Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 193

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Một đêm tháng sáu vùng sông Đông, trời tối mịt. Trên bầu trời xám xịt như đá đen, vài ánh chớp vàng óng, bừng lên trong không khí trầm lặng nặng nề. Vài ngôi sao sa, in hình trên dòng sông Đông cuồn cuộn trôi xuôi. Từ ngoài đồng cỏ, ngọn gió hanh ấm ấm đem đến khu dân cư mùi bách lý hương nở hoa ngọt ngọt như mật ong.

Trong khi đó trên bãi cỏ hoang ven sông vẫn nồng nặc cái mùi nhạt thếch của cỏ ẩm, bùn và ntrớc. Gà nước kêu không lúc nào ngớt. Như trong thần thoại, khắp cánh rừng ven sông đều phủ kín dưới tấm gấm ngân tuyến của sương mù.

Đến nửa đêm Prokho tỉnh dậy. Hắn hỏi người chủ nhà:

– Ông ấy còn chưa về à?

– Chưa đâu. Còn đang nhậu nhẹt với các ông tướng.

– Phải, đúng là ở đằng ấy người ta đang tu vodka đấy! – Prokho thở dài có vẻ ghen tỵ rồi vừa ngáp dài vừa mặc quần áo.

– Bác đi đâu thế?

– Tôi ra cho ngựa uống nước và lấy ít thóc. Ông Panteleevich có bảo là trời hửng thì sẽ cùng về thôn Tatarsky. Chúng tôi sẽ nghỉ lại ở đấy một ngày, rồi sẽ phải đuổi theo đơn vị.

– Trời còn chán mới hửng. Cứ ngủ thêm một lát đã.

Prokho trả lời có vẻ bực mình:

– Bố già ạ, có thể lập tức thấy ngay là từ nhỏ bố chưa từng đi lính bao giờ! Trong cái công việc lính tráng của chúng tôi, nếu không cho ngựa nghẽo ăn uống chu đáo, không chăm nom nó cẩn thận thì cái mạng của mình có khi cũng không giữ được đâu. Cưỡi một con nghẽo hom hem thì làm thế nào có thể phi nhanh được? Con vật mình cưỡi càng tốt thì càng có thể nhanh chóng thoát khỏi tay địch. Tôi vốn là một thằng như thế nầy nầy: chẳng có gì bắt buộc mình đuổi theo chúng nó, và nếu gặp bước nguy khốn, nếu bị dồn vào thế bí thì tôi sẽ là thằng đầu tiên quàng chân lên cổ chuồn thẳng? Tôi đã phải giơ đầu ra chịu đạn bao nhiêu năm rồi, vì thế bây giờ chán ngấy đi được! Nhưng bố già à, nhờ bố nhóm hộ cái lửa, nếu không tôi chẳng tìm thấy xà cạp đâu cả. Cám ơn bố nhé! Pha- a- ải, cái ông Grigori Panteleevich của chúng tôi thì còn cố kiếm lấy những huân chương và cấp bậc, còn xông cáo vào nơi nước sôi lửa bỏng, chứ tôi thì không phải là một thằng ngu xuẩn như thế đâu, tôi chẳng cần đến các thứ ấy làm gì. Hừ, đúng là ma quỷ đã đưa anh chàng về rồi, và có lẽ say bí tỉ rồi còn gì.

Ngoài cửa có tiếng gõ khe khẽ.

– Xin mời vào? – Prokho nói to.

Một gã Cô- dắc lạ mặt bước vào với những cái lon hạ sĩ quan trên bộ quân phục màu cứt ngựa và cái mũ cát- két có đính quân hiệu.

– Tôi là liên lạc của bộ tư lệnh binh đoàn tướng quân Sekrechev. Tôi có thể gặp quan lớn Melekhov được không? – gã đưa tay lên vành mũ, đứng cứng người ở ngưỡng cửa hỏi.

– Ông ấy không có nhà. – Prokho trả lời. Hắn rất đỗi sửng sốt trước tư thế và lối xưng hô của gã Cô- dắc được huấn luyện khuôn phép. – Nhưng, cậu chớ có đứng cứng người ra như thế. Hồi còn trẻ tôi cũng là một thằng ngu xuẩn như cậu đấy. Tôi là liên lạc của ông ấy đây. Cậu có việc gì thế?

– Theo lệnh của tướng quân Sekrechev tôi đến tìm ngài Melekhov. Ngài Melekhov được mời đến nhà hội nghị sĩ quan ngay lập tức.

– Ngay từ lúc chiều ông ấy đã láng cháng tới đấy rồi mà?

– Cũng có ở đấy, nhưng sau lại bỏ về.

Prokho huýt một tiếng sáo và nháy mắt với người chủ nhà đang ngồi trên giường.

– Bố đã hiểu chưa, bố già? Như thế tức là đã chuồn đến với cô bạn yêu dấu rồi… Thôi được, thầy quyền cứ về đi, tôi sẽ đi kiếm ông ấy và sẽ đưa thẳng tới đấy ngay?

Sau khi nhờ ông cụ cho ngựa uống nước và ăn thóc, Prokho đi tới nhà bà cô của Acxinhia.

Thị trấn ngủ thiếp dưới một tấm màn đen mù mịt, những con hoạ mi thi nhau hót trong khu rừng bên kia sông Đông. Prokho lững thững đi tới căn nhà nhỏ mà hắn đã biết, bước vào phòng ngoài, nhưng vừa đặt tay lên nắm đấm cửa thị nghe thấy cái giọng trầm trầm của Stepan. “Thế là mình chạm trán ngay với nó? – Prokho nghĩ thầm – Nhỡ nó hỏi mình đến đây làm gì thì sao? Nếu thế mình sẽ chẳng còn đường nào mà trả lời nữa. Thôi được, dù sao cũng đành liều? Mình sẽ nói là tạt vào đây để mua rượu, sẽ bảo là các nhà láng giềng chỉ cho mình tới đây”.

Nhưng sau khi đã đánh liều bước vào nhà trong, hắn lại lập tức kinh ngạc há hốc miệng đứng đực ra như phỗng: Grigori đang ngồi cùng bàn với cả hai vợ chồng nhà Astakhov, và tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra, chàng đang đưa cốc lên miệng uống một thứ rượu màu xanh đục.

Stepan đưa mắt nhìn Prokho, gắng gượng mỉm cười và nói:

– Làm gì mà cậu cứ há hốc miệng, chẳng chào hỏi gì thế? Hay cậu thấy có điều gì kỳ quặc lắm à?

– Đại khái như thế đấy… – Prokho vẫn chưa hết sửng sốt, vừa giậm giậm hai chân vừa trả lời.

– Thôi, đừng sợ, cứ vào đây, ngồi xuống đã, – Stepan mời.

– Thì giờ nó không bảo tôi ngồi lại đâu… Tôi đến tìm anh đây, anh Grigori Panteleevich. Có lệnh anh lập tức đến gặp ngay tướng Sekrechev.

Ngay trước khi Prokho tới đây. Grigori đã nhiều lần muốn bỏ về.

Chàng gạt cái cốc ra, đứng dậy, nhưng lại ngồi ngay xuống vì sợ Stepan coi việc mình ra về là một biểu hiện của sự nhát gan. Lòng tự hào không cho phép chàng bỏ Acxinhia ở lại, nhường chỗ cho Stepan. Chàng vẫn uống, nhưng rượu không còn có tác dụng gì đối với chàng nữa. Grigori vừa đánh giá một cách tỉnh táo cái tình thế nửa dơi nửa chuột của mình, vừa chờ xem kết cục sẽ như thế nào. Trong khoảng khắc, lúc Acxinhia uống mừng sức khỏe của chàng, của Grigori, chàng đã tưởng như Stepan sắp đánh vợ đến nơi. Nhưng chàng đã lầm: “Stepan chỉ đưa tay sần sùi lên lau vừng trán rám nắng rồi sau một phút im lặng ngắn ngủi, anh ta nhìn Acxinhia một cách thán phục và nói: “Vợ tôi cừ lắm! Chỉ yêu cái to gan!”.

Rồi Prokho bước vào.

Grigori suy nghĩ một lát rồi quyết định chưa đi vội đề Stepan có thể nói ra những điều trong lòng anh ta.

– Cậu cứ lại đằng ấy và bảo rằng không tìm thấy mình. Hiểu chưa? – Chàng bảo Prokho.

– Hiểu thì có hiểu đấy, nhưng anh Panteleevich ạ, tốt nhất là anh hãy tới đằng ấy đi.

– Không can gì đến cậu! Đi đi.

Prokho đã bước ra cửa. Nhưng giữa lúc ấy Acxinhia bất thần nói xen vào câu chuyện. Nàng không nhìn Grigori, nói giọng khô khan:

– Không, không nên như thế, anh cùng về đi, anh Grigori Panteleevich! Xin cám ơn anh đã tới thăm chúng tôi, ngồi chơi với chúng tôi… Nhưng không còn sớm sủa gì nữa, gà đã gáy đợt hai rồi. Trời sắp sáng, mà trời hửng là tôi và anh Stepan còn phải lên đường về nhà… Hơn nữa hai anh uống đã nhiều. Thế là đủ rồi?

Stepan cũng không giữ. Grigori bèn đứng dậy. Lúc chia tay, Stepan còn nắm một lát bàn tay Grigori trong bàn tay vừa lạnh vừa cứng của anh ta, tựa như muốn nói một điều gì lần cuối cùng. Nhưng anh ta không nói mà chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn theo Grigori đi ra cửa, rồi từ từ quay vào với chai rượu chưa uống hết…

Grigori vừa ra tới ngoài phố thì cảm thấy mình bải hoải khủng khiếp. Chàng lê bước hết sức khó khăn tới được ngã tư gần nhất rồi bảo anh chàng Prokho luôn bám sát mình không rời nửa bước.

– Cậu về thắng hai con ngựa rồi đem ra đây nhé. Mình không lê được tới nơi đâu…

– Thế không báo cáo về chuyện anh sẽ đi à?

– Không.

– Thôi được anh cứ chờ đây, tôi sẽ chạy thật nhanh!

Thế là cái anh chàng bao giờ cũng lề mà lề mề là Prokho lần nầy đã quàng chân lên cổ chạy tế về chỗ ở trọ.

Grigori tới ngồi bên một dãy hàng rào, hút thuốc. Chàng hồi tưởng lại cuộc chạm trán với Stepan, lạnh nhạt nghĩ thầm: “Chà, cũng chẳng sao, bây giờ thì nó biết rồi. Miễn là nó đừng có đánh Acxinhia”. Rồi cái mệt mỏi và sự xúc động vừa trải qua đã bắt chàng phải ngả lưng xuống. Chàng thiu thiu ngủ.

Chẳng mấy chốc Prokho đã cưỡi ngựa tới.

Hai người sang bên kia sông Đông bằng phà rồi cho ngựa chạy nước kiệu nhanh.

Trời bình minh thì tiến vào thôn Tatarsky. Grigori xuống ngựa bên cạnh cổng nhà mình, ném dây cương cho Prokho và bồi hồi bước vội vào trong nhà.

Natalia còn ăn mặc phong phanh đang đi ra phòng ngoài không biết để làm gì. Vừa trông thấy Grigori, cặp mắt còn ngái ngủ của nàng đã sáng rực lên những tia hân hoan đến nỗi trái tim Grigori bỗng run lên và hai con mắt chàng bất thần ướt đẫm. Còn Natalia thì ôm lấy người yêu duy nhất của nàng, siết chặt toàn thân mình vào người Grigori. Grigori cảm thấy hai vai Natalia rung rung, biết rằng nàng đang khóc.

Chàng bước vào nhà, lần lượt hôn hai ông bà già và hai đứa nhỏ ngủ ở nhà trong, rồi ra đứng giữa bếp.

– Thế nào, nhà ta sống qua cái cơn vừa qua như thế nào? Mọi người bình anh vô sự cả chứ? – Grigori vừa hỏi vừa thở hổn hển vì cảm động.

– Cũng nhờ ơn Chúa, con ạ. Ở nhà cũng sợ lắm, song cũng không bị chúng nó hà hiếp nhiều quá đâu. – Bà Ilinhitna vội trả lời, rồi liếc nhìn Natalia thấy nàng khóc thút thít bèn quát nàng giọng nghiêm khắc – Đang lúc phải vui thì mày lại khóc, con bé ngốc nghếch nầy! Thôi đừng đứng ườn ra đấy nữa? Ra lấy củi vào mà nhóm lò…

Trong lúc bà và Natalia vội vã sửa soạn bữa sáng, ông Panteley Prokofievich đem vào cho con trai một chiếc khăn mặt sạch và bảo:

– Mày lau rửa đi, để tao đổ nước vào tay cho. Như vậy đầu óc sẽ tỉnh táo hơn… Người mày nồng nặc mùi vodka. Có lẽ hôm qua vui quá uống rượu phải không?

Cũng có uống đấy. Nhưng tạm thời vẫn còn chưa rõ uống vì vui hay vì đau khổ…

– Sao lại thế? – Ông già rất ngạc nhiên.

– Sekrechev còn căm chúng ta lắm.

– Chà, như thế cũng chẳng có gì tai vạ. Nhưng chẳng nhẽ ông ấy mà uống rượu với mầy à?

– Có mà.

– Thật không ngờ! Mầy danh giá quá đấy. Griska ạ! Được ngồi cùng bàn với một ông tướng chính cống cơ à! Không thể nào ngờ được! – Rồi ông Panteley Prokofievich âu yếm nhìn con và cứ chặc chặc lưỡi đầy vẻ thán phục.

Grigori mỉm cười. Dù sao chàng cũng không thể nào chia sẻ niềm hân hoan ngây thơ của ông già.

Trong khi từ tốn hỏi han về những chuyện bò ngựa còn giữ được bao nhiêu con, đồ đạc còn lại những gì và bao nhiêu thóc lúc bị hư hỏng, Grigori nhận thấy rằng câu chuyện về công việc làm ăn không còn gây hứng thú cho bố như xưa nữa. Trong đầu óc ông lão hình như đang có điều gì quan trọng hơn, một điều gì làm ông phiền muộn.

Và ông đã không chờ lâu mới nói ra:

– Bây giờ sẽ như thế nào đây, Griska? Chẳng nhẽ vẫn còn phải đi lính hay sao?

– Cha nói về ai kia chứ?

– Nói về các cụ già ấy… Như tao chẳng hạn.

– Bây giờ thì con chưa biết được.

– Như vậy là lại phải ra đi à?

– Cha thì có thể ở nhà cũng được.

– Mày nói cái gì thế? – Ông Panteley Prokofievich sung sướng kêu lên, rồi ông cảm động quá cứ khập khiễng chạy lăng xăng trong bếp.

– Có ngồi yên một chỗ đi không, cái con quỷ thọt kia! Đừng có lấy chân hất tung rác rưởi ra khắp nhà nữa! Có gì phởn mà chạy nhông như con chó đường thế? – bà Ilinhitna kêu lên, giọng nghiêm khắc Nhưng ông già cũng chẳng buồn để ý đến lời vợ gắt. Ông cứ tủm tỉm xoa xoa hai tay, khập khiễng đi đi lại lại vài lần từ cái bàn đến bếp lò. Nhưng bỗng nhiên ông có ý nghi ngờ:

– Nhưng mày có thể cho tao về được chứ?

– Tất nhiên là có thề rồi.

– Mày sẽ viết cho tao một tờ giấy chứ?

– Hẳn đi chứ lị!

Ông già ngập ngừng một lát nhưng vẫn cứ hỏi:

– Giấy như thế nào bây giờ? Giấy không có dấu ấy à? Hay là mày mang cả dấu đi theo?

– Không có dấu cũng được! – Grigori mỉm cười.

– Chà, nếu vậy thì chẳng cần phải nói gì thêm nữa? – Ông già lại vui lên. – Cầu chúa cho mầy được khỏe mạnh! Thế mày định bao giờ sẽ đi!

– Ngày mai.

– Các đơn vị của mày đã tiến trước rồi à? Đi Ust- Medvedicha à?

– Vâng. Còn về cha, cha đừng có lo. Đằng nào các cụ già như cha chẳng bao lâu nữa cũng được cho về nhà thôi. Các cụ đã hết hạn lính rồi còn gì?

– Cầu Chúa cứ thế cho! – Ông Panteley Prokofievich làm dấu phép và xem ra đã hoàn toàn yên lòng.

Hai đứa nhỏ đã ngủ dậy. Grigori bế hai con, đặt ngồi lên đầu gối mình, rồi mỉm cười lần lượt hôn từng đứa và ngồi sát lâu để nghe hai đứa líu lo líu lô. Làn tóc của hai đứa nhỏ thơm lên biết bao thứ mùi: mùi nắng ấm, mùi cỏ, mùi gối ấm áp và còn một thứ mùi gì nữa vô vàn thân thiết. Và cả hai đứa đều là thịt da của thịt da chàng, nom cứ như hai con chim tí hon trên đồng cỏ. Hai cánh tay vừa to vừa đen của người cha ôm hai con trong lòng nom đến là lóng ngóng. Mà bản thân chàng, một kỵ sĩ tạm xa rời con ngựa chiến trong một ngày, trên mình còn nặc mùi lính tráng chua loét, mùi mồ hôi ngựa, mùi trường chinh và mùi đắng hắc của các đồ thắng ngựa bằng da, chàng cũng có vẻ xa lạc biết bao giữa cái cảnh điền viên êm ấm nầy…

Vài giọt lệ phủ lên hai con mắt Grigori như một màn sương mù, môi chàng run run dưới hàng ria… Bố chàng hỏi hai ba lần chàng cũng không trả lời, và mãi khi Natalia đến kéo tay áo quân phục, chàng mới tới ngồi vào bàn ăn.

Không, không, Grigori hoàn toàn không còn như xưa nữa rồi! Trước kia chàng có bao giờ dễ xúc động như bây giờ đâu, và ngay từ thời thơ ấu chàng cũng rất ít khi khóc. Nhưng bây giờ ở chàng lại thấy có những giọt nước mắt, tiếng tim đập dồn dập trầm trầm, và cái cảm giác như trong họng có một cái chuông nhỏ rung không thành tiếng… Tuy vậy, nguyên nhân của tất cả những điều đó có thể là vì chàng đã uống quá nhiều rượu và đêm qua chẳng được chợp mắt lúc nào…

Daria đánh bò ra bãi chăn nuôi chung của thôn đã trở về. Đến khi ả chìa cặp môi tươi cười cho Grigori hôn, khi chàng đùa cợt đưa tay lên vuốt ria, ghé môi vào sát mặt ả thì ả lim dim mắt. Grigori thấy hai hàng mi ả rung rung, như dưới làn gió và trong khoảnh khắc ngửi thấy mùi pom- mát ngây ngất toả ra từ hai làn má chưa mất xuân sắc.

Mà quả thật Daria vẫn hoàn toàn như xưa. Có cảm tưởng như không một điều buồn khổ nào có thể bẻ gãy được ả, thậm chí không có gì giúi được đầu ả ngả xuống, ả sống trên đời nầy như một nhành liễu đỏ: mềm mại, óng ả và tay ai cũng với tới được.

– Vẫn nở hoa như thường chứ? Grigori hỏi.

– Cũng như cây kỳ nham bên lề đường ấy thôi! – Daria nheo cặp mắt long lanh, cười nhe cả hai hàm răng trắng loá. Rồi ả lập tức bước tới trước cái gương sửa lại món tóc tuột khỏi chiếc khăn bịt đầu, làm dáng làm đỏm.

Daria vỗn dĩ là như thế. Cái thói của ả thì có lẽ không sao thay đổi được. Cái chết của Petro tựa hồ cũng có giáng cho ả một đòn, nhưng sự khổ não vừa nguôi nguôi, ả đã thèm khát tận hưởng cuộc sống, càng chăm chút cho cái mã ngoài của mình hơn…

Dunhiaska ngủ dưới nhà thóc đã được đánh thức dậy. Cả nhà cầu kinh xong đều quây quần chung quanh bàn ăn.

– Chao ôi, anh yêu của em, anh già đi mất rồi! – Dunhiaska nói giọng thương hại. – Tóc anh xám cả như lông con sói độc ấy.

Grigori ngồi bên kia bàn nín thinh nhìn em gái, trên môi không thoáng một nét cười. Một lát sau chàng mới nói:

– Tao bây giờ như thế nầy thì cũng đúng thôi. Tao thì phải già đi, còn mày thì đã đến lúc kiếm lấy thằng chồng rồi đấy… Nhưng tao chỉ bảo cho một điều thế nầy nầy: từ hôm nay trở đi phải quên đi không được mơ tưởng gì tới thằng Miska Kosevoi nữa. Nếu sau nầy tao còn nghe nói là mày khô héo đi vì nó thì tao sẽ dận lên một chân mày và nắm lấy chân kia xé ra như xé con ếch ấy? Mày hiểu chưa?

Mặt Dunhiaska đỏ rực lên như đoá hoa mào gà. Cô nhìn Grigori qua hai hàng nước mắt.

Cặp mắt hung hãn của chàng vẫn nhìn chằm chằm cô em gái, và trong toàn bộ khuôn mặt trở nên tàn nhẫn của chàng, trong những cái răng nhe ra dưới hàng ria; trong cặp mắt nheo lại càng thấy hiện lên rõ hơn những nét man rợ như thú rừng của dòng họ Melekhov.

Nhưng Dunhiaska thì cũng một nòi: khi đã trấn tĩnh được sau cơn bối rối và căm uất, cô gái nói khe khẽ, nhưng giọng rất kiên quyết.

– Anh ạ, có lẽ anh cũng biết đấy chứ? Anh không ra lệnh cho trái tim được đâu!

– Trái tim mà nô không nghe mày thì mày phải dứt nó ra mà quẳng đi. – Grigori khuyên em giọng lạnh như tiền.

“Mày không phải là đứa nói được câu ấy đâu, con ạ…” – Bà Ilinhitna nghĩ thầm.

Nhưng đến lúc nầy ông Panteley Prokofievich chen vào câu chuyện. Ông đấm mạnh tay xuống bàn, quát lên:

– Mầy, đồ chó đẻ, câm ngay cái mồm! Nếu không tao sẽ cho mầy xem quả tim của mầy nó như thế nào; cho mầy không còn sợi tóc trên đầu mà búi nữa! Chà, đồ đĩ thoã! Để tao xuống ngay tàu ngựa lấy dây cương…

– Nhưng cha ạ! Dây cương thì nhà ta chẳng còn sợi nào nữa đâu. Chúng nó lấy mất hết rồi còn gì? – Daria làm vẻ mặt ngoan ngoãn ngắt lời ông già.

Ông Panteley Prokofievich tức điên lên trợn mắt nhìn ả, và vẫn không hạ thấp giọng, ông nói tiếp để trút hết những điều nhức nhối trong lòng:

– Tao sẽ lấy cái đai bụng ngựa, cho mày được nhìn thấy quỷ dữ…

– Cả đai bụng ngựa bọn Đỏ cũng lấy mất rồi còn đâu! – Daria lại nói xen vào, giọng đã to hơn, và vẫn nhìn bố chồng bằng cặp mắt ngây thơ.

Đến lúc nầy ông Panteley Prokofievich không còn chịu được nữa. Ông trợn trừng trợn trạo nhìn con dâu trong một giây, mặt bừng bừng vì niềm căm tức không nói ra được, miệng cứ mở hoác ra, ngáp ngáp không thành tiếng (trong lúc nầy nom ông giống hệt như con cá vược vừa bị lôi lên khỏi mặt nước). Rồi ông quát lên, giọng khản hẳn đi:

– Câm ngay, con khốn kiếp nầy, trăm con quỷ dữ lấy mất hồn mày đi! Không để cho người ta nói một lời nào nữa! Như thế nầy thì còn ra thể thống gì nữa! Còn mày, Dunhiaska, mày phải nhớ như in là như thế nầy: dứt khoát không thể có chuyện ấy được! Lời bố mày bảo mày như thế đấy? Thằng Grigori nó nói là đúng: nếu mày còn tưởng màng tới cái thằng khốn nạn ấy nữa thì giết mày đi vẫn còn là nhẹ! Kiếm được một thằng như thế mà yêu với đương! Một thằng đáng bị treo cổ đã làm mê mẩn đầu óc nó rồi! Một đứa như cái thằng ấy mà là một con người à? Một thằng bán Chúa như nó mà làm con rể của tao hay sao? Nếu bây giờ mà nó lọt vào tay tao thì tao sẽ tự tay cho nó về với ông bà ông vải! Nhưng mày cứ chờ đấy: tao sẽ lấy cái gậy, cho mày,…

– Gậy với gộc cái gì, ban ngày ban mặt đốt đèn tìm khắp sân cũng chẳng có được cái nào đâu. – Bà Ilinhitna thở dài nói. – Đi từ đầu sân đến cuối sân cũng chẳng kiếm được một thanh củi để nhóm lò. Đã phải sống đến lúc như thế nầy rồi đấy!

Mấy câu nhận xét chẳng có gì quanh co ấy, đã bị ông Panteley Prokofievich coi là những lời nhằm chọc tức ông. Ông nhìn chằm chằm bà lão một lát rồi nhảy chồm lên như một người hoá ngộ và chạy thẳng ra sân.

Grigori buông cùi dìa, đưa khăn tay lên che mặt, toàn thân rung lên trong trận cười không thành tiếng. Cơn tức giận của chàng đã qua và chàng được một mẻ cười như đã lâu lắm chàng chưa được hưởng. Cả nhà đều cười, trừ Dunhiaska. Không khí quanh bàn ăn bỗng vui như tết. Nhưng vừa có tiếng bước chân ông Panteley Prokofievich dẫm bồm bộp trên thềm, mặt mọi người lập tức nghiêm hẳn lại. Ông già chạy ập vào trong phòng như một cơn lốc, lôi theo sau lưng một cái sào dài bằng gỗ liễu đỏ.

– Đây rồi! Đây rồi! Đủ cho tất cả chúng mầy, cái lũ khốn kiếp, cái quân lắm mồm nầy đây rồi? Những con mụ phù thuỷ dài đuôi nầy? Không có gậy à? Thế cái gì đây hử? Tao sẽ cho tất cả chúng mầy được nếm mùi!

Cái sào dài quá không mang được vào trong bếp. Ông già đánh đổ một cái nồi gang, đành ném cái sào rơi ầm ầm ra phòng ngoài rồi ngồi vào bàn và thở như kéo bễ.

Rõ ràng tinh thần phấn khởi của ông đã bị hoàn toàn xua tan. Ông không nói gì nữa, cứ cắm cúi ăn và thở phì phì. Tất cả những người khác cũng nín lặng. Daria sợ mình phá lên cười, cứ dán mắt xuống mặt bàn. Bà Ilinhitna thì thở dài thườn thượt, và lẩm bẩm chỉ hơi có thể nghe thấy: “Chao ôi, lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi? Tội lỗi của chúng con lớn quá lắm?” Chỉ một mình Dunhiaska là chẳng còn lòng dạ nào mà cười. Cả Natalia cũng thế. Lúc ông già không có mặt trong phòng, nàng cũng có nụ cười miễn cưỡng, nhưng nét mặt lại lập tức trở lại đăm chiêu và âu sầu.

– Đem muối ra đây! Bánh mì đâu? – Chốc chốc ông Panteley Prokofievich lại đưa cặp mắt long lanh nhìn mọi người trong nhà và gầm lên như hăm doạ.

Cuộc đấu khẩu trong gia đình đã kết thúc một cách bất ngờ. Trong lúc tất cả mọi người đã nín lặng, thằng Misatka lại làm ông nó khùng lên một trận nữa. Những khi có chuyện điều qua tiếng lại nó đã nhiều lần nghe bà nó gọi ông nó bằng mọi cách chửi mắng và cái tâm hồn trẻ thơ của nó đã hết sức bị kích động khi nó thấy ông nó sắp sửa đánh cả nhà và quát tháo ầm ĩ trong bếp. Bất thình lình nó nói lanh lảnh, hai cánh mũi run run:

– Làm gì mà quát lác như thế, con quỷ thọt nầy! Phải nện cho ông mấy gậy vào đầu thì mới hết doạ cả nhà và hết doạ bà?

– Mầy nói với tao… với ông mầy… như thế à?

– Với ông đấy! – Thằng Misatka can đảm nhận ngay.

– Sao mầy lại nói với ông nội của mày… những lời như thế hử?

– Nhưng tại sao ông lại quát tháo rầm lên như thế?

– Cái thằng oắt con nầy hung hãn khiếp? – Ông Panteley Prokofievich vuốt râu, ngạc nhiên đưa mắt nhìn cả nhà. – Tất cả cũng chỉ tại mụ, mụ phù thuỷ già nầy thôi. Những lời như thế nó nghe ở mụ cả đấy? Mụ đã dạy dỗ nó như thế đấy?

– Nhưng ai dạy nó như thế? Nó cũng chỉ liều lĩnh bậy bạ như ông nó và bố nó thôi? – Bà Ilinhitna tự bào chữa, giọng giận dữ.

Natalia đứng dậy, bớp cho thằng Misatka vài cái và bảo:

– Không được tập cái thói nói với ông như thế nhé! Không được tập tọng như thế nhé!

Thằng Misatka rúc mặt vào đầu gối Grigori, gào lên. Vốn rất yêu cháu, ông Panteley Prokofievich chảy cả nước mắt, nhảy ra khỏi bàn ăn, và cũng chẳng buồn lau những giọt nước mắt chảy ròng ròng xuống chòm râu, ông sung sướng kêu toáng lên:

– Griska! Con yêu của cha mẹ! Mẹ mầy chứ! Mụ già nói thế mà đúng đấy! Nó đúng là nòi nhà ta? Đúng là dòng máu Melekhov đấy? Cái huyết thống nó đã cho thấy rõ rồi đấy? Cái thằng bé nầy sẽ không chịu câm miệng trước mặt ai đâu? Cháu của ông? Thằng cháu yêu của ông? Chà, mầy hãy đánh thằng già ngu ngốc nầy đi, muốn đánh bao nhiêu cái cũng đánh đi! Mày rứt râu lão ấy đi! – Rồi ông già giằng lấy thằng Misatka trong tay Grigori, nâng cao nó lên trên đầu.

Bữa sáng ăn đã xong, mọi người rời khỏi bàn ăn. Cánh đàn bà con gái bắt đầu rửa bát đĩa. Ông Panteley Prokofievich vừa châm thuốc hút vừa bảo Grigori:

– Kể ra việc nầy mà nhờ mày làm thì cũng không tiện, vì mày đang là khách của nhà ta, nhưng chẳng còn làm thế nào khác được nữa… Mày hãy giúp tao dựng lại dãy hàng rào, quây lại cái sân phơi thóc, nếu không chỗ nào cũng đổ dụi, mà bây giờ nhờ người ngoài thì cũng không được. Nhà nào cũng đổ nát tan hoang như nhà nào.

Grigori vui vẻ nhận lời ngay, và hai bố con cùng làm việc với nhau ngoài sân gia súc cho tới bữa trưa để chữa lại dãy hàng rào.

Ông già vừa đóng một cái cọc hàng rào vừa hỏi:

– Sắp phải cắt cỏ đến nơi rồi, nhưng tao cũng chưa biết có nên mua thêm ít cỏ hay không. Về công việc làm ăn thì mày bảo nên như thế nào bây giờ? Có đáng đổ công sức ra mà làm ăn hay không? Hay chưa biết chừng chỉ một tháng nữa bọn Đỏ lại kéo đến và mọi việc lại toi công phí sức mẹ nó cả?

– Con cũng chẳng biết đâu cha ạ, – Grigori thành thật thú nhận. Con cũng chưa biết tình thế sẽ chuyển biến như thế nào và mèo nào sẽ cắn mỉu nào. Chúng ta cứ sống thế nào cho trong vựa thóc cũng như ngoài sân không có cái gì dư thừa là tốt nhất. Thời buổi nầy tất cả các thứ đó đều chẳng được tích sự gì đâu. Cha cứ xem ông bố vợ của con đấy: nai lưng ra kiếm tiền suốt một đời, chắt chiu dành dụm, làm kiệt cả máu mình lẫn máu người khác, nhưng rồi còn lại được gì? Cuối cùng chỉ còn lại vài cái cột nhà cháy!

– Chính tao cũng nghĩ như thế đấy con ạ. – Ông già nén một tiếng thở dài, đồng ý với Grigori.

Rồi ông không nói gì thêm về chuyện làm ăn nữa. Mãi đến chiều, khi thấy Grigori lắp quá cẩn thận cái cửa của sân đập lúa, ông mới bực mình nói, không giấu vẻ chua chát:

– Qua loa thế nào cũng được thôi? Mày cố làm kỹ như thế làm gì? Cái cửa nầy có đứng vững được suốt đời đâu!

Xem ra thì đến bây giờ ông già mới cảm thấy rằng mọi cố gắng của mình nhằm sắp xếp cuộc sống theo lối cũ đều hoàn toàn hoài công vô ích…

Mặt trời sắp lặn thì Grigori bỏ công việc đấy quay vào trong nhà. Chỉ có một mình Natalia ở phòng trong. Áo xống của nàng chải chuốt như trong một ngày hội. Một chiếc váy len xanh lam và cái áo ngắn mặc ngoài bằng vải pô- pơ- lin màu xanh da trời mặc rất vừa vặn trên người nàng. Nàng vừa lau rửa bằng xà phòng nên mặt còn đỏ hồng và hơi bóng nhãy. Nàng đang lục lọi trong cái rương để tìm không biết cái gì, nhưng vừa thấy Grigori bước vào, nàng đậy ngay nắp rương rồi mỉm cười đứng thẳng dậy.

Grigori ngồi xuống nắp rương và hỏi:

– Em ngồi xuống đây một lát, kẻo mai anh đã đi rồi, không kịp nói chuyện gì với nhau nữa.

Natalia ngoan ngoãn ngồi xuống bên cạnh chàng và liếc nhìn chàng, ánh mắt có phần sờ sợ. Nhưng Grigori bất thần nắm tay nàng, âu yếm nói:

– Nom em tươi tắn, cứ như không phải vừa ốm dậy ấy.

– Em khỏi hẳn rồi… Bọn đàn bà chúng em cũng dễ sống như loài mèo ấy. – Nàng nói với nụ cười ngượng nghịu, đầu hơi cúi xuống.

Grigori nhìn thấy một bên dái tai mịn hồng phớt phớt lông tơ và chỗ da vàng vàng sau gáy, giữa hai món tóc, bèn hỏi:

– Em bị rụng tóc đấy à?

– Tóc rụng gần hết. Em sắp hói đến nơi rồi đấy.

– Để anh cạo đầu cho em ngay bây giờ nhé! – Grigori bỗng nhiên bảo vợ.

– Anh làm sao thế? – Natalia sợ hãi kêu lên. – Như thế thì nom em còn ra sao nữa?

– Phải cạo đi, nếu không tóc sẽ không mọc lại được đâu.

Nàng đang ngồi bên cạnh chàng, nàng là vợ chàng, cũng là mẹ của thằng Misatka và con Poliuska. Vì chàng, nàng đã mặc quần áo đẹp và đã rửa mặt sạch sẽ. Nàng đã vội vã chít chiếc khăn lên đầu để chàng khỏi nhìn thấy bộ tóc xác xơ của mình sau trận ốm và đang hơi nghiêng đầu sang bên, ngồi với một vẻ đến là đáng thương. Nom nàng có phần xấu đi nhưng vẫn đẹp với một cái đẹp bên trong, thuần khiết và rạng rỡ. Bao giờ nàng cũng mặc những chiếc áo cao cổ để chàng khỏi nhìn thấy vết sẹo xưa kia đã làm xấu hẳn cái cổ của nàng. Tất cả đều vì chàng… Một niềm trìu mến bỗng tràn ngập trong lòng Grigori như một làn sóng dạt dào. Chàng muốn nói với nàng một lời gì đó đầm ấm, âu yếm, nhưng chẳng biết nói như thế nào nên chỉ lặng lẽ kéo nàng vào với mình và hôn vừng trán trắng bệch xuôi xuôi cùng hai con mắt đau thương của nàng.

Không, trước kia chàng có vuốt ve nựng nịu nàng bao giờ đâu. Acxinhia đã lấn át nàng suốt cuộc đời. Nàng xúc động run cả người trước sự biểu lộ tình cảm của chồng và mặt vẫn còn bừng bừng vì cảm động, nàng nắm lấy bàn tay chồng, đưa lên môi mình.

Hai người nín lặng ngồi chừng một phút. Vừng mặt trời đang xuống núi rọi vào phòng trong những tia đỏ rực. Hai đứa trẻ nô đùa ầm ĩ ngoài thềm. Có tiếng Daria kéo những lon sữa hâm lại trong lò ra và bực bội nói với mẹ chồng: “Có lẽ mấy con bò không được mẹ vắt sữa đều hàng ngày. Xem con bò già càng ngày càng ít sữa rồi đấy, Đàn bò đi ăn rong đã từ ngoài bãi trở về thôn. Có tiếng những con bò rống ầm ĩ, tiếng quất đen đét của những ngọn roi tết bằng lông đuôi ngựa. Con bò giống của thôn rống lên từng đợt giọng khàn khàn. Mòng cắn đến chảy máu cái yếm trước ngực mượt như xa tanh và cái lưng xuôi chắc nịch của nó. Con bò mộng hung hãn lắc mạnh đầu: trong khi đi, hai cái sừng ngắn nhưng choãi rất rộng của nó bị mắc vào hàng rào nhà Astakhov. Con bò làm đổ một đoạn hàng rào rồi lại đi, Natalia nhìn qua cửa sổ nói:

– Cả đến con bò mộng cũng rút lui sang bên kia sông đấy. Mẹ kể rằng trong thôn vừa bắt đầu có tiếng súng nổ là nó bơi thẳng từ chuồng bò qua sông và suốt thời gian qua nó đã trốn ở chỗ khuỷu sông.

Grigori nín lặng suy nghĩ. Tại sao hai con mắt Natalia cứ rầu rĩ như thế? Và trong cặp mắt ấy lại có một cái gì thầm kín, khi ẩn khi hiện, rất khó nhận thấy. Ngay trong những phút sung sướng nàng vẫn có vẻ buồn buồn và có cái gì rất khó hiểu… Chưa biết chừng nàng đã được nghe nói về chuyện chàng có gặp Acxinhia ở Vosenskaia? Cuối cùng chàng hỏi:

– Tại sao hôm nay em cứ buồn buồn thế nào ấy? Trong lòng em có chuyện gì thế, Natalia? Em thử nói xem nào?

Và chàng chờ nhìn thấy những giọt nước mắt, nghe thấy những lời trách móc… Song Natalia kinh hãi trả lời:

– Không, không, anh tưởng tượng ra như thế thôi, em chẳng sao cả. Thật ra thì em vẫn chưa khỏi hẳn. Đầu em vẫn choáng váng, hễ cúi xuống hay nhấc cái gì lên là mắt tối sầm lại.

Grigori nhìn nàng, có ý thăm dò rồi lại hỏi:

– Không có anh ở nhà, không có chuyện gì xảy ra với em chứ? Chúng nó không đụng đến em chứ?

– Không đâu, anh nói gì vậy? Suốt thời gian qua em ốm liệt giường. – Nàng nhìn thẳng vào mắt Grigori, thậm chí còn khẽ mỉm cười. – Ngày mai anh đi từ sáng sớm?

– Trời hửng đã đi rồi.

– Thế không nghỉ thêm một ngày hay sao? – Trong giọng nói của Natalia có thể cảm thấy một ý hy vọng rụt rè mong manh.

Nhưng Grigori lắc đầu ra ý không được. Natalia bèn thở dài nói:

– Bây giờ thì sao,… anh phải đeo lon chứ?

– Cũng phải đeo thôi.

– Nào, thế thì anh cởi áo ra, để em khâu vào cho trong lúc trời còn sáng.

Grigori è è trong họng, rút đầu ra khỏi cái áo quân phục cổ chui. Cái áo còn chưa ráo mồ hôi. Vài đám vải ướt đen lại trên lưng và trên vai, đó là những dải bị những dây da đeo vai sát vào bóng nhoáng. Natalia lấy trong chiếc rương ra những cái lon vai dãi nắng bạc cả màu rồi hỏi:

– Những cái nầy phải không anh?

– Đúng những cái ấy đấy. Em còn giữ được cơ à?

– Ở nhà đã đem cái rương chôn xuống đất. – Natalia vừa xâu chỉ vào lỗ kim vừa nói lí nhí, rồi len lén đưa chiếc áo đầy bụi lên mặt, hít lấy hít để cái mùi mồ hôi mặn mặn thân thuộc.

– Em làm gì thế? – Grigori ngạc nhiên hỏi.

– Nó có cái mùi của anh… – Natalia nói, hai con mắt long lanh rồi nàng cúi đầu để giấu cặp má bất thần đỏ ửng và bắt đầu khâu thoăn thoắt.

Grigori mặc chiếc áo quân phục rồi cau mày, ngọ nguậy hai vai.

– Anh đeo lon vào nom đẹp hơn! – Natalia vừa nói vừa ngắm chồng với một vẻ trầm trồ không giấu diếm.

Nhưng chàng liếc nhìn bên vai trái của mình rồi thở dài.

– Chỉ mong sao suốt đời đừng phải trông thấy nó. Em thật chẳng hiểu gì cả!

Hai người còn ngồi rất lâu trên chiếc rương ở nhà trong tay nắm lấy tay và đều nín thinh theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình.

Rồi đến khi trời hoàng hôn, khi những ngôi nhà đã trải dài những cái bóng tím sẫm xuống mảnh đất đang nguội dần, hai vợ chồng vào bếp ăn bữa tối.

Rồi một đêm đã qua. Những ánh chớp cứ lóe lên nhoáng nhoàng trên trời cho đến lúc bình minh. Tới khi trời sáng bạch những con hoạ mi vẫn còn hót râm ràn trong vườn anh đào. Grigori đã tỉnh dậy, song chàng vẫn nhắm mắt nằm lại rất lâu, lắng nghe những tiếng hót ngọt ngào của những con hoạ mi, rồi cố không làm Natalia thức giấc, chàng nhẹ nhàng đứng lên, mặc quần áo, ra sân gia súc.

Ông Panteley Prokofievich đang cho con ngựa chiến ăn thóc.

Ông săn đón bảo Grigori:

– Mầy hượm một chút, tao dắt nó đi tắm trước khi nó phải chạy chặng đường xa nhé!

– Chẳng cần tắm cũng được. – Grigori rùng mình vì hơi ẩm ban mai.

– Mày được ngủ ngon chứ? – Ông già hỏi.

– Con ngủ kỹ lắm! Nhưng lại bị những con hoạ mi đánh thức dậy. Thật là tai hại, chúng nó léo nhéo suốt đêm…

Ông Panteley Prokofievich tháo cái túi thóc trên đầu ngựa, mỉm cười – Chúng nó chỉ có cái việc ấy mà làm thôi con ạ. Có lúc mình cũng phát ghen với những con chim nhỏ ấy của Thượng đế… Chẳng phải chịu đựng chiến tranh mà cũng chẳng bị phá sản.

Prokho đã cưỡi ngựa đến trước cổng. Hôm nay hắn râu ria nhẵn nhụi, vẫn vui tính và hay chuyện như bao giờ cũng vậy. Hắn buộc dây cương vào một cái cọc rồi bước tới trước mặt Grigori. Chiếc áo bằng vải buồn của hắn được là phẳng phiu, hai cái lon còn mới đính trên vai.

– Cả anh cũng đeo lon rồi à, anh Grigori Panteleevich? – Hắn vừa bước tới vừa kêu lên. – Những cái của khốn khiếp nầy đã nằm đợi mãi rồi đây! Bây giờ thì chúng mình sẽ đeo nó đến trọn đời mãn kiếp! Cũng đủ để dùng đến chết đấy! Tôi đã bảo nhà tôi: “Ngốc vừa chứ, đừng có khâu chặt nó vào. Cứ đính qua loa một chút thôi, gió thổi khỏi bay là được? ” Không làm như thế thì số phận của chúng ta rồi sẽ ra sao? Nếu mình bị bắt làm tù binh, chúng nó nhìn vào cái lon là sẽ nhận ra ngay. Tuy tôi không có hàm sĩ quan nhưng dù sao cũng là một ông thượng sĩ. Rồi chúng nó lại bảo: “À, đồ khốn nạn, mầy đã biết đi lính lập công thì cũng phải biết giơ đầu ra chịu đựng chứ!” Anh thử nghĩ xem, hai cái lon của tôi chỉ lắt lẻo trên vai như thế nầy thôi nầy? Thật chết cười.

Quả thật hai cái lon của Prokho chỉ được đính qua quít vài mũi và chỉ hơi bám vào áo một chút.

Ông Panteley Prokofievich cười khà khà. Hai hàm răng rất trắng của ông chưa hề chịu ảnh hưởng của tuổi tác cứ nhấp nhoáng sau chòm râu hoa râm.

– Đây mới là một thầy quyền ra thầy quyền! Như thế tức là chỉ hơi có chuyện gì là đả đảo lon vai ngay có phải không?

– Thế ông nghĩ như thế nào hả? – Prokho nhếch mép cười.

Grigori mỉm cười nói với bố:

– Cha thấy chưa, con đã kiếm được một tay liên lạc như thế nầy đấy? Với một anh chàng như thế nầy mà gặp chuyện chẳng may thì sẽ chẳng bao giờ mất mạng đâu!

– Nhưng anh Grigori Panteleevich ạ, anh cũng biết rằng tục ngữ đã có câu: Anh hãy chết hôm nay đi, mai mới đến lượt tôi. – Prokho nói chữa lại rồi nhẹ nhàng rứt hai cái lon ra và nhét rất cẩn thận vào trong túi. – Chúng ta ra đến mặt trận rồi lại đính vào cũng được.

Grigori vội vã ăn bữa sáng rồi từ biệt gia đình.

– Cầu Nữ hoàng trên trời che chở cho con! – Bà Ilinhitna hôn con trai và lẩm bẩm với giọng cuồng nhiệt. – Cả nhà ta chỉ còn lại một mình con thôi đấy.

– Thôi, tiễn đưa đường dài, chỉ hoài nước mắt. Tạm biệt cả nhà! – Grigori nói giọng run run rồi bước tới bên con ngựa.

Natalia chít vội chiếc khăn đen hình tam giác của mẹ chồng lên đầu, chạy ra cổng. Hai đứa trẻ cứ bám lấy vạt váy mẹ. Con Poliuska khóc nức nở, không làm thế nào dỗ được. Nó van xin mẹ, giọng nghẹn ngào vì nước mắt.

– Đừng để cho cha đi! Mẹ yêu của con, mẹ đừng để cho cha đi! Ra trận chúng nó sẽ giết mất cha thôi? Cha ơi cha, cha đừng ra ngoài ấy làm gì!

Môi của thằng Misatka run run, nhưng nó không khóc. Nó can đảm cố trấn tĩnh rồi nói với em nó giọng giận dữ.

– Đừng có nói bậy, đồ ngốc! Ở ngoài ấy đâu phải mọi người đều bị giết?

Nó còn nhớ như in những lời ông nó nói; người Cô- dắc không bao giờ khóc, và đối với người Cô- dắc, khóc là một điều rất nhục nhã. Nhưng đến lúc cha nó ngồi trên mình ngựa bế nó lên cho nó ngồi trên yên và hôn nó thì nó hết sức ngạc nhiên thấy hai hàng lông mi của cha nó ướt đẫm. Đến lúc nầy thì thằng Misatka không chịu nổi sự thử thách nữa: nước mắt nó chảy xuống ròng ròng như những hạt mưa đá. Nó rúc mặt vào bộ ngực đeo lằng nhằng những đoạn dây da của cha nó và kêu lên:

– Tốt nhất cứ để cho ông đi mà đánh nhau? Không cần ông ở nhà làm gì cả! Con không muốn để cha đi đâu?

Grigori đặt cẩn thận thằng con trai nhỏ của chàng xuống đất, đưa mu bàn tay lên chùi nước mắt rồi lặng lẽ thúc con ngựa cất bước.

Đã bao lần con ngựa chiến đã quay quắt mình, đạp móng xuống đất xới tung đất bên cạnh cái thềm nhà thân yêu, đưa chàng trên những con đường cái và những vùng đồng cỏ không đường không lối tiến ra mặt trận, nơi cái chết đen tối luôn luôn chờ đón những anh chàng Cô- dắc, nơi “từng ngày từng giờ chỉ có “kinh hoàng và đau khổ” như lời của một bài dân ca Cô- dắc đã nói, nhưng chưa bao giờ Grigori rời khỏi thôn xóm với nỗi lòng nặng nề như trong buổi sáng êm dịu nầy.

Nhức nhối day dứt vì những dự ảm mơ hồ, vừa lo lắng vừa phiền muộn, chàng ném dây cương lên mũi yên, mặc cho con ngựa tự leo lên đỉnh gò, còn mình thì không ngoái đầu lại lần nào. Tới chỗ ngã tư nơi con đường lầm bụi rẽ về bên trái cái cối xay gió, chàng mới quay đầu nhìn lại. Bên cổng nhà chỉ còn một mình Natalia. Một ngọn gió mát rượi lúc trời sắp sáng giật chiếc khăn màu tang 1 khỏi tay nàng.

Vài đám mây bị gió thổi sủi ngầu chập chờn, chập chờn trôi trên cái đáy xanh ngắt sâu thẳm của bầu trời. Một làn sương mù trườn theo đường viên gợn sóng của chân trời. Hai con ngựa đi lững thững bước một. Prokho mơ màng, ngật ngưỡng trên yên. Grigori nghiến chặt hai hàm răng, chốc chốc lại quay nhìn phía sau. Đầu tiên chàng nhìn thấy những đám liễu xanh rờn, dòng sông Đông đỏng đảnh trườn ngoằn ngoèo như một dải bạc, cái cối xay gió từ từ quay những cái cánh dài rộng. Rồi con đường chạy về phía nam. Dòng sông Đông và cái cối xay gió khuất dần sau những đám lúa bị dẫm nát ven sông… Grigori huýt sáo một bài gì đó, mắt cứ nhìn vào cái cổ hồng hồng óng óng của con ngựa đầy những giọt mồ hôi nhỏ lóng lánh như hạt cườm, và không còn xoay người nhìn lại nữa… Thôi mặc mẹ nó, mặc mẹ cái cuộc chiến tranh nầy! Các trận chiến đấu đã nổ ra trên sông Tria, đã tràn sang sông Đông, rồi sau đó sẽ làm mưa làm gió trên sông Khop, sông Medvedicha, sông Buduluc. Mà suy đến cùng thì một viên đạn địch quật chàng xuống đất ở nơi nào mà chẳng thế? Chàng nghĩ thầm như vậy.

— —— —— —— ——-

1 Đối với người phương tây màu tang không phải là màu trắng mà là màu đen (ND).

Chọn tập
Bình luận