Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 80

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Sáng hôm sau, lão quản hốt hoảng chạy vào hầm Evgeni. Lão ngập ngừng một lát rồi báo cáo:

– Bẩm quan lớn, sớm nay bọn Cô- dắc đã tìm thấy trong các chiến hào những mẩu giấy nầy. Chuyện xảy ra không hay như thế đấy… Chính vì thế tôi phải chạy đến báo cáo quan lớn. Nếu không lại chuốc lấy vạ vào thân…

– Những mẩu giấy gì hử? Evgeni đang nằm trên giường nhổm dậy hỏi.

Lão quản đưa cho hắn vài tờ giấy vo tròn nằm trong tay. Trên một tờ giấy rẻ tiền rọc tư hiện lên rõ ràng những dòng đánh máy.

Evgeni đọc một hơi:

Vô sản tất cả các nước, liên hiệp lại!

CÁC ĐỒNG CHÍ BINH SĨ!

Cuộc chiến tranh chết tiệt nầy kéo dài hai năm rồi. Đã hai năm trời, các đồng chí phải chịu đắng cay khổ cực trong chiến hào để bảo vệ những quyền lợi không phải của mình. Thợ thuyền và dân cày trong cả nước đã phải đổ máu hai năm trời. Hàng chục vạn người bị giết và trở thành tàu phế, hàng chục vạn trẻ mồ côi rà đàn bà goá, đó là những thành tích của lò sát sinh nầy nầy. Các đồng chí chiến đấu để làm gì? Các đồng chí bảo vệ những quyền lợi của ai? Chính phủ Nga hoàng đã đẩy hàng triệu binh sĩ lên tuyến lửa, hòng cướp đoạt những vùng đất mới và áp bức nhân dân các vùng đó, cũng như nó đang áp bức những người dân bị nô dịch ở Ba Lan và những nước khác. Những tên chủ nhà máy trên thế giới không chia nhau được các thị trường có thể tiêu thụ các thứ hàng do nhà máy của chúng chế tạo, chúng không chia nhau được tiền lãi vì thế việc phân chia đang được thực hiện bằng sức mạnh vũ trang của các đồng chí. Vì không hiểu biết nên trong chộc đấu tranh cho quyền lợi của chung, các đồng chí đang đi đến chỗ chết, đi giết hại những người lao động cũng như các đồng chí.

Máu của những người anh em với nhau đố như thế là đủ rồi! Hãy tỉnh lại đi, hỡi anh em lao động! Kẻ thù của các đồng chí không phải là lính Áo và lính Đức, những con người cũng bị lừa gạt như các đồng chí, mà là tên Nga hoàng của các đồng chí, là bọn chủ nhà máy và chủ đất của các đồng chí. Các đồng chí hãy quay mũi súng chống lại chúng. Các đồng chí hãy bắt tay thân thiện với những người lính Đức và Áo. Các đồng chí hãy giơ tay cho nhau qua các hàng rào dây thép gai ngăn cách các đồng chí với nhau như những con thú rừng. Các đồng chí vốn là những người anh em trong lao động. Trên bàn tay các đồng chí còn chưa hết dấu vết của những chỗ thành chai đẫm máu vì lao động, không có gì ngăn cách các đồng chí. Đả đảo chế độ chuyên chế! Đả đảo chiến tranh đế quốc! Tình đoàn kết không gì lay chuyển nổi của anh em lao động toàn thế giới muôn năm!”

Mấy dòng cuối, Evgeni vừa đọc vừa thở hổn hển. “Bắt đầu giở trò gì đây!” – Hắn nghĩ thầm trong lòng sôi sục căm hờn, cổ như nghẹn tắc vì các dự cảm ập tới. Hắn gọi dây nói cho viên trung đoàn trưởng, báo cáo về việc vừa xảy ra.

– Bẩm quan lớn, ngài ra lệnh làm gì bây giờ? – Cuối cùng hắn hỏi.

Qua những tiếng vo vo như tiếng muỗi và những tiếng chuông điện thoại xa, ống nghe đưa tới những lời lỏn nhỏn của viên tướng:

– Lập tức cùng với tên quản và các sĩ quan phụ trách trung đòi tiến hành lục soát. Khám tất cả, không trừ một ai, kể cả các sĩ quan. Hôm nay tôi xin chỉ thị của sư đoàn bộ xem trên đó định bao giờ sẽ cho trung đoàn chuyển địa điểm. Tôi sẽ cố giục. Nếu trong khi lục soát ngài phát hiện thấy gì thì báo cáo ngay cho tôi biết.

– Tôi cho rằng việc nầy là do bọn chúng làm.

– Thế à? Tôi sẽ ra lệnh ngay cho Ichnachit lục soát bọn Cô- dắc ở chỗ ông ta. Chúc ngài mọi sự tốt lành.

Litnhitki cho gọi các sĩ quan chỉ huy trung đội tới hầm của hắn, rồi truyền đạt cho họ biết mệnh lệnh của trung đoàn trưởng.

– Thế nầy thì còn ra thể thống gì nữa! – Merkulov phẫn nộ – Thế nào, chúng mình sẽ khám xét lẫn nhau à?

– Bắt đầu khám từ ngài trở đi, ngài Litnhitki – Radorchev, một viên trung uý còn trẻ, chưa có ria, kêu lên.

– Chúng ta sẽ rút thăm.

– Làm theo thứ tự A, B, C đi – Thưa các ngài, xin các ngài để lúc khác hãy đùa, – Evgeni ngắt lời mọi người, giọng nghiêm khắc. – Tất nhiên ông lão nhà chúng ta cũng có quá tay một chút: các sĩ quan trung đoàn chúng ta thì cũng như vợ của Cedar 1 Chỉ có một thằng thiếu uý Buntruc thì nó đã đào ngũ rồi. Còn bọn Cô- dắc thì phải lục soát chúng nó. Gọi lão quản đây.

Lão quản bước vào. Một gã Cô- dắc đã có tuổi. Huân chương thánh Gioóc bậc ba. Lão húng hắng ho, đưa mắt nhìn khắp lượt bọn sĩ quan.

– Trong đại đội, anh thấy có những thằng nào đáng nghi? Anh thử nghĩ xem, các lờ truyền đơn nầy có thể do tên não ném? Evgeni hỏi lão quản.

– Bẩm quan lớn, không có hạng người như thế đâu. – Lão quản nói chắc chắn.

– Song các tờ truyền đơn lại nhặt được ngay trong khu vực đại đội ta? Có thằng nào ở những đại đội khác lai vãng đến chiến hào không?

– Không có ai lạ mặt cả. Cũng không có ai từ các đại đội khác đến đây. Thôi chúng ta lần lượt khám lại tất cả – Merkulov khoát tay bước ra cửa.

Cuộc lục soát bắt đầu. Nét mặt của bọn lính Cô- dắc cho thấy những tình cảm hết sức khác nhau: có những gã nhăn nhở thắc mắc, có những gã hốt hoảng nhìn bọn sĩ quan lục lọi trong những gói tài sản thảm hại của lính, lại có những gã cười nhạo. Một gã hạ sĩ trinh sát khá ngang tàng hỏi:

– Nhưng các quan cứ cho biết các quan tìm gì đi? Nếu có mất mát gì thì may ra cũng có người trông thấy đấy.

Sục sạo mãi mà chẳng có kết quả gì cả. Chỉ tìm được một tờ truyền đơn vo tròn trong túi áo ca- pôt của một gã Cô- dắc trung đội một.

– Mày đã đọc chưa? – Morkulov vừa hỏi vừa quẳng tờ giấy mới móc ra với vẻ hoảng sợ rất buồn cười.

– Tôi nhặt để hút thuốc đấy. – Gã Cô- dắc mỉm cười, mắt không nhìn lên.

– Mày cười cái gì hử.- Evgeni nổi nóng quát lên. Hắn đỏ mặt tía tai bước tới trước mặt gã Cô- dắc. Dưới cái kính kẹp mũi, hai hàng lông mi vàng óng ngắn cũng háp háy như lên cơn thần kinh.

Vẻ mặt gã Cô- dắc lập tức trở nên nghiêm trang, nói cười tựa như đã bị gió thổi bay đi.

– Bẩm quan lớn, xin quan lớn thứ lỗi cho? Tôi vốn gần như chẳng có chữ nghĩa gì cả! Tôi đọc khó khăn lắm. Tôi đã nhặt nó vì không có giấy để cuốn thuốc lá, thuốc thì còn, mà giấy thì hết. Nhìn thấy tờ giấy là nhặt thôi.

Gã Cô- dắc nói giọng sang sảng, hậm hực, rõ ràng gã tức lắm rồi.

Evgeni nhổ bãi nước bọt, bỏ đi chỗ khác. Mấy viên sĩ quan kia đi theo hắn.

Hai ngày sau, trung đoàn được rút khỏi trận địa, chuyển về hậu phương. Đội súng máy có hai người bị bắt, đưa ra toà án binh, còn bao nhiêu thì một phần bị điều về những trung đoàn dự bị, một phần bị phân tán tới các trung đoàn thuộc sư đoàn Cô- dắc số hai. Sau vài ngày nghỉ ngơi, trung đoàn đã có phần lấy lại trật tự. Binh sĩ Cô- dắc được tắm rửa, giặt giũ, cạo râu ria sạch sẽ. Ở đây không còn dùng đến cái phương pháp đơn giản nhưng khá đau mà họ thường phải tìm đến trong chiến hào để khử các đám rễ tre trên mà là đánh diêm thui cho lửa lan lem lém trên râu, và sắp làm bỏng da là phải lau má ngay bằng một chiếc khăn mặt đã nhúng nước sẵn. Phương pháp nầy đã được đặt cái tên là “làm lợn”.

– Mình sẽ cạo râu cho cậu theo kiểu “làm lợn” hay thế nào? – Một chàng tư húi nào đó của trung đội hỏi khách hàng.

Trung đoàn nghỉ ngơi. Bề ngoài bọn Cô- dắc đã trở nên dỏm dáng, vui vẻ hơn trước. Nhưng Evgeni cũng như tất cả các sĩ quan khác đều biết rằng cái vui vẻ nầy cũng chẳng khác gì tháng mười một được một ngày đẹp trời: có được hôm nay, ngày mai đã không còn nữa rồi. Chi cần đả động tới chuyện ra mặt trận là sẽ thấy vẻ mặt họ thay đổi ngay tức khắc, là bất mãn và căm hờn đã lừ lừ hiện ra dưới những hàng mi nhìn xuống. Có thể nhận thấy ở họ một sự mệt mỏi chết đi được, sức cùng lực kiệt, và tình trạng mệt mỏi ấy tất nhiên dẫn tới dao động tinh thần. Litnhitki biết rõ lắm: một con người ở trong trạng thái ấy mà vươn tới một mục đích nào đó thì đáng sợ như thế nào.

Năm 1915, hắn đã tự mắt nhìn thấy một đại đội bộ binh xung phong năm lần liền bị thương vong nhiều vô kể và sau mỗi lần lại nhận được lệnh: “Xung phong lại”. Bọn tàn binh của đại đội ấy đã tự ý rời bỏ khu vực họ phụ trách, chạy về phía sau. Evgeni cùng đại đội của hắn được lệnh giữ họ lại. Đến khi hắn cho đại đội dàn ra định chắn đường về của họ thì họ bắt đầu nổ súng vào chúng. Đại đội bộ binh ấy không còn quá sáu mươi người, nhưng Evgeni đã thấy những con người ấy chống lại bọn Cô- dắc với một tinh thần dũng cảm quyết tử điên cuồng như thế nào. Họ gục xuống dưới những nhát gươm, họ chết nhưng vẫn cứ xông lên bất chấp tất cả tới chỗ chết, tới chỗ bị tiêu diệt, vì họ nghĩ rằng nhận lấy cái chết ở chỗ nào thì cũng thế thôi.

Trường hợp ấy đã hiện lên trong trí nhớ của Evgeni như một hồi ức rùng rợn, và hắn xao xuyến nhìn một cách khác hẳn trước kia vào mặt những tên lính Cô- dắc, bụng bảo dạ: “Chẳng nhẽ ngay cả những thằng nầy rồi sẽ có lúc cũng quay trở lại như thế, xông lên như thế, và ngoài cái chết, sẽ chẳng có gì đủ sức ngăn giữ chúng?”

Rồi hắn lại bắt gặp những cặp mắt mệt mỏi rã rời đầy phẫn nộ và kết luận một cách thành thực: “Chúng nó sẽ xông lên đấy!”.

So với những năm trước, bọn Cô- dắc đã thay đổi một cách căn bản. Ngay các bài hát cũng là những bài mới, ra đời trong chiến tranh, đượm một mầu buồn thảm đen tối. Đại đội Cô- dắc đóng trong căn nhà kho rộng mênh mông của một nhà máy. Tối tối mỗi khi đi qua chỗ ấy, Evgeni phần nhiều nghe thấy một bài đầy nhớ nhung, buồn không sao tả xiết. Bao giờ nó cũng được hát ba bốn bè. Vượt lên trên những giọng trầm đặc quánh, bè nam cao bay vút lên, rung lên trong và mạnh khác thường:

Ôi mảnh đất chôn nhau cắt rốn,

Thôi từ nay đành vĩnh biệt ngươi.

Thế là hết, hết được nghe, được thấy

Trong vườn cây hoạ mi đón mặt trời.

Con xin mẹ, thưa mẹ hiền yêu dấu,

Mẹ chớ buồn lo quá vì con

Vì đâu phải thưa mẹ hiền yêu dấu

Ai ra đi cũng bỏ xác rừng gươm.

Evgeni đứng lại lắng nghe. Hắn bất giác cảm thấy rằng cái buồn chất phác trong bài hát xâm chiếm tâm hồn hắn, không sao cưỡng lại được. Cứ như có một sợi dây đàn căng thẳng trong nhịp lim đập mỗi lúc một nhanh. Giọng trầm của bè phụ động vào sợi dây đàn ấy, bắt nó phải đau đớn rung len. Evgeni đứng ở một chỗ gần nhà kho, đăm đăm nhìn vào làn sương mù buổi tối mùa thu, tự nhiên thấy mắt mình ướt, mí mắt ngọt ngọt cay cay.

Các giọng trầm còn chưa hát xong mấy tiếng cuối thì giọng nam cao đã bật tung lên, át tất cả, và những âm thanh rung rung như hai cái cánh của con vịt trời ngực trắng loá vừa bay vừa hối hả gọi đàn, kể lể:

Viên đại chì réo

Cắm giữ ngực ta.

Gục xuống cổ ngựa,

Máu đen thấm đẫm bờm chiến mã.

Suốt thời gian trung đoàn đóng quân nghỉ ngơi, chỉ có một lần Evgeni được nghe những lời hào hứng, sảng khoái trong một bài hát cổ của người Cô- dắc. Trong khi đi dạo buổi chiều như thường lệ. hắn bước tới gần nhà kho. Những tiếng cười tiếng nói dở tỉnh dở say vẳng tới tai hắn. Evgeni đoán rằng có lẽ tên trung sĩ quân nhu lên cái thị trấn nhỏ Nevitka lĩnh lương thực thực phẩm về đã mang theo ít rượu nặng và thết bọn Cô- dắc. Mấy tên Cô- dắc nốc rượu đại mạch đã ngà ngà say không biết đang tranh cãi về chuyện gì mà cười ha hả. Trên đường về, từ xa Evgeni đã nghe thấy những tiếng hát rền vang mạnh mẽ cùng tiếng huýt sáo đệm man rợ, chói tay, nhưng đúng nhịp.

Chưa ra trận

Thì chưa sợ.

Ngày dầm mưa, đêm đến rét run

Suốt năm canh không một giấc con con.

“Phi- u- u- u- u- u- u? Phi- u- u- u- u- u- u! Phiu- u- u- !” – tiếng huýt sáo rung lên, chảy liên tục như dòng suối, rối xoáy trôn ốc bay vút cao. Sau đó có ít nhất ba mươi giọng gầm lên, át tiếng huýt sáo.

Từng ngày từng giờ, Khắp đồng không, kinh hoàng và đau khổ. Một thằng cha nghịch ngợm, có lẽ trọng số gã còn trẻ, chợt huýt lên những tiếng sáo dồn dập, inh tai nhức óc, rồi đập hai chân lên sàn gỗ nhảy điệu pri- xi- át- ca. Tuy bị những tiếng hát trùm lên, nhưng tiếng đế ủng đập chan chát vẫn vang ra rõ mồn một.

Hắc Hải gẩm,

Chiến thuyền lung linh ánh lửa.

Ta dập tắt lửa

Bóp chết bọn Thổ,

Vinh quang thay người Cô- dắc sông Đông.

Evgeni bất giác mỉm cười, vừa đi vừa cố dóng bước theo nhịp các giọng hát. Hắn nghĩ bụng: “Có lẽ các đơn vị bộ binh không cảm thấy nhớ ni là gay go đến thế nầy đâu”. Nhưng lý trí của hắn lại gợi ra những ý nghĩ vặn lại lạnh lùng: “Nhưng chẳng nhẽ bộ binh là những con người khác hay sao. Tất nhiên bọn lính Cô- dắc phản ứng mạnh hơn trước hoàn cảnh bị bắt buộc phải ngồi bó gối trong chiến hào, do đặc điểm của cách phục vụ trong quân đội, chúng đã quen luôn luôn vận động. Thế mà đã hai năm rồi chúng nó phải ngồi một xó hoặc giậm chân tại chỗ trong những mưu đồ tấn công chẳng đem lại kết quả gì. Quân đội chưa từng bạc nhược như thế nầy bao giờ.

Đang cần phải có một bàn tay sắt. một thắng lợi thật lớn, một đợt tiến quên về phía trước, có thế mới lắc cho nó hăng lên được. Tuy lịch sử đã cho thấy những thí dụ về chuyện trong những thời kỳ chiến sự kéo dài, tinh thần của những quân đội kiên cường nhất, có kỷ luật nhất cũng dao động. Ngay Suvorov 2 cũng đã từng thể nghiệm điều đó… Nhưng dân Cô- dắc sẽ giữ vững cho mà xem. Lính Cô- dắc mà bỏ trốn thì phải là những thằng cuối cùng bỏ trốn. Dù sao đây cũng là một dân tộc nhỏ đặc biệt, có truyền thống thượng võ, chứ đâu phải là một bầy ô hợp toàn dân thợ huyền hay mu- gích.

Như cố ý làm Evgeni vỡ mộng, trong nhà kho bỗng có một gã nào cất một giọng rè rè, đứt quãng, hát bài “Đoá bạch cầu”. Có thêm những giọng khác hoà theo. Evgeni đi xa rồi vẫn còn nghe thấy cả một nỗi đau thương đan quyện trong bài hát:

Người sĩ quan trẻ đang cầu Chúa,

Chàng thanh niên Cô- dắc xin về:

– Xin ngài sĩ quan trẻ,

Buông tha tôi về

Buông tha tôi về

Với cha, với cha, với mẹ

Với cha, với mẹ

Với người vợ trẻ thân thương!

° ° °

Buntruc trốn khỏi mặt trận đến hôm nay đã là ngày thứ tư. Anh đến một thị trấn buôn bán lớn vào buổi tối. Các căn nhà đã lên đèn. Tiết trời hơi băng giá làm các vũng nước phủ một váng băng mỏng. Từ xa đã nghe thấy tiếng bước chân của vài người qua lại lèo tèo.

Buntruc vừa đi vừa hết sức lắng nghe. Anh tránh các phố có đèn sáng, cứ len theo những ngõ vắng. Lúc mới bước chân vào thị trấn, thiếu chút nữa Buntruc chạm trán với một đội tuần tra, vì thế bây giờ anh phải đi sát vào những dãy hàng rào, chân bước thoăn thoắt như con chó sói, tay phải không rút khỏi túi chiếc áo ca- pôt nhớp nhúa không tưởng tượng được: anh đã rúc vào một đống trấu cám, nằm suốt một ngày.

Trong thị trấn nầy có đặt căn cứ của một quân đoàn, vài đơn vị nào đó cũng đóng ở đây. Đụng đầu phải những đội tuần tra thì rất nguy hiểm, vì thế những ngón tay lông lá của Buntruc cứ nắm đến nóng cái cán gạch khía của khẩu súng ngắn kiểu Nagan giấu trong túi áo ca- pôt.

Đến đầu kia thị trấn, Buntruc đi rất lâu trong cái ngõ vắng tanh. Anh nhìn qua cổng chú ý xem xét hình dáng của từng căn nhà tiều tụy. Đi chừng hai mươi phút thì tới một căn nhà nhỏ xấu xí ở góc dường. Buntruc ghé mắt vào kẽ cửa chớp nhìn vào bên trong rồi mỉm cười, mạnh dạn bước tới cửa hàng rào. Nghe tiếng gõ cửa, một người đàn bà đã có tuổi, đầu bịt khăn, ra mở cửa cho Buntruc.

– Bác Boris Ivanovich có ở nhà ta không thưa bà? – Buntruc hỏi.

– Thưa có đấy ạ. Mời bác vào chơi.

Buntruc nghiêng nghiêng người bước qua trước mặt người đàn bà. Tiếng then cửa lêu lách cách lạnh lùng sau lưng anh. Trong căn phòng rất thấp, một người có tuổi mặc áo quân phục ngồi sau một cái bàn dưới ánh ngọn đèn hạt đậu. Người ấy cau mày nhìn chăm chú một lát rồi đứng dậy, cố giấu vẻ vui mừng đưa cả hai tay bắt tay Buntruc:

– Cậu ở đâu đến đấy?

– Từ mặt trận về.

– Anh cũng thấy đấy… – Buntruc mỉm cười đưa đầu ngón tay sờ vào chiếc dây lưng lính của người mặc áo quân phục, hỏi rất khẽ – Anh có phòng riêng không?

– Có, có. Vào trong nầy với mình.

Người ấy đưa Buntruc vào một căn phòng còn hẹp hơn, rồi không châm đèn, bảo Buntruc ngồi xuống một cái ghế dựa, khép cánh cửa thông sang phòng bên, kéo rèm che cửa sổ và nói:

– Cậu bỏ về hẳn rồi à?

– Về hẳn rồi.

– Ngoài ấy tình hình thế nào?

– Đâu đó sẵn sàng cả rồi.

– Cố những anh em tin cậy được chứ?

– Ô, có chứ!

– Mình thấy bây giờ cậu cởi áo ngoài ra đã, rồi chúng mình sẽ nói chuyện. Thôi đưa cho mình cái áo ca- pôt của cậu. Mình sẽ lấy ngay nước cho cậu lau rửa.

Trong khi Buntruc cúi xuống lau rửa trong một cái chậu đồng rỉ xanh, người mặc áo quân phục vuốt vuốt bộ tóc cắt “cua”, khe nói giọng mệt mỏi:

– Hiện nay chúng nó còn mạnh hơn chúng ta không biết bao nhiêu lần. Công việc của chúng ta là phải lớn mạnh lên, mở rộng ảnh hưởng, không ngừng hoạt động giải thích các nguyên nhân thật sự đã gây ra cuộc chiến tranh nầy. Rồi chúng ta sẽ lớn mạnh lên, cậu có thể tin như thế. Và những người rời bỏ chúng nó tất nhiên sẽ đến với chúng ta. So với một thằng bé thì một người lớn đương nhiên khoẻ hơn. Nhưng đến khi người lớn ấy già đi, trở nên hom hem, thì sẽ bị chính thằng bé hất cẳng. mà trong trường hợp đó, chúng ta sẽ nhận thấy không những một tình trạng già yếu suy nhược, mà còn thấy toàn bộ một cơ thể dần dần bị tê liệt.

Buntruc lau rửa xong, lấy một cái khăn sợi thô cứng sát kỹ lên mặt và nói:

– Trước khi bỏ đi tôi có nói cho bọn sĩ quan biết quan điểm của tôi. Anh biết không, buồn cười đến chết được… Tôi đi rồi thì thế nào anh em súng máy cũng sẽ bị làm phiền, có thể có anh em nào đó trong đám bị đưa ra toà, nhưng chứng cớ không có thì làm gì nhau? Tôi mong rằng anh em sẽ bị phân tán xuống các đơn vị, mà như thế sẽ có lợi cho ta: họ sẽ sinh sôi nảy nở trên những đất mới… Chà, sao ở đấy lại có những anh em tốt đến thế! Thật là lòng gang dạ đá.

– Mình có nhận được của Stepan một bức thư. Cậu ấy đề nghị cử đến cho cậu ấy một anh em hiểu biết về quân sự. Cậu đến với cậu ấy nhé. Nhưng còn giấy tờ thì thế nào? Có xong xuôi được không?

– Công việc ở đằng ấy là làm gì? – Buntruc vừa hỏi vừa kiễng chân mắc chiếc khăn mặt lên cái đinh.

– Huấn luyện một số anh em. Nhưng cậu mãi chẳng cao thêm được chút nào thế? – Chủ nhà mỉm cười.

– Cao mà làm gì? Buntruc xua tay – Nhất là trong hoàn cảnh của tôi bây giờ. Cỡ người tôi chỉ nên bằng một quả đậu thôi, có thế mới đỡ bị chú ý.

Hai người nói chuyện với nhau mãi tới lúc tờ mờ sáng. Hai ngày sau, Buntruc rời thị trấn ra ga. Trước khi đi, anh đã thay quần áo và hoá trang đến không thể nào nhận ra được nữa giấy tờ mang tên một người lính trung đoàn 441 Orsavsky, được giải ngũ hẳn vì bị thương ở ngực.

— —— —— —— ——-

1 Evgeni muốn nói tới những lời đã trở thành thành ngữ mà hình như June Cedar đã hỏi để trả lời các ý nghi ngờ mà người ta nêu lên với ông ta vê tư cách của vợ ông ta: “Vợ của Cedar thì vượt ra ngoài mọi sự ngờ vực” (Lời chú của bản tiếng Nga).

2 (1729 – 1800) nguyên soái, một nhà chiến lược rất có tài người Nga, đã đánh lại quân đội Pháp của Napoleon trong nhiều trận (ND).

Chọn tập
Bình luận
× sticky