Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 178

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Chàng đến Vosenskaia từ lúc sáng sớm.

Nước lũ của sông Đông đã bắt đầu rút. Không khí nồng nặc cái mùi ngọt ngọt của những cây tiêu huyền. Ở gần sông Đông, những cái lá mọng nước mầu xanh sẫm của dãy sồi rì rầm như mơ ngủ. Hơi nước bốc lên ngùn ngụt trên những dải đất bị bóc trần. Một lớp cỏ nhọn hoắt đã nhú lên trên những chỗ đó, nhưng dưới những khoảng đất thấp vẫn còn nhấp nhoáng những đám nước tù, những con bò nước kêu me me bằng một giọng rất trầm và trong bầu không khí ẩm ướt sặc mùi đất sét và mùi bùn, những đàn muỗi vẫn bay nhung nhúc tuy mặt trời đã mọc.

Trong bộ tư lệnh có tiếng một chiếc máy chữ cổ lỗ đập lách cách, người đông nghìn nghịt, khói thuốc lá bốc mù mịt.

Grigori bắt gặp Kudinov đang làm một việc kỳ quặc: lúc chàng lặng lẽ bước vào, hắn cũng chẳng buồn ngước mắt lên nhìn chàng mà cứ nghiêm trang và tư lự rứt từng cái chân của một con nhặng to màu xanh như ngọc bích vừa bị hắn bắt. Sau khi rứt hết những cái chân, hắn nắm con nhặng trong lòng bàn tay khô héo rồi đưa lên tai, tập trung tinh thần nghiêng đầu lắng nghe con nhặng kêu vo vo khi trầm khi thanh.

Nhìn thấy Grigori, hắn ném con nhặng xuống gầm bàn, vẻ mặt kinh tởm và bực bội, rồi chùi tay vào quần và ngả người một cách mệt mỏi ra cái lưng ghế bành mòn bóng.

– Thôi ngồi xuống đi, ngài Grigori Panteleevich.

– Có khỏe không thủ trưởng?

– Chà, cũng như tục ngữ thường nói thôi, khỏe thì kể ra cũng khỏe, nhưng lại không làm giống được. Nhưng thôi, ở chỗ cậu hiện nay ra sao? Chúng nó đang tấn công phải không?

– Tấn công ra tấn công!

– Đã bám lên trên sông Tria phải không?

– Nhưng được bao nhiêu lâu? Các cậu bên Kazanskaia có sang giúp.

– Tình hình hiện nay như thế nầy, nầy cậu Melekhov ạ. – Kudinov quấn chiếc dây lưng da đầu kiểu Kavkaz của hắn quanh một ngón tay, rồi chăm chú nhìn chất bạc xỉn đen trên dây lưng, thở dài. – Xem ra tình hình chúng ta sẽ còn gay go hơn nữa đấy. – Hình như ở gần sông Dones đang xảy ra chuyện gì thì phải. Hoặc là ở đấy ành em mình đã nện bọn Đỏ ra trò và chọc thủng được mặt trận của chúng nó, hoặc là chúng nó đã hiểu rằng bọn mình chính là gốc gác mọi điều tai hoạ của chúng nó nên đang tìm cách tiêu diệt cho kỳ được bọn mình.

– Thế có nghe được tin tức gì về bọn “Kadet” không? Chuyến máy bay cuối cùng vừa qua cho biết được những gì?

– Chẳng có gì đặc biệt. Người anh em ạ, chúng nó đâu có đem các kế hoạch chiến lược của chúng nó nói cho cậu với mình biết. Sidorin, hẳn là một tay ranh ma lắm đấy, người anh em ạ! Ở hắn thì không thể mò ngay ra một điều gì đâu. Chúng nó đang có một kế hoạch chọc thủng mặt trận của bọn Đỏ và kéo đến giúp đỡ bọn mình. Chúng nó có hứa giúp đỡ. Nhưng cậu cũng biết rằng lời hứa thì không phải bao giờ cũng được thực hiện. Còn chọc thủng mặt trận thì đâu phải chuyện dễ dàng, mình cũng biết lắm vì chính mình đã từng làm việc đó với tướng Bruxilov. Mình với cậu làm thế nào biết được bọn Đỏ có bao nhiêu binh lực ở vùng sông Dones? Có thế là chúng nó đã điều từ phía Koltrak về đây vài quân đoàn, có phải thế không? Chúng mình thật là sống trong cảnh tối tăm mù mịt? Không thể nhìn thấy một cái gì xa quá đầu mũi của mình.

– Nếu thế thì anh định nói gì bây giờ? Họp với hành cái gì? – Grigori vừa hỏi vừa ngáp dài một cách chán ngán.

Kết cục của cuộc bạo động cũng chẳng làm cho chàng cảm thấy trong lòng đau khổ chút nào. Không hiểu sao chuyện ấy cũng không làm chàng xao xuyến gì cả. Từ ngày nầy qua ngày khác, như con ngựa kéo lê cái trục cán bằng đá trên sập đập lúa, chàng cứ đi quanh quẩn với những ý nghĩ về chỉ một vấn đề đó và cuối cùng chàng thầm khoát tay: “Bây giờ thì bọn mình không thể nào giảng hoà với Chính quyền Xô viết được nữa rồi. Nó làm chúng ta đổ quá nhiều máu. Mà chính chúng mình lại để cho nó tiến vào. Còn chính quyền của bọn “Kadet” thì hiện nay chúng nó ve vuốt, nhưng sau nầy sẽ giật ngược tóc lên cho mà xem. Thôi mặc mẹ nó? Kết cục sau nầy ra sao cũng được!”.

Kudinov mở bản đồ. Hắn nói nhưng vẫn không nhìn vào mắt Grigori:

– Ở đây bọn mình đã họp một cuộc hội nghị và đã quyết định…

– Anh đã họp hội nghị ấy với ai, với cái thằng công tước ấy có phải không? – Grigori ngắt lời hắn, chàng nhớ lại cuộc họp diễn ra gay trong căn phòng nầy dạo mùa đông và tên trung tá người Kavkaz.

Kudinov cau mày, mặt sầm lại.

– Hắn ta không còn sống nữa rồi.

Sao lại thế? – Grigori hoạt bát hẳn lên.

– Thế chẳng nhẽ mình còn chưa nói cho cậu biết hay sao? Chúng nó đã giết đồng chí Georgitze rồi.

– Hừ, nó thì đồng chí đồng chóe gì với anh và tôi… Chừng nào nó còn mặc cái áo khoác ngắn bằng da thuộc thì nó còn là đồng chí. Nhưng hễ Chúa run rủi cho bọn mình hợp nhất với bọn Kadet mà nó vẫn sống thì ngày hôm sau nó sẽ bôi pom- mát lên ria, chải chuốt vào rồi không thèm chìa tay cho chúng ta bắt ngay. Hoạ chăng chỉ đưa ra ngón tay út như thế nầy nầy. – Grigori chỉa một ngón tay nâu xịt bẩn thỉu, cười khà khà, hai hàm răng nhe ra trắng loá.

Mặt Kudinov nom càng cau có hơn. Trong ánh mắt và giọng nói của hắn đã lộ rõ vẻ khó chịu, bực bội và tức tối, nhưng hắn vẫn còn cố nén.

– Chuyện nầy chẳng có gì đáng cười đâu. Đừng có cười cái chết của người khác. Cậu đã trở thành đại loại như thằng ngốc Vanhiuska 1 rồi. Chúng nó giết một con người mà cậu lại nghĩ: “Sao chúng mầy chẳng chết hết đi cho xong!”

Grigori đã có chút bực mình, nhưng chàng vẫn không để lộ ra nét mặt là sự so sánh của Kudinov đã chạm tới lòng tự ái của chàng.

Chàng bật cười trả lời:

– Đúng là như thế đấy: “Sao chúng mầy chẳng chết hết đi cho xong”. Tôi không thừa hơi mà thương cái bọn bạch diện thư sinh ấy.

– Như thế đấy, chúng nó đã giết mất Georgitze…

– Trong chiến đấu à?

– Nói thế nào bây giờ? Cả một câu chuyện đen tối, mà sự thực như thế nào thì không phải có thể mau chóng làm sáng tỏ được đâu. Vốn là theo mệnh lệnh của mình hắn đã tới ở tại đội vận tải. Nhưng hình như hắn đã không ăn ý được với bọn Cô- dắc thì phải. Hôm ấy đang có chiến đấu ở gần Zuzarevka, chiếc xe hắn đi chỉ cách tuyến lửa hai vec- xta. Cái cậu Georgitze ấy, hắn ngồi trên càng xe (bọn Cô- dắc kể lại với mình như thế). Chúng nó bảo là đã có một viên đạn lạc trúng ngay vào thái dương hắn. Nhưng hình như không phải như thế… Có lẽ bọn Cô- dắc, mấy thằng chết tiệt ấy, chúng nó đã giết hắn…

– Nhưng chúng nó giết như thế là đúng đấy!

– Thôi cậu im đi! Đừng có nói lung tung.

– Anh đừng bực mình làm gì. Tôi nói đùa đấy thôi.

– Đôi khi cậu có những câu nói đùa thật là ngu xuẩn… Cậu thật như con bò mộng: ăn đâu phá đấy. Sao thế, theo ý cậu thì cần phải giết các sĩ quan à? Lại cái chuyện “đả đảo lon vai” phải không? Còn chưa đến lúc cậu phải thông minh thêm một chút hay sao, Grigori? Khập khiễng thì cũng phải dứt khoát khập khiễng một bên chân nào chứ?

– Thôi đừng làm rầm lên nữa, kể nốt đi!

– Còn có gì mà kể? Mình hiểu ngay là bọn Cô- dắc đã giết hắn, bèn tới đấy, nói toạc móng heo cho chúng nó nghe. Mình bảo chúng nó thế nầy: “Cái bọn chó đẻ, các anh lại định giở cái trò cũ phải không? Các anh lại bắt đầu bắn các sĩ quan, như vậy không sợ quá sớm à? Dạo mùa thu, các anh cũng đã bắn họ, nhưng sau đó, đến lúc bị chúng nó vặn cổ, các anh lại phải cần đến sĩ quan. – Mình lại bảo, – chính các anh đã kéo nhau đến quỳ gối van xin “Xin ngài hãy nắm lấy quyền chỉ huy, xin ngài hãy lãnh đạo chúng tôi?” Thế mà bây giờ lại vẫn cái nốt cũ à? Phải, mình đã nói cho chúng nó nhục, đã chửi mắng chúng nó một trận. Nhưng chúng nó vẫn chối bai bải, chúng nó bảo: “Cầu Chúa cứu vớt, thật quả anh em chúng tôi không giết hắn đâu?” Song mình nhìn vào mắt chúng nó, thấy đúng là chúng nó đã thịt hắn. Cậu bảo còn làm thế nào với hắn được nữa? Đái vào mắt chúng nó mà chúng nó cứ bảo là mưa móc Chúa ban cho. – Kudinov tức tối vo tròn sợi dây lưng, mặt đỏ bừng bừng. – Chúng nó đã giết mất một con người hiểu biết, còn mình mất hắn thì bây giờ cứ như mất một cánh tay. Lấy ai thảo các kế hoạch bây giờ? Lấy ai góp ý kiến bây giờ? Như cậu và mình bàn bạc với nhau đấy, hễ vấn đề có dính líu đến chiến lược, chiến thuật, là chúng mình lập tức trở thành những thằng chẳng được tích sự gì cả. Cũng may mà có Petro Bogatyrev đi máy bay tới đây, nếu không sẽ chẳng còn có ai để trao đổi ý kiến nữa… Chao ôi, nhưng thôi, mặc mẹ nó, không nói đến chuyện ấy nữa? Bây giờ công việc trước mắt là thế nầy: nếu anh em mình ở vùng Dones không chọc thủng được mặt trận thì chúng mình không bám được ở đây đâu. Đã quyết định như trước kia đã nói là đem cả quân đội ba vạn người xông ra mở đột phá khẩu. Nếu chúng nó kéo đến đánh cậu thì cậu cứ rút về tới sát sông Đông. Chúng ta sẽ bỏ bờ bên phải từ Ust- Khop tới Kazanskaia, sẽ đào chiến hào trên bờ sông Đông để phòng thủ.

Ngoài cửa có tiếng gõ mạnh.

– Cứ vào! Ai đấy? – Kudinov hỏi to.

Grigori Bogatyrev lữ đoàn trưởng lữ đoàn Sáu bước vào. Bộ mặt đỏ rực, rắn rỏi của hắn bóng nhẫy mồ hôi, hai hàng lông mày hung hung đã bạc màu giương cao, đầy vẻ tức tối. Hắn không bỏ chiếc mũ cát két có cái đỉnh đẫm mồ hôi, ngồi luôn vào bàn.

– Cậu đến có việc gì thế? – Kudinov mỉm cười một cách dè dặt, nhìn Bogatyrev và hỏi.

– Cho đạn đi.

– Đã phát rồi còn gì. Cậu còn cần bao nhiêu nữa? Mình ở đây là một xưởng đúc đạn có phải không?

– Thử hỏi đã phát thì phát được bao nhiêu? Mỗi anh em được một viên chứ gì? Chúng nó nã súng máy như mưa vào tôi, còn tôi thì chỉ được khom lưng xuống mà nấp cho kín. Như thế mà là chiến tranh à? Thế nầy thì, thì… khóc được! Đúng là như thế đấy!

– Nhưng cậu hãy hượm đã, ở đây hai chúng mình đang bàn một vấn đề quan trọng. – Kudinov thấy Bogatyrev đứng dậy định bỏ đi, bèn vội nói thêm – Cậu hượm đã, đừng đi vội, đối với cậu thì không có gì bí mật đâu. Như thế đấy, cậu Melekhov ạ, nếu chúng mình không còn bám lại ở bên nầy sông được nữa thì sẽ phải đột phá mà ra. Chúng mình sẽ bỏ tất cả những người không ở trong quân đội, bỏ tất cả các xe vận tải, cho bộ binh lên xe, mang theo ba đại đội pháo rồi chọc vòng vây về tới sông Dones. Chúng mình muốn cậu làm tiên phong. Cậu không phản đối chứ?

– Mình thế nào cũng mặc. Còn gia đình của chúng ta thì sao? Bao nhiêu đàn bà, con gái, người già sẽ khốn mất.

– Tình hình đúng như thế đấy. Chỉ riêng họ chịu nguy khốn thì vẫn hơn là tất cả chúng ta đều mất mạng.

Kudinov trễ hai bên mép xuống, ngồi lặng đi giờ lâu, rồi lấy ở trong bàn ra một tờ báo.

– Mà còn tin nầy nữa: tổng tư lệnh của chúng nó đã tới chỉ huy quân đội rồi đấy. Có tin đồn rằng hiện nay hắn đang ở Minlerovo, hoặc ở Kanchemirovka thì phải. Thế là chúng nó đã đến tính chuyện với chúng mình rồi!

– Thật ư? – Grigori Melekhov có vẻ nghi ngờ.

– Đúng thế đấy, đúng thế đấy! Đây nầy, cậu thử đọc mà xem. Sáng hôm qua trinh sát của ta đã choảng hai thằng cưỡi ngựa ở quá Sumilinskaia. Cả hai thằng đều là học sinh sĩ quan của bọn Đỏ. Bọn Cô- dắc đã chém chết cả hai thằng, một thằng nom mặt còn trẻ, chúng nó bảo rằng có thể là một thằng chính uỷ gì đó. Trên người chúng nó đã tìm thấy tờ báo mang cái tên “Trên đường” trong cái xà cột số ngày mười hai tháng nầy. Chúng nó viết về anh em mình thật hết sức kỳ quặc! – Kudinov chìa cho Grigori tờ báo, một góc đã bị xé để cuốn thuốc lá.

Grigori nhìn lướt qua đầu đề bài báo đánh dấu bằng bút chì hoá học rồi bắt đầu đọc:

CUỘC PHIẾN LOẠN TRONG HẬU PHƯƠNG

Cuộc nổi loạn của một phần dân Cô- dắc sông Đông kéo dài đã nhiều tuần. Cuộc nổi loạn nầy đã do những tên sĩ quan phản cách mạng, đặc vụ của Denikin, kích động. Nó đã có được sự ủng hộ của tầng lớp kulak Cô- dắc. Bọn kulak đã lôi kéo được một phần đáng kể trong tầng lớp trung nông Cô- dắc đi theo chúng. Điều hoàn toàn có thể xảy ra là trong trường hợp nầy hay trường hợp khác, người dân Cô- dắc đã phải chịu những sự bất công do những người đại biểu cá biệt của Chính quyền Xô viết gây ra. Những tên đặc vụ của Denikin đã khéọ léo lợi dụng tình hình đó để thổi to ngọn lửa phiến loạn. Trong khu vực phiến loạn, những tên Bạch vệ đê tiện đã đeo cái mặt nạ ủng hộ Chính quyền Xô viết để có thể tranh thủ dễ dàng hơn sự tin tưởng của người trung nông Cô- dắc. Như vậy, những hành vi xảo quyệt của bọn phản cách mạng, các lợi ích của tầng lớp kulak và sự tăm tối của quần chúng Cô- dắc đã nhất thời hoà với nhau làm một thành một cuộc phiến loạn vô nghĩa lý và tội lỗi trong hậu phương quân đội của chúng ta ở Mặt trận miền Nam. Đối với người chiến sĩ, một cuộc phiến loạn trong hậu phương cũng giống hệt như một cái ung trên vai người công nhân. Muốn có thể chiến đấu để bảo vệ và phòng thủ đất nước Xô viết, muốn đánh bại các bầy cường đạo của giai cấp địa chủ và của bè lũ Denikin, thì cần phải có một hậu phương bền vững, an toàn, đoàn kết hoà hợp của công nông. Vì thế nhiệm vụ hết sức quan trọng trong lúc nầy là quét sạch cuộc phiến loạn và những tên phiến loạn ra khỏi vùng sông Đông.

Chính quyền Xô viết trung ương ra lệnh phải giải quyết nhiệm vụ đó trong thời hạn ngắn nhất. Để chi viện cho quân đội tiễu phạt đang chiến đấu chống lại cuộc phiến loạn phản cách mạng đê tiện, những lực lượng tăng cường ưu tú đã và đang được điều động tới. Những cán bộ tổ chức ưu tú nhất đã được phái tới đây để giải quyết nhiệm vụ cấp thiết ấy.

Phải chấm dứt ngay cuộc phiến loạn. Các chiến sĩ Hồng quân chúng ta cần phải nhận thức thật rõ ràng rằng những tên phiến loạn ở các trấn Vosenskaia, Elanskaia hay Bukanovskaia đều là những tên tay sai trực tiếp của hai tên tướng Bạch vệ Denikin và Koltrak.

Cuộc nổi loạn càng kéo dài thì cả hai bên sẽ càng phải chịu thêm nhiều hy sinh. Muốn bớt đổ máu thì chỉ có thể có một con đường là giáng một đòn vũ bão, khốc liệt, đánh là phải tiêu diệt ngay.

Phải chấm dứt ngay cuộc phiến loạn. Phải mổ ngay cái ung trên vai và lấy sắt nung đỏ dí vào. Lúc đó Mặt trận miền Nam sẽ được rảnh tay để giáng cho địch một đòn chí mạng”.

Grigori đọc xong, mỉm một nụ cười thê thảm. Bài báo đã làm cho trong lòng chàng tràn ngập phiền não và phẫn nộ. “Chúng nó hạ bút là ghép ngay cho bọn mình với Denikin, coi ngay bọn mình là tay sai của hắn…”.

– Thế nào, chúng nó viết có hay không? Chúng nó sắp sửa lấy sắt nung đỏ dí vào chúng ta đấy. Được, rồi để xem mèo nào cắn mỉu nào! Có đúng không, Melekhov? – Kudinov chờ một lát câu trả lời rồi nói với Bogatyrev – Cậu cần đạn à? Bọn mình sẽ cho! Cứ mỗi thằng kỵ binh ba mươi viên, cho toàn lữ đoàn. Đã đủ chưa? Cậu ra ngay nhà kho mà lĩnh. Nhưng Bogatyrev ạ, ở chỗ cậu phải dựa nhiều hơn vào thanh gươm và mưu trí mới được, như thế thì hơn?

– Trên mình một con cừu ghẻ mà rứt được một túm lông thì cũng thú? – Bogatyrev sung sướng mỉm cười, rồi từ biệt bỏ ra ngoài.

Sau khi thoả thuận xong với Kudinov về những chuyện liên quan tới cuộc rút lui về vùng sông Đông trù tính sẽ phải tiến hành, cả Grigori Melekhov cũng ra về. Trước lúc chia tay, chàng hỏi:

– Trong trường hợp tôi đem toàn sư đoàn tới Batski, việc vượt sông sẽ phải thực hiện bằng cách nào?

– Sao lại vẽ chuyện thế! Tất cả kỵ binh đều có thể bơi qua sông Đông được. Ở đâu lại có chuyện phải dùng cái gì để chở kỵ binh qua sông.

Anh phải biết rằng ở chỗ tôi chỉ có ít anh em là dân ven sông Đông. Bọn Cô- dắc vùng sông Tria đâu phải là những thằng quen bơi lội. Quanh năm suốt đời sống giữa đồng cỏ, làm gì có chỗ nào mà bơi. Phần lớn xuống nước là chìm nghỉm.

Cứ bám lấy ngựa mà qua sông. Trước kia thường làm như thế trong các cuộc diễn tập đấy, cả trong trận chiến tranh chống Đức cũng phải làm như thế.

– Tôi nói là nói về bộ binh.

– Đã có phà đấy. Chúng ta sẽ sửa soạn thuyền bè, cậu không phải lo – Nhân dân cũng sẽ phải qua bằng thuyền.

– Mình cũng biết.

– Anh sẽ phải đảm bảo cho tất cả mọi người vượt sông, nếu không lúc đó tôi sẽ cho anh hồn lìa khỏi xác! Nếu dân chúng vùng ta mà phải ở lại thì sẽ thấy tôi không nói đùa chút nào đâu.

– Mình đã bảo làm được là sẽ làm được?

– Còn pháo thì sao?

– Súng cối sẽ phá nổ, còn mấy khẩu ba điu- im thì lôi về đây. Chúng mình sẽ kiếm những cái thuyền to để chở các đại đội pháo sang bờ bên kia.

Grigori bước ra khỏi bộ tư lệnh, trong óc vẫn còn mang ấn tượng bài báo vừa đọc.

“Chúng nó gọi bọn mình là những thằng tay sai của Denikin… Nhưng thật ra bọn mình là thế nào cơ chứ? Suy đến cùng thì rành rành là tay sai rồi, còn bực bội nỗi gì? Sự thật nó đập ngay vào mắt…” Chàng nhớ lại những lời mà gã Yakov “móng lừa” vừa qua đời đã nói. Hồi còn ở Karginskaia, có một lần khuya lắm Grigori mới về đến chỗ đóng quân. Grigori tạt vào chỗ bọn lính pháo binh ở một trong những ngôi nhà trên quảng trường. Trong lúc đang chùi chân vào cái chổi ở phòng ngoài, chàng nghe thấy gã Yakov “móng lừa” tranh cãi với một tên nào đó. Gã nói: “Cậu bảo rằng chúng mình tách rời hắn ra rồi à? Sẽ hành động không chịu uy quyền của một kẻ nào nữa rồi à? Khồ – khồ! Trên vai cậu không có một cái đầu mà chỉ có một quả dưa dại loại không ăn được thôi! Nếu cậu muốn tìm hiểu cho ra thì hiện nay chúng mình cũng chẳng khác gì những con chó không có nhà. Có những con chó bị chủ ghét bỏ, hoặc vì giở trò bậy bạ, bỏ nhà ra đi, nhưng đi đâu bây giờ? Không thể nào đi theo đàn sói được vì chuyện ấy cũng đáng sợ, hơn nữa còn cảm thấy rằng chó sói thuộc về loài thú dữ. Song nhà chủ thì không thể quay về được nữa, vì đã làm bậy thì sẽ phải đòn. Bọn chúng mình cũng thế thôi. Và cậu hãy nhớ lời mình nói: chúng mình hãy quặp đuôi xuống bụng, bò lết tới gặp bọn “Kadét” và nói với chúng nó: “Các anh em thân mến ơi, anh em hãy làm ơn làm phúc thu nạp lấy chúng tôi”. Tình hình rồi sẽ như thế đấy!”

Sau trận chiến đấu ở gần Klimovka, hôm chàng chém chết những chiến sĩ thuỷ binh, Grigori luôn luôn sống trong một tâm trạng lạnh nhạt tê dại nó hoàn toàn xâm chiếm đầu óc chàng. Chàng cứ sống với cái đầu cúi gục, không một nét cười, không một niềm vui. Trong một ngày nào đó, chàng cũng có cảm thấy mình chao đảo vì nỗi đau buồn và thương xót trước cái chết của Kotliarov, nhưng sau đó cả đến tâm trạng ấy cũng qua đi. Điều duy nhất còn lại cho chàng trong cuộc đời (ít nhất cũng là chàng có cảm tưởng như thế) là tình cảm say đắm đối với Acxinhia nó vừa cháy bùng lên với một sức mạnh mới không gì có thể ghìm hãm được. Chỉ có một mình Acxinhia còn thu hút chàng như cái ánh lập lòe xa lắc của đống củi trên đồng cỏ thu hút người lữ hành trong đêm thu tối đen lạnh lẽo.

Ngay lúc nầy, trong khi ở bộ tư lệnh ra về, chàng cũng nhớ tới nàng, bụng bảo dạ: “Bọn mình sắp chọc thủng vòng vây đến nơi rồi, nhưng còn Acxinhia thì sao? – Rồi chàng không trù trừ, không cần suy nghĩ lâu la gì, quyết định ngay – Natalia sẽ ở lại với hai con và với mẹ, còn Acxinhia thì mình sẽ đưa đi theo. Mình sẽ cho Acxinhia một con ngựa và cho đi cùng với sư đoàn bộ của mình”.

Chàng vượt qua sông Đông, sang tới Batki, vào chỗ ở của mình, rồi xé một tờ giấy trong cuốn sổ tay, viết vài chữ:

“Acxiutka! Có lẽ chúng ta sẽ phải rút lui sang vùng tả ngạn sông Đông, vì thế em hãy bỏ hết của cải mà đi Vosenskaia. Em tới đó sẽ tìm đến chỗ anh, ở cùng với anh”.

Chàng lấy keo anh đào loãng dán bức thư, trao cho Prokho Zykov rồi đỏ mặt, cau mày, vờ làm vẻ nghiêm khắc để giấu không cho Prokho nhận thấy tâm trạng bối rối của mình và nói:

– Cậu hãy về Tatarsky, trao bức thư nầy cho Acxinhia nhà Astakhov. Nhưng cậu phải đưa thế nào cho… cho, chẳng hạn như trong gia đình tôi, không có ai nhìn thấy. Hiểu chưa? Tốt nhất cậu chờ đến đêm hãy mang sang và đưa cho Acxinhia. Không cần có thư trả lời. Và sau đó, còn chuyện nầy nữa: cho cậu nghỉ phép hai ngày. Thôi đi đi!

Prokho đã bước ra chuồng ngựa, nhưng Grigori chợt nhớ ra, bèn gọi lại:

– Cậu nhớ tạt sang nhà tôi, bảo hộ mẹ tôi hoặc Natalia đưa sẵn quần áo và các đồ vật đáng giá khác sang bên kia sông. Thóc lúa thì đem chôn đi, còn gia súc thì đuổi cho bơi qua sông.

— —— —— —— ——-

1 Một nhân vật trong chuyện cổ tích Nga (ND

Chọn tập
Bình luận