Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 120

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Mãi đến thứ hai Miska Kosevoi và “Bồi” mới ra khỏi trấn Karginskaia. Sương mù sủi ngầu trên đồng cỏ, cuộn lên trong các khe núi, luồn xuống các vùng đất trũng, phủ kín những chỗ nhô ra từ các vách dốc đứng. Những nấm kurgan hiện lên mờ mờ sau làn sương mù. Cun cút kêu ríu rít trong đám cỏ non. Mặt trăng bập bềnh trôi trên bầu trời cao ngất như đoá hoa sen đã nở hết trong một cái đầm mọc đầy cỏ lác và bàng tử.

Hai người đi đến khi trời rạng. Chòm sao Đại tiểu hùng tinh đã mờ đi. Sương bắt đầu rơi. Đã gần tới thôn Hạ Yablonovsky. Nhưng giữa lúc ấy, khi chỉ còn cách cái thôn nầy ba vec- xta, bọn Cô- dắc đã đuổi kịp hai người trên đường xuống đồi. Sáu tên cưỡi ngựa đã lần theo vết chân, đuổi theo. Miska và “Bồi” đã chạy lao sang bên cạnh đường nhưng cỏ quá thấp, trăng lại sáng… Thế là hai người bị chúng tóm được và giải trở về. Cả đám đi chừng một trăm xa- gien chẳng nói chẳng rằng. Sau đó đùng lên một phát súng… “Bồi” loạng choạng, đi mỗi lúc một nghiêng sang một bên, như con ngựa sợ cái bóng của nó. Rồi “Bồi” không ngả mà chỉ như nằm xuống một cách vụng về, mặt rúc vào một đám ngải cứu xanh xanh xám xám.

Miska đi thêm chừng năm phút, không còn cảm thấy cơ thể mình nữa, hai tai ù lên, như có tiếng chuông, chân bước trên mặt đất khô mà cứ như thụt xuống bùn. Cuối cùng Miska hỏi:

– Sao chưa bắn đi, lũ chó đẻ? Còn làm khổ người ta gì nữa?

– Đi đi đi đi. Nhưng im cái mồm! – Một Cô- dắc nói giọng nhẹ nhàng. – Thằng mu- gích đã bị khử rồi, nhưng cậu thì chúng tớ thương. Trong cuộc chiến tranh chống Đức cậu ở trung đoàn Mười hai à?

– Phải. Mười hai.

– Cậu sẽ lại về trung đoàn Mười hai thôi. Cậu còn trẻ. Mới lầm lỡ một chút, chưa tai vạ gì lắm. Bọn mình sẽ chữa cho!

Ba ngày sau toà án quân sự dã chiến trấn Karginskaia đã “chữa” cho Miska thật. Hồi ấy toà án chỉ có hai hình thức trừng phạt là xử bắn và đánh bằng roi. Đối với những người bị tuyên án bắn thì ban đêm bọn Cô- dắc lôi họ ra ngoài trấn, tới sau nấm kurgan Pertranuri, còn những người được coi là còn có hy vọng cải tạo thì chúng trừng trị bằng cách lấy roi quật trước công chúng trên bãi họp.

Hôm chủ nhật ấy, từ lúc sáng sớm, dân chúng vừa thấy một chiếc ghế dài được kê ra giữa bãi là họ bắt đầu đổ tới. Không những trên bãi đông nghịt mà người ta còn đứng đầy các quầy hàng, trên những tấm ván kê bên các nhà kho, trên nóc các ngôi nhà và các cửa hiệu.

Kẻ đầu tiên bị đánh đòn là Alexandrov, con trai lão cố đạo ở Grachevskaia. Anh chàng nổi tiếng là một tay Bolsevich rất hăng, luận tội đáng bị xử bắn, nhưng bố lại là một lão cố đạo tốt, được mọi người kính trọng, vì thế toà án chỉ quyết định đánh thằng con hai chục roi thôi. Người ta lột quần Alexandrov, rồi đặt anh chàng không quần không khố như thế nằm sấp trên chiếc ghế dài, hai tay bị trói bên dưới chiếc ghế. Một gã Cô- dắc ngồi lên chân Alexandrov, hai gã nữa cầm hai bó nhánh liễu đứng hai bên. Bị đánh xong, Alexandrov phủ bụi bẩn trên người, kéo quần lên vái tứ phương, rồi mừng rơn vì thấy mình không bị đem xử bắn lại cúi đầu chào lấy chào để và cám ơn:

– Xin cám ơn các cụ bô lão?

– Mặc quần lại cho cẩn thận đi! – Một người trả lời.

Tiếng cười rộ lên khắp cái bãi họp, đến nỗi mấy anh chàng bị bắt ngồi ngay gần đấy, trong một nhà kho, cũng phải cười.

Chiều theo lời tuyên án. Miska bị nện hai mươi roi. Nhưng cái đau vì bị làm nhục còn rát hơn cái đau vì ăn roi nhiều. Nhân dân cả trấn, già trẻ lớn bé đều giương mắt nhìn mình. Miska xốc chiếc quần đi ngựa, thiếu chút nữa thì oà lên khóc. Anh bảo gã Cô- dắc vừa đánh mình:

– Thật chẳng còn ra thể thống gì nữa.

– Nhưng sao vậy?

– Đầu làm đít chịu. Nhục nhã suốt một đời.

– Không sao, cái nhục không phải là khó, nó không làm cay mắt đâu – Gã Cô- dắc kia an ủi Miska rồi như muốn làm vui lòng người bị trừng phạt, gã nói thêm – Kể ra cậu cũng là một thằng cứng rắn đấy chứ: đã hai lần mình quật thẳng tay, định bắt cậu phải kêu lên… Nhưng sao mình cũng thấy rằng một thằng thế nầy thì không thể nào bắt nó kêu được. Hôm nọ bọn mình quật một thằng, con ông cụ bĩnh cả ra quần. Cái thằng đến là yếu bụng yếu dạ.

Ngay hôm sau, chiếu theo lời tuyên án, Miska bị tống ra mặt trận.

Sau đó hai ngày, xác “Bồi” mới được chôn cất. Hai gã Cô- dắc bị tên ataman phái đi đào một cái huyệt nông hoen hoẻn rồi thõng chân xuống huyệt ngồi nghỉ, hút thuốc rất lâu.

– Đất chỗ nầy rắn khiếp, – một gã nói.

– Rắn như thép ấy! Xưa nay có cày bao giờ đâu, lâu ngày lại càng rắn.

– Phải… cái thằng nầy được một chỗ thật là đắc địa, ngay trên đỉnh… Gió lồng lộng, khô ráo, quang đãng… Chắc hẳn cũng lâu mới rữa đấy.

“Bồi” nằm áp mặt xuống lớp cỏ. Hai gã đưa mắt nhìn anh rồi đứng dậy:

– Lột ủng nó chứ?

– Còn sao nữa, đôi ủng của nó còn tốt đấy.

Hai gã đặt “Bồi” xuống huyệt theo đúng ghi thức của đạo Thiên chúa: đầu quay về hướng tây, rồi lấp chất đất đen chắc quánh lên.

– Dẫm thêm cho chặt nhé? – Gã còn trẻ thấy đắp đã được ngang huyệt bèn hỏi – Chẳng cần, thế nầy cũng được rồi, – Gã kia thở dài. – Khi nào các thiên sứ thổi kèn báo ngày phán xét cuối cùng, nó sẽ đứng dậy nhanh hơn.

Nửa tháng sau cỏ sa tiền và ngải cứu non đã mọc trên nấm mồ nhỏ xíu. Yến mạch dại đã kết bông trên đó, sơn giới cũng nở những đám hoa vàng xum xuê ngay bên cạnh. Cỏ sông Đông rủ những đám lá mung lung như khói thuốc lá. Bạc hà, đại tái và châu quả toả hương thơm phức. Chẳng bao lâu từ cái thôn gần đấy có một ông cụ đến bới một cái hố trên đầu ngôi mộ, trồng một cái cột bằng gỗ sồi mới bào và đặt lên đó một cái bàn thờ nhỏ có mái. Bên dưới cái mái che hình tam giác thấy hiện ra trong bóng tối nét mặt hiền hậu đầy đau khổ của Đức mẹ và trên thành gỗ của cái mái có dòng chữ đen kẻ không trau chuốt lắm bằng chữ Slavơ:

Năm loạn lạc con người đồi trụy,

Anh em nhà chớ xử án nhau.

Ông cụ không còn nữa nhưng cái miếu nhỏ vẫn còn lại trên đồng cỏ. Cái vẻ đau thương của nó mãi mãi còn đập vào mắt những người đi bộ hay cưỡi ngựa qua, gây trong lòng họ một nỗi buồn man mác.

Và sau đó, đến tháng Năm, có mấy con gà nước đến đánh nhau bên cái miếu, dẫm phẳng một khoảng ngải cứu xanh lơ, làm nát cả đám cỏ mao rất dày đang chín bông: chúng đánh nhau để tranh nhau con mái, vì quyền sống, vì ái tình, vì sự sinh con đẻ cái. Nhưng chỉ ít lâu sau, cũng gần cái miếu ấy, dưới một nấm đất, dưới một bụi ngải cứu già lờm xờm, một con gà nước cái đẻ chín quả trứng màu xanh lốm đốm, đẻ xong nó đem cả hơi ấm của mình ra ấp và xoè đôi cánh bóng nhoáng bảo vệ chín quả trứng ấy.

Chọn tập
Bình luận