Các đơn vị hỗn hợp của quân đội sông Đông và quân phiến loạn vùng Đông Thượng truy kích quân địch rút lui khỏi Ust- Medvediskaia và tiến về phía bắc. Ở gần thôn Saskin trên sông Medvedixcha, mấy trung đoàn đã bị đánh bại của Tập đoàn quân Hồng quân số 9 tìm cách ngăn chặn quân Cô- dắc, nhưng lại bị đánh bật, phải rút lui về gần nhánh đường sắt Griaze- Sarysyn 1 không chống cự kiên quyết lần nào.
Cùng với sư đoàn của chàng, Grigori đã tham gia trận chiến đấu ở gần Saskin và đã chi viện rất đắc lực lữ đoàn bộ binh của tên tướng Xutukov đang bị đánh vào bên sườn. Trung đoàn kỹ thuật binh của Ermakov xung phong theo lệnh của Grigori, đã bắt được gần hai trăm chiến sĩ Hồng quân làm tù binh, chiếm được bốn khẩu trọng liên và mười một chiếc xe chở đạn.
Đến lúc trời sắp hoàng hôn, Grigori cùng một nhóm Cô- dắc thuộc trung đoàn một tiến vào Saskin. Bên cạnh ngôi nhà dùng cho sư đoàn bộ thấy đứng lốc nhốc một đám tù binh rất đông với chiếc áo sơ- mi và quần lót bằng vải thô trăng trắng, có một nửa đại đội Cô- dắc canh giữ. Phần lớn tù binh đã bị lột giày và quần áo ngoài, chỉ còn đồ lót. Giữa đám người mặc toàn đồ trắng ấy chỉ thấy lác đác vài chiếc áo quân phục cổ chui bẩn thỉu màu cứt ngựa.
– Nom chúng nó trắng lốp như đàn ngỗng ấy? – Prokho Zykov chỉ đám tù binh, kêu lên.
Grigori ghìm cương, cho con ngựa quay sang bên cạnh. Chàng đưa mắt tìm thấy Ermakov trong đám Cô- dắc bèn vẩy ngón tay gọi hắn lại.
– Lại đây, cậu làm gì mà phải lẩn sau người khác như thế?
Ermakov đưa nắm tay lên che miệng húng hắng ho, cho ngựa bước tới. Dưới hàng ria đen lơ thơ, máu đọng cứng trên cặp mỡi dập nát, má bên phải sưng vù còn in những vết sứt sẹo mới đen đen.
Trong cuộc xung phong, con ngựa hắn cưỡi đang phi như bay thì vấp chân ngã lăn ra, Ermakov bị văng khỏi yên ngựa như hòn đá rồi trượt sát bụng hàng hai xa- gien trên khoảng đất hữu canh lồi lõm.
Nhưng cả hắn lẫn con ngựa đều chồm dậy cùng một lúc, và chỉ một lúc sau hắn đã ngồi lại trên yên, đuổi kịp làn sóng xung phong của kỵ binh Cô- dắc đang đổ ào ào theo mặt dốc, đầu không đội mũ, người đầm đìa những máu, nhưng với thanh gươm tuốt trên tay…
– Nhưng việc gì mà tôi phải lẩn trốn? – Hắn vờ làm vẻ ngạc nhiên, vừa hỏi Grigori vừa cho ngựa lên ngang với chàng, nhưng cặp mắt ngầu máu, long lên như mắt quỷ dữ còn chưa dịu đi sau trận chiến đấu cứ ngượng ngùng liếc nhìn sang chỗ khác.
– Con mèo ăn vụng đã đánh hơi biết nó lấy cắp thịt nhà ai rồi? Sao cậu cứ cho ngựa đi tụt lại phía thế? – Grigori hỏi giọng giận dữ.
Ermakov dành cặp môi sưng vù mà mỉm cười rất khó khăn, liếc nhìn đám tù bình.
– Anh nói chuyện thịt với cá gì thế? Trong lúc nầy thì chớ có đặt câu đố cho tôi giải, tôi không thể nào giải được đâu. Hôm nay tôi ngã ngựa, đầu đâm xuống trước…
– Đây là cái trò của cậu có phải không? – Grigori giơ roi ngựa chỉ đám tù binh Hồng quân.
Ermakov vờ làm vẻ hết sức ngạc nhiên, cứ như hắn mới trông thấy đám tù binh lần đầu:
– Chà cái lũ chó đẻ? Chà những thằng đáng nguyền rủa! Lột cả quần áo chúng nó Nhưng không biết chúng nó đã kịp làm cái trò nầy vào lúc nào? Lạ lùng thật! Tôi vừa mới bỏ đi có một lát mà cái lũ đáng thương nầy bị lột trần trụi, nhưng tôi đã ra lệnh thật nghiêm, cấm không cho động đến chúng nó rồi đấy!
– Nầy cậu đừng giở trò ngớ ngẩn với tôi! Giả vờ giả tảng kiểu gì thế hử? Cậu ra lệnh lột chúng nó có phải không.
– Lại Chúa che chở? Đầu óc anh vẫn còn sáng suốt đấy chứ, anh Grigori Panteleevich?
– Cậu còn nhớ mệnh lệnh không?
– Đó là mệnh lệnh về vấn đề…
– Phải phải, đúng là vấn đề nầy đây?
– Còn sao nữa, còn nhớ hẳn đi chứ. Tôi đã học thuộc lòng rồi mà! Y như những bài thơ ngắn xưa kia thường học ở nhà trường ấy.
Grigori bất giác mỉm cười, chàng khom người trên yên, nắm lấy đoạn dây đeo gươm của Ermakov. Chàng vốn thích gã chỉ huy ngang tàng, dũng cảm đến mức bạt mạng nầy.
– Kharlampi! Tôi không đùa nữa, tại sao cậu lại cho phép chúng nó làm thế? Thằng đại tá mới toanh mà chúng nó vừa mới đặt vào sư đoàn bộ thay Kopylov sẽ báo cáo, rồi lại phải trả lời cho mà xem! Đến khi chúng nó bắt đầu gây phiền phức, truy đi hỏi lại thì cậu sẽ hết phởn!
– Tôi đã không thể nào nhìn được, anh Panteleevich ạ? – Ermakov trả lời một cách nghiêm trang và đơn giản. – Mọi thứ trên người chúng nó đều còn mới toanh, vừa được phát ở Ust- Medvediskaia, trong khi các anh em trung đoàn tôi thì rách bươm, ngay quần áo ở nhà cũng chẳng đầy đủ gì cho lắm. Mà đưa về hậu phương rồi thì đằng nào những thằng nầy sẽ bị lột thôi. Chẳng nhẽ chúng ta cứ tóm cổ chúng nó để cho cái bọn khốn nạn ở hậu phương lột quần áo hay sao? Không thể thế được, tốt nhất là cứ để cho anh em chúng ta dùng đã. Tôi sẽ chịu trách nhiệm, mà chúng nó thì làm gì được tôi? Còn anh thì làm ơn đừng có gây chuyện với tôi. Tôi dứt khoát chẳng hiểu gì đâu, và về các chuyện nầy tôi chẳng hiểu tí quái gì cả.
Hai người đã lên ngang đám tù binh. Tiếng chuyện trò thầm thì trong đám người lắng cả đi. Những người đi bên ngoài tránh mấy gã cưỡi ngựa bằng những cặp mắt âm thầm lo ngại như đề phòng chờ đợi. Một chiến sĩ Hồng quân đoán rằng Grigori là một lay chỉ huy, bèn đến sát bên cạnh chàng, sờ tay vào bàn đạp:
– Thưa đồng chí thủ trưởng? Xin đồng chí bảo bọn Cô- dắc của đồng chí trả lại cho chúng tôi ít nhất những chiếc áo ca- pốt. Xin đồng chí ban cái ơn nầy! Đêm thì lạnh lắm, mà chúng tôi đều trần như nhộng, chính đồng chí cũng thấy đấy.
– Giữa mùa hè thì mày không chết cóng được đâu, đồ chuột dũi! – Ermakov cho con ngựa xô người chiến sĩ Hồng quân, nói giọng nghiêm khắc rồi quay sang nói với Grigori – Anh đừng bận tâm làm gì tôi sẽ bảo đem cho chúng nó một ít đồ cũ. Thòi xéo đi, xéo ngay, lính với tráng? Chúng mày hãy lần trong quần mà giết rận chứ đừng đi đánh nhau với người Cô- dắc?
Trong sư đoàn bộ đang hỏi cung một đại đội trưởng bị bắt làm tù binh. Tên đại tá Andreynov tham mưu trưởng mới của sư đoàn ngồi sau một cái bàn phủ một chiếc khăn vải sơn đã tàng. Hắn là một tên sĩ quan có tuổi, mũi hếch, tóc hai bên thái dương đã bạc trắng, hai cái tai to vểnh như tai một thằng bé. Người chỉ huy Hồng quân đứng trước mặt hắn, cách cái bàn hai bước. Gã trung uý Xulin, một sĩ quan tham mưu đến sư đoàn cùng với Andreynov, ghi những lời khai của người bị hỏi cung.
Người đại đội trưởng Hồng quân là một anh chàng thanh niên cạo lớn ria đỏ, tóc trắng bệch như rắc tro cắt “cua”. Anh ta ngượng nghịu dẫm dẫm hai bàn chân không giầy không ủng trên mặt sân sơn vàng, chốc chốc lại đưa mắt nhìn tên đại tá. Bọn Cô- dắc chỉ để lại cho người tù binh một chiếc áo sơ- mi lót của binh sĩ màu vàng, may bằng vải thô chưa chuội. Chúng đã lấy mất của anh ta cái quần sĩ quan, và đổi cho anh ta chiếc quần đi ngựa Cô- dắc rách sơ mướp, với những nẹp quần bạc phếch và những miếng vá vụng về. Trong khi bước tới chỗ cái bàn, Grigori nhận thấy rằng người tù binh ngượng ngùng giật giật cái quần rách mông để che những chỗ hở thịt.
– Ngài nói là do Uỷ ban quân sự tỉnh Orlovskaia à? – Tên đại tá nhìn người tù binh qua phía trên mắt kính, hỏi gọn lỏn, rồi lại nhìn xuống và vừa nheo mắt xem, vừa xoay xoay trong tay tờ giấy gì đó, có lẽ là giấy chứng minh.
– Vâng.
– Từ mùa thu năm ngoái à.
– Dạo cuối mùa thu.
– Nói dối! Tôi khẳng định là ngài nói dối!
Người tù binh lặng lẽ nhún vai. Tên đại tá nhìn Grigori rồi hất đầu một cách khinh bỉ về phía người bị hỏi cung và nói:
– Ngài thử nhìn nó cho kỹ mà xem: một sĩ quan cũ trong quân đội của Hoàng đế, mà bây giờ, ngài đã thấy chưa, là một thằng Bolsevich. Bị lọt vào tay chúng ta mới là bịa tạc, làm như nó chỉ đi theo bọn Đỏ một cách ngẫu nhiên, như bị chúng nó động viên. Nó nói láo một cách kỳ quặc, ngây thơ, chẳng khác gì một thằng học sinh trung học, và cứ tưởng người ta sẽ tin nó. Nhưng điều đơn giản là nó thiếu hẳn cái dũng khí của một công dân để thú nhận rằng mình đã phản bội Tổ quốc… Nó sợ, thằng đê tiện!
Người tù binh bèn nói, chỗ lộ hầu đưa lên đưa xuống rất khó khăn.
– Thưa ngài đại tá, cỏn tôi thì thấy rằng ngài có đầy đủ lòng dũng cảm của một công dân để làm nhục một tù binh…
– Tôi không nói chuyện với những tên đê tiện!
– Còn tôi thì bây giờ bị bắt buộc phải nói với chúng nó.
– Liệu hồn đấy? Chớ có dồn tôi đến chỗ đó, tôi rất có thể dùng hành động để làm nhục ngài!
– Ở cương vị của ngài thì việc ấy không khó khăn gì lắm và chủ yếu là không có gì nguy hiểm!
Grigori chẳng nói chẳng rằng, đến ngồi vào bàn. Chàng mỉm một nụ cười đồng tình nhìn người tù binh mặt nhợt ra vì phẫn nộ và đang trả miếng từng câu với tên kia một cách hết sức gan dạ. “Nó đã giáng cho thằng đại tá những đòn đau ra trò”? – Grigori thích thú nghĩ thầm. Trong lòng chàng không khỏi cảm thấy khoái trá một cách ác ý khi nhìn thấy hai cái má bánh dầy đỏ như bồ quân của tên Andreynov giật giật trong cơn thần kinh.
Ngày từ buổi gặp gỡ đầu tiên, Grigori đã ghét cay ghét đắng tên tham mưu trưởng. Andreynov nằm trong số những tên sĩ quan không có mặt trên mặt trận trong những năm đại chiến thế giới: hắn đã khôn khéo lợi dụng những bạn đồng sự và họ hàng quen thuộc có quyền thế để chúi xó trong hậu phương, và tìm mọi cách để bám lấy một công việc bình yên vô sự. Ngay trong nội chiến, tên đại tá Andreynov cũng kiếm được cách ngồi yên ở Novochekask để làm một công tác “quốc phòng”. Mãi sau khi tên ataman Krasnov bị gạt ra khỏi chính quyền, hắn mới bị bắt buộc phải ra mặt trận.
Sau hai đêm ở cùng một phòng với Andreynov, Grigori đã được biết qua lời hắn kể rằng hắn rất ngoan đạo và không thể nói tới những buổi lễ nhà thờ long trọng mà không chảy nước mắt; vợ hắn tên là Sofia Alexandrovna là một người đàn bà gương mẫu nhất mà người ta có thể tưởng tượng, xưa kia chính tên ataman nhiệm mệnh nam tước Phôn Grafe đã theo đuổi mụ mà không được. Ngoài ra tên đại tá còn tử tế kể tỉ mỉ: cha hắn nay đã mồ yên mả đẹp vốn có một sản nghiệp như thế nào, còn hắn, tức là Andreynov nầy đã được thăng đến cấp đại tá như thế nào và năm 1916 hắn đã từng đi săn với những nhân vật cao cấp nào. Hắn lại cho biết rằng theo hắn, lối đánh bài thú vị nhất là “u- uýt”, đồ uống có lợi nhất là rượu cô- nhắc nấu bằng lá tiêu hồi, còn công tác có nhiều bổng lộc nhất là ở cục quân nhu của Quân khu.
Hễ nghe thấy tiếng hoả lực pháo binh bắn gần là tên đại tá Andreynov run bắn lên. Lấy cớ là có bệnh đau gan, hắn chỉ cưỡi ngựa một cách miễn cưỡng. Hắn luôn luôn lo tới việc tăng cường bộ phận bảo vệ sư đoàn bộ, còn đối với bọn lính Cô- dắc thì hắn có thái độ khinh ghét ra mặt vì theo hắn năm 1917, tất cả dân Cô- dắc trở thành những kẻ phản bội và từ năm ấy hắn đã nhất loạt căm ghét tất cả “các cấp thấp hèn”. “Chỉ có tầng lớp quý tộc mới cứu được nước Nga thôi! ” – Trong khi nói như thế, tên đại tá cho biết thêm rằng hắn cũng xuất thân quý tộc và dòng họ Andreynov là dòng họ lâu đời nhất, có công lao nhất vùng sông Đông.
Tất nhiên thói xấu căn bản của Andreynov là cái tính ba hoa đáng sợ không có gì ghìm hãm được của những kẻ già nua. Đó là bệnh thời đứng tuổi của một số những người lắm mồm và thiếu thông minh, từ trẻ đã quen thói nhận xét về mọi việc một cách khinh bạc, bừa bãi.
Những con người thuộc giống chim muông đớn hèn như thế Grigori đã nhiều lần gặp thấy trong đời chàng và bao giờ chúng cũng gây cho chàng một cảm giác hết sức kinh tởm. Mới làm quen với nhau hôm trước thì hôm sau Grigori đã bắt đầu tránh mặt Andreynov. Việc ấy ban ngày thì chàng còn làm được, nhưng vừa đến lúc dừng chân nghỉ đêm Andreynov đã đi tìm chàng và vội vã hỏi ngay: “Chúng ta cùng nghỉ đêm với nhau nhé!”, rồi không chờ trả lời, hắn đã tuôn ra một chàng: “Ông bạn hết sức thân mến của tôi ạ ngài bảo rằng lính Cô- dắc không được kiên cường trong các trận chiến đấu bộ binh, nhưng theo kinh nghiệm của tôi từ hồi còn làm sĩ quan tuỳ tùng của tướng quân… Nầy, có đứa nào đấy không, mang hộ cái va- li và cái giường vào đây!” Grigori nằm ngửa nghe hắn nói, mắt nhắm nghiền, hai hàm răng nghiến chặt, rồi chẳng cần giữ lịch sự gì nữa chàng quay lưng về phía tên kể chuyện không biết mỏi, kéo áo ca- pốt lên trùm kín đầu, bụng bảo dạ với cả niềm phẫn nộ không nói được: “Hễ mình nhận được lệnh thuyên chuyển là sẽ kiếm ngay một cái gì thật nặng cho nó một cái vào đầu; có lẽ chỉ sau đó nó mới câm cái mồm được một tuần?” – “Ngài ngủ đấy à, trung uý?” Andreynov hỏi, “Tôi ngủ rồi” – Grigori âm thầm trả lời.
“Xin lỗi, tôi còn chưa nói hết mà!” – Thế là câu chuyện lại tiếp tục.
Grigori nghĩ thầm trong lúc mơ mơ màng màng: “Chúng nó đã cố ý tống cái thằng lắm mồm nầy đến chỗ mình đấy. Đúng là lão Fitkhelaurov đã bố trí cái trò nầy. Chà, cùng với nó, với cái thằng dở hơi nầy thì còn làm ăn thế nào được? Rồi trong khi thiếp đi chàng vẫn còn nghe thấy cái giọng nam cao của tên đại tá như chọc vào tai nghe như tiếng mưa đập xuống mái tôn.
Chính vì thế mà Grigori đã cảm thấy khoái trá một cách quái ác khi thấy người chỉ huy bị bắt làm tù binh chửi lại tên tham mưu tưởng lắm mồm của mình một cách tài tình như thế.
Andreynov nín lặng một chút, hai con mắt nheo nheo, dái tai rất dài của cặp tai vểnh ra ngoài đỏ ửng, bàn tay sưng phù trắng hếu đặt trên mặt bàn run lên bần bật cùng với chiếc nhẫn vàng to tướng đeo trên ngón tay trỏ.
– Thôi ngài hãy nghe đây, đồ quái thai! – Hắn nói bằng giọng khàn hẳn đi vì xúc động. – Tôi ra lệnh giải ngài đến gặp tôi không phải là để ngài dùng lời lẽ đối đáp lại với tôi, ngài chớ có quên là như thế? Ngài có hiểu rằng ngài sẽ không thoát được hay không?
– Tôi hiểu rõ lắm.
– Nếu vậy thì càng tốt cho ngài. Rốt cuộc thì tôi cũng chẳng cần đếm xỉa đến việc ngài tự nguyện đi theo bọn Đỏ hay là chúng nó đã động viên ngài. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là do những cách nhìn sai lệch về danh dự, ngài từ chối không chịu nói…
– Rành rành là về vấn đề danh dự thì ngài và tôi hiểu không giống nhau đâu.
– Đó là vì ngài không còn có danh dự nữa, tất cả chỉ có thế thôi!
– Còn về ngài thì thưa ngài đại tá, cứ nhìn vào thái độ của ngài trong khi đối xử với tôi, tôi tự đặt câu hỏi không biết ngài đã từng có danh dự bao giờ chưa?
– Tôi thấy ngài muốn đẩy cho kết cục tới nhanh hơn có phải không?
– Thế ngài nghĩ rằng kéo dài thêm thì có lợi cho tôi hay sao? Ngài chớ có doạ tôi, chẳng được tích sự gì đâu!
Bằng những ngón tay run bần bật, Andreynov mở hộp thuốc lá, châm một điếu, hút lấy hút để hai hơi rồi lại hỏi người tù binh:
– Như thế tức là ngài từ chối không trả lời những câu hỏi có phải không?
– Tôi đã nói về tôi rồi.
– Quỷ dữ bắt ngài đi! Cái cá nhân xấu xa ti tiện của ngài là điều mà tôi ít cần biết hơn tất cả. Bây giờ ngài hãy trả lời tôi câu hỏi nầy: những đơn vị nào từ nhà ga Sibirkova tiến tới chỗ của ngài?
– Tôi đã trả lời ngài rằng tôi không biết rồi.
– Ngài có biết?
– Thôi được tôi sẽ làm cho ngài được vừa ý, vâng tôi có biết, nhưng tôi sẽ không trả lời.
– Tôi sẽ ra lệnh lấy que thông nòng nện cho ngài một trận, rồi lúc đó ngài sẽ nói!
– Chưa chắc đâu! – Người tù binh đưa tay trái lên vuốt ria, mỉm cười một nụ cười đầy tự tin.
– Trung đoàn Kamusinsky có tham gia trận chiến đấu nầy không?
– Không.
– Nhưng cánh bên trái của ngài đã được một đơn vị kỵ binh yểm hộ, đó là đơn vị nào?
– Xin ngài thôi đi cho! Tôi nhắc lại với ngài lần nữa rằng tôi sẽ không trả lời những câu hỏi tương tự như thế.
– Mày hãy lựa chọn đi, đồ chó, một là mày hãy mở mồm khai ngay, hai là mười phút nữa mày sẽ bị đem ra xử bắn! Thế nào hử?
Đến lúc nầy người tù binh bất thần nói lanh lảnh giọng rất cao, rất trẻ:
– Ngài đã làm tôi chán ngấy rồi, ngài là một lão già ngu xuẩn! Ngu si đần độn! Nếu ngài rơi vào tay tôi thì tôi không hỏi cung ngài như thế nầy đâu!
Andreynov tái mặt, chộp tay xuống bao súng ngắn. Lúc đó Grigori mới từ từ đứng dậy, giơ tay ngăn lại.
– Ồ! Thôi đi như thế nầy là đủ rồi. Như tôi thấy thì cả hai ngài đều nóng nảy… Thôi được, hai ngài đã không nhất trí được với nhau, mà cũng không cần thiết, vậy thì có gì mà phải nói nữa? Anh ta đã không phản bội quân đội của mình, và làm như thế là đúng. Thật đấy làm như thế là cừ lắm! Tôi cũng không ngờ như thế?
– Không ngài cứ để cho tôi nói! – Andreynov nổi nóng, cố mở bao súng nhưng mãi không mở được.
– Tôi không cho phép đâu! – Grigori vừa nói bằng một giọng sôi nổi và vui vẻ, vừa bước tới sát hắn, lấy thân mình che cho người tù binh. – Giết một tù binh là việc dễ như trở bàn tay. Làm thế nào mà lương tâm của ngài cho phép ngài có ý định giết anh ta, một con người như thế nầy? Một con người không còn vũ khí, đã bị bát làm tù binh, ngay đến quần áo cũng không được chúng nó để lại cho, thế mà ngài lại định…
– Mặc tôi! thằng khốn nạn nầy đã làm nhục tôi? – Andreynov xô mạnh Grigori, rút khẩu Nagan ra.
Người tù binh quay mặt ra cửa sổ, ngọ nguậy vai như bị lạnh.
Grigori mỉm cười theo dõi Andreynov. Cảm thấy cái cán gạch khía ram ráp của khẩu súng ngắn trong tay mình, tên kia vung khẩu súng một cách lố bịch nhưng lại chúc mũi súng xuống rồi quay đi.
– Tôi cũng chẳng muốn bẩn tay… – Hắn thở hổn hển, liếm cặp môi khô bỏng, nói giọng khàn khàn.
Grigori không nhịn được cười, chàng nhe hai hàm răng trắng loá sủi đầy nước bọt dưới hàng ria và nói:
– Mà muốn bắn cũng không được cơ mà? Ngài thử nhìn mà xem, khẩu Nagan của ngài đã bị tháo hết đạn rồi còn đâu. Ngay ở chỗ nghỉ đêm, lúc sáng sớm tôi tỉnh dậy, có cầm lấy nó trên chiếc ghế dựa để xem… Chẳng thấy một viên đạn nào cả, và có lẽ hai tháng nay chưa lau chùi gì cả! Ngài giữ gìn vũ khí riêng tồi quá đấy!
Andreynov đưa mắt nhìn xuống, dùng ngón tay cái xoay xoay cái cối đạn, mỉm cười:
– Quỷ quái thật? Đúng là như thế…
Từ nãy tên trung uý Xulin vẫn nín thinh theo dõi mọi việc xảy ra với cặp mắt châm biếm. Đến lúc nầy hắn mới gấp tờ biên bản hỏi cung và nói với một giọng đớt đớt rất có duyên:
– Thưa ngài Semion Polikarpovich, tôi đã nhiều lần thưa với ngài rằng ngài giữ gìn vũ khí thật chẳng ra sao cả. Việc xảy ra hôm nay lại cho thấy thêm một bằng chứng nữa đấy.
Andreynov cau mày quát to:
– Nầy, đám binh bét chúng mày có đứa nào đấy không? Vào đây!
Từ phòng ngoài, hai gã liên tục và tên đội trưởng cảnh vệ bước vao.
– Lôi cổ nó đi! – Andreynov hất đầu chỉ người tù binh.
Người tù binh quay nhìn Grigori, lặng lẽ cúi chào chàng rồi bước ra cửa. Grigori có cảm tưởng như dưới hàng ria hung hung đỏ, môi anh tù binh hơi động đậy trong một nụ cười cảm ơn chỉ thoáng có thể nhận thấy…
Khi tiếng những bước chân đã lãng đi, Andreynov mới bỏ cái kính xuống một cách mệt mỏi, lau rất cẩn thận mắt kính bằng một mẫu da hoảng mềm, rồi nói giọng cáu kỉnh:
– Ngài bênh vực cái thằng khốn nạn ấy cừ lắm, chuyện ấy thuộc về các chính kiến của ngài, nhưng ngài lại nói ngay trước mặt nó về khẩu Nagan, đặt tôi vào tình thế khó xử thì ngài thử xem, như thế còn ra sao nữa?
– Cũng chẳng có tai vạ gì lắm đâu. – Grigori trả lời làm lành.
– Không, dù sao cũng là không đúng. Nhưng ngài có biết không, tôi rất có thể bắn chết nó. Cái thằng đến là khả ố! Trước lúc ngài đến tôi đã phải vật lộn với nó hàng nửa tiếng đồng hồ. Nó đã nói biết bao nhiêu điều dối trá, loanh quanh, xuyên tạc, đưa ra những tài liệu rành rành là giả tạo. Thật là khủng khiếp? Nhưng đến khi bị tôi vạch mặt thì giản đơn và dứt khoát từ chối không nói gì nữa. Ngài cũng thấy đấy, danh dự của một sĩ quan không cho phép nó tiết lộ với quân địch những bí mật quân sự, nhưng cái thằng chó đẻ, khi nó đi làm thuê cho bọn Bolsevich, thử hỏi nói có nghĩa đến danh dự sĩ quan hay không? Tôi nghĩ rằng cần phải không kèn không trống đem nó đi xử bắn cùng với hai thằng chỉ huy kia mới được. Về mặt thu lượm tin tức chung quanh những điều chúng ta quan tâm thì tất cả chúng nó đều không thể tin tưởng được. Chúng nó là những thằng vô lại thâm căn cố đế, không sao sửa chữa được nữa, vì thế không nên khoan hồng với chúng nó làm gì cả. Ngài thấy thế nào?
– Ngài đã dùng cách nào để biết được rằng hắn là đại đội trưởng?
Grigori hỏi thay câu trả lời.
– Chính một thằng lính Hồng quân dưới quyền nó đã phản lại nó.
– Tôi cho rằng cần phải xử bắn thằng lính Hồng quân, còn mấy thằng chỉ huy thì để lại! – Grigori nhìn Andreynov có vẻ chờ đợi.
Tên kia nhún vai mỉm cười, cái mỉm cười của những người thấy kẻ nói chuyện với mình pha trò không có kết quả:
– Không, nói đứng đắn thì ý ngài như thế nào?
– Như tôi đã nói với ngài đấy.
– Nhưng ngài cũng làm ơn cho biết như thế là vì những lý do gì?
– Vì những lý do gì ấy à? Chính là vì lý do cần phải duy trì kỷ luật và trật tự cho quân đội Nga, ngài đại tá ạ. Hôm qua khi chúng ta vào giường ngủ, ngài nói hết sức chí lý về chuyện sau khi đánh tan quân Bolsevich, chúng ta sẽ thực hiện trong quân đội một chế độ như thế nào để diệt trừ cho hết cái giống vi trùng Đỏ trong tầng lớp thanh niên. Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài, ngài còn nhớ chứ? – Grigori vuốt ria, theo dõi những sự thay đổi trên nét mặt tên đại tá rồi nói một cách rất cứng lý – Thế mà bây giờ ngài lại đề nghị nên làm như thế nào? Ngài mà làm thế thì sẽ gây ra tình trạng sa sút hư hỏng đấy! Như thế tức là cứ mặc cho lính tráng phản bội cấp chỉ huy của chúng nó hay sao? Sau đó ngài sẽ dạy dỗ chúng nó bằng cách nào? Nếu ngài và tôi bị rơi vào một tình thế như vậy thì lúc đó sẽ như thế nào? Không, xin ngài thứ lỗi cho, vấn đề nầy tôi dứt khoát giữ ý kiến của tôi? Tôi phản đối lối xử sự của ngài.
– Thôi tuỳ ý ngài.
Andreynov trả lời một cách lạnh lùng và chăm chú nhìn Grigori. Hắn cũng đã từng nghe nói sư đoàn trưởng của quân phiến loạn là một người con trái tính và có phần kỳ quặc, nhưng quả thật hắn không ngờ lại có chuyện như thế nầy về phía chàng. Hắn chỉ nói thêm:
– Chúng tôi vẫn thường làm như thế với những tên chỉ huy của bọn Đỏ bị bắt làm tù binh, đặc biệt là những thằng sĩ quan cũ. Ý kiến của ngài có điều mới… Nhưng tôi cũng không hoàn toàn hiểu hết thái độ của ngài trước một vấn đề có vẻ không thể tranh cãi như thế nầy.
– Chúng tôi thường giết chúng nó trong chiến đấu, nếu có thể, còn tù binh thì không đem bắn nếu không cần thiết! – Grigori đỏ mặt trả.
– Thôi được, theo ý ngài chúng ta sẽ giải chúng nó về hậu phương. – Andreynov đồng ý. – Bây giờ còn một vấn đề nầy nữa: Một số trong đám tù binh có tỏ ý muốn chiến đấu trong hàng ngũ của chúng ta. Chúng nó là những thằng nông dân tỉnh Saratovskaia. Trung đoàn bộ binh của chúng ta không có tới ba trăm tay súng. Ngài có thấy sau khi đã chọn lựa cẩn thận, chúng ta có thể đưa một số tù bình lình nguyện vào trung đoàn ấy hay không? Về mặt nầy chúng ta đã có chỉ thị rất rõ ràng của bộ tư lệnh Tập đoàn quân.
– Tôi không nhận một thằng mu- gích nào vào sư đoàn của tôi đâu. Nếu thiếu thì cứ bổ sung cho tôi bằng lính Cô- dắc. – Grigori tuyên bố như đinh đóng cột.
Andreynov cố thuyết phục chàng:
– Nhưng ngài hãy nghe tôi, chúng ta bất tất phải tranh cãi làm gì. Tôi cũng hiểu rằng ngài có ý muốn giữ cho thành phần của sư đoàn được thuần nhất là lính Cô- dắc, nhưng tình hình cần thiết bắt buộc chúng ta không được chê cả tù bình. Ngay trong Tập đoàn quân tình nguyện, một số trung đoàn cũng phải bổ sung bằng tù binh đấy.
– Cứ mặc họ muốn làm như thế nào thì làm tôi thì từ chối không nhận những thằng mu- gích. Thôi chúng ta không nói thêm về chuyện nầy nữa. – Grigori cắt đứt câu chuyện.
Một lát sau chàng ra ngoài hạ lệnh về việc giải tù binh đi. Trong bữa ăn trưa. Andreynov nói với chàng giọng xúc động:
– Xem ra tôi với ngài khó mà cùng làm việc với nhau được…
– Tôi cũng nghĩ như thế đấy. – Grigori trả lời một cách thản nhiên, rồi không để ý tới cái mỉm cười của Xulin, cứ dùng ngón tay lấy trên đĩa một miếng thịt cừu và bắt đầu gặm rau ráu một chỗ sụn khá rắn, nghe như tiếng răng chó sói, làm cho gã Xulin phải cau mặt như có gì đau lắm, thậm chí hắn nhắm mắt lại trong một giây.
Hai ngày sau binh đoàn của tên tướng Xannhikov chịu trách nhiệm truy kỉch các đơn vị Hồng quân đang rút lui, còn Grigori thì bị cấp tốc gọi lên bộ chỉ huy binh đoàn. Tham mưu trưởng binh đoàn là một tên tướng có tuổi, mặt mũi đường hoàng. Hắn cho chàng biết về mệnh lệnh của tên tư lệnh Quân đội sông Đông, quyết định giải tán quân đội phiến loạn, rồi nói toạc móng heo:
– Trong khi tiến hành chiến tranh du kích chống lại bọn Đỏ ngài đã chỉ huy có kết quả một sư đoàn, nhưng ngày nay chúng tôi không những không thể trao cho ngài một sư đoàn, mà ngay một trung đoàn cũng không được. Ngài chưa học qua một trường quân sự nào, vì thế trong những điều kiện chiến đấu trên một mặt trận rộng lớn, với những phương pháp tác chiến hiện đại, ngài không thể chỉ huy nổi một đơn vị quân đội lớn. Ngài cũng nhận thấy như thế chứ?
– Vâng, – Grigori trả lời. – Chính tôi cũng muốn xin thôi chỉ huy sư đoàn.
– Ngài không đánh giá cao khả năng của mình, như thế là rất tốt. Đức tính quá hiếm có trong lứa sĩ quan trẻ tuổi ngày nay. Bây giờ thế nầy: Theo lệnh của tư lệnh mặt trận, ngài được chỉ định làm đại đội trưởng đại đội bốn thuộc trung đoàn Mười chín, trung đoàn hiện nay tiến quân, ở một nơi nào đó gần thôn Viatnhikov, cách đây chừng hai mươi vec- xta. Ngài sẽ tới đó ngay ngày hôm nay, muộn lắm là ngày mai. Nhưng hình như ngài còn có điều gì muốn nói thì phải?
– Tôi muốn các ngài điều đến một đơn vị hậu cần.
– Như vậy không được. Nhất định ngài phải ra mặt trận.
– Qua hai cuộc chiến tranh tôi đã bị ngoại thương và nội thương mười bốn lần.
– Điều đó không có ý nghĩa gì cả. Ngài còn trẻ, nom người rất khỏe mạnh và còn có thể chiến đấu. Còn chuyện thương tật thì trong số sĩ quan ai mà không bị thương? Ngài có thể ra ngoài được rồi. Chúc ngài vạn sự tốt lành!
Có lẽ vì muốn phòng ngừa tinh thần bất mãn thế nào cũng sẽ nảy ra trong dân Đông Thượng khi quân đội phiến loạn bị giải tán, nên ngay sau khi đánh chiếm được Ust- Medvediskaia nhiều tên Cô- dắc lính trơn có công trong cuộc nổi loạn đã được đeo lon hạ sĩ quan, gần như tất cả bọn sĩ quan đều được đề bạt chuẩn uý, còn những tên sĩ quan có tham gia bạo động thì đều được thăng cấp và khen thưởng. Cả Grigori cũng không bị bỏ qua, chàng được thăng cấp trung uý và các công lao xuất sắc của chàng trong cuộc chiến đấy chống Hồng quân đã được nêu lên và tuyên dương trong một bản thông lệnh gửi toàn quân.
Việc cải biên quân đội đã được thực hiện trong vài ngày. Các tên sư đoàn trưởng và trung đoàn trưởng thiếu học vấn đã được thay bằng những tên cấp tướng và cấp đại tá. Các sĩ quan có kinh nghiệm được chỉ định làm đại đội trưởng. Toàn bộ thành phần chỉ huy trong các đại đội pháo và các ban tham mưu đều bị thay đổi. Còn bọn Cô- dắc lính trơn thì bị điều đi bổ sung cho các trung đoàn mang phiên hiệu của quân đội sông Đông vừa bị đánh tơi bời trong các trận chiến đấu ở vùng sông Dones.
Trước khi trời hoàng hôn, Grigori tập hợp bọn Cô- dắc, công bố lệnh giải tán sư đoàn. Chàng nói những lời chia tay:
– Thưa anh em đồng hương, vừa qua có điều gì không phải thì anh em cũng đừng để lòng để dạ? Chúng ta đã từng bị bắt buộc phải đi lính ở cùng một chỗ với nhau, nhưng từ đây trở đi, mọi người chúng ta sẽ chịu cay đắng ở riêng một nơi. Điều chủ yếu là anh em hãy giữ lấy cái đầu đừng để bọn Đỏ chúng nó xuyên thủng mất. Đầu óc chúng ta tuy hồ đồ, nhưng cũng không nên giơ nó ra chịu đạn một cách vô ích. Chúng ta còn phải dùng nó để suy nghĩ, suy nghĩ cho kỹ xem tương lai nên làm như thế nào.
Bọn Cô- dắc đều ủ rũ đứng lặng đi, rồi tất cả đều cùng lao nhao nói khàn khàn đủ giọng:
– Lại bắt đầu giở cái trò cũ rồi hay sao?
– Bây giờ chúng ta sẽ đi đâu đây?
– Cái lũ chó đểu, chúng nó muốn áp bức nhân dân thế nào thì áp bức! Chúng tôi không muốn bị giải tán đâu! Cái trật tự mới như vậy là nghĩa lý làm sao?
– Chà, các cậu ạ, chúng ta hợp nhất với chúng nó để đeo tròng vào – Những thằng quan lớn ấy lại bắt đầu đè đầu cưỡi cổ chúng ta rồi!
– Bây giờ thì liều liệu đấy! Rồi chúng nó sẽ nắn thẳng các khớp xương của chúng ta…
Grigori chờ tất cả lặng đi rồi mới nói:
– Anh em gào lên như thế cũng chẳng được tích sự gì đâu. Bây giờ đã chấm dứt cái thời kỳ thoải mái, cái thời kỳ anh em còn có thể đem mệnh lệnh ra bàn bạc và chống lại chỉ huy rồi. Anh em hãy giải tán về nhà và hãy bớt nói năng lung tung, nếu không thời buổi nầy thì cái lưỡi không thể đưa anh em đi Kiev 2 mà chỉ đưa ra thẳng toà án binh và những đại đội nhà pha thôi.
Từng trung đội một, bọn Cô- dắc đến bắt tay từ biệt Grigori và nói:
– Tạm biệt anh Panteleevich! Chúng tôi có điều gì không phải anh cũng đừng để tâm.
– Chao ôi, phải đi lính dưới quyền những kẻ không phải là anh em nhà, chúng tôi sẽ cực lắm!
– Anh để cho chúng tôi chịu khổ thì thật là sai. Không đồng ý trao sư đoàn nầy có hơn không!
– Chúng tôi rất tiếc anh, anh Melekhov ạ. Những người chỉ huy khác họ có thể có nhiều chữ nghĩa hơn anh, song chúng tôi cũng sẽ chẳng nhờ đấy mà được dễ chịu hơn chút nào đâu, trái lại chỉ cực hơn thôi, tai vạ chính là ở chỗ ấy đấy!
Chỉ có một gã Cô- dãc người thôn Napolovsky một tay bẻm mép pha trò giỏi nhất đại đội là nói:
– Anh Grigori Panteleevich ạ, anh chớ có tin chúng nó. Nếu mọi việc không làm theo lương tâm, thì dù làm việc với anh em mình hay với kẻ khác cũng đều cực cả!
° ° °
Đêm hôm ấy Grigori uống rượu với Ermakov và mấy tên chỉ huy khác rồi sáng hôm sau chàng đem theo Prokho Zykov đuổi theo trung đoàn Mười chín.
Chàng còn chưa kịp nhận đại đội và làm quen với binh lính và các cấp dưới thì đã bị gọi lên gặp trung đoàn trưởng. Lúc ấy trời còn sáng tinh sương. Grigori xem lại những con ngựa trùng trình mãi và nửa giờ sau mới lên tới nơi. Tên trung đoàn trưởng vốn rất nghiêm khắc đối với các sĩ quan nên chàng cứ tưởng hắn sẽ có những lời nhận xét về mình, nhưng hắn chào hỏi chàng rất vồn vã rồi hỏi: “Thế nào ngài thấy đại đội như thế nào? Chúng nó có vững vàng không?” và không chờ chàng trả lời hắn cứ nhìn đi đâu qua người Grigori mà nói:
– Thế nầy nầy, ông bạn thân mến ạ, tôi phải báo cho ngài biết một tin rất buồn… Gia đình ngài đã gặp phải một việc rất không may. Đêm qua chúng tôi có nhận được từ Vosenskaia một bức điện. Tôi để cho ngài nghỉ phép một tháng để thu xếp công việc gia đình. Thôi ngài lên đường đi.
– Xin ngài cho xem bức điện. – Grigori tái mặt nói.
Chàng tiếp lấy tờ giấy gấp tư, mở ra đọc rồi nắm chặt bàn tay bỗng nhiên đầm đìa mồ hôi. Chàng không phải cố gắng nhiều lắm cũng tự chủ được mình và chỉ hơi lắp bắp một chút khi nói:
– Vâng, tôi không ngờ lại xảy ra chuyện nầy. Thế thì tôi sẽ đi ngay. Xin tạm biệt ngài.
– Ngài đừng quên lấy giấy nghỉ phép nhé.
– Vâng, vâng. Xin cám ơn ngài. Tôi sẽ không quên.
Chàng đi ra phòng ngoài với bước chân vững vàng và rắn rỏi, tay vẫn giữ gươm theo thói quen, nhưng vừa bước từ trên thềm cao xuống thì chàng bỗng nhiên không còn nghe thấy tiếng chân mình nữa và ngay lập tức cảm thấy mình đau nhói như bị một mũi lưỡi lê đâm vào.
Xuống tới bậc cuối cùng, chàng lảo đảo, phải đưa tay trái ra nắm lấy dây lan can lung lay, còn tay phải thì vội vã mở khuy cổ áo quân phục. Chàng dừng lại chừng một phút, thở hổn hển nhưng hơi rất dài và trong giấy phút đó, nỗi đau đớn đã tựa như làm chàng say men rồi đến khi chàng rời tay khỏi lan can để đi đến chỗ con ngựa buộc ở cửa xép thì chàng dẫm từng bước một cách nặng nề, người hơi lảo đảo.
— —— —— —— ——-
1 Sarysyn sau đổi thành Stalingrad, nay là Volgagrad (ND).
2 Phương ngôn Nga có câu: “Cái lưỡi có thể đưa người ta đi Kiev”, ý nói khéo mồm khéo miệng thì bao giờ cũng xong việc (ND).