Đến cuối tháng mười một, ở Novocherkask bắt đầu biết tin có một phái đoàn quân sự của các nước Đồng minh sắp được cử đến nơi. Trong thành phố truyền đi rất dai dẳng những lời đồn rằng một hạm đội lớn của Anh đã thả neo ngoài khơi hải cảng Novorossisk, rằng những đơn vị lính thuỷ đánh bộ rất lớn của quân đội Đồng minh điều từ Salonik về đây đang đổ bộ lên, rằng một quân đoàn khinh binh da vàng và da đen của Pháp đã đổ bộ, và chỉ trong một thời gian rất ngắn sẽ mở màn một trận tấn công hiệp đồng với Tập đoàn quân tình nguyện. Các tin đồn ấy truyền lan trong thành phố như những đám tuyết lăn theo mặt dốc…
Krasnov ra lệnh tổ chức một đội danh dự gồm toàn những gã Cô- dắc thuộc trung đoàn ngự lâm Atamansky. Người ta cấp tốc phát những đôi ủng cao, những dây đeo đạn trắng cho hai đại đội lính trẻ của trung đoàn nầy và cũng cấp tốc điều chúng đi Taranroc cùng với một đại đội kèn đồng.
Với mục đích thăm dò tình hình chính trị bằng phương pháp đặc biệt, bọn đại biểu trong pháo đoàn quân sự Anh và Pháp ở miền Nam nước Nga đã quyết định cử vài tên sĩ quan đến Novocherkask.
Nhiệm vụ của chúng là tìm hiểu tình hình sông Đông cùng các triển vọng của cuộc đấu tranh chống người Bolsevich sau nầy. Đại diện cho nước Anh có viên đại uý Baul và hai viên trung uý Blumphen và Monro. Đại diện cho Pháp có viên đại uý Osanh và hai viên trung uý Dupre và Pho. Thời vận chớ trêu đã làm cho mấy tên vô danh tiểu tốt trong phái đoàn quân sự Đồng mình rơi vào cái cương vị là những “sứ thần”. Việc đón tiếp chúng đã làm cho tướng phủ của tên ataman bấn cả lên.
Các ngài “sứ thán” ấy đã được đưa tới Novocherkask một cách hết sức long trọng. Trước những thái độ quá ư bợ đỡ, mấy tên sĩ quan tép riu đã mê mẩn cả đầu óc và sau khi cảm thấy tính chất vĩ đại “thật sự” của mình, chúng bắt đầu lên mặt kẻ cả và nhìn những viên tướng uy danh lừng lẫy cùng những tên đại thần của cái nước cộng hoà ma trơi nầy bằng nửa con mắt.
Trong khi nói chuyện với bọn tướng lĩnh Cô- dắc, hai gã trung uý miệng còn hơi sữa của Pháp đã bắt đầu có những giọng trịch thượng và kiêu ngạo qua cái bề ngoài lễ phép và lịch sự đường mật truyền thống của người Pháp.
Tối hôm ấy trong lâu đài có dọn một bữa tiệc mời một trăm người ăn. Dàn hợp xướng của Quân khu đã trải ra trong căn phòng khách lớn những dải lụa mịn màng của những bài dân ca Cô- dắc, được điểm thêm phong phú bằng những giọng nam cao lôi cuốn. Đội kèn đồng uy nghiêm cử vang những bài quốc ca của các nước Đồng minh. Giữ đúng cương vị của mình trong các trường hợp như thế nầy, các ngài “sứ thần” ăn uống rất từ tốn, rất đàng hoàng. Các vị khách của ngài ataman cảm thấy ý nghĩa lịch sử của giờ phút nầy nên cứ lấm lét nhìn họ.
Krasnov bắt đầu phát biểu:
– Thưa các ngài, các ngài đang ngồi lúc nầy đây trong một toà đại sảnh lịch sử. Trên những bức tường của đại sảnh nầy, những vị anh hùng của cuộc chiến tranh nhân dân lần trước, cuộc chiến tranh nhân dân năm Một nghìn tám trăm mười hai, đang lặng lẽ nhìn các ngài. Platov 1, Ilôvaisky, Denisov nhắc nhở chúng ta những ngày thiêng liêng, hồi nhân dân Paris đón mừng những người đến giải phóng mình, những chiến sĩ Cô- dắc sông Đông, hồi hoàng đế Alexandr đệ nhất 2 khôi phục lại nước Pháp tươi đẹp từ những mảnh vỡ nát, từ những đống hoang tàn…
Các vị đại diện của “nước Pháp tươi đẹp” đã uống khá nhiều rượu Chimlianskoie nên đã bắt đầu vui vui, mắt nhìn đã ươn ướt, nhưng các vị vẫn chăm chú nghe Krasnov nói hết lời. Sau khi miêu tả tràng giang đại hải các thảm hoạ mà “nhân dân Nga đang phải chịu đựng dưới ách áp bức của những tên Bolsevich man rợ”, Krasnov kết luận bằng một giọng lâm ly thống thiết:
– Những người đại biểu ưu tú nhất của nhân dân Nga đang chết trong những phòng tra tấn của bọn Bolsevich. Họ đang đăm đăm nhìn vào các ngài, họ đang mong đợi sự giúp đỡ của các ngài, và các ngài cần phải giúp đỡ họ, và chỉ giúp đỡ họ thôi, chứ không cần giúp đỡ sông Đông. Chúng tôi có thể kiêu hãnh nói rằng chúng tôi đã được tự do! Nhưng tất cả tâm tư của chúng tôi đều hướng về nước Nga vĩ đại, mục đích cuộc đấu tranh của chúng tôi là nước Nga vĩ đại nước Nga trung thành với các đồng minh của mình, nước Nga đã bảo vệ các quyền lợi của họ, đã vì họ mà tự hy sinh thân mình, nhưng hiện nay lại đang khao khát mong ngóng sự giúp đỡ của họ. Một trăm linh bốn năm trước đây, vào một ngày tháng Ba, nhân dân Pháp đã đón mừng hoàng đế Alexandr đệ nhất cùng đội ngự lâm Nga. Và từ ngày ấy, cuộc sống của nước Pháp đã bước sang một thời đại mới và thời đại nầy đã đưa nước Pháp lên hàng đầu. Một trăm linh bốn năm trước đây, bá tước Platov, vị ataman của chúng tôi, đã là một vị khách của London. Chúng tôi sẽ chờ đón các ngài ở Moskva! Chúng tôi chờ đón các ngài, để trong giai điệu của những bản hành khúc khải hoàn và của bài quốc ca của chúng tôi, chúng ta cùng tiến vào điện Kremli, để cùng chung hưởng những ngọt bùi của hoà bình và tự do! Nước Nga vĩ đại! Bốn tiếng đó bao hàm tất cả các ước mơ và kỳ vọng của chúng tôi!
Sau những lời kết luận của Krasnov, tên đại uý Baul đứng dậy. Tất cả những tên có mặt trong bữa tiệc đều chết lặng trong những âm thanh của lời phát biểu bằng tiếng Anh. Gã thông ngôn bắt đầu dịch bằng một giọng phấn khởi:
– Nhân danh cá nhân và nhân danh đại uý Osanh, đại uý Baul xin tuyên bố với vị ataman sông Đông rằng hai đại uý là đại biểu của các cường quốc trong Đồng minh, được cử đến để tìm hiểu về những việc đang xảy ra trong vùng sông Đông. Đại uý Baul đảm bảo rằng các cường quốc Đồng minh sẽ giúp đỡ vùng sông Đông và Tập đoàn quân tình nguyện trong cuộc đấu tranh anh dũng của họ chống bọn Bolsevich bằng tất cả các lực lượng và phương tiện, kể cả sinh lực.
Gã thông ngôn còn chưa nói hết câu cuối cùng thì ba đợt “hu- ra” gầm lên như sấm đã làm rung cả bốn bức tường căn phòng lớn.
Những tiếng chạm cốc chúc mừng vang lên trong những âm thanh hùng tráng của đội kèn. Người ta uống mừng sự phồn vinh của “nước Pháp tươi đẹp” và “nước Anh hùng mạnh”, uống để cầu Thượng đế “ban cho thắng lợi đánh bại quân Bolsevich”… Thứ rượu vang “sánh như đèn” của vùng sông Đông sủi bọt trong những cái cốc chân cao, toả ra những tia đều đều và một mùi thơm ngọt ngọt…
Mọi người có vẻ mong các ngài đại biểu của phái đoàn Đồng minh nói vài lời. Tên đại uý Baul cũng không để họ phải chờ đợi:
– Tôi xin nâng chén chúc mừng nước Nga vĩ đại, và tôi cũng muốn được nghe ở đây bài quốc ca cổ xưa và tuyệt hay của các ngài. Chúng tôi không cần biết lời ca như thế nào, nhưng chúng tôi chỉ muốn được nghe điệu nhạc…
Gã thông ngôn dịch xong, Krasnov quay khuôn mặt tái nhợt vì cảm động nhìn một lượt bọn khách khứa và hô lên, giọng phá ra:
– Vì nước Nga vĩ đại, thống nhất và không thể chia cắt, hu- ra!
Đội nhạc bắt đầu cử bài “Cầu Thượng đế bảo vệ vua Nga”, tiếng nhạc vừa mạnh vừa nhịp nhàng. Mọi người đều đứng đậy cạn cốc.
Nước mắt chảy ròng ròng trên mặt lão tổng giám mục Germogen râu tóc bạc phơ. “Hay thật là hay! ” – Tên đại uý Baul đã chuếnh choáng hơi men phấn khởi kêu lên. Một tên cao cấp trong hàng quan khách cảm động quá khóc rống lên như con nít và vùi cả bộ râu của hắn vào chiếc khăn ăn bê bết những hạt trứng cá dập nát.
Đêm hôm ấy, gió biển Azov gào rú hung hãn bên trên thành phố. Trận bão tuyết đầu mùa ập tới làm cái mái tròn của toà nhà thờ lấp loáng một thứ ánh sáng đầy tử khí…
Đêm ấy, ở ngoại ô, tại nơi đổ rác, theo lời kết tội của toà án quân sự dã chiến, một số công nhân đường sắt Bolsevich ở Sarchinskaia đã bị xử bắn trong mấy cái khe đất sét. Họ bị trói giật cánh khuỷu, bị đẩy từng hai người một ra chỗ sườn dốc, rồi bị bắn bằng súng ngắn hay súng trường ngay sát mũi súng. Những tiếng súng bị làn gió mang sương muối dập tắt ngay như đốm lửa trên đầu những điếu thuốc…
Trong khi đó, trước cửa toà lâu đài của tên ataman, những gã Cô- dắc thuộc trung đoàn ngự lâm Atamansky trong đội danh dự vẫn đứng cứng người như những xác chết, hai bàn tay chập lại nâng cán thanh gươm tuốt trần cong đen lại, nước mắt chảy ròng ròng vì lạnh, hai chân tê dại… Cho đến sáng, từ bên trong lâu đài vẫn vọng ra tiếng kêu la của những tên say rượu, tiếng kèn đồng dội lên từng đợt của đội kèn, và tiếng rung mếu máo của những giọng nam cao trong dàn hợp xướng Quân khu…
Nhưng một tuần sau đã bắt đầu xảy ra điều khủng khiếp nhất: vỡ mặt trận. Đơn vị đầu tiên rời bỏ khu vực đang chiếm giữ là trung đoàn 28 bố trí ở hướng Kalachev. Petro Melekhov thuộc trung đoàn nầy.
Sau những cuộc đàm phán bí mật với ban chỉ huy sư đoàn 15 Indenskaia, bọn Cô- dắc đã quyết định rút khỏi mặt trận và để cho Hồng quân tiến qua địa phận Quân khu Đông Thượng mà không gây trở ngại gì cho họ. Yakov Fomin, một gã Cô- dắc thiển cận, khả năng suy nghĩ rất có hạn, đã trở thành thủ lĩnh của trung đoàn bạo động, nhưng kỳ thực Fomin chỉ là cái màn che bên ngoài, sau lưng hắn còn có một nhóm Cô- dắc có tư tưởng Bolsevich điều khiển mọi việc và giật dây hắn.
Trong cuộc mít tinh sôi nổi, bọn sĩ quan sợ có những viên đạn bắn vào lưng mình mà vẫn phải miễn cưỡng trình bày những lý lẽ bắt buộc phải chiến đấu. Nhưng bọn Cô- dắc đồng thanh kiên quyết gào lên rằng không cần đánh nhau làm gì nữa và phải giảng hoà với quân Bolsevich. Những lời đó không kèm theo một lý do nào và mọi người nghe đã chán cả tai. Họp mit- tinh xong, trung đoàn chuyển quân ngay. Ngay sau chặng hành quân đầu tiên, đêm hôm ấy ở gần làng Xolonka, tên trung đoàn trưởng trung tá Philippov đã cùng phần lớn số sĩ quan rời bỏ trung đoàn và đến lúc trời hửng thì chúng gia nhập lữ đoàn của tên bá tước Molie đã bị đánh xác xơ tơi tả qua các trận chiến đấu và đang rút lui.
Tiếp theo trung đoàn 28, trung đoàn 36 cũng rút khỏi trận địa. Chúng kéo tới trấn Kazanskaia với đầy đủ quân số và toàn bộ sĩ quan. Tên trung đoàn trưởng là một thằng cha thân hình nhỏ bé, mắt lấm lét như thằng ăn cắp, luôn luôn quị lụy lấy lòng bọn Cô- dắc.
Hắn đem theo một toán kỵ binh, cứ chễm chệ trên lưng ngựa tiến vào ngôi nhà dùng làm chỗ ở của viên chủ nhiệm binh trạm. Hắn vung roi ngựa bước vào sát khí đằng đằng:
– Ai là chủ nhiệm?
– Tôi là phó chủ nhiệm. – Stepan Astakhov đứng dậy, đàng hoàng trả lời. – Ngài sĩ quan, xin ngài đóng cửa lại cho.
– Tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Ba mươi sáu, trung tá Naumov. Ê… tôi có vinh dự… Tôi cần có quần áo và giầy tất cho trung đoàn. Các anh em dưới quyền tôi hiện đang mình không áo, chân không giầy. Ông đã nghe rõ chưa?
– Ông chủ nhiệm không có nhà, không có ông ấy tôi không thể xuất kho cho ngài một đôi ủng dạ nào đâu.
– Thế nào hử?
– Như tôi đã nói với ngài đấy.
– Mày… Mày nói với ai thế hử? Ông sẽ bắt giam mày, mẹ mày chứ? Anh em, nhốt nó xuống dưới hầm! Chìa khoá kho đâu, cái con chuột chù rúc hậu phương nầy? Cái gì hả? – Naumov quất cái roi ngựa đánh đét xuống bàn, mặt tái xanh tái tím vì tức giận, rồi hất cái mũ lông lồm xồm kiểu Mãn Châu ra sao gáy. – Đưa ngay chìa khoá đây không nói gì nữa?
Nửa giờ sau, từ trong cái cửa của căn nhà kho chìm trong một làn bụi màu da cam, từng bó áo khoác ngắn bằng da thuộc, từng hộp ủng dạ đã bay ra ngoài tuyết, bay vào tay những gã Cô- dắc đứng ở bên ngoài, từng túi đường được truyền tay nhau. Những tiếng cười nói vui nhộn làm náo động cái quảng trường giờ lâu…
Trong khi đó trung đoàn 28 đã theo tên Trung đoàn trưởng mới là viên quản Fomin tiến vào Vosenskaia. Những đơn vị của sư đoàn Indenskaia tiến sát theo họ, chỉ cách chừng ba mươi vec- xta. Hôm ấy trinh sát Hồng quân đã vào tới thôn Dubrovka.
Trước đó bốn hôm, tên thiếu tướng Ivan tư lệnh Mặt trận miền Bắc đã cùng tên tham mưu trưởng là tướng Damgitsky vội vã chạy về trấn Karginskaia. Xe hơi của chúng chạy trên tuyết cứ bị trượt bánh. Mụ vợ của tên Damgitsky cắn môi đến chảy máu, mấy đứa con khóc như ri…
Vosenskaia rơi vào tình trạng không có Chính phủ trong vài ngày. Có tin đồn là ở Karginskaia đã tập trung lực lượng để đem đi đánh trung đoàn Hai mươi tám. Nhưng ngày 22 tháng Chạp, tên phó quan của Ivanov đã từ Karginskaia tới Vosenskaia. Hắn cười hì hì, bước vào nhà tên tư lệnh, thu lượm các thứ mà lão đã để quên: chiếc mũ cát- két đội mùa hè có dính quân hiệu mới, bàn chải tóc, quần áo lót và vài thứ linh tinh khác.
Các đơn vị của Tập đoàn Hồng quân số 8 đã xông ngay vào cái lỗ hổng rộng một trăm vec- xta mở hoác trên Mặt trận miền Bắc. Tên tướng Xavacheev không đánh đấm gì cả, rút thẳng một mạch về sông Đông. Mấy trung đoàn của tên tướng Fitkhelarov quàng chân lên cổ rút lui và Talư và Bogutra. Tình hình miền Bắc yên tĩnh một cách khác thường suốt trong một tuần. Không một tiếng đạn pháo, các khẩu súng máy cũng câm tiếng. Bọn Cô- dắc các vùng hạ du đang chiến đấu ở Mặt trận miền Bắc lo lắng trước sự thay lòng đổi dạ của các trung đoàn vùng Đông Thượng cũng lặng lẽ rút lui, không cần có ai đến đánh. Hồng quân tiến một cách thận trọng, từ từ vừa tiến vừa phái trinh sát sục sạo kỳ càng các thôn Cô- dắc ở trước mặt.
Một chuyện vui mừng đã đền bù cho Chính phủ vùng sông Đông về thất bại hết sức to lớn trên Mặt trận miền Bắc. Ngày 26 tháng chạp, một đoàn đại biểu của Đồng minh đã tới Novocherkask, gồm có tướng Pun trưởng đoàn đại biểu quân sự Anh ở Kavkaz, cùng đại tá Trưởng ban tham mưu Kít, và hai đại diện của Pháp là tên tướng France Dexpe và têm đại uý Fuke.
Krasnov đưa mấy tên đại biểu Đồng minh ra mặt trận. Một buổi sáng tháng Chạp lạnh giá, trên sân nhà ga Tria người ta thấy bố trí một hàng rào danh dự. Tướng Mamontov đi đi lại lại trên sân ga, chung quanh lốc nhốc một bầy sĩ quan. Hắn vốn có bộ ria chảy xệ, mặt lúc nào cũng như thằng say rượu, quần áo lôi thôi lếch thếch, thế mà hôm nay cũng gọn ghẽ chỉnh tề, hai cái má cạo nhẵn nhụi phớt ánh xanh xanh. Bọn chúng đang chờ đón đoàn tàu. Bên cạnh nhà ga, những tay kèn trong đoàn quân nhạc vừa dậm chân vừa thổi phù phù vào những ngón tay xám ngoét. Hàng rào danh dự đứng cứng người, nom rất ngoạn mục, với những tên Cô- dắc các trấn miền Nam đủ các mầu tóc và đủ các lứa tuổi. Bên cạnh những lão già râu tóc bạc phơ là những tên trẻ măng chưa có ria. Đứng lẫn vào đám đó còn có những gã cựu chiến binh với bờm tóc xoã trước trán. Trên ngực áo ca- pôt của bọn già lấp loáng những tấm huân chương vàng và bạc, những tấm huy chương kỷ niệm các trận Loptra và Plevna.
Những tên Cô- dắc trẻ hơn một chút thì đeo đầy những huân chương được thưởng sau các trận tấn công dũng cảm gần Georg- Chev, Xandepa và trong trận chiến tranh với Đức: Perenyt, Varsava, Lvov. Những gã trẻ nhất thì chẳng có gì lấp lánh trên ngực, nhưng chúng đều đứng thẳng như sợi dây đàn, cố bắt chước các lớp đàn anh.
Đoàn tàu ầm ầm chạy tới giữa làn khói trắng như sữa. Toa xe Pullman 3 còn chưa kịp mở cửa, tên nhạc trưởng đoàn quân nhạc đã hung dữ vung mạnh tay, đội nhạc cử oang oang bài quốc ca Anh.
Mamontov vội đưa tay giữ gươm chạy tới bên toa xe. Krasnov đóng vai một chủ nhà hồ hởi, dẫn các vị khách vào nhà ga qua hàng rào danh dự Cô- dắc đứng đực như phỗng.
– Người Cô- dắc đã nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc chống lại những toán phỉ Bolsevich dã man. Các ngài có thể nhìn thấy ở đây những đại diện của ba thế hệ. Những con người nầy đã chiến đấu ở vùng Balkan, ở Nhật, ở Áo – Hung và Phổ, và hiện nay họ đang chiến đấu vì quyền tự do của Tổ quốc, – Krasnov mỉm một nụ cười duyên dáng, nói một thứ tiếng Pháp rất cừ, và bằng một cái hất đầu xứng đáng với một bậc vương giả, hắn chỉ những ông bố già đang nín thở đứng cứng người, mắt thở thao láo.
Mamontov theo lệnh thượng cấp lựa chọn được hàng rào danh dự nầy kể cũng không đến nỗi công toi. Hàng đã bày sờ sờ ra đấy, mời các ngài mua đi.
Những tên đại diện Đồng minh tham quan mặt trận xong trở về Novocherkask, rất lấy làm thoả mãn.
– Tôi rất mãn ý trước quân dung tề chỉnh, kỷ luật chặt chẽ và tinh thần chiến đấu trong quân đội của tướng quân. Trước khi ra đi, tên tướng Pun nói với Krasnov.
– Tôi sẽ lập tức ra lệnh điều từ Salonik tới đây cho tướng quân lớp chiến binh đầu tiên của chúng tôi. Thưa tướng quân, xin tướng quân chuẩn bị sẵn cho ba nghìn cái áo da và ba nghìn đôi ủng ấm.
– Tôi hy vọng rằng với sự giúp đỡ của chúng tôi, tướng quân sẽ có thể hoàn toàn nhổ rễ được chủ nghĩa Bolsevich.
Những chiếc áo da thuộc đã được cấp tốc may xong, những đôi ủng dạ cũng đã được đóng xong. Nhưng không hiểu sao đội lính thuỷ đánh bộ của đồng minh vẫn chưa đổ bộ lên Novorossisk. Vốn là Pun trở về London đã được thay thế bằng Brichxơ, một con người lạnh lùng và kiêu ngạo. Hắn đã đem từ London tới những chỉ thị mới và tuyên bố bằng cái giọng gay gắt, dứt khoát như dao chém cột của một viên tướng:
– Chính phủ của đức Hoàng đế sẽ giúp đỡ Tập đoàn quân tình nguyện ở vùng sông Đông rất nhiều về vật chất; nhưng sẽ không cho một tên lính nào đâu.
Người ta không yêu cầu giải thích về lời tuyên bố ấy.
— —— —— —— ——-
1 (1751 – 1818) Bá tước, tướng Nga ghet- man của dân Cô- dắc, 1812 tấn công hậu vệ của Napoleon khi quân Pháp rút lui khỏi nước Nga, 1813 đánh bại quân Pháo ở Lion, 1814 chiếm Nêmua, rồi cùng vớt quân Đồng minh tiến vào Paris. Dân Pháp không quên cả sự dũng cảm lẫn sự dã man của quân Cô- dắc (ND).
2 (1775 – 1825) Hoàng đế Nga đã cùng Anh, Phổ, Áo, Thụy Điển đánh bại Napoleon, tiến vào Paris năm 1814 sau trận Waterllo, rồi lại tiến vào Paris lần nữa để ký với Áo và Phổ bản hiệp ước Liên minh Thần thánh 1815 (ND).
3 Một kiểu toa xe lửa bốn trục rất to đóng ở xưởng của Pullman bên Anh (ND).