Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 143

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Petro vừa quét dọn chuồng bò xong. Hắn phủi những sợi rơm vụn bám trên đôi găng không có ngón, vừa bước vào trong nhà thì có tiếng then cửa lách cách ở phòng ngoài.

Mụ Lukinhitna bước qua ngưỡng cửa, đầu trùm một chiếc khăn dạ đen. Mụ bước những bước rất ngắn, vào nhà mà không chào hỏi gì cả, cứ lon ton đi tới chỗ Natalia đang đứng bên chiếc ghế dài trong bếp và quì sụp xuống trước mặt nàng.

– Mẹ? Mẹ yêu của con! Mẹ làm sao thế? – Natalia cố nâng cáỉ thân hình nặng thêm ra của mẹ, kêu lên, giọng lạc hẳn đi.

Mụ Lukinhitna không trả lời mà chỉ đập đầu bình bịch xuống nền đất và gào lên khóc chồng chết bằng một giọng khàn khàn hết sức đau khổ:

– Ới ông ơi là ông ơ- ơ- ơi! Ông bỏ mẹ con tôi ở lại sống với ai thế nầy… ông ơi là ông ơ- ơ- ơi!

Những người đàn bà đồng thanh gào lên, hai đứa trẻ cũng khóc thét lên, làm Petro phải quờ tay lên cái bếp lò nhỏ, với lấy túi thuốc rồi bỏ chạy ra phòng ngoài. Hắn đã đoán ra đầu đuôi câu chuyện.

Hắn đứng ngoài thềm một lát, hút thuốc, chờ cho những tiếng gào khóc trong nhà lắng đi rồi mới quay vào trong bếp, khắp sống lưng lạnh buốt, rất khó chịu. Mụ Lukinhitna vẫn úp chiếc khăn ướt đến vắt được ra nước lên mặt, kể lể:

– Chúng nó đã bắn chết mất ông Miron Grigorievich nhà tôi rồi! Con đại bàng không còn sống trên đời nầy nữa rồi! Chỉ còn lại mấy mẹ con tôi goá bụa côi cút mà thôi! Bây giờ thì con gà con vịt cũng có thể hà hiếp chúng tôi! – Rồi mụ lại chuyển sang hú lên như chó sói – Cặp mắt yêu dấu của chồng tôi đã nhắm lại rồi? Không bao giờ còn được trông thấy ánh sáng nữa rô- ô- ồi?

Natalia ngất đi. Daria phải lấy nước lạnh vã vào mặt nàng. Bà Lukinhitna đưa tạp dề lên lau nước mắt. Từ nhà trong, chỗ ông Panteley Prokofievich đang ốm nằm đấy, vẳng ra tiếng ho sù sụ và tiếng nghiến răng rên rỉ…

– Bác thông gia ơi, bác hãy vì Chúa cứu thế! Bác hãy vì đấng sáng thế, bác thông gia yêu quí ơi, bác hãy lên Vosenskaia đem hộ chồng tôi về, dù chỉ còn là cái xác! – Mụ Lukinhitna như điên lên, nắm lấy hai tay Petro, áp chặt lên ngực mình. – Bác hãy đem hộ ông ấy về… Chao ôi, lạy Nữ hoàng nhân từ cứu nạn! Chao ôi, tôi không muốn ông nhà tôi bị thối rữa trên ấy, phải chết không được chôn cất tử tế.

– Bà nói gì vậy, bà nói gì vậy, bà thông gia? – Petro lùi ngay lại như tránh một người bị ôn dịch. – Sao lại có thể nghĩ ra được cái chuyện mang ông ấy về. Đối với tôi, cái mạng của tôi còn quí hơn nhiều! Mà tôi tìm được ông ấy ở đâu bây giờ?

– Xin bác đừng từ chối, bác Petro yêu quí? Bác hãy vì Chúa cứu thế!

Petro nhay nhay một món ria và cuối cùng cũng nhận lời. Hắn quyết định lên Vosenskaia tìm một lão Cô- dắc quen biết và nhờ lão giúp mình thử đi tìm xác Miron Grigorievich. Đến đêm thì hắn lên đường.

Trong thôn đã lên đèn, nhà nào cũng bàn tán sôi nổi cái tin: “Chúng nó bắn người Cô- dắc!”.

Petro dừng xe bên cạnh toà nhà thờ mới, trước cửa nhà một người đồng đội của bố, nhờ lão giúp mình đi đào xác lão thông gia.

Lão kia vui vẻ nhận lời ngay:

– Nào thì ta đi. Tôi đã biết ở chỗ nào rồi. Mà thông thường chúng nó chôn cũng không sâu đâu. Chỉ có điều là làm thế nào tìm thấy ông ấy bây giờ? Chỗ ấy đâu phải chỉ có một mình ông ấy? Hôm qua đã xử bắn mười hai thằng đao phủ, những đứa hành quyết người mình dưới chính quyền “Kadet” ấy mà. Nhưng phải thoả thuận một điều là công việc xong xuôi bác phải có một chầu rượu ra trò đấy nhé! Được không bác?

Đến nửa đêm, hai người mang hai cái xẻng và một cái đòn khiêng phân ra bên lề trấn, băng qua bãi tha ma, tới khu rừng thông, nơi chấp hành các án tử hình. Tuyết rơi lất phất. Những cành liễu đỏ lồm xồm sương muối lạo xạo dưới chân. Petro lắng nghe từng tiếng động và cứ rủa thầm chuyến đi nầy của mình, hắn rủa mụ Lukinhitna, rủa cả lão thông gia vừa về với ông bà ông vải. Khi tới gần đám thông non đầu tiên sau một gò cát cao, lão Cô- dắc đứng lại:

– Ở một chỗ nào gần đây thôi…

Hai người đi thêm chừng trăm bước. Một đàn chó trong trấn vừa sủa vừa hú bỏ chạy tán loạn. Petro quẳng cái cáng xuống, khẽ nói bằng một giọng khàn khàn:

– Chúng ta quay về thôi! Mặc mẹ lão ở đây vậy! Lão nằm chết ở đâu mà chẳng được? Chao ôi, sao mình lại dính vào chuyện nầy làm gì? Cũng chỉ tại con mụ yêu tinh ấy cố vật nài cho kỳ được!

– Tại sao bác lại đâm ra sợ như thế? Thôi đi đi! – Lão Cô- dắc cười có vẻ chế nhạo.

Hai người đi đến nơi. Bên một bụi liễu đỏ già cành đâm ngang dọc, có một chỗ tuyết bị dẫm chặt xuống, lẫn với cát. Từ chỗ ấy có những vết chân người toả ra lẫn với những vết chân chó lỗ chỗ…

Petro nhìn thấy một lão có bộ râu đỏ lòm, nhận ra Miron Grigorievich. Hắn nắm lấy cái dây lưng bằng vải, lôi lão thông gia lên rồi đặt vào cái cáng. Lão Cô- dắc kia vừa húng hắng ho vừa lấp đầy cái hố, rồi nâng thử tay cáng, bất giác lầu bầu:

– Đáng là phải đánh cái xe trượt tuyết đến rừng thông mới đúng. Chúng mình thật là hai thằng ngu! Con lợn rừng nầy ít nhất cũng nặng đến năm pút. Mà tuyết lại khó đi.

Petro mở rộng hai cái chân không bao giờ đi nữa của xác chết rồi cầm lấy tay cáng.

Hắn uống rượu bí tỉ trong nhà lão Cô- dắc cho đến khi trời rạng. Miron Grigôrievit thì nằm cuộn tròn trong một tấm nàm cửa, trên chiếc xe trượt tuyết. Vì say rượu nên Petro đã buộc con ngựa vào chiếc xe đó và nó phải đứng đấy suốt thời gian. Nó vểnh tai thở phì phì, cố hết sức giằng dây buộc mõm và vì ngửi thấy mùi xác chết nên nó không động tới một chút cỏ khô nào.

Phía mặt trời mọc mới sáng ra một chút, vẫn còn xám xám, Petro đã về tới thôn. Hắn đánh ngựa chạy qua bãi cỏ, không cho nghỉ một phút nào. Phía sau, đầu Miron Grigorievich cứ đập bồm bộp vào cái ván hậu, Petro phải dừng xe hai lần để lấy những nắm rơm dính bết đệm xuống dưới đầu lão. Hắn đã đưa lão thông gia về thẳng nhà lão. Grivka, đứa con gái yêu của lão chủ nhà vừa qua đời ra mở cổng rồi nhảy phắt sang bên tránh chiếc xe chạy trốn ra sau một đống tuyết. Petro vác xác lão thông gia lên vai như một túi bột, mang vào căn bếp rộng thênh thang và nhẹ nhàng đặt lên cái bàn đã trải sẵn một tấm khăn đay. Mụ Lukinhitna đầu tóc rũ rượi bò lết đến gần hai cái chân người chết vẫn còn đi đôi tất trắng nghiêm chỉnh, đúng như của những người chết. Mụ khóc đã hết nước mắt, giọng khê đặc:

– Ông chủ ơi, tôi cứ tưởng ông sẽ đi chân ông về, nào ngờ người ta phải khiêng ông về như thế nầy. – Mụ thều thào nói rất khẽ rồi khóc nấc lên, tiếng khóc nghe giống tiếng cười một cách lạ lùng.

Petro vào nhà trong đỡ tay cụ Grisaka ra. Ông cụ đi chập chững, lảo đảo, cứ như dưới chân cụ không phải là sàn nhà mà là đất lầy lũng nhũng. Nhưng rồi cụ đi khá rắn rỏi đến gần cái bàn và đứng lại trên đầu thằng con:

– Chà mầy đã về đấy à, Miron! Té ra bố con ta lại được trông thấy mặt nhau như thế nầy đây, con ạ… – Cụ làm dấu phép, hôn vừng trán giá băng, vàng ệch vì bùn dính bê bết. – Miron yêu quý ạ, rồi cũng chẳng bao lâu cả tao nữa… – Giọng ông cụ cất cao dần đến rít lên. Rồi như sợ mình sắp buộc miệng nói ra một điều gì bí mật, cụ vội đưa nhanh tay lên bịt miệng mình, cử chỉ chẳng có vẻ gì là của một người già, cuối cùng cụ gục xuống cái bàn.

Một cơn chuột rút làm họng Petro tắc lại như bị chó sói cắn vào cổ. Hắn rón rén lui ra sân gia súc, chỗ con ngựa bị buộc bên thềm.

Chọn tập
Bình luận