Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 99

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Bão tuyết hoành hành bên ngoài cửa sổ toa xe. Nhìn qua phía trên những tấm bảng tín hiệu chôn xiên xẹo thành một dãy hàng rào. Mặt trên các đống tuyết nhấp nhô nham nhở, in đầy những vết chân chim nom đến là kỳ dị.

Những nhà ga xép, những cột dây thép lui dần về phía bắc cũng như toàn bộ cánh đồng cỏ vô biên vô tận, nom rờn rợn trong cái vẻ đơn điệu bốn bề tuyết phủ.

Pochenkov ngồi ngay bên cửa sổ, anh mặc một chiếc áo da mới tinh, Krivoslykov chống khuỷu tay trên chiếc bàn nhỏ, ngồi trước mặt Pochenkov, đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Anh hẹp vai, người mảnh khảnh như một cậu thiếu nỉên, cặp mắt trong sáng như mắt con nít lúc nào cũng có vẻ lo lắng chờ đợi. Laguchin cầm một cái lược nhỏ chải mượt bộ râu ngô thưa thớt. Chàng Cô- dắc khổng lồ Mỉnaev hơ hai bàn tay trên cái ống dẫn hơi nước của thiết bị sưởi ấm, chốc chốc lại ngọ nguậy trên ghế dài. Golovachev và Scatkov nằm tầng giường trên thì thầm với nhau không biết chuyện gì.

Toa xe lành lạnh, hơi mù khói. Mọi người trong đoàn đại biểu đều không cảm thấy mình hoàn toàn vững tâm trong chuyến đi Novocherkask lần nầy. Những câu chuyện cứ rời rạc không ăn khớp với nhau. Không khí chết lặng đến là khó chịu. Tầu đã chạy qua ga Likhaya, Pochenkov nói lên ý nghĩ chung của mọi người.

– Sẽ chẳng được việc gì đâu. Ý kiến hai bên thống nhất làm sao được?

– Đi lần nầy cũng đến công toi – Laguchin đồng ý.

Rồi mọi người lại lặng đi giờ lâu, Pochenkov ngoáy ngoáy bàn tay rất đều, nom cứ như người luồn cái thoi qua những mắt lưới. Thỉnh thoảng anh lại đưa mắt nhìn xuống, ngắm nghía cái ánh bềnh bệch của chiếc áo da anh mặc.

Tầu chạy đã đến gần Novocherkask. Minaev nhìn trên bản đồ con đường sông Đông chạy ra khỏi thành phố, rồi khẽ kể:

– Trước kia, anh em Cô- dắc đi lính ở trung đoàn Atamansky, đến khi mãn hạn thì được đưa về nhà bằng xe lửa. Anh em đưa lên tầu hòm xiểng các đồ tư và ngựa. Đoàn tầu nhà binh chuyển bánh và đến khi chạy gần đến Voroubez, chỗ sắp vượt qua sông Đông lần đầu thì các tay lái tầu bao giờ cũng cho tầu chạy chậm lại, hết sức chậm… vì họ đã biết có chuyện gì sắp xảy ra. Tàu vừa bắt đầu leo lên cầu thì cha mẹ ơi, các cậu có biết không? Đúng là anh chàng nào cũng như hoá điên hoá ngộ. “Sông Đông? Sông Đông của chúng ta! Người nuôi sống anh em ta! Hur- r- ra- a- a- a- a!”. Thế là mũ cát két, áo capôt cũ, quần đi ngựa, ra cửa sổ xuống sông qua dãy hành lang hai bên cầu. Mãn hạn lính trở về thì cũng phải có quà tặng sông Đông chứ? Nhìn xuống nước thì cứ thấy toàn là những chiếc mũ cát- két của lính Atamansky trôi bập bềnh như những con thiên nga hay những đoá hoa… tập quán ấy đã được truyền lại từ lâu lắm rồi.

Đoàn tầu chạy chậm dán rồi dừng bánh. Các đại biểu Cô- dắc đứng dậy, Krivoslykov vừa thắt dây lưng ra ngoài áo ca- pôt vừa cười gằn:

– Bây giờ bọn mình cũng về nhà đây? – Không hiểu tại sao họ không mang bánh mì và muối ra đón! 1 – Scatkov thử pha trò.

Một tên đại uý Cô- dắc cao lớn không gõ cửa, hùng hổ bước vào ngăn toa xe. Hắn toát nhìn khắp lượt các đoàn viên của đoàn đại biểu bằng cặp mắt soi móc đầy căm hờn rồi cố ý nói giọng thật thô bạo:

– Tôi được trao nhiệm vụ hộ tống các ngài. Các ngài Bolsevich, các ngài làm ơn mau ra khỏi toa xe đi. Tôi không đảm bảo về phía dân chúng và… về sự an toàn của các ngài đâu.

Hai con mắt hắn dừng lại lâu nhất trên người Pochenkov trên chiếc áo sĩ quan của anh thì đúng hơn. Rồi hắn ra lệnh bằng một giọng cố nhấn mạnh tính chất thù địch:

– Ra khỏi toa xe, nhanh lên!

– Chúng nó đây rồi, cái lũ đê tiện, những lên phản bội dân Cô- dắc – Một tên sĩ quan có hàng ria rất dài kêu lên từ chỗ sân ga người đông nghịt.

Pochenkov tái mặt liếc nhìn Krivoslykov, cặp mắt liêng liếng của anh hơi có ánh hốt hoảng. Krivoslykov xuống xe theo sau Pochenkov, mỉm cười khẽ nói:

– Chúng ta nghe thấy những âm thanh của sự đồng tình ủng hộ không phải trong những lời tán tụng ngọt ngào dậy sấm, mà trong những tiếng kêu gào căm hờn man rợ… Cậu có nghe thấy không, Fedor?

Pochenkov không nghe rõ mấy tiếng cuối cùng, nhưng anh vẫn mỉm cười.

Một đội hộ tống mạnh, toàn sĩ quan, đi theo đoàn đại biểu. Đám người như hoá rồ cùng ùa theo đến nhà hội đồng quân khu. Tất cả đều chỉ muốn tự ý đem các đại biểu ra hành tội. Không riêng sĩ quan và học sinh sĩ quan, mà cả một số đàn ông Cô- dắc, một số người đàn bà ăn vận đứng đắn và học sinh cũng ngang ngược làm nhục đoàn đại biểu.

– Tại sao các ngài lại để cho họ bậy bạ như thế? – Laguchin phẫn nộ nói với tên sĩ quan hộ tống.

Tên kia toát nhìn khắp người Laguchin, cặp mắt đầy vẻ căm thù, rồi hắn lầu bầu:

– Mày hãy cảm ơn Chúa là còn giữ được cái thân xác… Nếu tao có quyền hành trong tay thì tao sẽ cho mày… đồ bẩn thỉu, đồ… đồ chó chết.

Ánh mắt có ý chê trách của một tên khác, trẻ hơn, đã ngăn hắn lại.

– Thôi, thế là mắc bẫy rồi nhá! – Scatkov chờ đúng lúc có thể nói bèn khẽ bảo Golovachev.

– Cứ như bị chúng nó giải đi hành quyết ấy.

Gian phòng lớn của nhà hội đồng quân khu không chứa hết số người kéo đến. Theo sự hướng dẫn của một tên trung uý phụ trách việc sắp xếp các đại biểu vừa tới đến ngồi vào một bên của một chiếc bàn, trong khi đó bọn uỷ viên của chính quyền cũng vừa tới.

Kaledin bước vào với cái lưng hơi gù gù. Chân hắn bước rắn rỏi, như chân chó sói, khi đi cả bàn chân cùng đặt bẹp xuống đất. Đi kèm với hắn có Bogaevsky. Kaledin kéo ghế ngồi xuống rồi thản nhiên đặt lên bàn cái mũ cát- két màu cứt ngựa trên đó hiện lên trăng trắng cái phù hiệu của sĩ quan. Hắn vuốt tóc rồi vừa đưa tay trái lên cài khuy cái túi bên rất to của chiếc áo quân phục cổ đứng, vừa ngả người về phía Bogaevsky, nghe thằng cha nầy nói không biết những gì Mỗi cử động của Kaledin đều chậm rãi, bệ vệ, đầy tự tin, biểu lộ cả một sức mạnh đang lúc sung sức nhất. Phong độ của những kẻ đã từng nắm quyền lực thường là như thế. Qua bao nhiêu năm họ đã hình thành được cho mình một tư thái, một cách ngửng đầu, một dáng đi đặc biệt, khác hẳn người thường. Giữa hắn và Pochenkov có nhiều điểm giống nhau. Nhưng ngồi cạnh một kẻ oai phong lầm lẫm như Kaledin, Bogaevsky kém nước hẳn đi. Nom lão rất thảm hại và như đang xao xuyến trước cuộc đàm phán sắp phải tiến hành.

Bogaevsky vẫn nói không biết những gì, môi lão lắp bắp rất khẽ dưới hàng ria sùm sụp mái hiên, chải xễ và đỏ như râu ngô. Cặp mắt xếch sắc ngọt của lão long lanh sau cái kính kẹp mùi. Thần kinh lão đang hoảng loạn. Điều đó biểu hiện rõ trong mọi cử chỉ lúc lão sửa lại cổ áo hoặc xoa cái cằm cương nghị với bàn tay đưa lươn lướt, chập chững, lúc hắn rung rung hai hàng lông mày như hai cánh chim vươn rộng trên hai cái hố con mắt rất to.

Kaledin ngồi chính giữa, những tên uỷ viên khác trong chính quyền khu ngồi hai bên. Trong số đó có vài tên đã tới Kamenskaia: Kariev, Svetozarov. Ulanov, Agieev, Elatonchev, Melnikov, Boseê, Sotnikov, Poliakov ngồi xa một chút.

Pochenkov nghe thấy Bogaevsky thì thầm nói gì không biết với Kaledin.

Tên nầy nheo mắt loáng nhìn Pochenkov ngồi trước mặt rồi nói:

– Tôi thấy bắt đầu được rồi đấy.

Pochenkov mỉm cười, dõng dạc trình bày mục đích chuyến đi của đoàn đại biểu. Krivoslykov vươn tay qua bàn đưa ra bức tối hậu thư như Uỷ ban quân sự cách mạng đã soạn trước. Nhưng Kaledin đưa bàn tay trắng bệch gạn tờ giấy và nói giọng rắn rỏi:

– Không cần để từng uỷ viên Chính phủ xem riêng tài liệu nầy. Mất thì giờ như thế chẳng có ý nghĩa gì cả. Ngài làm ơn đọc to tối hậu thư của các ngài. Sau đó chúng ta sẽ bàn.

– Cậu đọc đi, – Pochenkov ra lệnh.

Pochenkov ăn nói đứng ngồi rất oai vệ, nhưng cũng như tất cả các uỷ viên khác trong đoàn đại biểu, rõ ràng anh không hoàn toàn tự tin. Krivoslykov đứng dậy. Cái giọng vang vang the thé như giọng con gái nhưng không rành rọt của anh bắt đầu chập chờn trong căn phòng đông nghịt.

“Từ ngày mồng 10 tháng Giêng năm 1918, toàn bộ quyền chỉ huy các đơn vị quân đội và quyền tiến lành các hoạt động chiến đấu trong Tỉnh quân khu sông Đông được chuyển từ tay ataman quân khu sang Uỷ ban quân sự cách mạng Cô- dắc sông Đông.

Tất cả các chi đội đang hoạt động chống lại các đơn vị cách mạng đều phải triệt hồi từ ngày 15 tháng Giêng năm nay và sẽ bị tước vũ khí cũng như các chi đội tình nguyện, các trường Yunke và trường sĩ quan cấp uỷ. Tất cả những người tham gia các tổ chức đó, nếu trước kia không sống ở vùng sông Đông, đều bị trục xuất ra khỏi địa hạt Quân khu sông Đông và cho về nguyên quán.

Chú thích: Các vũ khí, trang bị và quân trang phải trao cho một uỷ viên của Uỷ ban quân sự cách mạng. Giấy phép ra khỏi Novocherkask do nội uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng cấp.

Thành phố Novocherkask phải do những trung đoàn Cô- dắc được Uỷ ban quân sự cách mạng chỉ định đóng giữ.

Các uỷ viên trong Cơ- rúc Quân khu không còn có quyền hành nữa kể từ ngày 15 tháng Giêng năm nay.

Triệt hồi tất cả các lực lượng cảnh sát do chính quyền quân khu phái tới các vùng mỏ và các nhà máy trong khu vực sông Đông.

Công bố trong toàn Quân khu sông Đông cho các trấn và các thôn biết về việc chính quyền quân khu tự nguyện từ bỏ quyền lực của mình vì mục đích tránh đổ máu và về việc lập tức chuyển giao chính quyền của Uỷ ban quân sự cách mạng Cô- dắc quân khu, trước khi thành lập trong quân khu chính quyền lao động chính thực của toàn thể nhân dân”.

Krivoslykov vừa dứt lời, Kaledin đã lớn tiếng hỏi:

– Có những đơn vị nào uỷ quyền cho các ngài?

Pochenkov đưa mắt cho Krivoslykov rồi bắt đầu kể như tự mình tính lại cho mình nghe:

– Trung đoàn Ngự lâm Atamansky, trung đoàn Ngự lâm Kadatri, đại đội pháo số sáu, trung đoàn Bốn mươi tư, đại đội pháo Ba mươi hai, hai đội độc lập Mười bốn… – Anh vừa đếm vừa ấn những ngói tay xuống bàn tay trái. Trong phòng có tiếng xì xào và tiếng cười mỉa mai. Pochenkov cau mày đặt hai bàn tay đầy lông đỏ lên bàn, cất cao giọng:

– Trung đoàn Hai mươi tám, đại đội pháo Mười hai, trung đoàn Mười hai…

– Trung đoàn Hai mươi chín, – Laguchin khẽ nhắc.

– Trung đoàn Hai mươi chín, – Pochenkov kể tiếp, giọng lúc nầy đã vững vàng hơn và to hơn. – Đại đội pháo Mười ba, đội cảnh bị địa phương Kamenskaia, trung đoàn Mười, trung đoàn Hai mươi bảy, tiểu đoàn khinh binh số hai, trung đoàn dự bị số hai, trung đoàn Tám, trung đoàn Mười bốn.

Sau vài câu hỏi chẳng có nghĩa lý và vài ý kiến trao đổi ngắn ngủi. Kaledin tì ngực lên cạnh bàn, nhìn chằm chằm vào Pochenkov và hỏi:

– Các ngài có công nhận chính quyền của Xô viết các uỷ viên nhân dân không?

Pochenkov uống cạn cốc nước, đặt lại bình nước lên khay, đưa tay áo lên chùi ria rồi tránh trả lời thẳng:

– Chỉ toàn thể nhân dân mới có thể nói điều đó.

Krivoslykov sợ Pochenkov thực thà quá nói lỡ lời bèn phát biểu:

– Người Cô- dắc không thể chịu đựng một tổ chức trong đó có những đại biểu của “Đảng tự do nhân dân” 2 Chúng tôi là người Cô- dắc, nên chính quyền vùng chúng tôi phải là của chúng tôi, của người Cô- dắc.

– Làm thế nào hiểu được các ngài một khi đứng đầu Xô viết lại có bọn Bolsevich cùng những kẻ tương tự như họ?

– Nước Nga đã tín nhiệm họ thì chúng tôi cũng tín nhiệm họ?

– Sau nầy các ngài có đặt quan hệ với họ không?

– Có.

Pochenkov “Hừm” một tiếng ra vẻ đồng ý rồi ủng hộ Krivoslykov:

– Chúng tôi không nhìn vào những cá nhân, chúng tôi nhìn vào tư tưởng.

Một tên uỷ viên chính quyền quân khu hỏi một câu ngây ngô:

– Xô viết các uỷ viên nhân dân có làm việc vì lợi ích của nhân dân hay không?

Pochenkov đưa mắt nhìn hắn có vẻ thăm dò. Anh mỉm cười, với lấy cái bình, rót nước và uống cạn cốc nước một cách thèm khát. Anh đang khát khổ khát sở, nên có vẻ như muốn đổ chất nước trong vắt lên ngọn lửa rất to cháy bỏng trong lòng mình.

Kaledin khẽ gõ những ngón tay lên bàn, dò hỏi:

– Các ngài có những điểm gì chung giống với người Bolsevich.

– Chúng tôi muốn lập nên ở quê nhà, ở quân khu sông Động một chính quyền tự trị của người Cô- dắc.

– Phải, nhưng có lẽ các ngài cũng biết rằng ngày mồng bốn tháng Hai nầy sẽ triệu tập Cơ- rúc quân khu. Các uỷ viên Cơ- rúc sẽ được bầu lại. Các ngài có tán thành hai bên kiểm soát lẫn nhau không?

– Không! – Pochenkov đang cúi nhìn xuống, chợt ngước mắt lên trả lời kiên quyết – Vì các ngài là thiểu số cho nên chúng tôi bắt các ngài phải phục tùng ý muốn của chúng tôi.

– Nhưng như thế là cưỡng bức!

– Phải!

Bogaevsky chuyển tầm mắt từ chỗ Pochenkov sang Krivoslykov, hỏi:

– Các ngài có công nhận Cơ- rúc quân khu không?

– Còn chờ xem tình hình ra sao đã? – Pochenkov nhún cặp vai rất rộng. – Uỷ ban quân sự cách mạng quân khu sẽ triệu tập đại hội đại biểu nhân dân. Đại hội sẽ làm việc dưới sự kiểm soát của tất cả các đơn vị quân đội. Nếu đại hội không làm chúng tôi thoả mãn, chúng tôi sẽ không công nhận đại hội.

– Vậy thì ai sẽ là trọng tài? – Kaledin giương cao hai hàng lông mày.

– Nhân dân! – Pochenkov kiêu hãnh ngửng đầu ra sau, cái áo da sát vào chỗ ghế trạm trổ kêu loạt soạt.

Cuộc đàm phán tạm nghỉ vài phút, sau đó Kaledin bắt đầu nói.

Mọi tiếng động trong phòng đều lắng đi, và cái giọng trầm đục như bầu trời mùa thu của tên ataman vang lên rành rọt trong bầu không khí lặng lờ.

– Chính phủ không thể chiều theo yêu cầu của Uỷ ban quân sự cách mạng mà từ chức được. Một Chính phủ chân chính đã được toàn thể nhân dân vùng sông Đông bầu ra và chỉ Chính phủ đó, chứ không phải một số đơn vị riêng lẻ, có thể yêu cầu tôi từ bỏ chức quyền. Các ngài chịu ảnh hưởng của sự tuyên truyền tội ác của bọn Bolsevich, những kẻ muốn quân khu phục tùng trật tự của chúng, nên các ngài chỉ là công cụ mù quáng trong tay bọn Bolsevich. Các ngài đang thực hiện ý muốn của những kẻ làm đầy tớ cho quân Đức mà không nhận thấy trách nhiệm tày đình mà mình phải gánh trước toàn thể đồng bào Cô- dắc. Tôi khuyên các ngài nên nghĩ cho kỹ vì các ngài đang đem lại một tai hoạ chưa từng thấy cho quê hương thân yêu sau khi đi theo con đường xa rời Chính phủ, một Chính phủ phản ánh ý chí của toàn thể nhân dân. Tôi cũng chẳng tham quyền cố vị làm gì. Cơ- rúc lớn của quân khu sắp được triệu tập, Cơ- rúc sẽ quyết định vận mệnh của biên khu. Nhưng cho tới khi Cơ- rúc được triệu tập tôi vẫn phải ở lại cương vị mình. Lần cuối cùng tôi khuyên các ngài hãy tỉnh ngộ.

Sau Kaledin đến lượt vài tên uỷ viên Chính phủ thuộc những đơn vị Cô- dắc và đơn vị ở nơi khác đến lên phát biểu ý kiến. Tên Đảng viên Đảng xã hội cách mạng Bose dội lên đầu các uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng một bài phát biểu tràng giang đại hải trong đó xen lẫn những lời kêu gọi đường mật.

Laguchin quát lên ngắt lời hắn:

– Yêu sách của chúng tôi là các ngài hãy chuyển giao chính quyền cho Uỷ ban quân sự cách mạng. Nếu Chính phủ quân khu chủ trương giải quyết vấn đề một cách hoà bình thì chẳng cần phải chờ đợi làm gì nữa.

Bogaevsky mỉm cười:

– Như vậy nghĩa là làm sao?

– Phải công bố cho toàn thể nhân dân biết rằng chính quyền đã được chuyển giao cho Uỷ ban quân sự cách mạng. Chờ hai tuần lễ nữa, đến khi cái Cơ- rúc của các ngài được triệu tập thì không thể được! Nhân dân đã phẫn nộ lên đến cổ rồi.

Kariev lúng búng mãi một chuỗi những lời không đâu, Svetozarov thì cố tìm ra một phương án thoả hiệp không sao thực hiện được.

Nghe chúng nói, Pochenkov tức sôi lên. Anh đưa nhanh mắt nhìn anh em một lượt. Thấy Laguchin nhăn nhó, mặt tái đi, Krivoslyukov thì dán mắt xuống mặt bàn, còn Golovachev thì như nóng lòng muốn nói câu gì. Krivoslykov chờ đúng lúc bèn khẽ bảo: “Cậu nói đi”.

Pochenkov tựa như chỉ chờ câu nói đó. Anh đẩy chiếc ghế dựa ra sau, nói bằng một giọng gắng gượng, cảm động quá đâm ra lắp bắp, vừa nói vừa cố tìm những lời thuyết phục thật nặng đồng cân, đập tan được luận điệu của đối phương.

– Các ngài nói không đúng chút nào cả? Nếu chính quyền quân khu được tín nhiệm thì tôi sẽ vui lòng rút lui các yêu sách của tôi ngay… nhưng nhân dân có tín nhiệm đâu! Kẻ gây ra nội chiến không phải là chúng tôi, mà là các ngài! Tại sao các ngài lại cho những tên lưu vong đủ mọi kiểu đến nương náu trên đất Cô- dắc? Chính vì thế người Bolsevich mới đến chiến đấu trên sông Đông êm đềm của chúng ta. Tôi không chịu khuất phục các ngài đâu? Tôi không cho phép làm như thế đâu! Người ta sẽ phải dẫm qua xác tôi! Chúng tôi đem những sự thật ra cho các ngài thấy đấy? Những biện pháp gì đang được áp dụng đối với các đơn vị muốn phục tùng các ngà? À, tình hình là như thế đấy! Các ngài tung những tên quân tình nguyện của các ngài đi trấn áp những người thợ mỏ làm gì? Làm như thế các ngài chỉ đem điều ác đi reo rắc khắp các nơi? Các ngài hãy nói cho tôi hay: ai đảm bảo được rằng Chính phủ quân khu sẽ đứng ngoài nội chiến? Các ngài không thể nào giấu được đâu. Còn nhân dân và anh em Cô- dắc ở mặt trận về thì đều đứng về phía chúng tôi!

Tiếng cười lan ra trong phòng như tiến gió xào xạc. Vẳng có những tiếng hô phản đối Pochenkov. Pochenkov quay khuôn mặt đổ bừng về phía đó quát lên, không cần che giấu niềm phẫn nộ và chua xót của mình nữa.

– Bây giờ các người cứ cười đi, nhưng rồi sau sẽ được khóc! – Anh nói xong quay lại nhìn Kaledin ánh mắt tóe ra như đạn ghém – Chúng tôi yêu cầu chuyển giao chính quyền cho chúng tôi là những người đại biểu của nhân dân lao động, và tống cổ hết bọn tư sản cùng quân đội tình nguyện đi! Cả cái Chính phủ của ngài cũng phải cút đi!

Kaledin cúi đầu xuống, cứ chỉ đầy vẻ mệt mỏi.

– Tôi không có ý định rời khỏi Novocherkask và sẽ không bỏ đi đâu.

Sau một thời gian nghỉ ngắn ngủi, buổi họp lại tiếp tục với lời phát biểu sôi nổi của Melnikov:

– Các chi đội Xích vệ đang đột nhập vào vùng sông Đông để tiêu diệt người Cô- dắc! Chúng đang làm cho nước Nga bị diệt vong với cái thể chế điên cuồng rồ dại của chúng và nay đang muốn đưa quân khu chúng ta đến chỗ diệt vong nốt. Lịch sử chưa từng thấy có trường hợp nào một nhóm lưu manh mạo hiểm mạo danh có thể quản lý đất nước một cách sáng suốt và đem lại lợi ích cho nhân dân. Nước Nga sẽ mở mắt ra và sẽ tống cổ cái bọn khố rách áo ôm ấy đi! Thế mà các ngài lại mù quáng trước sự cuồng ngộ của chúng nó, lại muốn đoạt lấy chính quyền trong tay chúng tôi để mở rộng cửa rước lấy bọn Bolsevich vào nhà? Không thể được?

– Các ngài hãy chuyển giao chính quyền cho Uỷ ban quân sự cách mạng, Xích vệ sẽ đình chỉ ngay cuộc tấn công… – Pochenkov nói xen vào.

Được Kaledin cho phép, tên thượng uý Sein từ trong đám công chúng bước ra. Hắn vốn là một tên lính trơn leo lên đế cấp thượng uý và đã được thưởng tất cả bốn hạng huân chương thánh Gioóc. Hắn sửa lại các nếp áo quân phục như sắp sửa tham gia duyệt binh, rồi lập tức tuôn ra một tràng:

– Các ngài đồng hương, các ngài nghe bọn nầy làm gì? – Hắn kêu lên, giọng cao như ra lệnh, bàn tay chém xuống như lưỡi gươm. – Chúng ta không đi cùng được với bọn Bolsevich? Chỉ những kẻ phản bội sông Đông, phản bội đồng bào Cô- dắc mới có thể mở miệng đòi trao chính quyền cho Xô viết và kêu gọi người Cô- dắc đi theo Bolsevich? – Rồi hắn ngả hẳn người về phía trước, chỉ thẳng vào Pochenkov và quát lên với anh – Pochenkov, chẳng nhẽ ngài nghĩ rằng sông Đông sẽ đi theo ngài, đi theo một thằng Cô- dắc ngu dốt vô học hay sao? Nếu có kẻ nào đi theo thì cũng chỉ là một nhóm Cô- dắc vô liêm sỉ, mất gốc! Nhưng anh bạn ơi, rồi chúng nó cũng sẽ tỉnh ngộ và treo cổ anh lên thôi.

Đám đầu người trong phòng bắt đầu ngật ngưỡng như những đoá hướng dương dưới gió. Rào rào có những tiếng hô đồng tình. Sein ngồi xuống, một tên sĩ quan cao lớn đeo lon trưng tá, mặc chiếc áo lông ngắn xếp nếp, từ phía sau vỗ vai hắn tỏ ý tán thành. Một nhóm sĩ quan đứng chen chúc gần đấy. Một giọng đàn bà như điên như ngộ gào lên quàng quạc với một vẻ hết sức cảm động.

– Cám ơn, Sein! Cám ơn!

– Hoan hô đại uý Sein! Hết sức hoan hô! – một gã đi xem hát chuyên ngồi “chuồng gà” tự nhiên phong thêm cho tên thượng uý Sein một cấp, giọng gã trầm nhưng non choẹt như tiếng con gà giò, nghe cứ như giọng một học sinh trung học.

Giờ lâu vài tên hùng biện liếm gót chính quyền sông Đông còn cố làm mê muội đầu óc mấy ngài Cô- dắc uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng mới được bầu ra ở Kamenskaia. Không khí trong phòng xanh xanh xám xám, mù mịt những khói, ngột ngạt. Bên ngoài mấy khung cửa sổ, mặt trời đã đi hết chặng đường ngày hôm đó. Những cành tùng đẫm sương muối vươn sát tới những vuông kính cửa sổ.

Những người ngồi trên các bậu cửa sổ đã nghe thấy tiếng chuông nhà thờ báo giờ nguyện kinh chiều và qua tiếng gió rít có những tiếng còi xe lửa rúc khàn khàn.

Laguchin không nhịn được nữa. Anh ngắt lời một diễn giả của chính quyền quân khu và nói với Kaledin:

– Ngài giải quyết vấn đề đi thôi, đã đến lúc kết thúc rồi đây!

Bogaevsky nói khe khẽ, trêu tức Laguchin:

– Ngài đừng nên quá xúc động, ngài Laguchin! Có nước đây nầy. Đối với một người làm chủ gia đình mà thể trạng dễ mắc chứng bại liệt thì xúc động là điều tai hại lắm đấy. Hơn nữa dù sao ngài cũng không nên ngắt lời một người đang phát biểu, mà đây có phải là một Xô viết đại biểu công nhân binh sĩ nào đó đâu.

Laguchin cũng đập lại lão vài câu nhưng sự chú ý của mọi người đã tập trung vào Kaledin. Tên nầy vẫn vững vàng chơi ván cờ chính trị như từ đầu, nhưng vẫn cứ húc đầu phải những câu trả lời giản dị nhưng kín mít như áo giáp của Pochenkov.

– Ngài nói rằng, nếu chúng tôi chuyển giao chính quyền cho các ngài thì người Bolsevich sẽ đình chỉ cuộc tấn công của họ vào vùng sông Đông. Nhưng đó chỉ là các ngài tưởng thế thôi. Còn chuyện quân Bolsevich tiến tới sông Đông sẽ hành động như thế nào thì chúng tôi đâu có biết.

– Uỷ ban tin tưởng rằng người Bolsevich sẽ chứng thực lời tôi nói. Ngài cứ thử mà xem, hãy trao chính quyền cho chúng tôi, hãy tống cổ những tên quân tình nguyện ra khỏi vùng sông Đông, rồi ngài sẽ thấy người Bolsevich chấm dứt chiến tranh ngay.

Một lúc sau, Kaledin đứng dậy. Câu trả lời của hắn đã được chuẩn bị từ trước: Chernechev đã nhận được lệnh tập trung một chi đội để tấn công vào nhà Likhaya. Nhưng Kaledin đã dùng kế hoãn binh và kết thúc cuộc họp như sau để dành thêm thời gian:

– Chính phủ sông Đông sẽ thảo luận về kiến nghị của Uỷ ban quân sự cách mạng và mười giờ sáng mai sẽ trả lời bằng giấy tờ.

— —— —— —— ——-

1 Theo phong tục người Nga, nếu có khách qúí đến thì đem bánh mì và muối ra đón (ND).

2 “Đảng tự do nhân dân ” là tên gọi chính đảng phản cách mạng của bọn dân chỗ lập hiến (Lời chú của bản tiếng Nga).

Chọn tập
Bình luận
× sticky