Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sông Đông Êm Đềm

Chương 225

Tác giả: Mikhail Sholokhov
Chọn tập

Sau khi bỏ nhà ra đi, Grigori sống ba tuần đầu ở thôn Thượng Kripsky thuộc trấn Elanskaia tại nhà một gã Cô- dắc đồng đội quen biết. Rồi chàng bỏ tới thôn Gorbatovpsky ở hơn một tháng tại nhà một người có họ xa với Acxinhia.

Chàng phải nằm suốt ngày ở phòng trong, chỉ ban đêm mới mò ra sân. Toàn bộ cuộc sống cứ như ở tù. Vì buồn nhớ và chẳng có việc gì làm, Grigori cảm thấy đau khổ nhức nhối. Chàng chỉ muốn được về nhà với hai đứa con, với Acxinhia. Trong những đêm mất ngủ chàng đã nhiều lần mặc chiếc áo ca- pốt và với ý nghĩ nhất quyết trở về thôn Tatarsky, nhưng lần nào cũng tỉnh táo nghĩ lại và lại cởi áo ngoài, rên rỉ, vật mình nằm úp mặt xuống giường. Nhưng cuối cùng chàng cũng không còn có thể kéo dài cảnh sống như thế nầy được nữa. Chủ nhà là một người hàng thúc bá với Acxinhia, lão rất đồng tình với Grigori nhưng không thể mãi mãi giữ một người khách như thế nầy ở thường xuyên trong nhà. Một lần sau khi ăn xong bữa tối Grigori trở về phòng mình, nghe lỏm được một câu chuyện. Vợ chủ nhà hỏi bằng một giọng rít lên vì tức giận:

– Không biết bao giờ mới chấm dứt được cái trò nầy hử?

– Cái gì thế? Bà nói về chuyện gì thế? – Lão chủ nhà trả lời vợ bằng một giọng trầm trầm.

– Cái thằng ăn hại ấy, bao giờ ông mới tống cổ được nó đi!

– Bà im đi!

– Tôi không im? Thóc nhà mình còn lại mèo ăn chẳng đủ, thế mà ông cứ giữ nó, cái thằng quỉ gù ấy ở nhà, ngày ngày phải nuôi báo cô. Còn như thế nầy bao giờ mới thôi, tôi thử hỏi ông? Và nếu Xô viết biết được thì sẽ ra sao? Họ sẽ chặt đầu vợ chồng nhà nầy đi, để cho mấy đứa trẻ sống côi cút à?

– Thôi im đi, Apdochia!

– Tôi không im! Chúng ta còn có những đứa con phải nuôi? Thóc trong nhà không còn được quá hai mươi pút, thế mà ông còn giữ cái thằng ườn thây ườn xác ấy mà cho ăn cho uống hết ngày nầy qua ngày khác! Nó là thế nào với ông hử? Là anh em ruột à? Là thông gia à? Hay là bạn đỡ đầu? Nó chẳng họ hàng thân thuộc gì với ông cả? Họ hàng cái kiểu thần công đại bác bắn không tới, thế mà ông còn lưu lại trong nhà, hầu ăn, hầu uống. Xì, lão quỉ hói! Thôi im đi, đừng có oăng oẳng lên, nếu không ngày mai chính gái nầy sẽ lên Xô viết báo cho họ biết rằng trong nhà ông đang trồng một đoá hoa tươi đẹp như thế nào cho mà xem?

Hôm sau người chủ nhà bước vào phòng Grigori. Lão nói nhưng mắt cứ dán xuống sàn:

– Anh Grigori Pantelevich ạl Anh muốn nghĩ về tôi thế nào thì nghĩ, nhưng anh không thể nào nán lại thêm ở nhà tôi được nữa rồi… Tôi kính trọng anh, tôi có quen biết và kính trọng ông cụ nhà ta hiện nay đã mồ yên mả đẹp. Nhưng trong lúc nầy, lưu anh lại ăn ở trong nhà là một việc quá nặng nề đối với tôi… Hơn nữa tôi còn sợ chính quyền sẽ biết về anh. Anh muốn đi đâu thì tuỳ ý. Tôi còn có gia đình. Tôi không muốn vì anh mà mất đầu. Anh hãy vì Chúa mà thứ lỗi cho tôi, giúp tôi thoát khỏi…

– Thôi được, – Grigori trả lời gọn lỏn. – Cám ơn ông đã nhường chỗ cho ở, đã tiếp đón niềm nở. Xin cám ơn về tất cả. Chính tôi cũng biết rằng tôi đã gây cho ông một gánh nặng, nhưng tôi còn đi đâu bây giờ? Đối với tôi mọi con đường đều đã tắc.

– Anh hãy đi tới nơi nào mà anh biết.

– Thôi được tôi sẽ đi ngay hôm nay. Cám ơn ông, ông Artamon Vasilievich, cám ơn ông về tất cả.

– Không có gì đâu, anh đừng cám ơn.

– Tôi sẽ không quên lòng tốt của ông. May ra sẽ có lúc tôi có chút gì để báo đáp.

Người chủ nhà cảm động vỗ vai Grigori:

– Trong chuyện nầy thì có gì mà đáng nói! Đối với riêng tôi thì anh cứ ở đây thêm hai tháng nữa cũng được, nhưng vợ tôi không để yên cho, ngày nào cũng chửi bới, con mụ đáng nguyền rủa? Tôi là dân Cô- dắc, anh cũng là dân Cô- dắc, anh Grigori Pantelevich ạ. Cả hai chúng ta đều chống chính quyền Xô viết, vì thế tôi sẽ giúp anh.

Hôm nay anh hãy đến thôn Yadotnyi. Tại đấy tôi có một ông thông gia, ông ấy sẽ nhận cho anh ở lại. Anh cứ nói lại với ông ấy như tôi nói: “Artamon dặn phải tiếp đón anh như tiếp đón con đẻ, cho ăn ở chừng nào còn đủ sức. Rồi sau nầy tôi sẽ tính toán với ông ta”. Nhưng chỉ cần một điều là anh hãy đi khỏi nhà tôi hôm nay. Tôi không thể nào lưu anh ở lại thêm được nữa rồi, một mặt vì vợ tôi nó làm quá lắm, mặt khác tôi lại sợ Xô viết biết… Anh Grigori Pantelevich ạ, anh ở được ngần ấy ngày cũng đã nhiều rồi. Tôi vẫn còn muốn giữ cái đầu của tôi…

Đêm hôm ấy, lúc đã thật khuya, Grigori ra khỏi thôn. Nhưng chàng chưa kịp đi tới cái cối xay gió trên một ngọn gò đã có ba người cưỡi ngựa bất thần hiện ra như mọc từ dưới đất lên. Họ chặn dường chàng:

– Đứng lại đồ chó đẻ! Mầy là đứa nào hử?

Tim Grigori run lên. Chàng nín thinh đứng lại. Bỏ chạy thì quá liều lĩnh. Hai bên con đường không có một cái khe nào, một bụi cây cũng không có: toàn đồng cỏ trống trải, trần trùi trụi, chàng chưa kịp đi thêm hai bước, chúng lại hỏi:

– Đảng viên cộng sản à? Quay trở lại, cho mẹ mày vào xăng! Nào, quàng quàng lên?

Tên thứ hai cho ngựa xông tới trước mặt Grigori, nó ra lệnh:

– Hai cái tay mày? Rút tay trong túi ra! Rút tay ra nếu không tao chém mất đầu bây giờ?

Grigori lặng lẽ rút hai tay ra khỏi túi áo ca- pốt. Chàng còn chưa kịp hiểu thật rõ là đang có chuyện gì xảy ra với mình và mấy gã chặn đường chàng là những con người như thế nào. Chaàng hỏi:

– Đi đâu bây giờ?

– Về thôn. Quay trở lại.

Cho đến khi về tới thôn, một tên cưỡi ngựa đi kèm bên cạnh, hai tên kia cho ngựa đi tách ra trên bãi chăn nuôi cả bọn tiến ra đường cái. Grigori đi lầm lì, không nói gì cả. Ra đến đường cái, chàng chậm bước lại hỏi:

– Nầy bác, các bác là ai thế?

– Đi đi, đi đi! Không được nói gì cả? Chắp hai tay ra sau lưng, nghe rõ chưa?

Grigori lặng lẽ làm theo lời hắn. Nhưng một lát sau chàng lại hỏi:

– Không, nhưng dù sao các bác cũng phải cho biết các bác là ai mới được.

– Những người theo chính giáo.

– Và chính tôi cũng không phải là dân cựu giáo.

– Hừ, thế thì mày hãy mừng đi.

– Thế bác dẫn tôi đi đâu đấy?

– Đến chỗ chỉ huy. Mày có đi không, đồ khốn nạn, nếu không tao cho mày…

Tên áp giải khẽ cho mũi gươm chạm vào Grigori. Mũi thép nhọn mài sắc, lạnh buốt, chạm vào gáy chàng, ngay chỗ da để hở giữa cổ áo ca- pốt và mũ lông, và bên trong chàng, một cảm giác kinh hoàng bỗng loáng lên như một tia lửa rồi lại nhường ngay chỗ cho một sự căm giận bất lực. Chàng kéo cao cổ áo, quay nửa người gườm gườm nhìn tên áp giải và rít lên qua kẽ răng:

– Đừng có làm bậy? Nghe thấy không? Nếu không tôi cướp cái trò ấy trong tay anh bây giờ…

– Đi đi, đồ chó đẻ, không được nói gì nữa? Tao sẽ cho mày cướp xem sao! Đưa tay ra sau lưng!

Grigori im lặng bước thêm hai bước rồi lại nói:

– Thế thì không nói nữa, nhưng chớ có chửi bới. Cái thằng thối như cứt, anh tưởng…

– Không được nhìn ngang nhìn ngửa!

– Thế thì không nhìn nữa.

– Câm ngay, đi nhanh lên!

– Hay là chạy nước kiệu nhé! – Grigori vừa hỏi vừa chớp chớp mi mát cho những miếng băng nhỏ bám trên hai hàng mi rơi xuống.

Tên áp giải không nói gì, thúc luôn con ngựa một cái. Cái ức đẫm mồ hôi và sương đêm của con ngựa hích mạnh vào lưng Grigori, những cái vó của nó dẫm nhâm nhấp trên lớp tuyết đang tan ngay bên cạnh chân chàng.

– Từ từ thôi! – Grigori bám tay vào bờm con ngựa đẩy nó ra và kêu lên.

Tên áp giải giơ thanh gươm lên ngang đầu, khẽ nói:

– Mày có đi không, đồ chó đẻ… Và không được nói gì nữa, nếu không tao sẽ không đưa mày về tới nơi đâu. Cái tay áo tao nó làm việc ấy lẹn lắm đấy. Câm cái mồm, không nói gì nữa.

Hai người ngậm tăm cho đến khi về tới thôn. Khi về tới gần ngôi nhà đầu thôn, tên kia ghìm ngựa, nói:

– Đi vào cái cổng nầy.

Grigori bước vào cái cổng mở toang. Sâu bên trong sân thấy hiện lên một ngôi nhà mái tôn rất to. Dưới mái hiên nhà kho, vài con ngựa thở phì phì và nhai rơm ràn rạt. Chừng sáu gã đeo vũ khí đứng bên cạnh thềm. Tên áp giải tra thanh gươm và vỏ, xuống ngựa và nói:

– Vào trong nhà, đi thẳng từ các bậc thềm vào, cái cửa thứ nhất bên trái. Đi đi, không được nhìn ngang nhìn ngửa, còn phải bảo mày bao nhiêu lần nữa hử. Ông lại tọng cho một cái vào mồm, bật lòng gan mề phổi ra bây giờ!

Grigori từ từ bước lên những bậc thềm. Người đứng bên cạnh lan can đội chiếc mũ có cái đỉnh nhọn hoắt của Hồng quân, mặc một cái áo ca- pốt kỵ binh dài lượt thượt. Hắn hỏi:

– Các cậu tóm cổ được nó đấy à?

Tóm cổ được, – Gã áp giải miễn cưỡng trả lời bằng cái giọng khàn khàn mà Grigori nghe đã quen. – Vớ được nó ở gần cái cối xay gió.

– Bí thư chi bộ hay là thế nào?

– Quỉ quái nào mà biết được nó. Một thằng chó chết nào đó, nhưng nó là ai thì chúng mình sẽ biết ngay đây.

“Chúng nó nếu không phải là một toán thổ phỉ thì cũng là bọn Treka ở Vosenskaia lập mưu bày kế. Thế là mình rơi vào tay chúng nó rồi! Rơi vào tay chúng nó như một thằng ngu xuẩn”. Grigori nghĩ thầm và cố ý trùng trình ở phòng ngoài để tập trung suy nghĩ.

Grigori mở cánh cửa và kẻ đầu tiên mà chàng nhìn thấy là Fomin. Hắn ngồi sau một cái bàn, chung quanh có rất nhiều tên mặc quân phục mà Grigori không quen. Những chiếc áo ca- pốt và áo da ngắn quẳng bừa bộn trên một cái giường. Những khẩu súng trường của kỵ binh được xếp thành một hàng bên cạnh một chiếc ghế dài. Ngay trên chiếc ghế dài ấy thấy vứt lung tung những thanh gươm, những bao đạn, túi dết và túi mắc vào yên ngựa. Mùi mồ hôi ngựa bốc lên nồng nặc từ đám người và từ những chiếc áo ca- pôt, những đồ trang bị.

Grigori bỏ chiếc mũ lông xuống, khẽ nói:

– Chào các anh!

– Cậu Melekhov? Đúng là đồng cỏ thì rộng, mà đường thì hẹp? Chúng mình vẫn lại được trông thấy nhau như thường? Nhưng cậu ở đâu mò đến đây thế nầy? Cởi áo ngoài ra đi, ngồi xuống đây. – Fomin đứng dậy, rời khỏi cái bàn, bước tới trước mặt Grigori, chìa tay cho chàng. – Tại sao cậu lại lang thang ở đây thế?

– Mình đến có chút việc.

– Việc gì thế? Cậu đã mò đi khá xa đấy… – Fomin nhìn Grigori có vẻ dò hỏi. – Cậu cứ nói thật đi: cậu đến đây kiếm chỗ ẩn nấp có phải không?

– Chuyện ấy hoàn toàn đúng. – Grigori miễn cưỡng mỉm cười trả lời – Mấy anh em của mình tóm được cậu ở đâu thế?

– Ngay gần thôn.

Lúc ấy cậu đi đâu?

– Lang thang đâu cũng được…

Fomin chăm chú nhìn thẳng vào mắt Grigori lần nữa rồi mỉm cười – Mình thấy là cậu đang nghĩ rằng bọn mình tóm được cậu là sẽ giải đi Vosenskaia có phải không? Không đâu, anh em ạ, đối với bọn mình con đường ấy cũng đã bị cấm rồi… Cậu đừng lo! Bọn mình không còn đi lính cho Chính quyền Xô viết nữa đâu? Hai bên không ý hợp tâm đầu nữa rồi…

– Ly dị rồi. – Một gã Cô- dắc có tuổi ngồi hút thuốc bên cạnh bếp lò nói thêm giọng trầm trầm.

Trong đám ngồi ở bàn có một tên cười phá lên rất to.

– Cậu không nghe tin gì về mình à? – Fomin hỏi.

– Không.

– Thôi cậu ngồi vào bàn đi, rồi chúng mình sẽ nói chuyện. Súp bắp cải và thịt đâu đem thết ông khách của chúng ta đi!

Tất cả những lời Fomin nói Grigori đều không tin chút nào. Chàng cởi áo ca- pốt ngồi vào bàn, mặt tái nhợt, thái độ dè dặt. Chàng rất thèm hút thuốc nhưng lại nhớ rằng mình hết thuốc lá đã hai ngày.

– Có gì hút không? – Chàng hỏi Fomin.

Tên kia ân cần chìa cho chàng cái bao đựng thuốc lá bằng da.

Hắn vẫn chăm chú theo dõi Grigori và không khỏi nhận thấy rằng những ngón tay của Grigori hơi run run trong khi lấy ra một điếu thuốc lá. Fomin lại mỉm cười sau hàng ria hung hung đỏ chỗ cao chỗ thấp như những làn sóng.

– Chúng mình đã nổi lên chống lại Chính quyền Xô viết. Chúng mình đứng về phía nhân dân, chống chế độ trưng thu lương thực, chống bọn chính uỷ. Chúng nó đã làm bà con mình đau đầu quá rồi. Bây giờ đến lượt chúng mình làm chúng nó đau đầu. Cậu đã hiểu chưa, Melekhov?

Grigori nín thinh. Chàng châm thuốc hút, nhiều lúc vội vã rít liều vài hơi. Đầu chàng hơi choáng váng, trong họng lợm lợm buồn nôn.

Một tháng gần đây chàng được ăn uống rất tồi, nhưng mãi đến lúc nầy chàng mới cảm thấy rằng trong thời gian ấy mình đã yếu đi như thế nào. Chàng dập tắt điếu thuốc, bắt đầu ăn ngốn ngấu.

Fomin kể qua loa vài câu chuyện về cuộc bạo động, về những ngày đầu tiên nay đây mai đó trong khu, và hắn huênh hoang gọi cuộc sống lang bạt của bọn chúng một cách mỹ tự là “tiến quân”. Grigori cứ nín thinh lắng nghe, đồng thời nuốt chửng gần như không cần nhai cả bánh mì lẫn những miếng thịt cừu béo ngậy ninh chưa kỹ.

– Nhưng cậu đã còm đi nhiều quá trong những ngày đi thăm hỏi đấy – Fomin nói giễu chàng một cách thân mật.

Grigori ăn no quá nấc lên. Chàng lầu bầu:

– Có phải là mình đến chơi nhà mẹ vợ đâu.

– Chuyện ấy chỉ nhìn qua là biết ngay thôi. Nhưng cậu ăn nhiều vào ăn cho kỳ chán, ăn nổi bao nhiêu thì cứ ăn. Bọn mình không phải là những chủ nhà keo kiệt đâu.

– Cám ơn. Nhưng nếu bây giờ mà được điếu thuốc… – Grigori tiếp lấy điếu thuốc Fomin đưa mời rối bước tới gần chiếc nồi gang đặt trên cái ghế dài và đẩy cái nắp gỗ ra để múc nước. Nước lạnh buốt, lại hơi có vị mặn. Ngây ngất vì ăn quá nhiều, Grigori uống ừng ực hết cả hai ca nước to rồi hút thuốc một cách khoái trá.

– Dân Cô- dắc cũng không hoan nghênh chúng ta lắm đâu. – Fomin đến ngồi bên cạnh Grigori kể tiếp – Năm ngoái, trong thời gian bạo động, họ đã bị một trận thất điên bát đảo… Nhưng vẫn có những thằng tình nguyện đi theo. Chừng bốn mươi thằng đã gia nhập bọn mình. Song chúng mình không phải chỉ đòi hỏi có thế. Chúng mình cần phải làm cho toàn khu nổi dậy, để các khu chung quanh: Khopesky, Ust- Medvedisky đều đến giúp. Đến lúc ấy, chúng ta sẽ nói chuyện cởi mở với Chính quyền Xô viết!

Câu chuyện chung quanh chiếc bàn rất sôi nổi ầm ĩ. Grigori vừa nghe Fomin nói vừa lén nhìn các bạn chiến đấu của hắn. Chẳng có bộ mặt nào quen thuộc! Chàng vẫn chưa tin Fomin, vẫn nghĩ rằng hắn giở trò ma mãnh, vì thế cứ thận trọng nín thinh. Nhưng ngậm tăm mãi cũng không được.

– Nhưng đồng chí Fomin ạ, nếu chuyện ấy là đồng chí nói thật thì đích xác các đồng chí muốn gì. Muốn làm nổ ra một cuộc chiến tranh mới à? – Chàng vừa hỏi vừa cố xua cái cảm giác buồn ngủ đang đè nặng lên đầu mình.

– Cái chuyện ấy mình đã nói với cậu rồi mà.

– Lật đổ chính quyền à?

– Phải.

– Nhưng sau đó sẽ lập nên một chính quyền như thế nào?

– Một chính quyền của chúng ta, chính quyền Cô- dắc!

– Chính quyền của bọn ataman à?

– Thôi về chuyện các ataman thì chúng ta hãy chờ ít lâu rồi hãy nói đến. Nhân dân bầu ra chính quyền nào thì nó sẽ là chính quyền mà chúng ta lập nên. Nhưng đó là chuyện về lâu về dài, hơn nữa về chính trị thì mình là một thằng ngoại đạo. Mình chỉ là một thằng con nhà binh, công việc của mình là tiêu diệt những thằng chính uỷ và Đảng viên cộng sản. Còn chuyện chính quyền thì Kaparin, trưởng ban tham mưu của mình, sẽ kể cho cậu nghe. Hắn là đầu óc của mình về mặt ấy. Hắn là một con người thông minh, học rộng. – Fomin ngả người về phía Grigori, khẽ nói – Thượng uý cũ trong quân đội Nga hoàng đấy. Thằng cha khôn ngoan hiểu biết lắm? Hiện giờ hắn đang nằm ở phòng trong, không biết ươn mình như thế nào, có lẽ vì hắn chưa quen; bọn mình hành quân những chặng quá dài.

Từ phòng ngoài bỗng vẳng vào những tiếng lao xao, tiếng chân bước rầm rập, tiếng rên rỉ, tiếng giằng co và một tiếng quát oang oang: “Khử mẹ nó đi!” Mọi câu chuyện chung quanh bàn lập tức lắng bặt. Fomin đưa mắt nhìn ra cửa có ý đề phòng. Có người mở toang cánh cửa. Một làn hơi trắng bệch cuồn cuộn ùa từ bên dưới cửa vào trong phòng. Sau một đòn nện đánh hự vào lưng, một người cao lớn chúi đầu về phía trước, vừa vấp vừa chạy lao vài bước vào trong phòng rồi đập vai rất mạnh vào chỗ lồi ra của bếp lò. Người ấy không đội mũ, mình mặc một chiếc áo bông đột chỉ màu cứt ngựa, chân đi đôi ủng dạ màu xám. Trước khi cánh cửa đóng sập lại, từ phòng ngoài có một gã nào đó kêu lên rất vui nhộn:

– Tiếp nhận thêm một thằng nữa đi!

Fomin đứng dậy, sửa lại chiếc dây lưng trên áo quân phục cổ chui.

– Mầy là ai? – Hắn hỏi bằng một giọng oai vệ.

Người mặc áo bông thở hổn hển đưa tay lên vuốt tóc, cố động đậy vào hai cái xương bả vai nhăn mặt vì đau. Anh ta đã bị đánh vào cột xương sống bằng một vật nặng, có lẽ là báng súng.

– Sao cứ câm như hến thế hử? Bị cắt mất lưỡi rồi hay sao? Tao hỏi mầy là ai?

– Chiến sĩ Hồng quân.

– Đơn vị nào?

– Trung đoàn trưng lương số mười hai.

– Á- à, lại với được cái của nầy! – Một trong những tên ngồi ở bàn mỉm cười nói.

Fomin tiếp tục hỏi cung:

– Mầy đến đây làm gì?

– Tôi thuộc đội đánh chặn… chúng tôi đã được phái đi.

– Hiểu rồi. Ở đây chúng mầy có bao nhiêu thằng trong thôn?

– Mười bốn.

– Còn những thằng khác đâu?

Người chiến sĩ Hồng quân nín lặng một lát, cố hết sức mở cặp môi. Trong họng anh ta có một cái gì lọc ọc, từ mép bên trái, một dòng máu rất nhỏ chảy ròng ròng xuống cằm. Anh ta đưa tay lên chùi môi, nhìn bàn tay mình rồi lại cọ tay vào quần.

– Cái thằng chó chết… của các ông… – Anh ta nuốt máu, nói giọng như nấc. – Nó đã làm dập phổi tôi.

– Đừng sợ! Chúng tao sẽ chữa cho? – Một tên Cô- dắc tướng ngũ đoản ngồi ở bàn đứng dậy, nháy mắt với những tên khác và nói giọng nhạo báng:

– Còn những thằng kia đâu? – Fomin hỏi lần thứ hai.

– Đi Elanskaia cùng với những chiếc xe vận tải rồi.

– Mày là dân ở đâu? Quê ở vùng nào?

Chiến sĩ Hồng quân nhìn Fomin bằng hai con mắt xanh lơ sáng bừng bừng như trong một cơn sốt rét. Anh ta nhổ xuống dưới chân mình một cục máu đặc rồi trả lời bằng một giọng trầm trầm không còn khàn nữa.

– Tỉnh Pskovskaia.

– Tỉnh Pskovskaia, tỉnh Moskovskaia… chúng tao có nghe nói về những thằng ở vùng ấy… – Fomin nói giọng châm biếm. – Còn mày, cái thằng nầy, mày đã đi quá xa để vơ vét thóc lúa của người khác đấy Thôi, câu chuyện thế là xong rồi? Chúng tao sẽ làm gì với mày bây giờ đây, thế nào hử?

– Phải, thả tôi ra.

– Mầy ngây thơ quá đấy, cái thằng nầy… Hay là chúng mình sẽ thả cho nó đi thật, các cậu thấy thế nào? – Fomin quay lưng nhìn những thằng ngồi quanh bàn, một nụ cười thấp thoáng sau hàng ria.

Grigori chăm chú theo dõi tất cả các việc xảy ra và chàng chỉ nhìn thấy những nụ cười thông đồng, cố ghìm giữ trên những khuôn mặt nâu sạm dãi dầu nắng gió.

– Cứ để nó đi theo chúng ta chừng hai tháng rồi sẽ cho nó về nhà, về với vợ. – Một tên trong bọn Fomin nói.

– Mầy có thể đi theo chúng tao, phục vụ một cách ngay thẳng được chứ? – Fomin vừa hỏi vừa cố ghìm nụ cười nhưng không nổi. – Chúng tao sẽ cho mầy một con ngựa, một bộ yên và một đôi ủng da mới, ống tròn hẳn hoi thay cho đôi ủng dạ… Bọn chỉ huy của chúng mầy trang bị cho chúng mày lồi quá đấy. Như thế nầy mà coi là giầy ủng à? Ngoài sân đang tan tuyết mà mầy vẫn còn mang một đôi ủng dạ. Mầy đi theo chúng tao chứ?

– Nó là một thằng mu- gích, từ thuở cha sinh mẹ đẻ nó có cưỡi ngựa bao giờ đâu. – Một thằng Cô- dắc giả giọng the thé, nói chít chớt để làm trò cười.

Chiến sĩ Hồng quân không nói gì. Anh ta dựa lưng vào cái bếp lò đưa cặp mắt sáng long lanh lần lượt nhìn cả bọn, thỉnh thoảng lại nhăn mặt vì đau và hơi hé miệng mỗi khi cảm thấy khó thở.

– Mầy sẽ ở lại với chúng tao chứ, hay thế nào? – Fomin hỏi lại.

– Nhưng các ông là ai cơ chứ?

– Chúng tao ấy à? – Fomin giương cao hai hàng lông mày và đưa bàn tay lên vuốt ria. – Chúng tao là những chiến sĩ đấu tranh cho nhân dân lao động. Chúng tao chống lại ách áp bức của bọn chính uỷ và Đảng viên cộng sản. Đấy chúng tao là những người như thế đấy. Đến lúc ấy bỗng nhiên Grigori nhìn thấy một nét cười trên mặt người chiến sĩ Hồng quân.

– Té ra các ông là những con người như thế… Vậy mà tôi cứ nghĩ: đây là những con người thế nào nhỉ?

Người tù binh mỉm cười, cho thấy những cái răng đỏ lòm những máu và nói với một vẻ tựa như anh ta ngạc nhiên một cách thú vị trước điều mới mẻ mà mình vừa nghe thấy, nhưng trong giọng nói của anh ta vẫn thấy có cái gì bắt tất cả bọn kia phải đề phòng.

– Thế là theo ông các ông là những chiến sĩ đấu tranh cho nhân dân à? Té ra vâ- â- ậy. Nhưng theo chúng tôi thì các ông chỉ là những thằng thổ phỉ. Thế mà các ông còn bảo tôi đi theo các ông? Chà, các ông thật là những tay vua cù, thật đấy!

– Tao xem mầy cũng là một thằng biết vai nhộn… Fomin nheo mắt, hỏi gọn lỏn – Đảng viên cộng sản phải không?

– Không, ông nói gì vậy? Người ngoài Đảng thôi.

– Hình như không phải như thế.

– Nói thật đấy, tôi là người ngoài Đảng mà?

Fomin húng hắng ho, quay về phía cái bàn.

– Trumakov! Cho nó đi toong đi thôi.

– Có cái gì mà đáng phải giết tôi. Cũng chẳng được cái lợi gì đâu. – Người chiến sĩ Hồng quân khẽ nói.

Bọn kia trả lời anh ta bằng cách nín thinh. Trumakov là một gã Cô- dắc vạm vỡ đẹp trai mặc chiếc áo không có tay bằng dạ kiểu Anh. Hắn đứng dậy một cách miễn cưỡng, rời khỏi bàn, vuốt bộ tóc hung hung đỏ chưa cần vuốt cũng đã mượt ra sau gáy.

– Tôi chán ngấy cái việc nầy rồi. – Hắn rút thanh gươm của hắn ra khỏi đống gươm để ngổn ngang trên chiếc ghế dài, lấy ngón tay cái thử xem lưỡi có sắc không rồi nói giọng sảng khoái.

– Không nhất định cậu phải tự tay làm lấy. Bảo mấy anh em ở ngoài sân chúng nó làm. – Fomin khuyên hắn.

Trumakov đưa mắt lạnh như tiền nhìn người chiến sĩ Hồng quân từ chân đến đầu rồi nói:

– Bước lên đi nào, người anh em thân mến.

– Người chiến sĩ Hồng quân rời khỏi chỗ bếp lò, gù lưng từ từ bước ra cửa, để lại sau lưng những vết nước của đôi ủng ẩm ướt.

– Trước khi vào đây cũng phải chùi chân đã chứ! Vào nhà người ta rồi để lại toàn những vết chân, bôi bẩn cả… cậu dơ dáy quá đấy, người anh em ạ? Trumakov làm vẻ giận dữ, vừa nói vừa ra đi theo người tù binh.

– Bảo chúng nó đưa ra ngõ hay ra sân đập lúa ấy. Không nên khử ngay cạnh nhà. Nếu không chủ nhà sẽ oán chúng mình? Fomin kêu với theo.

Hắn bước tới chỗ Grigori, ngồi xuống bên cạnh chàng và hỏi:

– Toà án của chúng mình làm ăn gọn đấy chứ?

– Gọn, – Grigori tránh không nhìn vào mắt hắn, trả lời.

Fomin thở dài nói:

– Cậu chẳng hiểu gì cả. Bây giờ thì phải làm như thế mới được.

Hắn còn muốn nói thêm gì nữa, nhưng từ ngoài thềm đã vang lên những tiếng chân bước rầm rập, tiếng một người nào đó kêu to và tiếng một phát súng đơn độc rất vang.

– Quỉ dữ làm gì chúng nó ở ngoài ấy thế? – Fomin bực mình quát lên.

Một trong những lên ngồi ở bàn đứng chồm dậy, đưa chân đạp làm cánh cửa mở toang.

– Ngoài ấy có chuyện gì thế? – Hắn quát vọng ra ngoài bóng tối.

Trumakov bước vào, nói một cách sôi nổi:

– Cái thằng ấy nhanh như con thỏ ấy? Con quỉ dữ! Ngay từ bậc thềm cao nhất, nó nhảy lao xuống và bỏ chạy. Đành phải phí một viên đạn. Anh em ngoài ấy đang giúp cho nó chết hẳn.

– Cậu ra lệnh lôi nó từ trong sân ra ngoài ngõ đi.

– Tôi đã bảo rồi, anh Yakov Efilmovich ạ.

Trong phòng lặng đi một phút. Rồi một gã nào đó cố giữ cho khỏi ngáp và hỏi:

– Thế nào Trumakov, thời tiết như thế nào? Ngoài sân có sáng sủa không?

– Nhiều mây lắm.

– Nếu trời mưa thì chút ít tuyết cuối cùng cũng sẽ trôi đi nốt.

– Nhưng cậu muốn mưa làm gì?

– Mình đâu có cần mưa. Đi lõm bõm dưới bùn là chuyện mình chẳng muốn chút nào.

Grigori bước tới bên cái giường, lấy chiếc mũ lông của chàng.

– Cậu đi đâu đấy? – Fomin hỏi.

– Ra ngoài cho người nhẹ nhõm một chút.

Grigori bước ra thềm. Vừng trăng ló ra từ sau những đám mây đen chỉ toả sáng lờ mờ. Cái sân rộng thênh thang, những mái nhà kho những ngọn tiêu huyền rụng hết lá vươn thẳng lên trời thành những hình kim tự tháp, những con ngựa khoác áo đứng bên cạnh cọc buộc ngựa, tất cả đều bị rọi bởi làn ánh sáng xanh lơ ma quái của lúc nửa đêm. Cách thềm nhà vài bước, người chiến sĩ Hồng quân bị giết nằm rúc đầu xuống một vũng nước tuyết tan sáng bềnh bệch. Ba gã Cô- dắc cúi xuống chỗ anh ta và khẽ thì thầm với nhau. Không biết chúng đang loay hoay làm gì bên cạnh xác chết.

– Nó vẫn còn thở, thật đấy mà? – Một gã nói bực bội. – Cái thằng quỉ khoèo tay nầy, thế nầy mà gọi là mày khử nó à? Tao đã bảo mày là phải chém vào đầu nó cơ mà! Chà, thật chẳng được tích sự gì cả?

Gã Cô- dắc nói giọng khàn khàn vừa nãy áp giải Grigori trả lời:

– Nó cũng sắp đi đứt rồi? Chỉ giật vài cái nữa là ngỏm thôi…

– Nhưng mày nhấc cái đầu nó lên chứ? Tao chẳng làm thế nào tháo ra được. Nắm lấy tóc nó mà lôi lên, như thế đấy. Được rồi, bây giờ cứ giữ như thế nhé.

Có tiếng nước lép nhép. Một gã đang đứng bên cạnh cái xác chết dướn thẳng dậy. Tên có cái giọng khàn khàn ngồi xổm khè khè trong họng, kéo cái áo bông ra khỏi xác chết. Một lát sau gã nói:

– Mình vốn là một thằng dữ vía, vì thế nó không chết ngay. Hồi ở nhà, thường có khi mình chọc tiết lợn… Nhưng giữ lấy kia, đừng buông ra! Chà, mẹ khỉ! Pha- a- ải, thường mình chọc tiết lợn, cắt đứt cả cuống họng, thọc con dao cắt vào tim nó mà con lợn khốn kiếp vẫn cứ đứng lên được rồi chạy vung ra khắp sân. Và còn chạy được rất lâu! Máu me lênh láng mà nó vẫn cứ chạy, cổ họng khè khè. Không thở được nữa mà nó vẫn cứ sống. Như thế tức là mình dữ vía lắm. Nào, thôi buông nó ra… Nó vẫn còn thở à? Lạ thật. Nhưng mình đã chặt gần đứt cổ nó còn gì.

Gã thứ ba dang tay ướm cái áo bông vừa lột trên xác người chiến sĩ Hồng quân và nói:

– Máu chảy ra đầy cả sườn bên trái… Dính cả vào hai tay, phì, kể cũng không ổn lắm!

– Rồi sẽ khô thôi. Có phải là mỡ lợn đâu. – Gã có cái giọng khàn khàn thản nhiên nói rồi lại ngồi xổm xuống. – Nó sẽ khô lại, nếu không, giặt đi thì sẽ sạch. Chẳng tai hoạ gì đâu.

– Nhưng mầy làm gì thế, định lột cả quần của nó à? – Gã thứ nhất hỏi giọng bực bội.

Tên giọng khàn khàn nói một cách gay gắt:

– Nếu mầy sốt ruột thì cứ ra với mấy con ngựa đi, không có mầy ở đây chúng tao cũng xong việc? Những của còn dùng được thì sao lại bỏ phí bỏ hoài.

Grigori quay phắt đi, bỏ vào nhà trong.

Fomin đón chàng bằng cặp mắt dò hỏi. Hắn nhìn loáng qua chàng một cái rồi đứng dậy:

– Ta vào phòng trong nói chuyện một lát, kẻo ở ngoài nầy ồn quá.

Căn phòng rộng thênh thang được đốt lửa rất nóng, mùi chuột và mùi hạt đay xông lên nồng nặc. Một người nhỏ bé nằm thẳng cẳng ngủ trên giường nhưng vẫn mặc chiếc áo quân phục cổ bẻ màu cứt ngựa. Hắn có một bộ tóc lơ thơ, rối bù, đầy lông thú và lông chim nhỏ. Hắn nằm với một bên má áp sát xuống chiếc gối nhớp nhúa không có áo gối. Cây đèn treo rọi sáng khuôn mặt nhợt nhạt đã lâu không cạo.

Fomin đánh thức hắn dậy và bảo:

– Thôi dậy đi Kaparin. Chúng ta có khách đây. Đây là Grigori Melekhov, anh em của chúng ta, trước kia là trung uý, mình đặc biệt giới thiệu với cậu.

Kaparin thõng hai chân trên giường, đưa tay lên sát vào mặt rồi đứng dậy. Hắn hơi nghiêng mình bắt tay Grigori:

– Rất hân hạnh. Tôi là thượng uý Kaparin.

Fomin ân cần đẩy chiếc ghế dựa cho Grigori, còn mình thì ngồi lên cái rương. Nhìn mặt Grigori, có lẽ hắn cũng hiểu rằng việc xử tội người chiến sĩ Hồng quân đã gây cho chàng một ấn tượng rất khó chịu, vì thế hắn nói:

– Cậu đừng nghĩ rằng đối với tên nào chúng mình cũng giải quyết nghiêm khắc như thế cả. Riêng cái thằng kỳ quặc nầy là đội viên đội trưng thu lương thực. Những thằng như nó cũng như bọn chính uỷ đủ mọi hạng thì bọn mình không thả đâu, còn những đứa khác thì bọn mình khoan hồng. Chẳng hạn như hôm qua chúng mình vừa tóm được ba thằng dân cảnh, chúng mình đã chỉ lấy ngựa, yên ngựa và vũ khí còn người thì bọn mình thả đi. Giết chúng nó làm quái gì.

Grigori không nói gì. Chàng đặt hai tay lên đầu gối đeo đuổi những ý nghĩ riêng của mình, và những lời Fomin cứ nói vẳng đến lai chàng như trong một giấc mộng.

– Tạm thời chúng mình hãy cứ đánh đấm như thế nầy. Fomin nói tiếp. – Dù sao chúng mình cũng vẫn muốn phát động dân Cô- dắc nổi dậy. Không để cho Chính quyền Xô viết có thể sống được. Chúng mình nhận được những tin cho biết ở đâu cũng đang có chiến đấu. Ở đâu cũng đang có bạo động: cả ở Sibiri lẫn ở Ukraina, và ngay ở Petrograd nữa. Toàn hạm đội đã khởi nghĩa ở cái pháo đài mang cái tên là…

– Là Kronstat. – Kaparin nhắc.

Grigori ngẩng đầu, nhìn Fomin bằng hai con mắt tống rỗng như không trông thấy gì, rồi lại chuyển sang nhìn Kaparin.

– Nầy, cậu hút đi. – Fomin chìa cho chàng bao thuốc lá. – Thế đấy, Petrograd đã bị chiếm rồi và họ dang tiến về phía Moskva.

Ở khắp mọi nơi đều là cái phong trào dành tự do như thế? Cả chúng mình cũng không thể ngồi ngủ gật. Chúng mình sẽ lôi cuốn dân Cô- dắc vùng dậy, sẽ lật đổ Chính quyền Xô viết và nếu được bọn Ka- det đến giúp thì công việc của chúng mình nói chung sẽ thuận buồm xuôi gió. Cứ để cho những con người có học thức lập nên chính quyền, chúng mình sẽ giúp đỡ họ. – Đến đây hắn nín lặng rồi hỏi. – Cậu thấy thế nào, cậu Melekhov: nếu bọn Kadet tiến từ Biển Đen tới đây và chúng ta đến hợp nhất với chúng nó thì chúng mình được coi là những kẻ đầu tiên bạo động trong hậu phương chứ? Kaparin nói rằng thể nào cũng được coi là như thế đấy. Thí dụ chẳng nhẽ họ sẽ còn trách cứ mình về chuyện năm Một nghìn chín trăm mười tám mình đã đưa trung đoàn Hai mươi tám rời khỏi mặt trận và đã phục vụ cho Chính quyền Xô viết trong khoảng hai năm.

“Té ra cái mục đích mà mầy nhắm vào là như thế! Mầy là một thằng ngu xuẩn, nhưng lại ranh ma…” – Grigori nghĩ thầm và bất giác mỉm cười. Fomin chờ câu trả lời của Grigori. Rõ ràng hắn rất cần biết câu trả lời nầy. Grigori nói một cách miễn cưỡng:

– Nhưng đó còn là chuyện đường trường.

– Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi. – Fomin sẵn lòng đồng ý. – Ý mình nói cũng là như thế đấy. Sau nầy sẽ hiểu được rõ hơn, nhưng bây giờ chúng mình cần phải hành động, phải tiêu diệt bọn cộng sản ở hậu phương. Dù sao chúng mình cũng không được để cho chúng nó sống! Chúng nó cho bộ binh của chúng nó ngồi lên những chiếc xe tải để chuyển quân mà lại muốn đuổi theo chúng mình… Hãy cứ để chúng nó thử xem. Chờ đến lúc đơn vị kỵ binh của chúng nó được điều tới thì toàn khu đã bị chúng mình đảo lộn hoàn toàn rồi!

Grigori lại dán mắt xuống chân, đăm chiêu. Kaparin xin lỗi rồi ngả lưng xuống giường.

– Tôi mệt quá. Chúng tôi có những chặng đường hành quân của những thằng điên. Chúng tôi ngủ ít lắm. – Kaparin mỉm cười một cách uể oải và nói.

– Chúng mình cũng dến lúc đi nghỉ thôi, – Fomin đứng dậy, đặt một bàn tay nặng chịch lên vai Grigori. – Cậu Melekhov ạ, ở Vosenskaia cậu đã nghe lời khuyên của mình, cừ lắm! Nếu hồi ấy cậu không lẩn đi thì có lẽ chúng nó đã làm cho cậu toi mạng rồi. Chưa biết chừng lúc nầy cậu đã nằm dưới những gò đống ở Vosenskaia, và các móng chân móng tay của cậu đã mục ra rồi… Chuyện ấy mình đã thấy được rõ ràng như nhìn xuống nước ấy. Nhưng thế nào, cậu nghĩ thế nào? Cậu nói đi, rồi chúng mình sẽ đi ngủ.

– Nói về chuyện gì cơ chứ?

– Cậu sẽ đi với bọn mình hay thế nào? Dù sao cậu cũng không thể lẩn trốn suốt đời ở nhà người khác được đâu.

Grigori đã trù tính thế nào cũng được nghe câu hỏi nầy. Cũng đến phải chọn lấy một con đường: một là tiếp tục lang thang từ thôn nầy qua thôn khác, sống một cuộc đời đói khát, không nhà không cửa rồi chết vì phiền muộn âm thầm nếu không bị nhà chủ tố cáo với chính quyền hoặc tự mình ra đầu thú với phòng chính trị, và hai là đi theo Fomin. Và chàng đã chọn xong. Lần đầu tiên trong cả buổi tối hôm nay, chàng nhìn thẳng vào mắt Fomin rồi xệch mép mỉm cười và nói:

– Sự lựa chọn của mình thì cũng như người ta kể trong các chuyện cổ tích về các anh chàng dũng sĩ: rẽ sang trái thì mất ngựa, rẽ sang phải thì mất xác… Thế là cả ba con đường đều chẳng con đường nào có thể đi được…

– Thôi cậu hãy chọn đi, đừng có thần thoại thần thiếc gì nữa. Các chuyện thần thoại thì chờ sau nầy hãy kể.

– Cũng chẳng còn cách nào khác nữa, vì thế mình đã chọn xong rồi

– Thế nào?

– Mình đi theo bày thổ phỉ của cậu vậy.

Fomin bực mình cau mày, nhay nhay một chòm ria.

– Cậu hãy bỏ cái lối gọi như thế đi. Sao lại là bày thổ phỉ? Đó là cái tên mà bọn cộng sản đặt cho bọn mình, còn cậu mà cũng nói như thế thì không đúng đâu. Chỉ là những người khởi nghĩa thôi. Giản đơn và rõ ràng là như thế.

Nhưng sự bực bội của hắn đã hết ngay như gió thoảng. Rõ ràng là hắn sung sướng trước cách quyết định của Grigori và không thể nào giấu được. Hắn phấn khởi xoa tay và nói:

– Đội ngũ của chúng ta đã lớn thêm rồi! Cậu có nghe thấy không, thượng uý? Cậu Melekhov ạ, chúng mình sẽ cho cậu một trung đội, và nếu không muốn chỉ huy trung đội cậu sẽ làm việc ở ban tham mưu với Kaparin. Mình sẽ cho cậu con ngựa của mình. Mình còn một con dự trữ nữa.

Chọn tập
Bình luận