Cuộc phiến loạn tràn lan như nước triều lên, những tin về cuộc bạo động truyền đi từ bên kia sông Đông, từ vùng thượng lưu, từ khắp nơi khắp chốn. Không chỉ có những khu du mục của hai trấn dấy loạn. Các trấn Sumilinskaia, Kazanskaia, Migulinskaia, Meskovskaia, Vosenskaia, Elanskaia, Ust- Khopesky đều đã dấy loạn. Nhiều đại đội được vội vã tổ chức. Ba trấn Karginskaia, Bokovskaia, Krasnokurskaia rõ ràng đã ngả về phía bọn phiến loạn.
Làn sóng bạo động đe doạ lan cả sang hai quân khu lân cận là Ust- Medvedisky và Khopesky. Các trấn Bukanovskaia, Slasevskaia và Fedorseevskaia đã bắt đầu sôi sục. Ở trấn Alekseevskaia, các thôn tiếp giáp với trấn Vosenskaia đang bị kích động… Là thị trấn đầu quân khu, Vosenskaia đã trở thành trung tâm bạo động. Sau nhiều cuộc tranh cãi và thương lượng dai dẳng, tất cả quyết định giữ lại cơ cấu chính quyền cũ. Những tên Cô- dắc nổi tiếng nhất, phần lớn còn trẻ, được bầu vào Ban chấp hành khu. Danilov, một tên võ quan trong phòng pháo binh, được đặt lên làm Chủ tịch. Các trấn và các thôn đã thành lập những Xô viết, và kể cũng lạ, hai tiếng “đồng chí” trước kia mang tính chất lăng mạ, đến nay vẫn được dùng để xưng hô. Một khẩu hiệu đầy tính chất mị dân đã được đưa ra: “Ủng hộ chính quyền Xô viết nhưng chống cộng sản, chống bắn giết, chống cướp bóc”. Và trên mũ lông của bọn phiến loạn không phải chỉ có một chiếc phù hiệu hay một cái băng trắng mà có hai: trắng và đỏ bắt chéo nhau…
Kudinov Pavel, một tên thiếu uý còn trẻ, mới hai mươi tám, lên nắm chức Tư lệnh liên quân các lực lượng phiến loạn thay Xuiarov.
Tên Kudinov nầy vốn thông minh, mồm mép và đã được thưởng cả bốn hạng huân chương thánh Gioóc. Tính tình hắn đặc biệt nhu nhược vì thế để cho hắn nắm cả một quân khu phiến loạn trong một thời kỳ giông bão như thế nầy thì cũng không hợp, nhưng bọn Cô- dắc lại thích hắn ở cái tính giản dị và hồ hởi. Điều chủ yếu là cái họ Kudinov đã ăn rễ rất sâu trên đất Cô- dắc. Hắn vốn xuất thân Cô- dắc nên không có cái thói kiêu ngạo, tự cao tự đại thường thấy ở lớp sĩ quan mới ngoi lên. Bao giờ hắn cũng ăn mặc xềnh xoàng, tóc để dài, xén tròn đều. Lưng hắn gù gù, giọng nói liến thoắng. Mặt hắn dài, xương xương, tướng mạo nom chẳng khác gì một người mu- gích, chẳng có nét gì đặc biệt.
Thượng uý Xafonov được bầu làm Trưởng phòng tham mưu với lý do duy nhất: hắn là một thằng nhát gan, nhưng chữ viết có hoa tay, học lực khá. Người ta đã nói về hắn như thế nầy tại đại hội: Cứ cho Xafonov làm Trưởng phòng tham mưu đi. Ra đơn vị chiến đấu thì hắn chẳng được tích sự gì đâu. Hắn mà chỉ huy thì tổn thất sẽ nhiều đấy. Không những hắn không gìn giữ được anh em mà chính hắn cũng đi đời nhà ma cho mà xem. Hắn mà đánh đấm thì cũng chẳng khác gì một thằng Di- gan làm cố đạo.
Vóc người nhỏ nhắn, đầu tròn xoe, Xafonov nghe người ta nhận xét về mình như thế chỉ mỉm một nụ cười sung sướng sau hàng ria nửa vàng nửa bạc, và sẵn lòng nhận ngay chức Trưởng phòng tham mưu.
Nhưng Kudinov và Xafonov chỉ hợp thức hoá những việc mà các đại đội đã tự động làm rồi. Trong công việc lãnh đạo, hai tên nầy bị trói chân trói tay, mà thực tế chúng cũng không đủ sức điều khiển một bộ máy to lớn như thế nầy và không thể đuổi kịp bước phát triển vũ bão của các sự việc.
Trung đoàn kỵ binh số Bốn Damursky thu nhận thêm những người Bolsevich ở Ust- Khopeskaia và một phần của trấn Vosenskaia, chiến đấu tiến qua một loạt thôn xóm, tràn tới địa giới trấn Elanskaia rồi vượt đồng cỏ tiến dọc theo sông Đông về phía Tây.
Ngày mồng 5 tháng Ba có một gã Cô- dắc phi ngựa tới thôn Tatarsky mang theo một bản báo cáo. Bọn phiến loạn trấn Elanskaia yêu cầu cấp tốc gửi quân cứu viện. Chúng đã phải rút lui gần như không chống cự vì đạn chẳng có mà súng thì không. Khi chúng nã đì đẹt vài phát súng thảm hại, các chiến sĩ trung đoàn Damursky đã trả lời bằng những trận mưa đạn súng máy và cho hai đại đội pháo giã giò trên đầu chúng. Trong tình hình như thế thì không còn đâu thì giờ chờ lệnh trên khu. Petro Melekhov bèn quyết định xuất kích với hai đại đội của hắn. Hắn nhận quyền chỉ huy cả bốn đại đội của mấy thôn lân cận.
Sáng hôm ấy, hắn đẫn bọn Cô- dắc lên gò. Đầu tiên trinh sát của hai bên chạm trán với nhau như thường lệ rồi sau đó trận chiến đấu mới diễn ra.
Dưới bầu trời mùa đông u ám của ngày hôm ấy, các đại đội kỵ binh xuống ngựa trên tuyết bên cạnh những bờ vách đứng rất sâu trong khe núi Đỏ cách thôn Tatarsky tám vec- xta, nơi Grigori đã cùng Natalia đi cày và lần đầu tiên thú nhận với vợ là không yêu nàng. Các đội hình tản khai tiến vào vị trí. Bọn giữ ngựa dắt ngựa vào những nơi ẩn nấp. Bên dưới, Hồng quân đang tiến ra khỏi một vùng lòng chảo rất rộng, thành ba tuyến chiến đấu. Những hình người đen đen hiện lên trên khoảng đất trũng rất rộng nom chỉ còn là những điểm lấm chấm. Vài chiếc xe vận tải chạy tới gần ba đội hình tản khai. Những chiến sĩ kỵ binh làm tuyết bắn tung lên mù mịt. Vì còn cách quân địch đến hai vec- xta, quân Cô- dắc từ từ chuẩn bị chiến đấu.
Trên lưng ngựa con béo căng, đã hơi đổ mồ hôi, Petro rời khỏi chỗ mấy đại đội của trấn Elanskaia lúc nầy đã triển khai xong, phi tới trước mặt Grigori, coi bộ rất vui vẻ hoạt bát:
– Các anh em ạ! Nhớ tiết kiệm đạn đấy! Bao giờ có lệnh của tôi hãy nổ súng… Grigori, đưa đại đội của mày sang bên trái chừng năm xa- gien đi. Quàng lên một chút! Đừng cho bọn coi ngựa đứng tụm vào một chỗ đấy! – Hắn ra thêm vài cái lệnh cuối cùng rồi lấy ống nhòm ra quan sát. – Có lẽ chúng nó bố trí một đại pháo ở nấm kurgan Madveev phải không?
– Tôi đã nhận thấy từ lâu rồi, không cần ống nhòm cũng nhìn thấy được Grigori cầm lấy cái ống nhòm từ tay Petro để quan sát. Đằng sau nấm kurgan với những luồng gió xoáy trên ngọn, thấy đen đen vài chiếc xe vận tải, loáng thoáng những hình người nhỏ xíu.
Đại đội pháo binh thôn Tatarsky mà kỵ binh gọi đùa là “bò binh, đã nhận được lệnh nghiêm cấm tụ tập với nhau, nhưng chúng vẫn đứng từng đám để chia đạn, hút thuốc và pho trò chế giễu nhau. Vì mất con ngựa, Khristonhia lọt vào đám bộ binh, chiếc mũ lông của hắn ngật ngưỡng cao hơn hẳn bọn Cô- dắc nhỏ bé đến một đầu người. Cái mũ ba tai của ông Panteley Prokofievich nổi bật lên đỏ lóe. Phần lớn những tên trong đám bộ binh là những lão già và những gã non choẹt. Mấy đại đội của trấn Elanskaia bố trí cách bên phải những đám hướng dương chưa cắt mọc rậm rì chừng một véc- xta rưỡi. Bốn đại đội ấy có sáu trăm tên nhưng số giữ ngựa đã tới gần hai trăm. Một phần ba toàn bộ quân số đem ngựa đi núp sau những khoảng dốc thoai thoải của các bờ vách.
– Anh Petro Panteleevich! – Trong các hàng bộ binh có vài gã gọi.
– Chú ý đấy trong lúc chiến đấu chớ bỏ rơi anh em bộ binh chúng tôi nhé!
– Anh em cứ yên tâm! Chúng tôi sẽ không bỏ rơi đâu. – Petro mỉm cười trả lời rồi nhìn những đội hình chiến đấu của Hồng quân từ từ trườn lên ngọn gò. Hắn bắt đầu nghịch nghịch ngọn roi, có vẻ nóng nảy.
– Anh Petro, ra đây một lát đã! – Grigori rời khỏi đội hình chiến đấu gọi hắn.
Petro bước tới, Grigori cau mày, nói với một giọng rõ ràng không vừa ý:
– Trận địa bố trí không hợp ý tôi đâu. Cần phải tránh mấy cái bờ vách nầy mới được. Nếu không chúng nó sẽ vu hồi vào sườn thì tai vạ đấy? Anh thấy thế nào?
– Mày làm sao thế? – Petro bực mình vung tay. – Bọn chúng nó bao vây chúng mình thế nào được? Tao đã dành một đại đội làm lực lượng dự bị rồi. Hơn nữa nếu gặp tình huống nguy hiểm, mấy cái bờ vách nầy cũng có lợi. Chẳng có gì trở ngại đâu.
– Cẩn thận đấy, anh bạn ạ? – Grigori nói giọng cảnh cáo và cứ luôn luôn đảo nhanh mắt mò mẫm địa hình.
Chàng quay về đội hình chiến đấu của mình, nhìn một lượt bọn Cô- dắc. Nhiều gã không còn những chiếc găng không ngón và có ngón trên tay nữa. Chúng lo lắng nóng cả người, phải tháo ra. Có gã bối rối ra mặt, hết sửa lại thanh gươm lại thắt chặt dây lưng.
– Vị tư lệnh của chúng ta hạ mã rồi. – Fedot Bodovskov mỉm cười hơi hất hàm một cách nhạo báng, chỉ Petro lúc nầy đang ngật ngưỡng đi tới gần các đội tản khai.
– Nầy ông tướng Platov 1! – Gã cụt tay Aleksey Samin cười sằng sặc, toàn bộ vũ trang của gã có độc một thanh gươm. – Gọi cho mỗi anh em sông Đông một be vodka đi!
– Câm mồm đi, con sâu rượu nầy! Bọn Đỏ chặt nốt của cậu cái tay kia thì sẽ lấy gì mà đưa lên miệng? Rồi sẽ phải ra máng lợn mà rúc thôi.
– Thôi đi, thôi đi!
– Uống vào rồi cũng đến bán rẻ cái mạng thật đấy! – Stepan Astakhov thở dài nói rồi thậm chí rời tay khỏi cán gươm, đưa lên xoăn ria.
Các mẩu chuyện trao đổi nhau trong đội hình chiến đấu thật chẳng đúng lúc chút nào. Nhưng đến khi một khẩu pháo ở sau cái kurgan Madveev vừa nổ bục ra một phát trầm trầm thì tất cả lắng bặt ngay.
Tiếng nổ đặc sệt và rất mạnh bật ra khỏi miệng khẩu pháo như một quả cầu và mãi sau mới tan ra trên đồng cỏ thành làn khói trắng, tiếp liền có tiếng nổ rành rọt và gọn gắt của đầu đạn. Đầu quả đạn pháo chưa tới đích đã nổ, cách đội hình tản khai của quân Cô- dắc chừng nửa vec- xta. Bọc trong một cái vỏ tuyết sáng rực lồm xồm như một bộ lông, đám khói đen từ từ cuộn lên trên cánh đồng rồi rụng xuống, trải rộng ra và ẩn vào những bụi cỏ dại. Các khẩu súng máy trong các đội hình Hồng quân lập tức hoạt động. Các loạt súng máy vang lên như tiếng mõ tuần phiên ban đêm. Bọn Cô- dắc nằm bẹp trên tuyết, giữa những đám cỏ dại, bên những cây hướng dương không có bông, đầy lông cứng.
– Khói đen quá! Có lẽ chúng nó dùng những quả đạn Đức đấy! – Prokho Zykov ngoái nhìn Grigori, kêu lên.
Trong đại đội của trấn Elanskaia bố trí bên cạnh có tiếng nhốn nháo. Gió đưa đến một tiếng kêu:
– Ông bạn đỡ đầu Mitrofan bị giết rồi!
Tên đại đội trưởng râu đỏ Ivanov, dân Rubegin, chạy dưới lằn đạn tới chỗ Petro. Hắn chùi trán bên dưới chiếc mũ lông, thở hổn hển:
– Những tuyết là tuyết! Sâu đến là sâu, không rút chân lên được nữa?
– Anh có việc gì thế? – Petro giương cao hai hàng lông mày hỏi.
– Đồng chí Melekhov ạ, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ như thế nầy nầy. Đồng chí hãy điều một đạỉ đội xuống dưới kia, xuống bờ sông ấy. Lấy ở trận địa mà điều đi. Bảo đại đội ấy theo đường dưới ấy về tới thôn, rồi từ đấy đánh vào sau lưng bọn Đỏ. Có lẽ chúng nó đã bỏ các xe vận tải lại… Phải, chỗ ấy làm gì có đội hộ vệ? Chúng ta sẽ làm chúng nó hoảng lên một mẻ.
Petro cảm thấy thích thú với ý nghĩ đó. Hắn ra lệnh cho nửa đại đội của hắn nổ súng; thấy Latysev đứng thẳng đườn đưỡn hắn bèn vẫy tay ra hiệu cho tên nầy rồi ngật ngưỡng bước tới trước mặt Grigori. Hắn cho Grigori biết ý định của mình rồi ra lệnh gọn lỏn:
– Đem nửa đại đội đi! Đánh tập hậu!
Grigori cho bọn Cô- dắc rút khỏi trận địa, xuống tới dưới khe thì cho chúng lên ngựa, phóng nước kiệu nhanh vòng về thôn.
Phía Cô- dắc đã bắn mỗi khẩu súng trường chừng hai kẹp đạn, chúng ngừng bắn. Các tuyến tấn công của Hồng quân nằm xuống.
Các khẩu súng máy nổ ngập ngừng từng đợt. Một viên đạn lạc bắn bị thương con ngựa chân trắng của Marchin Samin. Con ngựa phát cuồng vùng chạy khỏi tay gã coi ngựa, lồng lên xông qua đội hình của bọn Cô- dắc thôn Rubegin, chạy theo chân núi sang phía Hồng quân. Trúng một loạt đạn súng máy giữa lúc đang phi như bay, nó hất bổng hai chân sau, rồi ngã dúi xuống tuyết.
– Mục tiêu, những thằng súng máy! – Mệnh lệnh của Petro được truyền qua các tuyến chiến đấu.
Bọn chúng bắt đầu nhắm bắn. Chỉ riêng những tên thiện xạ nổ súng và kết quả đã rất tốt. Một gã Cô- dắc nhỏ bé xấu xí người thôn Thượng Kripsky lần lượt hạ ba tay xạ thủ súng máy và khẩu “Macxim” bắn đến sủi bọt trong bình tán nhiệt đã phải câm tiếng.
Nhưng xạ thủ nầy vừa trúng đạn thì có người khác thay ngay. Khẩu súng máy lại tặc tặc, tiếp tục gieo những hạt giống của cái chết. Các loạt đạn nối tiếp nhau rất sát. Bọn Cô- dắc bắt đầu buồn bực, chúng rúc xuống tuyết mỗi lúc một sâu hơn. Anikey đã bới hết lớp tuyết xuống tới đất và cứ luôn luôn làm trò. Hắn đã bắn hết đạn (vẻn vẹn có tất cả năm viên trong một cái kẹp đạn rỉ xanh), thỉnh thoảng lại nhô đầu lên khỏi lớp tuyết, dùng môi bắt chước rất giống tiếng kêu chi chí của những con chuột đồng hoảng sợ.
– Ac- khi- u? – Anikey nhìn một cách nghịch ngợm khắp lượt những tên trong tiểu đội và kêu lên y như một con chuột đồng.
Stepan Astakhov ở bên phải hắn cười ngặt nghẽo đến chảy cả nước mắt, nhưng gã Anchip con lão “Vua nói phét” ở bên trái hắn thì phát cáu vặc rầm lên.
– Thôi đi, đồ khốn kiếp! Tìm được một lúc như thế nầy mà làm trò đùa?
– Ac- khi- u! – Anikey quay mặt về phía gã, trợn tròn hai con mắt, vờ làm vẻ sợ hãi.
Có lẽ thiếu đạn nên đại đội pháo của Hồng quân chỉ bắn chừng ba mươi phát rồi câm bặt. Petro có vẻ sốt ruột, hắn đưa mắt nhìn về phía sau, về đường sống gò. Hắn đã phái hai gã liên lạc về thôn, ra lệnh cho tất cả những người lớn tuổi trong thôn mang chàng nạng, liềm hái, gậy gốc lên gò. Và để uy hiếp Hồng quân, hắn cũng cho quân tản khai thành ba tuyến…
Chẳng mấy chốc dân chúng đã xuất hiện trên đường sống gò và chạy ùa xuống dốc từng đám rất đông.
– Xem kìa, đàn quạ đen đã bay ra rồi kìa!
– Toàn thôn đều ra hết.
– Có lẽ trong đám có cả đàn bà?
Bọn Cô- dắc cười đùa gọi nhau ơi ới. Phía bên nầy đã ngừng hẳn không bắn nữa. Về phía Hồng quân cũng chỉ còn hai khẩu súng máy hoạt động và lâu lâu mới dội lên một loạt đoạn súng trường.
– Tiếc thật, đại đội pháo của chúng nó câm họng mất rồi. Cho một phát vào giữa cái đám lính đàn bà nầy thì sẽ nháo lên một mẻ ra trò! Rồi cứ là mang váy ướt chạy về thôn! – Gã Aleksey cụt tay nói bằng một giọng khoái trá. Có lẽ hắn thực tâm lấy làm tiếc vì Hồng quân không nã một quả pháo nào vào đám đàn bà.
Đám người bắt đầu lên ngang nhau và phân nhỏ ra. Chẳng mấy chốc họ đã dàn thành hai tuyến rất rộng rồi đứng lại.
Petro không cho phép họ lên tới cách đội hình chiến đấu của bọn Cô- dắc một tầm súng. Nhưng chỉ riêng việc họ xuất hiện cũng rõ ràng có tác động tới Hồng quân. Các tuyến tấn công của Hồng quân bắt đầu rút xuống dưới đáy vùng lòng chảo. Sau khi trao đổi ý kiến qua quít với bọn đại đội trưởng. Petro bỏ hở sườn bên phải, điều đi hai tuyến của bọn Cô- dắc trấn Elanskaia, và ra lệnh cho chúng di chuyển bằng ngựa về hướng bắc, về sông Đông để yểm hộ cho cuộc tập kích của Grigori. Ngay trước mắt Hồng quân, các đại đội tập họp bên nầy bờ vách Đỏ rồi rút xuống phía dưới, ra sông Đông.
Quân Cô- dắc lại bắt đầu nổ súng vào những đội hình Hồng quân đang rút lui.
Trong khi đó, từ trong “đội dự bị” gồm toàn đàn bà, những lão già và những thằng con trai chưa thành niên, vài mụ đàn bà liều lĩnh nhất cùng một bầy trẻ con đã đổ xô đến tuyến chiến đấu. Ả Daria nhà Melekhov cũng có mặt trong số các mụ đó.
– Anh Petro, cho em bắn bọn Đỏ với? Em cũng biết cách dùng súng trường đấy.
Rồi nói là làm, ả giằng lấy khẩu carbin của Petro, quì một bên đầu gối như đàn ông, tì báng súng một cách vững vàng vào phần trên ngực, trong chỗ hõm của cái vai hẹp, nã liền hai phát.
Nhưng “đội dự bị” bắt đầu thấy lạnh, họ giậm chân, họ nhảy cỡn lên, họ hỉ mũi. Cả hai tuyến đều ngả nghiêng như bị gió lay. Má và môi bọn đàn bà xám lại. Hơi lạnh hoành hành hết sức lưu manh dưới gấu những chiếc váy rộng thùng thình. Những lão già hom hem nhất đã gần như chết cóng. Nhiều lão, trong đó có cả cụ Grisaka, đã bị xốc nách lôi ra khỏi thôn, đưa lên ngọn gò rất dốc. Nhưng khi lên tới đây trên đỉnh gò, chỗ đón được những làn gió trên cao, thì tiếng súng và hơi lạnh đã làm họ hoạt bát hẳn lên. Họ đứng trong các đội hình chiến đấu, nói chuyện với nhau không ngơi miệng về những cuộc chiến tranh và chiến đấu xưa kia, về tính chất gian khổ của cuộc chiến tranh lần nầy, trong đó bố con anh em đánh giết lẫn nhau, trong đó những khẩu pháo bắn quá xa, mắt thường không thể nhìn thấy được…
— —— —— —— ——-
1 (1751 – 1818) Bá tước, tướng Nga Ghet- man của dân Cô- dắc, 1812 tấn công hậu vệ của Napoleon khi quân Pháp rút lui khỏi nước Nga, 1813 đánh bại quân Pháo ở Lion, 1814 chiếm Nêmua, rồi cùng vớt quân Đồng minh tiến vào Paris. Dân Pháp không quên cả sự dũng cảm lẫn sự dã man của quân Cô- dắc (ND).