Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 75

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Toa xe nhẹ nhàng đung đưa, bánh xe lạch xạch như ru ngủ. Ngọn đèn chiếu một khoảng ánh sáng vàng vàng tới nửa chiếc ghế dài.

Thật là thống khoái khi được nằm thẳng thoải mái, hai chân được tháo ủng, hoàn toàn tự do sau hai tuần liên tiếp bị hấp hơi trong ủng, không cảm thấy rằng trên vai mình còn có nhiệm vụ gì nữa, đồng thời biết rằng tính mạng mình không bị một điều gì nguy hiểm đe doạ, và cái chết đang ở rất xa. Điều đặc biệt thú vị là lắng nghe tiếng bánh xe lạch xạch chẳng ăn khớp nhau chút nào, vì sau mỗi lần bánh xe quay một vòng, sau mỗi lần đầu máy giật một cái, mặt trận lại xa thêm một chút. Và Grigori nằm yên lắng nghe, mười ngón chân không giày không ủng tha hồ ngọ nguậy, khắp người nhẹ nhàng sung sướng trong bộ đồ lót sạch, mới thay hôm nay. Chàng có cảm giác như mình vừa được lột được xác bẩn thỉu, bắt đầu bước vào một cuộc sống khác hẳn, sạch sẽ, không bị vấy bẩn.

Niềm vui lặng lẽ, thanh thản đó chỉ bị đứt quãng những lúc con mắt bên trái đau nhói. Cái đau khi thì lắng đi, khi thì bất thình lình quay trở lại, làm con mắt như bị lửa đốt, nước mắt bất giác chảy ra dưới lớp băng. Ở nhà thương Kamenka- Strumilovo có một bác sĩ Do Thái còn trẻ khám mắt cho Grigori, rồi viết không biết những gì trên một mẩu giấy.

– Phải đưa anh về hậu phương mới được. Con mắt có chuyện khá phiền đấy.

– Tôi có chột mất mắt không?

– Sao vậy, cái anh nầy, – Người bác sĩ nhận thấy vẻ kinh hoàng không giấu giếm trong giọng nói, bèn dịu dàng mỉm cười, – anh cần được chữa chạy, có lẽ sẽ phải mổ. Chúng tôi sẽ chuyển anh về thật xa trong hậu phương, về Petrograd hay Moskva chẳng hạn.

– Rất cám ơn bác sĩ.

– Anh đừng lo, con mắt sẽ còn giữ được. – Người bác sĩ vỗ vai Grigori, dúi mẩu giấy vào tay chàng, rồi khẽ đẩy chàng ra hành lang. Sau đó anh ta xắn tay áo, sửa soạn vào mổ.

Sau rất nhiều chuyện phiền phức khổ sở, Grigori mới lên được đoàn xe lửa quân y. Chàng nằm một ngày một đêm, tận hưởng cái thú được yên tĩnh. Chiếc đầu máy cổ lỗ và nhỏ bé đem hết sức lực còn lại kéo đoàn tầu gồm rất nhiều toa. Đã gần tới Moskva.

Đoàn tàu tới nơi ban đêm. Những người bị thương nặng được cáng. Những ai có thể đi được không cần người đỡ tự ra đầu toa xe sau khi đã đăng ký. Viên bác sĩ đi cùng đoàn tàu dựa theo danh sách gọi tên Grigori rồi chỉ vào chàng và nói với một người nữ y tá:

– Nhà thương chữa mắt của bác sĩ Suegirov? Ngõ Konpatnyi.

– Anh có mang theo hành lý đấy chứ? – Người nữ y tá hỏi.

– Một anh chàng Cô- dắc thì làm gì có hành lý? Độc chiếc túi- dết và cái ca- pôt nầy thôi.

– Ta đi đi.

Người nữ y tá vừa bước đi vừa nhét lại món tóc dưới cái mũ bịt đầu, cái áo dài kêu loạt soạt. Grigori chập chững bước theo. Hai người đi xe ngựa. Những tiếng động trong một đô thị lớn dã ngủ thiếp, tiếng chuông xe điện, ánh đèn điện lấp lánh xanh xanh tất cả tác động tới Grigori như đè nén chàng. Chàng ngả lưng ra chiếc ghế của chiếc xe ngựa nhẹ bốn bánh, chăm chú nhìn những dãy phố đêm rồi mà còn đông nghịt. Hơi ấm ngây ngất của một cơ thể đàn bà ở ngay bên cạnh gây cho chàng một cảm xúc rất lạ. Moskva đã nặc hơi thu: lá những cái cây hai bên các đường cây dưới ánh những ngọn đèn phản chiếu một màu vàng nhợt. Trời đêm lành lạnh. Các tấm đá lát hè phố nhấp nhoáng ánh nước. Các ngôi sao trên đường chân trời sáng sủa toả ra thứ ánh sáng lạnh lẽo của sao mùa thu.

Chiếc xe ngựa chạy từ trung tâm thành phố tới một cái ngõ vắng tanh. Vó ngựa đập lộp cộp trên đá trải đường, người đánh xe mặc chiếc áo xanh tương tự như kiểu áo nỉ của các cha cố, ngồi ngất ngưởng trên chiếc ghế đánh xe, vung những đầu dây cương đánh con ngựa gầy yếu. Ở ngoại ô không biết chỗ nào có tiếng đầu máy xe lửa rúc còi. “Có lẽ bây giờ có đoàn tàu nào chạy về vùng sông Đông chăng?” – Grigori rũ đầu xuống trong nỗi buồn nhớ nhoi nhói nhự những mũi kim châm.

– Anh ngủ gật đấy à? – Người nữ y tá hỏi.

– Không.

– Chúng ta sắp đến nơi rồi.

– Các vị muốn gì ạ? – Người đánh xe quay lại hỏi.

– Bác cứ cho xe chạy đi.

Sau một dãy hàng rào dài bằng sắt, nước trong một cái ao nhấp nhoáng như dầu, thấp thoáng cái bến nhỏ có lan can với con thuyền buộc ở bến. Hơi ẩm thoảng bốc tới.

“Cả đến nước cũng bị người ta giam hãm sau hàng rào sắt, chẳng bù với sông Đông…”- Grigori có một ý nghĩ mung lung. Lá cây lạo sạo dưới những bánh cao su của chiếc xe ngựa.

Chiếc xe đỗ lại trước một ngôi nhà ba tầng. Grigori sửa lại áo ca- pôt nhảy xuống.

– Đỡ tôi cái – Người y tá khom lưng.

Grigori nắm lấy một bàn tay nhỏ nhắn mềm mại, đỡ người y tá xuống xe.

– Mồ hôi lính trên người anh xông lên khiếp quá, – Người y tá ăn vận khá đẹp khẽ cười rồi bước lên thềm, bấm chuông.

– Cô y tá ạ có lẽ cô nên ra ngoài ấy mà xem, rồi người lại không xông lên một mùi gì nữa ấy à, – Grigori nói hơi có vẻ bực bội.

Người gác ra mở cửa. Hai người leo một cái thang lan can mạ vàng rất đẹp, lên tầng hai. Người nữ y tá lại bấm chuông lần nữa.

Một người đàn bà mặc áo choàng trắng mở cửa cho hai người vào.

Grigori ngồi xuống bên một chiếc bàn tròn nhỏ. Người nữ y tá nói không biết những gì với người đàn bà áo trắng. Người kia ghi ghi chép chép.

Ở cửa các phòng bệnh hai bên đãy hành lang vừa hẹp vừa dài, có những người đeo kính màu khác nhau ngó đầu nhìn ra.

– Anh cởi áo ca- pôt ra – Người đàn bà mặc áo choàng đề nghị.

Một người hộ lý nam, cũng mặc áo trắng, tiếp lấy cái áo ca- pôl trong tay Grigori rồi đưa chàng vào buồng tắm.

– Anh cởi hết quần áo ra.

– Cởi làm gì?

– Phải tắm mới được.

Trong khi Grigori vừa cởi quần áo vừa kinh ngạc nhìn căn phòng với những vuông kính mờ trên các cửa sổ, người hộ lý vặn nước chảy vào thùng tắm, đo nhiệt độ rồi mời chàng ngồi vào.

– Tôi không quen tắm thùng… – Grigori ngượng ngùng đưa một chân đen thui thủi, những lông cùng lá, vào trong thùng tắm.

Người hộ lý giúp chàng tắm rửa cẩn thận, rồi đưa cho chàng vải trải giường, đồ lót, dép đi đêm và một cái áo dài mặc trong nhà màu xám có dây lưng.

– Còn quần áo của tôi? – Grigori ngạc nhiên.

– Anh sẽ mặc các thứ nầy. Quần áo của anh sẽ trả lại cho anh khi nào anh được ra viện.

Ra tới phòng ngoài, Grigori đi qua một cái gương lớn mắc trên tường. Chàng không nhận được ra mình nữa: cao lớn, mặt đen xạm, hai gò má gồ nhọn, má đỏ bừng bừng như màu gạch, áo ngủ có dây lưng, bộ tóc đen với cái mũ chụp lên trên, thật chỉ còn một chút hao hao như anh chàng Grigori xưa kia mà thôi. Ria chàng mọc rậm thêm, một bộ râu tơ loăn xoăn dưới cằm.

“Trong thời gian qua mình đã trẻ hẳn ra” – Grigori mỉm cười gượng gạo.

– Phòng số sáu, cửa thứ ba bên phải – Người hộ lý chỉ cho chàng.

Lúc Grigori bước vào căn phòng rộng quét vôi trắng, một người thầy tu mặc áo ngủ, đeo kính màu lam đứng dậy.

– Láng giềng mới à? Rất sung sướng, thế là đỡ buồn rồi. Tôi từ Daraisk đến đấy, người ấy nói giọng xởi lởi và đẩy cho Grigori chiếc ghế dựa.

Vài phút sau, một người nữ y sĩ có bộ mặt to bè bè khó coi bước vào phòng.

– Melekhov, mời anh ra để chúng tôi khám con mắt của anh. – Người ấy nói bằng một giọng trầm phát ra từ trong ức, rồi lánh sang bên cho Grigori bước ra hành lang.

Chọn tập
Bình luận
× sticky