Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 207

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Mười bốn tên đào ngũ bị bắt đang chờ xét xử. Toà án làm việc chớp nhoáng và không nhẹ nhàng gì cả. Chánh án là một tên đại uý đã nhiều tuổi. Hắn hỏi bị cáo họ tên, tên theo bố, cấp bậc và phiên hiệu đơn vị, tìm hiểu xem bị cáo đã đào ngũ bao nhiêu lâu rồi thì thầm trao đổi vài câu với hai tên thẩm phán: một tên thiếu uý cụt tay và một lão quản râu xồm, mặt hổ phù, béo phị nhờ ăn không ngồi rồi, và chỉ thế là tuyên án ngay. Phần lớn những tên đào ngũ bị phạt bằng nhục hình tức là bị đánh bằng roi. Bọn Kalmys chấp hành các bản án trong những ngôi nhà không có người ở đặc biệt dùng cho việc nầy. Cái Quân đội sông Đông thiện chiến nầy đang có quá nhiều lính đào ngũ thành thử không còn có thể công khai đem chúng ra đánh đòn trước toàn thể nhân dân như năm 1918 được nữa…

Theo thứ tự gọi tên, ông Panteley Prokofievich là bị cáo thứ sáu. Ông hồi hộp đứng trước cái bàn của các quan toà, mặt mày nhợt nhạt, hai tay áp chặt trên đường chỉ quần.

– Họ gì? – Tên đại uý hỏi nhưng không ngước mắt nhìn bị cáo.

– Bẩm quan lớn, Melekhov.

– Tên, tên theo bố?

– Bẩm quan lớn, Panteley Prokofievich?

Tên đại uý rời mắt khỏi tờ giấy, nhìn ông gì chằm chằm.

– Quê quán ông ở đâu?

– Bẩm quan lớn, thông Tatarsky trấn Vosenskaia.

– Ông là bố của trung uý Melekhov Grigori có phải không?

– Thưa đúng đấy ạ, bẩm quan lớn, là bố đấy ạ – Ông Panteley Prokofievich lập tức lấy lại ngay can đảm vì ông đã cảm thấy ngọn roi đang rời ra xa dần cái thân già của mình.

– Ông hãy nghe đây, ông không biết thẹn hay sao? – Tên đại uý hỏi, hai con mắt sói móc của hắn cứ nhìn chằm chằm vào khuôn mặt tiều tụy của ông Panteley Prokofievich.

Đến lúc nầy thì ông già phá cả điều lệnh quân đội, ông đặt tay trái lên ngực, nói giọng mếu máo.

– Bẩm quan lớn, bẩm quan lớn đại uý! Xin quan lớn cho tôi được suốt đời cầu Chúa che chở quan lớn, xin quan lớn đừng ra lệnh đánh tôi? Tôi có hai thằng con trai đã lập gia đình… thằng cả đã bị bọn Đỏ giết… Tôi đã có cháu gọi bằng ông, chả nhẽ lại đem một kẻ già nua ốm yếu như tôi ra mà đánh hay sao?

– Già cả chúng tôi cũng dạy cho biết đi lính thì phải như thế nào. Thế anh tưởng đào ngũ bỏ đơn vị thì người ta sẽ đem huân chương tặng cho anh đấy phải không? – Gã thiếu uý cụt tay ngắt lời ông, hai bên mép đã giật giật như trong một cơn thần kinh.

– Tôi thì cần đến huân chương làm gì… xin các ngài cứ cho tôi trở về đơn vị tôi sẽ phục vụ trung thành và ngay thẳng… Chính tôi cũng không hiểu vì sao mình lại bỏ đi như thế có lẽ chính là do quỷ dữ làm mê muội đầu óc… – Ông Panteley Prokofievich còn nói không đầu không đũa những gì gì về thóc lúa chưa đập xong, về cái chân thọt của ông, về các công việc làm ăn phải vứt bỏ, nhưng tên đại uý đã giơ tay không cho ông nói nữa, rồi hắn ngả người về phía gã thiếu uý và thì thầm nói với gã rất lâu không biết những gì. Gã thiếu uý gật đầu đồng ý và tên đại uý quay sang nói với ông Panteley Prokofievich:

– Thôi được ông đã nói hết rồi chứ? Tôi có biết con trai ông, vì thế tôi lấy làm lạ rằng con như vậy mà bố lại như thế nầy. Ông đã bỏ đơn vị đi từ hôm nào? Trước đây một tuần à? Sao thế, ông muốn bọn Đỏ kéo đến chiếm thôn ông, lột da ông à? Ông làm gương cho bọn trai tráng Cô- dắc như thế à? Nếu theo đúng quân pháp thì chúng tôi phải đem ông ra xử và dùng nhục hình để phạt ông, nhưng vì tôn trọng cái hàm sĩ quan của con trai ông, nên tôi miễn cho ông khỏi chịu cái nhục đó. Ông là binh sĩ thường à?

– Bẩm quan lớn, đúng đấy ạ.

– Quân hàm?

– Bẩm quan lớn, tôi đã là hạ sĩ.

– Tước lon! – Tên đại uý không gọi là “ông” nữa mà giật giọng ra lệnh một cách thô lỗ – Ngay lập tức phải trở về đơn vị! Anh phải báo cáo với đại đội trưởng rằng theo lời tuyên án của toà án binh dã chiến, anh đã mất hàm hạ sĩ. Có được tặng thưởng trong cuộc chiến tranh lần nầy hay trong các lần trước không? Thôi cút đi!

Sung sướng không nói sao cho xiết, ông Panteley Prokofievich bước ra ngoài, làm dấu phép trước cái nóc tròn của toà nhà thờ rồi…

Vượt qua ngọn gò, không đi theo đường cái, bỏ về nhà. “Chà lần nầy thì mình sẽ không lẩn trốn theo kiểu ấy nữa! Chúng nó sẽ chẳng làm thế nào mà tìm ra được, dù có phái ba đại đội Kalmys đến tìm cũng thế thôi!” – Ông vừa nghĩ thầm vừa khập khiễng bước qua một khoảng rạ mọc đầy cỏ dại.

Ra đến đồng cỏ, ông quyết định rằng tốt nhất nên đi trên đường cái để khỏi bị những người qua lại chú ý: “Khéo không chúng nó lại nghĩ ngay rằng mình đào ngũ. Nếu chạm trán với những thằng nhà binh quá nguyên tắc, chúng nó sẽ cho ăn roi mà chẳng cần xử xiếc gì đâu” – Ông bước từ một khoảng đất cày ra con đường dùng về mùa hè, cỏ mọc um tùm, vừa đi vừa nói lên những điều mình nghĩ trong bụng và không hiểu sao không còn coi mình là một kẻ đào ngũ nữa.

Càng ra tới gần sông Đông thì càng gặp nhiều những chiếc xe tải của dân chạy loạn. Lại thấy diễn ra những cảnh tượng dạo mùa xuân, hồi quân phiến loạn rút lui sang bờ bên trái sông Đông. Khắp đồng cỏ, từ mọi nẻo thấy kéo dài những đoàn xe bò, xe ngựa chở đầy những đồ dùng làm ăn, những đoàn gia súc kêu rống ầm ĩ, những đàn cừu làm bụi bốc mù mịt như những đội kỵ binh đang hành tiến…

Những tiếng bánh xe cót két, tiếng ngựa hí, tiếng người kêu la, tiếng vô số những vó ngựa lộp cộp, tiếng cừu be be, tiếng trẻ khóc, tất cả làm cho cánh đồng cỏ yên tĩnh rộng mênh mông tràn ngập những tiếng động đầy lo lắng, không lúc nào ngớt:

– Bố đi đâu thế, bố già? Quay trở lại thôi, bọn Đỏ đang theo sát chúng tôi đấy? – Một gã Cô- dắc lạ mặt đầu quấn băng ngồi trên một chiếc xe ngựa chạy qua kêu lên.

– Đừng có nói bậy! Chúng nó ở đâu cơ chứ, cái bọn Đỏ ấy? – Ông Panteley Prokofievich luống cuống đứng lại.

– Bên kia sông Đông? Chúng nó đang tiến tới gần Vosenskaia. Cụ đi sang với chúng nó hay sao thế?

Ông Panteley Prokofievich cảm thấy yên tâm, ông lại đi tiếp và đến khi trời khắp hoàng hôn thì về tới thôn Tatarsky. Lúc xuống cái dốc, ông chăm chú nhìn quanh. Thôn xóm làm ông kinh ngạc vì chẳng trông thấy bóng một người nào. Các phố đều vắng tanh. Nhà nào nhà nấy im phăng phắc, các cửa chớp đều đóng kín mít. Không một tiếng người hay một tiếng gia súc. Chỉ ngay bên bờ sông là có những người đi lại nhộn nhịp. Sau khi tới gần, ông Panteley Prokofievich nhận ra dễ dàng những tên Cô- dắc có mang vũ khí đang kéo và khiêng những chiếc xuồng về thôn. Dân chúng đã bỏ thôn Tatarsky ra đi, ông Panteley Prokofievich bắt đầu thấy rõ như thế. Ông rón rén rẽ vào ngõ, bước về nhà. Bà Ilinhitna và hai đứa trẻ đang ngồi trong bếp.

– Ông đây rồi mà! – Thằng Misatka nhảy lên ôm cổ ông nó, sung sướng kêu lên.

Bà Ilinhitna khóc oà lên vì sung sướng. Bà nói qua hai hàng nước mắt.

– Thật không ngờ còn được trông thấy ông! Thôi ông Prokofievich ạ, ông muốn thế nào thì muốn, chứ ở lại đây thì tôi không nghe đâu? Mặc cho tất cả cháy hết ra tro, tôi sẽ không ngồi canh cái ngôi nhà trống huếch trống hoác nầy đâu. Bà con trong thôn đã bỏ đi gần hết rồi, thế mà tôi cứ ngồi lại với hai đứa trẻ như một con mụ dại ấy? Ông thắng ngay con ngựa cái đi, chúng ta sẽ đi đâu cũng được! Nhưng người ta để cho ông đi à?

– Để cho đi.

– Cho về hẳn à?

– Nếu không bị chúng nó bắt lại thì là cho về hẳn…

– Nầy, ở đây không phải là chỗ để ông lẩn trốn đâu! Sáng hôm nay, lúc bọn Đỏ bên kia sông sả súng bắn sang, bà cháu tôi sợ sợ là.

Trong lúc chúng nó bắn, bà cháu tôi cứ ngồi lì dưới hầm nhà. Nhưng bây giờ chúng nó đã bị xua đi rồi. Anh em Cô- dắc có đến nhà ta xin sữa và khuyên nên đi khỏi nơi nầy.

– Bọn Cô- dắc ấy không phải là anh thôn nhà à? – Ông Panteley Prokofievich vừa hỏi thêm vừa nhìn kỹ một vết đạn mới bắn vào khung cửa.

– Không, người ở đâu ấy, có lẽ ở một nơi nào đó vùng sông Khop.

– Nếu thế thì phải đi đi thôi. – Ông Panteley Prokofievich nói trong một tiếng thở dài.

Gần đến tối, ông đào một cái hố trong nhà để phân khô, đổ xuống bảy túi lúa mì, lấp lại cẩn thận rồi lại đổ phân khô lên. Trời vừa tối là ông thắng con ngựa cái vào một chiếc xe nhỏ, xếp lên hai chiếc áo choàng, một túi bột, một ít kê, một con cừu trói chân, buộc cả hai con bò cái vào cái bục đằng sau xe, rồi cho bà Ilinhitna cùng hai đứa trẻ ngồi lên và nói:

– Thôi, bây giờ thì vạn sự nhờ Chúa! – Sau khi ra khỏi cổng, ông trao dây cương cho bà già, đóng cổng, và cho đến lúc cái xe tới ngọn gò, ông cứ sụt sịt đưa tay áo trermen lên lau nước mắt, đi bên cạnh chiếc xe nhỏ.

Chọn tập
Bình luận