Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 124

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Ngày mười lăm tháng năm tên Krasnov, ataman Quân khu Đại Đông đi tầu thuỷ đến trấn Manyskaia. Cùng đi có viên thiếu tướng African Bogaevsky, chủ tịch hội đồng các trưởng ban, phụ trách trưởng ban ngoại giao, tên đại tá Kislov trưởng phòng quân lương quân đội sông Đông và tên ataman vùng Kuban là Filimonov.

Những kẻ đang làm chủ đất đai vùng sông Đông và sông Kuban âu sầu đứng trên boong nhìn chiếc tầu cập bến, các thuỷ thủ chạy ngược chạy xuôi, và những làn sóng nâu ào ào dồn bật trở lại từ bến cầu tầu. Rồi chúng kéo nhau lên bờ trước hàng trăm cặp mắt của đám người tụ tập trên bến.

Bầu trời, đường chân trời, ánh sáng mặt trời, làn sương mù mỏng tanh, tất cả đều xanh xanh. Cả sông Đông cũng lấp loáng một màu xanh biếc không thường thấy ở nó và phản chiếu như một tấm gương lõm những đám mây trắng bong.

Gió nồng nặc mùi nắng, mùi đất mặn khô nẻ và mùi cỏ năm ngoái đã thối mục. Đám người lao xao. Mấy tên tướng được chính quyền địa phương ra đón tiếp vào thao trường.

Một giờ sau, tại nhà viên ataman trấn bắt đầu khai mạc cuộc họp liên tịch giữa các đại biểu của Chính phủ sông Đông và của Tập đoàn quân tình nguyện. Đại diện cho Tập đoàn quân tình nguyện có hai viên tướng Denikin 1 và Alekseev, cùng đi có viên tướng Romanovsky tham mưu trưởng Tập đoàn quân và hai viên đại tá Riasniansky và Evand.

Không khí cuộc gặp mặt khá lạnh nhạt. Krasnov cố giữ thể diện một cách rất nặng nề, Alekseev chào hỏi những tên tham gia hội nghị rồi ngồi ngay vào bàn. Hắn đưa hai bàn tay khô héo nhợt nhạt lên đỡ cặp má lũng nhũng rồi nhắm nghiền hai con mắt như không còn thiết chuyện gì nữa. Chặng đường xe hơi đã lắc cho lão mệt lử, tuổi già cùng những cuộc tang thương mà lão phải trải qua đã làm lão khô héo. Những nếp nhăn hái bên mép cái miệng khô quắt của lão xệ xuống nom rất bi thảm. Mí mắt lão thâm quầng, sưng lên, nặng nề chảy xuống với những đường mạch máu nổi nhằng nhịt. Mười ngón tay ấn chặt vào làn da má mềm nhẽo, đầu ngón tay luồn sâu vào những món tóc vàng khô cắt ngắn. Viên đại tá Riasniansky trải rất cẩn thận lên bàn tấm bản đồ kêu loạt soạt, tên Kislov giúp hắn.

Romanovsky đứng bên cạnh ấn móng ngón tay út xuống giữ một góc tấm bản đồ. Bogaevsky đứng tựa lưng vào một khung cửa sổ thấp nhìn cái vẻ mệt mỏi rã rời trên mặt Alekseev, bộ mặt trắng bệch như đúc bằng thạch cao. Hắn bỗng cảm thấy thương hại đến nhoi nhói trong tim: “Sao ông ấy già xọm đi đến thế? Già một cách khủng khiếp!” – Bogaevsky nghĩ thầm, hai con mắt ươn ướt hình quả trám vẫn không rời Alekseev. Bọn đến dự hội nghị còn chưa kịp ngồi hết vào bàn. Denikin đã bắt đầu nói với Krasnov bằng một giọng sôi nổi và gay gắt:

– Trước khi khai mạc hội nghị, tôi thấy cần phải tuyên bố với ngài rằng chúng tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên khi thấy trong bản bố trí binh lực của trận đánh chiếm Bataisk, ngài đã nêu rằng có một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội pháo của quân Đức hoạt động trong đội hình tiến quân bên phải. Cần phải thú nhận rằng hiện tượng hợp tác như thế đã gây cho tôi một cảm tưởng không chỉ là ngạc nhiên… Xin ngài làm ơn cho chúng tôi biết ngài đã có những động cơ như thế nào trong khi đi lại với kẻ thù, những kẻ thù bất lương hèn hạ của Tổ quốc, và lợi dụng sự giúp đỡ của chúng? Chắc hẳn ngài cũng biết rằng các nước Đồng minh đã sẵn sàng chi viện cho chúng ta rồi chứ? Tập đoàn quân tình nguyện đánh giá sự liên minh với quân Đức như một hành động phản bội của Chính phủ sông Đông và những giới rộng rãi ở các nước đồng minh cũng đánh giá như thế… Xin ngài giải thích cho.

Denikin giận dữ giương cong hai hàng lông mày, chờ Krasnov trả lời.

Chỉ nhờ khả năng tự kiềm chế và cái phong độ thượng lưu sẵn có mà Krasnov còn giữ được vẻ điềm tĩnh bên ngoài. Nhưng dù sao sự tức tối trong lòng hắn vẫn chiếm phần thắng: dưới hàng ria hoa râm, miệng hắn giật giật, méo đi như trong một cơn thần kinh. Krasnov trả lời bằng một giọng rất bình tĩnh, cũng rất lịch sự.

– Khi vận mệnh của toàn bộ sự nghiệp được đặt vào một quân bài duy nhất thì người ta không ngại dùng đến cả sự giúp đỡ của những kẻ thù cũ. Hơn nữa Chính phủ sông Đông dù sao cũng là Chính phủ của một dân tộc gồm năm triệu con người có chủ quyền, không chịu sự giám hộ của ai, và có toàn quyền hành động một cách độc lập, cho hợp với các lợi ích của người Cô- dắc mà Chính phủ nầy có sứ mệnh phải bảo vệ.

Nghe đến đây Alekseev mở to mắt, rõ ràng lão cố hết sức nghe cho rõ. Bogaevsky xoắn bộ ria trau chuốt vuốt thẳng ra như hai mũi tên, nom vẻ rất bực bội. Krasnov đưa mắt nhìn hắn rồi nói tiếp:

– Thưa quan lớn, trong các lập luận của ngài, có thể nói rằng phần chủ yếu là những động cơ thuộc phạm trù đạo đức. Ngài đã nói ra rất nhiều lời cực kỳ nghiêm trọng về việc chúng tôi tựa như phản bội sự nghiệp của nước Nga, phản bội các nước Đồng Minh… Nhưng tôi cho rằng chắc hẳn các ngài cũng được biết một điều là Tập đoàn quân tình nguyện đã nhận được của tôi chúng tôi những đạn dược mà quân Đức đã bán cho chúng tôi.

– Tôi chỉ xin ngài định ranh giới cho rõ giữa những hiện tượng có tính chất hoàn toàn khác nhau. Các ngài có được đạn dược của quân Đức bằng con đường nào, điều đó hoàn toàn không có quan hệ gì với chúng tôi. Còn chuyện nhận sự chi viện của quân đội chúng nó… – Denikin nhún vai một cách bực bội.

Trong khi kết thúc lời phát biểu của hắn, Krasnov đã khéo đưa thêm vào những lời thận trọng nhưng cương quyết làm cho Denikin hiểu rằng hắn không còn là một tên tiểu tướng chỉ huy một lữ đoàn như Denikin đã gặp trên mặt trận Áo – Đức.

Denikin đã đánh tan bầu không khí chết lặng rất khó chịu do những câu nói của Krasnov gây ra bằng cách khéo léo chuyển sang vấn đề hợp nhất quân đội vùng sông Đông với Tập đoàn quân tình nguyện, và tổ chức một bộ chỉ huy thống nhất. Song những sự xung đột xảy ra trước đó thực tế đã mở đầu một tình hình căng thẳng sau nầy, quan hệ nầy ngày càng xấu đi và hoàn toàn bị cắt đứt khi Krasnov rời khỏi chính quyền.

Krasnov tránh không trả lời trực tiếp vấn đề đó bằng cách đề nghị hiệp đồng tác chiến để cùng tấn công Sarysin với mục đích, trước hết là chiếm lấy một trung tâm chiến lược cực lớn, sau nữa là cố thủ tại địa điểm đó để liên hợp với dân Cô- dắc Kavkaz.

Trong phòng ồn lên vài câu trao đổi ngắn ngủi:

– Chẳng cần phải nói các ngài cũng đã rõ là Sarysin có một ý nghĩa cực kỳ lớn lao đối với chúng ta.

– Tập đoàn quân tình nguyện có thể chạm trán với quân Đức.

– Trước hết tôi cần phải giải phóng dân Kuban đã.

– Vâng, nhưng dù sao đánh chiếm Sarysin cũng là nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu. Chính phủ Quân khu sông Đông trao cho tôi trách nhiệm đề nghị với quan lớn.

– Tôi xin nhắc lại rằng tôi không thể bỏ người Kuban được.

Chỉ với điều kiện tấn công Sarysin thì mới có thể nói đến chuyện hình thành một sự chỉ huy thống nhất.

Alekseev cắn môi tỏ ý không tán thành.

– Thật không thể tưởng tượng được. Nếu chưa quét sạch được quân Bolsevich ra khỏi địa giới Quân khu Kuban thì người Kuban chưa chịu tiến ra khỏi địa giới Quân khu. Còn Tập đoàn quân tình nguyện thì chỉ có hai ngàn rưởi tay súng, với một phần ba quân số là thương bệnh binh không thể chiến đấu được 2

Trong bữa ăn trưa rất thường, mọi người chỉ thẫn thờ trao đổi với nhau những ý kiến chẳng có gì là quan trọng. Đã hai năm rõ mười là hai bên không thể nào đi tới thoả thuận. Tên đại tá Riasniansky kể một câu chuyện vui gần như có tính chất truyền kỳ về chiến công của một gã trong quân đội Markov, rồi dần dần nhờ tác dụng phối hợp của bữa ăn và câu chuyện vui, không khí căng thẳng đã được xua tan. Nhưng khi ăn xong, lúc mọi người vừa hút thuốc vừa phân tán vào nhà trong, Denikin đặt tay lên vai Romanovsky, nheo cặp mắt sắc ngọt chỉ Krasnov và nói:

– Một tay Napoleon với qui mô một quân khu… Con người thật là thiếu thông minh, ngài có biết…

Romanovsky mỉm cười, trả lời rất nhanh:

– Anh chàng muốn xưng vương xưng bá, thôn tính thiên hạ… Một viên tướng chỉ huy lữ đoàn mà say sưa với mộng đế vương. Theo tôi, đúng là anh ta thiếu nhạy cảm về tính hài hước…

Bọn chúng chia tay nhau, trong lòng đầy căm thù và tức tối. Từ hôm ấy quan hệ giữa Tập đoàn quân tình nguyện và Chính phủ Quân khu sông Đông xấu hẳn đi, và càng xấu đến cực độ khi ban chỉ huy Tập đoàn quân tình nguyện được biết nội dung bức thư Krasnov gửi cho tên Winhem, hoàng đế nước Đức. Những tên thương binh của Tập đoàn quân tình nguyện nằm lại ở Novocherkask đều cười cái mộng tự trị cùng cái thói của Krasnov thích làm sống lại các phong tục cổ lỗ của dân Cô- dắc. Trong lúc nói chuyện riêng với nhau, chúng thường gọi Krasnov một cách khinh bỉ là “Ông chuột” (thay cho ông chủ), còn Quân khu Đại Đông thì được gọi chệch là “Đại Ngông”. Để trả đũa, những kẻ chủ trương vùng sông Đông độc lập đã đặt cho bọn kia những cái tên “các nhà nhạc sĩ giang hồ”, “các nhà cầm quyền không có lãnh thổ”. Một kẻ trong số các nhân vật to đầu của Tập đoàn quân tình nguyện đã ác khẩu gọi Chính phủ Quân khu sông Đông là “Con đĩ làm tiền trên giường của quân Đức”. Tên tướng Denisov thấy thế bèn trả lời: “Nếu Chính phủ sông Đông là một con đĩ, thì Tập đoàn quân tình nguyện là thằng ma- cô sống bám vào con đĩ ấy”.

Câu trả lời ấy ám chỉ việc Tập đoàn quân tình nguyện phụ thuộc vào Quân khu sông Đông, được Quân khu sông Đông chia cho số vũ khí đạn dược nhận được của quân Đức.

Rostov và Novocherkask là hậu phương của Tập đoàn quân tình nguyện. Bọn sĩ quan ở đấy lúc nhúc như dòi. Hàng ngàn tên trong số đó hoạt động đầu cơ, làm việc trong vô số những cơ quan hậu phương nương thân ở các nhà họ hàng bà con, mang chứng từ thương tích giả mạo vào nằm các bệnh viện quân y… Tất cả những tên dũng cảm nhất đã chết trong các trận chiến đấu, vì bệnh thương hàn hay vì những vết thương, còn những tên sống sót đều đã mất cả tiết tháo lẫn lương tâm qua mấy năm cách mạng. Chúng lẩn trốn trong hậu phương như những con sói núi, chúng ngoi lên trong những ngày loạn lạc như bọt bẩn và phân nổi trên mặt nước. Chúng là những tên sĩ quan hủ bại chưa từng tham gia chiến trận, những tên mà Chernenchev đã chửi mắng, vạch mặt, làm nhục khi hắn kêu gọi bảo vệ nước Nga. Phần lớn những tên trong bọn nầy là một loại dơ dáy đê tiện nhất của cái gọi là “giới trí thức có tư tưởng” mặc binh phục: chúng chạy trốn người Bolsevich, nhưng không đến với quân Trắng, chúng sống qua ngày đoạn tháng, tranh cãi với nhau về vận mệnh của nước Nga, cố kiếm ít tiền mua sữa cho con và hết sức mong chiến tranh chấm dứt. Đối với chúng ai nắm chính quyền trong nước cũng đều không sao cả: Krasnov cũng được, người Đức cũng được, người Bolsevich cũng được, miễn là chiến tranh kết thúc.

Nhưng mỗi ngày một nổ ra nhiều sự việc, ở Sibir có vụ phiến loạn của người Tiệp Khắc 3, ở Ukraina có Marno 4 đang nói chuyện với quân Đức bằng thứ tiếng ngang ngược của pháo binh và súng máy. Kavkaz, Murmansk, Askhagensk… Toàn nước Nga đang chìm trong khói lửa… Toàn nước Nga đang quằn quại trong cơn đau trở dạ…

Đến tháng Sáu, khắp vùng sông Đông đã có những tin đồn truyền đi rộng rãi như những làn gió đông; người Tiệp Khắc đã chiếm Saratov, Sarysin và Astrakhan, nhằm mục đích thành lập một mặt trận miền Đông để tấn công vào quân đội Đức. Quân Đức ở Ukraina bắt đầu chỉ miễn cưỡng cho phép những tên sĩ quan trốn khỏi nước Nga đi qua để chiến đấu dưới lá cờ Tập đoàn quân tình nguyện.

Bộ chỉ huy Đức lo lắng trước những tin đồn về việc thành lập “mặt trận miền Đông” bèn cử một số đại biểu của họ đến vùng sông Đông. Ngày mồng mười tháng Bảy ba tên thiếu tá của quân Đức đến Novocherkask; Phôn Cokenhaodơ, Phôn Sterfani và phôn Sleynit.

Ngay hôm ấy, chúng được tên ataman Krasnov tiếp trong lâu đài. Tướng Bogaevsky cũng có mặt trong cuộc hội đàm. Đầu tiên tên thiếu tá Cokenhaodơ nhắc lại rằng Bộ chỉ huy Đức đã dùng mọi cách, thậm chí không ngại can thiệp vũ trang để giúp Quân khu Đại Đông đấu tranh với người Bolsevich và khôi phục đường biên giới. Sau đó hắn hỏi Chính phủ sông Đông sẽ phản ứng như thế nào, nếu người Tiệp Khắc bắt đầu có những hoạt động quân sự chống lại người Đức? Krasnov bèn cam đoan với hắn rằng người Cô- dắc sẽ nghiêm chỉnh giữ thái độ trung lập và tất nhiên sẽ không cho phép biến vùng sông Đông thành chiến trường. Tên thiếu tá Sterfani ngỏ ý mong muốn câu trả lời của tên ataman được xác định bằng hình thức giấy tờ.

Cuộc hội đàm đến đấy thì kết thúc, và hôm sau Kaxnov đã thảo ngay bức thư dưới đây gửi cho hoàng đế nước Đức:

“Thưa Hoàng đế và quốc vương bệ hạ!

Người đệ trình bức thư nầy là ataman trấn Dimovaya (sứ giả) của Quân khu Đại Đông tại trều đình của hoàng đế bệ hạ, cùng các vị đồng sự của ông ta được tôi, ataman Quân khu sông Đông, uỷ nhiệm chuyển lời chào tới hoàng đế bệ hạ, vị nguyên thủ hùng mạnh của nước Đức vĩ đại, và truyền đạt với hoàng đế bệ hạ những lời dưới đây: Những người Cô- dắc dũng cảm của sông Đông đã chiến đấu hai tháng nay vì quyền tự do của Tổ quốc mình với tinh thần anh dũng cũng như người Boe 5 một dân tộc có quan hệ huyết thống với người Đức đã chống lại người Anh trong thời gian gần đây. Hai tháng chiến đấu ấy kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn trên tất cả các mặt trận của quốc gia chúng tôi, và hiện nay 9/10 lãnh thổ Quân khu Đại Đông đã được giải phóng khỏi tay những bầy Bạch vệ dã man. Trật tự quốc gia trong nước đã được củng cố, một chế độ pháp trị hoàn chỉnh đã được thiết lập. Nhờ có sự gỉúp đỡ hữu nghị của quân đội hoàng đế bệ hạ, miền Nam Quân khu đã lấy lại được an ninh và tôi đã chuẩn bị xong xuôi một quân đoàn để duy trì trật tự trong nước và ngăn chặn sự tấn công của kẻ địch từ bên ngoài. Cơ cấu của một quốc gia trẻ tuổi như Quân khu sông Đông hiện nay khó mà có thể tồn tại cô độc, vì thế Quân khu sông Đông đã ký liên minh chặt chẽ với các vị thủ lĩnh hai quân khu Astrakhan và Kuban, là đại tá công tước Tundutov và đại tá Filimonov, để sau khi quét sạch được quân Bolsevich ra khỏi đất đai, hai quân khu Astrakhan và Kuban sẽ thành lập một cơ cấu quốc gia bền vững trên cơ sở liên bang, gồm Quân khu Đại Đông, quân khu Astrakhan, kể cả dân Kalmys ở tỉnh Starovolskaia, quân khu Kuban và cả các dân tộc Bắc Kavkaz. Đã có được sự nhất trí giữa các quốc gia đó, và quốc gia mới thành lập, hoàn toàn nhất trí với Quân khu Đại Đông đã quyết định không cho phép biên lãnh thổ của mình thành sân khấu của những cuộc xung đột đẫm máu, và cam kết theo chính sách hoàn toàn trung lập.

Đề nghị hoàng đế bệ hạ công nhận quyền tồn tại độc lập của Quân khu Đại Đông, và sau khi giải phóng xong các quân khu còn lại Kuban. Astrakhan, Checsk, và miền Bắc Kavkaz, sẽ công nhận cả sự tồn tại độc lập của liên bang mang tên Liên bang Đông Kavkaz.

Đề nghị hoàng đế bệ hạ công nhận các biên giới của Quân khu Đại Đông dựa theo các vùng địa lý và nhân chủng xưa kia của Quân khu, giúp chúng tôi giải quyết sự tranh chấp giữa Ukraina và Quân khu sông Đông về Taranroc và những vùng lân cận theo yêu cầu của Quân khu sông Đông, vì quân khu sông Đông đã làm chủ khu vực Taranroc hơn 500 năm nay, và khu vực Taranroc vốn là một bộ phận của Tomutanacan, tức là tiền thân của Quân khu sông Đông.

Đề nghị hoàng đế bệ hạ hãy vì những lý do chiến lược mà hiệp trợ Quân khu sông Đông sát nhập hai thành phố Kamysin và Sarysin, tỉnh Saratov, thành phố Voronez, hai nhà ga Liska và Povonno và xác định biên giới của Quân khu sông Đông theo tấm bản đồ hiện còn giữ ở trấn Dimovaya.

Đề nghị hoàng đế bệ hạ có áp lực đối với chính quyền Xô viết Moskva 6, bắt chính quyền đó ra lệnh cho các chi đội Hồng quân cuồng khấu rút hết ra khỏi địa hạt của Quân khu Đại Đông cùng các nước khác có chân trong liên bang Đông – Kavkaz, và tạo khả năng thiết lập những quan hệ bình thường, hoà bình giữa Moskva và Quân khu sông Đông. Tất cả những sự tổn thất mà cuộc xâm lược của quân Bolsevich đã gây ra cho nhân dân, cho nền thương nghiệp và công nghiệp của Quân khu sông Đông đều phải được nước Nga Xô- viết bồi thường.

Đề nghị hoàng đế bệ hạ giúp cho Nhà nước trẻ tuổi của chúng tôi những khẩu pháo, súng trường, đạn dược dự trữ và trang bị kỹ thuật, và nếu hoàng đế bệ hạ nhận thấy có lợi thì xin xây dựng trong địa giới Quân khu sông Đông những nhà máy sản xuất pháo, súng trường, đạn pháo và đạn súng trường.

Quân khu Đại Đồng cùng các quốc gia khác trong Liên bang Đông – Kavkaz sẽ không quên những sự giúp đỡ hữu nghị của nhân dân Đức, một dân tộc mà dân Cô- dắc đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu từ hồi cuộc Chiến tranh ba mươi năm 7 hồi những trung đoàn sông Đông đã đi có mặt trong quân đội của Vanlenstain 8 và trong những năm (1807 – 1813) người Cô- dắc sông Đông đã theo vị ataman của mình là bá tước Platov chiến đấu cho nển tự do của nước Đức và mới đây trong gần ba năm rưỡi chiến tranh đẫm máu trên các chiến trường Phổ, Gaxili, Bukovin và Ba Lan, người Cô- dắc và người Đức đã học tập lẫn nhau để biết tôn trọng lòng dũng cảm, trí kiên cường ở quân đội của nhau, và trong lúc nầy đang chìa tay cho nhau, cùng đấu tranh cho tự do của sông Đông yêu dấu.

Để đền đáp lại sự giúp đỡ của hoàng đế bệ hạ, Quân khu Đại Đông cam đoan hoàn toàn giữ chính sách trung lập và không cho phép các lực lượng vũ trang thù địch với nhân dân Đức tiên vào lãnh thổ của mình. Cả công tước Tundutov, ataman Quân khu Astrakhan, Chính phủ Kuban cùng tất cả các miền khác sau nầy hợp nhất thành Liên bang Đông – Kavkaz, đều đã nhất trí về điểm nầy.

Quân khu Đại Đông dành cho đế quốc Đức quyền ưu tiên trong việc xuất khẩu các sản phẩm thừa sau khi đã thoả mãn nhu cầu địa phương: lúa mì (thóc và bột), hàng da và nguyên liệu da, lông cừu, các thứ hàng cá, các thứ dầu mỡ động vật và thực vật cùng các chế phẩm dầu mỡ, các hàng thuốc lá và chế phẩm thuốc lá, các loại gia súc và ngựa, rượu vang cùng những sản phẩm khác của nghề làm vườn và nghề canh tác. Để trao đổi lại, đế quốc Đức sẽ cung cấp máy móc nông nghiệp, các hoá phẩm và thuốc thuộc da, thiết bị cho nhà máy in giấy bạc của Nhà nước cùng với vật liệu dự trữ tương ứng trang bị cho các nhà máy dệt nỉ, dệt vải bông, xưỏng chế tạo đồ da, các nhà máy hoá chất, nhà máy đường cùng những nhà máy khác, các dụng cụ khí tài ngành điện.

Ngoài ra Chính phủ Quân khu Đại Đông sẽ dành cho giới công nghiệp Đức những điều kiện ưu đãi đặc biệt trong việc đầu tư vào các xí nghiệp công thương nghiệp sông Đông, đặc biệt trong ngành thiết kế xây dưng và khai thác các tuyến đường thuỷ và các đường giao thông khác.

Sự hợp tác chặt chẽ hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích cho cả hai bên và tình hữu nghị gắn bó bằng máu mà hai dân tộc Đức và Cô- dắc đã cùng đổ ra trên các chiến trường chlng sẽ trở thành một lực lượng hùng mạnh để đấu tranh chống lại tất cả các kẻ thù của chúng ta.

Người viết trình hoàng đế bệ hạ bức thư nầy không phải là một nhà ngoại giao và một người am hiểu tinh vi về quốc tế công pháp, mà là một người lính đã quen kính trọng sức mạnh của vũ nghiệp Đức qua những trận chiến đấu chính đại quang minh, vì thế tôi xin hoàng đế bệ hạ lượng thứ cho giọng văn cương trực của tôi, trong đó không hề có chút gì xảo trá, và xin hoàng đế bệ hạ tin tương ở thành ý của tôi.

Người rất tôn kính hoàng đế bệ hạ

Petr Krasnov

ataman sông Đông, thiếu tướng”,

Ngày hai mươi lăm tháng Bảy, bức thư nầy đã được đưa ra cho hội đồng các trưởng ban thảo luận. Tuy mọi người có thái độ hết sức dè dặt đối với nó, thậm chí tuy Bogaevsky cùng một số uỷ viên khác trong Chính phủ rõ ràng phản đối, nhưng Krasnov vẫn trao ngay bức thư cho tên công tước Lichchenbec, ataman trấn Dimovaya ở Berlin. Tên nầy đã cùng Krasnov đi Kiev, rồi đến đó hắn cùng viên tướng Cheriatrukin đi Berlin.

Trước khi gửi đi, bức thư đã được in ra nhiều bản ở ban ngoại giao, mà việc ấy Bogaevsky không phải không biết. Các bản sao đã được truyền tay rộng rãi qua các đơn vị và các trấn Cô- dắc kèm theo những lời bình luận thích đáng và đã trở thành công cụ tuyên truyền rất đắc lực. Người ta bắt đầu nói mỗi ngày một công khai rằng Krasnov đã bán mình cho quân Đức. Trên các mặt trận, tinh thần binh sĩ bắt đầu xao xuyến.

Trong khi đó quân Đức dành được hết thắng lợi nọ đến thắng lợi kia, ngày càng như mọc cánh. Chúng đưa tên tướng Nga Cheriatrukin đến gần Paris, và tên nầy đã được cùng với bọn quan chức trong tổng hành dinh quân Đức chứng kiến sức công phá hết sức mãnh liệt của những khẩu trọng pháo do hãng Krupp chế tạo cùng với sự tan vỡ của quân đội Anh – Pháp.

— —— —— —— ——-

1 Hồi nầy Kornilov đã chết, Denikin đã lên thay hắn nắm quyền chỉ huy Tập đoàn quân tình nguyện (ND).

2 Sau đó Krasnov đã tiến đánh Sarysin hai lần (trong tháng Tám và tháng Chín), cả hai đều không có sự hiệp trợ của Denikin và đều thua liểng xiểng (ND).

3 Trong chiến tranh, các tù binh, hàng binh Tiệp và Slovak trong quân đội Áo đã được tổ chức thành một quân đoàn hơn bốn vạn người. Sau cách mạng, nhiều tù binh, hàng binh trong quân đoàn nầy đã tham gia Hồng quân. Nhưng bọn đế quốc can thiệp đã mua chuộc ban chỉ huy quân đoàn. Ngày 25- 5- 1918, quân đoàn Tiệp Khắc nổi loạn, tiếp nhận thêm những tên Bạch vệ Nga, thành một lực lượng rất lớn (khoảng sáu vạn), mở đầu một phong trào phản cách mạng mới trong cả nước (ND).

4 Một trong những tên đầu sỏ phản cách mạng ở Ukraina. Sau khi quân đội của Vraghen bị tiêu diệt, Marno đã trở thành kẻ thù chủ yếu của chính quyền Xô viết ở miền Nam Ukraina (ND).

5 Tức là cuộc chiến tranh từ 1890 đến 1902 ở Nam Phi của người Đức nổi lên chống lại thực dân Anh. Người Boe là một giống người da trắng lai Tơtông và Slavơ, con cháu của thực dân Hà Lan cũ. Krasnov ghép người Boe vào huyết thống Đức, ý chúng muốn nịnh hoàng đế Đức, đồng thời nói thêm rằng mình cũng chẳng ưa gì người Anh (ND).

6 Hồi nầy nước Đức đã cùng nước Nga Xô- viết ký hoà ước Brest- Litovsk nhưng vẫn luôn luôn vi phạm các điều ký kết và bắt bí nước Nga (ND).

7 (1518 – 1648) Vốn là một cuộc chiến tranh tôn giáo trong nước Đức, nhưng vì có những nước ngoài can thiệp nên đã biến thành một cuộc chiến tranh toàn châu Âu (ND).

8 (1853 – 1634), một vị nguyên soái Đức trong cuộc chiến tranh ba mươi năm, đã từng đánh bại Đan Mạch cùng các đồng minh của Đan Mạch (ND).

Chọn tập
Bình luận