Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 210

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Một tháng sau Grigori khỏi bệnh. Trong một ngày cuối tháng Mười một, chàng ngồi dậy trên giường lần đầu rồi, cao và gầy đét như một bộ xương, chàng chập chững đi qua căn phòng, ra đứng bên cửa sổ.

Tuyết đầu mùa trắng đến loá mắt trên mặt đất và trên lớp rơm lợp nhà kho. Trên đường ngõ hằn những vết đòn xe trượt tuyết. Đám xương muối xanh xanh bám trên hàng rào và những cái cây, lap loáng ngũ sắc như cầu vồng dưới những tia hoàng hôn.

Grigori đưa những ngón tay xương xẩu lên vuốt ria, mỉm một nụ cười mơ mộng, nhìn rất lâu ra cửa sồ. Tựa như chàng chưa được thấy một mùa đông thú vị như thế nầy bao giờ. Chàng thấy tất cả đều lạ lùng, đầy ý nghĩa và mang rất nhiều điều mới lạ. Sau khi ốm khỏi, mắt chàng hình như tinh hơn trước: Chàng bắt đầu nhận thấy những vật mới có chung quanh mình, thấy cả những sự thay đổi trong những vật quen thuộc từ lâu.

Tự nhiên trong tính cách của Grigori xuất hiện một cái tính tò mò mà trước kia chàng chưa từng có bao giờ, chàng muốn biết tất cả những việc xảy ra trong thôn và trong công việc làm ăn của gia đình.

Đối với chàng, mọi vật trong cuộc sống đều bắt đầu có ý nghĩa tựa như mới mẻ thầm kín, tất cả đều thu hút sự chú ý của chàng. Cái thế giới mới hiện ra lần thứ hai ấy, chàng cứ nhìn nó với cặp mắt hơi có chút ngạc nhiên, một nụ cười ngây thơ như con nít không lúc nào rời môi của chàng, nó làm thay đổi một cách lạ lùng cái vẻ khắc nghiệt trên mặt chàng, đổi khác cả cái ánh hơi hung dữ trong hai con mắt chàng làm dịu cả những nếp tàn nhẫn bên mép chàng. Có khi chàng nhìn đi nhìn lại một thứ đồ thường dùng trong nhà mà chàng đã biết có từ thời thơ ấu, hai hàng lông mày rung rung một cách căng thẳng, vẻ mặt cứ như từ một nơi xa lạ tới đây và mới trông thấy vật đó lần đầu. Một lần bà Ilinhilna vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp chàng đang ngắm nghía đầu đuôi xuôi ngược một cái guồng quay sợi. Bà vừa bước vào trong phòng thì Grigori rời khỏi chỗ ấy, vẻ mặt hơi có vẻ luống cuống.

Dunhiaska không thể nào nín cười mỗi khi nhìn cái thân hình xương xẩu và dài ngoãng của Grigori. Chàng thường đi đi lại lại trong phòng với độc một bộ quần áo lót, một tay cứ phải giữ cái quần chỉ muốn tụt xuống, cái lưng gù gù, hai cái chân gầy khô, dài ngoãng bước ra rất rụt rè, và hễ sắp ngồi xuống là thế nào chàng cũng phải đưa tay ra nắm lấy một vật gì đó, chỉ sợ ngã. Bộ tóc đen mọc dài ra trong những ngày bị bệnh đã rụng khá nhiều, cái bờm tóc loăn xoăn xoã xuống trước trán lẫn rất nhiều sợi bạc.

Chàng tự cạo trọc đầu mình, có Dunhiaska giúp đỡ. Đến khi chàng quay mặt về phía em gái thì Dunhiaska đánh rơi con dao cạo xuống sàn nhà, ôm bụng lăn ra giường mà cười đến không thở được.

Grigori kiên nhẫn chờ cô em gái cười cho hết cơn, nhưng rồi chàng cũng không nhịn được nữa, phải nói bằng một giọng nam cao yếu ớt run run.

– Mày cẩn thận đấy, cười như thế không khéo lại khổ vào thân bây giờ. Nhưng mày cũng phải biết thẹn chứ, sắp làm cô dâu được rồi còn gì?- Giọng chàng hơi có vẻ bực bội.

– Chao ôi, ông anh yêu của eml Chao ôi, ông anh quý của em! Tốt nhất là em ra ngoài kia thôi… Em không thể nào nhịn được nữa rồi? Chao ôi, nom anh chẳng còn ra thế nào nữa! Hì, đúng là một thằng bù nhìn trong vườn dưa? – Dunhiaska nói một cách rất khó khăn giữa những đợt cười như nắc nẻ.

– Tao cũng muốn xem mày sẽ như thế nào nếu mày cũng bị thương hàn một trận. Nhặt con dao lên nào, có nhặt không hử?

Bà Ilinhitna nói giọng bực bội để bênh Grigori:

– Làm gì mà mày cười oặt cười oẹo như thế hử? Mày đúng là một con ngớ ngẩn, Dunhiaska ạ?

– Nhưng mẹ ạ, mẹ cứ thử ngó qua xem anh ấy như thế nào? – Dunhiaska vừa chùi nước mắt vừa nói. – Đầu thì những bướu là bướu, tròn xoe như quả dưa hấu ấy, mà lại đen đen là… Chao ôi, con không thể nào nhịn được nữa!

– Đưa cái gương cho tao! – Grigori bảo em.

Chàng nhìn mặt mình trong một mảnh gương nhỏ xíu và chính anh cũng phải cười rất lâu không ra tiếng:

– Nhưng con ạ, mày cạo trọc đi như thế làm gì, cứ để như cũ có hơn không? – Bà Ilinhitna nói có vẻ không bằng lòng.

– Thế theo ý mẹ, chịu hói còn hơn hay sao?

– Hừ, song như thế nầy thì cũng xấu hổ đến không thể nào chịu được – Nhưng thôi, cứ để mặc con! – Grigori vừa cầm cái chổi cạo râu đánh bọt xà phòng vừa nói có vẻ khó chịu.

Vì không thể nào bước chân ra khỏi cửa, Grigori phải quẩn quanh rất lâu với hai đứa trẻ. Trong khi nói với chúng về tất cả mọi chuyện, chàng cố hết sức tránh không đả động gì tới Natalia. Nhưng một lần con Poliuska nũng nịu đứng sát vào chàng và hỏi;

– Bố ơi, thế mẹ không trở về với chúng ta nữa à?

– Không đâu, con yêu của bố, ở đằng ấy thì không trở về nữa đâu!

– Ở đằng ấy là ở đâu? Ở nghĩa địa ấy à?

– Người chết thì không bao giờ trở về nữa…

– Thế là mẹ chết hẳn rồi à?

– Phải rồi, chứ còn sao nữa? Tất nhiên là chết rồi.

– Thế mà con cứ tưởng sẽ có lúc mẹ nhớ chúng ta và mẹ sẽ lại về. Con Poliuska nói rất nhỉ, chỉ thoáng nghe thấy.

– Thôi con đừng nghĩ tới mẹ nữa, con yêu của bố, không nên nghĩ tới nữa. – Grigori nói giọng âm thầm.

– Nhưng sao lại không nghĩ tới mẹ nữa? Thế những người chết có chuyện về thăm thôi mà cũng không về à? Về một tí tẹo thôi cũng không về à?

– Không đâu. Thôi con ra chơi với Misatka đi. – Grigori quay mặt đi. Xem ra bệnh tật đã làm mềm yếu ý chí của chàng: vài giọt nước mắt ứa ra trong hai con mắt chàng, và để hai đứa trẻ khỏi trông thấy, chàng áp mặt vào cửa sổ rồi đứng đấy rất lâu.

Chàng không muốn nói với hai đứa trẻ về chiến tranh, nhưng chiến tranh lại là điều mà thằng Misatka quan tâm nhất trên đời. Nó thường bám lấy bố nó với những câu hỏi chẳng hạn như người ta đánh nhau như thế nào, Hồng quân là những con người như thế nào, lấy gì để giết Hồng quân và giết để làm gì. Grigori cau mày, nói giọng bực bội:

– Đấy nhé, mày lại vẫn lải nhải những chuyện chán ngấy ấy? Cái trò chiến tranh nầy, mày cần đến nó làm gì thế? Thôi, bây giờ tốt nhất là bố con ta nói chuyện sang hè sẽ đi câu cá như thế nào. Bố làm sẵn cho mày một cái cần câu nhé! Hễ mà bố bước được ra sân, bố sẽ bện ngay cho mày một sợi dây câu bằng lông bờm ngựa.

Mỗi khi thằng Misatka đả động tới chuyện chiến tranh Grigori lại thấy thẹn trong lòng: chàng không thể nào trả lời được những câu hỏi giản dị và ngây thơ của thằng con. Và có trời biết vì sao? Phải chăng là vì bản thân chàng còn chưa trả lời được cho mình những câu hỏi ấy? Song thoát được thằng Misatka có lẽ cũng không phải là chuyện dễ dàng: hình như nó rất chú ý lắng nghe các kế hoạch đánh bắt cá của bố nó nhưng sau nó lại hỏi;

– Nhưng bố ơi bố, bố ra trận bố đã giết người bao giờ chưa?

– Thôi không hỏi nữa, mày bám dai như quả ké ấy!

– Nhưng giết người thì có sợ không nhỉ? Mà giết người thì có chảy máu đấy nhỉ? Không biết có chảy nhiều không? Có nhiều hơn cắt tiết gà, cắt tiết cừu hay không?

– Tao đã bảo mày là không được nói những chuyện ấy nữa mà!

Thằng Misatka nín lặng được một lál rồi lại nói thêm, vẻ trầm ngâm:

– Trước đây ít lâu con có thấy ông cắt tiết một con cừu. Con cũng chẳng sợ… Có lẽ cũng có sợ một chút xíu, nhưng chẳng sao đâu?

– Mày tống cổ nó đi chứ! – bà Ilinhitna bực mình kêu lên. – Lại nuôi thêm trong nhà một thằng giết người như thế nầy. Bà cho ngồi tù mọt gông! Chỉ nghe thấy nó nói toàn những chuyện chiến tranh, ngoài ra nó không còn biết nói gì hết. Nhưng cháu yêu của bà, cháu cứ nói đến nó, đến cái của đáng nguyền rủa ấy, lạy Chúa tha tội cho, thì có nghĩa lý gì đâu? Thôi lại đây, cháu cầm lấy miếng bánh xèo và im đi một lát nhé!

Nhưng ngày nào chiến tranh cũng bắt người ta phải nghĩ đến nó. Những gã Cô- dắc ở ngoài mặt trận về đến thăm Grigori kể chuyện Skuro và Mamontov bị kỵ binh của Budionnyi đánh tan tác, chuyện các trận chiến đấu thất bại ở gần Orel, chuyện các mặt trận đã bắt đầu rút lui. Lại có thêm hai gã Cô- dắc thôn Tatarsky bị giết trong những trận chiến đấu ở gần Gribanovka và Kadain. Gerasim Arvatkin bị thương phải đưa về. Dimitri Golosekov chết vì thương hàn. Grigori nhẩm tính những gã Cô- dắc thôn mình đã bị giết qua hai cuộc chiến tranh và thấy rằng trong thôn Tatarsky không có một nhà nào không có người chết.

Grigori còn chưa bước chân ra khỏi nhà thì tên ataman thôn đã mang tới mệnh lệnh của tên ataman trấn báo cho trung uý Melekhov biết rằng phải lập tức lên hội đồng quân y để khám lại sức khỏe.

– Ông viết trả lời hắn rằng hễ tôi tập đi được là sẽ tự lên trên ấy ngay, không cần đến họ phải nhắc. – Grigori nói giọng bực bội.

Mặt trận vẫn tiếp tục lan tới gần sông Đông hơn. Trong thôn đã bắt đầu bàn tán đến chuyện rút lui. Chẳng bao lâu trên bãi họp việc làng đã công bố mệnh lệnh của tên ataman trấn bắt tất cả những người Cô- dắc đã thành niên đều phải rút lui.

Ở bãi họp về, ông Panteley Prokofievich kể lại cho Grigori nghe về bản mệnh lệnh và hỏi:

– Chúng ta sẽ làm thế nào bây giờ?

Grigori nhún vai:

– Còn làm thế nào được nữa? Phải rút lui thôi. Dù không có lệnh mọi người cũng sẽ ra đi hết.

– Tao hỏi là hỏi về tao và về mày cơ: cùng đi hay như thế nào?

– Cha con mình không cùng đi với nhau được đâu. Chừng hai ngày nữa con sẽ cưỡi ngựa lên trấn, hỏi xem sẽ có những đơn vị nào hành quân qua Vosenskaia, và con sẽ sát nhập vào một đơn vị nào đó. Còn cha thì lại phải đi theo kiểu chạy nạn. Hay là cha còn muốn nhập vào một đơn vị chiến đấu?

– Làm như thế không ổn đâu! Ông Panteley Prokofievich hoảng lên – Nếu thế tao sẽ cùng đi với lão Beskhirnov, hôm nọ lão ấy có rủ tao cùng đi. Lão ấy vốn tính hiền lành, con ngựa của lão ấy cũng khá tốt, chúng tao sẽ thắng thành đôi vào một xe. Con ngựa cái của tao cũng bắt đầu đẫy ra rồi. Cái con khốn kiếp ấy, nó ăn béo căng đá hậu đến là đáng sợ?

– Thế thì cha cứ đi với lão cũng được, – Grigori sẵn sàng tán thành. – Nhưng bây giờ chúng ta hãy bàn về lộ trình của cha đã. Chưa biết chừng con cũng sẽ được đi cùng đường với cha đấy.

Grigori rút trong xắc- cốt ra một tấm bản đồ miền nam nước Nga, rồi kể cho ông bố nghe rất tỉ mỉ các thôn cần phải đi qua. Chàng đã bắt đầu ghi lên các thôn ấy lên một mảnh giấy, nhưng ông già cung kính nhìn tấm bản đồ và nói:

– Hượm đã, mày đừng viết vội. Tất nhiên về những chuyện như thế nầy thì mày hiểu hơn tao nhiều, và bản đồ là chuyện đứng đắn vì nó không nói bậy và cho biết con đường thẳng nhất, nhưng nếu con đường ấy không thích hợp với tao thì tao đi theo nó làm sao được? Mày bảo rằng đầu tiên cần phải đi qua thị trấn Karginskaia. Tao cũng biết đi qua đấy thì đường thẳng hơn, song dù sao đến chỗ nầy tao vẫn cứ phải đi vòng một cái.

– Nhưng cha phải đi vòng một đoạn làm gì?

– Đó là vì ở thôn Latysev tao có một người chị em con chú con bác. Đến nhà bà ấy tao sẽ kiếm được thức ăn cho cả tao lẫn con ngựa, còn nếu vào chỗ người lạ thì phải dùng đến của mình. Và còn thế nầy nữa, mày bảo theo bản đồ thì phải qua làng Axtakhovo, đi như thế đường thẳng hơn, nhưng tao lại đến thôn Malakhovsky. Ở đấy tao có một bà con họ xa và một lão bạn đồng ngũ; lại có thế dùng được của người khác, không hao rơm cỏ của mình. Mày phải thấy rằng tao không thể nào mang đi theo cả một đống rơm. Mà lạc loài đến đồng đất nước người thì không những đừng hòng xin được cái gì, mà bỏ tiền ra mua cũng chẳng được đâu.

– Thế bên kia sông Đông cha không có họ hàng thân thuộc à? – Grigori hỏi móc.

– Ở bên ấy cũng có.

– Như vậy có lẽ cha sang bên ấy cũng được chứ?

– Mày chớ có thở ra với tao những chuyện ma quái như thế! – Ông Panteley Prokofievich phát khùng. – Mày hãy nói năng cho đứng đắn, chớ có bông phèng! Tìm được đúng lúc như thế nầy mà pha trò, thông minh thật.

– Cha cũng đừng nên tìm kiếm họ hàng thân thích làm gì? Rút lui là rút lui, chứ không phải là đi thăm một lượt tất cả bà con họ hàng. Bây giờ không phải là lúc cha đi ăn lễ tống tiễn mùa đông đâu?

– Thôi mày đừng có dạy tao phải đi đường nào, tự tao tao khắc biết?

– Nếu cha biết rồi, thì muốn đi đâu thì đi!

– Như thế tức là tao sẽ không phải đi theo kế hoạch của mầy phải không? Chỉ có con ác là nó mới bay thẳng thôi, mầy không nghe nói như thế à? Việc quái gì tao lại rúc đầu vào những chỗ chưa biết chừng mùa đông xưa nay chưa từng có đường sá bao giờ. Mày nói với tao những điều nhăng cuội như vậy mà tưởng là thông minh hay sao? Thế mà đã chỉ huy một sư đoàn rồi đấy?

Grigori và ông già còn đấu khẩu với nhau rất lâu, nhưng sau khi cân nhắc mọi mặt, Grigori cũng phải nhận rằng trong những lời bố nói có nhiều phần xác đáng, nên chàng nói có vẻ làm lành:

– Cha đừng bực mình làm gì cha ạ, con cũng không muốn bắt buộc cha phải đi theo kế hoạch của con đâu. Cha muốn đi thế nào thì đi. Con sẽ cố tìm thấy cha ở bên kia sông Dones.

– Mầy sớm nói ra như thế có hơn không? – Ông Panteley Prokofievich mừng rơn. – Nếu không mầy cứ đem những kế hoạch và lộ trình ra nói với tao mà mầy cũng không hiểu được rằng kế hoạch chỉ là kế hoạch, còn ngựa mà không có cái gì cho nó ăn thì nó chẳng có thể đi đâu được cả.

Ngay trong những ngày Grigori còn nằm trên giường bệnh, ông gia đã kín đáo sửa soạn, phòng có lúc phải ra đi: ông vỗ cho con ngựa cái ăn rất cẩn thận, sửa chữa lại chiếc xe trượt tuyết, đặt đóng một đôi ủng mới bằng da và tự tay khâu thêm đế da để khỏi thấm nước trong những ngày trời ẩm, đổ sẵn lúa yến mạch thật tốt vào những bao tải. Ngay trong việc sửa soạn rút lui, ông cũng tỏ ra là một người chủ sản nghiệp thật sự: Tất cả những thứ gì có thể cần đến trong khi đi đường đều được ông lo lắng chuẩn bị trước. Rìu, cưa tay, đục các dụng cụ chữa giày ủng, chỉ, đế giầy ủng dự trữ, đinh, một cái búa nhỏ, một bó dây da, thừng, một miếng nhựa thông, tất cả, ngay đến những cái móng ngựa và đinh đóng móng đều được bọc trong một miếng vải bạt và chỉ loáng cái là có thể bỏ lên xe trượt tuyết được ngay. Cả đến cái cân lò xo, ông Panteley Prokofievich cũng mang theo và khi bà Ilinhitna hỏi ông cần đến cái cân làm gì trong khi đi đường, ông trả lời có ý trách móc:

– Nhà mụ nầy, mụ càng già lại càng ngu đần dại dột. Chẳng nhẽ chỉ có cái chuyện trẻ con như thế mà mụ cũng không thể tự mình hiểu được hay sao? Trong khi rút lui, tôi chẳng dùng câu để mua rơm mua trấu hay sao? Ở những nơi ấy người ta có lấy thước để đo rơm đâu?

– Ở các nơi ấy người ta không có cân à – Bà Ilinhitna ngạc nhiên hỏi.

– Nhưng bà làm thế nào mà biết được là ở đấy người cân kẹo như thế nào? – Ông Panteley Prokofievich nói giọng tức giận. – Biết đâu ở các nơi ấy cái cân nào cũng gian dối và chỉ cốt lừa bịp bà con chúng ta thôi. Vấn đề chính là như thế đấy? Chúng ta cũng đã biết chán là ở những nơi ấy người ta sống như thế nào rồi? Chỉ đi mua ba mươi phun- tơ mà phải trả tiền cho cả một pút 1 Tôi thì thà mang cái cân của mình theo để dùng còn hơn đến mỗi chặng dừng chân lại phải chịu thiệt thòi như thế! Còn ở nhà thì mấy bà con cô cháu không có cân cũng vẫn sống được như thường: cần đến cái cân làm cái quái gì? Các đơn bị quân đội sẽ kéo đến, chúng nó lấy cỏ khô có cần cân bao giờ đâu… Chúng nó chỉ có thì giờ buộc và quăng lên xe rơm thôi. Tôi đã trông thấy chúng nó, những con quỉ không có sừng ấy 2 Tôi biết rõ lắm?

Đầu tiên ông Panteley Prokofievich thậm chí còn định bê cả một chiếc xe ngựa chở đi bằng xe trượt tuyết để sang xuân khỏi phải bỏ tiền ra mua và được ngồi xe của mình, nhưng sau ông nghĩ đi nghĩ lại thế nào, lại từ bỏ cái ý nghĩ tai hại ấy.

Cả Grigori cũng bắt đầu sửa soạn. Chàng lau sạch khẩu súng ngắn kiểu “Mauser”, khẩu súng trường, mài lại cẩn thận thanh gươm đã trung thành phục vụ chàng bao nhiêu lâu nay. Sau khi khỏi bệnh được một luần, chàng ra thăm con ngựa, thấy mông nó bóng nhoáng, biết rằng không phải ông già chỉ cho con ngựa cái của ông ăn uống cẩn thận. Chàng leo rất vất vả lên lưng con ngựa luôn luôn nhảy cỡn, cho nó chạy một chặng ra trò, và khi quay về nhà thì thấy trong cửa sổ nhà Astakhov hình như có ai vung chiếc khăn tay trắng vẫy mình, song cũng có thể chỉ là chàng tưởng tượng mà thôi.

Tại đại hội toàn thôn, cánh đàn ông của thôn Tatarsky quyết định sẽ rút lui cả thôn. Trong hai ngày liền, bọn đàn bà trong thôn nấu nướng cho bọn Cô- dắc mọi thức ăn đường. Ngày lên đường được định là mười hai tháng Chạp. Từ tối hôm trước ông Panteley Prokofievich đã xếp cỏ khô và thóc yến mạch lên chiếc xe trượt tuyết và sáng hôm sau, trời mới tờ mờ sáng, ông đã khoác chiếc áo choàng bằng dạ thô của nông dân, thắt dây lưng da, nhét đôi găng tay không có ngón vào chiếc thắt lưng vải, cầu kinh rồi chia tay với gia đình.

Chẳng mấy chốc một đoàn xe tải rất lớn đã kéo dài từ thôn lên dốc. Những người đàn bà ra bãi cỏ đưa tiễn đám người ra đi vẫy khăn tay rất lâu để từ biệt họ. Nhưng rồi một trận bão tuyết bỗng nổi lên trên đồng cỏ và sau tấm màn bụi tuyết bốc lên cuồn cuộn, không còn có thể trông thấy đoàn xe từ từ lên dốc cũng như những người Cô- dắc đi bên cạnh nữa.

Trước hôm lên đường đi Vosenskaia, Grigori có gặp Acxinhia một lần. Chàng đến nhà nàng vào buổi tối, lúc trong thôn đã lên đèn. Acxinhia đang quay sợi. Mụ vợ goá của gã Anikey ngồi bên cạnh nàng, vừa đan bít tất vừa kể không biết chuyện gì. Thấy có người khác Grigori bèn bảo Acxinhia gọn lỏn:

– Chị ra cho tôi gặp một chút, có việc cần.

Ra đến phòng ngoài, chàng đặt tay lên vai nàng và hỏi:

– Em cùng anh đi rút lui chứ?

Acxinhia nín lặng giờ lâu, ngẫm nghĩ cách trả lời rồi khẽ nói:

– Nhưng còn công việc làm ăn thì sao? Lại còn nhà cửa nữa?

Nhờ một người nào đó coi hộ cũng được. Phải đi mới được.

– Thế bao giờ đi!

– Ngày mai anh sang đón em.

Acxinhia mỉm cười trong bóng tối và nói:

– Anh còn nhớ không, đã lâu lắm rồi em có nói với anh rằng em sẽ đi với anh dù là tới gầm trời cuối đất. Ngay bây giờ em vẫn thế thôi. Tình yêu của em đối với anh là chung thuỷ. Em sẽ đi, sẽ không luyến tiếc một cái gì đâu! Anh sẽ sang vào lúc nào?

– Lúc chập tối. Đừng mang theo nhiều thứ làm gì. Áo xống và càng nhiều thức ăn càng hay, chỉ cần thế thôi. Thôi anh về đây.

– Thôi anh về. Hay anh vào đây một lát đã? Mụ ấy bỏ về ngay bây giờ thôi. Em không được trông thấy anh hàng thế kỷ rồi… Anh yêu của em, anh Griska? Thế mà em đã tưởng là anh… Không? Em sẽ không nói nữa?

– Không, không thể được. Anh còn phải lên Vosenskaia ngay, thôi anh đi đây. Em hãy chờ đến mai.

Grigori ra khỏi phòng ngoài và đã bước tới cái cổng xép, nhưng Acxinhia vẫn còn đứng ở phòng ngoài, vừa mỉm cười vừa xát hai bàn tay lên cặp má nóng như lửa.

Ở Vosenskaia đã bắt đầu di tản các cơ quan của khu và các kho hậu cần. Grigori đến nhà công sở của tên ataman khu hỏi về tình hình mặt trận. Một gã thiếu uý còn trẻ làm nhiệm vụ phó quan nói với chàng:

Bọn Đỏ đang ở gần thị trấn Aleseyevskaia. Chúng tôi còn chưa biết sẽ có những đơn vị nào rút qua trấn Vosenskaia, cũng không biết có đơn vị nào rút qua không. Chính ngài cũng thấy đấy, chẳng ai biết gì hết, anh nào cũng chỉ cuống cuồng chuẩn bị đánh bài chuồn… Có lẽ tôi khuyên ngài bây giờ đừng nên đi tìm đơn vị của ngài mà nên đi Milerovo. Ở đấy ngài sẽ hỏi ra địa điểm hoạt động của nó nhanh hơn. Dù trong trường hợp nào trung đoàn của ngài cũng sẽ đi dọc theo đường sắt. Không biết quân địch có bị ngăn lại bên sông Đông hay không? Chà, tôi nghĩ là không đâu. Chúng ta sẽ rút bỏ Vosenskaia không có chiến đấu gì cả. Chắc chắn sẽ như thế đấy.

Mãi đến khuya Grigori mới về tới nhà. Bà Ilinhitna vừa sửa soạn bữa tối vừa nói:

– Thằng Prokho của mày nó vừa tới nhà ta đấy. Mày vừa đi được một tiếng thì nó sang. Nó hứa sẽ quay lại không hiểu sao chẳng thấy bóng vía nó đâu nữa.

Grigori mừng quá, ăn qua quít cho xong bữa tối rồi tạt sang nhà Prokho. Prokho đón chàng với một nụ dưới chẳng có gì vui vẻ. Hắn nói:

– Thế mà tôi cứ tưởng anh lên Vosenskaia và rút thẳng một mạch rồi!

– Quỷ dữ nào xách cổ cậu ở đâu về thế nầy? Grigori vỗ vai người cần vụ trung thành của chàng, vừa cười vừa hỏi.

– Chuyện hai năm rõ mười: từ mặt trận về.

– Chuồn à?

– Anh làm sao thế, cầu Chúa che chở cho anh? Một thằng đánh đấm ngang tàng như tôi mà lại đánh bài chuồn hay sao? Tôi về theo đúng luật nhà binh đấy. Tôi đã không muốn xuôi về những miền ấm áp mà không có anh. Hai chúng ta đã cùng mang tội lỗi thì cũng phải cùng nhau tới trình diện trong buổi xét cuối cùng. Công việc của chúng ta lung tung beng cả rồi, anh có biết không?

– Mình có biết. Nhưng cậy hãy kể ở đơn vị chúng nó thả cho cậu đi như thế nào đã.

– Bài hát nầy dài lắm, sau nầy sẽ kể cũng được. – Prokho trả lời cho qua và mặt nom càng cau có hơn.

– Trung đoàn đang ở đâu thế?

– Ôn dịch nào biết được bây giờ nó đang ở đâu.

– Thế cậu ở đấy ra đi từ bao giờ?

– Trước đây hai tuần.

– Thế lúc đó cậu ở đâu?

– Anh đến là lạ, thật đấy… – Prokho nói giọng bực bội rồi đưa mắt nhìn vợ. – Hết ở đâu lại thế nào và vì sao… Chỗ tôi ở trước kia thì bây giờ tôi không còn ở đấy nữa. Tôi đã bảo sẽ kể là sẽ kể. Nầy, bà nhà nó! Có rượu không thế? Được hôm đón tiếp thủ trưởng thì cũng phải nhấm nháp tí ti chứ? Có không hử? Không có à? Thế thì chạy đi kiếm lấy một ít, nhưng phải quàng quàng lên mà về đấy? Chồng không có nhà nên quên hết kỷ luật nhà binh rồi? Bừa bãi lung tung mất rồi.

– Nhưng có gì mà anh dữ dội như thế? – Người vợ vừa cười vừa hỏi Prokho. – Anh đừng có quát tháo ầm ĩ với tôi, ở đây anh cũng không là một ông chủ to lắm đâu, suốt năm ở nhà được hai ngày.

– Ai cũng quát lác được tôi, vì thế tôi không quát mụ thì còn quát ai? Mụ cứ chờ bao giờ tôi làm đến cấp tướng thì tôi sẽ quát tháo người khác, còn bây giờ thì mụ hãy gắng mà chịu. Đeo vũ khí trang bị vào rồi chạy ngay đi.

Sau khi thấy vợ sửa soạn áo xống và ra ngoài rồi, Prokho mới nhìn Grigori bằng cặp mắt trách móc và nói:

– Anh Pantelevich ạ, anh thật chẳng hiểu gì cả… Có mặt vợ tôi thì tôi làm thế nào kể hết với anh được, thế mà anh cứ dồn tôi mãi, hết thế nào lại vì sao. Nhưng thôi, thế nào, anh bị thương hàn đã khỏi chưa?

– Mình thì khỏi rồi, nhưng cậu hãy kể về cậu di. Đồ thổ tả, đúng là cậu đang giấu quanh giấu quẩn một chuyện gì rồi… Cậu hãy nói cho rõ đi: cậu đã giở cái trò gì thế? Cậu đã chuồn về như thế nào?

– Còn tồi tệ hơn chuồn về nữa là khác… Sau khi đưa anh về nhà trong lúc anh đang ốm, tôi lại trở về đơn vị. Chúng nó tống tôi xuống đại đội, vào trung đội ba. Mà anh cũng biết tôi là một thằng ham mê chiến đấu như thế nào rồi chứ? Tôi tham gia hai lần xung phong rồi nghĩ bụng: “Đúng là mình sẽ ngỏm ở đây rồi! Phải kiếm một cái lỗ nào mà chui vào mới được, nếu không sẽ toi mạng, Prokho ạ, nhất định không thoát được đâu?” Nhưng giữa lúc ấy thật là không may, có những trận đánh ghê gớm quá, chúng nó truy kích bên mình tóe phở, chẳng để cho lúc nào lấy lại hơi nữa! Hễ có chỗ nào bị chọc thủng là chúng tôi bị tống đến đấy. Có một tuần mà đại đội mất mười một thằng Cô- dắc, y như có con bò cái thè lưỡi liếm đi ấy? Thế là tôi phát sầu phát muộn, chấy rận đầy người cũng chỉ vì muốn về nhà.

Prokho châm thuốc hút, đưa cho Grigori túi thuốc rồi thủng thẳng kể tiếp:

– Rồi một lần ở ngay sát Lisky tôi bị phái đi trinh sát. Chúng tôi có ba thằng cùng đi với nhau. Chúng tôi cho ngựa chạy nước kiệu lên một cái gò và quan sát tất cả các mặt. Bỗng thấy một thằng Đỏ bò từ dưới một cái khe lên và giơ hai tay lên trời. Chúng tôi phi ngựa đến chỗ nó, nhưng nó kêu lên: “Anh em đồng hương ơi: Tôi là người mình đây? Anh em đừng chém tôi, tôi sang với anh em đây!” Nhưng quỷ dữ đã làm đầu óc tôi đần độn ra. Tôi cho ngựa phi tới trước mặt nó và nói: “Nầy, đồ chó đẻ, mày đã đi đánh nhau thì chớ có đầu hàng! Mày là một thằng đê tiện bẩn thỉu, – tôi nói thế. – Mày không thấy chúng tao chống cự vất vả như thế nào hay sao? Thế mà mày lại đầu hàng, muốn đến củng cố cho chúng tao à?” Rồi tôi lại ngồi trên yên lấy vỏ gươm nện cho nó vào lưng. Cả hai thằng Cô- dắc cùng đi với tôi cũng bảo nó: “Đánh nhau cái kiểu như vậy, quay ngang quay ngửa như thế thì còn nghĩa lý gì nữa? Nếu chúng mày đồng lòng mà đánh thì có phải đã hết chiến tranh rồi hay không?”

Nhưng quỷ quái nào biết được rằng nó đúng là sĩ quan đấy! Trong lúc tôi nổi nóng cầm vỏ gươm đánh nó thì mặt nó trắng nhợt ra và chỉ khẽ nói: “Tôi là sĩ quan, các anh không được đánh tôi! Trước kia tôi đã phục vụ trong khinh kỵ binh, vì bị động viên nên tôi mới lọt vào bên quân Đỏ. Các anh đã đưa tôi đến chỗ quan chỉ huy của các anh, tới đấy tôi sẽ kề hết cho ông ấy biết”. Chúng tôi nói: “Đưa xem giấy tờ. Nhưng nó đã kiêu ngạo trả lời thế nầy: “Tôi không muốn nói chuyện với các anh, các anh hãy dẫn tôi đến chỗ quan chỉ huy của các anh đi!”.

– Có chuyện như thế mà cậu cũng không muốn nói trước mặt vợ à? Grigori ngạc nhiên ngắt lời Prokho.

– Còn chưa đến cái đoạn tôi không thể kể trước mặt nó được, nhưng anh làm ơn đừng ngắt lời tôi. Chúng tôi bèn quyết định giải nó về đại đội, nhưng quả là đã nhầm. Nếu khử nó ngay ở chỗ ấy thì có phải đã xong chuyện rồi không. Nhưng chúng tôi lại theo đúng luật đưa đón về và chỉ hai ngày sau đã thấy nó được chỉ định làm đại đội trưởng đại đội chúng tôi. Như thế thì còn ra sao nữa? Và mọi chuyện đã bắt đầu từ đó! Ít lâu sau nó gọi tôi lên và hỏi: “Đồ chó đẻ mày chiến đấu cho nước Nga thống nhất và không thể chia cắt như thế à? Mày đã nói với tao những gì lúc tao bị bắt làm tù binh, mày còn nhớ không?” Tôi bèn trả lời quanh quẩn, nhưng nó nhất định không tha. Lúc nhắc lại chuyện tôi cầm vỏ gươm đánh nó, nó run bắn người lên! Nó nói: “Đồ thô bỉ đểu cáng, mày biết tao là đại uý trung đoàn khinh kỵ binh và là quý tộc mà mày dám đánh tao à?”.

Nó gọi tôi lên hết lần nọ đến lần kia, không để cho tôi được yên chút nào. Nó ra lệnh cho thằng trung đội trưởng, không phải phiên cũng phái tôi đi gác, đi bố trí ở vọng tiêu, những buổi cỏ vê rơi xuống đầu tôi cứ như đậu dốc trong thùng ra. Tóm lại là cái thằng khốn nạn ấy, nó muốn ăn sống nuốt tươi tôi? Cả hai thằng cùng với tôi đi trinh sát hôm nó bị bắt làm tù binh cũng bị nó hành như thế! Anh em chịu đựng mãi, chịu đựng mãi rồi cuối cùng chúng nó gọi tôi ra một chỗ và bảo: “Chúng mình hãy giết quách nó đi, nếu không nó sẽ không để anh em mình sống được đâu!” Tôi nghĩ di nghĩ lại rồi quyết định đem tất cả mọi chuyện lên kể cho trung đoàn trưởng biết, vì lương tâm không cho phép tôi giết nó. Kể ra lúc mới bắt được nó thì còn có thể khử nó được, nhưng sau đó thì tôi không thể nào giơ tay làm việc ấy được nữa… Vợ tôi cắt tiết con gà tôi còn nhắm mắt lại, nữa là bây giờ lại phải giết một con người…

– Nhưng cuối cùng các cậu cũng giết nó chứ? – Grigori lại ngắt lời hắn.

Anh chờ một lát rồi sẽ biết tất cả. Thế là sau khi lên gặp được trung đoàn trưởng, tôi kể đầu đuôi cho lão nghe, nhưng lão phá lên cười và bảo: “Zykov ạ, mày cũng chẳng nên bực mình làm gì, vì chính mày đã có đánh hắn cơ mà. Hắn là một sĩ quan tốt và có hiểu biết. Hắn chấp hành kỷ luật như thế nào là đúng”. Thế là tôi đành về không, bụng bảo dạ: “Cái thằng sĩ quan tốt ấy, mày hãy lấy cái dây đeo nó vào cổ mày thay thánh giá, chứ tao thì không chịu đi lính trong cùng một đại đội với nó đâu? Tôi xin chuyển sang đại đội khác nhưng chẳng có kết quả gì, chúng nó không cho chuyển. Đến lúc ấy tôi nảy ra ý nghĩ chuồn khỏi đơn vị. Nhưng làm thế nào chuồn được bây giờ? Chúng tôi được đưa về một tuyến hậu phương ở gần mặt trận để nghỉ ngơi trong một tuần, và đến đấy tôi lại bị quỷ dữ làm mê mẩn đầu óc một lần nữa… Tôi nghĩ thầm: chỉ có một cách làm kiếm cho mình một bệnh lậu thật là tệ hại, rồi sẽ mò đến quân y và từ đó sẽ đi theo đám rút lui, mọi việc sẽ như thế là xong xuôi.

Thế là tôi bắt đầu làm một việc mà tư khi cha sinh mẹ đẻ tôi chưa từng làm bao giờ là lẵng nhẵng chạy theo bọn đàn bà, cố kiếm một ả nom vẻ chắc chắn là có cái chuyện ấy. Nhưng làm thế nào mà đoán được? Trên trán chúng nó có ghi rõ đứa nào mắc bệnh đâu; anh thử nghĩ mà xem! – Prokho tức tối nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi vểnh tai nghe xem vợ đã về chưa.

Grigori đưa tay lên che miệng giấu nụ cười, hai con mắt long lanh, nheo lại vì buồn cười. Chàng hỏi:

– Thế đã kiếm được chứ?

Prokho nhìn chàng bằng cặp mắt đẫm nước mắt, âu sầu nhưng bình thản chịu đựng như mắt một con chó già sắp đến lúc chết. Hắn nín lặng một lát rồi nói:

– Thế anh tưởng dễ kiếm lắm đấy phỏng? Lúc không cần thì gió cũng có thể thổi nó đến với mình, nhưng lần nầy chúng nó đi đâu mất hết, chẳng làm thế nào kiếm ra một đứa, đúng là khóc được?

Grigori hơi quay người, cười không ra tiếng, chàng bỏ tay trên mặt bàn xuống và hỏi bằng một giọng ngắt quãng:

– Cậu hãy vì Chúa, đừng làm mình phải chờ mãi nữa! Cậu có kiếm được hay không thì nói đi!

– Tất nhiên rồi. Chuyện như thế mà làm anh cười được hay sao? – Prokho nói giọng bực bội. – Cười trước tai hoạ của người khác là một ngu xuẩn, theo tôi hiểu là như thế đấy.

– Nếu thế mình sẽ không cười nữa… Nhưng sau đó thì sao?

– Sau đó tôi bắt đầu tán con gái lão chủ nhà một ả gái già tuổi chừng bốn mươi, nhưng có lẽ cũng hơi ít hơn một chút. Trứng cá thì cồm cộm như bánh đa, mặt mũi nói chung đáng sợ như một con quỷ cái! Hàng xóm láng giềng nói rằng gần đây nó rất thường hay tìm đến chỗ thằng y sĩ. Tôi nghĩ thầm: “Với con nầy thì nhất định mình sẽ lây bệnh được rồi!” Thế là tôi cứ lởn vởn chung quanh nó, đúng như một con gà trống non, cố làm ra dáng ra vẻ và dùng mọi lời tán tỉnh nó… Chính tôi cũng không biết rằng mình đã mò đâu ra những câu như thế? – Prokho mỉm một nụ cười như hối lỗi, và thậm chí hồi ức tựa như làm cho hắn có vẻ vui vui. – Tôi hứa sẽ lấy nó làm vợ và đã nói với nó tất cả những lời dơ dáy khác… Nhưng dù sao tôi cũng đã tán được nó. Tôi dỗ dành nó và khi tình hình đã đi đến chỗ sắp sửa phạm tội lỗi thì nó khóc sướt mướt. Tôi bèn hỏi nó thế nầy thế nọ: “Hay là em có bệnh, nếu thế cũng chẳng sao đâu, mà còn tốt nữa là khác, Lúc đó chính tôi cũng thấy sợ: đêm hôm khuya khoắt, nhỡ có ai nghe thấy tiếng chúng tôi lục đục trong nhà trấu mà mò đến thì sao. Tôi bèn bảo nó: “Thôi đừng khóc nữa, em hãy vì Chúa mà đừng khóc nữa? Và nếu em có bệnh thì cũng đừng sợ, vì tình yêu của anh đối với em, anh sẵn sàng chịu đựng hết thảy!” Nhưng nó lại bảo:

“Anh Prokho yêu dấu của em! Em chẳng có bệnh chút nào đâu. Em là một đứa con gái đứng đắn. Em sợ nên mới khóc thôi”. Anh có tin được không, anh Grigori Pantelevich, nó vừa nói với tôi như thế là mồ hôi lạnh vã ra trên người tôi như tắm ấy. Tôi nghĩ thầm: “Giê- su- ma, tai vạ đổ lên đầu mình rồi! Chỉ còn chờ có một chuyện như thế nầy nữa thôi!” Tôi bèn nói giọng lạc hẳn đi: “Đồ khốn kiếp, thế cứ hay mò đến thằng y sĩ làm gì hử? Tại sao lại lừa dổi người ta?” Nó nói: “Em thường đến chỗ hắn đề lấy thuốc cho mặt được sạch”. Tôi bèn đưa tay lên ôm lấy đầu và bảo nó: “Thôi đứng dậy và xéo ngay cho khuất mắt tao, mày thật đáng nguyền rủa, đồ phản Chúa tởm lợn? Mày đứng đắn thì tao cần đến mày làm gì, tao sẽ không lấy mày đâu! – Prokho nhỏ toẹt bãi nước bọt với một vẻ còn hung dữ hơn trước, rồi miễn cưỡng nói thêm – Thế là bao nhiêu công phu của tôi đều biến thành công cốc. Tôi chạy luôn lên nhà trên, quơ lấy hết đồ đạc của mình và ngay đếm ấy tôi chuyển đến ở một nhà khác. Nhưng sau nhờ có anh em chỉ chỗ, tôi đã được ở với một ả goá mà tôi đang cần. Chỉ có điều là lần nầy tôi rất thẳng thừng. Tôi hỏi: “Có bệnh không?” Nó bảo: “Cũng có chút ít”. “Thế thì được, tôi cũng chẳng cần đến một phút đâu”. Vì cái công đã giúp tôi tôi trả cho nó một tờ hai mươi rúp Kerensky và ngày hôm sau đã đem thành tích của mình đi khoe. Tôi chạy lên trạm quân y rồi từ đấy chuồn thẳng về nhà.

– Cậu về không có ngựa à?

– Không có ngựa là nghĩa thế nào? Có cả ngựa lẫn toàn bộ trang bị. Anh em đã mang ngựa lên trạm quân y cho tôi. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Anh hãy giúp tôi một ý kiến: tôi sẽ nói với vợ tôi như thế nào bây giờ? Hay để tránh tai vạ, tốt nhất là tôi sang ngủ nhờ bên nhà anh nhé!

– Không cần đâu, việc quái gì phải làm như thế? Cậu cứ ngủ ở nhà. Cứ bảo rằng cậu bị thương. Cậu có băng không?

– Có gói băng cá nhân đây.

– Nào thì bắt tay làm ngay đi.

– Nó sẽ không tin đâu. – Prokho nói bằng một giọng ảo não nhưng vẫn đứng dậy. Hắn lục lọi một lát trong những cái túi dết, bỏ vào phòng trong rồi khẽ nói vọng từ trong ấy ra – Nếu vợ tôi về thì anh nói chuyện để giữ nó ngoài ấy và tôi sẽ ra ngay.

Grigori vừa cuốn điếu thuốc vừa suy nghĩ về kế hoạch ra đi. “Chúng mình sẽ thắng hai con ngựa vào một cái xe. Chàng quyết định. – Cần phải lên đường vào buổi tối để ở nhà khỏi thấy mình đưa Acxinhia cùng đi. Tuy dù thế nào cũng sẽ biết thôi…”

– Tôi còn chưa nói hết với anh về thằng đại đội trưởng, Prokho bước từ nhà trong ra, châm đi khệnh khạng. Hắn ngồi vào bàn và nói – Tôi đến trạm quân y được ba ngày thì anh em ở nhà đã thịt nó.

– Thật thế ư?

– Thật đấy! Trong một trận chiến đấu, anh em đã cho nó một phát từ phía sau, và câu chuyện đến thế là hết. Thế là tôi đã mang vạ vào thân một cách vô ích, thực đáng bực mình?

– Không tìm ra thằng nào giết à? – Grigori hỏi giọng thẫn thờ vì còn đang mải mê với những ý nghĩ về chuyến đi sắp tới.

– Còn lúc nào mà tìm nữa? Một cuộc chuyển quân lớn như thế đang bắt đầu thì còn hơi sức đâu mà nghĩ tới chuyện ấy nữa. Nhưng con mụ nhà tôi biến đi đâu rồi nhỉ? Thế nầy thì mất hết cái hứng uống rượu thôi! Thế anh định ra đi vào lúc nào?

– Mai.

– Không nán lại thêm được một ngày hay sao?

– Nán lại làm gì? Cũng cho tôi giũ bớt chấy rận đi chứ? Đi đường với những của ấy thì cũng chẳng thú gì đâu.

– Trên đường cũng có thể giũ bớt được. Tình hình không cho phép chờ đợi nữa. Bọn Đỏ chỉ còn cách Vosenskaia có hai ngày đường.

– Chúng ta sẽ đi từ sáng chứ

– Không, đến tối sẽ đi. Có lẽ chúng ta chỉ cần đến Karginskaia thôi, sẽ nghỉ đêm ở đấy.

– Thế sẽ không bị bọn Đỏ tóm cổ chứ?

– Phải luôn luôn đề phòng mới được. Nhưng mình có một việc… Mình định đưa Acxinhia Axtakhova đi cùng. Cậu không có gì phản đối chứ?

– Đối với tôi thì chuyện ấy có sao? Anh cứ mang theo hai Acxinhia cũng được… Phải cái sẽ hơi nặng cho hai con ngựa.

– Cũng chẳng nặng lắm đâu.

– Đi đường mà mang cả đàn bà theo thì không tiện đâu… Dịch tả dịch hạch nào làm cho anh cần đến cô ấy làm gì? Nếu chỉ hai chúng ta thì sẽ chẳng có gì phiền phức? – Prokho thở dài, đưa mắt nhìn ra chỗ khác và nói – Tôi cũng đã biết rằng anh sẽ lôi cô ấy đi theo. Vẫn cứ thích làm chú rể… Chao ôi, anh Grigori Pantelevich, từ lâu cái roi nó đã khóc với những giọt nước mắt đắng cay đòi được quất lên đầu anh rồi đấy?

– Thôi, chuyện nầy không can gì đến cậu. – Grigori nói giọng lạnh như tiền. – Việc nầy chớ có nói hở ra cho vợ biết đấy.

– Thế trước kia tôi đã nói hở ra rồi hay sao? Nhưng anh cũng cần phải có lương tâm chứ? Nó sẽ quẳng nhà cửa cho ai bây giờ?

Có tiếng những bước chân ở phòng ngoài. Bà chủ nhà bước vào, tuyết bám lấp loáng trên chiếc khăn bịt đầu màu xám bằng len tơ.

– Bão tuyết đấy à? – Prokho lấy trong tủ ra hai cái cốc nhỏ rồi hỏi – Nhưng có mang về được cái gì không đấy?

Người vợ mặt mày đỏ ửng lôi dưới vạt áo ra hai cái chai lấm tấm hơi nước, đặt lên bàn.

– Nào chúng ta uống cho đường đi được trơn tru? – Prokho nói bằng một giọng sôi nổi. Hắn đưa rượu lên mũi ngửi rồi dựa vào mùi rượu nhận định – Rượu vò đầu đây! và nặng ghê gớm.

Grigori uống hai cốc nhỏ rồi lấy cớ mệt mỏi bỏ về nhà.

— —— —— —— ——-

1 Mỗi pút bằng bốn mươi phun- tơ (ND).

2 Theo truyền thuyết phương Tây, quỷ dữ đều có sừng (ND).

Chọn tập
Bình luận