chiếc máy bay đỗ sau lưng chuồng ngựa.

Chuồng nuôi ngựa giống của trấn là ngôi nhà dài xây bằng đá ở ngoài lề trấn. Hơn tám trăm tù binh Hồng quân bị nhốt chen chúc trong đó. Bọn coi tù không cho họ ra ngoài đi giải đi đồng, trong nhà lại không có thùng phân. Vì thế chung quanh chuồng ngựa luôn nồng nặc mùi phân và nước dãi của người. Những dòng nước dãi khai thối tuôn ra bên dưới các kẽ cửa. Đàn nhặng xanh như ngọc bích bay mù mịt trên các dòng nước giải ấy như những đám mây.

Tiếng rên la âm thầm vang lên suốt đêm ngày trong cái nhà tù nhốt những con người chỉ còn con đường chết. Hàng trăm tù binh chết dần vì kiệt sức, vì thương hàn và kiết lỵ, hai thứ bệnh đang hoành hành trong nhà lù. Người chết có khi nằm lại một đêm một ngày không được đem đi.

Grigori đã cưỡi ngựa đi quá chuồng ngựa. Chàng vừa định xuống ngựa thì từ bên kia sông lại vẳng sang tiếng nổ trầm trầm của một khẩu pháo. Quả đạn bay tới mỗi lúc một gần, tiếng rít của nó cứ to mãi lên, cuối cùng biến thành một tiếng nổ rất lớn.

Gã lái máy bay và tên sĩ quan cùng bay đến với gã đã ra khỏi buồng lái. Bọn Cô- dắc xúm đông xúm đỏ chung quanh chúng. Tất cả các khẩu đội của đại đội pháo trên núi lập tức lên tiếng. Những quả đạn pháo bắt đầu rơi đều đặn quanh chuồng ngựa.

Gã lái máy bay leo rất nhanh lên buồng lái, nhưng động cơ không nổ.

– Bắt tay vào mà đẩy? – Tên sĩ quan vừa từ bên kia sông Dones tới ra lệnh, giọng oang oang và là tên đầu tiên đặt tay vào cánh máy bay.

Chiếc máy bay ngật ngưỡng nhẹ nhàng chạy về phía những cây thông. Đại đội pháo bèn bắn liên tục đuổi theo. Một quả pháo rơi trúng cái chuồng ngựa đầy ních tù binh. Một góc nhà đổ sập trong những làn khói dày đặc và những đám bụi vôi bốc mù mịt. Tiếng các chiến sĩ Hồng quân kinh hoảng gào rú như thú vật làm chuồng ngựa rung chuyển. Ba người tù binh nhảy ra khỏi lỗ hổng vừa hình thành.

Những tên Cô- dắc chạy tới nhắm thẳng vào họ nhả đạn, làm người họ thủng lỗ chỗ như những cái rây.

Grigori cho con ngựa chạy ra chỗ khác.

– Chúng nó bắn chết bây giờ? Hãy ra chỗ đám thông kia đi – Một gã Cô- dắc chạy qua kêu lên. Mặt gã đầy vẻ hốt hoảng, mắt gã trợn lên trắng dã.

– Chúng nó có thể bắn trúng thật đấy. Có trò gì mà quỷ dữ không giở ra được, – Grigori nghĩ thầm như thế rồi lừng khừng quay về nhà.

Hôm ấy Kudinov triệu tập ở bộ tư lệnh một cuộc hội nghị tuyệt đối bí mật nhưng không rời Grigori Melekhov. Tên sĩ quan của Quân đội sông Đông vừa lái máy bay tới thông báo vắn tắt rằng chỉ ngày một ngày mai những đơn vị thuộc binh đoàn xung kích tập trung ở gần thị trấn Kamenskaia sẽ chọc thủng mặt trận của Hồng quân và sư đoàn kỵ binh của Quân đội sông Đông dưới quyền chỉ huy của tên tướng Sekrechev sẽ tiến quân tới hợp nhất với quân phiến loạn. Tên sĩ quan đề nghị lập tức chuẩn bị ngay những phương tiện vượt sông để ngay sau khi hợp nhất với sư đoàn Sekrechev có thể lập tức tung những trung đoàn kỵ binh của quân phiến loạn sang bờ bên phải sông Đông. Hắn lại khuyên nên điều các lực lượng dự bị về thật gần sông Đông và đến lúc hội nghị sắp kết thúc, sau khi đã vạch xong kế hoạch vượt sông và điều động các đơn vị truy kích, hắn mới hỏi:

– Nhưng tại sao, các ngài lại để tù binh ở Vosenskaia?

– Chẳng còn chỗ nào khác để giữ chúng nó, trong các thôn không có chỗ. – Một tên trong đám sĩ quan tham mưu trả lời.

Tên sĩ quan kia lấy khăn tay ra lau rất cẩn thận cái đầu cạo nhẵn thín đẫm mồ hôi, mở phanh cổ áo quân phục màu cút ngựa rồi thở dài và nói:

– Các ngài hãy giải chúng nó đi Kazanskaia.

Kudinov ngạc nhiên giương cao hai hàng lông mày.

– Rồi sau đó sẽ làm gì?

– Rồi từ đó lại giả về Vosenskaia… – Tên sĩ quan nheo hai con mắt xanh lam lạnh như tiền, giải thích giọng kẻ cả. Rồi hắn mím chặt môi, nói thêm một cách tàn nhẫn – Thưa các ngài, tôi không hiểu vì sao các ngài lại khách khí với chúng nó như thế? Hình như thời thế lúc nầy không phải là lúc làm như vậy đâu. Quân khốn nạn ấy là nhân tố gieo rắc mọi thứ bệnh của thể xác con người, cũng như của xã hội. Cần phải tiêu diệt chúng nó đi. Không cần chăm sóc nuôi nấng chúng nó làm gì. Nếu ở cương vị các ngài tôi sẽ làm như thế đấy.

Ngay hôm sau, một toán tù binh thứ nhất gồm hai trăm người đã bị đưa ra vùng cảc bãi cát những chiến sĩ Hồng quân sức lực kiệt quệ, xanh trong xanh bóng lê bước hết sức khó khăn, cứ đi như những cái bóng. Đội áp giải cưỡi ngựa vây chặt lấy đám người chẳng có hàng ngũ gì cả… Sau khi bị xua đi một chặng đường mười véc- xta từ Vosenskaia đến Dubrov, hai trăm con người ấy đã bị chém chết hết, không một ai sống sót. Toán thứ hai bị giải đi trước khi trời hoàng hôn. Đội áp giải đã nhận được nghiêm lệnh: chém chết những người đi chậm, chỉ nổ súng trong trường hợp hết sức cần thiết. Trong số một trăm năm mươi người, chỉ có mười tám người tới được Kazanskaia… Trên đường đi, một chiến sĩ Hồng quân còn trẻ, mặt hao hao như dân Di- gan, đã phát điên. Anh ta rứt một nắm hương bồ thơm phức áp lên chỗ tim đập, và suốt chặng đường cứ hết ca hát, nhảy múa lại khóc lóc. Chốc chốc anh ta lại ngã úp mặt xuống lớp cát nóng bỏng. Gió thổi phần phật những mảnh giẻ rách bẩn thỉu trên chiếc sơ- mi bằng vải thô. Những lúc ấy bọn lính áp giải lại nhìn thấy cái lưng gầy guộc chỉ còn da bọc xương và hai gan bàn chân đen xì nứt nẻ của cặp chân dạng rộng. Những anh em khác xốc anh ta dậy, lấy nước trong bình toong rải vào mặt anh ta. Thế là anh ta mở to cặp mắt đen long lanh một ánh điên dại, cười khe khẽ và lại lảo đảo cất bước, Khi đi qua một thôn, những người đàn bà ở đấy thấy thương hại bèn đến vây quanh những tên áp giải. Một bà già to béo, vẻ người oai vệ, nói với tên đội trưởng giọng nghiêm khắc:

– Anh hãy thả thằng tóc đen nầy đi. Nó đã mất trí khôn, sắp về chầu Chúa rồi còn gì. Nếu làm chết một con người như thế thì tội của các anh sẽ to lắm đấy.

Đội trưởng áp giải là một thằng chuẩn uý ria đỏ dáng điệu ngang tàng. Hắn nhếch mép cười:

– Bà cụ ạ, chúng tôi không sợ mang thêm cho linh hồn một tội nữa đâu. Dù sao chúng tôi cũng không còn có thể trở thành những con người chính trực được nữa rồi.

– Nhưng anh cứ thả nó ra đi, đừng từ chối chúng tôi, – Bà già cố van. – Thần chết đang vẫy cánh trên đầu từng người trong đám các anh rồi đấy…

Những người đàn bà khác đồng thanh ủng hộ bà cụ và cuối cùng thằng chuẩn uý đã đồng ý.

– Tôi cũng chẳng tiếc làm gì, các bà nhận lấy nó cũng được. Bây giờ thì nó không còn có thể gây chuyện tai hại gì nữa rồi. Nhưng chúng tôi đã có lòng tốt như thế thì các bà cũng cho mỗi anh em được một lon sữa chưa hớt kem chứ?

Bà già đưa anh chàng hoá điên về nhà, cho ăn uống và trải giường cho nằm ở phòng trong. Anh ta đánh một giấc li bì một ngày một đêm liền, rồi khi tỉnh dậy, cứ đứng tựa lưng vào khung cửa sổ nhỏ, rì rầm khẽ hát. Bà già vào trong phòng, ngồi lên nắp cái rương, đưa bàn tay lên đỡ má, nhìn chằm chằm rất lâu vào bộ mặt gầy dộc của chàng thanh niên, rồi cụ nói giọng trầm trầm:

– Nghe nói bạn các anh ở cách đây không xa đâu…

Anh chàng hoá điên nín lặng chừng một giây rồi lại hát tiếp ngay, nhưng khẽ hơn.

Bà già bèn nói, giọng nghiêm khắc:

– Nầy anh chàng thân mến kia ơi, thôi đừng hát hỏng gì nữa, bỏ cái trò giả vờ giả tảng ấy đi và đừng hòng làm mê mẩn đầu óc tôi. Tôi đã sống nhiều, anh không lừa nổi tôi đâu và tôi đâu phải là một mụ già ngu xuẩn? Đầu óc anh vẫn còn sáng suốt, tôi biết lắm… Tôi đã nghe thấy anh nói trong khi ngủ mê rất là mạch lạc!

Chàng chiến sĩ Hồng quân vẫn còn hát, nhưng mỗi lúc một khẽ.

Bà già nói tiếp:

– Anh đừng sợ tôi. Tôi không muốn làm điều gì ác với anh đâu. Hai thằng con tôi đã bị giết trong cuộc chiến tranh chống quân Đức, còn thằng út cũng đã chết trong trận chiến tranh nầy, ở Chersk. Cả ba đứa tôi đều mang nặng đẻ đau. Cho chúng nó bú, cho chúng nó ăn, từ trẻ đến già có đêm nào tôi được ngủ yên đâu. Vì thế tôi thương tất cả những thằng trẻ trai phải đi lính, phải đánh nhau ngoài mặt trận…

Nói đến đây bà già nín lặng một lát.

Nngười chiến sĩ Hồng quân cũng không hát nữa. Anh ta nhắm mắt lại và hai gò má sạm đen bỗng hơi ửng lên một ánh hồng hồng, một mạch máu xanh giật giật rất mạnh trên cái cổ gầy ngoẵng. Anh ta đứng yên một phút, vẫn nín thinh đầy vẻ chờ đợi. Rồi anh hé cặp mắt đen, hai con mắt rất thông minh lộ rõ một tâm trạng sốt ruột, làm bà già hơi mỉm cười.

– Anh có biết đường đi Sumilinskaia không?

– Cháu không biết đâu, cụ ạ, – Anh chiến sĩ Hồng quân hơi động môi trả lời.

– Nếu vậy thì anh sẽ đi như thế nào bây giờ

– Cháu cũng chẳng biết nữa.

– Chà ra vậy! Tôi sẽ làm gì cho anh bây giờ?

Bà già chờ câu trả lời giờ lâu rồi lại hỏi:

– Thế anh có thể đi được chứ?

– Đại khái cháu cũng có thể đi được – Ngay bây giờ thì anh không thể nào đi được đâu. Phải đi vào ban đêm và đi cho nhanh, chà, phải hết sức nhanh mới được! Anh hãy nghỉ ngơi thêm một ngày nữa, rồi tôi sẽ cho anh các thứ ăn đường và thằng cháu nhỏ sẽ đưa anh đi, nó sẽ chỉ đường cho anh, và Chúa sẽ che chở cho anh đi được bình an! Bọn các anh, bọn Đỏ ấy, đang đóng ở quá Sumilinskaia, tôi biết đúng là như thế. Anh sẽ tìm đến chúng nó mà kể khổ. Nhưng không thể đi trên đường cái, phải đi qua đồng cỏ, qua các khe núi, qua rừng, phải chọn những chỗ không có đường sá mà đi, nếu không bị bọn Cô- dắc tóm cổ thì sẽ tai vạ đấy Có thế thôi, anh bạn thân mến ạ!

Ngày hôm sau, lúc trời vừa sẩm tối, thằng bé cháu mười hai tuổi của bà cụ và anh chiến sĩ Hồng quân sắp sửa lên đường. Anh chiến sĩ đã khoác thêm một chiếc áo choàng bằng nỉ thô của dân Cô- dắc.

Bà cụ làm dấu phép chúc phước cho cả hai và nói bằng một giọng nghiêm nghị.

– Thôi đi đi Chúa sẽ che chở cho! Nhưng cẩn thận đấy, đừng có chạm trán với bọn lính tráng bên chúng tôi! Chẳng có gì đâu, anh chàng yêu quý ạ, chẳng có gì đâu? Đừng cúi chào tôi, anh hãy cúi chào Đức Chúa Trời ấy! Không phải chỉ một mình tôi như thế nầy đâu tất cả chúng tôi, tất cả những người làm mẹ, đều tốt bụng cả… Chúng tôi hết sức thương những thằng tội lỗi như các anh? Thôi, thôi, đi đi, cầu Chúa che chở cho cả hai chú cháu! – Rồi cụ đóng đánh sầm cái cửa trát đất sét vàng đã nghiêng vẹo của căn nhà nhỏ.

Chọn tập
Bình luận
× sticky