Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Bảy Kỳ Quan

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

BẢY KỲ QUAN

Trong lịch sử kiến trúc thế giới, có thể nói kiến trúc của Cổ Hy Lạp là đặc sắc, có một không hai, nổi tiếng thế giới về quy mô hùng vĩ, điêu khắc tinh tế, tạo hình tuyệt đẹp. Hơn hai nghìn năm trước đây, một tác giả Phênixi đã dùng ngôn ngữ như thi ca để miêu tả và ca ngợi bảy kỳ quan của thế giới – bảy công trình kiến trúc lớn tráng lệ nhất thế giới thời đó. Trong bảy kỳ quan này, ngoài Kim Tự Tháp Ai Cập và Vườn treo Babilon đã giới thiệu ở trên, còn đều là do người Cổ Hy Lạp sáng tạo nên từ thế kỷ VI tr. CN đến thế kỷ III tr. CN. Những công trình này tập trung thể hiện những thành tựu tuyệt vời về kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của Cổ Hy Lạp.

Trước hết chúng ta hãy bắt đầu từ pho tượng Thần Dớt khổng lồ đứng sừng sững trên núi Ôlempia.

Thần Dớt là “vua của các thiên thần” của người Hy Lạp cai quản mọi việc trên trời và dưới trần gian. Truyền rằng thần ở trên núi Ôlempia. Người Hy Lạp đã mời được nhà điêu khắc thiên tài Phiđiat nổi tiếng ở Aten chế tác pho tượng thần này. Phiđiat đã làm việc ròng rã tám năm trời, cuối cùng đã hoàn thành pho tượng khổng lồ cao 15 m. Toàn thân thần Dớt cao 12m, tạc bằng gỗ ô mộc, bệ tượng cao 3m làm bằng đá đen, tường bao quanh cũng xây bằng đá đen. Loại đá đen này chuyên chở từ đảo Parôt ở Địa Trung Hải về.

Y phục của tượng thần Dớt đều dùng những tấm vàng lá dát thành, bên trên gắn trân châu và ngọc thạch, bộ phận cơ thể nào lộ ra thì khảm bằng ngà voi. Cặp mắt làm bằng đá quý. Trên đầu đội vòng nguyệt quế cũng đúc bằng vàng. Tay phải tượng thần đỡ nữ thần Thắng lợi, tay trái nắm cây “quyền trượng” tượng trưng cho quyền lực, bên trên có chạm một con chim ưng, toàn bộ bức tượng toát ra vẻ uy phong lẫm liệt khiến mọi người phải kính nể. Ghế ngồi của tượng thần được bọc vàng, bên trên khắc tượng ba chị em nữ thần Xuân, Hạ, Đông; phía dưới có tượng nữ  thần Thắng Lợi, tượng quái vật Sphinx, cả một câu chuyện về nữ thần Mặt Trăng và Thần Mặt Trời giết chết con gái nữ thần Kiêu Ngạo cũng được chạm khắc vào.

Tượng thần Dớt xây dựng vào năm 450 tr. CN, đến thế kỷ VIII sau CN, bức tượng thần quý giá này đã bị hủy hoại, đồ trang sức vàng bạc châu báu bị cướp sạch, ngay thân tượng bằng gỗ ô mộc cũng bị đánh cắp đem bán ra nước ngoài.

Trên bán đảo Tiểu Á ngăn cách biển Êgiê và bán đảo Hy Lạp có lăng Môdôn cao sừng sững.

Môdôn là Quốc vương thành bang Calia, Hy Lạp. Năm 395 tr. CN sau khi định đô ở Halicacnas, ông cũng ra lệnh khởi công xây dựng ngay lăng mộ cho mình. Đến năm 353 tr. CN, khi Quốc vương chết, lăng mộ vẫn chưa xây dựng xong, bà Vương hậu tiếp tục chủ trì việc xây dựng cho tới khi hoàn thành.

Tòa lăng mộ này quy mô đồ sộ hình khối dài 39m, rộng 33m, cao 50m. Thềm lăng rất cao, xây toàn bằng đá hoa cương trang trí rất hoa mỹ. Trên thềm là một vòng cột trụ, gồm 36 cột trông rất hùng vĩ. Bên trên là nóc mộ xây theo kiểu Kim tự tháp. Trên đỉnh nóc mộ còn có tượng Quốc vương Môdôn và Vương hậu Antêmit ngồi trên cỗ xe tứ mã. Tượng cao 4m, hình tượng nhân vật sống động.

Lăng Mô đôn phản ánh nghệ thuật điêu khắc tượng người rất tuyệt diệu của Cổ Hy Lạp. Lăng mộ này bị phá hủy vào năm 262 tr. CN. Sau này, khi khai quật khu di chỉ này người ta đã phát hiện ra hai con đường từ huyệt mộ thông xuống nhà mồ ở dưới lòng đất, trong nhà mồ đặt quan tài đá của Quốc vương.

Cách lăng Môdôn không xa, trên bờ biển Êgiê còn có đền thờ nữ thần Actêmit xây dựng rất tráng lệ.

Actêmit là nữ thần vô cùng tôn kính của người Hy Lạp, bà là thần Mặt Trăng, cũng là thần trông coi việc săn bắn. Nơi đây vốn có một ngôi đền nữ thần nhưng rất sơ sài, chỉ có một bức tượng nhỏ đặt trong hốc cây. Năm 560 tr. CN, Quốc vương Êphedơ một thành bang Hy Lạp trên bán đảo Tiểu Á đã cho xây dựng tòa thần miếu này để kỷ niệm vị nữ thần.

Ngôi đền mới thờ nữ thần dài 126m, rộng 65 m, phía dưới là 10 bậc thềm, vây chung quanh là 127 cột trụ. Mỗi cột trụ cao 23m, chống đỡ mái đền lợp bằng đá hoa cương hình chữ nhật, tượng thật hùng vĩ. Trước đền có 3 hàng cột đá, mỗi hàng 8 cột, sau đền có 2 hàng, mỗi hàng 9 cột đá, đều có bệ chân cột dát vàng cao hơn đầu người. Trên các cột đều chạm nổi những câu chuyện thần thoại, có giá trị nghệ thuật cao. Rất tiếc rằng ngôi đền nữ thần này đã bị phá hủy trong chiến tranh ở thế kỷ III tr. CN. Giờ đây chúng ta chẳng có cách nào để có thể thấy được dấu tích thật sự của ngôi đền.

Từ biển Êgiê đi về phía Nam là Địa Trung Hải. Giữa hai biển là đảo Rôđơ. Trên đảo có pho tượng Thần Mặt Trời khổng lồ lấp lánh ánh vàng.

Vào thế kỷ IV tr. CN, Rôđơ là một điểm nút giao thông quan trọng. Ở đây chẳng những thương nghiệp phồn vinh mà nghệ thuật điêu khắc cũng rất hưng thịnh phát đạt, có thể nói toàn đảo chỗ nào cũng có điêu khắc tượng thần, truyền rằng có tới hơn một trăm pho tượng cỡ lớn. Năm 292 tr. CN, người Rôđơ đánh thắng người Maxêđônia, đem tất cả vũ khí thu được trong chiến tranh đưa đi nung chảy rồi mời nhà điêu khắc nổi tiếng Hy Lạp Kadux đúc thành tượng Thần Mặt Trời để chúc mừng thắng lợi. Kadux phải làm ròng rã 12 năm, đến năm 280 tr. CN mới hoàn thành bức tượng khổng lồ này.

Pho tượng Thần Mặt Trời này có hình dáng như thế nào? Xưa nay có hai thuyết. Một thuyết cho rằng tượng cao 32m, hai chân đứng thẳng trên bệ đá hoa cương, đầu đội mũ vàng tỏa sáng bốn phía, tay phải giơ cao bó đuốc, hai mắt long lanh nhìn ra biển lớn. Một thuyết khác cho rằng tượng cao 46m, hai chân giạng ra vắt ngang cửa cảng, thuyền bè qua lại đều phải đi phía bên dưới. Sở dĩ có những thuyết khác nhau đó là vì tuổi thọ của pho tượng thần này quá ngắn ngủi. Tượng hoàn thành xong, mới trải qua nửa thế kỷ thì một trận động đất đã làm đổ gẫy, những mảnh vàng dát lại bị thương nhân lấy đem bán ra ngoài.

Phía nam Địa Trung Hải, đối diện với bán đảo Hy Lạp xa xôi là thành Alêcxăngđri, trên cửa cảng có cây đèn biển cao chót vót. Đó chính là cây đèn biển Alêchxăngđri nổi tiếng.

Thành Alêchxăngđri nằm ven bờ Địa Trung Hải, trên bờ tây sông Nin, là một hải cảng lớn nhất của Ai Cập. Trong biển có một hòn đảo nhỏ tên là Pharôt, giữa đảo và thành Alêcxăngđri được nối liền bằng một con đê lớn dài 1 km. Người Maxêđônia – Hy Lạp sau khi chiếm đóng Ai Cập, bắt đầu cho xây dựng cây đèn biển trên đảo Pharôt, sau 20 năm đến năm 280 tr.CN mới hoàn thành. Từ đó tàu thuyền qua lại trên biển trong đêm đã có phương hướng đi rõ ràng.

Cây đèn biển này cao khoảng 120 m, chia thành bốn tầng. Phía dưới là chân bệ hình vuông, cao khoảng 70 m; tầng hai là tường tháp hình bát giác cao 38 m, hai tầng này đều có cửa sổ. Tầng ba là tháp tròn, chạm nổi tượng thần Người Cá. Tầng cao nhất là phòng tín hiệu, có tượng thần Biển uy nghiêm, tay cầm đinh ba. Toàn bộ tháp đèn có bậc thang đi thẳng nên nóc tháp.

Cây đèn biển Alêcxăngđri có hai đặc điểm. Một là để làm cho các tảng đá hoa cương ở thân tháp kết dính vững chắc, người ta đã dùng chì nung chảy để gắn chúng với nhau. Hai là, để các tàu thuyền từ xa có thể nhìn thấy đèn tín hiệu trên đỉnh tháp đã đặt một lò lửa to, đêm đêm đốt cháy sáng rực, lại dùng một chiếc gương đồng lớn để phản chiếu ánh sáng, làm sáng cả một vùng biển tới 50 km. Cây đèn biển Alêcxăngđri là cây đèn biển lớn nhất thế giới lúc đó, đã được sử dụng trên dưới 1600 năm. Trong bảy kỳ quan có tới sáu thứ là vườn hoa, lăng mộ của các đế vương hoặc tượng các vị thần linh, chỉ có cây đèn biển Alêcxăngđri mới là công trình kiến trúc duy nhất mang lại lợi ích cho nhân dân.

Tiếp sau Hy Lạp, xưng bá chủ vùng Địa Trung Hải là Rôma. Thủ đô của Rôma xưa chính là thành Rôma ở Italia ngày nay. Khi chúng ta bước vào nhà bảo tàng Rôma, có thể nhìn thấy một pho tượng đồng rất đặc biệt: một con sói mẹ há miệng nhe răng, hai mắt cảnh giác chăm chú nhìn về phía trước, dưới bụng là hai bé trai đang ngậm vú bú sữa sói mẹ. Pho tượng đồng này đã tồn tại hơn 400 năm, nhưng phản ánh một truyền thuyết cổ đại từ rất xa xưa.

Câu chuyện đại để xẩy ra vào thế kỷ VIII trước CN.

Khi đó, ở gần nơi dòng sông Tibơrơ miền Trung Italia đổ ra biển cả, có đám người lưu vong từ Tơroa đến định cư ở đây. Hai bờ sông Tibơrơ mọc đầy cây rừng, ánh nắng chan hòa, đất đai phì nhiêu. Mọi người xây dựng nên một thành thị có tên là Anbalonga.

Vua Anbalonga có người em trai là Amulux, Y tính nết hung bạo, dã tâm rất lớn, sau này đã cướp ngôi vua của người anh. Sau khi nắm quyền, Amulux sợ con cháu của người anh sẽ báo thù nên đã ra lệnh giết chết cháu trai và bắt cháu gái đi làm tư tế. Thời đó, người làm tư tế không được kết hôn. Amulux làm như vậy là để con của anh trai tuyệt tự, không còn ai có thể báo thù.

Nhưng chẳng bao lâu truyền đến một tin đáng sợ: Cô cháu gái làm tư tế đã sinh ra hai bé trai sinh đôi. Amulux lập tức ra lệnh giết chết người cháu gái làm tư tế và ném hai đứa bé sinh đôi xuống sông Tibơrơ.

Một tên nô lệ vâng lệnh đi giết hai đứa bé. Hắn đặt hai đứa bé vào trong một cái làn đem đến khe núi Palađin. Lúc này nước sông Tỉbơrơ đang dâng cao, nước mỗi lúc một to. Tên nô lệ đặt chiếc làn bên bờ sông dưới khe núi. Hắn nghĩ bụng, nước sông dâng cao thêm chút nữa sẽ dìm chết hai đứa bé.

Nước sông quả nhiên vẫn dâng lên ào ào nhưng haì đứa bé không bị cuốn đi vì chiếc làn mắc vào một cành cây mọc ven sông giữ lại. Chẳng bao lâu nước rút xuống, hai đứa trẻ sinh đôi rơi xuống đất, khóc oe oe.

Lúc đó có một con sói mẹ ra bờ sông uống nước. Nó nghe thấy tiếng khóc liền chạy đến bên hai đứa bé. Cũng thật kỳ lạ, sói mẹ không làm đau hai đứa bé sinh đôi đáng thương mà cúi đầu xuống âu yếm, thè chiếc lưỡi dài liếm thân thể hai đứa bé cho khô, rồi đưa vú xuống cho chúng bú.

Sự việc kỳ lạ này được một người chăn nuôi phát hiện ra, ông liền đem hai đứa trẻ sinh đôi về nhà nuôi nấng rồi đặt tên cho chúng, một đứa gọi là Rômulux, một đứa là Rêmux. Ít lâu sau người chăn nuôi nghe ngóng biết được cặp trẻ sinh đôi này chính là con đẻ của người nữ tư tế đã bị Quốc vương mới xử tử. Để giữ an toàn cho hai đứa trẻ, ông quyết định không để tiết lộ bí mật này.

Hai anh em lớn lên, người nào cũng luyện tập võ nghệ cao cường, dần dần được mọi người yêu kính. Những người chăn nuôi, những kẻ lang thang và cả những nô lệ bỏ trốn đều kéo nhau đến đi theo hai anh em. Một lần họ xung đột với đám người chăn nuôi lân cận. Rêmux bị đối phương bắt giữ, áp giải đến trước mặt một người cao tuổi. Nhìn dáng vẻ anh tuấn của Rêmux, ông già không nén nổi kinh ngạc liền tò mò hỏi:

– Chàng trai trẻ, có thể cho ta biết xuất thân của chàng và cha mẹ chàng là ai không?

Rêmux thấy vị trưởng lão thái độ hòa nhã hiền từ, như không có ý làm hại mình, bèn từ tốn nói:

– Trong giờ phút quyết định sự sống chết của tôi bây giờ, tôi có thể nói để ngài rõ, tôi và anh tôi Rômulux là hai anh em sinh đôi. Chúng tôi xuất thân cũng rất kỳ lạ. Nghe nói chúng tôi vừa mới sinh ra đã bị vứt bỏ cho muông thú, nhưng muông thú không ăn thịt chúng tôi mà lại còn nuôi sống chúng tôi. Khi chúng tôi nằm bên bờ sông, một con sói mẹ đã cho chúng tôi bú. . .

Ông già nghe câu chuyện thấy mặt mày xây xẩm. Thì ra ông chính là đức vua thành Anbalonga bị cướp ngôi và chàng trai tuấn tú đứng trước mặt ông chính là đứa cháu ngoại đã bị đứa em tàn bạo của ông ra lệnh ném xuống sông! Không kìm được ông vụt đứng dậy ôm chặt lấy Rêmux khóc:

– Ôi cháu của ta! Cháu của ta!

Lại nói, người chăn nuôi có công nuôi dưỡng hai anh em sau khi nghe tin Rêmux bị bắt, đã đem câu chuyện bí mật về xuất thân của họ kể lại rành rọt cho Rômulux biết Rômulux nghe xong liền lập tức dẫn quân tiến về Anbalonga, quyết tâm tiễu trừ Amulux thâm hiểm ác độc, trả thù cho mẹ và ông ngoại. Trên đường tiến quân, những người dân căm hận Amulux đã nườm nượp xin gia nhập đội ngũ của Rômulux. Được sự phối hợp của Rêmux, đội quân khởi nghĩa đã giết được Amulux. Hai anh em giao lại chính quyền cho ông ngoại.

Hoàn thành sự nghiệp, hai anh em không định lưu lại nơi ông ngoại. Họ cùng với nhiều người quyết định xây dựng một tòa thành mới. Địa điểm tòa thành mới này chính là nơi trước đây khi lúc nước lũ rút đi đã để họ lại: vùng núi Parađin.

Nhưng đặt tên cho thành mới này là gì? Thành và hào bắt đầu từ chỗ nào? Ai sẽ cai trị ở đây? Hai anh em nảy sinh tranh chấp. Cuối cùng hai người thỏa thuận, dựa vào đàn chim sẽ bay tới để xem ý chỉ của thần linh. Hai người mỗi người ở một nơi, ngồi chờ đợi điềm lành. Một lát sau, Rêmux nhìn thấy trước sáu con chim cắt tung cánh bay. Nhưng bỗng nhiên, trong ánh chớp và tiếng sấm, mười hai con cắt xuất hiện bay qua phía Rômulux, Rêmux nói chim thần hiện lên báo cho anh ta trước nên đã thắng. Còn Rômulux nói mình phải là người thống trị, vì số chim thần bay về phía anh ta nhiều hơn. Cứ như vậy, tranh chấp càng quyết liệt.

Rômulux bắt đầu cho đào hào bao quanh khu thành mới. Rêmux cười nhạo, nhảy qua hào và bờ thành của Rômulux. Rômulux không nhịn được nữa trong lúc tức giận đã giết chết người em của mình rồi dẫm lên xác hét lớn:

– Kẻ nào dám vượt qua bức tường thành của ta sẽ có kết cục như thế này!

Không ai dám mạo phạm tới Rômulux. Ông trở thành người thống trị tối cao của tòa thành mới. Tòa thành mới này đặt tên theo tên Rômulux, gọi là Rôma. Tương truyền rằng sự kiện này xảy ra vào ngày 21 tháng 4 năm 753 tr. CN. Người Cổ Rôma lấy ngày này làm ngày kỷ niệm dựng nước.

Thành Rôma dần dân mở mang, nhưng trong thành có rất ít phụ nữ. Để tăng nhân khẩu, Rômulux một mặt rất vui vẻ tiếp nhận những người lưu vong và những người rời bỏ các thành thị khác đến định cư ở Rôma, mặt khác cho người đến các bộ lạc lân cận thỉnh cầu họ gả con gái cho người Rôma. Nhưng các bộ lạc lân cận đều từ chối.

Rômulux thông minh quyết định phải dùng mưu. Ông tuyên bố với các bộ lạc lân cận: ít lâu nữa Rôma sẽ tổ chức một lễ hội lớn, hoan nghênh mọi người đến dự. Ngày lễ hội rồi cũng đã tới, thành phố nhộn nhịp hẳn lên. Hôm đó, người của bộ lạc Xabini đến dự rất đông mà quá nửa là phụ nữ. Đúng vào lúc mọi người đang bị cuốn hút vào những trò chơi ly kỳ hấp dẫn, Rômulux liền phát tín hiệu đã định, thế là thoắt một cái các chàng trai Rôma xông vào đám đông, mỗi người bắt cóc một cô gái Xabini mang về nhà. Người Xabini vô cùng tức giận, hầm hầm ra khỏi thành Rôma, thề sẽ báo thù người Rôma bội tín. Thế là chiến tranh bùng nổ giữa người Rôma và người Xabini.

Người Xabini là một tộc người thượng võ. Đại quân của họ đã tiên sát đến thành Rôma. Tại một hẻm núi, người Rôma và người Xabini đã có một cuộc giao chiến dữ dội mang tính quyết định. Trận đánh diễn ra ác liệt, hàng loạt dũng sĩ ngã nhào xuống đất vì giáo đâm tên bắn, chiến trường như tắm máu.

Bỗng nhiên xuất hiện một cảnh tượng kỳ lạ. Trong tiếng gươm giáo chan chát, tên bay vù vù, vọng lại tiếng kêu khóc của phụ nữ, rồi từ trong khe núi ào ra rất đông những phụ nữ Xabini bị bắt cóc trước kia. Họ đầu tóc rũ rượi, nước mắt đầm đìa, bồng bế con còn đang bú xăm xăm lao vào chỗ các dũng sĩ đang chém giết lẫn nhau, thảm thiết kêu gọi cha anh và chồng con mình hãy ngừng tàn sát, đừng để họ trở thành những đứa con mất cha những người vợ góa chồng.

Đao kiếm, cung tên trong tay người Rôma và người Xabini rơi xuống đất.Những người phụ nữ xuất hiện đã làm các dũng sĩ cảm động đến nao lòng, khiến họ phải ngừng chém giết lẫn nhau. Cuối cùng, thủ lĩnh của hai bên đã ký hòa ước. Từ đó, hai bộ lạc này hợp nhất làm một, đời đời cùng cư trú tại thành Rôma. Thật ra, thành Rôma đầu tiên đã được hình thành dần dân thông qua phương thức liên hợp, quy tụ các bộ lạc ở gần nhau. Vùng đất mà sau này gọi là Rôma nằm ở tả ngạn sông Tibơrơ, cách bờ biển khoảng 25 km. Đất đai ở đây phì nhiêu, thích hợp với việc gieo trồng các loài cây lương thực, thuận lợi cho việc phát triển nghề chăn nuôi. Khoảng đầu thế kỷ X tr. CN, ở đây xuất hiện các bộ lạc nguyên thủy. Trải qua quá trình không ngừng hợp nhất, từ thế kỷ V đến thế kỷ IV tr.CN mới xây dựng tường thành, mở quảng trường, dần dần hình thành thành Rôma. Chuyện kể trên đây chỉ là một truyền thuyết nói lên tình cảm sâu nặng đối với lịch sử của mình của nhân dân Rôma, phản ánh nỗi vất vả gian nan của tổ tiên người Rôma trong sự nghiệp mở nước, vì vậy nó được lưu truyền dài lâu trong nhân dân Rôma.

Nhắc đến từ “phát-xít”, người ta dễ liên tưởng ngay đến những tội ác tày trời của Mutxôlini ở Italia và Hitle ở Đức. Kỳ thực, “phát-xít” là một danh từ rất cổ, có từ nửa sau thế kỷ VI trước Công nguyên.

Nghe nói, bắt đầu từ Rômulút thống trị Rôma, trải qua 200 năm, quyền lực đã chuyển vào tay Secviút Tuliút. Tùy theo tàn sản ít nhiều, ông ta đã chia người Rôma thành 5 đẳng cấp, đồng thời lập ra cái gọi là “Hội nghị 100 người” để giải quyết những công việc quan trọng của đất nước. Trong Hội nghị này, đa số là những người giầu có nhất thuộc đẳng cấp thứ nhất. Chính thể của Rôma cũng từng bước quá độ sang Nhà nước nô lệ.

Sécviút có một người con gái tính tình tham lam tàn bạo. Không những thế, con rể của ông ta Tackiniút cũng là một nhân vật đầy rẫy dã tâm. Hai vợ chồng bàn mưu tính kế, chuẩn bị cướp ngôi của Sécviút.

Một hôm, Táckiniút cho rằng thời cơ đã chín mùi bèn khoác lên người tấm áo chiến bào đỏ, chân đi ủng cao cổ đỏ – những thứ mà chỉ có nhà vua mới được mặc, dẫn một đội quân mang khí giới xông vào quảng trường trung tâm của thành Rôma, ngông nghênh bước vào Viện Nguyên lão rồi ngồi lên ngai vàng của Quốc vương.

Sécviút hay tin cả giận, vội vàng tới hỏi:

– Táckiniút, ngươi làm gì vậy? Sao ngươi lại dám ngồi lên ngai vàng khi ta đang còn sống? – Nói đoạn bước lên bậc, định lôi Tackiniút ra khỏi bảo tọa.

Táckiniút cất tiếng cười nham hiểm, túm lấy cổ áo ông già Sécviút rồi quật ngã dưới thềm. Sécviút đang định đứng dậy thì đám tay chân của Táckinlút xô tới đánh chết ngay tại chỗ rồi quẳng xác ra ngoài đường.

Người đầu tiên đến chúc mừng thành công của Táckiniút chính là vợ của ông ta. Trên đường trở về nhà, người đánh xe đột nhiên hoảng hốt dừng ngựa, hóa ra thi thể của vua Sécviút nằm ngang ngay trước vó ngựa. Vợ Táckiniút không còn chút tính người đã ra lệnh cho người đánh xe giục ngựa cho xe lăn qua xác người cha, tiếp tục đi.

Sau khi trở thành Quốc vương, Tackiniút vô cùng độc tài chuyên chế, một mình làm chúa tể. Nhưng ông ta lại rất sợ người khác cũng sẽ dùng thủ đoạn như vậy để đói phó lại mình. Táckiniút trở nên đa nghi, động một tý là thẳng tay xử chết dã man những người mà ông ta không ưa. Tackiniút tôn sùng võ công, mang quân đi đánh khắp nơi, đồng thời bắt dân xây dựng các công trình, tu sửa thành phố của mình. Chiến tranh liên miên, lao dịch nặng nề và những cuộc chém giết đẫm máu đã khiến lòng dân căm phẫn.

Táckiniút đã xử tử một quí tộc giầu có nhất của Rôma và người con cả của ông này, chỉ tha chết cho cậu con trai út nhỏ tuổi của ông ta có tên là Luxi. Luxi dần dần lớn lên, cuối cùng biết được chính Táckiniút là hung thủ giết hại cha và anh mình. Để chờ cơ hội báo thù, Luxi giả bộ ngớ ngẩn. Táckiniút cũng tin là thật nên chẳng thèm để ý gì đến Luxi.

Một lần, con trai của Táckiniút ỷ vào thế của cha, giữa đám đông đã làm nhục một phụ nữ danh giá nhất của thành Rôma, khiến mọi người công phẫn. Từ lâu dân chúng căm ghét thói lộng hành, tàn bạo của gia đình Táckiniút nên đã rầm rộ đứng lên cầm vũ khí chúng lại Tackinlút. Luxi không còn giả bộ ngây ngô nữa, chàng đứng diễn thuyết giữa Đại hội nhân dân, kể tội Táckiniút đã giết hại bố vợ, vợ của y đã cho xe nghiền xác cha mình, rồi còn biết bao nhiêu nỗi thống khổ Táckiniút mang tới cho dân chúng. Mọi người bầu Luxi làm thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa, Đại hội nhân dân quyết định tước quyền lực của Tackiniút, bắt cả nhà ông ta phải đi đầy. Khi đó Táckiniút đang ở trong một trại lính ở ngoại thành, nghe tin trong thành xảy ra biến cố, vội vã đem quân quay về. Luxi dẫn một đội quân tình nguyện xông ra chặn đánh, Táckiniút địch không nổi vội vàng tháo chạy. Nghe nói chuyện này xảy ra vào năm 510 trước Công nguyên.

Sau khi người Rôma đuổi được Táckiniút đã quyết định không lập Quốc vương mới nữa và trịnh trọng tuyên bố sẽ tử hình đối với những cá nhân chuyên chế. Họ bầu ra hai người đứng đầu thay thế cho Quốc vương, lúc đầu gọi là “Trưởng quan quân chính”, sau gọi là “quan Chấp chính”. Chức vụ này không có lương bổng, chỉ được hưởng vinh dự cao quí. Thậm chí người Rôma còn dùng tên của họ đặt tên cho mỗi năm.

Quan Chấp chính có mấy viên thị vệ theo hầu. Thị vệ vác trên vai một bó gậy dùng để đánh người, giữa cắm một đầu rìu tượng trưng cho quyền lực của nhân vật tối cao của nhà nước. Bó gậy đó được gọi là “phát-xít”. Quan Chấp chính thời bình là người cai trị, là quan tòa của Rôma, thời chiến là thống soái chỉ huy quân đội. Có điều quyền lực của họ bị hạn chế rất nhiều: hai quan chấp chính quyền lực như nhau, người này có thể thay đổi mệnh lệnh của người kia bất cứ lúc nào; thời gian chấp chính chỉ có một năm, hết hạn lại trở thành người dân thường; nếu mọi người có ý kiến bất đồng với mệnh lệnh của quan Chấp chính có thể đưa ra Đại hội nhân dân. Đồng thời, Viện Nguyên lão cũng đóng vai trò to lớn. Viện Nguyên lão có 300 vị, gồm các quan Chấp chính đã từ chức và những người đứng đầu thị tộc. Viện Nguyên lão quản lý về tài chính, ngoại giao của nhà nước và các công việc ở những vùng chiếm đóng, phê chuẩn luật pháp, bầu cử viên chức. Quan Chấp chính và thành viên của Viện Nguyên lão đều chọn từ trong đẳng cấp quí tộc. Như vậy là Rôma đã trở thành một nước Cộng hòa chuyên chính quí tộc. Một trong hai quan chấp chính nhiệm kỳ đầu tiên của nước Cộng hoà Rôma là Luxi, người đã có những cống hiến quan trọng lật đổ Táckiniút.

Tackiniút, kẻ đã gây ra bao nhiêu tội ác, sau khi bị đưa đi đày vẫn nuôi chí giành lại quyền lực đã mất. Không đủ sức mạnh quân sự, Táckiniút bèn âm mưu xúi dục một số thanh niên quí tộc Rôma chống lại nước Cộng hòa. Đám thanh niên quí tộc này đồng ý khi Táckiniút đem quân tới sẽ ra mở cổng thành, dùng kế sách trong đánh ra ngoài đánh vào. Song âm mưu của Táckiniút không thực hiện được. Những người công dân Rôma có tinh thần cảnh giác cao đã giúp nước Cộng hòa vạch trần âm mưu của chúng. Đám thanh niên quí tộc tham gia phiến loạn đều bị bắt.

Điều bất hạnh là trong đám thanh niên quí tộc này có hai con trai của Luxi và hai người cháu của vị quan Chấp chính kia. Dân Rôma chăm chú theo dõi xem hai quan Chấp chính sẽ xử lý thế nào đối với những người thân phạm tội phản quốc. Thoạt tiên là Luxi thẩm vấn về tội phản quốc của hai người con trai mình. Hai người con thú nhận đã tham gia vào hoạt động lật đổ, khóc lóc van xin cha tha tội. Mọi người hồi hộp chờ đợi phán quyết của Luxi.

– Hai tên này đã phạm trọng tội chống lại nước Cộng hòa – Luxi nén nỗi đau trong lòng, dõng dạc tuyên án – Phải dùng “phát-xít” để tử hình chúng!

Nói đoạn, ông vung tay ra lệnh cho lính thị vệ đứng bên.

Lính thị vệ tuân lệnh, tháo bó gậy – “phát-xít” – trên vai xuống, quật tơi bời vào hai tên tội phạm trước mặt Luxi cho tới khi tan xương nát thịt, sau đó lại lôi dậy bắt chúng quì xuống rồi dùng lưỡi rìu trong bó “phát-xít” chặt đứt đầu ngay tại chỗ. Mọi việc diễn ra trước mắt Luxi, ông vẫn ngồi yên trên ghế, trừng mắt theo dõi, đầu không hề động đậy.

Đến lượt quan Chấp chính thứ hai thẩm vấn và phán quyết về tội trạng hai đứa cháu của mình. Ông này thiếu hẳn chí kiên cường và lòng dũng cảm hy sinh quyền lợi riêng vì đại nghĩa như Luxi, đã đề nghị bắt hai người cháu đi đầy khỏi Rôma thay cho tội chết.

– Không! – Luxi không chút đao động – Hai tên phản bội này cũng phải dùng “phát-xít” đánh cho một trận, sau đó chặt đầu.

Mọi người kiên quyết ủng hộ lời tuyên phán của Luxi, lính thị vệ lập tức nhận lệnh thi hành án. Còn đối với viên quan Chấp chính vì tình riêng quên đại nghĩa nọ, theo đề nghị của Luxi đã bị đưa đi đày.

Buổi sáng nọ, trên sườn đồi Capitôn trong thành Rôma người ta thấy một đoàn người đi hành lễ chậm rãi bước. Đoàn người mang theo một chiếc lồng gỗ được trang hoàng bằng những vòng hoa, bên trong là một con ngỗng trắng. Cổ ngỗng đeo những chiếc vòng làm rất đẹp, trên mình là những giải lụa màu. Nhìn những con ngỗng, mọi người đều reo lên hoan hô, bày tỏ sự kính trọng đối với chú ngỗng.

Người Rôma vì sao lại kính trọng như vậy đối với ngỗng trắng? Có một câu chuyện liên quan tới sự sống còn của Rôma có thể giải thích được sự việc trên đây.

Vào cuối thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, Rôma đã khá hùng mạnh,chinh phục được miền trung Italia, nhiều bộ lạc đều thừa nhận quyền thống trị của Rôma. Nhưng người Gôlơ ở vùng tây bắc vẫn tiếp tục đánh xuống phía nam, Người Gôlơ nhỏ bé, tính cách mạnh mẽ, đầu tóc rối bù, mặc áo thêu hoa, cổ đeo vòng vàng, chiến đấu dũng cảm, bị thương cũng không rời đội ngũ. Sau này, họ đã tấn công thành Cruđơ. Thành Cruđơ nằm phía tây bắc Rôma, trước đây ít lâu đã ký kết liên minh với Rôma. Họ không chống cự nổi cuộc tấn công của người Gôlơ, bèn cấp báo với Rôma.

Viện Nguyên lão nhận được tin đã cử ba sứ thần đi gặp Bulin, thủ lĩnh của người Gôlơ, hy vọng họ sẽ lui quân, nhưng đã bị cự tuyệt. Hôm sau, ba vị sứ thần này đã vi phạm thông lệ ngoại giao, giúp Crudơ đánh lại người Gôlơ: một trong 3 người đã tự tay giết chết một tù trưởng người Gôlơ, họa lớn từ đó đã xảy ra.

Thủ lĩnh người Gôlơ là Bulin lập tức chọn mấy người có vóc dáng cao to làm sứ giả, sang Rôma kháng nghị với Viện Nguyên lão, yêu cầu giao ba vị sứ thần đó cho ông ta trừng trị. Phía Rôma chẳng những đã cự tuyệt yêu sách đó, mà còn cử 3 người này giữ chức “quan Bảo dân” một năm. Quan Bảo dân là một chức vụ đặc biệt, không ai được phép xâm phạm tới nhân thân, quyền lực rất lớn, thậm chí có thể phủ quyết những quyết định của Viện Nguyên lão hoặc quan Chấp chính. Bulin cho đó là một sự lăng nhục đối với ông ta, bèn dẫn 7 vạn đại quân tấn công Rôma.

Người Gôlơ tiến quân thần tốc đã kịch chiến với quân Rôma đón đánh tại khu vực sông Ali chảy vào song Pô cách Rôma không xa. Người Gôlơ dũng cảm thiện chiến cứ đầu trần xông lên, phút chốc đã dồn cánh trái của quân Rôma xuống sông. Một bộ phận quân Rôma hoảng hốt tháo chạy về thành, trong nỗi kinh hoàng quên cả đóng cổng thành.

Quân Rôma quen kiêu ngạo, xưa nay chưa từng bị thảm bại như vậy. Sau này, họ đã lấy ngày 18 tháng 7 năm 390 trước CN – ngày thất bại thảm hại trên sông Ali – làm ngày quốc sỉ của Rôma.

Sau khi bại quân rút vào trong thành, một bộ phận dân chúng theo cổng thành khác chạy ra ngoài, một bộ phận quân đội và các vị nguyên lão trẻ quyết định cố thủ tại các căn cứ hiểm yếu trên đồi Capitôn để chờ viện binh. Khoảng 100 vị nguyên lão khác không muốn chạy trốn lên núi, họ mặc những bộ quần áo sang trọng dùng trong những ngày lễ tết, đến quảng trường trung tâm ngồi trên những chiếc ghế bành có tay vịn hình ngà voi, sẵn sàng hy sinh vì kinh thành.

Hôm sau, người Gôlơ theo cổng thành bỏ ngỏ tiến vào thành Rôma không gặp phải sự đề kháng nào. Đường phố không một bóng người, nhà nào nhà nấy cửa đóng chặt, chẳng khác gì một tòa thành chết. Họ xông vào quảng trường trung tâm, bỗng nhìn thấy rất nhiều cụ già tay cầm gậy thánh ngồi bất động trên ghế. Người Gôlơ bước tới trước mặt họ, không một ai đứng lên, cũng không một ai thay đổi sắc mặt. Người Gôlơ rất đỗi kinh ngạc, cứ tưởng rằng đó là những pho tượng. Một chiến binh Gôlơ cẩn thận khẽ đụng vào cằm một vị nguyên lão, giật giật bộ râu dài của ông ta, dè đâu bị vị nguyên lão nọ giận dữ vung cây gậy thánh lên quật vào đầu. Lúc đó anh ta mới biết họ là người sống, bèn dùng kiếm đâm chết ông ta. Những người Gôlơ khác cũng theo nhau giết hết các vị nguyên lão trên quảng trường. Tiếp đó họ bắt đầu cướp bóc và đốt phá, chỉ trong vài ngày thành Rôma trở thành một đống tro tàn, gạch ngói tan hoang.

Mặc dù những người Gôlơ đã vào được trong thành, nhưng họ vẫn không chiếm hết được vì trong thành vẫn còn đồi Capitôn trong tay người Rôma. Ngọn đồi này địa thế hiểm trở, một phía là vách đá dựng đứng, dễ thế thủ khó tấn công. Người Gôlơ sau nhiều lần tấn công thất bại bèn thay đổi chiến lược, dùng kế bao vây lâu dài, buộc người Rôma phải đầu hàng vì đói rét.

Đồi Capitôn tuy bị vây hãm, nhưng viện binh ở ngoài thành vẫn tìm cách liên lạc với các nguyên lão ở trên núi. Một thanh niên dũng cảm trong đêm khuya đã mò tới được mé núi vách đá dựng đứng. Người Gôlơ cho rằng chẳng ai có thể leo lên được nên cũng không đề phòng, trong khi đó chàng thanh niên bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy chân rơi xuống vực bất cứ lúc nào, cuối cùng đã leo tới đích: Không may có mấy tên Gôlơ tình cờ đứng dưới chân núi phát hiện ra con đường của chàng thanh niên dũng cảm nọ. Chúng lập kế theo con đường đó tấn công lên đồi.

Nửa đêm, trời tối đen như mực, thò năm ngón tay ra cũng không nhìn nhìn rõ. Bọn Gôlơ đứa nọ dắt đứa kia, lặng lẽ dò dẫm leo lên vách đồi. Capitôn chìm trong yên tĩnh, chẳng những lính canh mà ngay cả chó cũng không phát giác ra được hành tung của người Gôlơ. Trông chừng bọn chúng sắp sửa bò lên được tới đỉnh núi. Đột nhiên trong đêm khuya thanh vắng bỗng vang lên tiếng ngỗng kêu “Quạc? Quạc?” Những con ngỗng này là vật cúng lễ của người Rôma dâng miếu Nữ Thần trên núi. Do ăn uống ở đây không đủ, hơn nữa do đặc điểm dễ bị giật mình nên khi nghe tiếng bước chân của bọn Gôlơ, những con ngỗng đã kinh hoàng kêu lên.

Những tiếng kêu hốt hoảng của ngỗng trắng đã đánh thức Manri, một quan Chấp chính mãn nhiệm. Như một mũi tên, ông lao vội ra phía vách núi, dùng lá chắn đẩy tên Gôlơ đầu tiên vừa leo được lên đỉnh núi xuống vực, tiếp đó dùng kiếm đâm tiếp vào ngực tên thứ hai. Một tên rớt xuống lại kéo theo mấy tên nữa rơi theo. Binh sĩ Rôma nghe tiếng ngỗng kêu chạy ùa tới, dùng giáo mác, đá tảng chiến đấu với kẻ địch đang chênh vênh trên vách đá. Capitôn được cứu thoát.

Sáng sớm hôm sau, những người lính Rôma trấn giữ Capitôn được tập hợp lại Manri mưu trí dũng cảm được thưởng một ngày cơm rượu no nê, sau lại được tôn vinh danh hiểu vẻ vang “Manri của Capitôn”. Còn người đội trưởng phụ trách canh gác đêm hôm qua thì bị kết án tử hình, ném xuống vực thẳm.

Cuộc bao vây Capitôn của người Gôlơ kéo dài suốt bẩy tháng trời. Người Rôma mặc dù phải chịu biết bao nhiêu gian khổ vẫn kiên quyết cố thủ trên đồi. Về sau, người Gôlơ cũng không đủ kiên nhẫn nữa, hai bên đàm phán, người Gôlơ đồng ý rút khỏi Rôma sau khi nhận được 1000 cân vàng bồi thường.

Tiếng kêu của ngỗng trắng đã giúp Capitôn hiên ngang đứng đó, thoát khỏi được cơn ác mộng. Từ đó, “ngỗng trắng cứu Rôma” đã trở thành câu ngạn ngữ của người Rôma. Để chúc mừng chiến công của ngỗng trắng, hàng năm vào một ngày nhất định, người Rôma lại kính cẩn khiêng ngỗng đi hành lễ, gọi là “Ngỗng thánh” để bày tỏ lòng biết ơn.

Vào một ngày của năm 282 trước Công nguyên, một hạm đội của Rôma gồm 10 chiến thuyền đang từ từ chạy trên biển Ađriatích. Khi hạm Đội chạy vào vịnh Tarăngtơ nam Italia thì đột nhiên bị tấn công. Thành Tarăngtơ, một thành thị thuộc Hy Lạp, đã cho một đoàn chiến thuyền ra bao vây chiến thuyền của Rôma, cướp được 5 chiếc, một số thủy thủ bị giết, một số bị mang bán làm nô lệ, viên Tư lệnh hạm đội Rôma bị chết trong khi giao chiến.

Thời bấy giờ, Rôma đã chinh phục được miền Trung và miền Bắc Italia, đang vươn thế lực xuống miền Nam. Vụ khiêu khích của Tarăngtơ đã tạo cớ cho Rôma để năm sau Rôma tuyên chiến với Tarăngtơ.

Kể từ sau khi bị người Gôlơ xâm lược suýt nữa bị tiêu diệt, Rôma đã tiến hành những cải cách quan trọng về quân sự. Trước đây những người xung vào quân đội phải tự lo vũ khí và lương thực; quân đội căn cứ vào tài sản ít nhiều của binh sĩ để bố trí thế trận: những người có tiền, binh khí tốt thì xếp ở hàng thứ nhất; những người nghèo, binh khí tồi thì xếp ở phía sau. Bây giờ thì khác, vũ khí và lương thực đều do nhà nước cung cấp. Việc bố trí thế trận căn cứ vào tuổi tác và kinh nghiệm trận mác: tuyến thứ nhất là lính phóng lao trẻ, tuyến thứ hai là lính chủ lực tương đối có kinh nghiệm, tuyến thứ ba là lính cũ có nhiều kinh nghiệm nhất. Khi bắt đầu lâm trận, trước tiên là tuyến thứ nhất phóng lao vào kẻ địch. Mỗi ngọn lao dài khoảng hai mét, có đầu nhọn bịt sắt, đủ sức xuyên qua lá chắn và áo giáp quân địch. Nếu gặp kẻ địch ngoan cố chống lại, đến lượt lính chủ lực tuyến thứ hai xung trận, họ dùng đao kiếm đánh giáp lá cà. Nếu vẫn không giành được thắng lợi sẽ tung vào trận lực lượng của tuyến thứ ba. Binh lính hạ trại ở đâu, dù chỉ một đêm, cũng phải đào hào đắp tường đề phòng quân địch đột kích, quân đội kỷ luật nghiêm minh, ai không chấp hành mệnh lệnh đều bị xử tử. Nếu như có đơn vị nào đó lâm trận tháo chạy thì cả đội phải xếp hàng ngang, cứ người xếp thứ 10 bị mang ra chém đầu. Dù quân hay tướng, ai lập công có thưởng. Thống soái mà giành được thắng lợi quan trọng, khi trở về Rôma sẽ được nghênh đón khải hoàn. Trước những đòn tấn công của quân Rôma có sức chiến đấu mạnh mẽ như vậy, quân Tarăngtơ liên tiếp thua trận, đành phải cầu cứu vua Pirốt nước Êpirút ở phía bắc Hy Lạp.

Pirốt là một vị thống soái rất có tài năng quân sự. Tự cho mình là người kế tục sự nghiệp của Alêcxăngđrơ, Pirốt say sưa với mộng bá vương muốn thiết lập một đế quốc hùng mạnh ở khu vực Địa Trung Hải, nên đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Tarăngtơ. Đầu mùa xuân năm 280 trước Công nguyên, Pirốt đem quân tới nam Italia. Đạo quân của Pirốt gồm hai vạn bộ binh đầy đủ vũ khí hạng nặng, hai nghìn xạ thủ và ba nghìn kỵ binh, ngoài ra còn có 20 thớt voi chiến lần đầu tiên xuất hiện trên đất Italla. Những con voi chiến này đều được huấn luyện cẩn thận. Khi lâm trận, đàn voi xông tới, ngoài người điều khiển, trên minh voi còn có bốn người lính tay cầm trường mâu, uy lực thật đáng sợ.

Dưới chân thành Hêraclea tây nam Tarăngtơ, quân Rôma lần đầu tiên giao chiến với quân Pirốt. Trận đánh diễn ra cực kỳ ác liệt. Quân Rôma được huấn luyện công phu, chiến đấu dũng cảm, vẫn trụ vững trước sức tấn công mạnh mẽ của quân Pirốt được tổ chức chặt chẽ, có vũ khí tốt Sau 7 lần giao chiến, hai bên vẫn bất phân thắng bại. Pirốt quyết định cho kỵ binh và voi chiến xung trận. Trước đây, người Rôma chỉ nghe nói đến voi qua lời kể của các lái buôn và những khách lữ hành, lần này tận mắt được nhìn thấy những thớt voi chiến khổng lồ cứ, lừng lững xông pha nên không khỏi hốt hoảng. Ngựa nhìn thấy voi tháo chạy tứ tung, quân lính lũ lượt rút về phía sau. Voi chiến, kỵ binh, bộ binh thay nhau xung phong, quân Rôma bị đánh tan tác. Trong trận này, quân Rôma chết và bị thương 7000 người, 2000 người bị bắt sống.

Tuy vậy, người Rôma không để mất niềm tin. Khi quân của Pirốt tiến cách kinh thành Rôma còn vài chục cây số, Viện Nguyên lão đã bổ nhiệm “quan Độc tài”, hay còn gọi là “đictato”. Người giữ chức vụ này do Viện Nguyên lão tiến cử, quan Chấp chính bổ nhiệm trong trường hợp quốc gia lâm nguy. Nhiệm kỳ của Đictato không quá 6 tháng, nhưng trong thời gian đó quyền lực của ông ta là vô hạn. Dưới sự chỉ huy của Đictato, quân Rôma anh dũng chống lại quân xâm lược. Pilốt nhận ra mình đã tiến quân vào quá sâu mà chưa nắm chắc phần thắng lợi, đành lui quân về Tarăngtơ để tránh qua mùa đông.

Tháng Tư năm sau, Pirốt lại đem quân tiến công Rôma. Hai bên đã giao chiến dữ dội ở gần thành Asculum tây bắc Tarăngtơ.

Rôma tập trung ở đây 7 vạn quân và đã chế ra được một loại chiến xa mới trên chiến xa chất đầy củi, trường mâu và các dụng cụ đánh voi. Vì họ biết thú vật là giống sợ lửa. Chiến binh tay vung trường mâu, đầu giáo buộc một ngọn đuốc tẩm dầu cháy rừng rực. Người Rôma chọn trận địa có lợi cho mình, đó là một vùng nhấp nhô đầy những cánh rừng. Ngày đầu tiên tác chiến, quân Rôma đánh thắng vì Pirốt không phát huy được ưu thế của lính phóng lao, kỵ binh và voi chiến. Sang ngày hôm sau, Pirốt khôn khéo lừa được quân Rôma ra khỏi rừng, hai bên đánh nhau trên một trận địa bằng phẳng, lợi thế binh lực của Pirốt được phát huy đầy đủ, kết quả quân Rôma đại bại.

Trận đánh này, phía Rôma mất 6000 quân, trong đó có cả quan Chấp chính của họ. Pirốt cũng phải trả giá đắt: tổn thất 3500 quân, bản thân ông cũng bị thương nhẹ. Pirốt biết ông không thể bổ xung những thiệt hại đó ở Italia được. Bởi thế sau khi trận đánh kết thúc, khi mọi người kéo đến chúc mừng thắng lợi, Pirốt đã than vãn:

– Chỉ một thắng lợi như thế này nữa thì ta phải trở về Êpirut một mình!

Từ đó, câu “thắng lợi kiểu Pirốt” được dùng để chỉ một thắng lợi trên thực tế đã gần với thất bại.

Năm 275 trước Công nguyên, trận giao chiến lớn cuối cùng giữa Pirôt với quân Rôma đã diễn ra ở gần thành Bênêvăng. Pirốt âm mưu chiếm trước trận địa tương đối tốt, lệnh cho quân sĩ hành quân ban đêm, nhưng không may bị lạc đường. Quân Rôma chớp thời cơ bố trí binh lực. Lần này, lại chính voi chiến đã làm quân Pirốt tan tác. Các xạ thủ Rôma tập trung hỏa tiễn bắn như mưa vào đàn voi. Đàn voi kinh hoàng quay đầu tháo chạy như điên, dẫm chết vô số binh lính Pirốt. Quân Rôma thừa thắng truy kích, đánh chiếm doanh trại của Pirốt, bắt sống hơn 1000 lính địch và 4 thớt voi. Pirốt nhờ kỵ binh hộ vệ thoát được thân. Mùa thu năm đó, Pirốt dẫn đám tàn quân vượt biển quay về Hy Lạp. Ba năm sau, ông bỏ mạng trong một trận chiến đấu trên đường phố.

Chính vào năm Pilốt hy sinh, tức là năm 272 trước Công nguyên, Rôma đã chinh phục xong Nam Italia. Và chỉ vài năm sau, toàn bộ Italia đã thuộc về tay người Rôma.

Chọn tập
Bình luận
× sticky