Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 213

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Cho đến khi đến được thị trấn Abinskaia, trên suốt chặng đường Grigori chỉ nhớ được một việc xảy ra: một cơn lạnh gay gắt, thấu xương làm chàng chợt tỉnh dậy trong bóng đêm tối đen mù mịt. Rất nhiều chiếc xe tải đang tiến thành nhiều hàng trên đường. Nghe những tiếng người nói lao xao và tiếng bánh xe lọc cọc trầm trầm không lúc nào ngớt thì có thể đoán rằng đây là một đoàn xe rất lớn.

Chiếc xe của Grigori lọt vào giữa đoàn xe đó. Hai con ngựa đi bước một. Prokho luôn luôn bập môi, thỉnh thoảng hắn lại quát lên bằng một giọng khàn khàn như phải cảm: “Nà- à- ào, hai ông bạn!” rồi vung cái roi lên. Grigori nghe thấy tiếng ngọn roi bằng dây da kêu vun vút, cảm thấy cái trục xe rung lạch xạch, hai con ngựa kéo mạnh hơn mấy đoạn dây thắng và xe tiến nhanh hơn; có khi càng xe thúc cả vào ván hậu của chiếc xe phía trước.

Grigori phải vất vả lắm mới kéo được cái vạt áo lông đắp lên mình và nằm ngửa ra. Trên bầu trời đen kịt, gió dồn về phía nam những đám mây rất dày trôi cuồn cuộn. Năm thì mười hoạ mới thấy một ngôi sao cô độc bất thần sáng lên vàng khè trong khoảnh khắc ở một kẽ mây nhỏ xíu rồi đồng cỏ lại bị phủ kín bởi màn đêm dày đặc. Gió rít ảo não trên các tuyến dây điện, những giọt mưa rất thưa rất nhỏ rụng ra, rơi xuống đất lấm tấm như hạt cườm.

Một đoàn kỵ binh đang tiến ở phía bên phải con đường từ phía trước tới theo đội hình hành quân. Grigori nghe thấy tiếng lách cách nhịp nhàng đều đặn mà chàng đã nghe quen từ lâu của những đồ trang bị Cô- dắc buộc rất gọn ghẽ, tiếng vô số những vó ngựa dẫm lõm bõm dưới bùn, rất trầm và cũng rất ăn nhịp. Ít nhất đã có hai đại đội tiến qua, song những tiếng động trên vẫn tiếp tục vang lên: có lẽ cả một trung đoàn Cô- dắc đang chuyển quân bên lề đường. Nhưng phía trước, trên cánh đồng cỏ đã có phần trở lại vắng lặng, bỗng vang lên một giọng cầm trịch ngang tàng và hơi thô bạo, nghe như một con chim vụt cất cánh bay:

Ôi bên dòng Cumusinca, dòng sông yêu dấu,

Trên vùng Saratov, vùng đồng cỏ vinh quang…

Rồi mấy trăm giọng hát cùng hoà vào nhau hùng tráng trong bài ca cổ xưa của dân Cô- dắc, và vượt lên tất cả là cái giọng đẹp và có sức mạnh lạ lùng đi bè nam cao. Giữa lúc bè nam cao nghe nhoi nhói trong tim ấy trùm lên các bè trầm lắng dần còn đang vang lanh lảnh ở một chỗ nào đó trong bóng tối, người cầm trịnh đã lại cất tiếng.

Nơi quê quán của dân Cô- dắc,

Những con người chỉ biết sông tự do,

Của sông Đông, sông Greben, sông Yaichi 1 …

Trong lòng Grigori bỗng như có gì bị giật đứt… Tiếng nức nở bất thần dồn lên làm toàn thân chàng run bần bật, một cơn co giật làm cổ họng chàng tắc lại, Chàng nuốt nước mắt chờ người cầm trịnh bắt đầu hát tiếp rồi cùng với hắn lẩm nhẩm hát không thành tiếng những lời ca mà chàng đã thuộc từ thời niên thiếu:

Ataman của họ là Ermark Chimofevich

Còn đại uý là Axtaska, con của Lavrenchi…

Bài hát vừa vang lên thì tiếng bọn Cô- dắc chuyện trò với nhau trên những chiếc xe tải lập tức im bặt, những tiếng thúc ngựa cũng lắng đi và đoàn xe hàng nghìn chiếc lừng lững tiến trong một bầu không khí trầm lặng âm thầm và dội tiếng. Trong những phút người cầm trịch hát rành rọt lời mở đầu của từng đoạn, chỉ còn nghe thấy tiếng bánh xe lạch xạch và tiếng những vó ngựa lõm bõm nhào bùn.

Riêng bài ca cổ xưa còn lại qua bao thế kỷ sống và hoàn toàn làm chủ cánh đồng cỏ đen ngòm. Bằng những lời mộc mạc và giản dị, bài hát kể lại về những tổ tiên sống tự do của dân Cô- dắc, xưa kia đã từng đánh tan những đạo quân của vua Nga, không hề biết sợ; họ đã cưỡi những chiếc thuyền nhẹ của những kẻ cướp sông hoạt động ngang dọc trên sông Đông và sông Vonga, đánh cướp những chiếc thuyền tạc hình đại bàng của vua Nga; đã đi “sờ nắn” những tên lái buôn, quý tộc, đốc quân; đã chinh phục miền Sibiri xa xôi… Và những con người đang lắng nghe bài ca hùng tráng ấy trong bầu không khí trầm lặng âm thầm chính là con cháu của những người Cô- dắc tự do đang rút lui nhục nhã sau khi bị đánh bể đầu sứt tai trong một cuộc chiến tranh chẳng có gì là vinh quang chống lại nhân dân Nga.

Trung đoàn đã tiến qua. Sau khi vượt đoàn xe vận tải, toán người hát đi xa dần. Nhưng đoàn xe vẫn còn tiến rất lâu trong bầu không khí trầm lặng mê hồn. Trên các xe không nghe thấy tiếng chuyện trò, cũng không nghe thấy tiếng quát những con ngựa mệt mỏi. Nhưng từ xa, qua bóng tối vẫn còn chập chờn vẳng tới giọng hát lan rộng mênh mông như sông Đông mùa nước cả:

Muôn ngàn người cùng chung ý nghĩ.

Khi mùa hè ấm áp đã qua,

Mùa đông tới, mùa đông lạnh lẽo,

Đâu là nơi trú ngụ của ta?

Đi Yachi đường trường muôn dặm,

Đi Volga mang tiếng cướp sông,

Đi Kazan chúng ta cũng muốn,

Nhưng Kazan còn có vua Nga,

Vasilievich Ivan tên gọi Gã bạo quân…

Không còn nghe thấy những tiếng đồng ca nữa, nhưng giọng nam cao vẫn vang lên lanh lảnh, lắng đi một lát rồi lại bay vút lên. Mọi người vẫn cứ nín thinh căng thẳng và âm thầm theo dõi.

Cũng còn có một chuyện nữa mà Grigori ghi được trong óc như sau một giấc mộng: tỉnh lại trong một căn phòng ấm áp, chàng không mở mắt nhưng khắp người cảm thấy cái mát mẻ thú vị của một chiếc khăn trải giường sạch, và những mùi thuốc rất nồng, không biết thuốc gì, chọc vào mũi chàng. Thoạt đầu chàng tưởng rằng mình đang nằm trong một bệnh viện quân y, nhưng từ phòng bên lại vẳng sang những tiếng đàn ông cười như nắc nẻ, tiếng bát đĩa lách cách, những giọng nói chuếnh choáng hơi men. Một giọng trầm quen thuộc nói:

– Vớ ngay được một thằng thông minh như thế nầy, đáng là phải đi hỏi xem đơn vị của mình đang ở chỗ nào thì bọn mình mới giúp được chứ? Nhưng thôi, uống đi nào, song quỉ quái nào làm cậu trề môi ra như thế hử?

Prokho trả lời bằng cái giọng mếu máo của một thằng say:

– Nhưng lạy Chúa tôi, tôi làm thế nào mà biết được? Các anh nghĩ rằng tôi làm vú em chăm lo cho hắn là việc nhẹ nhàng lắm phải không? Phải nhai bánh cho hắn ăn, phải đổ sữa cho hắn uống, hệt người ta nuôi con nít ấy. Có Chúa chứng giám, dúng như thế đấy!

– Tôi đã nhai bánh mì rồi nhét vào miệng hắn, thế đấy! Phải lấy mũi gươm nạy răng hắn ra… Có lần vừa đổ sữa vào miệng hắn thì hắn nghẹn, chỉ một chút nữa là đi đời nhà ma… Các anh thử tưởng tượng xem.

– Hôm qua cậu tắm cho hắn rồi à?

– Tôi đã tắm cho hắn, lại còn dùng tông- đơ cắt tóc cho hắn nữa. Có bao nhiêu tiền đều dốc ra mua sữa cho hắn hết… Nhưng tôi có tiếc tiền đâu, quỉ dữ cứ mang hết đi! Song cái chuyện phải nhai bánh mì rồi dùng tay nhét vào miệng hắn thì sao? Anh nghĩ là việc đơn giản đấy phải không? Anh đừng có nói là đơn giản. Nếu không tôi sẽ quạng luôn cho anh một mẻ mà sẽ không kể đến cái cấp bậc của anh đâu?

Prokho, Kharlampi Ermakov bước vào phòng Grigori cùng gã Petro Bogatyrev với cái mũ lông cừu non màu xám hất ra sau gáy và bộ mặt đỏ như gấc. Ngoài ra còn có Platon Risavtrikov và hai gã Cô- dắc lạ mặt.

– Cậu ấy mở mắt được rồi kìa! – Ermakov gào lên bằng một giọng man rợ rồi ngật ngưỡng chạy tới với Grigori.

Gã Platon Risaptrikov vui nhộn hoa chân múa tay, vừa vung chai rượu vừa khóc và kêu rống lên:

– Griska, Griska thân mến của tôi! Anh còn nhớ chúng mình đã nhậu nhẹt khoái trá ở vùng sông Tria như thế nào không? Còn choảng nhau thì như thế nào hử? Bây giờ bao nhiêu tinh thần dũng cảm của chúng ta đâu mất cả rồi?! Anh em chúng ta đã bị bọn tướng tá làm cho hoá ra như thế nào rồi, và chúng nó đã làm quân đội của chúng ta đi đến nông nỗi nào rồi? Phải chọc tiết chúng nó, phải đánh vào đúng tim chúng nó! Nhưng anh đã sống lại rồi à? Nầy, uống một tợp đi, rồi sẽ thấy dễ chịu ngay! Còn nguyên chất đấy! Bọn mình đã mất bao nhiêu công sức mới mò được ra anh đấy!

Ermakov sung sướng long lanh cặp mắt đen dâm dãng, khẽ lẩm bẩm. Rồi hắn ngồi phịch xuống cái giường của Grigori, làm cái giường võng cả xuống với sức nặng ghê gớm của hắn.

– Chúng mình đang ở đâu thế nầy? – Grigori hỏi rất khẽ giọng thều thào chỉ hơi có thể nghe thấy, rồi đảo mắt rất khó khăn nhìn một lượt những khuôn mặt quen thuộc của bọn Cô- dắc.

– Chúng ta đã chiếm được Ekaterinoda rồi! Chúng ta sắp tiến xa nữa rồi? Thôi uống đi, anh Grigori Pantelevich? Anh bạn yêu quí của bọn mình! Thôi đứng dậy đi, anh hãy vì Chúa mà đứng dậy đi, nhìn thấy anh nằm như thế nầy tôi không thể nào chịu được đâu? –

Riaptrikov phục xuống chân Grigori, nhưng Bogatyrev, thằng có vẻ còn tỉnh nhất bọn, chỉ lặng lẽ mỉm cười nắm lấy dây lưng hắn, nhắc bổng hắn lên một cách dễ dàng rồi lại nhẹ nhàng đặt hắn xuống sàn.

– Đỡ lấy cái chai trong tay nó? Đổ mất hết bây giờ? – Ermakov hoảng hốt kêu lên, rồi hắn toe miệng cười nụ cười của một thằng say và nói với Grigori – Anh có biết vì sao mà chúng tôi được tuý luý như thế nầy không? Ngay giữa lúc anh em Cô- dắc đang bất mãn thì chúng nó vớ ngay được một món bở trên đồng đất nước ngoài. Chúng nó đã cướp một kho rượu để nó khỏi lọt vào tay bọn Đỏ… Những trò diễn ra ở đấy thật là qua- a- ái đản… Nằm mơ cũng không thấy được đâu! Chúng nó bắt đầu dùng súng trường bắn vào bể chứa rượu, thế là từ mỗi lỗ tóe ra một tia cồn. Tất cả thủng lỗ chỗ như một cái rây ấy. Mỗi thằng đứng trước một cái lỗ để hứng, đứa thì bằng mũ, đứa thì bằng thùng, đứa thì bằng chai, có đứa lại khum hai tay hứng lấy và uống luôn tại chỗ… Chúng nó chém hai thằng của Tập đoàn quân tình nguyện đứng gác ở kho rượu, thế là xông vào được bên trong và có được một trò đỡ buồn! Ngay trước mắt tôi, một thằng Cô- dắc bé loắt nhoắt leo lên bể rượu định múc thẳng rượu bằng cái thùng đựng nước cho ngựa, nhưng nó đã trượt chân lộn cổ xuống, thể là chết ngỏm. Rượu chảy ra cái sàn xi măng đúng là ngập đến đầu gối. Chúng nó lội bì bõm trong rượu, cúi xuống uống ngay dưới chân, hệt như những con ngựa uống nước ngoài sông, rồi lại nằm quay ra! Thật cười được mà cũng khóc được! Ngoài ấy thiếu gì những thằng nốc vào đến chết. Cả bọn mình cũng kéo đến đấy kiếm chác. Nhưng chúng mình thì chẳng cần nhiều làm gì: vần ra một cái thùng ton- nô nhỏ, to bằng chừng năm thùng, thế là đủ cho bọn mình rồi. Thôi cứ vui đi, người anh em thân mến! Dù sao sông Đông êm đềm cũng sẽ đi đứt thôi. Cậu Platon ra ngoài ấy thiếu chút nữa thì chết chìm đấy. Cậu ấy bị chúng nó xô ngã xuống sàn, đã bắt đầu bị chân chúng nó dẫm lên, uống mất hai ba ngụm và đã sắp ngỏm. Tôi đã tốn bao nhiêu hơi sức mới lôi được cậu ấy từ trong ấy ra đấy…

Cả bọn, tên nào cũng nồng nặc mùi rượu, mùi hành và mùi thuốc lá. Grigori cảm thấy hơi buồn nôn, đầu óc choáng váng, bèn mỉm một nụ cười yếu ớt, đau khổ và nhắm mắt lại.

Chàng nằm lại ở Ekaterinoda chừng một tuần tại nhà một người thầy thuốc quen với Bogatyrev và đã dần dần lại người sau khì bị bệnh. Sau đó, như Prokho nói, chàng “đi vào con đường bình phục” và khi đến thị trấn Abinskaia thì chàng ngồi lên ngựa lần đầu kể từ khi rút lui.

Việc di tản đang được tiến hành ở Novorossisk. Nhiều chiếc tàu biển đưa sang Thổ nhĩ kỳ những tên lái buôn giàu có, địa chủ, gia đình của bọn tướng lĩnh và những tay hoạt động chính trị tai to mặt lớn. Trên các bến tầu, công việc bốc xếp được làm suốt ngày suốt đêm. Bọn học sinh sĩ quan phải đến làm việc trong các ác- ten 2 của phu khuân vác để chất các tài sản quân sự và va- li hòm xiếng của những kẻ chạy loạn có vai vế xuống đầy các hầm tàu.

Các đơn vị của Tập đoàn quân Tình nguyệt chạy nhanh hơn quân Cô- dắc sông Đông và sông Kuban, vì thế chúng đã là những tên đầu tiên chuồn tới được Novorossisk và bắt đầu được đưa lên những chiếc tầu vận tải. Vì lo xa, bộ tư lệnh của Tập đoàn quân Tình nguyện đã lên đóng trên chiếc thiết giáp hạm lớn “Hoàng đế Ấn Độ” của nước Anh vừa cập bến. Các trận chiến đấu đang diễn ra ở gần Tonnhennaia. Hàng vạn dân chạy nạn chen chúc trong các phố của thành phố. Các đơn vị quân đội vẫn tiếp tục kéo đến. Cảnh chen chúc ở gần các bến tầu thật không có bút nào tả nỗi. Những con ngựa không có chủ lang thang từng đàn hàng ngàn con trên sườn các quả núi đá vôi chung quanh Novorossiskk. Yên ngựa và các đồ quân trang quân dụng của quân Cô- dắc chất đống trên các phố nằm sát các bến tầu. Tất cả các thứ ấy đều không có ai cần đến nữa. Trong thành phố loan truyền những tin đồn nói rằng các tầu biển sẽ chỉ chở Tập đoàn quân tình nguyện, còn quân Cô- dắc sông Đông và sông Kuban thì sẽ sang Gruzia bằng đường bộ.

Sáng ngày 25 tháng Ba, Grigori và Platon Riaptrikov ra bến tầu để hỏi xem các đơn vị thuộc Quân đoàn sông Đông số Hai có được chở đi không, vì hôm qua bọn Cô- dắc có đồn rằng hình như tướng Denikin đã ra lệnh chở đi Krym tất cả những tên Cô- dắc sông Đông còn giữ được vũ khí và ngựa.

Những tên lính Kalmys thuộc khu sông Xan tràn ngập bến tầu. Chúng đánh những đàn ngựa và lạc đà từ sông Manyt và sông Xan đến đây, mang theo cả ra biển những chiếc lều gỗ mà chúng dùng làm nhà ở. Sau khi đã ngửi chán trung đám người mùi mỡ cừu ngầy ngậy. Grigori và Riaptrikov đi tới sát cầu tầu của một chiếc tầu vận tải khá lớn thả neo ở bến. Các cầu tầu được canh giữ bởi một đội cảnh giới mạnh gồm toàn những tên sĩ quan thuộc sư đoàn Markov.

Gần đấy những tên pháo binh sông Đông đứng từng đàn từng lũ, chờ lên tầu. Ở đuôi tàu đã xếp những khẩu pháo phủ vải bạt màu cứt ngựa. Grigori len lên trước rất vất vả, và hỏi một tên quản ria đen, điệu bộ có vẻ khá ngang tàng:

– Đại đội pháo nào đấy, người anh em đồng hương?

Tên quản đưa mắt nhìn Grigori rồi miễn cưỡng trả lời.

– Ba mươi sáu.

– Thuộc trấn Karginskaia à?

– Đúng đấy.

– Ở đây ai chỉ huy việc lên tàu?

Riaptrikov kéo tay áo Grigori, nói giọng tức tối:

– Chúng mình chuồn khỏi chỗ nầy thôi, mặc cho quỉ dữ bắt chúng nó đi! Chẳng nhẽ đến đây mà xin được chúng nó hay sao? Hồi phải đánh nhau chúng nó còn cần đến mình, nhưng bây giờ chúng nó thiết gì đến mình nữa…

Tên quản mỉm cười nháy mắt với bọn lính pháo binh đang đứng nối đuôi chờ lượt:

– Anh em pháo binh ạ, các cậu thật là gặp may! Các ngài sĩ quan còn không được họ nhận cho đi đấy.

Tên đại tá theo dõi việc bốc xếp đi thoăn thoắt trên các ván cầu.

Một tên quan văn hói trán mặc chiếc áo lông mở phanh rất quí, hấp tấp chạy theo hắn. Vừa chạy vừa vấp chân, tên quan văn áp cái mũ lông rái cá vào ngực, khẩn khoản nói không biết những gì. Vẻ van lơn đòi hỏi trên khuôn mặt đẫm mồ hôi và trong cặp mắt cận thị của hắn làm tên đại tá nổi nóng quay đi chỗ khác và quát lên bằng một giọng thô bạo:

– Tôi đã bảo ngài rồi mà! Ngài đừng có bám lấy chân tôi như thế, nếu không tôi sẽ ra lệnh lôi ngài lên bờ đấy? Ngài điên rồi hay sao?

– Chúng tôi sẽ bỏ những của vứt đi của ngài vào đâu, vào chỗ quỉ quái nào bây giờ? Ngài làm sao thế, ngài mù à? Ngài không nhìn thấy tình hình đang như thế nào à? Thôi, ngài đi cho khuất mắt tôi đi! Vì Chúa, ngài đi mà khiếu nại, dù lên tới chính tướng quân Denikin cũng được! Tôi đã nói không được, là không được, ngài có hiểu tiếng Nga đấy chứ?

– Chờ hắn xua được tên quan văn quá quấy rầy ấy và bước tới qua chỗ mình, Grigori mới chặn đường hắn, đưa tay lên vành vũ cát- két và hỏi bằng một giọng xúc động:

– Thưa các sĩ quan có được tính vào danh sách lên tàu không?

– Lên chiếc tàu nầy thì không. Không có chỗ.

– Thế thì tàu nào?

– Ngài tới địa điểm di tản mà hỏi.

– Chúng tôi đã ra đấy rồi, nhưng chẳng ai biết gì cả.

– Tôi cũng không biết, thôi ngài để tôi đi!

– Nhưng ngài vẫn chở được đại đội ba mươi sáu cơ mà? Sao lại không có chỗ cho chúng tôi đi!

– Để tôi đi, tôi bảo ngài kìa? Tôi không phải là phòng chỉ dẫn? – Tên đại tá dịnh khẽ gạt Grigori sang bên canh, nhưng chàng vẫn đứng ì ra đấy. Những tia xanh xanh bừng lên rồi lại tắt ngay trong mắt chàng.

– Bây giờ các ngài không cần đến chúng tôi nữa rồi phải không? Thế tại sao trước kia lại cần? Ngài bỏ tay ra, đừng có xô tôi?

Tên đại tá nhìn vào mắt Grigori rồi quay đầu nhìn lại phía sau: mấy tên sĩ quan sư đoàn Markov đứng trên các ván cầu đang bắt chéo mũi súng để ngăn giữ rất vất vả đám người xô tới. Tên đại tá không nhìn Grigori, hỏi bằng một giọng mệt mỏi:

– Ngài thuộc đơn vị nào?

– Tôi thuộc trung đoàn sông Đông số Mười chín, các ngài sĩ quan kia thuộc những trung đoàn khác.

– Các ngài có tất cả bao nhiêu người?

– Chừng mười người.

– Tôi không thể cho lên được. Không có chỗ.

Riaptrikov trông thấy hai cánh mũi của Grigori run run khi chàng khẽ nói:

– Sao mày lại kiếm chuyện như thế hử, đồ khốn nạn?! Đồ chấy rận ở hậu phương! Lập tức cho ngay chúng tao lên tàu, nếu không…

“Grigori sắp xả nó ngay đây!” – Riaptrikov nghĩ thầm một cách khoái trá đầy ác ý, nhưng khi thấy hai tên sĩ quan sư đoàn Markov dùng báng súng dọn đường lên qua đám đông, vội vã đến cứu tên đại tá thì hắn kéo tay áo Grigori và bảo chàng:

– Đừng gây chuyện với nó nữa, anh Pantelevich? Ta đi đi thôi…

– Ngài là một thằng ngu xuẩn! – Ngài sẽ chịu trách nhiệm về hành vi tư cách của ngài! – Tên đại tá tái mặt nói rồi chỉ Grigori và bảo hai tên sĩ quan sư đoàn Markov vừa chạy tới – Nầy các ngài! Các ngài hãy làm cho thằng điên khùng nầy biết điều đi! Phải lập lại trật tự ở đây mới được! Tôi có việc cấp tốc phải lên gặp quan tư lệnh, thế mà cứ phải đứng lại ở đây nghe tất cả những lời ngọt ngào của mọi hạng… – Nói xong hắn vội vã len qua trước mặt Grigori.

Một tên sĩ quan sư đoàn Markov người cao lớn đi tới sát trước mặt Grigori với chiếc áo dạ dài màu lam đính lon trung uý bộ binh và hàng ria xén tỉa ngay ngắn theo kiểu ăng- lê:

– Ngài muốn gì hử? Tại sao ngài lại làm rối trật tự?

– Một chỗ lên tàu, điều đó tôi muốn?

– Đơn vị của ngài ở đâu?

– Tôi không biết.

– Cho xem giấy tờ của ngài.

Tên gác thứ hai là một thằng thanh niên môi mọng, đeo kính kẹp mũi. Hắn nói bằng một giọng trầm đang vỡ tiếng:

– Hắn thì phải đưa về trại gác thôi. Đừng mất thì giờ làm gì, Vyxosky?

Gã trung uý bộ binh chăm chú đọc giấy chứng minh của Grigori rồi trả lại cho chàng.

Ngài hãy tìm lấy đơn vị của ngài. Tôi khuyên ngài nên đi khỏi nơi nầy và đừng gây trở ngại cho việc lên tàu. Chúng tôi đã nhận được lệnh bắt giam tất cả những người tỏ ra vô kỷ luật, gây khó khăn cho việc lên tàu, dù là cấp bậc gì. – Gã trung uý bộ binh mím chặt môi, trù trừ vài giây rồi liếc nhìn Riaptrikov và ngả người về phía Grigori, khẽ nói – Tôi có thể giúp ngài một ý kiến là ra nói với đại đội trưởng đại đội pháo Ba mươi sáu, đứng lẫn vào chỗ xếp hàng của chúng nó, rồi sẽ được lên tàu.

Riaptrikov nghe thấy tên trung uý bộ binh thì thầm như thế, sướng quá nói:

– Anh đến nói với bọn Karghinskaia đi, để tôi đi gọi ngay anh em. Đồ đạc của anh, ngoài cái túi đựng đồ còn mang thêm gì nữa?

– Chúng ta sẽ cùng đi. – Grigori nói dửng dưng. Hai người đang đi thì gặp một gã Cô- dắc quen biết người thôn Xemenovsky. Gã đánh một chiếc xe tải bốn bánh của nhà binh chở ra bến tầu một đống bánh mì nướng phủ vải bạt. Riaptrikov gọi gã đồng của hắn:

– Fedor, có khỏe không? Cậu chở đi đâu đấy?

– A, Platon, anh Grigori Pantelevich, chào hai anh? Chúng tôi tiếp tế bánh mì cho trung đoàn của chúng tôi tôi ăn đường đây. Đã cố nướng lấy được đấy, nếu không đi đường sẽ chỉ có cháo thôi.

Chiếc xe đã đứng lại, Grigori bước tới hỏi:

– Bánh mì của cậu tính theo cân à? Hay là đếm cái?

– Quỉ quái nào đem ra mà đếm? Các anh có việc gì thế, cần lấy bánh à?

– Cần.

– Thế thì lấy đi!

– Có thể lấy bao nhiêu?

– Lấy được bao nhiêu thì lấy chúng tôi vẫn còn đủ?

Riaptrikov ngạc nhiên nhìn Grigori lấy hết cái bánh nọ đến cái bánh kia. Cuối cùng hắn không nhịn được nữa bèn hỏi:

– Ôn dịch nào làm anh lấy nhiều thế?

– Cần phải lấy. – Grigori trả lời gọn lỏn.

Chàng xin gã chở bánh mì hai cái túi, xếp những cái bánh vào, cảm ơn lòng tốt của gã, chào từ biệt gã rồi ra lệnh cho Riaptrikov:

– Cậu vác lên đi, chúng ta sẽ mang về.

– Anh chuẩn bị qua mùa đông ở đây đấy à? – Riaptrikov vác một cái túi bánh lên vai rồi hỏi bằng một giọng châm biếm.

– Chỗ nầy không phải để dùng cho mình đâu.

– Thế thì cho ai?

– Cho con ngựa.

Riaptrikov quăng luôn cái túi xuống đất. Hắn kinh ngạc hỏi:

– Anh nói đùa đấy à?

– Không, nói thiệt đấy.

Như thế nghĩa là anh… anh đang nghĩ ra cái trò gì thế, anh Pantelevich? Anh định ở lại, tôi hiểu như thế có đúng không?

– Cậu hiểu đúng đấy. Thôi, vác cái túi lên, ta đi đi thôi. Phải cho con ngựa ăn mới được, nếu không nó sẽ gặm hết cái máng. Con ngựa nó vẫn còn giúp được mình đấy, không thể đi lính làm bộ binh được.

Riaptrikov ngậm tăm cho đến khi về tới nhà. Hắn è è trong họng khiêng cái túi, chốc chốc lại đổi vai. Lúc sắp đi tới cái cửa xép hắn mới hỏi:

– Anh có định bảo cho các cậu ấy biết không? – Rồi không chờ trả lời, hắn nói luôn bằng một giọng có vẻ hơi bực mình – Anh nghĩ ra cái trò ấy kể cũng hay đấy… Nhưng còn bọn chúng tôi thì sao?

– Tuỳ các cậu thôi. – Grigori làm ra ve thờ ơ trả lời – Chúng nó sẽ không nhận cho chúng ta đi đâu, không thể có chỗ cho tất cả mọi người, nhưng cũng chẳng cần? Chúng mình cần đến chúng nó làm gì việc gì cứ phải bám lấy chúng nó mà xin xỏ! Chúng mình cứ ở lại. Thử với may rủi xem sao? Nhưng cậu vào đi chứ, làm gì mà như sa lầy ở cái cửa xép như thế?

– Nghe một câu chuyện như thế nầy thì còn thế nào nhấc chân lên được nữa? Cả đến cái cửa tôi cũng không nhìn thấy nữa rồi. Lại có cái trò như thế nầy! Anh Griska ạ, thật cứ như anh lấy cái đầu rìu đập vào thóp tôi một cái ấy. Đúng là anh làm tôi choáng váng mê mẩn cả đi. Thế mà tôi cứ nghĩ: “Không hiểu anh chàng xin những cái bánh mì nầy làm cái quái gì”. Bây giờ mà anh em biết thì chúng nó sẽ nháo lên cho mà xem…

– Thế nào, còn cậu thì sao? Cậu không ở lại à? Grigori dò hỏi.

– Anh làm sao thế? – Riaptrikov sợ hãi kêu lên.

– Cậu cứ nghĩ kỹ đi.

– Chẳng cần phải nghĩ ngợi gì hết? Nếu còn chỗ tôi sẽ đi ngay không một hai cái gì hết. Tôi sẽ nhập vào với đại đội pháo của trấn Karginskaia và sẽ đi.

– Làm như thế không đúng đâu.

– Đúng hẳn đi chớ lỵ? Cái đầu của tôi tôi còn quí hơn. Tôi không muốn bọn Đỏ dùng nó để thử gươm của chúng nó đâu.

– Ô, cậu thử nghĩ kỹ mà xem, Platon! Tình hình đã đến bước như thế nầy…

– Thôi anh đừng nói nữa, tôi đi ngay đây.

– Thôi được cậu muốn làm thế nào thì làm. Mình cũng chẳng can, – Grigori nói vẻ bực mình rồi bước trước lên những bậc thềm đá.

Cả Ermakov, Prokho lẫn Bogatyrev đều không có nhà. Chủ nhà, một người đàn bà Armenia lưng gù, đã có tuổi, nói rằng mấy gã Cô- dắc đi đâu không biết và hứa sẽ về ngay. Không kịp cởi áo, Grigori đã cắt bánh mì thành những khoanh to rồi xuống nhà kho với mấy con ngựa. Chàng đem bánh mì chia làm hai phần đều nhau, ném cho hai con ngựa của mình và của Prokho. Đến lúc chàng xách cái thùng, định ra lấy nước thì thấy Riaptrikov đứng lù lù ở cửa, với những miếng bánh mì bẻ rất to bọc cẩn thận trong vạt áo ca- pôt.

Đánh hơi thấy mùi chủ, con ngựa của Riaptrikov hí lên một tiếng ngắn. Grigori chỉ hơi nhếch mép cười. Riaptrikov lầm lì bước qua chỗ Grigori đứng. Hắn ném những miếng bánh xuống cái máng và nói nhưng không nhìn Grigori:

– Thôi, anh làm ơn đừng nhe răng nhe lợi ra nữa, tình hình đã bắt buộc phải làm như thế thì tôi cũng phải cho con ngựa của tôi ăn thôi… Anh tưởng tôi ra đó thì cũng thích thú lắm phải không?

Chính tôi đã tự xách cổ mình, bắt mình phải mò tới cái tàu trăm lần đáng nguyền rủa ấy, đúng là như thế đấy? Vì lo cho cái mạng của mình nên mới phải làm như thế… trên vai chỉ có một cái đầu thôi chứ mấy? Nếu Chúa để cho nó bị chặt béng đi thì đến ngày lễ Đức Mẹ nó cũng sẽ chẳng mọc lại đâu…

Mãi khi trời sắp hoàng hôn, Prokho và mấy gã Cô- dắc mới mò về. Ermakov đem về một cái chai cồn rất to, còn Prokho thì xách về một cái túi đầy những cái lọ đậy nút rất kín đựng một thứ nước màu vàng đục.

– Kiếm ngoại được món nầy đây! Đủ dùng suốt đêm rồi. – Ermakov chỉ cái chai có ý khoe khoang và nói rõ thêm – Bọn mình gặp một lão bác sĩ quân y, lão nhờ giúp lão chuyển thuốc men từ nhà kho ra bến tàu. Bọn phu khuân vác không chịu làm việc, chỉ có lũ học sinh sĩ quan lôi thuốc từ trong kho ra thôi. Chúng mình bèn vào làm thêm với chúng nó. Lão bác sĩ lấy cồn để trả công giúp đỡ của chúng mình, còn những cái lọ nầy là Prokho ăn cắp đấy. Mình không nói dối đâu, nếu sai thì có Chúa phạt!

– Nhưng trong ấy cái gì thế? – Riaptrikov tò mò hỏi.

– Người anh em ạ, cái nầy còn nguyên chất hơn cả cồn nữa đấy? – Prokho lắc lắc cái lọ, soi ra chỗ sáng, ngắm nghía một thứ nước sanh sánh sủi bọt sau lớp thuỷ tinh màu sẫm và nói thêm bằng một giọng dương dương tự đắc – Đây là thứ rượu vang quí nhất của nước ngoài đấy. Chỉ người ốm được uống thôi. Một thằng học sinh võ bị ranh con hiểu được tiếng Anh đã bảo tôi như thế. Bao giờ ngồi trên tàu chúng mình sẽ uống cho đỡ buồn, và sẽ hát bài: “Quê hương vô vàn yêu dấu của tôi”, và sẽ uống mãi cho đến Krym, còn cái lọ thì ném xuống biền.

– Cậu ra ngoài ấy nhanh lên, lên tàu đi, nếu không chúng nó sẽ vì cậu mà giữ tàu lại, không cho nổ neo đâu. Chúng nó sẽ bảo: “Prokho Zykov, vị anh hùng trong số những người anh hùng đâu rồi, không có hắn chúng ta ra đi làm sao được?” – Riaptrikov nói bằng một giọng châm biếm. Rồi hắn nín lặng một lát và giơ ngón tay vàng khè vì khói thuốc chỉ Grigori – Grigori đã bỏ cái ý nghĩ ra đi rồi. Và cả mình cũng thế.

– Thật à? Prokho kêu lên. Hắn ngạc nhiên quá, thiếu chút nữa thì đánh rơi cái lọ khỏi tay.

– Cái gì thế hử? Ở đây hai ông đã nghĩ ra cái trò gì thế hử – Ermakov cau mày nhìn Grigori chằm chằm và hỏi.

– Chúng mình quyết định không đi nữa rồi.

– Vì sao thế?

– Hôm nay không có thì ngày mai sẽ có. – Bogatyrev nói một cách tin tưởng.

– Thế cậu đã ra các bến tàu chưa?

– Có thấy rồi.

– Thấy rồi? Đã thấy thì còn gì mà nói nữa? Chúng nó chỉ nhận cho mình và Riaptrikov đi thôi, mà đó là một thằng thuộc Tập đoàn quân tình nguyện nói rằng chúng mình phải đứng lẫn vào đại đội pháo của trấn Karginskaia, ngoài ra không còn cách nào khác.

– Chúng nó còn chưa lên tàu chứ, cái đại đội pháo ấy? – Bogatyrev vội hỏi ngay.

Sau khi được biết rằng bọn lính pháo binh còn đang xếp hàng chờ lượt lên tàu, hắn lập tức bắt tay vào sửa soạn: hắn bỏ vào một chiếc ba- lô vài thứ đồ lót, một cái quần dự bị, một chiếc áo quân phục cổ chui, nhét vào đó ít bánh mì rồi từ biệt các bạn.

– Ở lại thôi, Petro! – Ermakov khuyên hắn. – Bọn mình không nên tan tác mỗi đứa một nơi.

Bogatyrev không trả lời, chỉ chìa cho hắn một bàn tay đẫm mồ hôi, rồi khi ra đến ngưỡng cửa hắn còn cúi chào một lần nữa và nói:

– Chúc tất cả mạnh khoẻ! Nếu Chúa run rủi, chúng mình sẽ còn gặp nhau! – Nói xong hắn bỏ chạy ra ngoài.

Sau khi hắn đi rồi, trong phòng lặng đi giờ lâu rất là khó chịu.

Ermakov vào bếp tìm người chủ nhà, mang ra bốn cái cốc, lặng lẽ rót rượu, rồi lại đặt lên bàn một cái ấm pha trà to bằng đồng đầy nước lạnh. Sau đó hắn cắt mỡ chài và vẫn ngậm tăm như thế, ngồi vào bàn. Hắn chống khuỷu tay nhìn đờ đẫn vài phút xuống chân mình, cuối cùng hắn ghé miệng vào ngay vòi ấm tu một hơi và nói khàn khàn:

– Ở Kuban, chỗ nào nước cũng nặc mùi dầu hoả, không biết tại sao thế nhỉ?

Không ai trả lời hắn, Riaptrikov dùng một mảnh giẻ sạch lau lưỡi gươm ám hơi nước, Grigori lục lọi trong cái hòm của chàng, Prokho thì thẫn thờ đưa mắt qua cửa sổ nhìn những sườn núi trọc trên đó thấy rải rác vài đàn ngựa.

– Chúng ta ngồi vào bàn, uống đi chứ? – Ermakov nói rồi không chờ đợi mọi người, dốc luôn vào miệng nửa cốc rượu, hắn uống thêm một ít nước rồi vừa nhai một miếng mỡ chài hồng hồng vừa đưa cặp mắt đã lại vui vẻ nhìn Grigori và hỏi:

– Các ông đồng chí Đỏ có cách cái mạng của chúng ta đi không nhỉ?

– Chúng nó giết thế nào được tất cả mọi người. Ở lại đây còn có bao nhiêu ngàn người. – Grigori trả lời.

– Tôi có lo buồn cho tất cả mọi người đâu. – Ermakov phá lên cười. – Tôi chỉ lo cho cái thần xác của tôi thôi…

Sau khi uống một chập khá nhiều, câu chuyện đã trở nên vui vẻ.

Nhưng chỉ một lát sau đã thấy Bogatyrev bất thình lình trở về, âm thầm cau có, mặt tái xanh tái tím vì lạnh. Hắn ném xuống bên ngưỡng cửa cả một bó nhưng chiếc áo ca- pốt kiểu Anh còn mới và lầm lì cởi áo ngoài.

– Chúc mừng ngài đã trở về! – Prokho cúi chào, nói giọng châm chọc.

Bogatyrev đưa cặp mắt tức tối liếc nhìn hắn rồi thở dài và nói:

– Bây giờ thì dù tất cả những thằng Denikin và những thằng con b… khác đến van xin mình, mình cũng không đi nữa? Mình đã xếp hàng, lạnh cóng như con chó đứng ngoài trời lúc đại hàn mà chẳng được tích sự gì cả. Đến lúc đã sát đến lượt mình thì chúng nó cắt không nhận nữa. Có hai thằng đứng trước mặt mình thì một thằng được cho lên tàu, một thằng không. Nửa đại đội pháo ở lại, như vậy thì còn ra thể thống gì nữa hử?

– Chúng nó đem các cậu ra làm trò cười như thế đấy! – Ermakov cười khà khà rồi rót cho Bogatyrev một cốc rượu đầy, làm rượu trào cả ra ngoài. – Nào cậu hãy cạn chén vì nỗi đau khổ đắng cay của cậu đi! Hay cậu còn chờ chúng nó đến van nài rước cậu đi! Cậu hãy nhìn ra cửa sổ mà xem: có phải tướng Vrăngghen đến tìm cậu đấy không?

Bogatyrev nín thinh từ từ nhấp nháp. Hắn hoàn toàn chẳng còn lòng dạ nào mà đùa cợt. Còn Ermakov và Riaptrikov thì đã say bí tỉ.

Hai gã đã đổ cho mụ chủ nhà già xóc uống đến say mềm và đang bàn chuyện đi kiếm một tay chơi accordeon.

– Các cậu hãy ra ga thì hơn. – Bogatyrev khuyên. – Ở ngoài ấy chúng nó đang cướp các toa xe đấy. Cả một đoàn xe toàn quần áo nhà binh.

– Cần quái gì đến các quần áo nhà binh của cậu! – Ermakov quát lên. – Những cái áo ca- pôt cậu lôi về đã đủ chán cho bọn mình rồi! Có thừa thì cũng đến bị chúng nó lột mất thôi! Đồ chó đẻ? Ở đây bọn mình đã quyết định đi theo bọn Đỏ đấy, cậu có hiểu không? Chúng mình là những thằng Cô- dắc chứ có phải là những thằng hạng bét nào đâu? Nếu bọn Đỏ để cho chúng mình sống thì chúng mình sẽ đi lính cho chúng nó! Chúng mình là những thằng Cô- dắc sông Đông! Chính cống Cô- dắc, không một giọt máu nào lai! Cái nghề của chúng mình là đâm chém. Cậu có biết chém như thế nào không? Chém như người ta băm lõi bắp cải ấy! Cậu hãy đứng ra chỗ kia, mình sẽ chém thử cậu xem sao! Chà chà, cậu sợ à? Đối với chúng mình thì chém kẻ nào mà chẳng thế, miễn là có đứa mà chém. Tôi nói có đúng không, anh Melekhov?

– Thôi đi! – Grigori khoát tay mệt mỏi.

Ermakov lác xệch cặp mắt ngầu máu, định với lấy thanh gươm của hắn để trên nắp rương. Bogatyrev gạt tay hắn ra nhưng không có vẻ gì là giận dữ và khuyên hắn:

– Nầy ông chiến sĩ Anhica 3, đừng có quá hung hăng, kẻo tôi lại bắt ông phải biết điều ngay bây giờ. Uống cho đứng đắn một chút, vì cậu cũng mang hàm sĩ quan cơ mà.

– Cái quân hàm ấy mình cũng chẳng cần gì đến nó? Bây giờ thì đối với mình nó cũng chỉ như cái gông trên cổ một con lợn. Thôi cậu đừng nhắc tới nó nữa? Đối với cậu thì cũng thế thôi. Hay để mình cắt béng hai cái lon của câu đi nhé! Petro, cậu bạn yêu quí của mình, chờ đấy, chờ đấy một lát, mình sẽ cắt ngay cho cậu…

– Chưa đến lúc đâu, còn kịp chán. – Bogatyrev vừa cười vừa gạt tay thằng bạn đùa dai.

Cả bọn nhậu nhẹt cho đến khi trời rạng. Ngay từ tối hôm qua đã có mấy tên Cô- dắc mò tới không biết từ nơi nào, một gã có một chiếc accordeon hai dãy phím. Ermakov nhảy điệu Cô- dắc cho đến lúc hắn ngã lăn ra. Bọn kia lôi hắn đến gần cái rương, thế là hắn lập tức ngủ thiếp đi ngay trên sàn nhà, hai chân dạng rộng, đầu ngoặt sang bên cạnh một cách rất không tự nhiên. Cuộc chè chén chẳng có gì vui cứ thế kéo dài đến sáng. Trong số những thằng ngẫu nhiên trở thành quen biết vừa đến dự cuộc rượu, có một tên Cô- dắc đứng tuổi mếu máo nói giọng say nhè: “Tôi vốn là dân trấn Kamchatskaia đây! Nhà ở ngay thị trấn đấy? Nhà tôi có những con bò mộng với những cặp sừng đẹp không đâu có? Ngựa thì như những con sư tử! Nhưng bây giờ cơ nghiệp còn lại được gì? Độc một con chó ghẻ! Nhưng không có gì ăn, cả đến nó cũng sắp ngoẻo rồi…”. Một gã người Kuban mặc chiếc trec- ket rách như sơ mướp bảo gã kéo accordeon chơi điệu “na- uốc- skaia” 4 rồi dang rộng hai tay như trong tranh vẽ, nhảy lươn lướt khắp căn phòng, nom nhẹ nhàng đến nỗi Grigori có cảm tưởng như hai gót ủng kiểu miền núi của gã hoàn toàn không chạm chút nào xuống mặt sàn đất sần sùi bần thỉu.

Đến nửa đêm, trong đám Cô- dắc có một gã lôi không biết từ đâu về có hai cái bình cổ ngẳng bằng sành rất cao, trên bụng cái nào cũng có dán một tờ nhãn hiệu đen đen đã gần mục nát, nút bình gắn dấu si, trên những cái dấu si đỏ như quả anh đào lại còn treo những hòn chì rất lớn. Prokho dùng cả hai tay nâng lên rất lâu một chiếc bình to bằng đến một thùng, môi run run một cách đau khổ: hắn cố đọc những chữ nước ngoài trên tờ nhãn hiệu. Ermakov vừa tỉnh lại chưa được mấy chốc giật phắt cái bình trong tay Prokho, đặt xuống đất rút thanh gươm đánh soạt. Prokho chưa kịp ái chà một tiếng, Ermakov đã vung chếch thanh gươm, chém đứt phăng cổ cái bình ở một phần tư chiều cao rồi quát to: “Mang cái gì ra mà đựng!”

Chỗ rượu vang đặc sánh, thơm và nồng một cách lạ lùng bị uống hết ngay trong vài phút. Uống hết rồi, Riaptrikov còn trầm trồ tặc lưỡi mãi, miệng lắp bắp: “Đây không phải là rượu vang mà đúng là nước thánh? Thứ nầy chỉ khi nào sắp chết mới được uống thôi, mà không phải thằng nào cũng được uống đâu. Nó chỉ dành cho những đứa nào suốt đời không đánh bài, không hút thuốc và không động đến đàn bà… Tóm lại, đây đúng là rượu của các tổng giám mục!

Đến lúc ấy lúc Prokho chợt nhớ rằng trong túi dết của hắn còn mấy lọ rượu thuốc.

– Hãy hượm đã, Platon, anh đừng khen quá lời! Tôi còn một thứ rượu vang ngon hơn thứ nầy nhiều! Đây chỉ là phân thôi, thứ tôi lấy được trong nhà kho mới đúng là rượu vang? Mới đúng là trầm hương và mật ong, mà còn hơn thế nữa cũng chưa biết chừng! Người anh em ạ, anh sẽ thấy đây không phải là rượu của các tổng giám mục mà đích thị là rượu cống nhà vua đấy? Xưa kia dành cho vua chúa uống, bây giờ đến phần chúng ta hưởng… – Hắn vừa khoe vừa mở một cái lọ.

Đang còn thèm rượu, Riaptrikov bèn uống ừng ực hết luôn nửa cốc cái thứ nước đặc quánh màu vàng đục. Mặt hắn lập tức nhợt ra, hai con mắt trợn tròn:

– Không phải rượu vang mà là phenol? – Hắn kêu lên, giọng khàn hẳn đi, rồi điên tiết hất nốt chỗ còn lại trong cốc vào áo sơ- mi của Prokho và lảo đảo chạy ra hành lang.

– Nó nói láo đấy, thằng khốn kiếp! Rượu vang của nước Anh đấy! Rượu thượng hảo hạng? Đừng tin lời nó, anh em ạ? – Prokho gào lên, cố át các giọng say nhè khác. Hắn uống một hơi hết cốc nước rồi mặt hắn xám ngoét đi, hơn cả mặt Riaptrikov.

– Nầy thế nào hử? – Ermakov vừa hỏi vừa nhìn Prokho bằng hai con mắt say sưa, cánh mũi hắn phập phồng. – Rượu cống của nhà vua uống vào như thế nào hử? Nặng ra nặng phải không? Ngọt lừ phải không? Nói đi chứ, đồ quỉ sứ nói đi không tao đập tan cái lọ nầy vào đầu mày bây giờ!

Prokho cắn răng chịu khổ, chỉ lắc đầu. Rồi hắn nấc một cái, nhảy chồm lên rất nhanh và chạy theo Riaptrikov ra ngoài. Ermakov cười đến không thở được nữa, hắn nháy mắt với Grigori như âm mưu điều gì rồi bước ra sân. Một phút sau hắn quay vào phòng, tiếng cười sằng sặc át cả tiếng tất cả mọi người.

– Cậu làm sao thế? – Grigori hỏi mệt mỏi. – Làm gì mà hí lên như ngựa thế, đồ ngu xuẩn? Có cái gì thú lắm à 4?

– Chao ôi, người anh em, anh ra mà xem, hai thằng đang nôn thốc nôn tháo! Anh có biết chúng nó vừa nốc cái gì không?

– Thế cái gì?

– Thuốc chống chấy rận của Anh.

– Chỉ nói láo!

– Lạy Chúa tôi, thật đấy mà! Lúc ở nhà kho, đầu tiên chính tôi cũng tưởng là rượu vang, nhưng sau tôi hỏi lão bác sĩ: “Thưa bác sĩ, đây là cái gì đây?” thì lão bảo: “Thuốc đấy”. Tôi lại hỏi: “Hay nhỡ ra đây là thuốc chữa tất cả các bệnh? Có pha rượu không?” Lão nói: “Cầu Chúa cứu vớt, đây là thứ dầu các nước đồng minh gửi cho chúng ta để chống chấy rận đấy. Thuốc bôi bên ngoài, dứt khoát không uống vào trong bụng được đâu?”.

– Đồ ác ôn, tại sao cậu không bảo cho chúng nó biết? – Grigori bực mình trách hắn.

– Cứ cho hai con quỉ dữ ấy được tẩy ruột trước khi đầu hàng, chắc hẳn chúng nó sẽ không chết đâu! – Ermakov chùi những giọt nước mắt trào ra trong trận cười rồi nói thêm một cách khoái trá không thiếu ác ý – Mà anh em mình cũng được uống dễ dàng hơn, nếu không chúng nó chẳng để cho mình kịp với lấy một ly rượu trên bàn nữa. Với những thằng phàm ăn phàm uống thì phải cho một bài học như thế! Nhưng nào, hai chúng mình cùng uống thêm hay chờ một lát đã? Chúng ta uống mừng ngày tận số của chúng ta chứ?

Trời sắp hửng thì Grigori bước ra ngoài thềm, chàng cuộn điếu thuốc trong những ngón tay run run, châm hút rồi dựạ lưng vào bức tường đẫm sương đêm, đứng giờ lâu.

Trong nhà vẫn không ngớt tiếng gào la của những thằng say rượu, tiếng nấc hổn hển của chiếc accordeon, tiếng huýt sáo ngang tàng, tiếng gót ủng của những tên nhảy múa không lúc nào ngớt trên sàn đất vang lên dòn tan… Trong khi đó từ ngoài vịnh, gió vẫn đưa tới những tiếng còi tàu trầm trầm, khê đặc. Trên các bến tàu, tiếng người nói nhao nhao hoà quánh với nhau, thỉnh thoảng lại có những tiếng ra lệnh oang oang, tiếng ngựa hí hay tiếng đầu tàu xe lửa rúc còi nổi bật lên. Cuộc chiến đấu đang diễn ra ở một chỗ nào đó về hướng ga Tonnhennaia. Tiếng hoả lực pháo binh dội lên trầm trầm.

Giữa các loạt pháo lại hơi có thể nghe thấy tiếng tằng tằng sôi nổi của những khẩu súng máy. Phía sau đèo Markhotsky bỗng bùng lên những tia sáng của một phát đạn tín hiệu. Bắt đầu nhìn thấy trong vài giây những ngọn núi nom như những cái lưng gù dưới làn ánh sáng hư ảo màu xanh lá cây, rồi bóng tối lầy nhầy của một đêm tháng Ba lại chụp lên những trái núi, và những đợt hoả lực pháo binh lại gầm lên rành rọt hơn, mau hơn, gần như hoà lẫn vào nhau thành một tiếng rền.

— —— —— —— ——-

1 Tên cũ của sông Ural. Dân Cô- dắc vùng sông nầy đã tham gia rất đông cuộc khởi nghĩa của Pugachev. Năm 1775, sau khi Pugachev thất bại con sông nầy đã bị đổi tên thành Ural (ND).

2 Tổ hợp tác (ND).

3 Một nhân vật anh hùng rơm trong truyện cổ của người Nga.

4 Một điệu nhảy của miền Grudia (ND).

5 Nguyên văn: “Vớ được mẩu sắt đấy à?” Phương ngôn Nga có câu: “Hỷ hửng như thằng ngốc vớ được mẩu sắt” (ND

Chọn tập
Bình luận