Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 106

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Chiều ngày mười sáu tháng giêng, Buntruc và Anna về đến Voronez. Hai người ở lại đây hai ngày rồi lại đi Minlerovo vì hôm ra đi bỗng có tin Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông đã chuyển đến đây cùng với các đơn vị trung thành với nó phải rút khỏi Kamenskaia dưới áp lực của quân Kaledin.

Minlerovo rất đông người, quang cảnh bận bịu túi bụi. Buntruc ở lại đấy vài tiếng đồng hồ, rồi vừa thấy có chuyến xe lửa là đi Glubokaia ngay. Ngày hôm sau anh nhận quyền chỉ huy đội súng máy và sáng ngày hôm sau nữa đã có mặt trong trận chiến đấu chống chi đội của Chernechev.

Sau khi Chernechev bị đánh bại, hai người bất ngờ phải chia tay nhau. Một buổi sáng, Anna ở bộ tư lệnh về, vẻ mặt sôi nổi nhưng hơi buồn.

– Anh có biết không, đồng chí Abramxon có mặt ở đây đấy. Đồng chí rất muốn gặp anh. Ngoài ra còn một tin nữa, hôm nay em phải lên đường rồi.

– Đi đâu bây giờ? – Buntruc ngạc nhiên.

– Đồng chí Abramxon, em và vài đồng chí nữa sẽ đi Lugansk làm công tác tuyên truyền.

– Cô bỏ chi đội à? – Buntruc hỏi giọng lạnh nhạt.

Anna vừa cười vừa áp khuôn mặt nóng bừng bừng vào má anh:

– Anh có thú nhận như thế nầy không: anh buồn không phải vì em rời bỏ chi đội mà vì em rời bỏ anh? Nhưng cũng chỉ một thời gian thôi. Em tin rằng trong công tác tuyên truyền em sẽ là một người có ích hơn là gần anh. Có lẽ em làm công tác tuyên truyền thì hợp với chuyên môn hơn là làm xạ thủ súng máy đấy… – Nói đến đây Anna đảo con mắt lên một cách tinh quái, – Dù em đã được học tập công việc súng máy ấy dưới sự chỉ đạo của một vị chỉ huy giàu kinh nghiệm như Buntruc.

Chẳng mấy chốc Abramxon cũng tới. Vẫn là con người sôi sục nhiệt tình, thích hành động và không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ như xưa. Vẫn đám tóc trắng lấp loáng trên cái đầu bọ hung, đen như bôi nhựa chưng. Buntruc thực tình cảm thấy sung sướng được gặp anh.

– Khỏi hẳn rồi à? Tuyệt lắm? Bọn mình mang Anna đi đây. – Rồi anh nheo mắt ra ý đã biết hết mọi chuyện giữa hai người – Cậu không phản đối chứ? Cậu không phản đối chứ? Phải, phải… Phải, phải… Tuyệt lắm? Mình đặt câu hỏi như thế vì hình như ở Sarysin hai cô cậu đã thân với nhau rồi thì phải.

– Tôi cũng chẳng giấu là cũng có lấy làm tiếc vì phải chia tay với Anna, – Buntruc nhăn nhó gượng cười.

– Lấy làm tiếc à? Như thế cũng đã là nhiều rồi đấy… Anna, cô đã nghe thấy chưa.

Abramxon đi đi lại lại trong phòng, tiện tay nhặt từ cái rương lên một cuốn sách đầy bụi của Garin Mikhailovsky 1 rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh bắt đầu chia tay ra về.

– Cô sắp xong chưa, Anna?

– Đồng chí đi trước đi. Tôi xong ngay đây. – Anna trả lời sau cái bình phong.

Anna thay đồ lót xong bước ra với chiếc áo quân phục cổ chui màu ka- ki của lính có thắt dây lưng, hai túi ngực phồng phồng, và vẫn cái váy đen vá vài chỗ nhưng sạch bong. Bộ tóc rất nặng vừa mới gội bồng lên, thòi cả ra ngoài cái khăn bịt đầu. Anna mặc áo ca- pôt vào và vừa thắt dây lưng vừa hỏi (cái vẻ hào hứng vừa nãy lúc nầy đã tan biến đâu mất, giọng Anna khàn đi, nghe như van lơn):

– Hôm nay anh sẽ tham gia trận tấn công à?

– Tất nhiên là có rồi? Em cũng biết rằng anh chẳng chịu bó tay ngồi yên.

– Em van anh… Anh hãy nghe em, phải cẩn thận mới được? Anh sẽ vì em mà làm như thế chứ? Đồng ý nhé? Em để lại thêm cho anh một đôi bít tất len đấy. Anh cố giữ đừng để bị cảm lạnh, đừng để chân bị ngâm nước đấy. Đến Lugansk em sẽ viết thư về cho anh.

Mặt Anna không hiểu sao tự nhiên bạc màu đi. Lúc chia tay, Anna thú nhận.

– Anh xem đây, em rất đau buồn vì phải xa anh. Đầu tiên khi đồng chí Abramxon rủ em đi Lugansk, em rất phấn khởi, nhưng bây giờ em lại cảm thấy rằng không có anh, ở đấy cũng như không có người. Chẳng cần nói nhiều, tình cảm lúc nầy là không cần thiết, chỉ bó chân bó cẳng… Nhưng thôi, dù sao cũng tạm biệt anh!

Hai người chia tay nhau một cách gần như lạnh nhạt, nhưng Buntruc hiểu nguyên nhân của điều đó đúng như đáng phải hiểu: Anna sợ mất đi cái vốn quyết tâm còn lại.

Buntruc ra tiễn chân Anna, Anna cắm đầu cắm cổ bỏ đi, hai vai đưa đi đưa lại một cách hối hả. Buntruc đã định gọi Anna, nhưng anh nhận thấy rằng lúc chia tay, trong hai con mắt mờ đi nhìn hiêng hiếng của Anna có một ánh ướt ướt, vì thế anh cố tự chủ, làm vẻ sảng khoái kêu lên.

– Anh mong rằng chúng mình sẽ lại gặp nhau ở Rostov! Giữ sức khoẻ nhé, Anna!

Anna quay đầu lại một cái rồi rảo bước hơn.

Sau khi Anna đi rồi, Buntruc cảm thấy mình cô quạnh khủng khiếp Buntruc từ ngoài phố quay vào trong phòng, nhưng lại lập tức nhảy phắt từ trong ấy ra như phải bỏng… Trong đó mỗi đồ vật đều nhắc nhở sự có mặt của Anna, cái gì cũng còn lưu chút hơi thừa của Anna: nầy chiếc khăn tay bỏ quên, nầy cái túi dết của lính bộ binh, nầy cái ca bằng đồng, tất cả các thứ đó đều đã được bàn tay của Anna đụng đến.

Buntruc đi lang thang trong trấn đến tối, trong lòng có một cảm giác canh cánh chưa từng cảm thấy bao giờ. Anh thấy như trong người mình vừa bị cắt đi mất một cái gì và mình không thể nào quen với trạng thái mới nầy được. Anh ngơ ngác nhìn vào mặt những chiến sĩ Cô- dắc và Xích vệ nhận ra được vài người và nhiều người cũng nhận ra anh.

Khi đến một chỗ, có một chiến sĩ Cô- dắc giữ anh lại, chiến sĩ nầy đã ở cùng một đơn vị với Buntruc trong cuộc chiến tranh chống Đức.

Anh ta lôi Buntruc về chỗ anh ta ở, mời Buntruc đánh bài. Một nhóm Xích vệ thuộc chi đội Petrov và vài chàng thuỷ binh mới được điều tới đây đang ngồi quanh một chiếc bàn chơi bài tính điểm. Họ đập quân bài đen đét giữa một làn khói thuốc lá mù mịt. Họ vò loạt soạt những tờ giấy bạc Kerensky, văng tục, la hét một cách hết sức vô tư lự. Buntruc đang cần có không khí để thở, vội bỏ ra ngoài.

Buntruc được cứu thoát khỏi tâm trạng của anh nhờ trận tấn công mà một giờ sau anh phải tham gia.

— —— —— —— ——-

1 (1852 – 1906), một tác giả tiến bộ người Nga (ND)

Chọn tập
Bình luận