Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 138

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Mặt trận đã tràn qua. Những tiếng ầm ầm của những ngày chiến đấu đã lặng đi. Hôm cuối cùng, trước khi kéo đi, mấy chàng súng máy của trung đoàn kỵ binh 13 đã lấy chiếc máy hát của nhà Melekhov đặt lên chiếc xe trượt tuyết kiểu Tavria có cái lưng rất rộng, rồi cho hai con ngựa chạy rất lâu qua các phố trong thôn. Cái máy hát kêu rè rè, chốc chốc lại ho khạc lên (những đám tuyết nhỏ bắn tung ra từ dưới vó ngựa có khi bay cả vào cái loa to tướng). Với vẻ mặt hoàn toàn vô tư lự, một chiến sĩ súng máy đội chiếc mũ có tai kiểu Xibai lau sạch cái loa rồi quay cái tay quay chạm trổ lên giây cót cho cái máy hát, động tác làm chắc chắn vững vàng như khi nắm lấy cái tay cầm của khẩu súng máy. Một bầy trẻ chạy ríu rít sau chiếc xe như một đàn chim sẻ. Chúng nắm lấy thanh gỗ ngang sau xe gào lên: “Chú ơi chú, chú vặn cái ấy đi, vặn cái gì nó kêu như huýt sáo ấy! Vặn đi chú!” Có hai đứa may mắn nhất được leo lên ngồi trên đầu gối của chàng súng máy. Cứ mỗi lúc nghỉ tay không phải lên dây cót, người chiến sĩ Hồng quân lại lấy chiếc găng tay không có ngón ân cần và nghiêm trang chùi cho thằng nhỏ hơn cái mũi bợt da, nước mũi chảy ròng ròng vì tiết trời rét ngọt và niềm hạnh phúc quá lớn.

Sau đó có tin chiến sự đang diễn ra gần Ust- Metretka. Thỉnh thoảng có những đoàn xe vận tải kéo qua thôn Tatarsky chở lương thực và đạn dược cho Tập đoàn quân số 8 và Tập đoàn quân số 9 của Hồng quân.

Đến ngày thứ ba thì có những người chạy tin đến từng hộ gọi dân Cô- dắc ra họp đại hội toàn thôn.

– Chúng ta sẽ bầu Krasnov làm ataman! – Gã Anchiv con lão “Vua nói phét” vừa bước trong sân nhà Melekhov ra vừa nói.

– Chúng ta sẽ bầu lên hay ở trên chỉ định cho chúng ta? – Ông Panteley Prokofievich vội hỏi.

– Ra ngoài kia rồi sẽ biết…

Grigori và Petro ra bãi họp. Tất cả bọn Cô- dắc còn trẻ đều ra hết. Bọn bô lão không có mặt. Chỉ một mình lão Apdevich “Vua nói phét” tụ tập một bọn thích nghe chuyện tếu, lão kể chuyện một chính uỷ Hồng quân ở nhờ nhà lão, đã mời lão, Apdevich nầy, gánh trọng trách chỉ huy.

– Anh chàng ấy bảo: “Tôi không được biết bố già là một ngài quản cựu trào, nếu không đã rất sung sướng rời bố già ra nhận một chức vụ”. Chức vụ gì thế? Làm thủ trưởng à, cử đi đâu thế? – Miska Kosevoi nhe răng ra cười.

Anh được mọi người vui vẻ hùa theo:

– Thủ trưởng phụ trách con ngựa cái của ngài chính uỷ. Chuyên rửa cái chỗ khấu đuôi cho nó.

– Cứ cho lão lên cao thêm một chút?

– Hô- hô!

– Apdevich! Nghe đây nầy! Hắn muốn cho ông vào đội vận tải tuyến ba để quản lý tương cà mắm muối đấy.

– Các cậu không được rõ toàn bộ sự việc đâu… Trong khi ngài chính uỷ nói chuyện với lão ông thì thằng cần vụ của ngài chính uỷ dấm dớ với lão bà. Nó sờ nắn lão bà lung tung, còn lão ông Apdevich cứ đứng đực ra nghe, nước rãi, nước mũi ròng ròng…

Apdevich đưa cặp mắt đờ đẫn nhìn mọi người một lượt, nuốt nước bọt rồi hỏi:

– Cái câu vừa rồi thằng nào nói đấy hử?

– Thằng nầy đây! – Phía sau có một câu trả lời rất cứng cỏi.

– Các anh đã trông thấy một thằng chó đẻ như thế nầy bao giờ chưa? – Lão Apdevich quay nhìn chung quanh tìm người đồng tình với mình, và xem ra có rất nhiều gã đồng tình với lão.

– Nó là một thằng khốn nạn, từ lâu tôi đã nói như thế rồi.

– Dòng giống nhà nó đứa nào cũng như thế cả đấy. Nếu mà tao còn trẻ hơn một chút… – Hai cái má của lão Apdevich đỏ lên như hai chùm tuyết cầu. – Nếu tao còn trẻ hơn thì tao đã cho mầy biết mùi? Hành động của mày đúng là một thằng khô- khon!

– Mày là một thằng lưu manh ở Taranroc! Mày là một thằng khô- khon khốn nạn!

– Nầy ông Apdevich, sao ông không giã cho nó một trận đi! So với ông thì nó chỉ là một thằng ranh con.

– Apdevich xem ra gãy rồi…

– Lão sợ găng quá sẽ bung rốn ra…

Lão Apdevich bỏ đi với một vẻ rất oai hùng, mọi người cười rộ lên phía sau. Bọn Cô- dắc đứng túm năm tụm ba trên bãi. Đã lâu lắm không trông thấy mặt Miska Kosevoi, Grigori bèn bước tới.

– Có khỏe không, anh bạn đồng ngũ!

– Ơn Chúa.

– Dạo vừa qua cậu biến đi đâu thế? Đi lính dưới lá cờ nào thế? – Grigori vừa bắt tay Miska, vừa mỉm cười nhìn vào hai con mắt xanh da trời của Miska.

– Ái chà chà! Người anh em ạ, mình hết ở trại chăn nuôi lại về đại đội trùng giới ở mặt trận Kalatov. Chẳng thiếu nơi nào không qua? Vượt bao nhiêu gian nan mới về được tới nhà. Hồi ở mặt trận, mình đã muốn chuồn sang phía Hồng quân. Nhưng chúng nó theo dõi mình riết, bà mẹ theo rình cô con gái rượu không bằng. Hôm nọ Kotliarov lại nhà mình với cái áo choàng bằng dạ và tất cả những đồ đi đường. Anh ấy bảo: “Nầy, súng ống sẵn sàng rồi chuồn đi”. Mình cùng vừa về tới nơi bèn hỏi: “Chẳng lẽ anh muốn rút lui hay sao?” Anh ấy nhún vai và bảo: “Có lệnh đấy. Đã có lệnh của ataman gửi tới. Mình làm việc ở nhà máy xay nen bị chúng nó đăng ký rồi”. Anh ấy từ biệt rồi bỏ đi. Mình cứ ngỡ là Kotliarov rút lui thật. Nhưng hôm sau trung đoàn Mchensky kéo qua thôn, nhìn ra đã lại thấy ông ấy rồi… Nhưng chẳng phải là Kotliarov đang chạy rối lên ở chỗ kia là gì! Ơi, anh Kotliarov?

Cùng bước tới với Kotliarov có cả anh thợ máy xay Davydka.

Davydka nhe hai hàm răng đầy nước bọt ra cười như thằng ngốc bắt được mẩu sắt vụn… Kotliarov đưa những ngón tay cồm cộm những chai nặc mùi mỡ máy nắn nắn bàn tay của Grigori rồi tặc lưỡi nói:

– Thế nào, Griska, tại sao cậu ở lại thế?

– Còn anh thì sao?

– À mình ấy à… Mình lại chuyện khác.

– Anh muốn nói đến cái chuyện tôi là sĩ quan chứ gì? Tôi đã đánh liều! Cứ ở lại. Thiếu chút nữa bị chúng nó giết rồi đấy… Lúc bị chúng nó đuổi theo, bị chúng nó bắn, tôi cũng có hối là tại sao không bỏ đi, nhưng bây giờ không hối nữa rồi.

– Nhưng vì sao lại dính vào với chúng nó? Chúng nó ở trung đoàn Mười ba phải không?

– Chính bọn ấy đấy. Mọi người đang liên hoan ở nhà Anikey. Không biết có đứa nào báo tôi là sĩ quan. Petro không bị chúng nó động đến, nhưng tôi lại bị… Trăm tội cũng chỉ tại hai cái lon… Tôi đã chạy sang bên kia sông Đông, sau khi vặn tay một thằng tóc xoăn, có lẽ chỗ gãy kha khá đấy… Vì thế chúng nó đến nhà tôi, của tôi có gì chúng nó lấy sạch. Cả mấy cái quần đi ngựa lẫn áo bành tô dạ có đai. Đeo được cái gì trên mình thì còn cái nấy.

– Nếu trước khi xảy ra chuyện Pochenkov mà chúng mình đã đi với Hồng quân, thì bây giờ đã chẳng phải hấp háy con mắt trước mặt họ. – Kotliarov mỉm cười chua chát, châm thuốc hút.

Mọi người đã đến đông đủ. Người nói những lời khai mạc đại hội là chuẩn uý Lavchenko, một tay bạn chiến đấu của Fomin từ Vosenskaia tới.

– Thưa bà con đồng hương! Chính quyền Xô- viết đã được thành lập trong quân khu chúng ta. Bây giờ cần phải tồ chức bộ máy hành chính bầu ra ban chấp hành, chủ tịch và phó chủ tịch. Đó là một vấn đề Ngoài ra tôi xin truyền đạt một mệnh lệnh của Xô- viết Quân khu, cũng ngắn thôi: nộp tất cả các súng ống và gươm đao.

– Hay nhỉ! – Có người ở phía sau nói bằng một giọng chua chát, rồi toàn hội trường chết lặng đi giờ lâu.

– Các đồng chí, trong việc nầy chẳng có gì đáng phải la lối lên như thế? Lavchenko dướn thẳng người đặt chiếc mũ lông xuống bàn.

– Vũ khí thì phải đem nộp, cũng dễ hiểu thôi, làm ăn ở nhà thì cần gì đến. Ai muốn đi bảo vệ chính quyền Xô- viết thì người đó sẽ được trao vũ khí. Trong hạn ba ngày, tất cả các súng trường phải đem nộp hết. Bây giờ chúng ta bắt tay vào bầu cử. Tôi sẽ uỷ quyền cho đồng chí chủ tịch thông báo mệnh lệnh tới từng người, thu hồi con dấu của ataman cùng tất cả các món tiền công của thôn.

– Họ có phát vũ khí cho chúng ta đâu mà bây giờ lại rờ đến?

Người vừa hỏi còn chưa nói hết câu, tất cả những người khác đã quay lại nhìn. Người ấy là Dakha Korolev.

– Thế cậu cần đến vũ khí làm gì? – Khristonhia hỏi một câu đơn giản.

– Mình cũng chẳng cần làm gì: Nhưng không có sự thoả thuận rằng chúng ta để cho Hồng quân tiến qua khu của chúng ta để rồi họ tước vũ khí của chúng ta.

– Đúng đấy?

– Fomin đã nói ở cuộc mít- tinh!

– Những thanh gươm nầy là chúng ta bỏ tiền túi ra mua đấy chứ?

– Mình đã mang khẩu súng của mình trở về sau cuộc chiến tranh với Đức bây giờ lại phải đem nộp hay sao?

– Cứ nói dứt khoát là vũ khí thì chúng ta không nộp?

– Họ định lột trần người Cô- dắc chúng ta! Không có vũ khí thì nom cái thằng tôi còn ra cái thớ gì nữa? Bảo tôi sẽ đi đứng như thế nào bây giờ? Tôi mà không có vũ khí thì nom sẽ tồng ngồng như một đàn bà tốc váy thôi.

– Chúng ta sẽ giữ vũ khí lại.

Miska Kosevoi đàng hoàng xin phát biểu ý kiến:

– Xin các đồng chí cho phép tôi nói vài câu! Tôi thậm chí rất ngạc nhiên khi nghe thấy những lời như vừa nãy. Thử hỏi chúng ta có đang sống trong tình trạng giới nghiêm hay không?

– Còn tệ hơn giới nghiêm nữa là khác.

– Nếu đã là tình trạng giới nghiêm thì chẳng cần phải nói dài dòng làm gì. Lấy ra đem nộp đi thôi! Những khi chiếm đóng các làng khô- khon, chẳng phải chúng ta cũng làm như thế là gì?

Lavchenko vuốt vuốt cái mũ lông của anh ta rồi tuyên bố như đinh đóng cột:

– Quá hạn ba ngày, ai không nộp vũ khí sẽ bị giải lên toà án cách mạng và bị xử bắn như một phần tử phản cách mạng.

Sau mấy phút yên lặng, Tomilin húng hắng ho và nói giọng khàn khàn:

– Đề nghị bầu chính quyền đi thôi!

Mọi người bắt đầu đề cử. Khoảng chục người được nêu tên họ.

Một gã trong đám còn trẻ kêu lên:

– Apdevich!

Những lời pha trò ấy đã chẳng gây được tác dụng gì cả. Người đầu tiên được nêu lên để biểu quyết là Kotliarov. Mọi người nhất trí thông qua.

– Không cần phải biểu quyết thêm nữa, – Petro Melekhov đề nghị.

Đại hội sẵn sàng tán thành và Miska Kosevoi đã được chọn làm phó chủ tịch không cần thông qua biểu quyết.

Hai anh em nhà Melekhov chưa kịp về đến nhà đã gặp Anikey ở giữa đường. Anikey kẹp dưới nách hắn khẩu súng trường và những viên đạn bọc trong cái tạp dề của vợ. Nhìn thấy ba anh chàng Cô- dắc, hắn ngượng ngùng lẩn vào một cái ngõ, Petro đưa mắt nhìn Grigori, Grigori đưa mắt nhìn Khristonhia, và cả ba cùng phá lên cười như đã ước hẹn.

Chọn tập
Bình luận