Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thế giới 5000 năm

Hội Diễn Hý Kịch

Tác giả: Chu Hữu Chí
Chọn tập

HỘI DIỄN HÝ KỊCH

Đối với người Cổ Hy Lạp mà nói, dịp vui vẻ nhất trong năm chính là lễ hội diễn kịch. Vào quãng giữa tháng Ba, tháng Tư hàng năm, những mẻ rượu nho mới được đưa ra chợ. Cùng với lễ mừng “Thần rượu nho” bao giờ cũng tổ chức hội thi diễn kịch. Chẳng những người Aten mà người ở thành bang khác và bạn bè nước ngoài cũng lũ lượt kéo đến nhà hát lớn Aten xem kịch.

Nhà hát được xây dựng dước chân một ngọn núi trong thành Aten. Giữ gìn trật tự ở đây là những nô lệ nước ngoài tay cầm gậy gỗ. Trời còn chưa sáng, mọi người đầu đội vòng hoa, mặc quần áo mới màu sắc sặc sỡ đã đến để giữ chỗ. Vì là lễ hội diễn kịch mà lại diễn những vở bi kịch có ý nghĩa, nên phụ nữ, trẻ em, nô lệ, thậm chí tù nhân cũng được phép đến xem. Bắt đầu từ cuối thế kỷ V tr. CN, chính quyền Aten đã phát không vé xem kịch cho công dân, do đó người nghèo khổ cũng có cơ hội đi xem biểu diễn.

Khi mặt trời vừa nhô cao, nhà hát đã ngồi đầy 15.000 người, hầu như một nửa số công dân Aten thời đó có mặt. Mặc dù người xem rất đông, nhưng không xảy ra cảnh hỗn loạn vì luật pháp quy định xem hát là quyền lợi thiêng liêng của người Aten, ai chen lấn xô đẩy người khác sẽ bị xử trọng tội.

Nhà hát to đẹp quá!

Một người nước ngoài bước vào nhà hát đã kêu lên thán phục.

Thật vậy, đây là nhà hát ngoài trời mà người Aten rất tự hào. Toàn bộ nhà hát xây dựng dựa vào sườn đồi. Chỗ ngồi của người xem là các bậc thang bố trí theo độ dốc của quả đồi, chỗ thấp nhất thì dùng đá và gỗ dựng thành, chỗ cao thì trực tiếp đặt ngay vào sườn đồi, ở giữa có những đường thông nhau tiện cho người xem đi lai. Hình dáng nhà hát như một chiếc quạt xòe ra thành nửa hình tròn, cho nên còn gọi là nhà hát tròn. Phía trước chỗ ngồi của người xem là một bục tròn, đây là chỗ của giàn nhạc và đội diễn xướng. Phía đầu bục tròn là sân khấu, các diễn viên sẽ biểu diễn ở đây. Giữa sân khấu và hàng ghế ngồi cao nhất của người xem có một độ cao hợp lý cho nên người ngồi xa nhất vẫn có thể nghe rõ ràng lời nói của diễn viên.

Hội diễn ca kịch bắt đầu. Vở kịch đầu tiên là “Prômêtê bị xiềng” của Etsin. Tác giả đã dựa vào một câu chuyện thần thoại mà viết ra. Chuyện kể rằng: Chàng khổng lồ prômêtê lấy trộm lửa của Thần Dớt đem tặng cho người trần, lại dạy cho loài người biết nấu ăn chín, cách giữ lửa và đúc kim loại, chế tạo công cụ, nên đã bị Thần Dớt trừng phạt. Nhưng Prômêtê không chịu khuất phục, chịu đựng mọi nỗi đau đớn. Sau được anh hùng Hêraclets giúp đỡ, chàng được giải phóng. Theo quy định của hội diễn, đây chỉ là một trong ba vở diễn nối tiếp nhau của một bi kịch gọi là “Tam bộ khúc”. Tác giả chẳng những phải tự viết kịch bản mà còn phải tự phối nhạc, tự đạo diễn, tự biểu diễn. Đội nhạc cử nhạc, cả nhà hát lập tức im lặng. Thực ra cái gọi là đội nhạc chẳng qua chỉ có hai nhạc công, một người thổi sáo hai ống, một người chơi thụ cầm. Khi họ cử nhạc, đàn đồng ca 12 người cất lên những tiếng ca lanh lảnh. Sân khấu không có màn, diễn viên bước ra sân khấu, sau khi chuẩn bị xong tư thế thì bắt đầu diễn.

– Ồ ! Có hai diễn viên!

– Áo quần, giầy mũ đẹp quá chừng!

Thấy diễn viên bước lên sân khấu, người xem sửng sốt reo lên.

Đây quả là một chuyện mới! Vì trước đây, trên sân khấu chỉ có một diễn viên duy nhất. Diễn viên mang mặt nạ, lần lượt đóng nhiều vai, đối thoại với đội trưởng đội đồng ca. Bây giờ Etsin lần đầu sáng tạo ra hai vai diễn, như vậy diễn viên có thể đối thoại với nhau trên sân khấu. Hơn nữa, trước đây diễn viên mang mặt nạ nên phục trang không cần chỉnh tề lắm. Lần này Etsin để mình và diễn viên kia mặc những bộ trang phục đẹp đẽ, bên trong nhồi bông, lại đi những giầy ủng cao gót nên hình thể vừa cao lai vừa to. Sự cải cách này làm cho người xem cảm thấy mới lạ, đương nhiên cũng rất hài lòng.

Diễn xuất bước vào cao trào: Một trận mưa to gió lớn gào rú ầm ầm, Prômêtê lấy trộm lửa vì hạnh phúc của loài người đang bị thần Rèn Hêphaistôt áp giải, đóng đinh, xiềng vào mỏm núi đá trên dãy núi Capca cao ngất hoang vu theo lệnh của Thần Dớt. Hàng ngày thần sai chim ưng đến mổ rỉa ruột gan chàng. Ban đêm vết thương liền miệng thì khi trời sáng, chim ưng lại đến moi ăn. Nhưng Prômêtê vẫn ngẩng cao đầu, đứng thẳng hiên ngang bất khuất.

Khi thần Sông cưỡi phi mã bay đến khuyên chàng hòa giải với Thần Dớt, chàng đã kiên cường nói:

– Không, quyết không hòa giải. Không lật đổ quyền uy của Dớt, nỗi khổ đau của ta sẽ không chấm dứt!

Trên các hàng ghế khán giả bỗng vang lên những tràng vỗ tay. Tinh thần lẫm liệt vì nghĩa lớn của Prômêtê đã làm xúc động sâu sắc lòng người xem.

Cuối cùng, anh hùng Hêraclet bước ra sân khấu. Người anh hùng này thuở còn nằm nôi đã bóp chết hai con rắn độc, bây giờ chàng giết chết con thần ưng, giải thoát cho Prômêtê.

Người xem lại một lần nữa vỗ tay nhiệt liệt, ca ngợi Prômêtê dũng cảm chống cường bạo, hy sinh thân mình để mưu cầu hạnh phúc cho loài người.

Trong ngày hội diễn ca kịch, trên sân khấu biểu diễn liên tục nhiều vở kịch, suốt ngày không nghỉ. Nếu kịch không hay, người xem liền đem đồ ăn thức uống mang theo ra cùng ăn uống, thậm chí còn ném đá lên sân khấu. Theo quy định, đánh giá hội thi, chia thành ba loại. Vở diễn thành công là loại một, không thành công là loại ba. Phần thưởng của loại một là một con dê. Tan buổi diễn, trên đường về nhà, người xem còn đọc thuộc lòng những câu nói hay nhất trong vở kịch.

Etsin là một trong ba tác giả bi kịch lớn nổi tiếng nhất ở Cổ Hy Lạp thế kỷ V tr. CN. Hai người kia là Sôphốc và Ơrifít. Từ nhỏ, Etsin ưa chuộng chính nghĩa và có lòng nhiệt tình yêu nước. Ông đã từng tham gia chiến dịch Maratôn chống quân xâm lược Ba Tư. Trong đời mình, ông đã viết 70 vở bi kịch và hài kịch, được 13 lần tặng thưởng. Sau khi ông qua đời, con ông đã đưa những di cảo của ông ra biểu diễn trên sân khấu, lại được tặng thưởng 4 lần nữa. Tiếc rằng những bi kịch của ông tới nay chỉ còn giữ lại được 7 vở. “Prômêtê bị xiềng” là tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng nhất trong số đó.

Hí kịch Cổ Hy Lạp có vị trí rất xứng đáng trong lịch sử hí kịch thế giới: Nhiều vở sau khi cải biên vẫn còn được công diễn tới hiện nay. Ngày hội diễn kịch ở Hy Lạp được khôi phục lại từ năm 1938. Tại thành Aten bây giờ vẫn thường công diễn những vở kịch củ a Cổ Hy Lạp xưa.

Đó là một buổi sáng sớm mùa hè. Trên dòng sông ở thành Ôlempia miền nam Hy Lạp, những chiếc thuyền trang hoàng lộng lẫy đến từ hội đỗ san sát. Có thuyền từ các thành bang trên đất Hy Lạp đến, cũng có thuyền đến từ Hắc Hải, từ ven bờ Địa TrungHải và cả ở thành bang Hy Lạp trên đất Tây Ban Nha xa xôi Trong thành, ngoài thành, ngựa xe đi lại tấp nập, đâu đâu cũng thấy người mặc quần áo mới đẹp đẽ. Họ là những vận động viên đến tham gia hội thi tài và những người đi xem. Cứ bốn năm một lần, hội thì tài ộlempia lại được tổ chức. Đây là ngày hội của hòa bình, vì thế trong thời gian thi tài, mọi cuộc chiến tranh đều phải tạm ngừng.

Một ông già vừa bước lên bờ đã xúc động nói với đứa con trai khoảng 10 tuổi đứng bên cạnh:

– Ôi, đất thánh, đất thánh Ôlempia, ta đã đến nơi rồi!

– À…

Cậu bé hoa mắt trước cảnh tượng rực rỡ sắc màu trên bờ, nói không ra lời.

Khắp nơi mọc lên những chiếc lều vải và những căn nhà dựng tạm đơn sơ, mọi người đang mua bán huyên náo ở đấy.

– Lại đây con, trước hết ta phải đến Rừng thiêng lễ Thần Dớt đã – nói đoạn, ông già kéo đứa con đi về phía một khe núi.

Rừng thiêng đã đông nghịt người tới lễ thần. Mọi người đi theo hàng lối trật tự đến trước đài lễ nghi ngút khói lửa. Ông già dẫn cậu bé cung kính quỳ xuống trước đài lễ rồi lấy ra một đùi cừu vùi vào trong đống lửa.

– Cha ơi, kia là cái gì vậy? – Cậu bé chỉ vào dẫy cột đá và những bức tượng nhỏ.

– Ờ, đấy là những lễ vật của các thành bang dâng lên Thần Dớt.

Còn những bức tượng kia.

Ông già phấn chấn nói. Là tượng những người thắng xuất sắc trong hội đua tài, thật vinh dự biết chừng nào!

Ông già dẫn cậu bé đi tiếp đến tòa đền chính ở Rừng thiêng, đền thờ thần Dớt.

Vừa bước vào trong đền, cậu bé sững người trước pho tượng Thần Dớt to lớn uy nghi, Toàn thân pho tượng như đều làm bằng vàng ngọc, đá quý và ngà voi.

– Con ạ, pho tượng thần này là niềm kiêu hãnh và vinh quang của người Hy Lạp chúng ta. Ai chưa được một lần nhìn thấy thì thật là nuối tiếc suốt đời.Người Hy Lạp ta cứ bốn năm lại tổ chức một lần hội thi tài là để tế lễ vị thần Dớt vĩ đại này.

Ngày hôm sau, trời chưa sáng rõ, cậu bé đã được ông già đánh thức để kíp đến trường đấu. Đây là một sân vận động xây dựng ven sườn núi có thể chứa được bốn vạn người. Khi hai cha con đến nơi thì sân vận động đã kín người.

Mặt trời hiện ra, tiếng kèn vang lên lanh lảnh, cả sân vận động chợt im lặng. Mọi người nhìn thấy các nhà lảnh đạo hội thi và các trọng tài mặc trang phục mầu đỏ tiến vào trong sân, đi quanh một vòng. Cả đấu trường vang lên tiếng reo hò hoan hô như sấm dậy.

Tiếp đó vang lên hồi kèn thứ hai. Một quan chức bước lên bục hô to:- Người dự thi chạy, vào sân!

Sau khi các vận động viên vào sân, vị quan chức nọ đọc thứ tự tên từng vận động viên, tên cha mẹ, nơi sinh và thành bang cư trú; Rồi hỏi to những người đến tham dự xem có nghi ngờ gì về quyền công dân của những vận động viên này không.

Cậu bé tò mò hỏi ông già:

Làm thế để làm gì hở cha?

– Là để thẩm tra tư cách công dân của họ. Nếu họ không phải là người Hy Lạp, hoặc là nô lệ, là người đã bị kết tội thì không được quyền tham dự thi tài.

Sân vận động lặng đi một lát, không có ai thắc mắc. Các vận động viên lần lượt tuyên thệ. Nghi lễ kết thúc ở đây.

Cuộc thi chạy bắt đầu. Các vận động viên xoa dầu ô liu khắp người, sau khi bốc tham, chia thành năm tổ để thi chạy. Sau đó những người thắng ở các tổ lại vào thi với nhau. Kết quả, một thanh niên quý tộc đã giành chức quán quân. Theo quy định, lễ hội Ôlempia lần này sẽ được đặt tên theo tên gọi của người giữ chức quán quân.

– Anh ấy là người thành bang chúng ta – Ông già xúc động ôm chặt cậu bé – Anh ấy đã mang lại vinh dự mãi mãi cho thành bang ta.

Sau cuộc thi hành là cuộc thi chạy ở các cự ly khác nhau. Tiếp đó là cuộc thi đấu vật được mọi người mong chờ nhất. Hai đấu sĩ đầu đội mũ đồng, tay quấn vòng sắt dây da. Ai đánh ngã đối thủ xuống đất ba lần, người đó thắng cuộc. Khi người bị thua mặt đầy máu me được khiêng ra, cậu bé sợ quá gục đầu vào lòng cha.

Sáng sớm hôm sau ông già lại dắt con đến sân vận động. Hôm nay thi các môn ném đĩa, phóng lao và nhẩy xa. Các vận động viên tham dự nhảy xa được trọng tài đưa đến nuột bãi đất riêng. Hai tay vận động viên cầm quả tạ hai đầu, giơ lên phía trước. Trọng tài hô “Nhảy!”, họ phải nhanh chóng ném quả tạ lại phía sau, dùng sức hai chân nhảy vọt về đằng trước. Vận động viên tham dự môn ném đĩa, tay phải cầm chiếc đĩa sắt khá nặng, quay người mấy vòng rồi dùng tay trái che lên đầu gối phải, vươn mình ném chiếc đĩa bay đi. Còn phóng lao chẳng những phải phóng cho xa mà còn phải phóng trúng một mục tiêu nhất định. Kết quả cuộc thi, người thắng cuộc trong mấy môn đó vẫn là chàng thanh niên quý tộc nọ.

Ông già luôn mồm gào lên:

– Vẻ vang thay! Vẻ vang thay!

Môn thi ngày cuối cùng là đua xe ngựa và đua ngựa. Một chiến xa do bốn ngựa kéo chạy 12 vòng qua cây cột xuất phát. Khi vào vòng lượn, người điều khiển kéo căng dây cương như căng dây cung, mình gập xuống. Bỗng nhiên một cỗ xe do người điều khiển không khéo bị lật nghiêng đổ xuống vỡ tan. Khi sắp đến đích, người điều khiển phải nhảy xuống xe nắm giây cương chạy theo ngựa đang phi để cùng về đích.

Sau khi kết thúc cuộc đua xe và đua ngựa, lễ trao thưởng được tổ chức long trọng ở cạnh đền Thần Dớt. Quan chức trong ban lãnh đạo trịnh trọng đọc tên những người thắng cuộc trong các môn thi, tên cha mẹ, nơi sinh và thành bang nơi cư trú. Các trọng tài trịnh trọng mang những vòng hoa đội lên đầu người chiến thắng. . .

Cậu bé không hiểu, hỏi cha:

– Làm như vậy là có ý nghĩa gì?

Ông già nghiêm trang trả lời:

– Con ạ, chớ có coi thường những vòng hoa bình thường đó. Những cành ô liu đó đều lấy từ cây ô liu ở đất này. Nó còn quý hơn cả vàng bạc và châu báu. Những người được phần thưởng này sẽ mãi mãi được mọi người tôn kính.

Sau lễ trao thưởng, cuộc điều hành bắt đầu, Các trọng tài đi trên cùng, tiếp theo là những người thắng trong các môn thi. Họ mặc quần áo mới sặc sỡ, đầu đội những vòng hoa tết bằng cành ô liu, tay cầm cành cọ. Vây quanh họ là các tăng lữ sứ thần và những người tổ chức lễ hội. Trong tiếng kèn giữ nhịp, họ vừa đi vừa hát. Mọi người mừng vui reo hò như điên chào đón những người chiến thắng, tung hoa lên người họ.

Đội ngũ diễu hành đột nhiên dừng lại. Trước mặt họ là một đàn tế, những người chiến thắng làm lễ cảm tạ thần linh ở đây. Sau đó họ tiến vào một tòa nhà to đẹp.

Ông già kéo tay con, nói:

Về thôi, con. Ở đây bầy tiệc rượu lớn giành cho người thắng cuộc và các quan chức, ta không có phần.

– Hội thi thế là kết thúc sao?

– Không đối với những người thắng cuộc thì hội thi vẫn chưa kết thúc. Khi họ trở về thành bang của mình, mọi người còn tổ chức lễ hội chúc mừng rất lớn để chào đón họ. Lần này, thành bang chúng ta giành được vinh dự lớn nhất, ta phải về ngay để còn tham gia lễ hội chúc mừng của thành bang!

Cậu bé khâm phục nói:

– Ai giành được phần thưởng ở hội thi tài, thật vẻ vang biết chừng nào.

Đúng thế, họ sẽ suốt đời được mọi người kính trọng, được miễn trừ mọi nghĩa vụ đối với thành bang. Họ được ngồi ghế danh dự ở nhà hát, được dựng tượng đặt tại nơi công cộng, thậm chí còn được hưởng phụ cấp suốt đời.

Việc tổ chức hội thi Ôlempia phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thể dục thể thao ở Cổ Hy Lạp. Do chiến tranh thường xuyên xảy ra, đòi hỏi người lính phải có tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và một thể chất cường tráng, cho nên tập luyện và thi đấu thể thao đã mang nội dung xã hội quan trọng. Thi đấu kết hợp với lễ tế Thần Dớt, tới thế kỷ VIII tr. CN đã trở thành cuộc thi mang tính toàn Hy Lạp. Hội thi tài Ôlempia lần đầu tiên được tổ chức vào năm 776 tr. CN. Sau đó cứ bốn năm tổ chức một lần. Trong hội thi đầu tiên, môn thi đấu chỉ có thi chạy 200 mét, sau này mới dần dần thêm các môn đấu vật, ném đĩa, phóng lao, có điều, phụ nữ không những không được tham gia thi đấu mà còn không được đến xem các cuộc thi. Nếu phát hiện thấy có một phụ nữ nào đến xem thì lập tức người đó sẽ bị ném xuống vực.

Hội thi Ôlempia cổ đại kéo dài đến cuối thế kỷ IV sau CN thì bị Hoàng đế Rôma sau khi chinh phục được Hy Lạp đã ra lệnh cấm. Từ đó gián đoạn mất 1500 năm. Năm 1894, đại hội thể dục thể thao quốc tế quyết định gọi cuộc thi thể dục mang tính tổng hợp trên thế giới là hội thi Olempic. Hai năm sau, Hội thi Olempic lần thứ nhất đã được tổ chức tại Aten Hy Lạp, cứ bốn năm một lần, tổ chức luân phiên tại các nước hội viên. Đó chính là lai lịch của hội thi Olempic hiện nay.

Bạn có biết không, trong hội thi Olempic có một môn thi gọi là “chạy Maratông” và môn này quy định cự ly chạy là 42 km thêm 195 mét nữa. Vì sao lại gọi là “chạy Maratông”? Và vì sao lại quy định khoảng cách dài như vậy? Nó có lai lịch như thế này.

Mùa xuân năm 492 tr. CN, đế quốc Ba Tư trên cao nguyên Iran hiện nay, đã phái một hạm đội lớn xâm nhập Hy Lạp, mở đầu cho cuộc chiến tranh Hy Ba nổi tiếng trong lịch sử. Không ngờ giữa đường hạm đội gặp bão lớn, toàn bộ 300 chiến thuyền đều bị chìm xuống đáy biển, hơn 2 vạn binh sĩ vùi thân trong bụng cá. Hạm đội Ba Tư chưa giao chiến đã bị tiêu diệt.

Quốc vương Ba Tư rất tức giận. Mùa xuân năm sau, lại phái sứ giả đến các thành bang Hy Lạp đòi “đất và nước”, có ý bắt họ phải đầu hàng xưng thần. Một số thành bang sợ đế quốc Ba Tư, lập tức dâng “đất và nước”, tỏ ý quy phục. Nhưng hai thành bang lớn nhất Hy Lạp là Aten và Spácta thì kiên quyết chống lại Người Aten đã đem sứ giả của Ba Tư ném từ núi cao xuống vực sâu. Người Spácta thì dẫn sứ giả đến bên giếng nước, chỉ xuống giếng mà nói:

– Dưới này có đất lại có nước, người mau mau xuống đấy, muốn lấy bao nhiêu thì lấy.

Nói lồi ném sứ giả xuống giếng. Chuyện này khiến quốc vương Ba Tư vô cùng căm tức. Ông quyết định cử các lão tướng có kinh nghiệm chiến đấu nhất thống lĩnh đại quân, viễn chinh Hy Lạp lấn thứ hai.

Năm 490 tr. CN, hạm đội hùng mạnh của Ba Tư băng qua biển Êgiê đổ bộ lên đồng bằng Maratông cách thành Aten 60 km về phía đông bắc. Nguy cơ mất nước bao trùm thành Aten. Aten liền cử ngay một tuyển thủ chạy nhanh là Philiptix chạy sang thành bang láng giềng Spácta để cầu viện. Viên “sứ giả” này quả có tốc độ chạy khinh người, chỉ trong hai ngày đã băng qua 150 km đến được Spácta. Chẳng ngờ nhà cầm quyền Spácta vin vào một tục lệ có từ xưa, trả lời rằng:

– Bây giờ không được, phải đợi lúc trăng tròn mới có thể xuất binh cứu viện.

Thật ra, họ đâu có muốn xuất binh!

Philiptix mang tin không vui này về Aten. Các tướng lĩnh Aten lập tức tổ chức cho toàn thể công dân kể cả nô lệ vào quân đội. Dưới sự chỉ huy của thống soái Mintiát nổi tiếng, đoàn quân tiến về đồng bằng Maratông quyết chiến với quân Ba Tư.

Quân Aten chỉ có 1 vạn người, còn quân Ba Tư nghe nói có tới 10 vạn người. Trước một quân địch hùng mạnh, Mintiát kêu gọi các chiến binh:

– Aten khoác xiềng xích nô lệ hay mãi mãi được tự do, tất cả tùy thuộc vào các bạn!

Những lời nói xúc động lòng người đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của các binh sĩ.

Trận kịch chiến bắt đầu: Quân Aten chiếm điểm cao ở sườn núi Maratông. Đây là một lũng sông, ba mặt là núi, phía dưới là một dốc lớn, đưa mắt nhìn có thể thấy cả doanh trại quân Ba Tư đóng trên đồng bằng. Sáng sớm hôm đó, Mitiát ra lệnh cho toàn quân lao như bay xuống dốc núi, xông thẳng vào doanh trại địch. Trận tập kích bất ngờ khiến quân Ba Tư hết sức lúng túng, nhưng chỉ một lúc sau quân Ba Tư đã nhanh chóng đột phá trận tuyến chính của quân Aten. Quân Aten vừa đánh vừa rút, quân Ba Tư đuổi sát đằng sau. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, quân Aten bỗng nhiên hò vang như sấm dậy, từ hai phía xông ra kẹp chặt quân Ba Tư vào giữa. Quân Ba Tư mải đuổi theo quân Aten nên đội hình bị kéo dài, giờ đây các phía đều có địch, đầu đuôi không ứng cứu được cho nhau, thế là ào ào nhảy xuống thuyền chạy trốn. Quân Aten đại thắng.

Mitiát muôn báo ngay tin thắng trận này cho dân thành Aten, nên lại chọn Philiptix. Tuyển thủ chạy đường dài này tuy đã bị thương nhưng vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Anh chạy như bay từ Maratông về quảng trường trung tâm Aten, xúc động nói to với mọi người đang mong ngóng:

– Chúng ta đã chiến thắng! Các bạn hãy vui lên!

Nói xong, anh ngã vật xuống đất và hy sinh.

Trận đánh Maratông thắng lợi, giúp cho Hy Lạp thoát được ách nô dịch của đế quốc Ba Tư, thúc đẩy nền kinh tế văn hóa trên bán đảo Hy Lạp phát triển phồn vinh.

Để kỷ niệm chiến thắng này và biểu dương công trạng của người anh hùng Philiptix, cuộc thi Olempic lần thứ nhất tổ chức ở Aten năm 1896 đã đặt ra một môn thi mới: thi chạy Maratông. Vận động viên bắt đầu chạy từ Maratông, đại để theo con đường mà năm đó Philiptix đã chạy qua, để về đích ở Aten, toàn bộ đường chạy dài 40 km thêm 200m. Năm 1920, cự ly này được đo đạc lại tỉ mỉ và xác định là 42 km thêm 195 m.

Sáng sớm một ngày tháng 6 năm 415 tr. CN, một hạm đội lớn đậu ở cảng phía ngoài Aten đang giương buồm chờ xuất phát.

“U… u…”  một hồi tù và bỗng vang lên trầm bổng. Không khí lặng lẽ trang nghiêm bao trùm lên mọi thứ. Người ta thấy một quân nhân trạc ngoài 30 tuổi bước lên thuyền chỉ huy, giọng sang sảng cất lên:

– Hỡi các công dân Aten! Các dũng sĩ! Hôm nay chúng ta sắp phải hoàn thành một sứ mệnh vẻ vang là chinh phục đảo Xixin tươi đẹp và giàu có. Ở đó có nhiều nô lệ rẻ mạt, có vô số vàng bạc châu báu? Nếu chủng ta không đi, nó sẽ rơi vào tay người Spacta. Các công dân? Các dũng sĩ. Để chuyến đi biển xa an toàn và viễn chinh thắng lợi, chúng ta hãy cầu nguyện đấng thần linh vĩ đại!

Người vừa nói là một trong các chủ tướng chỉ huy đội quân viễn chinh này: tướng Anxibiat. Ông trẻ tuổi, khôi ngô, có tài, học rộng, là học trò của nhà triết học Sôcrát nổi tiếng đương thời. Ông vừa nói dứt lời, trên bàn tế bốc lên làn khói xanh. Binh lính và võ quan theo phong tục cổ xưa, dùng rượu để tế thần. Tiếp đó trên thuyền và trên bờ vang lên những bài tụng ca, hạm đội xếp thành hàng dọc từ từ rời cảng.

16 năm trước, để tranh ngôi bá chủ Hy Lạp, Aten và Spacta đã nổ ra chiến tranh. Cuộc chiến kéo dài 10 năm. Hai bên chẳng ai có thể giành được thắng lợi nên đã ký “Hiệp ước liên minh năm mươi năm” vào năm 421 tr. CN. Năm sau, Anxibiat trẻ tuổi được bầu làm tướng ở Aten liền ra sức cổ vũ tiến quân sang Xixin, đánh Spacta. Những bài diễn thuyết hùng hồn của Anxibiat đã dàm xúc động nhiều người. Cuối cùng, Đại hội công dân đã phê chuẩn kế hoạch viễn chinh của ông. Đồng thời, bổ nhiệm thêm một vị thống soái nữa cho cuộc viễn chinh này là Nixiax, mặc dù ông này phản đối viễn chinh, thậm chí còn chỉ trích Anxibiat đã vì danh vọng và của cải mà chủ trương viễn chinh mạo hiểm, nhưng Đại hội công dân vẫn quyết định ông và Anxibiat cùng chỉ huy cuộc viễn chinh này.

Đêm trước ngày hạm đội lên đường, trong thành Aten bỗng xảy ra một sự kiện kỳ lạ. Chỉ trong một đêm, nhiều tượng thần Hecmet dựng ở các ngã tư đường đều bị hủy hoại khuôn mặt, Thần Hecmet là thần của nghề thủ công và nghề buôn bán ở Hy Lạp, cũng là thần bảo hộ hàng hải và những người ra khơi Người Aten mê tín cho rằng đây là điềm chẳng lành cho cuộc viễn chinh.Vụ án lớn khinh nhờn thần thánh như thế này phải truy cứu cho ra. Phải chăng đây chỉ là trò ma quỷ của những người đối lập với Anxibiat bày ra. Anxibiat rất tức giận đòi lập tức phải thẩm tra vụ án. Nhưng ngày xuất quân không thể kéo dài, đoàn quân viễn chinh vẫn xuất phát đúng kỳ hạn.

Hạm đội rời Aten, men theo bờ biển bán đảo Pêlôpône mà đi. Hạm đội gồm 100 chiến thuyền, mỗi thuyền rộng 6m dài hơn 40m, cao 3 tầng, trang bị hơn 150 mái chèo. Sau khi đi tới Coxyra, phía bên kia biển là Italia, hạm đội đón nhận các hạm thuyền của thành bang đồng minh, hợp thành một hạm đội lớn gồm 134 chiến thuyền và hai thuyền lớn 50 mái chèo. Trên thuyền có bộ binh trang bị nặng và nhẹ, kỵ binh cùng thợ đá, thợ mộc gồm hơn 3 vạn người. Ngoài ra còn có 30 thuyền chuyên chở quân nhu và vật tư gồm phần lớn là lương thực và các công cụ xây dựng doanh trại.

Hạm đội viễn chinh băng qua biển Ađriatíc, men theo bờ biển Italia tiến xuống, phía nam, ít lâu sau tới đảo Xixin và đổ bộ lên phía đông đảo, giao chiến với ky binh Syracudơ.

Đúng vào lúc này lại xảy ra một chuyện bất ngờ. Aten phái đến một chiến thuyền mang theo mệnh lệnh của Đại hội công dân, đòi Anxiblat phải lập tức trở về Aten để thẩm vấn. Thì ra phe chống đối Anxibiat nhân lúc ông không có mặt ở Aten đã tìm cách làm cho Đại hội công dân thông qua nghị quyết, buộc Anxibiat vào tội khinh nhờn thần thánh và có âm mưu chống lại nhân dân.

Anxibiat phải trao quyền chỉ huy cho Nixiax, theo chiến thuyền trở về Aten. Trên đường về, nhân lúc mọi người sơ ý ông nhảy xuống biển bỏ trốn. Tin truyền về Aten, Đại hội công dân phán quyết xử ông tội tử hình và tịch thu toàn bộ tài sản.

– Ta cần phải cho họ biết, ta vẫn sống?

Anxibiat nghiến răng nói sau khi thoát hiểm. Ông không ngần ngại chạy sang hàng ngũ người Spacta, kẻ thù của thành bang ông, không những thế còn bày cho người Spacta kế hoạch đánh bại Aten. Thế là Spacta lập tức phái hạm đội đến yểm trợ cho Syracudơ, đồng thời cho bộ binh đến chiếm Tixiria, liền kề Aten. Người Spacta đã thực hiện đúng kế sách này, giáng cho Aten một đòn chí mạng.

Từ khi Anxibiat ra đi, chiến cuộc ở Xixin bất lợi cho Aten. Spacta nhanh chóng phái một hạm đội đến chi viện cho Syracudơ. Nixiax vốn không chủ trương viễn chinh Xixin nên hành động chậm chạp, do dự không quyết, chỉ ra lệnh cho binh sĩ đắp một bức tường ngoài thành Syracuđơ. Trong khi đó, được quân cứu viện Spacta đến, sĩ khi quân dân Syracudơ phấn chấn hẳn lên, đã khẩn trương đắp một bức tường thành chống bao vây. Như vậy kế hoạch của Nixiax mưu toan cắt đứt đường viện trợ trên bộ cho Syracudơ đã bị thất bại. Ít lâu sau, nhiều nô lệ chèo thuyền và thủy thủ thuê mướn bắt đầu bỏ trốn. Chất đốt và nước uống trên thuyền cũng thành chuyện khó khăn. Nixiax sợ hãi vội vàng yêu cầu Aten tăng viện, hoặc miễn trừ chức vụ cho ông ta.

Sau khi Spacta chiếm được Tixiria cách Aten hơn 20 km? sự an toàn của Aten bị uy hiếp nghiêm trọng. Aten rơi vào hoàn cảnh muôn phần nguy hiểm. Nhưng vì muốn giành được thắng lợi ở Xixin, Aten vẫn phái đạo quân viễn chinh thứ hai lên đường.

Lần này, 72 chiến thuyền của Aten chở theo 8 nghìn bộ binh, nhưng qua mấy lần giao chiến vẫn bị thất bại như trước, cuối cùng buộc phải rút quân. Đêm 27 tháng 8 năm 413 tr. CN, đúng lúc Aten chuẩn bị rút quân thì bỗng nhiên xẩy ra nguyệt thực. Nixiax nghe theo lời khuyên của nhà tiên tri, ra lệnh sau hơn ba tuần nữa sẽ rút quân. Việc này giúp cho Syracuđơ có thời gian huấn luyện và chỉnh đốn hải quân. Chẳng bao lâu, hạm đội Syracuđơ đã đánh tan tác hạm đội Aten.

Quân Aten chỉ còn hy vọng rút lui theo đường bộ. Bốn vạn quân trên đường rút, luôn luôn bị kỵ binh và bộ binh Syracuđơ tập kích. Ngày đầu tiên đi được 7 km, ngày thứ hai chỉ đi được 3 km. Đến ngày thứ năm, quân Aten mất nguồn cung cấp lương thực, đi không nổi 1 km.

Sau mấy ngày huyết chiến, quân Aten chỉ còn lại 7 nghìn người. Nixiax cho người đến xin đàm phán với quân Syracuđơ, nhưng bị cự tuyệt. Cuối cùng Nixiax buộc phải đầu hàng. Ông bị áp giải vào trong thành và lập tức bị xử tử. Bảy ngàn tù binh Aten phần lớn bị bán làm nô lệ, số người khác bị đưa đến làm lao động khổ sai ở các công trường khai thác đá lộ thiên, chưa được một năm đều chết hết do làm việc quá sức.

Cuộc viễn chinh Xixin đã làm cho Aten tổn thất mất đội quân bộ tinh nhuệ nhất và hầu như toàn bộ hạm đội. Sau đó cuộc chiến tranh giữa Aten và Spacta tuy còn kéo dài gần 10 năm nữa, nhưng thảm bại ở Xixin đã quyết định số phận cuối cùng của Aten.

Quả đúng như vậy. Năm 404 tr. CN, hạm đội Spacta phong tỏa Aten. Aten sau bốn tháng bị vây hãm, lương thực trong thành cạn kiệt, cuối cùng phải đầu hàng Spacta. Điều kiện đầu hàng rất khắc nghiệt: Aten phải trả lại tất cả vùng đất chiếm được trước đây, ngoài 12 chiếc thuyền tuần tra ra, toàn bộ hạm thuyền phải giao nộp cho Spacta và phải thừa nhận Spacta làm minh chủ. Cuộc chiến tranh kéo dài 27 năm đến đây chấm đứt. Vì bên chiến thắng là Spacta nằm trên bán đảo Pêlôpône và địa danh này được dùng để đặt tên cho Đồng minh của họ, cho nên trong lịch sử gọi cuộc chiến tranh này là chiến tranh Pêlôpône. Nhưng cuộc chiến tranh này cũng đã làm suy yếu Spacta. Kể từ đó các thành bang trên toàn bán đảo Hy Lạp đều bị suy yếu dần. Thời đại phồn vinh trong lịch sử Cổ Hy Lạp đã một đi không trở lại. Chẳng bao lâu sau, Hy Lạp cuối cùng đã bị nước báng giềng hùng mạnh Maxêđônia ở phương Bắc chinh phục.

Kim tự tháp lớn Ai Cập xây dựng xong đã trải qua hơn 1000 năm, nhưng rút cục vẫn không ai biết chiều cao đích thực của tháp là bao nhiêu. Không ít các nhà toán học đã dùng nhiều phương pháp đo đạc, tính toán nhưng vẫn không biết được chiều cao chính xác của tháp. Vào một ngày xuân ở thế kỷ VI tr. CN, khí trời mát mẻ, sắc xuân rung động lòng người, một du khách người Hy Lạp đi đến trước Kim tự tháp. Mọi người nghe nói ông hiểu biết về toán học, liền cố ý hỏi:

– Ông có thể tính được tòa tháp này cao bao nhiêu không?

– Có thể. Việc đó rất đơn giản.

Câu trả lời của lữ khách làm mọi người cười ồ, nhưng ông vẫn ung dung, thong thả nói:

– Đây quả thực rất đơn giản, nếu không tin xin mời Pharaôn của các ông đến đây, tôi sẽ tính ngay tại chỗ để các ông xem.

Ngày hôm sau, mọi người mời Pharaôn đến thật. Theo sau Pharaôn là đám đông quan chức tùy tùng. Hàng ngàn người tụ tập dưới bóng râm của những rặng dừa, bàn luận sôi nổi. Một lát sau, nhà du khách Hy Lạp cưỡi trên lưng lạc đà trang trí đẹp đẽ đi tới. Mọi người xúm lại chung quanh cùng đi đến trước Kim tự tháp. Có hàng ngàn người vây quanh ông thành một vòng tròn lớn. Du khách ngẩng đầu nhìn mặt trời, rồi thong thả bước xuống khỏi lạc đà, đứng vào giữa vòng người ánh mặt trời tạo ra sau lưng ông một chiếc bóng người ông. Chờ đến khi chiếc bóng của ông vừa bằng độ dài thân hình ông, ông lập tức cho người đánh dấu đỉnh hình tam giác, bóng của Kim tự tháp in trên mặt đất, rồi ông chạy đi đo khoảng cách từ đỉnh bóng tháp tới chính giữa đế tháp, sau đó ông nói ngay cho Pharaôn biết chiều cao của tỏa tháp.

– Làm thế nào ngươi lại biết được độ cao đích thực của tòa tháp này?

Vị Pharaôn ngồi bên cạnh ngắm nghía một hồi lâu, vẫn chưa hiểu ra.

– Điều này cũng rất đơn giản. . . – Du khách đưa tay làm hiệu và giảng giải cho mọi người rằng ông đã dùng nguyên lý toán học “bóng người = chiều cao thân người” thay cho “bóng tháp = chiều cao của tháp” như thế nào. Khi đó ánh mặt trời chiếu xuống mặt đất theo đúng một góc 45o, Đường sáng chiếu thẳng góc từ đỉnh tháp xuống đáy Kim tự tháp tạo với bóng tháp thành một hình tam giác vuông cân. Trong tam giác này, khoảng cách từ đỉnh bóng tháp tới điểm chính giữa đế tháp chính là chiều cao của Kim tự tháp.

– Chỉ cần đo độ dài của bóng tháp là có thể biết được độ cao của tháp.

Du khách vừa dứt lời, đám đông người lập tức vang lên tiếng hoan hô nhiệt liệt rồi xô nhau lên trước để nhìn ông cho rõ.

Vị du khách thông minh nọ là ai vậy? Đó chính là Talét, nhà khoa học lớn của Hy Lạp đương thời.

Talet sinh ở thế kỷ VII tr. CN (khoảng năm 640 tr. CN) . Cha mẹ ông đều xuất thân từ gia đình quý tộc. Từ khi còn rất nhỏ Talét đã được đưa đến học với một nhà khoa học và triết học nổi tiếng đương thời. Hơn mười năm sau ông đã vượt cả thầy. Trở nên nổi tiếng về học thức uyên bác, tư tưởng giàu tính sáng tạo.

Nghiên cứu về thiên văn, Talét không tin vào lý thuyết mà mọi người đương thời vẫn tin là mặt trời chẳng qua chỉ là một khối cầu có đường kính một thước Anh. Qua tính toán tỉ mỉ, ông nhận thấy rằng mặt trời to kinh khủng, đường kính tương đương với 11720 giải hoàng đạo. Đương nhiên ngày nay nhờ máy móc đo đạc hiện đại chúng ta biết được đường kính của mặt trời là 139 vạn km, nhưng hơn 2000 năm trước mà tính toán được như vậy quả không phải 1à dễ dàng.

Lúc đó, người ta còn chưa hiểu biết về hiện tượng nhật thực mà cho rằng có quái vật ăn mặt trời. Mỗi khi có nhật thực, mọi người đều té nước, bắn lên không trung để cứu mặt trời lấy lại ánh sáng. Talét đã có thể vén màn bí mật về “quái vật ăn mặt trời”, hiểu rõ nguyên nhân của nhật thực, lại có thể dự báo ngày xảy ra nhật thực. Một ngày xuân năm nọ, ông tuyên bố với mọi người tới ngày 20 tháng 5, mặt trời sẽ bị tối đen đi một lúc. Mọi người nghe thấy vậy đều cười ồ chế diễu ông, bảo ông là “thằng điên”. Chẳng ngờ vào ngày 20 tháng 5 ấy lại đúng vào lúc người Mya và người Lutya đang giao chiến dữ dội ở vùng đất Tiểu Á. Sáng hôm đó, tiết trời trong sáng, ánh mặt trời rực rỡ, quân hai bên đang xung trận, đầu rơi máu chảy, đang lúc không phân thắng bại bỗng nhiên mặt trời dần dần tối lại, một lát sau bầu trời tối đen. Hai bên đang đánh nhau cho rằng đã xúc phạm tới thần linh bèn lập tức nổi hiệu thu quân, ký kết hòa ước, từ đó không động đến gươm đao.

Talét nghe được tin này, bất giác cả cười:

– Không đánh nhau tất nhiên là một việc tốt, nhưng có quan hệ gì với nhật thực đâu?

Trong cuộc đời mình, Talét còn làm nhiều việc có giá trị nữa. Ông không dựa vào bất cứ máy móc gì vẫn có thể tính ra một năm có 365 ngày; qua việc nghiên cứu nước sông Nin dâng theo chu kỳ, ông đã tổng kết rút ra những kết luận toán học chính xác. Vì vậy người Hy Lạp đều gọi ông là “thánh nhân khoa học”, xếp ngang hàng với nhà cải cách chính trị Sôlôn.

Chọn tập
Bình luận