Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 107

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Sau khi Kaledin chết đi, trấn Novocherkask trao chính quyền cho viên tướng Nadarov, ataman viễn chinh của Quân khu sông Đông, ngày hai mươi chín tháng Giêng, bọn đại biểu Cơ- rúc họp và cử hắn làm ataman nhiệm mệnh của Quân khu. Đến họp Cơ- rúc chỉ có một phần nhỏ không đáng kể của số đại biểu, phần lớn đại diện cho các trấn hạ du thuộc các khu miền Nam. Cơ- rúc lần nầy lấy tên là “Cơ- rúc nhỏ”. Có được sự ủng hộ của Cơ- rúc, Nadarov tuyên bố động viên tất cả các tráng đinh từ mười tám đến năm mươi, nhưng người Cô- dắc cực chẳng đã mới cầm vũ khí dù có những lời hăm doạ và dù có những đội vũ trang được phái đến các trấn để lấy quân.

Hôm Cơ- rúc nhỏ ở Novocherkask bắt đầu làm việc, trung đoàn Cô- dắc sông Đông số 6 của tên tướng Krasnosekov ở mặt trận Rumani kéo về theo đội hình hành quân, dưới quyền chỉ huy của tên trung tá Tachin. Ngay từ Ekaterinoslav, trung đoàn nầy đã phải vừa chiến đấu vừa hành quân để chọc thủng vòng vây Bolsevich.

Nó đang bị đánh mạnh ở Piachikhatca, Mezevaia, Medvedvyi Kurgan và nhiều nơi khác, nhưng vẫn về được tới nơi, quân số gần trọn vẹn, với toàn bộ sĩ quan.

Trung đoàn nầy đã được đón tiếp rất long trọng. Sau lễ cầu kinh ở quảng trường Nhà thờ lớn, Nadarov khen ngợi các binh sĩ Cô- dắc đã giữ kỷ luật, đảm bảo trật tự rất tốt và đã mang vũ khí về bảo vệ sông Đông.

Chẳng bao lâu trung đoàn được điều ra mặt trận, đóng ở gần trấn Xulin, nhưng hai ngày sau Novocherkask đã nhận được những tin chẳng lành: do ảnh hưởng của tuyên truyền cổ động Bolsevich, trung đoàn đã tự động rời bỏ mặt trận, từ chối không chịu bảo vệ chính quyền Quân khu.

Cơ- rúc hoạt động một cách uể oải. Mọi người đều đã cảm thấy trước kết cục của cuộc đấu tranh chống lại quân Bolsevich.

Nadarov vốn là một viên tướng cương nghị và sôi nổi, nhưng suốt thời gian cuộc họp, hắn cứ chống tay ngồi yên, một bàn tay đặt lên trán, như đang đau khổ suy nghĩ về một vấn đề gì.

Thế là mấy tia hi vọng cuối cùng cũng tan nốt thành mây khói.

Những trận chiến đấu đã diễn ra ầm ầm gần Chikhoreskaia. Đã có phong thanh là thiếu uý Cô- dắc Artomonov chỉ huy Hồng quân đang từ Sarysin tiến về phía Rostov.

Lenin ra lệnh cho mặt trận miền Nam chiếm Rostov ngày, hai mươi ba tháng Hai.

Sáng ngày hai mươi hai chi đội của tên đại uý Chernov tiến vào Rostov. Hắn đã vừa bị Xivéc đánh lui vừa bị những người dân Cô- dắc trấn Glunovskaia bắn từ hậu phương.

Chỉ còn lại một đường hành lang mỏng manh, vì thế Kornilov hiểu rằng nếu ở lại Rostov thì không phải không nguy hiểm, nên hắn đã ra lệnh rút lui về trấn Olginskaia. Suốt ngày hôm ấy, anh em công nhân ở Temerich nã súng vào nhà ga và vào các đội tuần tiễu của bọn sĩ quan. Trước khi trời hoàng hôn, từ trong thành phố Rostov quân của Kornilov tiến ra với dội hình hành quân dày đặc.

Nó vươn dài qua sông Đông như một con trăn đeo béo núc rồi ngoằn ngoèo trườn về phía Arxai. Những đại đội chỉ còn lại rất ít quân tiến rất vất vả trên lớp tuyết vừa ẩm vừa xốp. Loáng thoáng những chiếc áo ca- pôt đính khuy bóng nhoáng của bọn học sinh trung học và những chiếc áo ca- pôt của bọn học sinh trường thực nghiệm, nhưng bọn sĩ quan bộ binh vẫn chiếm đa số. Các trung đội do những tên đại tá và đại uý chỉ huy. Đi trong hàng là bọn Yunke và sĩ quan, cấp bậc từ chuẩn uý tới đại tá. Dân chạy nạn lốc nhốc đi sau cơ man nào xe vận tải. Họ là những nhân vật danh tiếng, đã có tuổi, mặc những chiếc áo bành tô kiểu thành thị, đi giày cao su. Bọn phụ nữ oặn oẹo trên những đôi giầy cao gót, chạy lon ton bên những chiếc xe, chốc chốc lại sút chân xuống lớp tuyết sâu.

Tên đại uý Evgeni Litnhitki đi trong một đại đội của trung đoàn Kornilov. Cùng hàng với hắn có gã thượng uý Starobensky, một tên sĩ quan tại ngũ rất chững chạc, trung uý Bogachev của trung đoàn “grenada” 1 Panagorisky mang tên Suvorov và tên đại tá Lovichev một viên sĩ quan đơn vị chiến đấu già sóc, miệng móm sạch không còn chiếc răng nào, người đầy lông đỏ như một con cáo già.

Bóng tối sau lúc hoàng hôn mỗi lúc một dầy. Trời rét ngọt. Một ngọn gió ẩm ẩm mằn mặn thổi dai dẳng từ cửa sông Đông tới.

Evgeni nhìn vào mặt những tên đang vượt đại đội của hắn, nhưng hai chân vẫn dẫm không sai bước, rất quen thuộc trên lớp tuyết đã bị nghiền vụn. Đi bên lề đường có đại uý Nezenchev chỉ huy trung đoàn Kornilov và đại tá Kutepov trước kia là trung đoàn trưởng trung đoàn ngự lâm Preobrazensky. Thằng cha nầy mở phanh áo ca- pôt mũ cát- két hất ngược ra sau gáy.

– Ngài trung đoàn trưởng! – Lão trung tá Lovichev hất rất lẹ khẩu súng trường lên vai, gọi tên Nezenchev.

Kutepov quay mặt lại, một khuôn mặt dài như mặt bò với vầng trán rộng, hai con mắt đen rất xa tinh mũi và bộ râu xén vòng như hình cái xẻng. Nghe tiếng gọi, Nezenchev đưa mắt nhìn qua vai Kutepov.

– Ngài bảo đại đội một tăng thêm lốc độ hành tiến cho! Vì đi như thế nầy mà chết cóng thì cũng chẳng có gì lạ. Hai chân chúng tôi sũng nước cả mà lại hành quân với tốc độ như thế nầy…

– Chẳng còn ra thể thống gì nữa! – Starobensky cất cái giọng oang oang như tiếng kẻng, hắn vốn hay to tiếng.

Nezenchev cứ đi qua, không trả lời. Hắn đang tranh cãi không biết vấn đề gì với tên Kutepov. Một lát sau tướng Alekseev vượt đại đội của Evgeni. Gã xà ích đánh một cặp ngựa huyền béo núc, đuôi tết. Dưới vó ngựa, tuyết bắn tung từng đám ra chung quanh.

Gió làm cho mặt Alekseev đỏ rực lên với hai hàng ria và cặp lông mày đựng đứng trắng loá. Lão kéo chiếc mũ cát- két xuống tận tai, tay trái đưa lên túm lấy cổ áo vì lạnh. Bọn sĩ quan mỉm cười đưa mắt nhìn theo khuôn mặt mà tất cả mọi người đều quen.

Con đường bị dẫm nát dưới hàng ngàn bước chân. Thỉnh thoảng lại có những váng nước vàng vàng loang ra. Hành quân đến là cực, chân bước trơn như mỡ, nước thấm qua cả ủng. Evgeni vừa đi vừa lắng nghe những mẩu chuyện nói lao xao phía trước. Một tên sĩ quan mặc áo da trắng, đội chiếc mũ lông Cô- dắc của lính, nói giọng nam trung.

– Ngài thấy không, trung uý? Rodianko, chủ tịch Duma Quốc gia, già như thế mà cũng phải đi bộ.

– Nước Nga đang đi con đường Gôngôta 2 – Một gã cố nói đùa, vừa nói vừa ho sặc sụa và nhổ ra một bãi đờm.

– Gôngôta… con đường nầy chỉ khác một điều không có đá giăm mà có tuyết, hơn nữa tuyết ẩm cộng với cái lạnh quỷ quái nầy.

– Các ngài có biết bọn mình sẽ nghỉ đêm ở đâu không?

– Ở Ekaterinoda.

– Bên Phổ chúng tôi cũng đã có lần hành quân thế nầy.

– Không biết vùng Kuban sẽ đón tiếp chúng ta như thế nào đây? Thế nào nhỉ? Tất nhiên tình hình ở đấy cũng có khác.

– Ngài có thuốc lá hút không nhỉ? – Tên trung uý Golovachev hỏi Evgeni.

Hắn tháo găng tay vải thô không có ngón, tiếp lấy điếu thuốc, cảm ơn rồi hỉ mũi và chùi ngón tay vào tà áo ca- pôt như một tên lính:

– Ngài trung uý, ngài đã tập quen được những thói bình dân ấy rồi à? – Lão đại tá Lovichrep mỉm cười hóm hỉnh.

– Không muốn tập quen cũng không được. Còn ngài… hay là ngài còn tích trữ được một tá khăn tay?

Lovichev không trả lời. Những que băng nhỏ xanh xanh rủ xuống trên hàng ria hoa râm, đỏ như râu ngô. Thỉnh thoảng lão lại sịt mũi, nhăn mặt vì cái lạnh lọt vào trong tà áo ca- pôt bị gió thốc lên.

“Thành phần tinh hoa của nước Nga”. – Evgeni nghĩ thầm, trong lòng hắn đau nhói khi hắn nhìn những hàng quân và phần đầu của đội hình hành quân bị cắt ra từng đoạn đang tiến ngoằn ngoèo trên đường.

Vài tên phi ngựa qua, trong số đó có cả Kornilov. Hắn cưỡi một con ngựa cao giống Donesk, cái áo lót lông ngắn xanh lá cây nhạt có hai cái túi chéo hai bên cùng với chiếc mũ lông trắng nhấp nhô rất lâu trên đầu các hàng quân. Các tiểu đoàn sĩ quan tiễn đưa hắn bằng những tiếng “hu- ra” gầm lên dồn dập.

– Tất cả những chuyện nầy kể ra cũng chẳng sao, nhưng lại còn gia đình… – Lovichev húng hắng ho theo kiểu người già rồi liếc nhìn Evgeni như tìm kiếm sự đồng tình – Gia đình tôi còn ở lại Smolensk… – Lão nhắc lại. – Còn có vợ tôi và một đứa con gái, chưa đến tuổi lấy chồng. Nó vừa tròn mười bảy hôm Nô- en… Ngài thấy thế nào, đại uý?

– Vâ- â- âng…

– Ngài cũng có gia đình chứ? Ở Novocherkask à?

– Không, tôi là dân Quân khu sông Đông. Tôi còn có ông cụ thân sinh.

– Tôi không được biết hai mẹ con nó hiện nay thế nào… ở đấy không có tôi thì sẽ ra sao đây. – Lovichev nói tiếp.

Starobensky ngắt lời lão, giọng bực bội:

– Ai mà chẳng có gia đình để lại? Thưa ngài trung tá, tôi không hiểu ngài sụt sịt như thế để làm gì? Người đâu mà kỳ quặc! Còn chưa kịp rời khỏi Rostov…

– Starobensky! Ngài Piot Petrovich! Ngài đã dự trận chiến đấu ở gần Taranroc có phải không? – Cách mấy hàng phía sau có người hỏi với lên.

Starobensky quay lại, mặt đầy vẻ bực bội, một nụ cười rầu rĩ trên môi.

– À Ngài Vladimir Georgievich, may mắn sao ngài lại ở cùng trung đội với chúng tôi? Mới điều động à? Ngài ở đấy có chuyện không vừa ý với ai thế? Ái chà… phải, chuyện ấy cũng dễ hiểu thôi… Ngài hỏi về chuyện Taranroc à? Vâng, tôi có tham gia… nhưng có chuyện gì thế? Hoàn toàn đúng là như thế… cậu ấy bị giết rồi.

Evgeni thẫn thờ mặc cho những lời trao đổi vẳng đến tai mình. Hắn còn đang hồi tưởng lần hắn ở Yagonoie ra đi, về bố, về Acxinhia. Nỗi buồn nhớ bất thần ập tới tim hắn làm hắn cảm thấy như tắt thở. Hắn vừa uể oải cất bước vừa nhìn những cây súng trường lắp lưỡi lê ngả nghiêng phía trước, nhìn những cái đầu đội mũ lông, mũ cát- két hay mũ ba tai ngật ngưỡng theo nhịp chân, bụng bảo dạ: “Trong lúc nầy, mỗi người trong năm nghìn tay súng nầy, năm nghìn kẻ bị xua đuổi nầy đều đang sôi sục căm thù, đang phẫn nộ đến cùng cực như mình. Bọn khốn kiếp, chúng nó dồn mình ra khỏi nước Nga và còn đang muốn dẫm chết mình ở đây. Nhưng cứ chờ xem! Rồi Kornilov sẽ lại đưa chúng ta tiến vào Moskva!”. Trong giờ phút nầy hắn hồi tưởng lại chuyện Kornilov đến Moskva và hân hoan sống lại ngày hôm ấy trong ký ức.

Ở một chỗ nào đó gần đấy, phía sau, có lẽ ở cuối đại đội, có một đại đội pháo đang tiến. Tiếng ngựa hí, tiếng những cỗ xe pháo chạy long sòng sọc, và cả mùi mồ hôi ngựa đưa từ phía đó lên. Ngửi thấy cái mùi thân thuộc và ngây ngất đó, Evgeni vội quay đầu lại. Một tên chuẩn uý còn trẻ cưỡi ngựa đi đầu nhìn hắn mỉm cười như với một người quen.

° ° °

Tập đoàn quân tình nguyện đã tập trung ở khu vực trấn Olginskaia trước ngày mười một tháng Ba. Kornilov chần chừ chưa tiến quân vì hắn còn chờ tên ataman viễn chinh của Quân khu sông Đông là tướng Popop tới Olginskaia. Popop vốn đã rút lui khỏi Novocherkask về những cánh đồng cỏ ở bên kia sông Đông với chi đội của hắn gồm 1600 tay gươm, 5 khẩu pháo và 40 khẩu súng máy nặng.

Sáng ngày mười ba, Popop đi ngựa đến Olginskaia, cùng đi có viên trưởng ban tham mưu của hắn là tên đại tá Sidorin và vài viên sĩ quan Cô- dắc hộ vệ.

Đến cái bãi cạnh ngôi nhà Kornilov ở, hắn cho ngựa đứng lại rồi bám chặt lấy mũi yên và nặng nề đưa một chân qua yên ngựa.

Gã liên lạc vội chạy tới đỡ hắn xuống. Tên Cô- dắc nầy còn trẻ, có bộ mặt ngăm ngăm, món tóc đen xoã trước trán và hai con mắt sắc như mắt con te te. Popop quẳng dây cương cho hắn rồi từ tốn bước lên thềm. Sidorin và mấy tên sĩ quan kia xuống ngựa, đi theo vào.

Bọn lính hầu dắt những con ngựa qua cửa hàng rào vào trong sân.

Trong khi tên lính hầu có tuổi, khoèo chân, đeo những túi thóc lên cổ ngựa, thì tên tóc đen, mắt như con te te kia, đã kịp lân la làm quen với người đầy tớ gái của chủ nhà, một cô gái má đỏ hây hây, đầu chít một chiếc khăn đan đỏm dáng, cặp chân không bít tất thọc trong đôi ủng cao su cao ống. Hắn rỉ tai cô ả không biết câu gì làm cô ả phá lên cười rồi lạch bạch chạy qua mặt hắn về phía nhà kho, hai chân vừa đi vừa trượt trên những vũng nước.

Popop bước vào trong nhà. Hắn đã có tuổi, coi vẻ oai phong lẫm lẫm. Vào đến phòng ngoài, hắn cởi áo ca- pôt trao cho một tên lính hầu rất nhanh nhẹn, treo cái roi ngựa lên mắc áo rồi sỉ mũi ầm ầm.

Tên lính hầu đưa hắn và Sidorin vào trong phòng họp. Sidorin vừa đi vừa vuốt tóc.

Các viên tướng được mời tới họp hội nghị đều đã tụ tập đầy đủ.

Kornilov đã ngồi vào bàn, hai khuỷu tay tì lên tấm bản đồ mở rộng. Alekseev ngồi ngay ngắn bên phải hắn, mặt mới cạo, tóc bạc phơ, người những xương cùng xẩu. Denikin long lanh cặp mắt thông minh nhìn cứ như chọc vào người ta, đang nói không biết những gì với Romanovsky. Lucomsky vuốt râu thủng thẳng đi đi lại lại trong phòng, nom mặt hắn hơi có chút giống Denikin, Markov đứng bên khung cửa sổ trông ra sân, nhìn những tên lính hầu Cô- dắc đi đi lại lại bên mấy con ngựa và cười đùa với cô người làm.

Sau khi chào hỏi xong, hai nhân vật mới đến ngồi vào bàn.

Alekseev hỏi vài câu không có ý nghĩa gì lắm về đường đi và cuộc rút lui khỏi Novocherkask. Kutebov bước vào, cùng đi với hắn có vài viên sĩ quan tại ngũ được Kornilov mời đến họp.

Popop ngồi xuống, vẻ mặt bình thản đầy tự tin. Kornilov nhìn thẳng vào mặt hắn hỏi:

– Tướng quân làm ơn cho biết quân số chi đội ngài có bao nhiêu?

– Một ngàn rưởi tay gươm, một đại đội pháo, bốn mươi khẩu súng máy nặng có đủ xạ thủ.

– Tất nhiên ngài đã được biết các hoàn cảnh bắt buộc Tập đoàn quân tình nguyện rút khỏi Rostov. Hôm qua chúng tôi có họp một cuộc hội nghị. Đã thông qua quyết định đi Kuban, hướng tiến quân là Ekaterinoda. Hiện đang có những chi đội tình nguyện hoạt động chung quanh thành phố đó. Chúng ta sẽ tiến quân theo đường nầy… – Kornilov di chiếc bút chì chưa gọt nhọn trên bản đồ, nói giọng hấp tấp hơn – Vừa đi vừa thu hút dân Cô- dắc Kuban và đánh tan các đại đội Xích vệ tìm cách gây trở ngại cho cuộc tiến quân của chúng tôi các chi đội nầy đều nhỏ bé, thiếu tổ chức và không có sức chiến đấu hắn nhìn vào hai con mắt của Popop lúc nầy đang đem chi đội của ngài liên hợp với Tập đoàn quân tình nguyện và cùng với chúng tôi tiến tới Krasnodar. Phân tán lực lượng là điều không có lợi cho chúng ta.

– Tôi không thể làm như thế được! – Popop tuyên bố đốp luôn, như đinh đóng cột.

Alekseev hơi ngả người sang phía hắn.

– Xin ngài cho phép hỏi vì sao thế?

– Vì tôi không thể nào bỏ lãnh thổ Quân khu sông Đông để đi tới một vùng nào đó ở Kuban. Chúng tôi sẽ chặn địch ở vùng phía bắc sông Đông, chúng tôi sẽ ở lại trong khu qua mùa đông 3 để chờ các sự kiện xảy ra. Chúng ta chưa phải lo đến những hành động tích cực của quân địch vì không phải ngày một ngày hai mà băng tan ra. Không riêng pháo binh mà cả kỵ binh cũng không thể nào vượt qua sông Đông. Mà trong khu vực qua mùa đông, rơm rạ và lúa mì đã được chuẩn bị hoàn toàn đầy đủ. Chúng tôi có thể phát triển hoạt động du kích bất cứ lúc nào và về bất cứ hướng nào.

Với vẻ tự tin rất nặng đồng cân, Popop kể những lý lẽ cự tuyệt lời đề nghị của Kornilov. Hắn lấy lại hơi xong, thấy Kornilov có vẻ muốn nói gì thêm, bèn lắc đầu một cách gàn bướng:

– Tôi xin phép nói nốt… Ngoài các điều đó ra còn có một yếu tố khác đặc biệt quan trọng mà ban chỉ huy chúng tôi phải lính tới là tinh thần binh sĩ Cô- dắc của chúng tôi – Hắn giơ một bàn tay trắng hếu, béo múp, ngón tay trỏ đeo một chiếc nhẫn vàng ăn lẳn vào trong thịt, đưa mắt nhìn tất cả mọi người một lượt rồi hơi cất cao giọng nói tiếp – Nếu chúng tôi chuyển hướng tiến quân sang Kuban, chi đội sẽ có thể đứng trước nguy cơ tan rã. Có thể là binh sĩ Cô- dắc sẽ không chịu đi. Không thể quên một hoàn cảnh là thành phần thường bị và kiên định nhất của tôi là binh sĩ Cô- dắc, mà tinh thần chúng nó thì hoàn toàn không được vững vàng như các đơn vị của các ngài đâu. Chúng nó chỉ là những con người không có ý thức. Chúng nó sẽ không đi, có thế thôi. Còn như mạo hiểm để có thể mất toàn bộ chi đội thì đó là việc tôi không thể nào làm được, – Popop nói rành rọt từng tiếng rồi lại ngắt lời Kornilov – Xin ngài thứ lỗi cho, tôi đã trình bày để ngài rõ quyết định ấy. Tấl nhiên phân tán lực lượng là điều không có lợi cho chúng ta, nhưng tình hình đã phát triển đến nước nầy thì chỉ còn có thể có một lối thoát mà thôi. Xuất phát từ những sự cân nhắc mà tôi vừa nói lên, tôi cho rằng Tập đoàn quân tình nguyện đừng đi Kuban nữa thì hợp lý hơn. Tinh thần dân Cô- dắc Kuban đã gây cho tôi một mối lo ngại không phải là nhỏ. Các ngài hãy cùng với chi đội sông Đông tiến về các đồng cỏ bên kia sông Đông, ở đấy Tập đoàn quân có thể lợi dụng thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức, bổ sung quân số cho tới mùa xuân bằng những cán bộ tình nguyện mới ở nước Nga tới…

– Không! – Kornilov kêu lên. Mới hôm qua hắn còn ngả theo ý kiến tiến quân tới các đồng cỏ bên kia sông Đông và khăng khăng bác bỏ ý kiến ngược lại của Alekseev. – Tiến quân tới khu vực qua mùa đông thì chẳng có nghĩa gì cả. Chúng tôi có khoảng sáu ngàn quân…

– Nếu nói đến vấn đề cung cấp lương thực thì thưa quan lớn, tôi dám đảm bảo với ngài rằng khu vực qua mùa đông sẽ không để chúng ta phải mong mỏi một điều gì hơn nữa. Ngoài ra ở đấy ngài sẽ còn có thể lấy một số ngựa của các trại chủ chăn nuôi tư để biến một phần Tập đoàn quân của ngài thành kỵ binh. Ngài sẽ có những cơ may mới để tiến hành vận động chiến ở vùng đồng nội. Các ngài đang cần phải có kỵ binh, mà binh chủng nầy Tập đoàn quân tình nguyện lại chẳng có nhiều gì cho lắm.

Kornilov đưa mắt nhìn Alekseev. Hôm nay hắn có thái độ đặc biệt săn đón ân cần đối với Alekseev. Rất có thể là hắn đang hoang mang về vấn đề chọn hướng tiến quân và đang tìm kiếm sự ủng hộ của một kẻ có uy tín. Alekseev rất chăm chú lắng nghe.

Viên tướng già nầy vốn quen giải quyết mọi vấn đề một cách ngắn gọn, đến nơi đến chốn và rành rọt. Hắn trình bày các ưu điểm của hướng tiến quân về Ekaterinoda bằng vài câu cô đọng rồi kết luận:

– Tiến quân theo hướng nầy chúng ta sẽ có thể phá vòng vây Bolsevich một cách dễ dàng nhất và có thể tập họp các chi đội hiện đang hoạt động ở gần Ekaterinoda.

– Nhưng nếu không thành công thì sao, thưa ngài Mikhail Vasilievich? – Lucomsky hỏi thêm một cách dè dặt.

Alekseev nhai nhai cặp môi, đưa bàn tay lên bản đồ.

– Ngay trong trường hợp giả thiết là không thành công, chúng ta vẫn còn có khả năng tiến thẳng tới Kavkaz và cho Tập đoàn quân phân tán chiến đấu.

Romanovsky ủng hộ ý kiến của Alekseev. Markov nói chen vào vài câu có phần nóng nảy. Đã gần như không còn có gì cãi lại được các lý lẽ chắc nịch của Alekseev, song những lời phát biểu của Lucomsky đã làm cho cán cân trở lại thăng bằng.

– Tôi ủng hộ kiến nghị của tướng quân Popop. – Hắn tuyên bố rồi thủng thẳng lựa lời. – Việc hành quân về Kuban sẽ kèm theo với những khó khăn rất lớn, các khó khăn ấy chúng ta không thể ngồi đây mà tính trước được đâu. Trước hết chúng ta sẽ phải vượt qua đường sắt hai lần…

Tất cả những kẻ có mặt trong hội nghị đều trố mắt nhìn theo hướng ngón tay Lucomsky, Lucomsky kiên quyết nói tiếp:

– Bọn Bolsevich sẽ không bỏ lỡ cơ hội đón tiếp chúng ta một cách xứng đáng, chúng nó sẽ điều những đoàn xe lửa thiết giáp tới. Chúng ta lại có một đoàn xe tải nặng nề và hàng lô thương binh. Tất cả những thứ đó chúng ta sẽ không thể bỏ lại được và sẽ là một gánh nặng hết sức lớn lao đối với Tập đoàn quân, trở ngại không cho chúng ta đẩy nhanh tốc độ hành tiến. Ngoài ra tôi không hiểu vì sao lại có ý tin tưởng rằng dân Cô- dắc Kuban sẽ có thái độ hữu nghị đối với chúng ta? Theo gương dân Cô- dắc sông Đông hình như họ cũng đang ngả theo chính quyền Bolsevich rồi thì phải. Trước những tin đồn như thế, chúng ta phải cực kỳ thận trọng, và phải có một mức độ hoài nghi rất lớn, một sự hoài nghi lành mạnh. Dân Kuban cũng đang mắc cái chứng đau mắt hột Bolsevich và quân đội Nga trước kia đã truyền lại… Họ có thể có thái độ thù nghịch đối với chúng ta. Để kết luận, cần phải nói dứt khoát rằng ý kiến của tôi là tiến về phía đông, về vùng đồng cỏ, và từ đó uy hiếp bọn Bolsevich sau khi tích luỹ được lực lượng.

Được đa số các tướng lĩnh dưới quyền ủng hộ, Kornilov quyết định tiến về phía tây Velikoniazirskaia, vừa hành quân vừa bổ sung ngựa cho thành phần không chiến đấu của Tập đoàn quân rồi từ đấy quay sang Kuban. Hắn tuyên bố kết thúc hội nghị, trao đổi vài câu với Popop rồi chia tay với viên tướng nầy một cách lạnh nhạt và trở về phòng riêng. Alekseev bước ra theo hắn.

Đại tá Sidorin trưởng ban tham mưu chi đội sông Đông bước ra thềm, đinh thúc ngựa lách cách. Hắn cất cái giọng oang oang, gọi bọn lính hầu một cách thích thú:

– Ngựa đâu?

Một gã trung uý Cô- dắc còn trẻ, có bộ râu màu nhạt, xốc gươm bước qua những vùng nước, đi tới bên thềm. Hắn đừng lại trước bậc cuối cùng khẽ hỏi:

– Tình hình thế nào, thưa ngài đại tá?

– Khá lắm? – Sidorin khẽ trả lời, coi bộ hết sức cao hứng. – Ông lão nhà chúng ta đã từ chối không đi Kuban. Chúng ta sẽ ra đi ngay.

– Ngài đã sẵn sàng chưa, Itvarin?

– Bẩm xong rồi, chúng nó đang dắt ngựa tới!

Mấy tên lính hầu lên ngựa rồi dắt ngựa tới. Gã có cái bờm tóc đen và hai con mắt đen như mắt te te liếc nhìn thằng bạn của nó.

– Con bé có hay không hử? – Nó vừa hỏi vừa phì cười.

Tên có tuổi trả lời với một nụ cười dè dặt:

– Cũng như cái vảy hắc lào trên con ngựa thôi.

– Song nhỡ nó gọi cậu thì sao?

– Thôi đi, đồ ngu xuẩn. Hôm nay là ngày ăn chay cơ mà!

Itvarin, gã sĩ quan trước kia cùng đơn vị với Grigori Melekhov nhảy lên con ngựa mông xuôi, trán hói, mũi trắng của hắn, rồi ra lệnh cho bọn lính hầu:

– Ra phố.

Popop và Sidorin chào từ biệt một viên tướng nào đó rồi bước xuống thềm. Một tên lính hầu giữ ngựa, giúp cái chân của ông tướng tìm thấy bàn đạp. Popop vung cái roi ngựa xấu xí kiểu Cô- dắc, cho con ngựa chạy nước kiệu nhỏ. Mấy gã lính hầu, Sidorin và bọn sĩ quan rướn người trên bàn đạp, hơi ngả về phía trước, cho ngựa chạy theo.

Tập đoàn quân tình nguyện hành quân hai chặng thì tới trấn Metrechinskaia. Đến đấy Kornilov nhận được những tin tình báo bổ sung vì khu vực qua mùa đông. Thấy các tin đó không có lợi, hắn bèn triệu tập bọn chỉ huy các đơn vị chiến đấu tuyên bố quyết định đã được thông qua về việc tiến quân đi Kuban.

Một tên sĩ quan liên lạc được phái đến chỗ Popop mang theo bản kiến nghị thứ hai về việc liên hợp. Tên sĩ quan liên lạc nầy về đến khu vực Staro- Ivanovsky thì đuổi kịp tập đoàn quân. Câu trả lời của Popop mà hắn mang về vẫn như cũ: Popop cự tuyệt kiến nghị đó một cách lễ phép nhưng lạnh nhạt. Hắn viết rằng hắn không thể thay đổi quyết định và tạm thời hắn cứ ở lại khu Xansky.

— —— —— —— ——-

1 Dịch nghĩa là trung đoàn ném lựu đạn thường dùng để chỉ những đơn vị ưu tú (ND).

2 Một ngọn núi nhỏ ở Jeruzalem, nơi Giêsu bị đóng đinh câu rút (ND).

3 Mùa hè những người Cô- dắc chăn nuôi đuổi bò ngựa đi ăn rong đến mùa đông lại dồn về một nơi nhất định để qua vụ rét (ND).

Chọn tập
Bình luận
× sticky